Thơ khó, nhìn từ sáng tạo và tiếp nhận

Thơ khó nhìn từ sáng tạo và tiếp nhận

 KHẢI THIÊN

Từ một bài viết, một hiện tượng thời Thơ mới (Thơ khó, Xuân Diệu, Ngày nay số 145, thứ Bảy, 14 Janv, 1939) suy ngẫm về cái khó của thơ đương đại Việt Nam, chúng tôi hy vọng có thể góp thêm một ý kiến nhằm làm rõ thêm vấn đề: lỗi tại ai trong “bi kịch” sáng tạo và tiếp nhận thơ hiện nay.

1. Chủ thể sáng tạo: cách tân và bản chất của thơ khó

Thời thơ mới, người ta bảo thơ Xuân Diệu Tây quá, xa lạ quá đến nỗi Thế Lữ phải tha thiết “Loài người hãy hiểu con người ấy”. Rồi chính Xuân Diệu lại không thể chịu được lối Thơ điên của Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh kính nhi viễn chi với thơ Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, người ta gọi thơ Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ (Xuân Thu nhã tập) là thơ “hũ nút”, tăm tối,…Dường như lỗi thuộc về thi sĩ. Thi sĩ đã sáng tác những loại thơ khó, khiến cho độc giả không thể hiểu nổi, không thể tiếp cận với thông điệp thẩm mĩ mà thi sĩ gửi gắm. Thế nhưng, cũng thời ấy, khi bàn về cái khó của thơ mới ảnh hưởng lối thơ Tây phương, Diệu Anh trên Thanh nghị, số 19, ngày 16, Aout 1942, trang 7 đã quả quyết “Lỗi không ở thi sĩ, lỗi ở người đọc” (Nói chuyện thơ nhân quyển “Thi nhân Việt Nam 1932 – 1942”). Quả thực, lỗi không ở thi sĩ. Chủ thể sáng tạo thi ca là một cá nhân với hệ giá trị riêng của mình. Thi sĩ bộc lộ chính mình trên hành trình đi tìm bản sắc cá nhân. Cái khó hiểu của thơ chính là cái khó hiểu của lòng người, sự phức tạp của một cá thể hướng tới biểu tỏ “bản sắc nhân vị” của mình. Thơ nảy sinh trong quá trình cái tôi bản thể ấy thực hành những quan niệm về giá trị, về chất sống một cách nghệ thuật, thông qua ngôn từ, làm thành một thi giới riêng. Thi giới ấy có luật lệ của nó, và kẻ muốn xâm nhập phải có con đường và những công cụ giải mã tương thích.

Xưa kia, Hàn Mặc Tử ca ngợi Chế Lan Viên, Bích Khê còn Hoài Thanh cảm thấy “mệt lử” khi thử tiếp cận những vương quốc ấy. Ở một trường hợp khác, những vần thơ “hũ nút” của Nguyễn Xuân Sanh chỉ có thể hiểu được nhờ sự giải mã của Đinh Gia Trinh (Trong công trình Việt Nam thi ca luận, Khuê văn xuất bản cục, MXMXLII, Lương Đức Thiệp cũng thể hiện những đồng cảm của mình khi biện giải về “thơ thuần túy” và thơ Nguyễn Xuân Sanh). Xuân Diệu lạ vì ông mang đến thứ thơ quá Tây, xa với chân trời mĩ cảm của công chúng đương thời. Lối hành ngôn, dụng chữ của ông trở thành khó với độc giả quen cách tư duy và xúc cảm truyền thống. Tương tự như thế, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ đã cách tân ráo riết hơn về phía Ch. Baudelaire, A. Rimbaud, S. Mallarmé, P. Valéry, chạm đến cả A. Breton,…nên dường như đã gây khó cho Xuân Diệu, Hoài Thanh (chưa nói đến độc giả thông thường).

Trở lại thơ đương đại, chủ thể sáng tạo của thơ Việt đang sống lại tâm thức của thi sĩ thời tiền chiến, thậm chí họ còn mang tham vọng đi xa hơn, sâu hơn về phía khuất tối, phức tạp của bản thể. Sự tự do, đó chính là điều kiện cốt lõi để những quan niệm về giá trị cá nhân được thực hành. Thơ đương đại khó bởi nó bí hiểm và sâu sắc như lòng người không thước tấc nào đo đếm được. Vì thế, độc giả đừng mang hy vọng sẽ tỏ tường những chân trời không thuộc về mình. Thi sĩ hoàn toàn có thể nói “Xin lỗi, nếu thơ tôi không dành cho bạn”. Sự biện giải như thế của Phan Huyền Thư (Tia sáng, số 3/2002) làm ta phải nhắc lại một điều đã cũ nhưng chưa hề sai: “Thơ là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Đừng trách giận và vội vàng phủ định nếu mình không phải là một hồn đồng điệu cùng với thi nhân. Cái khó của thơ, đúng như Nguyễn Thanh Tâm (Thơ khó hay câu chuyện của những giới hạn, Văn nghệ trẻ, số 9, 2012) đã nói là khi “thơ cách tân xa hơn những vùng tư duy và mĩ cảm của công chúng tiếp nhận”. Đó là bản chất của thơ khó và cũng là biểu hiện chân chính của sự cách tân. Cách tân nghĩa là sáng tạo không ngừng nghỉ. Đó là định mệnh của thi sĩ. Lỗi không thuộc về thi sĩ, lỗi thuộc về kẻ mạo danh với những cách tân giả hiệu và thơ là một thứ giả kim đánh lừa người đọc. Vì thế, cách tân trong danh dự, trong trách nhiệm với chính sự hiệu hữu của mình và với xã hội là niềm hoài mong tha thiết nhất mà chúng ta có thể hướng đến trong bối cảnh thơ ca hiện nay.

2. Chủ thể tiếp nhận: cái khó sinh ra từ độ vênh của các hệ giá trị

Triết học ngôn ngữ, thông diễn học, lý thuyết tiếp nhận đưa người đọc lên vị trí chủ thể trong hệ thống văn học. Chủ thể tiếp nhận có quyền phát ngôn: “Xin lỗi, nếu như chúng tôi không thể đọc thơ các bạn” (Thục Linh). Người đọc luôn hướng tới những giá trị thẩm mĩ, nhân văn trong tác phẩm văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên, giữa người đọc và tác phẩm đang diễn ra một bi kịch, một “hố giao tiếp” không thể vượt qua. “Tầm đón đợi” chính là nguyên do của các hố giao tiếp. Trong cùng một hệ quy chiếu về giá trị mà ta thiết lập khi nhìn về cả hai chủ thể này, có thể thấy rằng, mỗi độc giả có một hệ giá trị cho riêng mình. Do vậy, tiếp nhận chính là câu chuyện về sự kiếm tìm những giá trị tương thích và vươn tới những “tầm đón đợi” xa rộng hơn. Những nhân tố chi phối tầm đón đợi là tri thức, văn hóa, thời đại, thế hệ cùng nhiều tác nhân khác xoay quanh đời sống cá thể. Cũng có thể nói lỗi không ở người đọc, lỗi sinh ra từ độ vênh của những hệ giá trị. Giá trị của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận không gặp gỡ với nhau dễ sinh phản ứng phê phán, chê bai và chối bỏ. Hãy tìm cho mình những giá trị, những chân trời mà nơi đó ta thấy được niềm hạnh phúc của sự tự do và đừng kêu ca về những tầng trời mình không bay tới. Quan điểm này dường như mang đầy tính thỏa hiệp. Nhưng không, những chân trời vẫn cứ vẫy gọi nhau.

Độc giả vẫn cứ thở than về thơ khó. Trên cái nhìn tổng thể, có thể chia độc giả thành hai bộ phận: độc giả đại chúng và độc giả tinh anh. Dẫu thế, cái khó vẫn cứ hiện hữu ngay trong bộ phận tinh anh nhất (Xuân Diệu, Hoài Thanh là những ví dụ). Bởi vậy, độc giả phải tự đào tạo mình, tự nâng mình lên, trước hết để có thể bay qua những giới hạn, nhịp cánh xa hơn về những tầng trời khác. Điều đó đồng nghĩa với quá trình hóa giải những cái khó của thơ (cũng là nhận ra ngọc đá).

Thơ đương đại có cái khó tựa như thơ khó thời Thơ mới. Phan Huyền Thư mong thế hệ cha anh hiểu đúng về mình, điều đó gần như là không tưởng. Hồi năm 1937, một ông nghè đã lên án chém Lưu Trọng Lư vì làm thơ mới. Cha anh thuở ấy đâu có hiểu hết những đứa con trẻ trung, khác lạ, mới mẻ của mình. Nhưng, Thế Lữ, Hoài Thanh hiểu Xuân Diệu; Hàn Mặc Tử hiểu Chế Lan Viên, Bích Khê; Đinh Gia Trinh,Lương Đức Thiệp cảm được Nguyễn Xuân Sanh… Đã có những người trẻ hiểu thơ trẻ – những người cùng thời, cùng thế hệ (và thế hệ sau), cùng những hệ giá trị. Sẽ thật buồn, thật mâu thuẫn nếu thơ không còn khó nữa, nếu ta đã tìm thấy chân trời cho mình và ung dung với hạnh phúc mong manh, rất dễ nhàm chán ấy, nội hàm nào sẽ lấp đầy cho khái niệm phát triển?

Với thơ, không ai có lỗi. Cái khó vẫn hiện hữu trong đời sống thơ ca như sự thách thức, cũng là động lực của sự phát triển. Nghĩ về thơ khó từ những diễn biến trong mối quan hệ sáng tạo và tiếp nhận, chúng tôi muốn mượn lời Thanh Tâm Tuyềntrong lời mở đầu tập thơ Tôi không còn cô độc (Nhà in Hợp Lực, 1956) để kết thúc những ý kiến của mình: “Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị, tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ”

http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=1604