Thơ Việt Nam hiện nay

THƠ VIỆT HIỆN NAY

QUA CÁI NHÌN CỦA NHÀ VĂN ĐỖ NGỌC YÊN:

alt

Nhìn lại giải thưởng thơ 2011

Hoan ca Ngày linh hương nở sáng (1) là hai tập thơ vừa nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2011, dù trước và sau đấy nó cũng đã dấy lên những luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến của những “người trong cuộc” nghiêng về phía tán đồng, ủng hộ coi đây là một cuộc “bứt phá” của thi ca Việt đương đại, báo hiệu một mùa vàng bội thu. Thế nhưng,…

Thơ Việt đương đại đã hết thời “bĩ cực”?  

Sau 3 năm giải thưởng Hội Nhà văn vắng bóng thơ (2006 – 2009), đến 2011, 2 tập thơ Bầu trời không mái cheSóng và khoảng lặng(2) đã được Hội Nhà văn trao giải thưởng 2010, và vào năm 2011, hai tập thơ khác là Hoan ca của Đỗ Doãn Phương và Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy cũng được trao giải.

Nếu chỉ xét về khía cạnh số lượng tác phẩm đoạt giải 2 năm vừa rồi, có ý kiến cho rằng, thơ Việt đương đại đã qua thời “bĩ cực” đang chuyển sang thời “thái lai”. Đương nhiên, số lượng tác phẩm đoạt giải 2 năm vừa qua lại dường như chưa nói được là bao chất lượng của giải thơ, cũng như sự phát triển của thể loại này. Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, đối với văn chương – nghệ thuật thì bao giờ cũng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Nhưng nếu không có tác phẩm nào đoạt giải thì người ta biết lấy gì mà luận bàn, so sánh, biết căn cứ vào đâu mà nói rằng thơ Việt đương đại đang “được” hay “mất” mùa.

Âu đấy cũng là cái lý để các nhà tổ chức, Ban giám khảo quyết chọn ra một vài tập thơ nào đấy theo tinh thần “chọn bó đũa lấy cột cờ” theo cách nói của tiền nhân. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người phụ trách sáng tác từng khẳng định rằng: “Mai Văn Phấn, Trần Tiến Dũng, Đinh Thị Như Thúy, tôi ấn tượng với ba tác giả này, vì họ thực sự tạo nên một thế giới thi ca mà có những điều cá nhân tôi không làm được” (Theo báo Thể thao – Văn hóa cuối tuần, số tất niên 2010). Trong 3 người mà ông Thiều nhắc tới ở đây, chỉ có Trần Tiến Dũng là chưa đoạt được giải thưởng, 2 người còn lại, đã đoạt giải năm 2010 và 2011 vừa qua.

Đọc cả 4 tập thơ được giải, tôi nhận thấy một điều rất rõ là dường như tất cả họ đều có chung một phong cách thơ “phi truyền thống”. Riêng Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn có vẻ như phong cách gần với truyền thống hơn đôi chút, còn Đỗ Doãn Phương và Đinh Thị Như Thúy có cách nghĩ, lối viết rất xa lạ với thơ truyền thống.

Vì thế có ý kiến cho rằng sở dĩ năm nay trao giải cho 2 tập thơ trên, Hội đồng chấm giải có ý định làm một cuộc cách mạng về thi pháp thơ Việt đương đại, để khỏa lấp dư luận về việc 3 năm qua thơ đã “mất mùa”, nay cần phải chứng tỏ nó chỉ tạm thời “nghỉ giải lao” vài năm để rồi có những cuộc bứt phá ngoạn mục, đem đến một “mùa bội thu” hơn. Thế nhưng sau vụ mùa ấy, công chúng lại đặt vấn đề nghi ngờ về sự “ bội thu” của thi ca Việt đương đại, khi họ không biết lấy tiêu chí nào để cân đong, đo đếm?  

Thơ Việt sẽ đi về đâu? 

Theo ý kiến của nhiều người, Hoan ca Ngày linh hương nở sáng là 2 tập thơ có một số bài đọc được, còn lại phần lớn chỉ ở mức trung bình, thậm chí có những bài chưa thể xếp vào thơ được, xét trên mọi khía cạnh. Còn nhà thơ Đỗ Hoàng thì gọi đây là 2 tập thơ “vô lối”.

Sự “vô lối” đầu tiên thể hiện ở chỗ là cả hai tập thơ không hề có bất cứ một cảm quan gì mới về thực tại, dù chỉ là mô tả về những điều mắt thấy tai nghe bằng ngôn ngữ thi ca hoặc những suy tư triết học. Vẫn là cách chối bỏ thực tại, chối bỏ những “lẽ phải thông thường”, chối bỏ cái không thể chối bỏ được bằng một lối nói dễ dãi, không hề có xúc cảm từ phía chủ thể, cũng không có hình thức thể hiện mới lạ, nên rất khó để có thể truyền dẫn cái hồn của thơ đến với công chúng: Đột nhiên không muốn trồng chuối/ Cũng bỏ nốt trồng màu/ Nơi này không cuốc cày vun xới/ Bằng phẳng dải đất ven đê/ Chiều, sau khi trẻ đá bóng/ Đất bằng ngửa mặt mênh mông/ Đón nỗi trống không/ Bằng bầu trời (Đỗ Doãn Phương – Bãi đất ven đê). Điều đáng nói là những bài thơ theo lối trẻ em “tập viết” như thế này trong Hoan ca của Đỗ Doãn Phương rất phổ biến. Ngay ở bài Hoan ca về đất được coi là bài “đinh” trong tập thơ của anh, ta vẫn thấy sự dễ dãi đến lạ thường: “… Hoa cỏ, gạch đá, bãi rác, hàng cây, hồ ao và xa xa dãy núi/ Đâu là nơi đất đai sẽ bị đào lên khiến mạch nước đứt tung tứa máu/ Đâu là nơi mặt đất sẽ mở ra và mím thắt lại/ Đâu là nơi cốt nhục ta sẽ hóa đất đời đời?,…”

Có thể nói, ở bài thơ này, người thơ thấy gì nói ấy, không cần chắt lọc, chưng cất, càng không cần sự tham gia của xúc cảm thẩm mỹ, mà chỉ là một lối nói huỵch toẹt cho xong. Vậy mà không ít người lại cho rằng đấy đích thị là những bài thơ có sự “sáng tạo” (!?).

Sự dễ dãi theo kiểu này có vẻ như thưa vắng hơn ở Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy. Nhưng cái mà có người gọi sự “điệp” trong thơ Như Thúy dường như đã bị người thơ này sử dụng một cách bừa phứa đến mức trở thành lạm dụng, khiến người đọc chỉ có thể cảm nhận được hoặc là Như Thúy cố tình tạo nên một phong cách thơ “độc đáo” cho riêng mình, mà không ý thức được rằng sự độc đáo quá đà chỉ cách sự lập dị chưa đầy một sợi chỉ, hoặc là chị thiếu vốn từ, nên buộc phải diễn đạt như vậy. Ta hãy đọc bài Và bản nhạc ấy để kiểm chứng: “… đêm tối/ thời khắc ấy/ bản nhạc ấy/ cánh cửa ấy/ Đã mở/…/ gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/ sóng đã từng đợt man dại tràn dâng/ gió đã thổi qua những ống xương rỗng tuếch/ Những ống xương lạnh tê buốt nhức/ Những mỏi mê đã dìu dặt vang ngân/…/ Và hải âu với những tiếng kêu sắc nhọn/…(3)

Xin miễn bàn về nội dung cũng như hình thức thể hiện của bài thơ trên. Chỉ biết rằng, trong một bài thơ mà có vô số từ lặp lại, từ nào ít cũng là 2 lần, nhiều có tới cả chục lần, thậm chí trong một câu thơ có từ lặp lại đến 3 lần, mà chẳng hề nói lên điều gì, cũng như không tạo thêm được mảy may một chút xúc cảm thẩm mỹ cho hình tượng thơ, ngược lại chỉ khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi vì sự “vô lối” của tác giả.

Tôi thật sự khó hiểu những bài thơ như vậy lại được khá nhiều người tán dương sự “sáng tạo” và cho rằng đấy là đại diện cho xu hướng thơ trẻ Việt đương đại. Chẳng lẽ thơ trẻ Việt đương đại chỉ có mỗi một con đường là đi vào ngõ cụt của sự dễ dãi và lặp lại, hay là sự cố tình “rối rắm hóa” đến mức tắc tị khiến ai đó ngộ nhận rằng đấy mới chính là sự “cách tân” đích thực của thơ Việt đương đại?

——————–   

 (1) Hoan ca”, tập thơ của Đỗ Doãn Phương, NXB Hội Nhà văn – 2011; Ngày linh hương nở sáng, tập thơ của Đinh Thị Như Thúy, NXB Hội Nhà văn – 2011.

(2)  Bầu trời không mái che, tập thơ của Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà văn – 2010; Sóng và khoảng lặng tập thơ của Từ Quốc Hoài, NXB Văn học – 2010.

(3) Những chữ in nghiêng, đậm trích trong bài Và bản nhạc ấy là của tác giả nhấn mạnh. 

alt

 Về khuynh hướng “cách tân

trong thơ trẻ Việt đương đại

Đã có không ít các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình luôn đề cập một cách thường trực và riết ráo về thơ trẻ hiện nay trong dòng chảy văn chương Việt đương đại với tâm điểm là khuynh hướng “cách tân”. Đây thực sự có là vấn đề đáng được quan tâm như nhiều người tưởng?

Có hay không cái gọi là “Thơ cách tân”?

Trước hết phải nói, “Thơ cách tân” là thuật ngữ dùng để chỉ về những tác phẩm thơ Việt được viết ra trong quãng hơn hai chục năm trở lại đây, có hình thức thể hiện khác so với một số tác phẩm thơ trước đây thuộc dòng thơ truyền thống mà không ít người cho đó là thứ “thơ thủ cựu”.

Thế nhưng, xét về mặt ngữ nghĩa thì thuật ngữ “thơ cách tân” chỉ được xác định nghĩa trong tương quan với “thơ thủ cựu”. Vì thực tế đời sống thơ ca mấy chục năm trở lại đây không hề xảy ra chuyện “thơ truyền thống” thì không đổi mới theo hướng cách tân. Có chăng chỉ là sự đối lập giữa “thơ cách tân” được viết ra khác với “thơ thủ cựu” đã từng tồn tại trên văn đàn thơ Việt hàng chục, hàng trăm năm, chí ít là ở phương diện hình thức thể hiện.

Có một thực tế khác là các nhà lý luận, phê bình văn học, cũng như chính các nhà thơ chưa và không bao giờ đưa ra được một định nghĩa xác tín cho cái gọi là “thơ thủ cựu”. Khái niệm này có chăng chỉ được xác định một cách tương đối những khi trà dư tửu hậu, nói cho vui mà thôi. Ngay cả từ điển tiếng Việt cũng không hề có mục giải thích nghĩa cho cụm từ này.

Chẳng hạn như khi đọc hai bài thơ sau: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (Ca dao), hay: “Lá đào rơi rắc lối Thiên thai/ Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi/ Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai/ Ước cũ duyên thừa có thế thôi/ Đá mòn, rêu nhạt/ Nước chảy, huê trôi/ Cái hạc bay lên vút tận trời!/ Trời đất từ nay xa cách mãi/ Cửa động/ Đầu non/ Đường lối cũ/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” (Tản Đà- Tống biệt) chẳng ai có thể nói một cách chắc chắn rằng đây là những bài thơ, câu thơ thuộc loại nào: “thủ cựu”, “”, “mới” hay “cách tân”, nhưng lại không một ai không thừa nhận những câu thơ, bài thơ trên là hay, thậm chí còn rất hay.

Một khi không xác định được nội hàm và ngoại diên của thuật ngữ/ khái niệm “thơ thủ cựu”, cái tối quan trọng làm đối sánh để tìm ra nghĩa của thuật ngữ đối lập với nó là “thơ cách tân”, thì sẽ không bao giờ tìm ra được nghĩa của thuật ngữ “thơ cách tân”. Vậy là, “thơ cách tân” chỉ là một thứ ngôn ngữ nói hơn là một thuật ngữ/ khái niệm khoa học có thể xác định được ngoại diên và nội hàm của nó. Thuật ngữ “thơ cách tân” chỉ là một cụm từ hết sức mơ hồ, chất ảo nhiều hơn chất thực. Cũng vì thế các cuộc bàn luận về nó đều không có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn và những vấn đề xung quanh nó, thực chất đều là ngụy tạo. Tính chất giả chân thực của thuật ngữ/ khái niệm “thơ cách tân” chính là ở chỗ nó không được dùng để định danh cho một thuộc tính, một trào lưu hay giai đoạn nào của thi ca Việt. Vì thế, theo tôi sẽ không bao giờ có cái gọi là “thơ cách tân” hay “thơ thủ cựu”, “thơ cũ” hay “thơ mới”, cũng như không có “thơ địa phương” hay “thơ trung ương”,… mà chỉ có “thơ hay” và “thơ không hay” thôi.

Còn thuật ngữ “Thơ mới”, mà lâu nay chúng ta vẫn thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, được dùng để chỉ một phong trào thơ ca trong giai đoạn từ 1932- 1941 của thế kỷ trước ở nước ta, dưới ảnh hưởng của hệ hình thẩm mỹ Chủ nghĩa tượng trưng, mà dòng văn học lãng mạn Pháp cuối thế kỷ XIX như là quá trình hiện thực hóa hay là kẻ phát ngôn cho hệ hình thẩm mỹ ấy. Sau này nội dung của khái niệm “Thơ mới” được nới rộng ra để chỉ những người đi sau đồng thuận với quan niệm thẩm mỹ của Chủ nghĩa tượng trưng Pháp trong việc triển khai nó vào các sáng tác thơ của mình, dù là vô tình hay cố ý        

… Và nhu cầu cách tân thơ

Không chỉ có thơ ca, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, nhu cầu đổi mới bao giờ cũng nằm trong bản chất vận động của cuộc sống, chứ không phải là ý muốn chủ quan của một người hay một nhóm người nào đấy. Cách tân hay đổi mới thơ không phải là câu chuyện mới mẻ gì, mà đã có tự ngàn đời nay, cũ xưa như trái đất. Chỉ có điều vài chục năm trở lại đây, với vòng quay chóng mặt của cuộc sống hiện đại, nhiều người cảm thấy nhu cầu làm mới thơ ca gấp gáp và riết róng hơn, khiến một số người lạc quan nghĩ rằng dường như sắp nổ ra một cuộc “cách mạng” trong thi ca giống như phong trào “Thơ mới” cách đây hai phần ba thế kỷ.

Xin thưa, điều ấy rất ít có khả năng, nếu không muốn nói là không thể xảy ra, vì lịch sử không bao giờ lặp lại chính mình, tương tự như cách nói của Trang Tử là không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Dòng sông cuộc đời luôn cuộn chảy mãi về phía trước, ngày càng chảy nhanh, chảy mạnh hơn. Nhà thơ muốn tắm được trên dòng sông cuộc đời ấy không thể mãi ngồi yên một chỗ tỉa tót, nhâm nhi những gì của cha ông để lại, hay bằng lòng với những cái mình đã có, mà anh ta cần phải vượt thoát ra khỏi chính mình. Quá trình vượt thoát ấy trong thơ ca chính là sự đổi mới. Đổi mới thơ là quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ, nếu anh ta không muốn lẽo đẽo đi theo sau lịch sử.

Tôi có thể khẳng định rằng không có bất cứ nhà thơ nào lại làm ra hai bài thơ hoàn toàn giống nhau. Cái sự “không giống nhau” ấy ở mỗi nhà thơ đã tự nó bao hàm quá trình đổi mới một phần hay toàn phần trong sáng tạo nghệ thuật rồi. Còn hiện tượng có những bài thơ của người nọ na ná giống người kia, có thể đấy là sự vô tình bị “lây nhiễm” về ý tưởng, giọng điệu, ngôn ngữ thể hiện,…ngoại trừ một vài người cố tình sao chép, điều đó không bàn đến ở đây.

Hai đoạn thơ sau là minh chứng sinh động cho điều đó: “…Sau mỗi trận thắng/ Ngồi bên suối đánh cờ/ Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt/ Người vá áo thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu/ Suối mang/ bóng người/ Trôi những về đâu…” (Hữu Loan- Đèo cả) và một đoạn khác “...Nỗi cô đơn cười hả hê viên mãn/ Những thói quen yêu thương cựa quậy/ Nhói/ Buốt/ Nụ hôn anh rất gần/ Bờ môi anh quá xa/ Mộng ảo trượt ngã sau tấm rèm buông ngược gió/…/ Sáng nay vòm trời cong cong như niềm nhớ/ Bầy lá khô xoắn xuýt gót lạnh mềm/ Ly cà phê uống dở/ Bản tình ca bỏ ngỏ/ “Tôi buồn như cỏ/…” (Võ Thị Phương Thúy- Buồn như cỏ).

Nếu không ghi tên tác giả và tên bài thơ, nhiều người sẽ không thể nhận ra bài thơ nào viết trước, bài thơ nào sau và chúng cách nhau bao lâu. Đối với nhà thơ Hữu Loan và bài thơ “Đèo Cả” chắc chắn không ít người nhận ra vì ông đã quá nổi tiếng. Còn với đoạn thơ thứ hai của Võ Thị Phương Thúy, hẳn là nhiều người chưa biết. Bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan được viết vào năm 1946, bài thơ “Buồn như cỏ” của Võ Thị Phương Thúy được viết vào ngày 7/1/2012, hai bài thơ cách nhau chừng 66 năm có lẻ.

Rõ ràng đây là hai đoạn trong hai bài thơ hay thuộc thế hệ ông và cháu, nhưng chúng đều mang đậm tính chất cách tân. Vậy hà cớ gì mãi đến vài năm gần đây, nhiều người cứ phải hô hoán lên nào là “thơ cách tân”, rồi “cách tân thơ”, “đổi mới thơ”,… Từ thưở lọt lòng bản thân thơ đã mang trong mình nhu cầu đổi mới, vì sự tồn tại của chính mình.

Xem ra càng hô hào chỉ càng làm rối rắm thêm diện mạo đời sống thơ ca mà thôi, phỏng có ích gì. Được một số người khen, một vài tờ báo lăng xê, các người thơ trẻ cứ thế mà bổ nhào lao bằng mọi giá để có được những bài “ thơ cách tân”, trong khi họ lại chẳng ý thức được cách tân cái gì và cách tân như thế nào, đâu là giới hạn không thể vượt qua để thơ không biến thành kịch, văn xuôi hay nhật ký cá nhân chỉ ghi lại những điều lẻ tẻ, vụn vặt của đời sống riêng tư thường nhật. Để rồi, nhân danh “cách tân” nhiều người đã cho ra đời một thứ chẳng biết gọi là gì: văn nói, ghi chép, nhật ký,… chỉ biết rằng nó giống như món “óc sống” khiến công chúng không thể nào tiêu hóa nổi./.

Nguồn:  nguyenhuuquy.vnweblogs.com