Thời gian suy tưởng…

THỜI GIAN SUY TƯỞNG

TRONG THƠ NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

 LÊ KHÁNH MAI 

Đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Minh Châu hàng chục năm nay tôi luôn băn khoăn làm sao tiếp nhận thơ bà một cách bản chất nhất. Bởi bà là nhà thơ cao tuổi. Năm 2011 này bà tròn 80, vượt ngưỡng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”.  Năm tập thơ của bà: Dòng sông mắt em, Mận tím, Gío thì thầm, Tre ngà, Nâng bước dặm dài được sáng tác tập trung nhất ở tuổi 70 đến 80. Nhà thơ Tố Hữu quan niệm “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người” và một thực tế gần như đã trở thành quy luật, những dấu hiệu tài năng thi ca thường xuất hiện trong buổi bình minh của đời người. Có lẽ ý thức được điều này, nhà thơ Nguyễn Thị Minh Châu đã tự ví thơ mình là “mai nở muộn” lặng lẽ nơi góc khuất:

Có một nhành mai vàng

Khép mình trong ngõ vắng

Nhưng có hề chi, khi hoa nở trái mùa vẫn đậm đà hương sắc. Điều quan trọng và thiêng liêng hơn, thơ đối với bà giờ đây là hơi thở, là máu của sự sống, là liều thuốc trường sinh giúp bà chống chọi với thời gian. Và đây chính là điểm nhấn của thơ bà.

Thơ Nguyễn Thị Minh Châu hướng đến nhiều khía cạnh thuộc đời sống thưòng nhật của cá nhân và cộng đồng, như tình cảm quê hương, gia đình, bè bạn nhưng đậm đặc hơn vẫn là nỗi trăn trở vô hồi về thời gian. Bằng chứng là: Thời gian đã công khai xuất hiện ngay trong tên các bài thơ. Thống kê sơ bộ trong năm tập thơ của bà, tôi thấy những bài thơ mang tên như thế này: Thời gian, Bóng thời gian, Nhịp thời gian, Nét thời gian, Xế chiều, Chiều Đà Lạt, Bóng đêm, Tiễn mùa hạ, Đông về gom nắng, Mấy mùa qua, Một thời, Vầng trăng xế, Mai nở muộn, Chưa chịu phận xế chiều, Tuổi thất tuần… và còn nữa. Có thể nói đối tượng được nhắc đến, được chia sẻ và gửi gắm nhiều nhất trong thơ Nguyễn Thị Minh Châu là “một con ngưòi” có danh tính Thời Gian.

Tuy nhiên, thời gian không phải là “đặc sản” của riêng ai. Thời gian là một phạm trù triết học, bao trùm, chi phối đời sống vật chất và tinh thần của con người. Thời gian đồng thời là một yếu tính của văn học, nó nghiễm nhiên là đối tượng nghệ thuật của chủ thể sáng tạo, dù người viết không muốn “chơi” với nó thì nó vẫn lặng lẽ đi theo, vẫn ẩn hiện trong tác phẩm của họ. Vấn đề ở chỗ người viết cảm nhận và quan niệm như thế nào về thời gian. Nguyễn Bính và Xuân Diệu, hai thi sĩ cùng thời, cùng độ tuổi nhưng cảm nhận và quan niệm về thời gian hoàn toàn khác nhau. Với Nguyễn Bính, thời gian luôn trôi đi âm thầm, lê thê, não nề, mốc meo, đến “tan tành một kiếp trai”: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ cứ kéo dài ra suốt mấy ngày” (Giời mưa ở Huế). Xuân Diệu thì ngược lại luôn than trách thời gian sao quá vội vàng, gấp gáp: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đã qua/ xuân còn non nghĩa là xuân đã già (Vội vàng). Đó là thời gian nghệ thuật mà soi rọi vào đó ta thấy được quan niệm nhân sinh của nhà thơ.

Trong thơ Nguyễn Thị Minh Châu thời gian đang bước đi với nhịp điệu chậm rãi, như vừa đi vừa nghĩ ngợi:

Thời gian ơi – người dồi dào suy tưởng

Cho câu thơ bật dậy tiếng đàn

                             (Nhịp thời gian)

Thời gian suy tưởng, một ý thơ hay. Ta mường tượng những nếp nhăn thời gian hằn lên kiếp người. Thời gian ấy được nhận biết như một sinh thể cao quý mà chỉ người từng trải, biết nâng niu từng khoảnh khắc sống, chắt lọc nó cho thơ mới thốt nên lời gọi thiết tha. Phải chăng nỗi sợ lớn nhất của con người không phải là sự lìa xa thế gian này mà chính là khi suy tưởng từ bỏ mình mà đi. Renné Descartes, cha đẻ của nền triết học hiện đại từng nói một câu nổi tiếng: “Tôi tư duy, tôi tồn tại”. Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Châu trong buổi xế chiều của cuộc đời luôn mong mỏi niềm suy tưởng ấy được tồn tại và đầy ắp trong mình:

Một lòng lạy tạ thời gian

Cho tâm suy tưởng ngập tràn cuối xuân

                             (Bến không thuyền)

Trái đất vẫn quay vô tận nhưng thời gian thì giới hạn, nhất là khi con người đối diện với tuổi già, nỗi cô đơn. Hiểu thấu quy luật khắc nghiệt ấy, nhà thơ nhẫn nại, cần mẫn gom lấy chút thời gian quý báu đang run rẩy dưới vầng trăng, mờ phủ những dặm dài, lặng lẽ trôi theo mùa, tan theo nắng: “Đông về mang theo giá buốt/ Tôi gom chút nắng cuối mùa” (Đông về gom nắng); Nhặt  nhạnh ngày đêm từng mảnh vụn thời gian: “Ta đi nhặt nhạnh sớm hôm/ Bước đi chập chững hao mòn canh khuya” (Tuổi thất tuần và thơ); và mải miết “Đi tìm chút hương thơm quen lạ/ Đốt lên ngọn lửa buổi xế chiều” (Ngọn gío lành)…

Hàng loạt động từ chỉ trạng thái, hành động, tâm lý như: gom, nhặt, chắt chiu, tìm, nghe, gọi… gắn liền với “nhân vật” thời gian, trở đi trở lại trong thơ bà, bộc bạch một tâm thức khắc khoải, khát khao chiếm lĩnh thời gian, làm bạn với thời gian. Có thể nói, với bà, yếu tố thời gian đã trở thành điểm tựa của cảm xúc tạo thành cảm quan nghệ thuật. Trong thơ bà, thời gian hiện lên muôn vẻ với quy luật tuần hoàn trong thế giới tự nhiên của mùa, của ngày đêm, của nắng mưa, vạn vật, của ký ức và dự cảm… tất cả đều chứa đựng tâm trạng. Bình thản và tinh tế, bà nghiệm ra “Những dấu chân tất bật/ Xiêu vẹo nét thời gian” (Vầng trăng xế). Bước chân thời gian vốn lặng lẽ, như hờ hững, như vô tình, nhưng nhà thơ đã lắng nghe nó bằng cả tâm hồn day trở, thao thức của niềm giao cảm: “Lắng nghe ngọn gió lao xao/ Gió nói gì, gió thì thào trong đêm” (Gío thì thầm)

Trân quý thời gian nên dù phải đợi chờ một niềm vui nhỏ bé, muộn màng bà dường như không nỡ để không gian ngưng đọng trong vô vị:

Không có bạn tôi nhặt trăng trên lá

Chỉ tiếc vầng trăng nghiêng chếch giữa đêm rằm

                                      (Đợi bạn)

Có thể nói đây là câu thơ đẹp nhất của bà. Nó ngời ngợi một thứ ánh sáng dịu êm, trong lành của một nỗi lòng tha thiết với con ngưòi, với cuộc đời.

Ký ức trong thơ bà ám ảnh không nguôi. Ký ức sống lại khi chiếc gương soi nhắc về thời con gái, khi tóc bạc da mồi tiếc một thuở thanh xuân, khi qua suối, qua sông lòng chợt mơ bến cũ…rồi ngộ ra và chiêm nghiệm cái ngày xưa trong thực tại:

Cám ơn ngọn núi cao

Dìu ta lên từng bậc

Khi vươn tới lưng đèo

Chợt nhớ về ký ức

          (Giọt mồ hôi)

Và tương lai hiện hình trong khát vọng. Nhà thơ nuôi giữ niềm khát vọng như nuôi giữ sự sống, dù có thể chỉ còn là tia nhỏ mong manh. Cuộc nuôi giữ ấy đầy gian nan, khó nhọc mà hạnh phúc, mà âm thầm mãnh liệt:

Lật đất tìm hương đất

Đau thắt giọt mồ hôi

Gĩư gìn tia khát vọng

Buổi tóc sương da mồi

          (Nét đẹp đất trời)

Gánh trên đôi vai thời gian, tuổi tác, đi trên con đường dài, bà vẫn bền bỉ nhen lên ngọn lửa khát vọng về một chân trời thi ca.

Gánh bốn mùa vai chao nghiêng

Vẫn còn nhen đốm lửa thiêng cuối mùa

                             (Chiều xuân)

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Châu tâm niệm thơ là đốm lửa thiêng và bà đã giành cả cuộc đời để chăm chút ngọn lửa ấy. Dù phải trải bao nhọc nhằn, cay đắng đến chao nghiêng phận người, nhưng không gì có thể làm phai nhạt tình yêu nồng nhiệt của bà giành cho thơ. Với bà thơ là cõi thiêng, là ánh sáng và niềm thôi thúc. Đó cũng là một quan niệm sống của một tấm lòng hướng thiện, luôn mong mỏi, phấn đấu cho những giá trị nhân văn. Mong sao đốm lửa ấy cháy mãi.

Nha Trang tháng 8 năm 2011

LKM

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, số 193, tháng 10 năm 2011