Phạm Tú Châu tổng thuật
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
I. Khuynh hướng sáng tác
Sáng tác thơ của lứa sau 80 từ lâu dã được giới nghiên cứu trẻ Trung Quốc để tâm tìm hiểu. Trong bàiThơ thần tính và thơ khẩu ngữ của lứa sau 80, Thầm Qua cho rằng hiện đang tồn tại hai khuỵnh hướng thơ : một là thơ “thần tính – bán thần tính” (1) như nhà thơ lãng mạn Hải Tử, Lạc Nhất Hòa nổi tiếng vào những năm 80 làm đại biểu ; hai là thơ “khẩu ngữ” viết về cuộc sống đời thường, không còn tinh thần cao quý thịnh hành từ những năm 90 đến nay, tiêu biểu là Hàn Đông, Y Sa, Vu Kiên v.v…Đi sâu phân tích, Thầm Qua cho rằng, do thời đại xui khiến, chỉ thiểu số nhà thơ sau 80 tiếp nối được truyền thống “thần tính”, song cũng chưa trọn vẹn, tạm gọi là “bán thần tính”. Trạch Anh, Cốc Vũ, Tiêu Thủy, Lưu Đông Linh thuộc loại này. Tiếp đó, anh phê phán kịch liệt thơ sau 80 sáng tác theo khuynh hướng “khẩu ngữ” vô độ, không biết kiềm chế, cho rằng “thần tính hầu như bị khẩu ngữ hoàn toàn lấn át”. Chính vì thơ lứa sau 80 đầy rẫy những lời lẽ thô thiển, tục tằn mà lại được phổ biến rộng rãi đã dẫn đến sự hiểu lầm lớn. Người ta cho rằng thần tính cao cả đã tuyệt tích trong đầu óc lứa sau 80, tuy nhiên vẫn có những nhà thơ tuy dùng khẩu ngữ là chính nhưng vẫn đề xướng cởi mở, dung hòa như Lão Đao, Đinh Thành, A Phỉ, Lâm Hoa v.v…
Nhà phê bình Kim Lãng không tán thành cách chia của Thầm Qua, cho rằng thơ của lứa sau 80 về cơ bản phát triển theo ba khuynh hướng : 1. Mông lung – hậu mông lung- trí thức (2), tiêu biểu là thơ của Hùng Yên, Cốc Vũ, Đường Bất Ngộ. 2. Thế hệ thứ ba (3) – khẩu ngữ – dân gian, tiêu biểu là thơ của Mộc Hoa, Xuân Thụ, Toàn Phúc. 3. Đời thường – nửa thân dưới (4), tiêu biểu là thơ của Lý Sỏa Sỏa, A Phỉ.
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Nghĩa tán thành hai khuynh hướng đầu trong nhận định của Kim Lãng và cho rằng chúng nảy sinh từ hai quần thể tác giả : một là sinh viên đại học hoặc tốt nghiệp đại học chưa lâu, phần lớn là con cái trí thức ; hai là lứa trẻ ở trạng thái phiêu bạt, bán phiêu bạt, “chín sớm” vì làm thuê bằng nhiều nghề trong xã hội nên có tinh thần phản nghịch dân gian.
II. Ngữ cảnh thời đại và tư thế sáng tác
Trong bài Sáng tác thơ của lứa sau 80 và cảnh ngộ văn hóa lịch sử của họ,
Trần Lượng cho rằng thơ của lứa sau 80 có bốn tầng lớp :
1. Ở tầng văn học, thơ bám sát đời sống đương đại, mong muốn đạt được sức sống thời đại. Ý tưởng của họ là muốn có tiếng nói riêng của mình, không bị hình thái ý thức hóa và loại hình hóa. Phương thức thể hiện kinh nghiệm sống và kỹ xảo ngôn ngữ của họ rất ít khi tươi sáng, ngây thơ của tuổi thanh xuân, thường chỉ có hiện thực và hiện thực tàn khốc.
2. Ở tầng mỹ học, họ tiếp tục chìm đắm trong hậu hiện đại, dùng “chống cao cả”, “trữ tình lạnh” để bày tỏ thú vị thẩm mỹ . Trong thơ, họ hầu hết dùng “tôn sùng thấp kém” và “thẩm xú” để phản kháng “tôn sùng cao cả” và “thẩm mỹ” của tiền bối, nhằm thoát ra khỏi bóng rợp vinh quang của tiền bối, giải tỏa nỗi lo chịu ảnh hưởng của người đi trước.
3. Ở tầng sinh mệnh học, thông qua mối liên quan giữa thể nghiệm sinh mệnh chủ thể và thế giới khách quan, đánh thức sự chân thực bản chất và tinh thần sáng suốt của tự ngã. Khi dần dần thuần thục trong cơn đau đẻ hiện đại hóa, trải qua va đập với những biến thiên xã hội và đau khổ không sao thích ứng được, lứa nhà thơ sau 80 đã thu lại cái rìu tự ngã, thuận theo số mệnh bí ẩn, từng bước khai phá độ sâu và độ rộng trong sáng tác
4. Ở tầng xã hội học, trăn trở với sợ hãi và hy vọng, một cơ chế tự vệ để tồn tại đã hình thành. Thơ của lứa sau 80 đã đẩy tới sự thách thức-sự thách thức hiện thực đối với người đọc. Đối mặt với những gai góc của cuộc sống, những phản kháng, tư tưởng, truy hỏi của họ trở thành tiếng nói về sự tồn tại.
Nhà phê bình Trương Mãnh lại chú ý đến thơ trên mạng của lứa sau 80, cho rằng sự đa dạng và tự do trên mạng đã phá thế bá chủ của lời thoại bấy lâu là chủ lưu, khiến cho thơ của lứa sau 80 được sinh thành trong hoàn cảnh tự do, cởi mở. Nhưng ngữ cảnh cởi mở cũng mang đến mấy tác dụng phụ : một là, do không có giám sát, không có tiêu chuẩn nên trên mạng xuất hiện rất nhiều đại sư và cao thủ giả hiệu. Số này kéo bè kéo cánh, chiếm núi xưng vua, lứa sau 80 lại rất dễ bị danh lợi hấp dẫn nên một số đã gia nhập nhóm này ; hai là, trong hoàn cảnh phức tạp của mạng, thơ của lứa sau 80 có thể không còn chân thành, thuần túy, trong sáng, bởi vậy đã xuất hiện rất nhiều khẩu hiệu chính trị, tính dục, bạo lực, nửa thân dưới mà thơ trở thành nơi phát tiết ; ba là , văn học thể chế hóa, hình thái ý thức hóa vẫn là hai vũ khí sắc bén giết chết lứa nhà thơ sau 80. Mạng xem ra tự do nhưng cũng có khả năng biến thành bản điện tử của báo chí văn học. Nhà thơ ở thời đại mạng đã không còn là hoàng tử cao quý thời báo giấy nữa, tư cách văn hóa của nhà thơ đang mất dần.
III. Suy ngẫm lại về hiện trạng sáng tác thơ của lứa sau 80
Nhà thơ lứa sau 80 là Lão Đao cho rằng lứa này tiếp nối ba truyền thống là thơ trí thức, thơ khẩu ngữ và thơ làng quê , nhưng kèm theo cũng có ba thiếu sót :
1.Thơ với tinh thần trí thức thiếu tính độc lập. Loại thơ này về mặt kỹ thuật đòi hỏi rất nghiêm ngặt, vậy mà tinh túy thật sự (tức tinh thần người trí thức) lại bị kỹ thuật che lấp. Trong số lứa nhà thơ sau 80 vẫn chưa có người nào thực sự là tác giả thơ trí thức. Họ kế thừa thơ trí thức những năm 90 thường chỉ là về mặt ngôn ngữ, còn về phần hạt nhân thì gián đoạn nghiêm trọng.
2. Lặp lại khẩu ngữ một cách mù quáng. Lão Đao cho rằng khái niệm khẩu ngữ ngay từ đầu đã mơ hồ, “phản văn hóa, phản truyền thống” đã trở thành khẩu hiệu ở nhiều nhà thơ khẩu ngữ. Nếu muốn “phản truyền thống, phản văn hóa” triệt để thì sự “phản” đó phải được dựa trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc văn hóa và truyền thống nhưng các nhà thơ khẩu ngữ lứa sau 80 không nhận thức được điều này, chỉ sáng tác dựa vào cảm giác.
3. Kế thừa cứng nhắc thơ làng quê. Theo Lão Đao, từ những năm 90 đến nay, thơ làng quê vẫn ở trạng thái thụt lùi và đình trệ, lứa sau 80 cần thay đổi ngữ khí, cần xuất phát từ cảm thụ thiết thực của cá nhân để mở ra một không gian mới.
Một nhà thơ lứa sau 80 khác là Lưu Đông Linh cũng cho rằng hiện tượng mô phỏng người đi trước, nôn nóng vụ lợi, kéo bè kéo cánh, thiếu thực chất thẩm mỹ độc lập, không chịu đựng nổi thử thách của thời gian ở thơ lứa sau 80 là điều rất đáng lo ngại.
Vài năm gần đây, nhà phê bình chú ý hơn về khí chất tinh thần trong thơ của lứa sau 80. Lưu Ba cho rằng lứa sau 80 vẫn còn sáng tác lối thơ tuổi thanh xuân, không mấy ai dám nhận mình đã trưởng thành về tinh thần khi đối mặt với hiện thực và văn học. Họ tránh né vấn đề này, vẫn làm thơ về phong hoa tuyết nguyệt, hoặc oán tránh tháng ngày vụn vật làm tàn lụi tinh thần. Thơ của họ đang có nguy cơ chui vào “cổ chai” vì ưa thiển cận, né khó khăn. Muốn thoát ra khỏi thế khốn khó này thì họ đừng chơi trò ngôn ngữ nữa mà chuyển sang thái độ nghiêm túc để cuối cùng vượt lên tầng tinh thần
Bài Diện mạo chỉnh thể thơ của lứa sau 80 của Hoắc Tuấn Minh có thể nói đã tổng kết trung thực những vấn đề chủ yếu của lứa nhà thơ sau 80 khi cho rằng thơ của họ vẫn trì trệ ở ngôn ngữ, kỹ xảo, biểu đạt những xung động, không gian cá nhân hóa bành trướng quá mức vì thế thơ thường đơn nhất, thiếu dung nạp những góc nhìn khác./.
Chú thích :
1. Thơ thần tính : loại thơ trong đó tác giả khảo vấn tinh thần của mình, đặt linh hồn hoặc còn gọi là tinh thần tuyệt đối lên trên hết, sắc thái thực nghiệm, tính hiện đại, hậu hiện đại chỉ ở vị trí thứ yếu.
2. Thơ thế hệ thứ ba (thế hệ tân sinh) : một đặc trưng chủ yếu là vay mượn hậu hiện đại, “phản anh hùng, phản cao cả” và bình dân hóa.
3. Thơ trí thức : khái niệm do nhà thơ Tây Xuyên nêu ra năm 1987, mong uốn nắn thơ bình dân đang tràn ngập lúc ấy; mặt khác mong làm rõ thơ chính thống là phải phục vụ hình thái ý thức.
4. Thơ nửa thân dưới : nhằm phản đối thơ nửa thân trên, chỉ trạng thái hình nhi hạ, tức những gì đã thành hình, nhấn mạnh tính thân thể, mở cánh cửa của thân thể, giải phóng sức sống chân thực bị đè nén.