Vì sao Tolstoy chết cô đơn tại một ga xép

VÌ SAO TOLSTOY CHẾT CÔ ĐƠN TẠI MỘT GA XÉP


Lev Tolstoy, nhà văn của những huyền thoại, đã qua đời tròn một thế kỷ. Người đương thời bị sốc không chỉ vì Tolstoy đã chết trong cô đơn, tại một ga xép lạnh lẽo, mà còn bởi trước khi từ giã cuộc đời, vị bá tước này đã lặng lẽ từ bỏ trang ấp và những người thân thích của mình ra đi…

“Ta ra đi vì sự yên bình của nàng”
Tolstoy đã lặng lẽ bỏ đi, sau khi để lại cho  Sofia , người vợ mà ông gắn bó gần nửa thế kỷ, lá thư có nội dung như sau: “Xin đừng nghĩ ta bỏ đi bởi vì ta không yêu nàng. Ta yêu nàng và từ thẳm sâu trong lòng ta rất lấy làm hối tiếc, nhưng ta không thể làm khác được… Ta ra đi không phải vì ước nguyện, hay khát vọng nào đó của riêng ta, mà là vì sự yên bình của nàng, vì mối ứng xử hợp lẽ và bằng an với cuộc đời này. Thiếu vắng những điều đó, đối với ta, cuộc sống bên nàng cũng chẳng có nghĩa lý gì…Vĩnh biệt Sofia, cầu Chúa phù hộ cho nàng”.  
Lá thư khiến  Sofia  choáng váng đến mức bà đã nhảy xuống hồ trầm mình. Nhưng người nhà đã kịp thời phát hiện và cứu được bà. Trong khi đó, Tolstoy đang trong hành trình tới  Rostov . Và dọc đường đi ông đã bị quật ngã bởi một cơn sốt rét.
Hay tin chồng đang phải nằm lại ở ga Astopovo,  Sofia  vội vàng lao đến. Tuy nhiên, khi bà gặp được chồng, ông đã rơi vào trạng thái bất tỉnh nhân sự… 
Nhiều tháng trước cuộc ra đi này, không khí căng thẳng đã bao trùm lên gia đình Tolstoy. Mẫu thuẫn giữa hai vợ chồng ông nổ ra liên tục và luôn kết thúc bằng những cơn thịnh nộ hòa trong nước mắt.
Sofia , người phụ nữ gia giáo, tìm thấy một lọ nha phiến trong nhà mình. Bà dọa sẽ tự vẫn. Tolstoy khóc và xin vợ hãy bình tâm. Nhưng đó chỉ là sự bình tâm tạm thời để rồi những om xòm mới lại dấy lên. Thời kỳ này Tolstoy còn hay bị ngất xỉu kèm theo những cơn co giật.
Một buổi tối ông có thể lên cơn như vậy vài lần. Khi bí mật rời khỏi điền trang Yaskaya Polyana, cả tình trạng sức khỏe  lẫn tinh thần của nhà văn đều bất ổn. 
 

Mối tình nảy sinh từ một tác phẩm văn chương
Gia đình bà Liubov Bers (mẹ của  Sofia ) vốn thân thiết với nhà Tolstoy từ lâu. Ba cô con gái nhỏ của bà là Lisa,  Sofia  và Tanhia vô cùng yêu mến chàng bá tước trẻ tuổi Tolstoy bởi chàng rất hay ghé chơi và dạy các cô tập hát, diễn kịch. Sau đó Tolstoy vào quân ngũ nên suốt một thời gian dài các cô bé không gặp chàng nữa. 
Khi Tolstoy trở về (với tư cách là một người lính từng bảo vệ Sevastopol và tác giả đang nổi danh với “Những chuyện kể ở Sevastopol”) thì các cô bé nhà Bers đều đã trở thành những tiểu thư ở tuổi cập kê. Vẫn yêu mến Tolstoy như xưa, nhưng giờ đây, trong mắt các cô, thay cho niềm hân hoan con trẻ là mối quan tâm, sự hiếu kỳ đầy nữ tính. 
Sự xuất hiện của Tolstoy đã khiến cuộc sống của các cô xáo trộn. Mỗi lần hay tin chàng đến chơi là các cô lại tíu tít chuẩn bị đón tiếp và đặc biệt là lo sửa soạn cho người chị lớn Lisa phục sức thật xinh đẹp. Bởi ai cũng tin rằng Tolstoy sẽ chọn Lisa làm vị hôn thê. Thậm chí mọi người còn đoán xem chàng sẽ cầu hôn ra sao, vào ngày giờ nào. 
Thế nhưng một năm đã trôi qua mà chẳng có biến chuyển gì. Khi biết là mình chẳng thể tính chuyện hôn ước với Lisa, để tránh gây ảo vọng cho các cô gái, Tolstoy thậm chí đã quyết định sẽ không đến chơi nhà Bers nữa.
Nhưng rồi, có một sự kiện xảy ra:  Sofia , cô em kế Lisa bỗng dưng xoay qua sáng tác văn chương. Và khi hoàn tất  “kiệt tác” đầu tay, nàng đã đem ra đọc cho mọi người nghe. Tolstoy lập tức nhận ra nhân vật “vị hầu tước từng trải có vẻ ngoài rất không hấp dẫn” trong câu chuyện đó chính là mình. Lòng tự ái của Tolstoy bị tổn thương, nhưng không hiểu sao chàng bỗng nhìn Sofia  bằng cái nhìn khác hẳn và đột nhiên… phải lòng nàng. 
Kể từ đó, ngày nào Tolstoy cũng đến chơi nhà Bers và chăm chú quan sát  Sofia . Ánh mắt của vị bá tước từng trải ấy khiến thiếu nữ  Sofia  vô cùng bối rối. Nàng thú nhận với cô em gái Tanhia: “Chị sợ là chị đã yêu Tolstoy”. Và khi Tolsstoy ngỏ lời, không chút chần chừ, nàng đáp: “Xin vâng!”. 


“Đêm, giấc ngủ nặng nề. Không phải là nàng”
Trước khi gặp  Sofia , cuộc sống của Tolstoy không thể gọi là nghiêm túc, chỉn chu. Như nhiều chàng quý tộc trẻ tuổi thời ấy, Tolstoy cũng ham mê rượu chè, đàn bà, các trò đỏ đen và nhiều thú tiêu khiển khác. Tolstoy cho rằng giấu diếm vợ tương lai những lầm lỗi thời trẻ là không đứng đắn, là gian trá nên trước đám cưới chàng đã đưa cho  Sofia  toàn bộ nhật ký của mình.
Qua những cuốn nhật ký  Sofia  mới được biết về các khoản nợ nần do cờ bạc, những cuộc bù khú say sưa, về các cô gái làng mà Tolstoy từng kết giao. Biết cả chuyện một cô gái Digan mà vị bá tước trẻ định chung sống, cả chuyện cô thôn nữ Aksinia đã “gắn bó” với ông chủ ở điền trang Yasnaya Polyana trong những đêm hè như thế nào, cả chuyện về cô nương Arsenieva mà Tolstoy định cưới…  Sofia  rất thất vọng. Nàng không thể hình dung Tolstoy lại như vậy. Nhưng rốt cục tình yêu của  Sofia  dành cho Tolstoy vẫn chiến thắng: ngày  23/9/1862  họ làm lễ kết hôn, khi cô dâu mới 18, còn chú rể đã 34. 
Ngay cả đêm tân hôn cũng là một cú sốc đối với thục nữ  Sofia . Trong nhật ký nàng viết: “Với chàng, vật dục đóng vai trò rất quan trọng trong tình yêu. Thật là kinh khủng – mà  ta thì ngược lại, không một chút nào…”.
Bản thân Tolstoy cũng mong đợi một cuộc sống gia đình khác, ông viết: “Đêm, giấc ngủ nặng nề. Không phải là nàng”. Và những cuộc cãi cọ đã diễn ra ngay trong tháng đầu tiên họ chung sống. Tuy hai người cũng nhanh chóng giảng hòa để rồi lại nồng nàn, tha thiết, nhưng trong tâm hồn mỗi người đều có một vết gợn…


Rạn nứt bắt đầu từ những băn khoăn về giai cấp
Sau đám cưới Sofia theo chồng về sống tại Yasnaya Polyana. Với sự vén khéo,  Sofia  đã khiến cho trang ấp của vị bá tước độc thân trở nên nề nếp, ấm cúng hơn. Nhưng mỗi khi những lo toan nội trợ lắng xuống, nàng lại rơi vào buồn chán. Và Tolstoy, vị bá tước luôn băn khoăn rằng giai cấp quý tộc đã được hưởng an nhàn một cách không xứng đáng, đã thử tìm cho vợ một công việc “xứng đáng” hơn: Sofia bắt đầu phải gánh vác việc chăm sóc lũ bò sữa cũng như trông coi chuyện chế biến bơ, phomat… 
Nhưng Sofia không hứng thú với những việc ấy, trại chăn bò chỉ khiến nàng thấy buồn nôn. Cuối cùng, nàng đã tự tìm ra công việc phù hợp với mình: lúc ấy Tolstoy đang viết “Chiến tranh và hòa bình”,  Sofia  quyết định sẽ giúp ông sao chép lại toàn bộ các trang nháp sửa chữa chằng chịt thành những bản thảo sạch sẽ, tinh tươm. Từ đó  Sofia  không chỉ là vợ, là người quản gia, mà còn là một thư ký đắc lực của Tolstoy.
Lần sinh nở đầu tiên của  Sofia  hết sức khó khăn. Và Tolstoy đã không rời giường vợ nửa bước. Ông nắm tay vợ, lau mồ hôi, thì thầm vào tai vợ những lời yêu thương để động viên nàng. Hai vợ chồng họ đã tràn trề hạnh phúc với sự chào đời đứa con trai đầu lòng tên là Sergey. Tuy nhiên, ngay sau đó, cũng vì Sergey mà mâu thuẫn lại nảy sinh.  Sofia  không thể cho con bú vì ngực bị viêm.
Bất chấp sự phản đối của Tolstoy,  Sofia  đã thuê về một chị vú nuôi. Tolstoy khó chịu ra mặt, ông viết trong nhật ký: “Mới sáng sớm, vừa bước vào ta đã bắt gặp bà bá tước cáu kỉnh với người hầu gái đang chải đầu cho mình… Một giờ đêm, không tài nào ngủ được, ta qua phòng nàng… mới nghe tiếng nàng than vãn đó, thế mà bây giờ nàng ngáy một cách thanh thản…”.
Những lời trách cứ vô lý của chồng đã khiến  Sofia  buồn khổ: “Nỗi đau đớn đã đè nặng lên ta. Lev thật nhẫn tâm… Chẳng chút thân ái. Như một con cún, ta đã quen với sự vuốt ve của chàng – mà chàng thì trở nên lạnh lùng…” “Ta phiền muộn, ta chỉ có một mình, độc một mình… Ta – là sự thỏa mãn, ta – kẻ hầu người hạ, ta – là một món đồ quen thuộc, ta – là đàn bà”.  
Nhưng những cơn giận của Tolstoy rồi cũng lắng dịu. Cuộc sống gia đình của họ được điều chỉnh dần. Chồng thì bận bịu với viết lách và việc dạy dỗ bọn trẻ ở trường học. Vợ thì chăm sóc con cái, nhà cửa. Sau Sergey, họ còn sinh thêm 12 đứa trẻ nữa. 


Cuộc đào thoát không khoan nhượng
Ngay trên đỉnh cao của vinh quang trong sự nghiệp (sau khi hoàn tất cuốn tiểu thuyết lừng danh “Anna Karenina”), trong suy nghĩ của nhà văn, nhà không tưởng vĩ đại này đã xuất hiện sự kiếm tìm một đức tin mới cùng những khắc khoải, dằn vặt hoài nghi về cuộc đời, về bản thân sâu sắc đến mức nhiều lần ông đã toan tự vẫn.
Rồi ông đã tìm thấy lối thoát và lời đáp cho những câu vô tận của mình trong Kinh Thánh. Ông đã soạn ra “Năm lời răn” mà theo ông con người cần sống theo, bao gồm: không giận dữ; không dâm dục; không trói buộc mình bằng lời thề; không chống lại điều ác; đối xử tử tế với cả người ngoan đạo lẫn kẻ vô đạo.
Từ đó, Tolstoy chủ chương sống theo những lời răn ấy như một cách để hoàn thiện bản thân, để tìm sự giải thoát cho con người nói chung. Ông bắt đầu ăn chay, bỏ rượu và thuốc, ăn mặc đơn sơ… Với quan niệm mỗi người cần phải tùy khả năng mà tự chu cấp cho bản thân mọi nhu cầu, ông đã tích cực tham gia vào công việc đồng áng và thậm chí còn học đóng giày để tự đóng giày cho mình. Cố gắng hướng người bạn đời theo lý tưởng sống của mình, Tolstoy còn yêu cầu  Sofia  ra đồng cùng làm việc với nông dân. Thế nên mới có chuyện bà bá tước đã phải thân chinh đi cắt cỏ và sau đó lăn ra ốm mất mấy tuần. 
Sofia  không chia sẻ được những suy tưởng, đức tin cũng như sự “đốn ngộ” của chồng và bà tỏ ra rất bất bình với ông. Trái với chồng, bà không chấp nhận từ chối quyền thừa kế gia sản mà xác định trách nhiệm đối với  gia đình riêng của mình. Bởi vậy Tolstoy chỉ có thể từ chối tác quyền những cuốn sách mới của ông và buộc phải trao quyền sở hữu đất đai cũng như tác quyền với những cuốn sách trước đó cho vợ.
Việc Sofia từ chối ngủ cùng phòng với chồng đã trở thành giọt nước làm tràn ly tức giận của Tolstoy. “Nàng không còn là vợ ta nữa! – Tolstoy phẫn nộ. – Nàng là ai? Trợ lý của chồng ư? Từ lâu rồi nàng chỉ làm phiền ta mà thôi. Là mẹ ư? Nàng đâu có muốn sinh thêm con nữa! Là người nuôi nấng chúng ư? Nàng chỉ lo giữ gìn cho mình rồi lại đi gạ gẫm mẹ của những đứa trẻ khác! Nhân tình của ta ư? Nàng thậm chí đang dùng nó như công cụ để điều khiển ta!” 
Trong cơn thịnh nộ Tolstoy còn đòi ly dị vợ. Nước mắt chan hòa,  Sofia  đã thu xếp tư trang vào vali để ra đi. Nhưng con cái đã vào cuộc để hòa giải bố mẹ. Tolstoy cũng bắt đầu khóc, khẩn khoản xin vợ hãy thứ lỗi cho ông.  Sofia  lại gạt nước mắt, quay sang an ủi chồng, lại âu yếm hôn tay ông. Nhưng chỉ được vài ngày, xung đột lại bùng phát. Xung đột dường như đã trở thành “bạn đồng hành” với cuộc sống vợ chồng nhà Tolstoy. 
Càng ngày Tolstoy càng xa lánh vợ. Ông thu mình lại và sống với những “điều răn”. Còn Sofia thì càng ngày càng hay cáu giận. Sau mỗi trận cãi vã Tolstoy lại dọa rằng ông sẽ vất bỏ tất cả, sẽ ra đi… Và cuối cùng thì ông không chỉ dọa. Ông đã ra đi thật sự. 


 Em yêu anh


Đối diện với gương mặt vô hồn của Tolstoy trước lúc ông trút hơi thở cuối cùng,  Sofia  thổn thức: “Levochka yêu dấu. Vì sao chứ? Bao nhiêu năm qua em đã là người vợ chung thủy của anh. Điều gì xảy ra với anh vậy? Đã từ lâu em không hiểu nổi anh. Vĩnh biệt, chồng yêu dấu của em, em yêu anh…” 
Cuộc “đào thoát” khỏi Yasnaya  phải chăng là một cuộc “đào thoát” không khoan nhượng của nhà quý tộc Tolstoy khỏi giai cấp mình? Phải chăng chỉ bằng cách đi vào “tuyệt lộ”, ông mới mong tìm thấy lời giải những câu hỏi về cuộc đời, về bản thân vẫn đeo đuổi ông? Những câu hỏi ấy có được trả lời hay không, chỉ riêng Tolstoy mới biết mà thôi. 


Phan Minh Ngọc (Dịch từ báo chí Nga)