- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
TRƯỜNG CA VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT THỂ LOẠI MỚI
NGUYỄN VĂN DÂN
Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình. Tuy nhiên trước đây, trường ca được dùng để gọi các tác phẩm sử thi thời cổ đại và trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả. Như thế, trường ca đã có một bề dày lịch sử lâu đời. Hiện tại, trường ca vẫn được nhiều nhà thơ lớn dành cho một mối quan tâm đáng kể. Hầu như mỗi nhà thơ trong đời mình đều ấp ủ một trường ca. Thơ ca Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có tác giả trong nền thơ ca đương đại Việt Nam còn sáng tác cả trường ca dài đến hơn 200 trang.
Tuy nhiên, với định nghĩa như trên, trường ca có thể được coi là một thể loại [còn gọi là “thể tài”] nằm giữa thể loại tự sự và trữ tình. Chính vì vậy mà vấn đề tên gọi của trường ca cũng làm nảy sinh những cuộc tranh luận sôi nổi về việc nên gọi nó là thơ dài, truyện thơ hay trường ca. Và nhiều người đã cho rằng việc mở rộng dung lượng tự sự và quy mô cảm xúc của trường ca đã “làm mờ ranh giới của các thể loại”, mà cụ thể là ranh giới giữa hai thể loại tự sự và trữ tình.
I. Trường ca, một thể loại chưa ổn định
Từ thời cổ đại đến nay, trường ca luôn chiếm một vị trí trang trọng trong nền văn học của một dân tộc cũng như trong văn học thế giới. Người ta nói đến nguồn gốc của nó ở trường ca sử thi cổ đại và trung đại (còn được gọi là anh hùng ca). Tuy nhiên nó lại không hề là một thể loại ổn định trong hệ thống các thể loại văn học. Có thể nói, từ thời cổ đại đến nay, trường ca đã trải qua những bước tiến hoá sâu sắc, đến mức khi nói đến trường ca hiện đại, người ta không thể hình dung nó như cách đây 2-3 nghìn năm.
Chính vì vậy mà đã có nhiều cuộc tranh luận về tên gọi của trường ca, về những đặc điểm của thể loại trường ca hiện đại, về vị trí và vai trò của nó trong hệ thống các thể loại thơ ca nói riêng và trong hệ thống các thể loại văn học nói chung. Ngoài những bài giới thiệu và bình luận về các tác phẩm trường ca cụ thể được đăng rải rác trên báo và tạp chí từ đầu những năm 1960 đến nay, chúng ta thấy xuất hiện một loạt các bài lý luận về trường ca với tư cách là một thể loại. Những cuộc tranh luận như thế đã được bắt đầu từ 1975 với bài “Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca” của Lại Nguyên Ân trên “Tạp chí văn học” số 4. Đến 1980, tạp chí “Văn nghệ quân đội” đã mở một mục trao đổi với tiêu đề “Về thể loại trường ca”, thu hút được sự tham gia của đông đảo các nhà văn, nhà thơ cùng các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học. Sau đó, “Tạp chí văn học” cũng tiếp nối cuộc trao đổi này. Rồi các báo mạng cũng đăng tải nhiều bài viết trao đổi về thể loại trường ca. Cụ thể, trên “Văn nghệ quân đội” tháng 11-1980 đã có các bài viết: “Trường ca – cảm hứng, bản lĩnh, sức vóc của người viết” của Nguyễn Trọng Tạo, “Về mấy đặc điểm của trường ca” của Vương Trọng, “Vài ý nghĩ nhỏ” của Trần Mạnh Hảo, “Trường ca và người viết trường ca” của Phạm Ngọc Cảnh, “Trường ca, một kiến trúc tổng hợp của thơ ca” của Thu Bồn. “VNQĐ” tháng 12-1980 có bài “Vài suy nghĩ về thể loại trường ca” của Hữu Thỉnh. “VNQĐ” tháng 1-1981 có các bài: “Về thể loại trường ca” của Từ Sơn, “Bàn góp về trường ca” của Lại Nguyên Ân. “VNQĐ” tháng 2-1981 có các bài: “Thơ và chuyện trong truyện thơ” của Hoài Thanh, “Về thể loại trường ca và tính chất của nó” của Trần Ngọc Vương, “Thêm vài ý nghĩ” của Hồng Diệu. “Tạp chí văn học” số 6-1982 có các bài: “Từ ý kiến về trường ca sử thi của Hê-ghen đến “trường ca” hiện đại ở ta” của Đỗ Văn Khang, “Chung quanh vấn đề trường ca” của Vũ Đức Phúc, “Trường ca, vấn đề thể loại” của Mã Giang Lân. “TCVH” số 1-1983 có bài “Trường ca” của Phạm Huy Thông. “TCVH” số 3-1984 có bài “Về đặc trưng của trường ca” của Hoàng Ngọc Hiến. “TCVH” số 5-6/1988 có bài “Thử phân định ranh giới giữa trường ca và thơ dài” của Mã Giang Lân. Cuốn kỷ yếu hội thảo “Việt Nam nửa thế kỷ văn học <26-9-1995>” (Nxb. Hội Nhà văn, H., 1997) có bài “Trường ca – thành tựu của nền văn học mới” của Vũ Văn Sỹ. Báo “Người Hà Nội” số 51 ngày 18-12-1999 có bài “Về một đặc trưng trường ca qua “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn” của Phạm Quang Trung (đăng lại trên trang web của Mai Văn Phấn ). Cuốn sách “Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học” của Viện Văn học do Nxb. KHXH ấn hành năm 2001 có bài “Trường ca trong hệ thống thể loại thơ Việt Nam hiện đại” của Vũ Văn Sỹ (in lại trong Vũ Văn Sỹ, “Mạch thơ trong nguồn thế kỷ”, Nxb. KHXH, H., 2005)…
Có thể nói, các ý kiến phát biểu và tranh luận về trường ca là khá phong phú. Điều đó chứng tỏ trường ca đã trở thành tâm điểm chú ý của giới sáng tác và nghiên cứu văn học.
Có những ý kiến muốn xác định bản chất của trường ca về mặt định lượng: trường ca phải có “tầm cỡ nội dung hoành tráng”, có sự mở rộng của dung lượng tự sự và quy mô cảm xúc (Thu Bồn, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Văn Sỹ…). Song cũng có nhiều ý kiến muốn xác định trường ca về mặt định tính, kể cả những người có ý kiến đánh giá về mặt định lượng thì cũng vẫn chú ý đến yếu tố định tính. Về mặt này, hiện đang tồn tại 2 luồng ý kiến chủ yếu đề xuất về đặc trưng của trường ca, và liên quan đến nó là vấn đề tên gọi của trường ca:
1. Nhiều người cho rằng trường ca phải kế thừa anh hùng ca cổ-trung đại, tức là nhấn mạnh tính tự sự, tính sử thi, tính anh hùng (hay tính hào hùng) [Báo “Văn nghệ công an” còn gọi trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là “bản hùng ca đất nước”], rằng về cơ bản nó vẫn phải có cốt truyện, và vì thế nó cũng có thể được gọi là truyện thơ, và cũng vì thế một số trường ca hiện đại vẫn có thể được gọi là “anh hùng ca” (Từ Sơn, Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Trung, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Trọng Tạo…). (Trong cuộc trao đổi trên “VNQĐ” tháng 2-1981, tác giả Hồng Diệu còn nhận xét rằng “mấy chục năm nay, chưa có một trường ca nào mà tác giả của nó là nữ”, phải chăng tác giả cho rằng tính anh hùng ca
2. Nhiều người khác lại cho rằng trường ca phải có sự kết hợp bổ sung cho nhau giữa tính tự sự với tính trữ tình, nó là một thể loại giao thoa giữa thể loại tự sự và thể loại trữ tình (Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Mã Giang Lân, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân…). Tuy nhiên về sự kết hợp này, có người cho rằng cảm hứng anh hùng ca vẫn là cảm hứng chủ đạo (Mã Giang Lân). Và khi chất tự sự bao quát những sự kiện lịch sử có tầm cỡ hoành tráng, thì chất sử thi (tức anh hùng ca) xuất hiện (Lại Nguyên Ân).
Ngoài ra, nhiều người đều nhận xét thấy rằng, bên cạnh những trường ca mang tính sử thi, thì trong trường ca Việt Nam hiện đại đã xuất hiện một xu hướng đi theo xu hướng của thế giới, nặng về thể hiện cảm xúc, tâm tư của nhà thơ, tức là thiên về loại “trữ tình”, một kiểu “trường ca không có cốt truyện”, tuy nhiên nó vẫn dựa trên một cái sườn sự kiện, nhưng sự kiện chỉ là một cái khung để nhà thơ gửi gắm tình cảm và ý nghĩ của mình (Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Ngọc Vương <“dung lượng cảm hứng”>,…). Trong số những người nhận xét thấy sự lấn át của tính trữ tình trong trường ca, có người đồng tình (Trần Mạnh Hảo, Lê Minh Quốc), nhưng cũng có nhiều người phản đối với lý lẽ cho rằng nguyên tắc tự sự của trường ca cần phải được tôn trọng trong mối quan hệ với nguyên tắc trữ tình (Hoàng Ngọc Hiến).
Tuy nhiên, vượt lên tất cả những ý kiến nói trên, thì một mặt, trường ca vẫn được xếp vào thể loại thơ ca, một thình thức thể hiện chủ yếu của “thể loại trữ tình”, nhưng mặt khác, nó lại được coi là một trong những thể loại của loại văn tự sự. Điều này cho thấy trường ca có một vị trí rất đặc biệt và chưa ổn định trong hệ thống thể loại văn học Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn chung các ý kiến đều khẳng định vị trí quan trọng của trường ca trong hệ thống thể loại văn học; rằng đã có một sự chuyển biến lớn từ trường ca sử thi cổ-trung đại đến trường ca hiện đại.
Có thể nói đây là một vấn đề tranh luận rất lý thú và bổ ích đứng từ góc độ lý thuyết thể loại. Và để hiểu thêm về đặc trưng của trường ca, chúng ta hãy xét xem khái niệm “trường ca” đã được hình thành như thế nào.
II. Diễn biến lịch sử của khái niệm “thể loại trường ca”
Trước hết cần xác định khái niệm “thể loại” mà trên sách báo người ta thường dùng rất phổ biến để chỉ một kiểu văn học nhất định. Theo nhiều người, chẳng hạn như Trần Đình Sử trong chương viết về thể loại của tác phẩm văn học của cuốn sách “Lý luận văn học” (Phương Lựu chủ biên, Nxb. Giáo dục, 2002), và theo “Từ điển thuật ngữ văn học” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi chủ biên Nxb. GD, 1992), hay theo Lại Nguyên Ân trong “150 thuật ngữ văn học” (ĐHQGHN,1999), văn học được chia thành các “loại” và các “thể” (hay “thể loại”, “thể tài”), “thể” nằm trong “loại”. Theo các tác giả này thì văn học được chia thành ba “loại” lớn: tự sự, trữ tình, và kịch. Trong mỗi loại người ta lại chia ra các “thể” (hay còn gọi là “thể loại”, “thể tài”). Thế nhưng chúng ta cũng quen thấy nhiều người nói đến ba “thể loại chính” của văn học là “thể loại tự sự”, “thể loại trữ tình”, và “thể loại kịch”. Trong tiếng Pháp, ba thể loại chính này đều được núp dưới một thuật ngữ là “genre”, và các cuốn từ điển Pháp-Việt đều dịch là “thể loại”. Thậm chí, để phân biệt giữa “loại” và “thể”, nhiều người còn đề xuất cách gọi “thể loại” thay cho “loại” và “tiểu thể loại” thay cho “thể loại”. Như vậy, khái niệm “thể loại” được dùng tương đối linh hoạt. Do đó, nếu như trong bài viết này chúng tôi có nói rằng “thể loại trường ca nằm trong thể loại trữ tình” thì cũng có thể được hiểu là “thể trường ca nằm trong loại trữ tình”.
Trong nhiều ngôn ngữ châu Âu, trường ca hiện đại chỉ được gọi bằng một thuật ngữ đơn giản là “bài thơ dài” (tiếng Pháp: “poème”), khác với thuật ngữ “anh hùng ca”, “sử thi” (tiếng Pháp: “épopée”). Về vị trí của trường ca, có người xếp nó vào một nhóm với anh hùng ca (sử thi), với truyện thơ, thơ trường thiên, và với ngụ ngôn, và họ xếp cả nhóm này vào loại tác phẩm tự sự (Trần Đình Sử). Nhưng rồi người ta (trong đó có cả Trần Đình Sử) vẫn xếp trường ca vào một thể loại chung là thơ ca, mang cả tính tự sự lẫn trữ tình (Lại Nguyên Ân). Ngày nay, nói chung các nhà thơ khi sáng tác những tác phẩm thơ dài hơi, họ thường gọi đó là “trường ca”. Và như thế, trong quan niệm của họ, trường ca là một bộ phận của sự nghiệp thơ ca của họ. Vì thế, có nhiều người vẫn coi “trường ca là một thuật ngữ văn học mới, chưa chính xác, chưa ổn định” (Vũ Đức Phúc). Thậm chí có người còn đề xuất cứ gọi nó bằng thuật ngữ cũ là “truyện thơ” cho giản tiện (Từ Sơn).
Như vậy, trước đây ở ta người ta thường dùng khái niệm “trường ca” để chỉ các sáng tác sử thi anh hùng ca thời cổ-trung đại, như các sáng tác “Iliađ”, “Ôđixê” của Homer (Hy Lạp), “Ênâyađa” của Virgilius (La Mã), “Ramayana” của dân tộc Ấn Độ, “Bài ca Roland” của dân tộc Pháp, “Dũng sỹ khoác áo da hổ” của Rustaveli (Gruzia), “Bài ca những người Nibelungen” của dân tộc Đức, v.v… Nhìn chung ở nước ta, khái niệm trường ca ban đầu được dùng để chỉ những sáng tác bằng thơ kể về những chiến tích anh hùng của một hoặc một số nhân vật, hay của cả một tộc người. Đây là khái niệm được dùng để dịch một khái niệm của các nước châu Âu, đó là khái niệm “épopée” của tiếng Pháp (tiếng Anh cũng mượn khái niệm này của Pháp và viết không dấu là “epopee”), khái niệm này còn được giải nghĩa bằng một thuật ngữ khác là “poème épique” <“thơ sử thi”>, chính vì vậy mà để xác định rõ hơn, người ta còn gọi nó “trường ca sử thi”, và căn cứ vào tính chất và đặc trưng của nó, người ta còn gọi nó là “anh hùng ca”. Trong khi đó những sáng tác thơ dài kể về chuyện tình yêu thì không được gọi là épopée <“trường ca”>, mà được gọi là “poème d’amour” hay “poème lyrique” trong tiếng Pháp và “love-romance” trong tiếng Anh <“truyện tình”> (ví dụ như truyện “Tristan và Isolde” của tộc người Celt (một tộc người German), và nói chung, loại sáng tác này cũng thường được chúng ta xếp chung vào với thể loại “truyện thơ”.
Vậy tại sao ngày nay các nhà thơ ở nước ta lại tự gọi các sáng tác dài hơi của mình là trường ca? Theo tôi có 2 lý do:
1. Hầu hết các sáng tác thơ dài hơi ngày nay không thể gọi là “truyện thơ”, vì hầu hết chúng không có cốt truyện, có chăng chỉ là một chuỗi sự kiện lịch sử, chứ không phải là một câu chuyện có kết cấu chặt chẽ. Vì thế các nhà thơ thấy rằng họ không thể gọi những đứa con tinh thần đó của mình là “truyện thơ”.
2. Các nhà thơ Việt Nam ngày nay cũng không thể gọi các sáng tác thơ dài hơi của họ là “anh hùng ca” hay “trường ca sử thi”, bởi lẽ trong giai đoạn hiện đại, các sáng tác dài hơi của thơ ca Việt Nam có xu hướng thiên về chất trữ tình, một số sáng tác hoàn toàn không có cốt truyện.
Chính vì thế mà, trong khi nỗ lực muốn sử dụng khái niệm “thơ trường thiên” với nghĩa là “bài thơ dài” đã không đạt được kết quả, thì các nhà thơ và các nhà nghiên cứu đành bằng lòng dùng lại khái niệm “trường ca” – một khái niệm được “chiết xuất” từ khái niệm “trường ca sử thi” cổ-trung đại – dùng để chỉ những sáng tác thơ dài, có hay không có cốt truyện đều được, và việc làm này cũng phần nào cho thấy ý tưởng của các nhà thơ là muốn kế thừa chất sử thi của trường ca sử thi truyền thống.
Như vậy có thể coi khái niệm “trường ca hiện đại” là một phát minh mới của giới lý luận và sáng tác Việt Nam. Nhìn chung, trường ca được coi là một thể loại trong hệ thống thể loại thơ ca (Vũ Văn Sỹ). Và chúng tôi nói thêm rằng trường ca là một thể loại “có tầm cỡ lớn” trong hệ thống các thể loại thơ ca. Điều này liên quan đến việc xác định tính chất đặc trưng của trường ca hiện đại.
III. Đặc trưng của thể loại trường ca Việt Nam hiện đại
Trường ca Việt Nam hiện đại có thể được chia làm hai giai đoạn:
– Giai đoạn 1932-1975: là giai đoạn ra đời của trường ca, nó vẫn mang nặng tính sử thi của anh hùng ca.
– Giai đoạn sau 1975: xuất hiện xu hướng thiên về tính trữ tình, mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân.
Trong lịch sử văn học viết của Việt Nam, trước đây có một thể loại gần giống với trường ca sử thi cổ-trung đại, đó là “truyện thơ”. Trên thực tế, truyền thống truyện thơ, diễn ca, ngâm khúc ở Việt Nam đã có một bề dày lịch sử khá lâu đời. Điều này là phù hợp với lịch sử văn học của toàn thế giới, khi mà hình thức thể hiện đầu tiên của văn học là thơ ca, chính vì vậy mà thuật ngữ “thơ ca” còn có một nội hàm nữa là dùng để chỉ mọi sáng tác văn học.
Trong tinh thần đó, sử thi (hay anh hùng ca) của thế giới, và truyện thơ của Việt Nam, có thể được coi là thể loại văn học đầu tiên vận dụng hình thức thơ ca để kể chuyện, như là một hình thức “diễn sử bằng thơ” (vì thế nó được gọi là “sử thi”). Về sau, khi tiểu thuyết ra đời, chức năng kể chuyện và diễn sử đã được tiểu thuyết phát huy tối đa hiệu quả. Vì thế, sử thi không còn có thể cạnh tranh được với tiểu thuyết về phương diện này. Điều đó bắt buộc sử thi phải làm một cuộc cách mạng để tự tồn tại. Và nó đã chuyển biến để làm hình thành một thể loại mới là trường ca với đặc trưng thiên về yếu tố trữ tình như chúng tôi đã nói. Tuy nhiên, mặc dù đặc trưng của trường ca hiện đại là thiên về tính trữ tình, nhưng chất sử thi của trường ca vẫn chưa mất hẳn, nó có nhiệm vụ dẫn dắt và tạo nên tầm cỡ cho các sự kiện lịch sử, vẫn là yếu tố quy định về mặt nội dung trong một định nghĩa về trường ca. Một trường ca trước hết phải hàm chứa một nội dung lớn. Đó là cái làm nên chất sử thi truyền thống của trường ca. Nhiều khi chất sử thi vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tái hiện một quãng đường lịch sử hoặc một chuỗi sự kiện lịch sử quan trọng. Trong những trường hợp như vậy, chất sử thi kết hợp với những cảm xúc mãnh liệt sẽ tạo nên tầm cỡ hoành tráng cho trường ca, chính vì vậy mà có người còn gọi trường ca là “tráng ca” (Xuân Diệu).
Đến thời kỳ của phong trào Thơ Mới, xuất hiện trường ca đầu tiên trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, đó là bản trường ca “Tiếng địch sông Ô” của Phạm Huy Thông, nhưng vẫn nó mang hơi hướng của trường ca sử thi cổ-trung đại, chưa bộc lộ rõ những đặc trưng như của trường ca hiện đại sau này.
Đến 1946, Xuân Diệu viết bản trường ca “Ngọn quốc kỳ”, được chính nhà thơ gọi là “tráng ca”. Song thực tế nó chưa có đủ tầm cỡ hoành tráng và kết cấu của một trường ca để tạo đà cho một phong trào viết trường ca. Và sự thật là trong những năm kháng chiến chống Pháp và thời kỳ đầu chống Mỹ, chúng ta mới có lác đác một số bản trường ca: “Từ đêm 19” (Khương Hữu Dụng, 1951), “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” (Phùng Quán, 1955), “Du kích sông Loan” (Xuân Hoàng, 1963)…
Đến 1964, “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn ra đời. Trong thời gian này, một thế hệ thi sĩ của Việt Nam đã lớn mạnh, có đủ sức vóc để hưởng ứng và gánh vác một thể loại mới mà “Bài ca chim Chơ Rao” có thể được coi là một cú hích, một dấu mốc chính thức khai sinh ra trường ca hiện đại của Việt Nam.
Từ đó, một loạt trường ca ra đời. Xu hướng ban đầu là kế thừa chất sử thi của anh hùng ca. Điều này phù hợp với lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam lúc bấy giờ. Tiếp nối gần nhất với “Bài ca chim Chơ Rao” là trường ca “Nguyễn Văn Trỗi” của nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân (1968). Và cận kề với thời điểm 1975 lịch sử là trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm (1974). Có thể nói ở giai đoạn này, các nhà thơ muốn dùng trường ca để cạnh tranh với tiểu thuyết trong việc tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Ở giai đoạn này, trường ca Việt Nam hiện đại vẫn mang nặng dấu ấn sử thi. Thậm chí, trong những năm đầu của giai đoạn sau 1975, chất sử thi vẫn còn để lại dấu ấn quan trọng trong một số trường ca: “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo (1977), “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh (1979), “Trường ca sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu (1980), “Con đường của những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo (1981),…
Cùng trong xu hướng chung của văn học Việt Nam sau 1975 là đi sâu vào miền nội tâm sâu xa, được gọi là “xu hướng hướng nội”, trường ca Việt Nam hiện đại cũng bắt đầu chuyển hướng sang thể hiện chất trữ tình, hay có thể gọi là một xu hướng “trữ tình hoá trường ca”, một xu hướng phù hợp với xu hướng chung của thơ ca hiện đại thế giới. Kể từ 1986, xu hướng trữ tình thể hiện rất rõ nét. Đây là thể hiện của một ý thức về sự phân công lao động nghệ thuật: trường ca không làm thay cho tiểu thuyết như anh hùng ca trước đây nữa, mà nó phải thể hiện đúng là một thể loại trong hệ thống các thể loại thơ ca.
Tuy nhiên, qua một số trường ca hiện đại sau 1975, chúng tôi thấy ngoài một xu hướng kế thừa tính sử thi của trường ca, thì ngay cả ở những trường ca được gọi là trữ tình, tính tự sự và sử thi vẫn không mất đi.
Trong trường ca hiện đại, đặc trưng trữ tình được thể hiện như là cảm xúc của cái tôi cá nhân đối với truyền thống văn hoá-lịch sử của dân tộc. Cá nhân mở rộng biên độ cảm xúc và suy tư về lịch sử của đất nước: “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn (1999), “Đổ bóng xuống mặt trời” của Trần Anh Thái (1999), “Trầm tích” của Hoàng Trần Cương (1999), “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh (2000),… Đồng thời nó cũng được thể hiện như là một sự chiêm nghiệm về hiện thực đời sống hôm nay: “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh (1994), “Hành trình của con kiến” của Lê Minh Quốc (2006), “Phồn sinh” của Nguyễn Linh Khiếu (chưa xuất bản, đăng trên mạng , 2007)…
Cho nên theo chúng tôi, phải xem xét trường ca cả về mặt định lượng lẫn định tính, từ đó có thể cho rằng đặc trưng của trường ca Việt Nam hiện đại là sự nổi trội của tính trữ tình so với tính tự sự, nhưng tính tự sự vẫn không mất hẳn, mà nó vẫn tồn tại như một khung quy chiếu cần thiết để làm nên “tầm cỡ nội dung hoành tráng” mang tính sử thi cho một tác phẩm được gọi là trường ca. Điều này cho thấy tính chất chia sẻ về mặt thể loại của trường ca: trường ca là thể loại nằm ở nơi giáp ranh giữa thể loại tự sự và trữ tình.
Có thể nói, chưa bao giờ thơ ca nói chung và trường ca Việt Nam nói riêng lại có được sự tự do thể hiện tư tưởng và tình cảm như ngày nay. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sự tự do này đôi khi đã bị một vài nhà thơ phung phí: những câu thơ dễ dãi, lên án tội ác của con người một cách chung chung (“Phồn sinh” – Nguyễn Linh Khiếu). Có một điều rõ ràng là sự nổi lên của cái trữ tình là một thôi thúc của cái tôi bị dồn nén từ nhiều năm nay, là sự đáp ứng yêu cầu của một thể loại mới, một thể loại thơ trường thiên trong hệ thống thể loại thơ ca. Đặc trưng này làm cho trường ca trở về với chính địa hạt của thơ ca.
Đặc trưng “tầm cỡ nội dung hoành tráng” lại dẫn đến một đặc trưng thứ hai về thể loại: Trường ca là một thể loại có khả năng tích hợp.
Nếu như tiểu thuyết là một thể loại có thể thâu tóm nhiều thể loại của cả văn học lẫn của một số ngành nghệ thuật, thì trường ca cũng là một thể loại có khả năng tích hợp thể loại lớn: trong một tác phẩm trường ca có thể có cả thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ tự do, văn đối thoại, văn độc thoại, văn tả cảnh, ngâm vịnh, khúc ca, vè, thơ văn xuôi (hầu hết các trường ca hiện đại đều đi theo xu hướng tích hợp này). Tức là, nói chung trong khi các thể thơ khác thường là những thể thơ “thuần chủng”, ví dụ một bài thơ lục bát thì từ đầu đến cuối đều gieo vần theo luật lục bát, một bài thơ bốn chữ thì từ đầu đến cuối đều chỉ là thơ bốn chữ, v.v… Nhưng trong một bản trường ca hiện đại, nhà thơ có thể nhảy từ câu thơ hai chữ sang ba chữ, bốn chữ, 5-6-7-8… chữ, sang lục bát, song thất lục bát, rồi lại có thể đột ngột chuyển sang một đoạn thơ văn xuôi mà không cần có một sự chuyển tiếp nào. Nó cũng có thể bao gồm cả ngôn ngữ đối thoại của kịch, ngôn ngữ tả cảnh của hội họa, ngôn ngữ ngâm vịnh của âm nhạc… Vì thế, nhiều người đã gọi trường ca là “tiểu thuyết của thơ” (theo Trần Mạnh Hảo).
Trong những trường ca mới nhất hiện nay, chúng ta còn thấy xuất hiện một xu hướng tiếp thu những thủ pháp của văn xuôi hiện đại: thủ pháp dòng chảy ý thức, thậm chí cả thủ pháp của tiểu thuyết mới, của kịch phi lý: câu văn không viết hoa, không chấm phảy, kéo dài liên tục từng đoạn nhiều dòng (“Phồn sinh” – Nguyễn Linh Khiếu).
Và tương xứng với thủ pháp kỹ thuật mới đó là một không gian khoáng đạt để chứa đựng một dung lượng nội dung hoành tráng và cảm xúc bao la, phù hợp với cái tôi được giải phóng. Thời gian lịch sử cũng tiến tới được thay thế bằng thời gian tâm linh: đó là một thời gian mơ hồ, vô định: một hình thức tồn tại của xu hướng trữ tình, suy tư, trở về chốn nội tâm (“Đổ bóng xuống mặt trời” – Trần Anh Thái). Thậm chí có những lúc thời gian như thể ngưng đọng, như thể bị biến mất (“Người cùng thời” – Mai Văn Phấn)…
Như thế, nếu như người ta nói tiểu thuyết được coi là một thể loại vẫn đang không ngừng phát triển và chưa hoàn thành (Bakhtin), thì câu nói đó cũng có thể được dành cho cả trường ca, và vì thế chúng tôi đã nói rằng trường ca là một thể loại chưa ổn định.
Kết luận
Trong khi ở phương Tây chỉ có khái niệm dành cho trường ca sử thi cổ-trung đại (ví dụ khái niệm “épopée” trong tiếng Pháp), còn thơ dài hay ngắn thì cũng chỉ được dành cho một khái niệm (ví dụ khái niệm “poème” trong tiếng Pháp), thì ở ta, khái niệm trường ca có thể được coi là dùng để chỉ một thể loại mới: thơ trường thiên trữ tình, có thể dựa trên một cái sườn sự kiện lịch sử. Đặc biệt là trường ca sau 1975, tính trữ tình đã nổi trội hẳn lên so với tính sử thi, nhưng là một tính trữ tình-suy tư.
Như vậy, trường ca Việt Nam hiện đại đã đóng góp cho việc định hình một thể loại mới trong thơ nói riêng và trong văn học Việt Nam nói chung. Nó là một sự kế thừa có sáng tạo của các thể loại tương tự trước đó như sử thi (anh hùng ca), truyện thơ, diễn ca… Có thể coi trường ca là miền đất hứa để cho các nhà thơ bộc lộ tài năng của mình.
(“Sông Hương”, số 4-2008)