- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
TRANG TRẠI TÔ VŨ
(Xin tặng những ai tuổi Mùi)
Truyện ngắn của HOÀNG ĐÌNH QUANG
(Truyện in trong tập “5 năm truyện ngắn hay” do nhà Xuất bản CAND ấn hành)
Tôi về làng lần này nghe dân tình kháo nhau dữ lắm. Tưởng chuyện gì, thì cũng lại chuyện anh Phúc. Mà cũng chẳng hiểu ra làm sao, anh Phúc cứ mãi mãi là đầu têu ra những chuyện để cái “phố cong môi” của làng tôi quan tâm bàn tán. Thì đã đành một nhẽ, chả thế mà cái phố toen hoẻn, tự phát hình thành từ mấy cái kẹo dồi chè chén để rồi thành nơi thu thập, tin tức, rồi biên tập cho nhuyễn ra để phát đi, mười phần chả chắc còn được ba, bốn. Phố xóm, phố làng ấy mà, chả có tên, vậy mà không biết vị tiên sinh nào đã đặt cho một cái tên là phố Cong Môi. Quả đáng bậc hiền minh? Cái tên sao mà vừa kêu, vừa hay, mà chuẩn xác đến thế.
-Thì bà cứ nói hẳn ra như thế có phải không! Tôi có mấy người bạn tên là Phúc cơ. Ông bạn ngày bé của tôi cũng tên Phúc, Phúc Trều ấy, bây giờ làn thợ cơ khí gò thùng ở đầu phố Cong Môi ta đây, bà biết không?
-Thế ra cái nhà ông ấy cũng là bạn ông à? Có phải cái ông “cung cấp súng” cho cái thằng bắn què chân thầy giáo Mạnh phải không? Nhưng cơ mà tôi hỏi ông Phúc Sếnh cơ…
Giá kể, đừng làm nghề viết lách, bố bảo tôi cũng không có thì giờ ngồi lê ở phố Cong Môi. Tôi bỗng tò mò hỏi lại bà Tư Nhoèn:
-Thế anh Phúc làm sao hả bà Tư?
-Thế ông không nghe gì à? Đi rồi! Đi hẳn rồi, bỏ vợ con ở nhà, một mình tếch vào ở tận Khe Đù…
Quả là tôi chưa nghe chuyện anh Phúc bỏ nhà cửa, vợ con ra đi một thân, một mình. Tội thân thế, gần sáu mươi rồi còn non nước gì. Hay là lại sinh tật. Ai chứ ông tướng này thì dám lắm…
Khe Đù thì xa xôi, hẻo lánh lắm, nhưng không nguy hiểm bằng Đá Mọc, tuy Đá Mọc gần với làng tôi hơn. Hồi bé, tôi nghe các cụ bảo sở dĩ có cái tên là Đá Mọc, vì mỗi năm, cái tảng đá to bằng ngôi nhà lại mọc to ra một ít. Đá ấy là đá thần, đêm đêm đá lớn, đá bé từ mãi Nga Sơn, Núi Ngạng… kéo nhau về tụ họp. Đám choai choai chúng tôi đã có lần mò vào tận nơi, quả tảng đá có những nốt sần như đế giày, mà mỗi cái nốt ấy cứ mọc dài ra từ trăm ngàn đời nay. Không những thế, hàng trăm tảng đá lớn bé cứ lâu lâu lại “mọc” ra từ lòng đất, lổn nhổn đây đó, tạo thành một bãi đá đầy vẻ hoang vu và thần bí. Đấy là một nơi không ai đến làm gì, vừa thiêng, lại vừa khó ăn, trồng cấy gì được đâu mà ham. Thế mà anh Phúc dám vào đấy để định cư, để lại cả một cơ ngơi khá “hoành tráng”, mà anh, vợ anh rồi các con anh bao năm gầy dựng. Chắc hẳn phải có duyên cớ!
***
Bây giờ nói về anh Phúc. Năm 1972, lúc tôi bị thương ở Đức Cơ, vào trạm xá điều trị, có một ông anh già đầu trọc lốc đến hỏi:
-Mày là thằng Quang phải không?
-Vâng! Anh là ai mà biết tên em? Tôi nghi ngại hỏi lại.
-Tao là xem danh sách ở quân lực, thấy mày là người xóm dưới…!
Tôi càng ngớ người, chẳng hiểu gì. Thấy thế, anh già càng vặn:
-Mày có họ với cái Nghĩa, con nhà ông Nhân Nghĩa, đúng không?
-Vâng! Tôi vẫn lạnh nhạt vì không biết anh là ai, “cái Nghĩa” là đứa nào. Anh ta cười trông sao mà kinh hãi đến thế, cái miệng vêu vao, hàm răng vổ vàng khè, chỉ có đôi mắt là tinh quái cười cợt:
-Thế mà mày vẫn không nhớ ra à? Sốt rét làm hỏng mẹ nó đầu óc rồi phải không? Thế này vậy, tao là Phúc, con bà Cai Vận. Còn mày là thằng Quang, con ông Bách Quang ở xóm Sủ…
-Ối giời! Thế mà anh chẳng nói thẳng ra, cứ ỡm ờ làm sao em nhớ ra. Mà em biết anhh từ hồi em còn bé tí, mười mấy năm làm sao mà nhớ…
Tự dưng tôi thấy anh Phúc hiền lành, không có chút gì là kinh dị như lúc nãy. Anh em ôm lấy nhau hàn huyên. Đến hôm tôi ra viện, đến chào anh, anh Phúc mới kể cho tôi nghe, rằng anh cũng bị thương, không nặng nhưng nguy hiểm. Tôi hỏi nguy hiểm thế nào, vào đầu, chấn thương sọ não à? Dứt khoát anh không nói. Mãi sau anh nói nhỏ đầy vẻ buồn bã: “vào đầu đã may, nó lại vào cái chỗ… chỗ lấy vợ!”. Lúc đó, tôi còn trẻ quá, nên an ủi anh một câu cực kỳ vô duyên: “Sống được là may, lấy vợ làm gì cho nó khổ đời hả anh!?. Tôi không ngờ câu nói của tôi lại là nỗi ám ảnh của anh. Cho đến cuối năm 1975, lúc tôi về phép. Anh Phúc ra quân từ tháng 9, nghe tin tôi về anh đến thăm ngay. Lúc này trông anh đã khá hơn, không vêu vao kinh dị như hồi ở Gia Lai. Anh bảo tôi:
-Chú có nhớ anh nói với chú hồi anh bị thương không?
Mãi tôi mới nhớ ra, và giật mình:
-Chết thật! Thế có chữa được không?
-Được rồi! Nhưng mả mẹ nó không biết đứa nào nó phao tin rằng tao mất cái ấy, nên ông Nhân Nghĩa không chịu gả cái Nghĩa cho tao.
Thì ra anh đã để ý đến “cái Nghĩa” từ hồi nào. Ông Nhân Nghĩa là bác tôi, một con người cực kỳ cố hữu và lập dị. Một tay gia trưởng khét tiếng, mà lại chỉ có mỗi chị Nghĩa là con gái, nên bác tôi càng dữ dằn. Tội thân anh Phúc, thiếu gì con gái, lại đi hỏi chị Nghĩa làm gì cho khổ, tôi nghĩ thế. Anh Phúc gạ tôi:
-Tối nay anh với chú đến thăm nhà ông Nhân Nghĩa đi!
Tôi đồng ý. Nhà bác tôi ở một mình trên một cái gò, đường đi gió bấc thổi buốt mặt. Gần chục năm ở miền Nam không chịu rét, hai hàm răng tôi cứ đánh vào nhau như khua mõ. Trước khi đánh tiếng gọi cổng, trêu chọc bọn chó dữ nhà bác Nhân Nghiã, tôi xin kể tóm lược về ông bác tôi. Ông bác tôi tên là Hoàng Đình Nhân, trước đây có đi lính khố đỏ cho Pháp, lên đến cấp “bếp” (khốn khổ, binh nhất) rồi giải ngũ. Ông đã sang đến tận Châu Phi, Mangat… Năm vỡ đồn Tây 1945, ông tham gia du kích, rồi huấn luyện cho dân quân, cả nam lẫn nữ. Các bậc ấy sau này kể lại răng ông bếp Nhân ác lắm. Ai không ngay hàng thẳng lối hoặc cười đùa trong lúc tập là ông phạt ngay, bắt nhốt vào chuồng trâu. Một trong những cô du kích ngày ấy là vợ ông bếp Nhân. Sau này, có chị Nghĩa, không thấy ai gọi bác tôi là “ông Bếp” nữa, mà gọi ghép với tên con gái là ông Nhân Nghĩa. Ông Nhân Nghĩa vốn đã nổi tiếng, nhưng do cách sống của ông, ông lại càng nổi tiếng hơn. Sau hoà bình, ông chọn một quả đồi, đưa vợ con lên ở, hầu như biệt lập với xung quanh. Trong nhà ông nuôi một bầy chó, mà cầm đầu là một con chó thiến mà người ta đồn là ông cho một miếng mảnh sành vào chỗ thiến, khiến con chó càng sủa, càng đau, càng dữ! Ông nuôi nhiều con quái vật lắm: rắn, trăn, kỳ đà và cả một con cáo nữa. Cứ ba ngày con cáo xơi một con gà giò! Chả biết tiếng đồn thật hay bỡn, bởi chúng tôi, tuy có họ hàng thật, nhưng vừa sợ, lại vừa ghét ông, nên chẳng bao giờ héo lánh! Thỉnh thoảng tôi cũng gặp ông một khi có giỗ tết và những khi ông lùa một đàn dê của ông đi chăn. Cái lũ dê này cũng thần tình, cứ mỗi khi qua đường, chúng để lại những cục phân nhỏ như viên bi, đen bóng…
Đến cổng, chúng tôi thủ sẵn mỗi người một cây gậy, rồi réo cổng:
-Chị Nghĩa ơi! Chị Nghĩa…
Lập tức bầy chó sủa tung trời. Một lúc sau có tiếng chị Nghĩa hỏi vọng ra:
-Ai đấy?
-Em đây! Em là Quang, con ông Bách Quang ở trong Nam mới ra, đến thăm hai bác với chị đây… Tôi kể một lèo cả tên bố tôi cùng với công trạng của minh để lấy lòng tin của cha con ông Nhân Nghĩa.
Chị Nghĩa xách cái đèn bão ra, theo sau là mấy con chó cận vệ, thấy tôi chị quát bầy chó, lập tức chúng im ngay và tản sang hai bên mai phục. Thấy tôi, chị cười đon đả, nhưng khi thấy anh Phúc, lập tức, chị nín bặt, và hình như cũng có ý mai phục.
Hoá ra ông bà Nhân Nghĩa cũng là người xởi lởi. Chuyện, anh em tôi, tôi và anh Phúc là những “chiến sĩ giải phóng” vừa từ chiến trường ác liệt trở về, cả làng cả nước còn phải nghiêng mình thán phục nữa là….Căn nhà rộng nhưng không lạnh lắm vì có một đống lửa un gốc xuể , toả mùi thơm nồng nàn. Đối diện với anh em tôi, ông bác quấn cái chăn chiên đến cổ, ông chỉ nói chuyện với tôi, nhưng cứ liếc sang anhh Phúc, làm anh cứ ngồi im như thóc, thỉnh thoảng lại cựa quậy trên cái tràng kỷ ọp ẹp. Bác gái tôi và chị Nghĩa ngồi bên giường thỉnh thoảng cũng góp chuyện bằng những câu “ô, á, suýt soa…”. Chuyện vãn một lúc sau, ông bếp hình như cũng bốc máu lính trong người, hất tung cái chăn ra khỏi vai, rít thuốc lào trong cái điếu bát sành sạch. Bất ngờ, ông hỏi tôi:
-Cháu có bị thương không?
-Dạ có, được xếp hạng, nhưng chưa có sổ…
-Thế à? Bị vào chỗ nào?
Chợt tôi bật cười, nhớ lời anh Phúc, tôi nói vui:
-Dạ, phổi và mắt. Nhưng mà thưa bác, không ảnh hưởng gì đến chuyện…lấy vợ!
Không ngờ tôi lại dám nói một câu khá hỗn như thế. Được cái, cả nhà cười vang, ông bác cũng cười nên tôi đỡ ngượng. Bác bếp tôi bật cái đóm tành tạch:
-Bố tiên nhân anh. Thế kỳ này về cưới vọ chứ…
-Dạ, cháu cũng định cưới vợ, nhưng họ chê, bác ạ. Người ngợm xanh như sâu rau thế này, lại nghèo rớt, các cô ấy chê. Mà cả cha mẹ các cô cũng ngán ngẩm… Tôi quyết định “nêu vấn đề” theo tinh thần mà tôi với anh Phúc đã thống nhất. Bác gái ngồi bên kia giường goáp vào:
-Ai mà chê các anh. Các anh bây giờ có giá, làm cao là phải…
-Chúng cháu có làm cao gì đâu hả bá! Hai anh em cháu hồi gặp nhau ở chiến trường, cùng bị thương có hẹn nếu sống mà về thì anh Phúc lấy vợ trước, rồi mới đến cháu, anh Phúc nhỉ (Phúc ta gật đầu bẽn lẽn). Anh Phúc cũng là thương binh nhưng vẫn khoẻ chán, thế mà còn bị chê đấy…
Tự dưng cả nhà im lặng một cách khó hiểu. Không ai đáp lời tôi, chỉ có anh Phúc đá vào chân tôi một cái rõ mạnh. Tôi nghĩ mình đã nói câu gì thất thố, đâm lo. Ông bếp nạp thuốc, chị Nghĩa toan đứng vào buồng trong, tôi đánh liều:
-Hay là bác bá gả chị Nghĩa cho anh Phúc đi!
Vẫn im lặng. Ông bếp hút xong điếu thuốc, nhả khói, rồi nói với anh Phúc, đây là câu đầu tiên kể từ lúc anh Phúc bước vào nhà:
-Tôi thương anh, nhưng trước hết anh phải chữa chạy vết thương trong người, sau đó anh phải làm cho tôi phục anh, tin anh, tôi sẽ gả con Nghĩa cho…
Tôi chả hiểu cái ẩn ý của ông bác trong câu nói, rồi bấm anh Phúc ra về. Câu chuyện tối hôm ấy đại loại như thế. Tôi hết phép trở lại miền Nam, rồi chuyển ngành ra dân sự, công tác tại Sài Gòn. Lâu lắm mới về qua nhà, vì chả có tiền, cơ quan lại không có chế đô thanh toán tàu xe như Nhà nước cho phép. Về rồi lại hấp hoảng đi ngay. Chuyện của anh Phúc tôi không biết thế nào. Nhưng mấy năm sau, tôi nghe tin anh đã lấy chị Nghĩa thật, đẻ một loạt bốn đứa, toàn con trai… Tôi mỉm cười nghĩ lại vậy là cái “chỗ lấy vợ” của anh không có vấn đề gì!
***
Lần này nghe tin anh Phúc “bỏ làng” vào Đá Mọc, tôi tranh thủ phóng lên nhà anh. Sau khi lấy được chị Nghĩa, anh Phúc noi gương ông nhạc, ra chiếm lĩnh một quả đồi, chẳng chung đụng, ráp vách với ai. Mọi việc, từ lớn chí bé, anh đều cố làm một mình, chẳng nhờ ai. Mươi năm sau, quả đồi của anh Phúc xanh um tùm, nhìn xa thấy thích mắt, nhưng cứ như một khoảng rừng thiêng, diệu vợi. Đúng là anh không có nhà, chị Nghĩa, vợ anh tiếp tôi với vẻ mặt dàu dàu:
-Người đâu mà hâm lạ hâm lùng, cậu ạ. Ông ấy về quê người bạn ở Hà nam xong về được vài bữa tuyên bố với cả nhà là “tao sẽ đi vào Đá Mọc, thằng Tùng đi với bố, thằng Thông, thằng Quế còn đi học thì ở ngoài này với mẹ mày…”. Cậu tính thế có quái đản không kia chứ!
-Thế còn thằng Tiến?
-Nó sang hợp tác lao động ở Hàn Quốc, cậu chưa biết nhỉ?
Tôi đi loanh quanh trong vườn, chuối mùa đông vàng áy, nhưng cam thì vàng đỏ, nom đã muốn chảy nước giãi. Tôi đến bên thành giếng, ngó xuống cái miệng giếng rộng cỡ thuớc rưỡi, nước trong văn vắt, ngó thấy cả vầng trời. Tôi hỏi chị Nghĩa:
-Gớm, bác Phúc nhà em đào làm gì cái giếng to thế, định để cả xóm ăn chắc?
Chị Nghĩa rũ ra cười:
-Ấy đấy, chỉ có ông hâm mới đào giếng thế chứ ai đời! Năm đẻ thằng Tiến, còn phải vào xóm gánh nước ăn, anh ấy bảo để anh ấy đào giếng. Đào thì tốt, nhưng phải nhờ vả, rồi ăn uống, mình đang túng, thôi hay là cứ để em đi gánh đỡ một dạo. Chẳng nói chẳng rằng, sang hôm sau, anh ấy ra phát bụi chuối, khoanh một vòng tròn bằng cái nong. Giếng đấy! Khi thấy sâu độ hơn mét, anh ngồi thừ ra nghĩ ngợi, tôi bảo, anh xuống dưới, để trên bờ em kéo đất hộ anh. Anh lừ mắt nhìn tôi: “Cứ lo chăn con, để đấy cho tớ”. Thế rồi thấy anh đem cái ba lô bộ đội ra, tôi tưởng anh định đi đâu, lo quá. Ai ngờ, sáng hôm sau, anh đeo ba lô xuống giếng, đào được đến đâu, anh ấy lại cho vào ba lô, đeo lên lưng, trèo lên đổ! Rõ tội! Thấy cái miệng giếng quá to, đào tốn nhiều công, tôi góp ý, anh bảo:”Em có biết khối đấy! Giếng hẹp thì đeo ba lô lên thế quái nào được? Với lại, giếng lớn thế này, không sợ thiếu khí, chết ngạt…”.
Tôi nghe anh nói, thương quá cậu ạ. Người đâu, phải cái xấu người nhưng tốt bụng nhất trần đời…
***
Tôi nhất quyết vào Đá Mọc tìm anh Phúc, dễ có gần hai chục năm, anh em chưa gặp nhau rồi còn gì. Cậu em tôi bảo, xe máy không vào được, xe đạp thì quãng được quãng không, tôi bảo cứ đèo tôi đi, quãng nào không đi được xe thì tôi đi bộ. Lăn lội gần buổi sáng, tôi mới tìm thấy “Trang trại Tô Vũ” của anh Phúc. Cái tên trang trại viết bằng vôi trên tấm ván mộc được trương lên giữa cái cổng chào. Tôi còn chưa kịp nghĩ vì sao lại có cái tên Tô Vũ, thì một con chó dé đã phón ra sủa nhặng lên. Thấy tôi lếch thếch, thằng con anh chưa nhận ra nó bảo bố cháu ở mãi tít trong kia kìa, để cháu đi gọi. Ừ, giá kể còn khỏe tôi vào tìm anh rồi, nhưng bây giờ tôi đã mệt muốn bã người, chỉ toan kiếm chỗ kềnh. Ngôi nhà trống tuềnh, tiếng mọt nghiến trèo trẹo trên mái lá cọ, nghe buồn buồn, khiến tôi díp mắt lại. Nhưng chỉ một lúc sau tôi bị khua dậy bởi tiếng kêu be be của hàng trăm con dê. Rồi tiếng khua móng của nó trên những tảng đá mọc. Anh Phúc vào cửa ngó tôi chằm chặp:
-Ra bao giờ thế? Mà cậu lại dám mò vào tận đây tìm tôi kia đấy?
Anh em ôm lấy nhau, cứ như hồi còn ở chiến trường. Ngồi nghỉ ngơi một lúc, tôi bảo anh đưa tôi ra xem cái tảng “đá mọc” ngày xưa. Tôi tìm lại cố nhân, nào ngờ tảng đá mọc ngày xưa lừng lững là thế, bây giờ thấp tè. Sao bảo nó mọc to ra kia mà.
-Nó không phải mọc ra, cậu ạ. Đúng ra là nó mòn đi, cái lớp đá phấn trôi đi theo mưa gió, còn cái phần đá hoa cương trồi lên, chứ làm gì có đá nào mọc được… Kia kìa, cậu nhìn xem, những tảng đá như đầu ông sư, trồi lên do đất màu bị bào trôi….
Tôi cảm thấy mình lớn lên, còn mọi vật thì nhỏ lại, cả anh Phúc đứng bên tôi đây, anh cũng đã bắt đầu còm xuống. Nước chảy đá mòn, mấy ai còn mãi với tuế nguyệt… Ngồi lặng một lúc lâu, tôi như chợt nhớ ra, hỏi anh Phúc:
-Sao anh lại đặt cho trang trại của anh là Trang trại Tô Vũ?
Phúc lừ mắt nhìn tôi:
-Nhà văn mà dốt thế không biết! Cậu thấy không trang trại của tôi chủ yếu là chăn dê. Cậu không nhớ cái ông Tô Vũ bị đày đi chăn dê mãi tận bắc cực là gì? Ai chăn dê, người ấy là họ hàng với ông Tô Vũ ấy cả…
Tôi cười:
-Ra vậy đấy! Thế đã có “con nhạn” nào bay qua đây chưa?
-Có ma nào dám vào đây, ngoài vợ con. Hôm nay cậu là khách đầu tiên của tôi đấy. Trang trại này đang cải tạo, rồi cũng phải thuê người…
-Sao bảo cái gì anh cũng làm một mình được cơ mà…
-Chuyện đào giếng, làm nhà khác, còn bây giờ là làm ăn kinh tế thị trường, phải tính toán, mà cũng phải để cho người khác họ kiếm miếng cơm với chứ. Mà công nhận hồi đó mình cũng ngốc thật. Cũng tại cái máu lính, cứ tưởng cái gì mình cũng làm lấy được… May mà chỉ ngốc thôi chưa đến nỗi ngu!
-Ngốc với ngu thì cũng thế?
-Khác chứ! Ngốc là vô tư, là dốt. Còn ngu thì có hẳn học thức, có lý thuyết hẳn hoi. Cậu có công nhận với tôi thế không?
Tôi cười và chợt nhớ ra:
-Này, hồi ấy anh làm thế nào mà ông bác “Bếp” của em chịu gả chị Nghĩa cho anh?
Phúc cười hơ hơ, rồi anh chợt chùng xuống:
-Ông cụ mất rồi, làm mình mất một chỗ dựa. Giá kể ông còn cố sống đến bây giờ… Tôi cũng có lỗi với cụ, cũng vì chuyện đó. Nhưng thôi, anh em mình về, bảo thằng Tùng làm bát tiết dê cho hồi sức, rồi đêm tôi kể cho cậu nghe…
Câu chuyện mà anh Phúc kể cho tôi nghe vào cái đêm giá ở bãi Đá Mọc, rặt là một chuyện hoang đường. Đúng vậy, nếu một người khác, chứ không phải anh Phúc của tôi kể lại. Khi câu chuyện anh kể xong, tôi nằm trằn trọc, vừa cưòi một mình trong bóng tối, lại vừa thấy thương anh, muốn trào nước mắt. Chuyện kín, cái chuyện đầy mặc cảm tự ái của một gã đàn ông bị đem ra diễu cợt. Bác Bếp Nhân của tôi chỉ vào một đàn dê đang làm cái việc tự nhiên của loài có tiếng là hăng say, bặm trợn, nói với anh con rể tương lai:
-Tôi không muốn con Nghĩa nhà tôi phải thất vọng khi lấy anh. Anh thấy con dê đực kia chứ? Nó thật xứng đáng được làm ông chủ…
-Cháu hiểu bác lo cho cháu.
-Thôi thế này vậy. Chuyện gì cũng có số của nó. Tôi sống gần khắp gầm trời này rồi, chưa biết sợ cái gì. Bây giờ anh làm sao để tôi sợ mà nể anh, coi như tôi phó thác con gái tôi cho anh. Hãy bắt đầu từ con dê cụ kia…
Câu chuyện nhiều tình tiết lắm, nhưng thôi, xin bạn đọc cho phép tôi không kể ra ở đây. Nó buồn! Ba tháng sau, chị Nghĩa tìm ăn khế chua, và nôn ọe dữ dội. Nửa năm sau từ cái ngày ông Bếp Nhân thách thức anh con rể, đám cưới được tiến hành, trong khi cô dâu có chửa bụng vượt mặt mà không thèm che đậy.
Sáng hôm sau, trong lúc ngồi áp chén trà nóng hổi vào một bên má, anh Phúc nhìn tảng đá mọc trầm ngâm:
-Cậu này, tôi cứ nghĩ mãi từ khi vào lập cái trang trại này. Con người ta cũng như tảng đá kia, cứ tưởng mình mọc ra, lớn lên, nhưng hóa ra lại do đất cát xung quanh lún sụt, trôi rửa. Bi kịch thật…
Tôi quay sang nhìn thẳng vào mắt anh:
-Em xin anh đừng nói gì cả. Mà cho dù có thế đi chăng nữa, thì đất cát cũng do các thế hệ đá tan ra mà thành…
Anh Phúc gật đầu, nửa như đồng tình, nửa như an ủi tôi.
Sài Gòn, Cuối năm 2002