THƠ HAY: TÔI SINH RA TỪ BÙN
NGUYỄN VĂN THỌ
Thơ đôi khi là câu chuyện, hệt như truyện mà làm vẫn được phép hay. Khi hay, làm lời ru cho bao kiếp người, hát ru mãi bao lứa đôi. Ví dụ, như Núi Đôi của Vũ Cao, hay Mầu tím hoa sim của Hữu Loan. Tôi còn nhớ ngày đầu nhập ngũ, lính Hà Nội lần đầu lếch thếch hành quân bộ từ Vân Hồ xuống Thường Tín. Đường ngắn thế thôi mà mới đến Đuôi Cá đoàn quân đã oải lắm. May mắn quá, người chỉ huy nhận quân khá nhậy cảm, lại thích thơ, truyện nên đọc thơ, kể chuyện khi nghỉ; đọc tấu suốt dọc đường…Núi đôi, Màu tím hoa sim cất lên làm lính Hà Thành phấn chấn. Thế mới lạ! Khi tâm thức thuộc nhuần Việt tính, vốn hay thiên về bi lụy, nên yêu và ca ngợi Màu tím… chứ công chúng ít ai ngợi ca Đèo Cả. Nhưng ở hoàn cảnh ấy, mà đọc Đèo cả thì đâu tác động vào lính mới, để được ai ai cũng rộn bước chân. Phải là Màu Tím, phải là cái bi của câu chuyện tình mà kết bằng “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ mãi mãi là sao sáng dẫn đường”, thực là hợp thời đại, mới nâng bước chân của người lính mới toanh. Những cậu trai chưa hết mùi mực học trò năm ấy mới vào quân đi, bước trở nên nhẹ tênh tênh!
“Tôi sinh ra từ bùn” là bài thơ không phải khá nhất trong tập thơ CỔ TÍCH XANH của Lê Khánh Mai, NXB Thanh niên, năm 2000 nằm trên trang 18. Nhưng khi cuộc tranh luận Bùn và Đất cầy đến hồi gay cấn, thì đọc nó bỗng buộc làm cho ta phải chú ý, thấy y như ngôi sao lạ. Buộc tôi tìm lại tập thơ của nữ thi sĩ Lê Khánh Mai đọc thêm một lần nữa. Trước hết câu chuyện trong bài thơ Tôi sinh ra từ bùn không ở thể bi. Nó mang tính tự sự, tâm sự cần chia sẻ; tâm sự một khi nào, ở cảnh tình nào của tác giả chợt nhớ mà phát tiết nên thơ. Tôi sinh ra từ bùn nằm trong tổng thể Cổ tích xanh chỉ là một thức đoạn với sự thống nhất và xuyên suốt ở một ý thức rất rõ của chủ nhân về thi pháp. Cứ nhẩn nha và dửng dưng phát biểu, tâm sự, kể lể với nhiều cung bậc của cảm xúc. Bình tĩnh sử dụng ngôn ngữ thơ khá điêu luyện, phát sáng ra ý tứ từ những từ, những câu hết sức quen thuộc, bình dị nhẹ nhàng mà tạo nên chuỗi tiếng ngân mãi, vang xa mãi, trong lòng bạn đọc. Câu chuyện Tôi sinh ra từ bùn làm người đọc tin vào một sự thật đã xảy ra ở khổ đầu; là hoàn cảnh và tâm tư của một con người hình như đã xảy ra như thế. Cá nhân Lê Khánh Mai có thể sinh ra theo nghĩa đen đúng như thế, dựng ra ngay cảnh sinh nở từ khổ đầu.Vài hình ảnh, hoàn cảnh của một cô tên Mai đấy, nhưng cũng có thể là nhiều người khác khi khái hóa nó như mọi người đều sinh ra từ bùn đất, từ quê nhà bất cứ đâu trên cõi Việt Nam này. Nhiều con người đã sinh ra lớn lên ở đồng quê Việt, một đất nước đói nghèo, chiến tranh, lạc hậu. Tự dưng bài thơ như nói về thân phận bao người, liên tưởng cao hơn là thân phận đất nước. Ở đây, nếu căn ke soi kĩ để cật vấn sẽ bật ra câu hỏi. Làm sao mà tác giả nhớ được sinh linh Mai đã: “bùn tắm gội tôi sóng sánh”, sao mà nhớ cái vị bùn khi sinh linh ấy vừa thoát ra khỏi cơ thể mẹ. Ồ, mẹ đã kể lại cho Mai và chính cô lớn lên trong những câu chuyện của mẹ. Dãi bầy tâm sự, để tìm sự chia sẻ, đồng thuận phải chăng một trong các thuộc tính có tính mục đích vin cậy ở thi ca? Đọc thơ Mai, xuyên suốt bài thơ sau khổ đầu Một người sinh ra từ bùn, đẻ rơi trên bùn, là bao hình ảnh rất quen thuộc của chúng ta, những người ít nhiều gắn bó với nông thôn, với bùn, với mạ, sữa từ bàu vú (chứ không phải sữa hải ngoại xách tay), áo nâu…Và, từ hoàn cảnh hết sức cá biệt của thi sĩ, nhờ kế tiếp nhiều hình ảnh quen thuộc khác của số đông công chúng mà dòng thơ đã tạo ra một cảm thức không chỉ riêng ai. Tự nhiên, sự khái quát từ cái riêng thành cái của chung, người đọc chậm, nhẩn nha cùng tác giả đã nhận ra giữa những khe hẹp của chữ nghĩa, của câu, của tình cảnh, có chữ tình yêu riêng và chung hiện ra. Riêng cho sự hàm ơn về người mẹ, mà ai chả có mẹ, để chung suy thêm ra, gợi mong manh ra, rằng có một tình yêu rất lớn mà tác giả gửi gấm. Với tôi, ở đây là bùn, đất, làng quê nơi ta sinh ra tắm gội – Tình yêu tổ quốc. Tất cả những điều giản dị ấy, tác giả Lê Khánh Mai luôn xoáy vào 1 từ Bùn, và đủ sắc thái mà tạo ra tôi tạm gọi là Nhận thức bùn. Bùn sóng sánh, bùn vị chát, bùn màu mỡ và bùn oi ả được đặt bên cạnh những sự ngọt ngào từ bầu sữa mẹ, từ bông lúa chín, cả tiếng thơ cười trên con trâu nằm bùn lim dim đối mắt khi sinh linh lớn lên đã tạo ra, tạo nên một ấn tượng rất đẹp, sự khác lạ về Bùn. Tất cả hòa quyện mà làm nên Hương Tôi; hương tôi hay hương của nhiều tâm hồn con cái sinh ra trên đất nước Việt Nam với nền văn minh lúa nước. Tôi nghĩ rằng, nữ thi sĩ Lê khánh Mai thành công trong bài này ở sự truyền đạt ý tứ cao xa cao trọng qua nhiều điều tưởng như nhỏ mọn, quen thuộc. Và, sự gợi của thơ chính là điều căn cốt mà làm nên thơ có đứng được hay không có sức lan tỏa trong công chúng hay không. Ý tứ trong khổ cuối Lê Khánh Mai gõ thêm ra một tiếng chuông ngân nga quay lại niềm riêng nhưng ai cũng mong cầu: Tình yêu. Tác giả hai lần dùng từ tái sinh để nhấn nhá cho một vấn đề cần trao gửi: Tình yêu tôi ở đây là điều rất lớn và có phải từ đó mà tạo niềm riêng khi nhắc đến nụ hôn đầu tiên chăng? Hãy cùng tôi nghe lại tiếng chuông này, hợp âm cuối cùng thoát ra từ mặt đất, từ bùn để bay cao vót trên nền xanh của trời vẽ lên một suy tưởng không thường: Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà / Những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất và nụ hôn đầu đời trắng trong, ngây ngất/ Đẫm hương đồng đã tái sinh tôi. Tôi rất thích cách chơi từ ngữ, một phần trong thi pháp mà cũng là cách mỗi nhà thơ bầy tỏ quan niệm thơ của mình. Tôi chia sẻ hoàn toàn ở những từ hết sức bình dị được đặt đúng chỗ mà phát ra tiếng lanh canh của ngôn từ đắc địa. Làm thơ có tiếng chuông gió, khánh đồng đã pha vàng. Bùn sóng sánh, oi ả, bùn lim dim mắt ướt, hay “hoai hoai cầy vỡ“ lạ mà không rơi vào sự cố điệu đàng, mân mê chữ. Thật là sự nhi nhiên của một giọng thơ, một ngọn bút có công lực. Công lực cũng nằm ở nhịp chọn rất thuận, chậm trãi, dịu dàng khi nói về MỘT TÌNH YÊU. Tôi tin là trên đường tìm tòi, trường hợp Lê Khánh Mai không rơi vào sự làm mới ở những trường phái mới từ hôm xửa hôm xưa của thế giới, Âu Mỹ nay mang vào ta làm sự mới lạ hiện đại. Lê Khánh Mai hiện đại ở ngôn ngữ thân quen ngày nay là tựa trên ở chính cái gốc kinh điển: văn chương cần đạt tới độ bình dị, tối giản, không cầu kì làm sang mà chẳng quê mùa. Ngôn từ thực ra về bản ngã nó hoàn toàn vô tính. Kể cả ngôn ngữ châu Âu có giống đực và cái, cũng là sự phân định mang tính kí hiệu cho sự lắp ghép mẫu câu. Chữ đứng riêng lẻ không có tốt xấu, trái phải, đẹp hay dơ dáy… phản diện hay chính diện, tiêu cực hay tích cực. Cũng như từng nốt nhạc, từ cao tới thấp trong âm nhạc, từng sắc màu, sự tối sáng đậm nhạt ở hội họa… nếu đứng riêng ra, đứng lẻ loi thì hoàn toàn không mang ý nghĩa nào. Chữ- Ngôn ngữ chỉ mang một ý tứ phân định khi đặt chúng bên nhau, đặt nó ở những ngữ cảnh, tình cảnh và hoàn cảnh, mà làm nên các mặt thuộc tính cảm xúc người. Bùn ở ca dao đặt bên Sen bàn về sự trong trắng thanh diệu của loài sen thì bùn ghê thế, nhưng bùn của Lê Khánh Mai trong bài thơ này thực đáng yêu, trân trọng, biết ơn làm sao. Vậy thì ở câu thơ của Lưu Quang Vũ Bùn cũng có làm sao mà không chọn cho các em một lần thi cử, rõ ra cái nhận thức mà nhiều người lớn vẫn cứ nhầm lẫn trong sự tầm tầm. Tôi hoàn toàn không biết sử văn, ai là người đã biên tập từ Bùn thành đất cầy, song nếu Phạm Tiến Duật có làm điều ấy thì tôi cho rằng cũng phải đạo. Bởi mỗi hoàn cảnh xuất hiện của văn nghệ có yêu cầu khác biệt. Nên nếu luận tranh mà làm đến tổn thương nhau, tổn thương cả anh Duật, một biên tập viên cả thơ lẫn văn xuối xuất sắc của Văn nghệ một thời, thì đâu có phải rộng dài và thấu đáo sâu sắc. Kết là thêm một dấu chấm, Hạ dòng, cho tỏ tường ý: Thơ Hay. Tôi Sinh Ra Từ Bùn
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
TÔI SINH RA TỪ BÙN
Không kịp trở về nhà, sau buổi cấy
mẹ sinh tôi trên cánh đồng chiêm
bùn đón tôi bằng bàn tay bà đỡ dịu hiền
bùn tắm gội tôi sóng sánh
trong tiếng khóc đầu tiên
tôi đã nếm vị bùn chát mặn
như nhánh mạ non
mẹ gieo xuống ruộng lầy
chắt chiu từng hạt bùn màu mỡ
nuôi tôi thành cây lúa trĩu bông
tôi lớn lên từ bầu sữa thơm ngon
ủ trong vạt áo nâu của mẹ
cái vạt áo giấu hương bùn oi ả
ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu.
tôi có niềm vui trẻ thơ đầy ắp trên lưng trâu
con trâu mộng đằm ao bùn lim dim mắt ướt
phe phẩy chiếc đuôi tinh nghịch
những vệt bùn tung toé cả trong mơ
tôi lớn lên không ngờ
bên những cánh đồng hoai hoai cày vỡ
líu ríu bước chân đường làng rơm rạ
cơm mới thơm nức nở ngày mùa
tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà
những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất
và nụ hôn đầu đời trắng trong, ngây ngất
đẫm hương đồng đã tái sinh tôi.
LÊ KHÁNH MAI