Học xong phổ thông tôi chọn nghề dạy học và thi đậu vào Khoa Ngữ Văn ĐH Sư phạm Hà Nội I khoá 1971-1975. Với tôi đó là quãng đời đẹp nhất, ghi dấu bao kỷ niệm tuổi thanh xuân. Đó cũng là khoảng thời gian tôi tích lũy được nhiều tri thức, phương pháp sư phạm và cả vốn sống giúp ích cho hoạt động thực tiễn của mình sau này. Có thể nói rằng nếu không học ngành sư phạm cuộc đời tôi không chắc được như bây giờ.
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Cuối năm 1971, tôi háo hức nhập trường đúng lúc Hà Nội bị một trận lụt lớn. Những khúc đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ. Mỹ lại đe dọa đánh phá thủ đô. Sinh viên tỏa đi khắp nơi hộ đê sông Hồng, sông Đuống. Hàng nghìn người nối nhau như một công trường lớn, chuyền đá hộc chèn vào chân đê sạt lở. Tôi 17 tuổi, nhỏ bé, mảnh khảnh, ngạc nhiên vì mình vác được những tảng đá to nặng đến thế. Có lẽ niềm hạnh phúc được vào đại học và khí thế của tuổi trẻ bấy giờ đã cho tôi sức mạnh.
Giảng đường đại học là những dãy nhà tranh tre, không tường che chắn, nắng gió cứ tự nhiên tràn vào. Mỗi lớp hàng trăm sinh viên, thầy giảng bài không có micro, phải cố nói to để sinh viên nghe rõ. Bây giờ mỗi khi có dịp họp mặt bạn bè cùng lứa, chúng tôi vẫn nhắc đến các thầy cô dạy khoa Văn với tình cảm biết ơn, kính trọng và thương đến rưng rưng. Thầy Bùi Văn Nguyên, Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Hạnh, Thành Thế Thái Bình, Nguyễn Đình Chú, Đỗ Bình Trị, Hồ Sĩ Hiệp, Phùng Qúy Nhâm, Nguyễn Trường Phát….Cô Đặng Thị Lanh, Nguyễn Thị Hai… và nhiều thầy cô khác, những nhà giáo tâm huyết với nghề, đạo đức trong sáng, đầy tình yêu thương và trách nhiệm. Thời ấy các thầy cô nghèo lắm, hầu hết ở nhà tập thể lụp sụp, dột nát, tài sản chẳng có gì nhưng giảng bài say sưa như thể nói bằng tất cả gan ruột, tận tâm hướng dẫn chúng tôi nên đọc sách nào, nghiên cứu một đề tài khoa học ra sao….Tôi nhận ra học Văn, nhất là Sư phạm Văn không dễ dàng nhàn rỗi như một số người lầm tưởng. Sau này trở thành giáo viên với nhiều năm đứng trên bục giảng tôi thấm thía một sự thật: chọn nghề dạy học là chọn một cuộc dấn thân.
Năm 1972 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cuối, gian khổ ác liệt. Có lệnh tổng động viên, nhiều nam sinh viên vừa chân ướt chân ráo vào đại học đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sân trường ĐHSP ngập trong không khí vừa rộn ràng hối hả, vừa bịn rịn lắng sâu tiễn người ra trận.
Hà Nội năm 1972 rất căng thẳng, máy bay Mỹ ném bom, nhất là trận 12 ngày đêm tàn phá Khâm Thiên và nhiều khu phố khác. Nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, trường học đi sơ tán. Chúng tôi tạm xa giảng đường về những vùng quê. Chiếc ba lô nhỏ giành ưu tiên đựng sách vở tài liệu học tập. Trong bài thơ “Nhớ một khoảng đời” tôi viết: “Quên làm sao kỷ niệm thời sơ tán/ lớp học đơn sơ bên lùm cây/ thầy giáo giảng thơ trong tiếng rú máy bay/ cơm sinh viên mỳ nhiều hơn gạo/ nhưng cuộc sống mỗi phút giây trở thành kỳ diệu/ bởi tình người gắn bó thương yêu”.
Sang năm học thứ 3 tôi vinh dự được Khoa cử tham gia đoàn đi thực tế vào Đội Thanh niên xung phong 245 Hà Bắc do Thầy Bùi Công Minh làm trưởng đoàn, cùng với thầy Văn Nhân và một số sinh viên có khả năng văn nghệ, hoạt động phong trào. Đội Thanh niên xung phong 245 có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường từ Hà Bắc lên Lạng Sơn. Đặc biệt tuyến đường sắt có rất nhiều hầm. Bom Mỹ thường xuyên đánh sập các cửa hầm nhằm cắt đứt mạch máu giao thông vận chuyển hàng hóa, vũ khí và bộ đội ra tiền tuyến. Ban ngày chúng tôi cùng các chị thanh niên xung phong san lấp hố bom, chuyển đất đá giải phóng những cung đường. Tối đến lại sinh hoạt văn nghệ. Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Văn Nhân, cao gầy, điềm đạm, tâm hồn nghệ sĩ. Thầy kiên nhẫn, tận tụy tập và đệm đàn cho tôi hát, biểu diễn phục vụ thanh niên xung phong. Thầy Bùi Công Minh thì góp ý cho những bài thơ tôi mới sáng tác. Thầy bảo chỉ cần cắt bỏ hai câu đầu và sửa vài từ sẽ thành một bài thơ hay. Tôi rất nể phục thầy, với tôi thầy là một nhà thơ. Vài năm sau đó thầy viết bài thơ “ Hành khúc ngày và đêm” được phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng. Hồi ấy tôi cũng không thể ngờ sau này mình lại trở thành một nhà thơ. Nhưng tôi biết những gì tôi đạt được hôm nay đều làm nên bằng ký ức.
Giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chúng tôi trở lại trường, được sống những ngày tươi vui hạnh phúc nhất của cuộc đời sinh viên; được đọc sách ở Thư viện, tham gia Hội thảo khoa học; gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, tổ chức Câu lạc bộ thơ sinh viên, giao lưu với các trường đại học…Hạnh phúc nhất là những đợt thực tập Sư phạm được làm cô giáo, hồi hộp, lo âu nhưng khi giảng bài thì bỗng nhiên như được siêu thoát.
30 tháng tư năm 1975 thống nhất đất nước cũng là lúc chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi vui sướng không cầm được nước mắt, nhất là mấy đứa con gái có người yêu là lính cứ ôm nhau mà khóc, dù không biết ai còn, ai mất nhưng đất nước thì đã chấm dứt chiến tranh. Tôi hạnh phúc hơn các bạn tôi, vì, sau 21 năm tập kết ra miền Bắc gia đình tôi sẽ được trở về quê hương Khánh Hòa. Tôi có người yêu vốn là bạn cùng khoa Văn, nhập ngũ năm 1972, anh cũng trở về sau này trở thành bạn đời của tôi.
Cầm quyết định của Tổ chức khoa Văn ĐHSP, phân công tôi về Khánh Hòa dạy học, tôi ngỡ như mình bay trong mơ. Tôi đã kịp trở về dạy khóa học đầu tiên sau giải phóng tại trường PTTH Võ Tánh ( sau đổi tên là trường Lý Tự Trọng) T.P Nha Trang. Cuộc đời tôi từ đó trải bao thăng trầm, thành bại, nhưng trong khoảng sâu lặng nhất của lòng mình, tôi có một ngôi trường mang tên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Lê Khánh Mai