TỰ BẠCH CỦA LEV TOLSTOI

Tự bạch của Lev Tolstoi


Ngày 20 tháng 11 năm 1911, ở một ga xép sau này sẽ mang tên ông, nỗi bất hạnh lớn nhất của văn học thế giới đã bùng nổ và làm bàng hoàng hết thảy những ai từng đọc và yêu mến thiên tài Lev Tolstoi. Ngày ấy mới có điện thoại nhưng không phải thành phố nào cũng có, nên niềm tiếc thương cứ day dứt sau hàng chục năm trời về cái chết đầy bí hiểm của vị bá tước mà nếu nhìn bề ngoài thì không ai có thể hiểu nổi: Tài danh, giàu có, vợ con đề huề và ai cũng rất yêu kính ông. Hậu sinh chỉ có thể phỏng đoán: Với khát vọng vĩ đại, cái khát vọng khiến nhà văn có sức mạnh và dũng lực sáng tạo ghê gớm đến đâu cũng không bao giờ đủ và đó là một nghịch lý của sứ mệnh nhà văn.

Phạm Vĩnh Cư dịch từ nguyên bản tiếng Nga

I

Tôi được rửa tội và giáo dục theo đạo Kitô chính thống. Từ thơ ấu qua suốt tuổi thiếu niên, rồi thanh niên, người ta dạy tôi tin theo đạo ấy. Nhưng khi vào tuổi 18 tôi bỏ học, không học hết năm thứ hai đại học, thì tôi đã không còn tin vào bất cứ cái gì mà tôi được dạy bảo.

Nếu căn cứ vào những gì mà tôi nhớ, thì tôi chưa bao giờ có đức tin nghiêm túc, mà chỉ tin cậy vào cái mà những người lớn dạy bảo tôi, tin vào những lời tuyên tín của họ trước tôi; nhưng niềm tin cậy ấy rất bấp bênh.

Tôi nhớ, hồi tôi mới chừng mười một tuổi, một cậu bạn đã mất từ lâu tên là Volodenka M., thời ấy đang học ở trường trung học, vào một chủ nhật sang chơi với chúng tôi và loan báo cho chúng tôi một phát hiện mới nhất được làm ra ở trường cậu. Nội dung của phát hiện ấy là không có Thiên Chúa và tất cả những gì mà người ta vẫn dạy chúng tôi toàn là những điều bịa đặt (chuyện này xảy ra vào năm 1838). Như tôi nhớ, các anh tôi đã tỏ ra rất quan tâm đến tin mới này và đã gọi cả tôi đến để hội ý. Tất cả chúng tôi, tôi nhớ, đều rất phấn chấn, đều xem cái tin này là rất hấp dẫn và rất có thể là đúng sự thật.

Tôi còn nhớ thêm là khi mà anh trai tôi Dmitri, còn đang học đại học bỗng nhiên trở nên mộ đạo và với bản tính cuồng nhiệt sẵn có, bắt đầu chăm chỉ đi lễ nhà thờ, ăn chay, sống một lối sống thanh sạch, hợp với đạo lý thì tất cả chúng tôi, cả những người nhiều tuổi hơn, đã chế giễu anh không ngớt và không hiểu vì sao đã gọi anh là một Noah. Tôi nhớ, có lần ông Musin-Pushkin, thời ấy là giám hộ viên của Đại học Kazan, gọi chúng tôi đến nhà ông ta khiêu vũ, anh tôi đã từ chối, và ông ta đã dỗ dành anh một cách diễu cợt, viện lý rằng ngay vua David cũng nhảy múa trước hòm đựng thánh tích cơ mà. Thời ấy, tôi đã đồng cảm hoàn toàn với những lời diễu cợt như thế của những người lớn tuổi hơn và đã rút ra từ đấy một kết luận là cần phải học sách giáo lý, cần phải đi lễ nhà thờ song không nên coi trọng quá mức những chuyện ấy. Tôi còn nhớ nữa là hồi còn rất trẻ tôi đã đọc Voltaire và những nhạo báng của ông đã không những không làm tôi phẫn nộ, mà còn khiến tôi rất vui thích.

Sự rời bỏ tôn giáo đã diễn ra trong tôi tương tự như đã từng và hiện nay vẫn diễn ra ở những người được hưởng một nền giáo dục như chúng tôi. Thiết nghĩ, trong đa số trường hợp cái đó xảy ra thế này: con người thường sống như mọi người xung quanh sống, còn mọi người thì sống trên cơ sở những khởi nguyên không những không có một cái gì chung mà đa phần còn đối lập với học thuyết tôn giáo; học thuyết tôn giáo không liên quan gì đến cuộc sống, trong quan hệ với những người khác ta không khi nào phải đụng chạm với nó và trong đời tư cũng không bao giờ phải đối mặt với nó; học thuyết ấy được tuyên tín ở đâu đó, xa và độc lập với cuộc sống. Nếu có phải đụng chạm với nó, thì cũng chỉ như là với một hiện tượng bên ngoài, không gắn bó với đời sống.

Nếu dựa vào đời sống của con người, vào những việc làm của nó thì giờ đây cũng như trước kia không thể nào biết được, anh ta có tin đạo hay không. Nếu có sự khác nhau giữa những người công khai tuyên tín đạo chính thống và những người phủ định đạo này, thì sự khác nhau ấy không có lợi cho những người thứ nhất. Hiện nay cũng như trước đây, sự thừa nhận và tuyên tín công khai đạo chính thống đa phần được thấy ở những con người đần độn, tàn bạo và vô đạo đức, nhưng lại xem mình là những nhân vật rất quan trọng. Còn trí tuệ, sự trung thực, ngay thẳng, lòng tốt và đạo đức thì đa phần lại được bắt gặp ở những người coi mình là vô đạo.

Ở nhà trường người ta dạy giáo lý và cắt cử học sinh đi lễ nhà thờ; người ta đòi các viên chức trình giấy chứng nhận đã thụ lễ ban thánh thể. Nhưng những người thuộc giới của chúng tôi, đã không còn đi học nữa và không đảm nhiệm công cụ gì thì hiện nay cũng như xưa kia, mà xưa kia còn nặng hơn, có thể sống qua hàng chục năm mà không nhớ ra dù chỉ một lần rằng mình đang sống giữa các tín hữu Kitô giáo và bản thân được gọi là người theo đạo Kitô chính thống.

Thành thử hiện nay cũng như xưa kia, cái giáo thuyết được tiếp nhận bằng sự tin cậy và được duy trì bằng áp lực từ bên ngoài, tiêu tan dần dưới ảnh hưởng của những kiến thức và kinh nghiệm sống trái ngược với giáo thuyết, và một người sống lâu rất nhiều khi tưởng rằng cái giáo thuyết được truyền thụ cho y từ thời thơ ấu vẫn còn lại nguyên vẹn trong y, nhưng thực ra nó đã biến mất không còn dấu tích.

Một người thông minh và trung thực, ông S., đã kể cho tôi nghe ông ấy đã thôi tin đạo như thế nào. Vào tuổi khoảng hai mươi sáu một hôm trong cuộc đi săn, trước khi ngủ qua đêm, anh đứng dậy cầu nguyện. Người anh trai cùng đi săn với anh nằm trên cỏ khô và nhìn anh. Khi S. đã cầu nguyện xong và bắt đầu nằm xuống, người anh hỏi anh ta: “Chú vẫn còn làm cái đó à?”. Và họ không nói thêm gì nữa với nhau. Nhưng từ hôm ấy S. đã thôi không cầu nguyện và không đi lễ nhà thờ nữa. Chẳng phải vì anh ta biết những quan niệm của anh mình và chia sẻ chúng, cũng không phải vì anh đã quyết một cái gì đó trong thâm tâm, mà chỉ bởi vì mấy lời mà người anh đã nói ra đúng lúc đã giống như ngón tay ấn vào bức tường sẵn sàng sụp đổ do sức nặng của chính nó; mấy lời ấy đã chỉ cho anh thấy rằng ở chỗ mà anh tưởng là có tín ngưỡng từ lâu đã trống không, và vì thế mà tất cả những lời mà anh nói, những dấu thánh giá và những động tác cúi lậy mà anh làm trong lúc cầu nguyện chỉ là những cử chỉ vô nghĩa hoàn toàn. Một khi đã nhận thức được tính vô nghĩa của chúng, thì anh đã không thể tiếp tục chúng.

Điều này, tôi nghĩ, đã và đang xảy ra với đại đa số người. Tôi nói về những người có học như chúng tôi, nói về những người trung thực với chính mình, chứ không phải về những ai biến đối tượng của tín ngưỡng thành phương tiện đoạt bất kỳ một mục đích nhất thời nào (Những người ấy là những kẻ bất tín nhất về bản chất, bởi vì nếu đối với họ tín ngưỡng là phương tiện đạt những mục đích trần thế nào đó, thì đó chắc chắn đã không còn là tín ngưỡng nữa). Còn những người có học như chúng tôi thì ở trong tình thế như thể ánh sáng của tri thức và cuộc sống đã nung chảy tòa nhà hư tạo của họ và họ đã nhận ra điều đó và đã giải phóng chỗ, hoặc còn chưa nhận ra.

Cái giáo thuyết được truyền thụ cho tôi từ tuổi thơ đã biến mất trong tôi cũng giống như trong những người khác, chỉ với một nét dị biệt là, do tôi rất sớm đã bắt đầu đọc nhiều và suy nghĩ nhiều, cho nên sự từ bỏ tôn giáo nơi tôi cũng rất sớm trở nên hữu thức. Từ mười sáu tuổi tôi đã thôi không cầu nguyện nữa và theo thôi thúc của bản thân cũng thôi không đi lễ nhà thờ nữa và nhịn ăn nữa. Tôi không còn tin vào những gì được truyền thụ từ tuổi thơ, nhưng tôi vẫn tin vào một cái gì đó. Tôi sẽ không thể nói được tôi tin vào cái gì. Tôi tin vào Thượng Đế ư, hoặc đúng hơn tôi không phủ nhận Thượng Đế, nhưng Thượng Đế nào thì tôi không thể nói; tôi không phủ nhận cả Kitô với học thuyết của Người, nhưng học thuyết ấy là ra sao thì tôi cũng không thể nói.

Giờ đây, nhớ lại thời ấy, tôi thấy rõ rằng niềm tin của tôi – cái mà, ngoài những bản năng sinh vật, thúc đẩy cuộc sống của tôi – niềm tin chân chính duy nhất của tôi thời ấy là tin vào sự hoàn thiện hóa. Nhưng hoàn thiện hóa trong cái gì và nhằm mục đích gì thì tôi lại không nói được. Tôi cố hoàn thiện mình về mặt trí óc – tôi học mọi thứ có thể học và mọi thứ mà cuộc sống bắt tôi phải tiếp cận; tôi cố gắng hoàn thiện ý chí của mình – đặt ra cho mình những nguyên tắc này nguyên tắc kia và cố gắng tuân thủ chúng; tôi hoàn thiện mình cả về mặt thể chất, bằng mọi luyện tập nâng cao thể lực và sự khéo léo của mình và bằng mọi gian khổ rèn cho mình tính chịu đựng và tính kiên nhẫn. Và tôi xem tất cả cái đó là sự hoàn thiện hóa. Dĩ nhiên, khởi đầu tất cả chỉ là sự hoàn thiện đạo đức, nhưng nó đã mau chóng bị thay thế bằng hoàn thiện hóa chung chung, tức là bằng ý nguyện trở nên tốt hơn không phải trước chính mình hay trước Thượng Đế, mà trước những người khác. Và rất nhanh cái ý nguyện trở nên tốt hơn trước người khác ấy đã bị thay thế bằng ý nguyện trở nên mạnh hơn những người khác, tức là danh giá hơn, quan trọng hơn, giàu có hơn.

II

Lúc nào đó tôi sẽ kể lại lịch sử đời tôi – nó vừa đầy xúc động vừa đầy ý nghĩa giáo huấn trong mười năm tuổi trẻ ấy. Thiết nghĩ, nhiều người, rất nhiều người từng trải nghiệm những điều ấy. Bằng toàn bộ tâm hồn tôi ao ước làm người tốt; nhưng tôi còn trẻ, tôi có những đam mê, mà tôi lại đơn độc, đơn độc hoàn toàn những khi tôi tìm kiếm cái tốt lành. Mỗi khi tôi cố gắng thổ lộ những gì là nguyện vọng sâu kín nhất của mình, thổ lộ rằng tôi muốn trở thành người tốt về mặt đạo đức, thì tôi chỉ bắt gặp sự khinh bỉ và chế nhạo; song chỉ cần tôi giao mình cho những đam mê xấu xa, thì người ta lại khen ngợi tôi và khích lệ tôi. Lòng hiếu danh, ham mê quyền lực, ham lợi, ham nhục dục, lòng kiêu ngạo, sự giận dữ, sự báo thù – tất cả cái đó đều được coi trọng. Giao mình cho những thị dục ấy, tôi trở nên giống những người có tuổi, và tôi cảm thấy rằng người ta hài lòng về tôi. Bà cô hiền hậu của tôi, một con người trong sạch tuyệt vời cùng sống với tôi, vẫn thường bảo tôi rằng bà không mong muốn cho tôi một cái gì hơn là làm sao tôi có quan hệ luyến ái với một phụ nữ có chồng. “Rien ne forme un jeune homme comme une liaison avec une femme comme il faut”(1); bà còn mong ước cho tôi một hạnh phúc khác – làm sao tôi trở thành một sĩ quan tùy tùng, tốt nhất là của hoàng thượng; và hạnh phúc lớn nhất – làm sao tôi cưới được một thiếu nữ rất giàu và, do cuộc hôn nhân ấy, có được thật nhiều nô lệ.

Tôi không thể nhớ lại những năm ấy mà không cảm thấy kinh hãi, ghê tởm và đau lòng. Tôi đã từng giết người trên chiến trường, từng thách gọi đấu súng để giết, từng thua bạc, ăn tiêu biết bao công sức của những người nông nô, trừng phạt họ, tà dâm, lừa đảo. Nói dối, ăn cắp, dâm ô theo mọi cách, nát rượu, bạo hành, giết người… Không có tội ác nào mà tôi đã không mắc phải, song về tất cả cái đó người ta lại khen tôi, những người cùng lứa tuổi đã và hiện nay vẫn xem tôi là người tương đối có đạo đức.

Tôi đã sống mười năm như thế.

Vào thời kỳ ấy tôi bắt đầu viết vì hám danh, hám lợi và kiêu căng. Trong viết lách tôi cũng xử sự như trong đời sống. Để có được tên tuổi và tiền, mà vì chúng tôi cầm bút, cần phải che giấu đi cái tốt lành và phô trương cái xấu xa. Và tôi đã làm như thế. Biết bao lần tôi đã dùng đủ mưu mẹo để che giấu đi trong những văn phẩm của mình, dưới vẻ dửng dưng và thậm chí chế giễu nhẹ nhàng, những khát vọng hướng thiện, mà chính chúng tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của tôi. Và tôi đã đạt đích: người ta khen ngợi tôi.

Hai mươi sáu tuổi đời, sau chiến tranh, tôi lên Peterburg và bước vào quan hệ với giới cầm bút. Người ta tiếp đón tôi như người của mình, phỉnh nịnh tôi. Và tôi chưa kịp trông trước trông sau, thì cách nhìn đời của giới văn sĩ mà tôi giao du, đã được tôi hấp thụ và đã xóa nhòa hoàn toàn trong tôi những nỗ lực trở nên tốt hơn trước đó. Cách nhìn ấy đã lót dưới cuộc sống buông thả của tôi một lý thuyết biện minh cho nó.

Cách nhìn đời của những người ấy, những đồng nghiệp của tôi trong viết lách, là như sau: cuộc sống nói chung đi lên, phát triển và trong sự phát triển ấy vai trò chính thuộc về chúng ta, những con người của tư tưởng, mà trong những con người của tư tưởng thì có ảnh hưởng nhiều nhất lại là chúng ta – những nghệ sĩ, những thi sĩ. Sứ mệnh của chúng ta là dạy bảo loài người. Và để không xuất hiện trước chúng tôi một câu hỏi tự nhiên: thế thì tôi biết cái gì và phải dạy cái gì, trong lý thuyết ấy đã được chỉ rõ rằng chính cái đó không cần biết, rằng người nghệ sĩ và thi sĩ dạy dỗ một cách vô thức. Tôi được coi là một nghệ sĩ và thi sĩ tuyệt vời, và vì vậy với tôi thời ấy là rất tự nhiên hấp thụ lý thuyết ấy. Tôi – một nghệ sĩ, một thi sĩ – cứ viết, cứ dạy mà không biết dạy cái gì. Người ta trả tiền tôi vì việc làm ấy, tôi có đồ ăn, nhà ở rất tốt, có phụ nữ, có xã hội để giao tế, có danh tiếng. Cho nên những gì tôi dạy nhân quần, hẳn là rất tốt.

Niềm tin ấy vào ý nghĩa của thi ca và vào sự phát triển của cuộc sống là một tín ngưỡng thực thụ, và tôi là một trong những tư tế của tín ngưỡng ấy. Làm tư tế cho cái đạo ấy là rất có lợi và thích thú. Và tôi trong thời gian khá lâu đã sống trong tín ngưỡng ấy, không nghi ngờ tính chân lý của nó. Nhưng sang năm thứ hai và nhất là thứ ba của cuộc sống ấy tôi bắt đầu nghi ngờ tính không thể sai lầm của tín ngưỡng ấy và bắt đầu khảo sát nó. Cái cớ đầu tiên khiến hồ nghi, đó là tôi bắt đầu nhận ra rằng các vị tư tế của tín ngưỡng ấy không phải tất cả đều đồng tâm nhất trí với nhau. Một số người nói: chúng tôi mới là những người thầy tốt và hữu ích, chúng tôi dạy bảo cái cần thiết, còn những người khác thì dạy bậy. Những người khác lại nói: Không, chúng tôi mới là chân chính, còn các ông dạy bậy. Và họ tranh luận, cãi vã, chửi bới, lừa gạt, gian lận chống lại nhau. Ngoài ra, giữa họ còn có nhiều người không quan tâm gì hết đến việc ai phải, ai trái, mà chỉ cốt giành được những mục đích tư lợi của mình, lợi dụng toàn bộ hoạt động của chúng tôi. Tất cả cái đó đã khiến tôi phải hồ nghi tính chân lý của cái tín ngưỡng của chúng tôi.

Ngoài ra, khi đã hồ nghi tính chân chính của cái tôn giáo của văn sĩ ấy, tôi bắt đầu quan sát chăm chú hơn các vị tăng sĩ của nó và nhận ra rằng hầu như tất cả các tăng sĩ ấy, các văn sĩ, đều là những kẻ vô đạo đức và đa phần là những người xấu, nhỏ nhen về nhân cách, thấp kém hơn nhiều so với những người tôi từng quen biết trong cuộc đời quân nhân trác táng của mình, nhưng các vị ấy lại hết sức tự tin và tự mãn – một sự tự mãn chỉ có thể có ở các thánh nhân hoặc ở những người không biết thánh thiện là gì. Những người ấy đã khiến tôi phát ghét, tôi đã phát ghét cả chính mình và ngộ ra rằng tôn giáo ấy là một trò bịp.

Nhưng lạ thay, mặc dù tôi đã mau chóng hiểu được tính sai trái của tôn giáo ấy và đã từ bỏ nó, nhưng tôi lại không từ bỏ cái danh hiệu mà những người ấy đã ban cho tôi – danh hiệu nghệ sĩ, thi sĩ, người thầy. Tôi ngây thơ tưởng rằng tôi là thi sĩ, là nghệ sĩ và có thể dạy bảo mọi người mà tự mình không biết phải dạy cái gì. Và tôi đã làm như thế.

Từ sự giao du với những người ấy tôi đã hấp thụ một tật xấu mới – tính cao ngạo phát triển tới bệnh hoạn và niềm tin tưởng điên rồ rằng tôi có sứ mệnh dạy bảo mọi người mà không biết dạy cái gì.

Giờ đây, nhớ lại về thời kỳ ấy, nhớ lại về tâm trạng của mình lúc ấy và tâm trạng của những người khác (những người như thế, thực ra, hiện nay vẫn có hàng ngàn), tôi thấy vừa đáng thương, vừa đáng sợ, vừa nực cười – xuất hiện đúng cái cảm giác mà ta trải nghiệm trong nhà thương điên.

Hồi ấy tất cả chúng tôi đều tin tưởng sắt đá rằng chúng tôi cần phải nói và nói, phải viết và in càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, tất cả cái đó là cần thiết cho lợi ích của nhân loại. Và chúng tôi hàng ngàn người phủ định, chửi bới lẫn nhau, tất cả đều in, đều viết, đều dạy bảo những người khác. Và, không nhận ra một điều là chúng tôi không hiểu biết một cái gì cả, là đối với một câu hỏi giản đơn nhất của đời sống: cái gì tốt và cái gì xấu – chúng tôi không biết trả lời thế nào, tất cả chúng tôi, không ai nghe ai, đều nói nhất loạt, có khi chiều ý nhau và khen ngợi nhau, cốt để tôi cũng được chiều ý và được khen ngợi, nhưng nhiều khi bực tức hò hét át tiếng nhau, hệt như trong nhà thương điên.

Hàng ngàn công nhân làm việc cật lực ngày đêm, sắp chữ, in ấn hàng triệu ngôn từ, rồi bưu chính chở chúng đi khắp nước Nga, thế mà tất cả chúng tôi cứ dạy bảo, dạy bảo nữa, dạy bảo mãi mà không thể nào kịp dạy bảo tất cả và tất cả đều bực mình rằng người đời ít chịu nghe chúng tôi.

Kỳ lạ vô cùng, nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Động cơ thực sự, xuất phát từ tâm can của chúng tôi là làm sao chúng tôi nhận được thật nhiều tiền và thật nhiều lời khen ngợi. Để đạt mục đích ấy chúng tôi không biết làm một cái gì khác ngoài viết sách và viết báo. Và chúng tôi đã làm việc ấy. Nhưng để cho chúng tôi có thể làm một việc vô ích như thế mà lại tin tưởng rằng chúng tôi là những người rất quan trọng, chúng tôi cần phải có một lập luận biện minh cho hoạt động của chúng tôi. Và chúng tôi đã nghĩ ra một điều như sau: tất cả những gì tồn tại đều có lý. Và tất cả những gì tồn tại đều phát triển. Mà tất cả đều phát triển được nhờ có sự khai hóa. Mức độ khai hóa thì đo được bằng sự phát hành sách báo. Và người ta trả tiền chúng tôi và trọng vọng chúng tôi vì chúng tôi viết sách và viết báo, vì vậy chúng tôi là những người hữu ích nhất và ưu tú nhất. Lập luận này sẽ là hay tuyệt, nếu mà chúng tôi tất cả đều tâm đầu ý hợp với nhau, nhưng bởi lẽ đáp lại từng tư tưởng được một người nói ra, bao giờ cũng xuất hiện một tư tưởng khác, đối lập một trăm tám mươi độ, do người khác phát biểu, cho nên điều ấy lẽ ra đã phải khiến chúng tôi suy nghĩ lại. Nhưng chúng tôi đã không nhận ra điều ấy. Người ta trả tiền chúng tôi, và những người đồng đảng khen ngợi chúng tôi, – cho nên chúng tôi, mỗi người trong chúng tôi, đều cho mình là đúng.

Bây giờ tôi thấy rõ là không có sự khác biệt nào hết với nhà thương điên; nhưng thời ấy tôi chỉ nghi hoặc một cách mơ hồ và, cũng như mọi người điên – gọi tất cả là những kẻ điên, ngoài bản thân mình.

III

Tôi đã sống như thế, lao vào sự điên rồ ấy, sáu năm, trước khi cưới vợ. Cũng trong thời kỳ này tôi đã ra nước ngoài. Cuộc sống ở châu Âu và quan hệ gần gũi với những con người tiên tiến và thông thái của châu Âu đã củng cố trong tôi niềm tin từng làm sống chính tôi vào sự hoàn thiện hóa nói chung và giờ đây tôi lại tìm thấy nó ở những người Âu. Niềm tin ấy ở tôi đã thâu thái hình thức thường lệ, hiện hữu ở đa phần những người có học trong thời đại chúng ta. Nó được diễn đạt bằng từ “tiến bộ”. Hồi ấy tôi có cảm tưởng rằng từ này nói lên một cái gì đó. Tôi còn chưa hiểu được rằng, cũng như mọi người sống bị dày vò bởi câu hỏi: làm thế nào sống tốt hơn, khi tôi trả lời: hãy sống thích hợp với tiến bộ, thì tôi nói y như một người đang ngồi trong con thuyền bị sóng và gió đưa đi, khi người ta đặt ra cho anh ta một câu hỏi chính và duy nhất quan trọng đối với anh ta: “Bơi về đâu?” – thì lại không trả lời câu hỏi ấy, mà chỉ nói: “Chúng ta bị đưa tới đâu đó”.

Thuở ấy tôi không nhận ra điều đó. Chỉ đôi khi không phải lý trí, mà tình cảm nổi loạn chống lại sự mê tín chung ấy của thời đại chúng ta, mà bằng nó con người che giấu khỏi mình sự không hiểu biết cuộc sống của mình. Chẳng hạn, trong thời gian lưu lại ở Paris, cảnh tượng xử tử hình đã lột trần trước tôi tính chông chênh của niềm mê tín tiến bộ nơi tôi. Khi tôi trông thấy cái đầu người rời khỏi thân thể, rồi cả cái này lẫn cái kia rời nhau rơi bịch xuống hòm, thì tôi đã ngộ ra – không phải bằng lý trí, mà bằng toàn thể con người mình – rằng không một lý thuyết nào về sự hữu lý của cái hiện hữu và về quy luật tiến bộ có thể biện minh cho hành vi này, và giả sử mọi người trên thế giới, bất kỳ theo lý thuyết nào, từ ngày sáng thế, tất cả đều coi cái đó là cần thiết – thì tôi vẫn cứ biết rằng cái đó không cần thiết, cái đó là xấu xa và vì vậy quan tòa phán xử cái gì là tốt và cần thiết không phải là những gì người đời nói và làm và không phải là sự tiến bộ chung mà là tôi với trái tim của tôi. Một trường hợp khác đã khiến tôi nhận ra tính bất toàn cho đời sống của niềm mê tín tiến bộ là cái chết của anh trai tôi. Là một người thông minh, đôn hậu, giàu tình cảm, anh tôi còn trẻ đã mắc bệnh, ốm hơn một năm và đã chết trong đau khổ mà không hiểu được, mình đã sống để làm gì và lại càng ít hiểu hơn, chết đi để làm gì. Không một lý thuyết nào có thể giải đáp những câu hỏi ấy cho tôi và cho anh tôi trong suốt thời gian anh chết dần một cách vô cùng đau đớn.

Nhưng đấy chỉ là những trường hợp nghi vấn hiếm hoi, thực chất tôi vẫn tiếp tục sống và tuyên tín chỉ một niềm tin vào tiến bộ. “Tất cả đều phát triển, và tôi cũng phát triển; còn tôi cùng với mọi người phát triển để làm gì, thì sau này sẽ rõ”.

Từ nước ngoài trở về, tôi định cư ở làng quê và bắt đầu quan tâm đến việc mở trường học cho trẻ em nông dân. Việc làm này thích hợp đặc biệt với tôi, bởi vì ở đây không có sự dối trá đã trở nên hiển nhiên và đập vào mắt tôi trong hoạt động dạy đời bằng văn chương. Ở đây, tôi cũng hành động vì tiến bộ, nhưng tôi đã có thái độ phê phán đối với chính sự tiến bộ ấy. Tôi nói với mình rằng tiến bộ trong một số hiện tượng của nó đã được thực thi không đúng, và chẳng hạn đối với những con người còn nguyên thủy, đối với các con em nông dân, thì phải xử sự theo tinh thần tự do hoàn toàn, để họ tự chọn con đường tiến bộ mà họ muốn.

Thực tình mà nói, tôi vẫn luẩn quẩn xung quanh một vấn đề chưa giải quyết được – làm sao dạy bảo được người khác mà không biết dạy cái gì. Trong những lĩnh vực cao siêu của hoạt động văn chương thì tôi đã ngộ ra rằng không thể dạy bảo mà không biết cần phải dạy cái gì, vì tôi đã thấy mọi người dạy đủ thứ khác nhau và bằng những cuộc cãi vã với nhau cố che giấu khỏi chính mình sự không hiểu biết của mình; còn ở đây, với các con em nông dân, thì tôi nghĩ rằng có thể tránh được cái khó khăn ấy bằng cách để cho các em học những gì mà chúng muốn. Bây giờ tôi thấy nực cười mỗi khi nhớ lại mình đã lươn lẹo thế nào chỉ cốt thực hiện một dục vọng của mình – dạy bảo người khác, mặc dù trong thâm tâm tôi biết rất rõ rằng tôi không thể dạy cho ai một điều gì cần thiết bởi vì chính tôi không biết cái gì là cần thiết. Sau một năm làm việc ở trường, tôi lại ra nước ngoài một lần nữa để tìm hiểu xem làm thế nào có thể, chính mình không hiểu biết gì hết, nhưng lại dạy được những người khác.

Và tôi tưởng rằng tôi đã học được cái phép ấy ở nước ngoài, cho nên, được trang bị mọi pháp thuật, vào năm giải phóng nông dân tôi đã trở về Nga và, nhận chức người trung gian, bắt đầu dạy cả những người không có học ở các trường học, cả những người có học ở cái tạp chí mà tôi xuất bản. Công việc tưởng chừng tiến triển tốt, nhưng tôi có cảm giác rằng đầu óc mình không lành mạnh lắm và tình hình này không thể kéo dài. Và lẽ ra ngay thời ấy tôi đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng, như đã lâm vào ở tuổi năm mươi, nếu như tôi không có một khía cạnh đời sống nữa còn chưa được nếm trải và hứa hẹn cứu thoát tôi – đó là cuộc sống gia đình.

Trong vòng một năm tôi vừa làm trung gian, vừa dạy học ở trường và ra tạp chí và cảm thấy khổ sở vô cùng, đặc biệt vì thấy mình đã vướng mắc quá xá; những cuộc đấu tranh trên cương vị người trung gian trở nên nặng nhọc vô cùng đối với tôi; hoạt động ở trường của tôi đem lại kết quả quá mơ hồ, còn ảnh hưởng của tôi ở tạp chí mà tựu trung vẫn là ý muốn dạy bảo mọi người mà lại che đi cho bằng được rằng tôi không biết cần phải dạy cái gì – cái ảnh hưởng ấy đã khiến tôi phát ghét đến nỗi tôi đã mắc bệnh tinh thần nhiều hơn là thể chất, và thế là tôi đã vứt bỏ tất cả, đã đi xuống miền thảo nguyên, đến với những người Bashkir để thở không khí, uống sữa ngựa chua và sống một đời sống động vật.

Từ đấy trở về, tôi đã cưới vợ. Những điều kiện mới của sinh hoạt gia đình hạnh phúc đã khiến tôi sao nhãng hoàn toàn mọi tìm kiếm ý nghĩa chung của cuộc sống. Toàn bộ cuộc sống của tôi thời kỳ này tập trung vào gia đình, vào vợ, vào các con, vào những lo toan gia tăng các phương tiện sống. Khát vọng hoàn thiện trước đây đã bị thay thế bằng mong muốn hoàn thiện hóa chung chung, rồi bằng mong muốn tiến bộ, bây giờ được thay thế trực tiếp bởi nguyện vọng sao cho tôi cùng gia đình được sống tốt nhất.

Mười lăm năm nữa đã trôi qua như thế.

Mặc dù trong vòng mười lăm năm ấy tôi vẫn coi việc viết văn là chuyện tầm phào, song tôi vẫn tiếp tục viết. Tôi đã được nếm cái cám dỗ của nghề viết văn, cái cám dỗ của những khoản nhuận bút kếch xù và những tràng vỗ tay vang dội đền thưởng cho cái lao động cỏn con, cho nên tôi lại giao mình cho cái cám dỗ ấy như là phương tiện để cải thiện hoàn cảnh vật chất của mình và để đánh át đi mọi câu hỏi trong lòng về ý nghĩa của cuộc đời mình và của cuộc sống nói chung.

Và tôi cứ viết, cứ dạy bảo về cái đã trở thành chân lý duy nhất đối với tôi – về việc phải sống thế nào để mình và gia đình mình được hạnh phúc nhất.

Tôi cứ sống như thế, nhưng cách đây năm năm bắt đầu xảy ra với tôi một cái gì đó rất kỳ quặc: tôi bắt đầu cảm thấy có những giây phút ngỡ ngàng, cuộc sống tựa hồ dừng lại, tựa hồ tôi không biết mình phải sống thế nào, phải làm gì, tôi bối rối và trở nên u sầu. Nhưng trạng thái ấy qua đi, và tôi lại tiếp tục sống như trước. Sau này những giây phút ngỡ ngàng ấy bắt đầu lặp lại với tần số ngày một gia tăng và dưới hình thức cố định. Cuộc sống dừng lại, thể hiện bằng những câu hỏi luôn luôn giống nhau: Để làm gì? Được rồi, nhưng sau đó sẽ ra sao?

Ban đầu tôi tưởng rằng đó chỉ là những câu hỏi vu vơ, không đúng chỗ và đúng lúc. Tôi tưởng rằng tất cả cái đó tôi biết cả rồi và khi nào tôi muốn giải đáp những câu hỏi ấy thì sẽ không gặp khó khăn gì, rằng chẳng qua hiện nay tôi không có thì giờ để làm việc ấy, chứ còn khi nào định làm, thì sẽ tìm ra ngay những giải đáp. Song những câu hỏi ấy cứ trở lại ngày một thường hằng hơn, đòi giải đáp ngày một khẩn thiết hơn, và giống như những dấu chấm rơi mãi xuống một chỗ, những câu hỏi không được trả lời ấy cũng tụ lại thành một vết đen.

Đã xảy ra cái mà vẫn thường xảy ra với từng người mắc bệnh nội khoa hiểm nghèo. Ban đầu xuất hiện những dấu hiệu khó chịu trong người rất nhỏ, mà bệnh nhân không để ý đến, rồi những dấu hiệu ấy lặp lại ngày một thường hằng hơn và hợp thành một nỗi đau liên tiếp trong thời gian. Nỗi đau gia tăng, và người bệnh chưa kịp ngoảnh lại thì đã nhận ra rằng cái mà anh ta cho là sự khó ở, đối với anh lại là cái quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời, rằng đó là cái chết.

Cũng điều ấy đã xảy ra với tôi. Tôi đã hiểu rằng đây không phải là sự khó ở ngẫu nhiên, mà là một cái gì đó rất quan trọng, và rằng nếu cũng những câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại mãi, thì phải tìm giải đáp cho chúng. Và tôi đã cố gắng tìm giải đáp. Những câu hỏi ấy tưởng chừng ngốc nghếch đến thế, đơn giản và trẻ con đến thế. Nhưng chỉ cần tôi đụng đến chúng và định giải đáp, thì ngay lập tức tôi nhận ra rằng, thứ nhất, đây không phải là những câu hỏi trẻ con và ngốc nghếch, mà là những câu hỏi quan trọng nhất và sâu sắc nhất trong đời, và thứ hai, tôi không thể, dù có suy nghĩ bao nhiêu vẫn không thể giải đáp chúng. Trước khi bắt tay vào giải quyết những công việc ở điền trang thuộc tỉnh Samara, hay giáo dục con, hay viết sách, tôi cần biết sẽ làm cái đó để làm gì. Chừng nào chưa biết – để làm gì, thì tôi không thể làm gì cả. Giữa những suy tính về kinh tế, thời ấy khiến tôi rất bận tâm, trong đầu tôi bỗng nảy ra một câu hỏi: “Được rồi, mi sẽ có 6000 desiatina đất ở tỉnh Samara, 300 đầu ngựa, nhưng sau đó?…”. Và tôi rối trí hoàn toàn, không biết cần phải nghĩ cái gì tiếp theo. Hoặc, mới bắt đầu nghĩ về việc tôi sẽ giáo dục các con tôi thế nào, tôi lại tự hỏi: “Để làm gì chứ?”. Hoặc, đang suy luận về việc bằng cách nào dân chúng có thể đạt được cuộc sống khá giả, tôi đột ngột tự nhủ: “Việc gì đến mi cơ chứ?”. Hoặc, còn đang suy tưởng đến cái vinh quang mà những văn phẩm của tôi sẽ có, tôi lại tự nhủ: “Được rồi, mi sẽ trở nên vẻ vang hơn Gogol, Pushkin, Shakespeare, Molière, hơn tất cả các nhà văn trên thế giới – nhưng rồi sao nữa?…”.

Và tôi đã không thể, không thể tìm được một câu trả lời nào.

IV

Cuộc sống của tôi ngừng lại. Tôi vẫn có thể hít thở, ăn uống, ngủ và không thể không hít thở, không ăn, không uống, không ngủ; nhưng đã không còn cuộc sống, bởi vì không còn những nguyện vọng mà sự thỏa mãn chúng lại là hữu lý đối với tôi. Nếu tôi mong muốn một cái gì đó, thì tôi đã biết trước rằng, dù tôi có thỏa mãn hay không thỏa mãn nguyện vọng ấy của mình, tiếp theo sẽ chẳng có gì hết.

Giả sử có một tiên nữ đến và tỏ ý sẵn sàng thực hiện mọi ước vọng của tôi thì tôi sẽ không biết nói gì. Nếu ở trong tôi còn có không phải ước vọng, mà chỉ thói quen ước vọng như trong những giây phút say rượu xưa kia, thì lúc tỉnh táo, tôi biết rằng cái đó chỉ là hư ảo, rằng chẳng có gì để ước vọng nữa. Ngay cả nhận biết chân lý tôi cũng không thể ước vọng nữa, bởi vì tôi đoán được nó là cái gì. Chân lý ấy là: cuộc sống là vô nghĩa.

Cứ như thể tôi đã sống từ lâu và từ lâu đã đi và cuối cùng đi đến một vực thẳm và trông thấy rõ đằng trước không có gì cả, ngoài cái chết. Và không thể dừng lại, cũng không thể quay lại, cũng không thể nhắm mắt để không trông thấy rằng đằng trước không có gì cả, ngoài cuộc sống và hạnh phúc hư ảo, còn khổ đau và cái chết, còn sự tuyệt diệt mới là thật.

Tôi cảm thấy chán ghét cuộc sống – một sức mạnh nào đó không thể cưỡng nổi thôi thúc tôi tìm cách thoát khỏi cuộc đời. Không thể nói rằng tôi muốn giết chết mình. Song cái sức mạnh lôi cuốn tôi từ bỏ cuộc sống đã tỏ ra mãnh liệt hơn, sung túc hơn, bao trùm hơn bất kỳ một mong muốn nào. Sức mạnh ấy giống như khát vọng sống trước kia, chỉ theo hướng ngược lại. Bằng mọi sinh lực, tôi muốn từ giã cuộc đời. Ý định tự tử đến với tôi cũng tự nhiên như là trước kia những ý nghĩ về cải thiện cuộc sống. Ý định ấy có sức cám dỗ đến mức tôi đã phải dùng mưu này mẹo kia chống lại chính mình, để không thực hiện nó một cách quá vội vã. Tôi không muốn vội chỉ vì muốn dùng mọi nỗ lực để gỡ rối cho mình. Nếu không gỡ rối được, tôi tự nhủ, thì sẽ luôn luôn còn thời gian. Và thế là tôi, một người có hạnh phúc, đã buộc phải đem ra khỏi buồng mình, nơi tôi vẫn ở lại một mình để thay quần áo, sợi dây để khỏi treo cổ dưới xà ngang giữa hai tủ; và tôi không mang súng đi săn nữa, để khỏi bị cám dỗ bởi một phương tiện tự giải phóng khỏi cuộc sống quá dễ dàng. Chính tôi không biết tôi muốn cái gì: tôi sợ hãi cuộc sống, muốn thoát khỏi nó nhưng đồng thời vẫn hy vọng một cái gì đó ở nó.

Và tất cả cái đó đã đến với tôi trong lúc từ mọi phía tôi có cái mà vẫn được xem là hạnh phúc hoàn hảo. Lúc ấy tôi chưa đầy năm mươi tuổi đời. Tôi có người vợ đôn hậu, yêu thương và được yêu thương, tôi có những đứa con ngoan, có một điền trang lớn, mà chẳng cần công sức của tôi vẫn tăng trưởng và mở mang. Tôi được mọi người thân thích và quen biết kính trọng, hơn bao giờ hết được những người khác khen ngợi và có thể cho rằng mình có danh tiếng mà không tự mơn trớn một cách đặc biệt. Bên cạnh tất cả cái đó, tôi không những không ốm yếu về thể xác hay tinh thần, mà ngược lại, còn được phú cho một sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất mà tôi hiếm thấy ở những người cùng tuổi: về thể lực, tôi có thể cắt cỏ không thua những người mugic; về trí óc, tôi có thể làm việc tám-mười tiếng một mạch mà không chịu bất kỳ hậu quả nào từ sự căng thẳng ấy. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy tôi đã đi đến nhận thức rằng không thể sống nữa, và vì sợ chết, đã phải dùng mẹo này mưu kia chống lại chính mình để không tước đi của mình mạng sống.

Tâm trạng ấy hiện ra với tôi thế này: cuộc đời của tôi là một trò đùa ngu xuẩn và độc ác nào đó mà một ai đó bày ra để chơi khăm tôi. Mặc dù tôi không công nhận có bất kỳ “một ai đó” đã sáng tạo ra tôi, nhưng cái hình thức suy tưởng, rằng một ai đó đang chơi khăm tôi một cách ngu xuẩn và độc ác bằng cách cho tôi ra đời, là hình thức suy tưởng tự nhiên nhất đối với tôi.

Tôi bất giác hình dung ra rằng ở đằng ấy, ở nơi nào đó một ai đó đang vui đùa nhìn tôi, xem tôi 30-40 năm dòng đã sống, vừa sống vừa học hành, phát triển, tăng trưởng bằng thân thể và tinh thần và giờ đây, với trí tuệ đã vững vàng, đã leo lên đến đỉnh cuộc đời mà từ đấy toàn bộ nó mở ra trước tôi – và tôi đang đứng như kẻ si ngốc giữa những người si ngốc trên cái đỉnh ấy, và nhận ra rõ mồn một rằng trên đời này không có cái gì hết, đã không có và cũng sẽ chẳng có. “Thế mà y thấy nực cười…”.

Nhưng dù có hay không có “một ai đó” đang cười nhạo tôi, tôi không thấy dễ xử hơn. Tôi không tìm ra được một ý nghĩa hữu lý nào cho từng hành vi của mình và cả cuộc đời mình. Tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên, vì sao tôi đã có thể không hiểu ra cái đó ngay từ đầu. Tất cả cái đó mọi người đều biết từ lâu. Không nay thì mai bệnh tật và cái chết sẽ đến (như đã từng đến) với những người tôi yêu quý và đến cả với tôi, và sẽ không còn lại cái gì ngoài mùi hôi thối và lũ giun. Những việc làm của tôi, dù chúng là thế nào, tất cả đều sẽ bị lãng quên và sớm hơn hay muộn hơn, nhưng tôi sẽ không còn nữa. Thế thì xắng xở để làm gì? Vì sao con người có thể không nhìn thấy cái đó và vẫn sống – điều ấy mới đáng ngạc nhiên! Chỉ có thể sống, chừng nào còn say đời; còn đã tỉnh rồi thì không thể không thấy rằng tất cả chỉ là trò lừa, một trò lừa ngu xuẩn! Đấy, chính như thế đấy – thậm chí chẳng có gì là hài hước và hóm hỉnh, mà chỉ đơn thuần tàn ác và xuẩn ngốc.

Từ lâu đã được kể một truyện ngụ ngôn phương Đông về một lữ khách giữa thảo nguyên bị một con thú tấn công điên rồ. Chạy trốn con thú, lữ khách nhảy xuống một cái giếng cạn, nhưng trông thấy dưới đáy giếng một con rồng đang há miệng chờ ngấu nghiến anh ta. Và con người bất hạnh, không dám chui lên trên để khỏi phải chết bởi con dã thú cuồng điên, và cũng không dám nhảy xuống đáy giếng để khỏi bị con rồng ngấu nghiến, liền vồ lấy một bụi cây dại mọc ra từ khe giếng và giữ chặt lấy nó. Tay lữ khách yếu dần, và anh ta cảm thấy sắp phải nộp mình cho thần chết đương chờ anh ta từ hai phía; nhưng anh vẫn cố giữ, và trong khi cố giữ, anh ngoái nhìn xung quanh và nhìn thấy hai con chuột nhắt, một trắng, một đen, bò đều đều xung quanh bụi cây và gặm thân cây. Chỉ một lát nữa bụi cây sẽ gẫy đứt, và anh ta sẽ rơi vào miệng rồng. Lữ khách nhìn thấy tất cả và biết rằng cái chết là không thể tránh khỏi; nhưng trong khi anh ta vẫn treo lơ lửng trong không trung, anh ta tìm kiếm quanh mình và tìm thấy trên lá cây mấy giọt mật, thế là anh thè lưỡi ra liếm chúng. Cũng như thế, tôi đang bám lấy cuộc sống, biết rằng con rồng của sự chết đang sẵn sàng xé xác tôi và không có cách nào tránh khỏi nó, và tôi không thể hiểu vì sao lại rơi vào cảnh khốn đốn này. Cả tôi cũng cố liếm những giọt mật trước đây vẫn an ủi tôi, nhưng mật ấy giờ đây đã không còn làm tôi vui thích, thế mà con chuột trắng và chuột đen – ngày và đêm – vẫn tiếp tục gặm cái cành cây mà tôi níu lấy. Tôi trông thấy rõ con rồng, và mật đã không còn ngọt với tôi. Tôi chỉ thấy con rồng không thể tránh khỏi và hai con chuột – và không thể nhìn đi chỗ khác. Và đây không phải là truyện ngụ ngôn, mà là sự thật đích thực, không thể hồ nghi và ai ai cũng thấy.

Trò lừa trước đây của những niềm vui sống đánh át đi nỗi khiếp sợ con rồng đã không còn đánh lừa được tôi. Dù có nói bao nhiêu với tôi: anh không hiểu được ý nghĩa cuộc sống đâu, cho nên đừng nghĩ nữa, hãy sống đi – thì tôi vẫn không làm được điều đó, bởi lẽ trước đây đã làm cái đó quá lâu. Bây giờ tôi không thể không nhìn thấy ngày và đêm chạy đi vùn vụt và kéo tôi đến cái chết. Tôi chỉ thấy một cái đó thôi bởi vì chỉ một cái đó là chân lý, còn tất cả những thứ khác đều là giả dối.

Hai giọt mật mà trước đây lâu dài hơn những giọt khác thu hút cặp mắt tôi, khiến tôi sao nhãng chân lý tàn nhẫn – tình yêu đối với gia đình và đối với nghề viết văn mà tôi gọi là nghệ thuật – giờ đây đã không còn ngọt nữa đối với tôi.

“Gia đình…” – tôi tự nhủ; nhưng gia đình – đó là vợ, là các con; họ cũng là những con người. Họ cũng ở trong những điều kiện hệt như tôi: họ hoặc phải sống trong giả dối, hoặc phải nhận ra chân lý khủng khiếp. Thế thì họ sống để làm gì? Và tôi thương yêu, nâng niu, giáo dưỡng, bênh vực họ để làm gì? Để rồi cũng nếm trải nỗi tuyệt vọng như tôi giờ đây hay để sống trong ngu si! Yêu thương họ, tôi không thể che giấu khỏi họ cái chân lý, mà mỗi bước đi trong nhận thức đều dẫn đến nó. Chân lý ấy là sự chết.

“Nghệ thuật, thơ ca ư?…”. Bị ám ảnh bởi thành công và bởi những lời khen của người đời, tôi khá lâu phủ dụ mình rằng đây là việc đáng làm, mặc dù cái chết sẽ đến và hủy tiêu tất cả – cả tôi, cả những việc làm của tôi, cả ký ức về chúng; nhưng rồi tôi cũng ngộ ra rằng cả cái đó cũng là trò lừa. Tôi thấy rõ nghệ thuật là vật tô điểm cho đời sống, là cái mồi quyến rũ sống. Nhưng với tôi, cuộc sống đã mất hết sức quyến rũ, thế thì tôi làm sao có thể quyến rũ những người khác? Khi tôi còn chưa sống bằng cuộc sống của mình, khi cuộc sống của những người khác còn nâng giữ tôi trên những làn sóng của nó, khi tôi còn tin rằng cuộc sống có ý nghĩa, mặc dù tôi không diễn đạt được ý nghĩa ấy, thì những hồi quang của đời sống, thuộc đủ mọi kiểu loại, trong thơ ca và nghệ thuật đều đem lại niềm vui cho tôi; tôi vui thú nhìn đời qua chiếc gương nhỏ ấy của nghệ thuật. Nhưng khi tôi bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, khi tôi cảm thấy mình cần phải tự sống, thì chiếc gương nhỏ ấy trở nên hoặc không cần thiết cho tôi, dư thừa và nực cười, hoặc trở thành nguồn hành hạ tôi. Tôi không thể tự an ủi rằng tôi đã nhìn thấy trước trong gương cái cảnh ngộ trớ trêu và vô vọng của mình. Thật là điều tốt rằng một thời tôi đã có thể mừng vui trước tất cả cái đó, vì thời ấy trong thâm tâm tôi còn tin rằng cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Thời ấy cái trò chơi sáng tối ấy – cái hài, cái bi, cái xúc động, cái đẹp, cái đáng sợ trong đời sống – làm vui cho tôi. Nhưng khi tôi đã biết rằng cuộc sống là vô nghĩa và kinh khủng – thì cái trò chơi gương ấy đã không thể khiến tôi vui cười. Không một mật ngọt nào có thể khiến tôi thấy ngọt, một khi tôi đã nhìn thấy con rồng và đôi chuột gặm khoét trụ cột của tôi.

Nhưng như thế vẫn còn ít. Giả sử tôi chỉ đơn thuần ngộ ra rằng cuộc sống không có ý nghĩa, thì tôi đã có thể biết về điều đó một cách bình thản, biết rằng đó là thân phận của tôi. Nhưng tôi đã không thể bình thản. Giả sử tôi như một người sống trong rừng và biết không có lối ra khỏi rừng, thì tôi có thể vẫn sống; nhưng tôi lại như một người lạc lối trong rừng và kinh hoàng vì mình đã lạc lối; người ấy chạy lui chạy tới, muốn tìm ra lối nhưng biết rằng mỗi bước đi chỉ làm cho nó lạc lối hơn, thế mà vẫn không thể không chạy tới chạy lui.

Và cái đó thật khủng khiếp. Và để thoát khỏi nỗi khủng khiếp ấy, tôi định tự tử. Tôi kinh hoàng trước cái đang chờ đợi tôi – tôi biết rằng nỗi kinh hoàng này đáng kinh hoàng hơn chính hoàn cảnh của tôi, nhưng tôi không thể xua đuổi nó và không thể kiên nhẫn chờ kết cục. Dù có suy luận thuyết phục đến đâu về việc thế nào động mạch tim cũng vỡ hay một cái gì đó sẽ vỡ và tất cả sẽ kết thúc, tôi vẫn không thể kiên nhẫn chờ kết cục. Nỗi sợ bóng tối quá lớn, và tôi muốn tẩu thoát nhanh hơn bằng một viên đạn hay cái tròng. Đấy, chính cảm xúc ấy lôi kéo tôi mạnh hơn cả tới sự tự sát.

V

“Nhưng có thể tôi đã bỏ qua một cái gì đó, không hiểu một cái gì đó? – mấy lần tôi tự vấn – không thể được, cái tâm trạng tuyệt vọng này không thể là của mọi người được”. Và tôi đã cố tìm giải đáp cho những câu hỏi ấy của tôi trong tất cả những tri thức mà loài người đã thu lượm được. Tôi đã tìm lâu và khổ sở, không vì sự tò mò nhàn tản, không một cách uể oải, mà đau khổ, kiên trì tìm đêm ngày – tìm như người lâm nạn tìm sự cứu giúp – và đã không tìm thấy gì hết.

Tôi đã sục tìm trong mọi tri thức và đã không chỉ không tìm thấy, mà còn nhận ra rằng tất cả những ai đã tìm kiếm trong tri thức như tôi đều hệt như tôi chẳng tìm ra cái gì. Và đã không chỉ không tìm ra, mà còn đã thừa nhận không úp mở, rằng cái làm tôi tuyệt vọng – sự vô nghĩa của cuộc sống – cái đó mới là tri thức duy nhất không thể hồ nghi và khả thủ đối với mọi người.

Tôi đã tìm kiếm khắp nơi và nhờ suốt đời học tập và có quan hệ với thế giới khoa học, đã tiếp cận được với những nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành tri thức khác nhau, họ đã không từ chối khai mở cho tôi những kiến thức của họ không chỉ qua sách vở mà còn qua các cuộc đàm thoại, – vì thế tôi đã biết được tất cả những gì mà khoa học nói để trả lời câu hỏi của cuộc sống.

Khá lâu tôi đã không thể nào tin được rằng khoa học, để giải đáp những câu hỏi của cuộc sống, đã không nói cái gì khác ngoài cái nó nói. Khá lâu tôi có cảm tưởng rằng mình còn chưa hiểu được một cái gì đó, mỗi khi tôi chú mục vào vẻ đạo mạo và giọng trang nghiêm của nhà khoa học đang khẳng định những điều không có gì chung với những vấn đề của đời sống con người. Khá lâu tôi rụt rè trước tri thức, tưởng rằng sự không ăn khớp giữa những giải đáp của nó và những câu hỏi của tôi không phải là lỗi của tri thức, mà là lỗi của sự dốt nát nơi tôi; nhưng việc ấy đối với tôi không phải là truyện đùa, không phải là trò tiêu khiển, mà việc của cả đời tôi, và muốn hay không muốn tôi vẫn cứ phải dần dần đi đến nhận thức rằng những câu hỏi của tôi mới là những câu hỏi duy nhất chính đáng, làm nền móng cho mọi tri thức, rằng kẻ có lỗi không phải là tôi với những câu hỏi của mình, mà là khoa học, nếu nó có tham vọng giải đáp những câu hỏi ấy.

Câu hỏi của tôi – cái câu hỏi mà vào tuổi năm mươi đã dẫn tôi đến ý định tự sát – là câu hỏi đơn giản nhất, nằm sâu trong tâm thức từng người, từ đứa trẻ đần độn đến ông già hiền minh nhất, là câu hỏi mà không có nó thì không thể có cuộc sống, như tôi đã nghiệm chứng. Câu hỏi đó là thế này: “Sẽ có cái gì từ cái mà tôi làm hôm nay và ngày mai, – sẽ có cái gì từ toàn bộ cuộc đời tôi?”.

Được diễn đạt một cách khác, câu hỏi sẽ là thế này: “Tôi sống để làm gì, mong muốn một cái gì đó để làm gì, làm một cái gì đó để làm gì?”. Còn có thể diễn đạt câu hỏi ấy như thế này nữa: “Trong cuộc sống của tôi liệu có một ý nghĩa nào, mà cái chết không thể tránh khỏi và đang chờ tôi không tiêu diệt được?”.

Đấy, đối với vẻn vẹn một câu hỏi ấy, được diễn đạt khác nhau, tôi tìm kiếm giải đáp trong toàn bộ tri thức của loài người. Và tôi nhận ra rằng trong quan hệ với câu hỏi ấy tất cả các tri thức của con người tựa hồ phân chia thành hai bán quyển, mà ở hai đầu đối lập của chúng có hai cực: một cực phủ định, cực khác khẳng định; nhưng ở cả cực này lẫn cực kia đều không có những giải đáp cho những câu hỏi của cuộc sống.

Một dãy tri thức xem ra không thừa nhận câu hỏi ấy, nhưng lại giải đáp rõ ràng và chính xác những câu hỏi khác, được đặt ra một cách riêng rẽ: đó là dãy của những tri thức thực nghiệm, mà ở cực điểm là toán học; dãy tri thức khác thừa nhận câu hỏi, nhưng không trả lời: đó là những tri thức tư biện, mà ở cực điểm của chúng là siêu hình học.

Từ thời hoa niên, tôi chí thú với những tri thức tư biện, nhưng về sau cả những khoa học toán học và tự nhiên cũng thu hút tôi, và chừng nào tôi còn chưa đặt ra cho mình một cách rõ ràng câu hỏi của mình, chừng nào câu hỏi ấy không lớn mạnh lên trong tôi, khẩn thiết đòi giải đáp thì tôi vẫn còn thỏa mãn với những giải đáp giả hiệu mà tri thức cung cấp cho tôi.

Trong lĩnh vực thực nghiệm, tôi từng nói với mình: “Tất cả đều phát triển, đều phân hóa, đi đến sự phức tạp và hoàn chỉnh, và có những quy luật điều hành diễn trình ấy. Mi là một phần của chỉnh thể. Nếu nhận thức được, tùy theo khả năng, cái chỉnh thể ấy và nhận thức được quy luật của sự phát triển, thì mi sẽ nhận thức được cả vị trí của mình trong chỉnh thể và cả bản thân mình”. Dù có thật xấu hổ, song tôi phải thú nhận có thời tôi đã dường như thỏa mãn với câu trả lời ấy. Đó chính là thời mà bản thân tôi trở nên phức tạp, bản thân tôi phát triển. Cơ bắp của tôi tăng trưởng và bồi bổ sức mạnh, trí nhớ ngày một trau dồi, năng lực tư duy và hiểu biết ngày một gia tăng, tôi trưởng thành và phát triển và, cảm thấy bên trong mình sự tăng trưởng ấy, với tôi là điều tự nhiên nghĩ rằng đó chính là quy luật của toàn thế giới, mà ở đấy tôi sẽ tìm thấy giải đáp cho cả những câu hỏi của cuộc đời mình. Nhưng đến lúc sự tăng trưởng trong tôi chấm dứt – tôi cảm thấy rằng không phát triển nữa, mà thoái triển, cơ bắp tôi yếu đi, răng bắt đầu rụng – và tôi nhận ra rằng cái quy luật ấy không những không giải thích được gì cho tôi, mà ngay quy luật ấy cũng không và không thể có, chẳng qua tôi đã ngộ nhận là quy luật cái đã nhận thấy trong mình vào một thời kỳ xác định của đời mình. Khi đã có thái độ nghiêm khắc hơn đối với công thức của quy luật ấy thì tôi đã nhận thấy rõ rằng không thể có quy luật về sự phát triển vô tận, nhận thấy rõ rằng nếu nói: trong không gian và thời gian vô tận tất cả đều phát triển, hoàn thiện hóa, phức tạp hóa, phân hóa – thì sẽ là không nói một cái gì cả. Tất cả cái đó chỉ là những lời vô nghĩa, bởi lẽ trong vô tận không có cả cái phức tạp lẫn cái đơn giản, cả cái trước lẫn cái sau, cả cái tốt hơn lẫn cái xấu hơn.

Song cái chính là câu hỏi của cá nhân tôi: tôi là cái gì với những ước vọng của mình? – câu hỏi ấy vẫn ở lại tuyệt đối không được giải đáp. Và tôi hiểu ra rằng tất cả những tri thức ấy đều rất kỳ thú, rất hấp dẫn, nhưng chúng chính xác và rõ ràng trong tỉ lệ nghịch với khả năng ứng dụng vào những vấn đề của cuộc sống: càng ít ứng dụng được vào những vấn đề của cuộc sống thì chúng lại càng chính xác và rõ ràng, và chúng càng cố gắng đưa ra những giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống, thì càng trở nên không rõ ràng và không hấp dẫn. Nếu tìm hiểu ngành tri thức cố gắng đưa ra những giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống – sinh lý học, tâm lý học, sinh học, xã hội học – thì ở đây ta bắt gặp một sự nghèo nàn đáng kinh ngạc của tư tưởng, một sự tù mù lớn nhất, một tham vọng không gì có thể biện minh – tham vọng giải quyết những vấn đề không thuộc thẩm quyền của mình, cùng với những mâu thuẫn liên tiếp của nhà tư tưởng này với những nhà tư tưởng khác và thậm chí với chính mình. Nếu tham khảo ngành tri thức không làm cái việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống, mà chỉ giải đáp những câu hỏi khoa học chuyên ngành của mình thì ta sẽ phải khâm phục sức mạnh của trí tuệ con người, nhưng ta biết trước rằng ở đây không có những câu trả lời cho những câu hỏi của cuộc sống. Những tri thức ấy phớt lờ thẳng thừng câu hỏi của cuộc sống. Chúng nói: “Anh là cái gì và anh sống để làm gì, chúng tôi không biết trả lời những câu hỏi ấy và không làm việc ấy; nhưng nếu anh cần biết các quy luật của ánh sáng, của những tổ hợp hóa chất, các quy luật của sự phát triển các sinh vật, nếu anh cần biết các quy luật của các thể, các hình thức của chúng, tương quan của các số và đại lượng, nếu anh cần biết những quy luật của trí tuệ của chính mình, thì về tất cả những thứ ấy chúng tôi có những câu trả lời rõ ràng, chính xác và không thể hồ nghi”.

Nói chung có thể phô diễn thái độ của các khoa học thực nghiệm đối với câu hỏi của cuộc sống như thế này: Câu hỏi: “Tôi sống để làm gì?” – Trả lời: “Trong không gian to lớn vô tận, trong thời gian dài lâu vô tận, những hạt nhỏ vô tận thay hình đổi dạng một cách phức tạp vô tận, và khi anh hiểu được những quy luật của những cuộc thay hình đổi dạng, thì lúc ấy anh sẽ hiểu được, anh sống để làm gì”.

Trong lĩnh vực tư biện, tôi từng nói với mình: “Cả nhân loại sống và phát triển trên cơ sở những nguyên lý tinh thần, những lý tưởng dẫn đường chỉ lối nó. Những lý tưởng ấy được thể hiện trong các tôn giáo, các khoa học, các nghệ thuật, các hình thái nhà nước. Những lý tưởng ấy ngày một trở nên cao cả hơn, và nhân loại đang tiến tới hạnh phúc cao nhất. Tôi là một phần của nhân loại, vì vậy sứ mệnh của tôi là góp sức cho sự nhận thức và thực hiện những lý tưởng của nhân loại”. Và tôi, vào thời thiểu năng trí tuệ của mình đã thỏa mãn với ý nghĩ ấy; nhưng chỉ cần câu hỏi của cuộc sống nổi dậy trong tôi, thì toàn bộ lý thuyết ấy sụp đổ tức khắc. Chưa nói về tính không chính xác thiếu lương tâm trong cái việc là những khoa học loại này đã biến một số kết luận được rút ra từ nghiên cứu một bộ phận nhỏ của loài người thành những kết luận phổ quát, chưa nói về sự mâu thuẫn lẫn nhau giữa những đại diện khác nhau của quan điểm này xung quanh vấn đề những lý tưởng của nhân loại là gì, – một nét kỳ quặc, để khỏi nói xuẩn ngốc của quan điểm này là ở chỗ để trả lời câu hỏi đứng trước từng con người: “Tôi là cái gì”, hoặc: “Tôi sống để làm gì”, hoặc: “Tôi phải làm gì” – con người phải trả lời trước câu hỏi: “là gì cái cuộc sống của toàn nhân loại mà nó không hề biết đến, cái cuộc sống mà trong đó nó chỉ biết một phần cỏn con trong một thời kỳ cỏn con”. Để hiểu được nó là cái gì, con người phải biết trước nhân loại bí ẩn ấy là cái gì, mà nhân loại ấy thì lại bao gồm toàn những người hệt như nó không hiểu biết chính mình.

Phải thú nhận rằng có thời tôi đã tin vào tất cả cái đó. Đó là cái thời, khi mà tôi theo đuổi những lý tưởng ưa chuộng nhất, chúng biện minh cho những sở thích của tôi, cho nên tôi cố gắng nghĩ ra một lý thuyết, mà theo đó tôi có thể xem những sở thích của mình như là quy luật của toàn thể loài người. Nhưng chỉ cần câu hỏi của cuộc sống nổi dậy trong tôi với tất cả sự sáng rõ của nó, thì câu trả lời ấy tan biến tức khắc. Và tôi hiểu ra rằng tựa như trong các khoa học thực nghiệm có những khoa học thực thụ và những khoa học nửa vời gắng sức đưa ra những giải đáp cho những câu hỏi không thuộc thẩm quyền của mình, trong lĩnh vực này cũng thế, có một loạt khoa học cố gắng giải đáp những câu hỏi không thuộc thẩm quyền của mình. Những khoa học nửa vời trong lĩnh vực này – những khoa học pháp lý, xã hội, lịch sử – cố giải quyết những vấn đề của con người bằng cách mỗi ngành theo cung cách của mình đưa ra một giải pháp hư ảo cho một vấn đề của đời sống toàn nhân loại.

Nhưng tựa như trong khu vực các khoa học thực nghiệm một con người thành tâm hỏi: tôi phải sống thế nào, không thể thỏa mãn với câu trả lời: hãy nghiên cứu trong không gian vô tận những biến đổi vô tận theo thời gian và mức độ phức tạp của những hạt vô tận, và khi ấy anh sẽ hiểu được cuộc sống của mình, cũng như thế một con người thành tâm không thể thỏa mãn với lời đáp: hãy nghiên cứu cuộc sống của toàn thể nhân loại – mà sự khởi đầu và kết thúc của nó ta không thể biết và không biết được ngay cả một phần nhỏ – và khi ấy anh sẽ hiểu được cuộc sống của mình. Và giống hệt như trong các khoa học thực nghiệm nửa vời, cả những khoa học nửa vời này cũng càng rời xa nhiệm vụ của mình thì lại càng chứa đầy những mơ hồ, những thiếu chính xác, những điều nhảm nhí và mâu thuẫn. Nhiệm vụ của khoa học thực nghiệm là xác định trình tự nhân quả của các hiện tượng vật chất. Chỉ cần đưa vào khoa học thực nghiệm câu hỏi về nguyên nhân cuối cùng, thì ta sẽ có ngay cái nhảm nhí. Nhiệm vụ của khoa học tư biện là nhận thức bản chất vô nguyên nhân của sự sống. Chỉ cần đưa vào đây sự nghiên cứu những hiện tượng mang tính nhân quả như những hiện tượng xã hội, lịch sử, thì ta sẽ lại có ngay cái nhảm nhí.

Chỉ khi nào khoa học thực nghiệm không đưa vào những nghiên cứu của mình cái nguyên nhân cuối cùng thì khi ấy nó mới cung cấp những tri thức chính diện và cho thấy sự vĩ đại của trí tuệ con người. Và ngược lại, khoa học tư biện chỉ là khoa học và chỉ cho thấy sự vĩ đại của trí tuệ con người, khi mà nó loại bỏ hoàn toàn những câu hỏi về trình tự nhân quả của các hiện tượng và xem xét con người chỉ trong liên quan với nguyên nhân cuối cùng. Là như thế trong khu vực này cái khoa học tạo thành cực điểm của bán quyển này – siêu hình học, hay là triết học siêu hình. Khoa học này đặt ra rõ ràng câu hỏi: tôi và cả thế giới là gì? Và tôi và cả thế giới tồn tại để làm gì? Và từ khi có khoa học ấy, nó luôn luôn trả lời giống nhau. Dù nhà triết học gọi cái căn cốt của sự sống có trong tôi và trong mọi thứ hiện hữu là những ý niệm, hoặc bản thể, hoặc tinh thần, hoặc ý chí – nhà triết học luôn luôn nói chỉ một điều, ấy là cái căn cốt ấy có và tôi chính là nó; nhưng căn cốt ấy có để làm gì thì anh ta không biết và không trả lời, nếu anh ta là người tư duy chính xác. Tôi hỏi: tại sao lại phải có cái căn cốt ấy? Cái gì sẽ có từ việc là căn cốt ấy đang và sẽ tồn tại? Nhưng triết học không những không trả lời, mà chính nó chỉ luôn luôn hỏi một điều ấy. Và nếu nó là triết học chân chính thì toàn bộ công việc của nó chỉ là đặt ra thật rõ ràng câu hỏi ấy. Và nếu nó kiên định với nhiệm vụ của mình, thì nó không thể trả lời một cách nào khác câu hỏi; “Tôi và cả thế giới là gì?” – ngoài: “Là tất cả và không là gì cả”; còn đối với câu hỏi: “thế giới tồn tại để làm gì và tôi tồn tại để làm gì?” nó không thể không trả lời: “không biết”.

Thành thử, dù tôi có loay hoay thế nào với những giải đáp tư biện của triết học, tôi vẫn không bằng cách nào có thể nhận được một cái gì giông giống như sự giải đáp thắc mắc – và không phải bởi vì, tựa như trong lĩnh vực thực nghiệm chính xác, câu trả lời không liên quan với câu hỏi, mà bởi vì ở đây, mặc dù toàn bộ lao động trí óc nhằm vào chính câu hỏi này, không có câu trả lời, và thay vì trả lời ta lại có cũng vẫn câu hỏi ấy, chỉ dưới hình thức phức tạp hơn.

VI

Trong cuộc kiếm tìm những giải đáp cho câu hỏi của cuộc sống tôi đã nếm trải cái cảm giác giống hệt như cảm giác của người lạc lối trong rừng.

Nó bước ra một quãng trống, trèo lên cây và trông thấy rõ mồn một những không gian bao la, nhưng ở đâu cũng không có nhà và không thể có; nó lao sâu vào rừng rậm, vào bóng tối, và chỉ nhìn thấy bóng tối chứ không thấy nhà ở đâu.

Cũng như thế tôi lưu lạc trong rừng của tri thức con người, giữa những khoảng sáng của những kiến thức toán học và thực nghiệm mở ra trước tôi những chân trời sáng láng, nhưng lại là những chân trời, mà lần theo chúng thì không thể tìm thấy nhà, và những vùng tối của những tri thức tư biện, mà càng đi xa thì càng chìm vào bóng tối dày đặc hơn, và cuối cùng tôi đã ngộ ra rằng lối thoát không có và không thể có.

Mải mê với mặt sáng láng của các tri thức, tôi biết rằng tôi chỉ đánh lừa mình, cố ý không để mắt nhìn câu hỏi. Dù những chân trời mở ra trước tôi có sáng rõ và hấp dẫn đến đâu và dù có hấp dẫn đến đâu đắm mình xuống chiều sâu vô tận của những tri thức ấy, tôi đã hiểu được rằng chúng, những tri thức ấy, càng sáng rõ thì lại càng không cần thiết cho tôi, càng không giải đáp câu hỏi của tôi.

Cứ cho là – tôi nói với mình – tôi sẽ nắm được tất cả những gì mà khoa học muốn nắm bắt một cách kiên trì đến thế, nhưng trên con đường ấy vẫn không có giải đáp cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của tôi. Còn trong lĩnh vực tư biện thì tôi biết rằng mặc dù, hay là chính vì mục đích của khoa học này là trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, không có câu trả lời nào khác, ngoài câu mà tôi đã đưa ra cho chính mình: Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? – Không là gì cả. – Hoặc: Cái gì sẽ có từ cuộc sống của tôi? – Không cái gì cả. – Hoặc: Tất cả những gì tồn tại tồn tại để làm gì, và tôi tồn tại để làm gì? – Tồn tại vì tồn tại.

Lục vấn một phương diện của tri thức con người, tôi nhận được vô số câu trả lời chính xác về những điều tôi không hỏi đến: về thành phần hóa học của các vì sao, về sự chuyển động của mặt trời về phía chùm sao Hèrcule, về nguồn gốc của các loài và con người, về những dạng thức của những nguyên tử nhỏ vô tận, về sự dao động của những hạt ête nhỏ vô tận và vô trọng; nhưng trong khu vực tri thức này, đối với câu hỏi của tôi: ý nghĩa cuộc sống của tôi ở đâu? – chỉ có một lời đáp: anh là cái mà anh gọi là cuộc sống của anh, anh là khối kết cấu nhất thời và ngẫu nhiên của các hạt. Tác động qua lại, sự biến đổi của các hạt ấy tạo ra trong anh cái mà anh gọi là cuộc sống của anh. Sự kết cấu ấy sẽ tiếp tục một thời gian, sau đó sự tương tác giữa các hạt ấy sẽ chấm dứt – và sẽ chấm dứt cái mà anh gọi là cuộc sống, sẽ chấm dứt cả tất cả những câu hỏi của anh. Anh là một mẩu tí xíu của một cái gì đó cấu kết một cách ngẫu nhiên. Mẩu nhỏ ấy đang phân rữa – anh gọi sự phân rữa ấy là cuộc sống của mình. Mẩu nhỏ ấy tan biến – và sẽ kết thúc cả sự phân rữa với mọi câu hỏi. Đấy, cái phương diện sáng rõ của tri thức trả lời như thế và không thể nói một cái gì khác, chừng nào nó còn tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên lý của mình.

Với lối trả lời như thế hóa ra câu trả lời không trả lời câu hỏi. Tôi cần biết ý nghĩa cuộc sống của tôi, song lời đáp nói rằng cuộc sống ấy là một phần rất nhỏ của cái vô tận vô biên thì lại không chỉ không đem đến cho nó một ý nghĩa gì, mà hủy tiêu mọi ý nghĩa có thể có.

Còn những móc ngoặc mờ ám giữa bình diện tri thức chính xác, rõ ràng này với bình diện tri thức tư biện, mà nội dung tựu trung là ý nghĩa của cuộc sống là ở sự phát triển và góp sức cho phát triển – thì, do tính không chính xác và không rõ ràng của mình, không thể được xem là những câu trả lời.

Cái bình diện khác ấy của tri thức, bình diện tư biện, khi nó tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên lý của mình, thì trả lời trực tiếp câu hỏi đấy, song mọi nơi và mọi lúc nó chỉ nói một điều: thế giới là cái gì đó bất tận và bất khả tri. Cuộc sống con người là một phần bất khả tri của cái “tất cả” bất khả tri ấy. Tôi lại loại trừ những móc ngoặc giữa tri thức tư biện và tri thức thực nghiệm tạo nên toàn bộ cái phần vô bổ của các khoa học nửa vời như pháp lý, chính trị, lịch sử. Người ta một lần nữa lại đưa một cách không chính đáng vào những khoa học này những khái niệm về phát triển, về hoàn thiện hóa, chỉ với một khác biệt là đằng kia là sự phát triển của tất cả, đằng này là sự phát triển của loài người. Nhưng cũng vẫn sự không chính đáng ấy bởi lẽ sự phát triển vô tận, sự hoàn thiện vô tận không thể mang trong mình mục đích và phương hướng và không trả lời một tí nào câu hỏi của tôi.

Còn ở đâu tri thức tư biện là chính xác, tức là trong triết học chân chính, không phải cái triết học mà Schopenhauer gọi là triết học của các giáo sư triết học, được dùng chỉ để phân chia tất cả các hiện tượng tồn tại theo các điều mục triết học và gọi tất cả bằng những tên mới – ở đâu mà nhà triết học không để biến mất khỏi trường nhìn của mình cái câu hỏi cơ bản, thì ở đấy luôn luôn chỉ có một câu trả lời – câu trả lời đã được đưa ra bởi Socrate, Schopenhauer, Salomon, đức Phật.

“Chúng ta chỉ rời xa cuộc sống bao nhiêu thì mới nhích gần lại với chân lý bấy nhiêu, – Socrate nói, chuẩn bị ra đi. – Chúng ta, những người yêu chuộng chân lý, khao khát cái gì trong cuộc sống? Khao khát giải phóng mình khỏi thân xác và khỏi tất cả cái ác bắt nguồn từ cuộc sống thân xác. Nếu là thế thì ta không mừng vui sao được khi mà cái chết đến với ta?”.

“Người Hiền suốt đời tìm kiếm cái chết, cho nên với người ấy cái chết không đáng sợ”.

“Khi ta đã nhận thức được bản tính nội tại của thế giới như là ý chí, – Schopenhauer nói, – và nhìn ra trong mọi hiện tượng, từ khát vọng vô thức của những lực tự nhiên tăm tối tới hoạt động hoàn toàn hữu thức của con người, những biểu hiện vật thể của ý chí ấy, thì chúng ta không thể nào tránh khỏi cái hệ quả, ấy là cùng với sự tự phủ định tự do, tự tiêu diệt của ý chí sẽ tiêu biến tất cả những hiện tượng ấy, cái khát vọng thường trực ấy và sự cuốn hút vô đích và không ngơi nghỉ ấy trên mọi cấp bậc của tính vật thể, mà trong nó và thông qua nó thế giới tồn tại; sẽ tiêu biến tất cả sự thiên hình vạn trạng của những hình thức tuần tự, cùng với hình thức sẽ tiêu biến mọi hiện tượng, với những hình thức chung của mình là không gian và thời gian và cuối cùng cả hình thức cuối cùng của thế giới – chủ thể và khách thể. Không còn ý chí, không còn hình dung, không còn thế giới. Trước chúng ta tất nhiên chỉ còn lại cái hư không. Nhưng cái lực chống lại sự chuyển vận vào cái hư không ấy, bản tính của chúng ta, thực ra cũng chỉ là cái ý chí hướng tới tồn tại ấy (Wille zum Leben), chính nó làm ra chúng ta cũng như thế giới của chúng ta. Việc chúng ta sợ cái hư không đến thế hay là, cũng thế thôi, muốn sống đến thế – chỉ có nghĩa là chúng ta chẳng phải là cái gì khác, mà là sự muốn sống ấy và không biết cái gì khác ngoài nó. Vì vậy cái mà sẽ còn lại sau khi ý chí đã bị tiêu diệt hoàn toàn, đối với chúng ta, những sinh linh còn đầy ắp ý chí, tất nhiên, sẽ là cái hư không; nhưng ngược lại, đối với những ai mà ở họ ý chí đã biến cải và từ bỏ chính mình, với họ cái thế giới này, hiện thực đến thế, với tất cả những mặt trời và những ngân hà của nó, chỉ là hư không”.

“Phù vân, quả là phù vân, – Salomon nói – Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi dòng sông đều xuôi ra biển, nhưng biển chẳng đầy. Cái gì đã qua, cái đó sẽ đến, và cái gì đã làm, cái đó sẽ được làm. Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ. Tôi là Ecclésiaste, tôi đã làm vua cai trị Israël ở Jérusalème. Tôi đã chú tâm tìm hiểu và dùng trí khôn ngoan mà khảo sát tất cả những gì diễn ra dưới bầu trời: đó là công việc nhọc nhằn mà Thiên Chúa bắt con cái loài người phải để tâm thực hiện. Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng se cát…

Tôi tự nhủ: Này, tôi đã gom góp, đã thu thập được rất nhiều điều khôn ngoan, hơn tất cả các vị đã cai trị Jérusalème trước tôi. Trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích lũy được bao nhiêu kiến thức; tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, hiểu biết, đâu là điên rồ, khờ dại. Nhưng ngay cả việc này nữa, tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng. Bởi vì càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn; càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau.

Tôi tự nhủ: “Cứ đến đây, ta sẽ cho ngươi thử hưởng thú vui và sẽ khoái chí vì đã làm điều thiện”. Thế nhưng cả cái đó cũng chỉ là phù vân. Tôi nói: “Cười là điên rồ, vui là vô tích sự”. Tôi rắp tâm thử để cho thân xác được thỏa thuê bởi rượu chè, nhưng vẫn điều khiển tâm hồn theo lẽ khôn ngoan; tôi còn lao mình vào cuộc sống điên dại, chừng nào chưa thấy được cái gì là tốt cho con cái loài người, cái gì họ phải làm dưới bầu trời, trong những ngày tháng ít ỏi của đời mình. Tôi đã thực hiện những công trình lớn: xây nhà cửa cho mình, lại còn trồng những vườn nho. Tôi đã làm cả hoa viên lẫn công viên, trong đó tôi trồng mọi thứ cây ăn quả. Rồi tôi xây bể nước tưới cả rừng cây, mua tôi trai tớ gái, mua cả đám gia nhân. Tôi có cả một đàn gia súc; bò bê, chiên cừu, nhiều hơn tất cả mọi người đã sống trước tôi ở Jérusalème. Tôi cũng đã tích trữ bạc, vàng và vật quý do vua chúa để lại và từ các tỉnh đem về. Tôi đem đào kép về ca hát, mua đủ mọi nhạc cụ khác nhau làm vui cho cái tai của con người. Tôi đã trở thành vĩ đại và giàu có hơn hết thảy mọi người đã sống trước tôi ở Jérusalème, và sự khôn ngoan của tôi luôn luôn ở bên tôi. Tất cả mọi điều mắt tôi đòi hỏi, tôi chẳng khước từ. Những niềm vui lòng tôi mơ ước, tôi không hề ngăn cản. Nhưng giờ đây tôi nhìn lại tất cả mọi việc mà tay tôi đã làm và những gian lao mà tôi phải chịu và nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công đã tràng; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu! Rồi tôi đưa mắt nhìn và để tâm suy nghĩ về cái khôn, cái điên và cái dại. Nhưng tôi biết: tất cả chúng đều chung một số phận. Và tôi tự nhủ: “Số phận của kẻ dại ra sao thì số phận của tôi cũng như thế. Vậy tôi khôn lắm để làm gì?”. Tôi lại tự nhủ: đó chỉ là phù vân. Đời đời nhớ người khôn, mãi mãi nhớ kẻ dại, làm gì có chuyện ấy! Tại vì có việc gì xảy ra, việc đó cũng ắt rơi vào quên lãng trong những ngày kế tiếp. Tất cả đều chết, người khôn cũng như kẻ dại. Và tôi đâm ra chán ghét cuộc đời, vì với tôi, dưới ánh mặt trời, mọi việc làm đều đáng ghét, tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng se cát. Và tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả mà tôi phải chịu dưới ánh mặt trời và những gì tôi phải để lại cho người đến sau tôi. Bởi vì con người sẽ có được cái gì sau bao nỗi bận tâm và gian lao vất vả mà nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Phải, đối với nó, trọn đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền. Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng. Tất cả chỉ là phù vân…

Mọi người đều như nhau, cùng chung một số phận: người công chính cũng như kẻ gian tà, người tốt cũng như đứa xấu, người thanh sạch cũng như kẻ ô uế, người dâng của lễ cũng như kẻ không dâng, người thiện lương cũng như kẻ tội lỗi, người thề hứa cũng như kẻ không dám thề. Tai họa thảm hại nhất trong tất cả những gì xảy ra dưới ánh mặt trời là hết thảy mọi người đều chịu chung một số phận như nhau. Cũng vì thế mà lòng dạ con cái loài người đầy những điều gian ác, tâm địa luôn ấp ủ bao chuyện điên rồ chừng nào còn sống trên trần gian, trước khi rốt cuộc rơi vào cõi chết. Ai còn sống trong cõi dương gian, người ấy còn hy vọng, bởi vì con chó sống vẫn hơn con sư tử chết. Người sống ít ra cũng biết mình sẽ chết, còn người chết chẳng biết gì cả; họ đâu còn được hưởng điều gì, vì đã bị rơi vào quên lãng. Bao yêu thương, oán hờn, ghen ghét của họ đã tiêu tan cả rồi, và muôn đời họ sẽ chẳng được dự phần vào bất cứ chuyện gì xảy ra dưới ánh mặt trời nữa”.

Salomon, hoặc ai đã viết nên những dòng này, đã nói thế.

Còn minh triết Ấn Độ thì nói thế này:

Shakya-Muni (Thích Ca Mầu Ni – N.D.), một hoàng tử trẻ tuổi, hạnh phúc, chưa biết gì về bệnh tật, tuổi già, cái chết, một hôm ngồi ngựa xe đi dạo chơi và trông thấy một ông già đáng sợ đã rụng hết răng, nước dãi chảy dòng dòng. Hoàng tử, mà cho đến lúc ấy người ta vẫn giấu không cho biết gì về tuổi già, lấy làm ngạc nhiên hỏi người đánh xe sao lại có cảnh này và vì sao con người này lại rơi vào tình trạng thảm hại, ghê tởm và xấu xí đến thế? Và khi chàng được biết rằng đó là thân phận của tất cả mọi người và cả chàng, vị hoàng tử hoa niên, cũng tất yếu sẽ phải chịu cảnh này, thì chàng không đi chơi được nữa và ra lệnh trở về để suy nghĩ về cái đó. Và chàng khóa cửa lại và một mình ngẫm nghĩ. Và chắc là chàng nghĩ ra một điều nào đó an ủi, bởi vì lại vui tươi, hạnh phúc, chàng ngồi xe ngựa đi dạo chơi. Nhưng lần này chàng bắt gặp một người mắc bệnh. Chàng nhìn thấy một con người tiều tụy, da xanh tím, run rẩy, mắt mờ đục. Hoàng tử, mà cho đến lúc ấy người ta vẫn giấu không cho biết gì về bệnh tật, dừng lại và hỏi cảnh này là gì. Và khi chàng được biết đó là bệnh tật, mà phàm đã là người thì ai ai cũng mắc và cả chàng, vị hoàng tử khỏe mạnh và hạnh phúc, ngày mai cũng có thể mắc bệnh như thế, thì chàng lại không còn tinh thần nào để vui chơi, ra lệnh trở về và lại tìm cách trấn an mình và chắc là tìm ra, bởi vì lần thứ ba chàng lại ngồi xe ngựa đi dạo chơi. Nhưng lần này chàng nhìn thấy một cảnh tượng khác: chàng thấy người ta khiêng một cái gì đó. “Cái gì thế?” – Một người chết – “Thế nào là chết?” – hoàng tử hỏi. Người ta trả lời rằng chết tức là trở nên như người này. Hoàng tử đến gần, hất vải liệm ra và nhìn người chết. “Người này rồi sẽ ra sao?” – hoàng tử hỏi. Người ta nói sẽ chôn người ấy xuống đất. “Tại sao?” – Tại vì anh ta chắc chắn sẽ chẳng bao giờ là người sống nữa, mà từ anh ta sẽ chỉ có mùi hôi thối và lũ giun. – “Và đây là thân phận của tất cả mọi người? Và cái này sẽ đến cả với tôi? Người ta sẽ chôn tôi, và từ tôi sẽ toát ra mùi hôi thối và lũ giun sẽ ăn thịt tôi?” – Đúng thế. – “Quay lại! Tôi không đi chơi nữa và sẽ không bao giờ đi nữa”.

Và Skakya-Muni đã không thể tìm thấy niềm an ủi trong cuộc sống và chàng đã quyết rằng cuộc sống là cái ác lớn nhất và đã dùng tất cả sức mạnh của tâm hồn để giải phóng mình khỏi cuộc sống và giải phóng cả những người khác. Và lại giải phóng thế nào để sau cái chết cuộc sống không thể phục hồi bằng bất cứ cách nào, để triệt tiêu sự sống đến tận gốc rễ. Đấy, toàn bộ minh triết Ấn Độ nói thế.

Đấy là những lời đáp thẳng thắn của minh triết nhân loại, khi nó trả lời câu hỏi của sự sống.

“Cuộc sống của thân xác là cái ác và cái giả dối. Vì vậy sự triệt tiêu sự sống ấy của thân xác là điều phúc và chúng ta phải mong muốn cái đó” – Socrate nói.

“Cuộc sống là cái mà lẽ ra không được có, là cái ác, và sự chuyển di vào hư vô là cái phúc duy nhất trong cuộc sống” – Schopenhauer nói.

“Tất cả trong thế giới – cả sự ngu dại lẫn sự khôn ngoan, cả sự giàu sang lẫn sự bần cùng, cả niềm vui lẫn nỗi đau – tất cả đều là hư phù và tầm phào. Con người chết đi, và sẽ không còn lại cái gì. Và cái đó là xuẩn ngốc” – Salomon nói.

“Không thể sống với ý thức về sự không thể tránh khỏi khổ đau, bệnh tật, tuổi già và cái chết – phải giải phóng mình khỏi cuộc sống, khỏi mọi khả năng sống” – đức Phật nói.

Và cái mà những trí tuệ mãnh liệt ấy đã nói cũng là điều mà hàng triệu nhân lên hàng triệu người như họ vẫn nghĩ và cảm thấy. Và tôi cũng nghĩ và cảm thấy như thế.

Thành thử sự lưu lạc của tôi trong rừng tri thức không những không dẫn tôi ra khỏi nỗi tuyệt vọng, mà chỉ tăng cường nó. Một loại tri thức không trả lời câu hỏi của cuộc sống, loại tri thức khác thì trả lời bằng cách xác nhận trực tiếp nỗi tuyệt vọng của tôi và chỉ ra rằng cái mà tôi mắc phải không phải là kết quả của sự lầm lạc nơi tôi hay của một não trạng bệnh hoạn – ngược lại, nó đã xác nhận cho tôi rằng tôi đã suy nghĩ đúng đắn và đã hội ngộ với những trí tuệ mãnh liệt nhất của loài người.

Không việc gì phải đánh lừa mình nữa. Tất cả đều là hư phù. Người nào không ra đời, người ấy hạnh phúc, cái chết tốt hơn cuộc sống; phải thoát khỏi cuộc sống.

VII

Không tìm được giải đáp trong tri thức, tôi chuyển sang tìm trong đời sống, hy vọng tìm thấy nó trong những con người bao quanh tôi, và tôi bắt đầu quan sát những người khác – những sinh linh giống như tôi, xem họ sống quanh tôi thế nào và họ giữ thái độ ra sao đối với câu hỏi đã dồn tôi vào tuyệt vọng.

Và đây là cái tôi đã nhận thấy ở những người ở cùng một hoàn cảnh như tôi về học vấn và đời sống.

Tôi nhận thấy rằng đối với những người thuộc giới của tôi có bốn lối thoát từ cái cảnh ngộ đáng khiếp sợ mà tất cả chúng ta đều ở trong đó.

Lối thoát thứ nhất là lối thoát của sự vô tri. Thực chất đây là sự không biết, không hiểu rằng cuộc sống là độc ác và vô nghĩa. Những con người loại này – đa phần là phụ nữ, hoặc còn rất trẻ, hoặc rất đần độn – còn chưa hiểu được cái câu hỏi của cuộc sống đã từng hiện lên trước Schopenhauer, Salomon, đức Phật. Họ không nhìn thấy cả con rồng ác đang chờ họ lẫn những con chuột đang gặm bụi cây mà họ bám lấy và họ cần mẫn liếm những giọt mật. Nhưng họ chỉ liếm những giọt mật ấy đến một lúc nhất định: một cái gì đó sẽ khiến họ để ý đến con rồng và những con chuột, thế là sự liếm mật ấy chấm dứt. Tôi không thể học được gì ở họ, không thể chấm dứt hiểu biết cái mình đã hiểu biết.

Lối thoát thứ hai là lối thoát của chủ nghĩa hưởng lạc. Cốt lõi của nó là: vẫn biết về tính vô vọng của cuộc sống, song cứ tận hưởng tất cả những phúc lợi có thể hưởng, không nhìn rồng nhìn chuột, mà liếm mật một cách tốt nhất, đặc biệt nếu có nhiều mật ở bụi cây mà ta đang nắm giữ. Salomon đã diễn đạt lối thoát ấy thế này:

“Và tôi đã ngợi khen niềm vui, bởi lẽ đối với con người sống dưới ánh mặt trời không có gì tốt hơn là ăn, uống và vui chơi và hãy để cái đó đi theo con người trong những gian lao của nó và trong những tháng ngày mà Thiên Chúa đã cho nó dưới ánh mặt trời.

Như vậy, bạn hãy ăn với niềm vui miếng bánh mì của mình và hãy uống với niềm hân hoan trong tâm can cốc rượu nho của mình… Cùng với người vợ yêu thương, hãy hưởng trọn cuộc đời, hết mọi ngày trong kiếp phù du đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời, vì đó là phần bạn đáng được hưởng trong cuộc đời, giữa bao nhiêu khó nhọc bạn làm lụng dưới ánh mặt trời, trong những ngày của kiếp phù du. Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm, vì trong cõi âm ti nơi bạn đang đi tới không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan”.

Những người thuộc giới của chúng tôi đa phần làm theo kết luận thứ hai này. Những điều kiện sống của họ khiến cho họ biết hưởng sướng nhiều hơn chịu khổ, còn sự đần độn về đức lý thì cho phép họ quên đi rằng lợi thế của họ là ngẫu nhiên, rằng mọi người không thể có được 1000 vợ và cung điện như vua Salomon đã có, rằng cứ một người có 1000 vợ thì lại có 1000 không vợ và cứ một cung điện thì lại có 1000 người đổ mồ hôi sôi nước mắt xây cất nó và cũng cái ngẫu nhiên mà hôm nay làm cho tôi trở thành Salomon, ngày mai có thể biến tôi thành nô lệ của Salomon. Trí tưởng tượng kém cỏi của những người ấy cũng cho phép họ quên đi cái điều đã không để cho đức Phật được yên – sự không thể tránh khỏi bệnh tật, tuổi già và cái chết mà không nay thì mai sẽ phá tan tất cả những thú vui ấy. Còn cái mà một số người trong họ do sự kém cỏi của tư duy và trí tưởng tượng khẳng định như là một triết lý tích cực thì theo tôi, không hề làm cho họ khác biệt với những ai mà, do không nhìn ra vấn đề, cứ cần mẫn liếm mật. Đối với những người này, tôi cũng không thể bắt chước: không được phú bẩm một trí tưởng tượng kém cỏi như họ, tôi không thể tự tạo ra nó trong mình. Cũng như mọi người sống, tôi không thể không nhìn vào những con chuột và con rồng một khi đã trông thấy chúng.

Lối thoát thứ ba là lối thoát của sức mạnh và nghị lực. Cốt lõi của nó là một khi đã ngộ ra rằng cuộc sống là độc ác và vô nghĩa, thì diệt trừ nó đi. Đó là lối ứng xử của một số người hiếm hoi, dũng mãnh và nhất quán. Sau khi đã nhận thức được toàn bộ tính xuẩn ngốc của cái trò chơi khăm đối với họ và nhận thức được rằng cái phúc của những người chết lớn hơn mọi phúc lợi của những người sống và tốt nhất là không sống, những người ấy hành xử đúng như thế và chấm dứt lập tức cái trò chơi khăm xuẩn ngốc ấy, vì phương tiện thì có sẵn: thòng lọng để treo cổ, nước để trẫm mình, lưỡi dao để đâm vào tim, những đoàn tầu trên đường sắt… Và những người hành xử như thế trong giới chúng tôi trở nên ngày một nhiều hơn. Và họ hành xử như thế đa phần vào thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời, khi mà tâm lực đang thăng hoa, còn những thói quen hạ nhục trí tuệ con người thì còn hấp thụ ít. Tôi thấy đó là lối thoát xứng đáng nhất và muốn hành xử như thế.

Lối thoát thứ tư là lối thoát của sự ươn hèn. Cốt lõi của nó là, hiểu cái ác và sự vô nghĩa của cuộc sống, vẫn tiếp tục kéo dài nó mà biết trước rằng từ nó không thể có được một cái gì hết. Những người loại này biết rằng cái chết tốt hơn cuộc sống nhưng, không có nghị lực để ứng xử một cách hữu lý – giết chết mình để chấm dứt thật nhanh trò lừa, họ tuồng như cứ chờ đợi một cái gì đó. Đó chính là lối thoát của sự ươn hèn, bởi vì nếu tôi biết cái tốt hơn và nó ở trong quyền năng của tôi, thế thì vì sao lại không giao mình cho cái tốt hơn? Tôi thuộc loại người ấy.

Đấy, bằng bốn con đường ấy mọi người trong giới của tôi cố thoát ra khỏi mâu thuẫn khủng khiếp ấy; cho dù tôi có lục tìm ráo riết đến đâu, tôi không thấy một lối thoát nào nữa ngoài bốn lối ấy. Một lối thoát: không hiểu rằng cuộc sống là vô nghĩa, hư phù và độc ác và rằng tốt nhất là không sống. Tôi không thể không hiểu điều ấy và một khi đã hiểu thì không thể nhắm mắt làm lơ. Lối thoát khác – tận hưởng cuộc sống như nó có, không nghĩ về tương lai. Cả điều này tôi cũng không làm được. Tôi, cũng như Shakya-Muni, không thể cưỡi xe ngựa đi săn khi biết rằng có tuổi già, bệnh tật và cái chết. Trí tưởng tượng trong tôi quá sống động. Ngoài ra, tôi không thể hoan hỷ trước cái ngẫu nhiên trong phút giây đã vứt cho tôi những khoái lạc để hưởng thụ cũng chỉ một phút giây. Lối thoát thứ ba: đã hiểu cuộc sống là độc ác và xuẩn ngốc thì chấm dứt nó, giết chết mình. Tôi hiểu cái đó, nhưng vì một lẽ nào đó chưa giết mình. Lối thoát thứ tư – sống trong tình thế của Solomon, của Schopenhauer – tức là biết rằng cuộc sống là trò chơi khăm ngu xuẩn nhưng tuy vậy vẫn sống, vẫn tắm rửa, ăn mặc, ăn uống, nói năng và thậm chí còn viết sách. Cảnh ngộ này là ghê tởm và đau khổ lắm với tôi, nhưng tôi vẫn ở lại trong cảnh ngộ ấy.

Bây giờ tôi thấy rằng nếu tôi vẫn không giết mình, thì nguyên nhân là ý thức mơ hồ về tính không đúng đắn của những suy nghĩ nơi tôi. Dẫu tôi có thấy là thuyết phục đến đâu và không thể hồ nghi đến đâu cái diễn trình của tư tưởng nơi tôi và tư tưởng của những hiền giả đã dẫn dắt chúng ta đến sự hiểu biết tính vô nghĩa của cuộc sống, song trong tôi vẫn còn lại mối hoài nghi mơ hồ về tính chính đáng của điểm xuất phát của mọi suy luận nơi tôi.

Mối hoài nghi ấy là thế này: Tôi, lý trí của tôi đã công nhận rằng cuộc sống là vô nghĩa. Nếu không có trí tuệ tối cao (mà nó không có và không gì có thể chứng minh được nó) thì lý trí là chủ thể sáng tạo cuộc sống đối với tôi. Giả sử không có lý trí, thì đối với tôi sẽ không có cả cuộc sống. Thế thì tại sao lý trí ấy lại phủ định cuộc sống trong khi chính nó tạo ra cuộc sống? Hoặc, suy luận từ phía khác: giả sử không có cuộc sống, thì sẽ không có cả lý trí của tôi – như vậy, lý trí là con của cuộc sống. Sự sống là tất cả. Lý trí là thành quả của sự sống, song lý trí ấy lại phủ định chính sự sống. Tôi cảm thấy ở đây có cái gì đó không ổn.

Cuộc sống là cái ác vô nghĩa, điều ấy không thể hồ nghi, – tôi tự nhủ. – Thế nhưng tôi đã và đang sống, và cả nhân loại cũng đã và đang sống. Sao lại thế? Nó sống làm gì khi mà có thể không sống?

Chẳng lẽ chỉ tôi với Schopenhauer thông minh đến mức đã hiểu được sự vô nghĩa và cái ác của cuộc sống?

Lập luận về tính hư phù của cuộc sống không xảo trí đến thế, và từ ngàn xưa cả những người bình dân nhất cũng đã biết điều đó, nhưng họ vẫn sống. Thế thì chẳng lẽ họ cứ sống và không bao giờ hồ nghi tính hữu lý của cuộc sống?

Tri thức của tôi, được trí anh minh của các bậc hiền minh xác nhận, đã mở mắt cho tôi thấy rằng tất cả trong thế giới – cả cái vô cơ lẫn cái hữu cơ – đều được cấu tạo thông minh phi thường, chỉ có tình cảnh của tôi là ngốc nghếch. Còn những người ngốc ấy – những khối đông khổng lồ của những con người bình dân – thì lại không biết gì về chuyện cái vô cơ và cái hữu cơ trong thế giới được cấu tạo thế nào, song họ vẫn sống và nghĩ rằng cuộc sống của họ được cấu tạo rất có lý!

Và một ý nghĩ lọt vào đầu tôi: hay là còn một cái gì đó tôi chưa hiểu? Bởi vì sự không hiểu biết cũng ứng xử như thế. Sự không hiểu biết vẫn luôn luôn nói như thế. Khi nó không biết một cái gì đấy thì nó nói rằng cái nó không biết là ngu xuẩn. Quả thật, hóa ra có một chỉnh thể nhân loại đã và đang sống và xem ra hiểu ý nghĩa cuộc sống của mình, bởi vì, nếu không hiểu được thì nó sẽ không thể sống, thế mà tôi lại nói rằng cuộc sống ấy là vô nghĩa và tôi không thể sống.

Không ai cản trở chúng tôi cùng Schopenhauer phủ định cuộc sống. Nhưng đã thế thì tự tử đi – và sẽ không suy luận nữa. Anh không thích cuộc sống thì giết chết mình đi. Anh sống mà không hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, thế thì chấm dứt nó đi, đừng loay hoay trong cuộc đời này, kể lể và phơi bầy rằng anh không hiểu được cuộc đời. Anh đã nhập vào một hội vui, tất cả mọi người đều vui vẻ, đều biết mình đang làm gì, nhưng anh thấy buồn chán và chán ghét, thế thì đi đi.

Quả thật, tất cả chúng ta, những con người đinh ninh rằng cần phải tự sát nhưng lại không dám tự sát, là cái gì, nếu không phải chính là những kẻ ươn hèn và tiền hậu bất nhất, nói đơn giản, là những kẻ ngu ngốc huênh hoang vì sự ngu ngốc của mình y như anh đần vênh váo với cái túi đựng thức ăn cho ngựa được tô màu sặc sỡ.

Bởi lẽ anh minh của chúng ta, dù nó có đúng đắn và không thể hồ nghi đến đâu, vẫn không đem lại cho chúng ta tri thức về ý nghĩa của cuộc sống. Trong khi ấy thì cả loài người làm nên cuộc sống, hàng triệu con người ấy không nghi ngờ về ý nghĩa của cuộc sống.

Quả là thế, từ thượng cổ, từ khi có sự sống, mà về nó tôi được biết đôi chút, loài người đã sống và vẫn biết cái lập luận về sự hư phù của cuộc sống (mà chính lập luận ấy đã chỉ cho tôi thấy sự vô nghĩa của đời sống), thế nhưng họ vẫn sống và mang vào cuộc sống một ý nghĩa nào đó. Từ khi bắt đầu một cuộc sống nào đó của loài người, họ đã có cái ý nghĩa ấy của cuộc sống và họ sống một cuộc sống như thế, tiếp tục đến tận tôi. Tất cả những gì có trong tôi và quanh tôi đều là thành quả của sự hiểu biết cuộc sống nơi họ. Cả những công cụ tư duy mà bằng chúng tôi bàn luận về cuộc sống này và lên án nó – tất cả cái đó không được tôi, mà được họ làm ra. Bản thân tôi đã ra đời, đã được giáo dục, đã trở nên khôn lớn nhờ có họ. Họ đã đào ra sắt, đã dạy cho biết chặt rừng, đã thuần hóa bò, ngựa, đã dạy cho biết gieo trồng, biết chung sống, đã xắp xếp đời sống của chúng ta; họ đã dạy tôi suy nghĩ, nói năng. Thế mà tôi, tác phẩm của họ, được cho ăn cho uống, dạy dỗ, suy nghĩ bằng những ý nghĩ và ngôn từ của họ – tôi lại đã chứng minh cho họ rằng họ là cái vô nghĩa! “Ở đây có cái gì đó không đúng, – tôi tự nhủ. – ở đâu đó, tôi đã sai”. Nhưng cái sai ở đâu thì tôi lại không thể nào tìm ra.

VIII

Tất cả những nghi hoặc ấy, mà giờ đây tôi có thể nói đến một cách ít nhiều mạch lạc, hồi ấy tôi không thể diễn đạt. Hồi ấy tôi chỉ cảm thấy rằng cho dù những kết luận của tôi về sự vô ích của cuộc sống, được xác nhận bởi những nhà tư tưởng vĩ đại nhất, có là tất yếu về mặt logic đến đâu, trong chúng vẫn có cái gì đó không ổn. Trong cách suy luận ư, trong cách đặt vấn đề ư, tôi không biết; tôi chỉ cảm thấy rằng sức thuyết phục lý trí của chúng là hoàn hảo, nhưng một mình nó vẫn chưa đủ. Tất cả những lập luận ấy đã không thể thuyết phục tôi đến mức tôi phải làm cái mà những suy luận của tôi đòi hỏi – tức là giết chết mình. Và tôi sẽ không thật lòng, nếu nói rằng bằng lý trí tôi đã đi đến cái mà tôi đã đi đến và không tự tử nữa. Lý trí vẫn làm việc, nhưng còn làm việc một cái gì đó khác, mà tôi không biết gọi một cách nào khác, ngoài gọi là ý thức của sự sống. Còn làm việc một sức mạnh đã bắt tôi phải để ý đến cái này chứ không phải cái khác, và chính sức mạnh ấy đã dắt tôi ra khỏi tình trạng tuyệt vọng và đã định hướng lại hoàn toàn khác cho lý trí của tôi. Sức mạnh ấy đã khiến tôi lưu tâm tới một điều, ấy là tôi cùng hàng trăm con người giống như tôi chưa phải là cả loài người, rằng tôi còn chưa hiểu biết cuộc sống của loài người.

Quanh quẩn trong nhóm nhỏ hẹp của những người đồng niên với tôi, tôi chỉ thấy những người hoặc không hiểu câu hỏi của cuộc sống, hoặc hiểu nhưng đánh át nó bằng sự say mê sống, hoặc hiểu và đã chấm dứt cuộc sống, hoặc hiểu nhưng do ươn hèn vẫn sống nốt cuộc đời vô vọng. Tôi không thấy những người khác. Tôi tưởng rằng cái nhóm nhỏ hẹp của những người có học, giàu có và nhàn tản, mà tôi thuộc về đấy, là tất cả nhân loại, còn hàng tỉ người đã sống và đang sống – cái đó thì chỉ đáng tặc lưỡi, chỉ là những con vật, không phải những con người.

Dù giờ đây tôi có thấy là kỳ quặc và không thể hiểu nổi đến đâu cái việc là tôi, trong khi suy luận về cuộc sống, đã bỏ qua cuộc sống của nhân quần bao bọc tôi từ khắp phía, đã có thể lầm lạc đến mức nghĩ rằng cuộc sống của tôi và của những Salomon và Schopenhauer là cuộc sống đích thực, hợp chuẩn, còn cuộc sống của hàng tỉ người chỉ là cái không đáng để ý; dù giờ đây cái đó có kỳ lạ đến đâu với tôi, tôi vẫn thấy là nó đã xảy ra. Trong sự lầm lạc vì cao ngạo của trí tuệ tôi đã cho rằng, không hồ nghi gì nữa, tôi cùng Salomon và Schopenhauer đã đặt vấn đề một cách đúng đắn và chính đáng đến nỗi không thể có một cái gì khác, và rằng cũng không hồ nghi gì nữa, tất cả những tỉ người này chỉ là những kẻ chưa đi tới được sự nhận chân toàn bộ chiều sâu của vấn đề, vì vậy tôi cứ kiếm tìm ý nghĩa của đời mình mà không một lần nào chợt nghĩ: “Thế còn hàng tỉ người đã sống và đang sống trên đời ấy, họ nhận ra ý nghĩa nào ở cuộc sống của họ?”.

Tôi đã sống khá lâu trong sự mất trí ấy, nó đặc trưng hơn cả – không trên lời nói mà trên việc làm – cho chúng tôi, những người có đầu óc tự do và có học. Nhưng không rõ nhờ tình yêu kỳ lạ bằng xác thịt hay sao của tôi đối với nhân dân lao động chân chính, cái tình yêu đã khiến tôi hiểu họ và hiểu được rằng họ không ngu ngốc như chúng ta nghĩ, hay nhờ quan niệm chân thành của tôi rằng tôi không biết một cái gì khác ngoài sự biết rằng điều tốt nhất mà tôi có thể làm – đó là treo cổ, song bằng linh tính tôi nhận ra rằng nếu tôi muốn sống và hiểu ý nghĩa của cuộc sống thì tôi phải tìm cái ý nghĩa cuộc sống ấy không ở những người đã để mất nó và muốn giết chết mình, mà ở hàng tỉ người đã sống và đang sống – những người làm ra cuộc sống và mang trên mình cuộc sống ấy của họ và của chúng ta. Và tôi ngoảnh lại nhìn những khối đông khổng lồ của những người bình thường đã sống và đang sống, những người không có học và không giàu có, và đã nhìn ra một điều hoàn toàn khác. Tôi đã nhìn thấy rằng hàng tỉ con người đã sống và đang sống ấy, tất cả, trừ những trường hợp hiếm hoi, đều không thích hợp với sự phân chia của tôi, rằng tôi không thể xem họ là không hiểu câu hỏi, bởi lẽ chính họ đặt nó ra và trả lời nó với sự sáng rõ phi thường. Xem họ là những người hưởng lạc tôi cũng không thể, bởi vì cuộc sống của họ được hợp thành từ những thiếu thốn và đau khổ nhiều hơn là từ những lạc thú; xem họ là những người sống nốt cuộc đời vô nghĩa một cách đần độn tôi lại càng có ít sở cứ, bởi vì mọi hành vi trong cuộc sống và ngay cả cái chết cũng được họ giải thích. Còn giết chết mình thì họ xem là một tội ác lớn nhất. Té ra, ở toàn thể loài người có một tri thức nào đó về ý nghĩa của cuộc sống mà tôi không công nhận và khinh rẻ. Hóa ra, tri thức thuần lý không cho ta ý nghĩa của cuộc sống, loại trừ cuộc sống; còn ý nghĩa, mà hàng tỉ con người, toàn bộ loài người mang vào cuộc sống thì lại dựa vào một kiểu tri thức nào đó đáng khinh bỉ, sai lạc.

Tri thức thuần lý thông qua các nhà bác học và các bậc hiền giả phủ định ý nghĩa của cuộc sống, thế nhưng những khối quần chúng khổng lồ, cả nhân loại lại tìm thấy ý nghĩa ấy trong tri thức phi lý tính. Và tri thức phi lý tính ấy chính là tín ngưỡng, là cái tín ngưỡng mà tôi đã không thể không gạt bỏ. Đó là Thiên Chúa vừa là một vừa là ba, là cuộc sáng thế trong sáu ngày, là những quỷ dữ và thiên thần với tất cả những gì mà tôi không thể công nhận, chừng nào chưa phát điên.

Tình cảnh của tôi thật khủng khiếp. Tôi biết sẽ không tìm thấy gì trên con đường tri thức thuần lý, ngoài sự phủ định cuộc sống, còn nơi kia, trong tín ngưỡng thì lại không tìm thấy gì ngoài sự phủ định lý trí – cái còn bất khả thể hơn là sự phủ định cuộc sống. Theo tri thức thuần lý, cuộc sống là độc ác, và mọi người biết cái đó và có thể không sống, nhưng họ vẫn đã và đang sống và cả tôi cũng sống, mặc dù biết từ lâu rằng cuộc sống là vô nghĩa và độc ác. Còn theo tín ngưỡng thì hóa ra để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, tôi phải từ bỏ lý trí, cái lý trí cần đến chính ý nghĩa ấy để tồn tại.

IX

Hình thành một mâu thuẫn mà từ đấy chỉ có hai lối ra: hoặc là cái tôi gọi là hữu lý đã không hữu lý đến mức như tôi tưởng; hoặc là cái tôi cho là vô lý, đã không vô lý đến mức như tôi nghĩ. Và tôi bắt đầu kiểm tra lại diễn trình suy luận trong nhận thức lý tính của mình.

Kiểm tra diễn trình suy luận trong nhận thức lý tính, tôi thấy nó hoàn toàn đúng đắn. Kết luận nói rằng cuộc sống là hư phù mang tính tất yếu; nhưng tôi nhận ra một cái sai. Cái sai là ở chỗ tôi đã tư duy không thích hợp với câu hỏi mà tôi đặt ra. Câu hỏi là: tôi sống để làm gì, sẽ có cái gì đích thực, không tiêu biến từ cuộc sống hử ảo, tiêu biến của tôi, sự tồn tại hữu hạn của tôi có ý nghĩa gì trong thế giới vô hạn này? Và để trả lời câu hỏi này, tôi đã nghiên cứu cuộc sống.

Rõ ràng, những câu trả lời cho tất cả những câu hỏi có thể có của cuộc sống đã không thể thỏa mãn tôi bởi vì câu hỏi của tôi ban đầu có vẻ đơn giản đến thế, chứa đựng trong mình một yêu cầu giải thích cái hữu hạn bằng cái vô hạn và ngược lại.

Tôi hỏi: cuộc sống của tôi có ý nghĩa phi thời gian, phi nhân quả và phi không gian nào không? Nhưng lại trả lời câu hỏi: cuộc sống của tôi có ý nghĩa nào không trong thời gian, nhân quả và không gian? Và kết cục là sau những gian lao dai dẳng của tư duy tôi phải trả lời: chẳng có ý nghĩa nào cả.

Trong những suy luận của mình tôi thường xuyên đặt dấu bằng, mà cũng không thể làm một cách khác, giữa cái hữu hạn này với cái hữu hạn khác, và giữa cái vô hạn này với cái vô hạn khác, cho nên nơi tôi đã có cái kết quả phải có: lực là lực, vật chất là vật chất, ý chí là ý chí, cái vô hạn là cái vô hạn, cái hư vô là cái hư vô, và không thể có cái gì tiếp theo.

Cái đó tương tự như trong toán học, khi mà định giải một phương trình, ta lại giải một đồng nhất thức. Diễn trình suy luận là đúng, nhưng kết quả ta có đáp số: a = a, hoặc x = x, hoặc 0 = 0. Cũng cái đó đã xảy ra với những suy luận nơi tôi về vấn đề ý nghĩa cuộc sống của tôi. Những giải đáp mà toàn bộ khoa học đưa ra cho câu hỏi này cũng chỉ là những đồng nhất thức.

Và quả thật, cái tri thức thuần lý nghiêm ngặt, cái tri thức mà, như Descartes đã làm, bắt đầu từ sự hoài nghi tất cả, gạt bỏ mọi tri thức dựa trên niềm tin và xây dựng lại tất cả trên cơ sở lý trí và thực nghiệm – tri thức ấy cũng không thể đưa ra một giải đáp nào khác cho câu hỏi của cuộc sống ngoài cái giải đáp mà tôi đã có – một giải đáp vô định. Thoạt kỳ thủy tôi chỉ tưởng rằng tri thức đã đưa ra một lời đáp khẳng định – lời đáp của Schopenhauer: cuộc sống không có ý nghĩa, nó là độc ác. Nhưng sau khi đã phân tích sự việc, tôi hiểu ra rằng lời đáp này không khẳng định, mà chỉ cảm tính của tôi lĩnh hội nó như thế. Còn lời đáp được diễn đạt nghiêm ngặt, như nó được diễn đạt cả bởi những tín đồ của đạo Bàlamôn, cả bởi Salomon, cả bởi Schopenhauer, chỉ là lời đáp không xác định, hay là một đồng nhất thức: 0 = 0, cuộc sống hiện ra trước tôi như cái hư phù là hư phù. Thành thử tri thức triết học không phủ định cái gì, mà chỉ trả lời rằng nó không giải đáp được câu hỏi này, rằng đối với nó đáp số là bất định.

Khi đã hiểu ra điều đó, thì tôi hiểu ra rằng không thể tìm trong tri thức thuần lý giải đáp cho câu hỏi của tôi và rằng giải đáp mà tri thức thuần lý đưa ra chỉ là một chỉ dẫn nói lên rằng có thể có giải đáp chỉ khi mà câu hỏi được đặt ra một cách khác, chỉ khi nào được đưa vào suy luận câu hỏi về quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. Và tôi hiểu ra cả cái điều là, dù những giải đáp mà tín ngưỡng đưa ra có vô lý và dị quái đến đâu, chúng có một ưu điểm là đưa vào trong từng giải đáp quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, mà không có nó thì không thể có giải đáp. Dù tôi có xoay trở thế nào câu hỏi: tôi phải sống thế nào? – lời đáp vẫn là: theo luật Chúa. Cái gì đích thực sẽ có được từ cuộc sống của tôi? – Khổ đau vĩnh viễn hoặc hạnh phúc vĩnh viễn – Có ý nghĩa nào mà sự chết không tiêu diệt được? – Hội nhập với Thiên Chúa vô cùng vô tận, thiên đường.

Như vậy, ngoài tri thức thuần lý mà trước đây tôi cho là duy nhất, tôi được dẫn dắt một cách tất yếu đến sự thừa nhận rằng loài người đương sống còn có một tri thức khác, phi lý tính – đó là tín ngưỡng, cái tín ngưỡng cho ta khả năng sống. Tất cả tính phi lý của tín ngưỡng vẫn ở lại với tôi như xưa, nhưng tôi đã không thể không thừa nhận rằng chỉ có nó mới đưa ra những giải đáp cho những câu hỏi của cuộc sống con người và từ đó cho con người khả năng sống.

Tri thức thuần lý đã dẫn tôi đến nhận thức rằng cuộc sống là vô nghĩa và cuộc sống của tôi đã ngừng lại và tôi muốn tiêu diệt mình. Ngoảnh nhìn mọi người, nhìn toàn thể nhân loại, tôi thấy mọi người đều sống và khẳng định rằng biết ý nghĩa của cuộc sống. Ở đâu có đời sống thì ở đó, từ khi có loài người, tín ngưỡng cho con người khả năng sống, còn những nét chính của tín ngưỡng thì mọi nơi và trong mọi thời đại đều thống nhất.

Cho dù một tín ngưỡng nào có đưa ra cho ai những giải đáp thế nào, mọi giải đáp của tín ngưỡng đều đem lại cho sinh tồn hữu hạn của con người một ý nghĩa vô hạn – cái ý nghĩa không bị tiêu hủy bởi những khổ đau, thiếu thốn và cái chết. Có nghĩa là – chỉ trong tín ngưỡng mới có thể tìm thấy ý nghĩa và khả năng cho sự sống. Và tôi hiểu ra rằng tín ngưỡng trong ý nghĩa cơ bản nhất của nó không chỉ là “sự hiển lộ của cái vô hình”, v.v… không chỉ là sự khải huyền (đó chỉ là sự mô tả một trong những dấu hiệu của tín ngưỡng), không chỉ là thái độ của con người đối với thần thánh (phải xác định tín ngưỡng trước đã, rồi mới đến thần thánh, chứ không phải thông qua thần thánh mà xác định tín ngưỡng), không chỉ là sự đồng ý với cái người khác nói, như là, một cách thông thường hơn cả, tín ngưỡng vẫn được hiểu, – tín ngưỡng là sự hiểu biết ý nghĩa của cuộc sống con người, mà do hiểu biết ấy con người không tiêu diệt mình, mà sống. Tín ngưỡng là sức mạnh của cuộc sống. Nếu con người sống, thì nó ắt tin vào một cái gì đấy. Nếu mà nó tuyệt không tin rằng cần phải sống vì một cái gì đó, thì nó sẽ không sống. Nếu nó không nhìn thấy và không hiểu tính hư ảo của cái hữu hạn, thì bởi vì nó tin vào cái hữu hạn ấy; còn nếu nó hiểu tính hư ảo của cái hữu hạn, thì nó phải tin vào cái vô hạn. Không có niềm tin không thể sống được.

Và tôi nhớ lại toàn bộ diễn trình của lao động nội tâm nơi tôi và phát hoảng. Bây giờ thì tôi đã rõ, rằng để con người có thể sống, nó cần phải hoặc không nhận thấy cái vô hạn, hoặc có một cách giải thích ý nghĩa cuộc sống mà trong đó cái hữu hạn được cân bằng hóa với cái vô hạn. Cách giải thích ấy vốn có nơi tôi, nhưng tôi đã không cần đến nó, chừng nào tôi còn tin vào cái hữu hạn, và giờ đây tôi bắt đầu kiểm tra lại nó bằng lý trí. Và trước ánh sáng của lý trí tất cả những giải thích trước đây đã tan biến hết. Nhưng đã đến lúc tôi không còn tin vào cái hữu hạn nữa. Và khi ấy tôi bắt đầu dựng xây trên những cơ sở thuần lý từ những gì tôi hiểu biết một giải thích mà sẽ phải mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; nhưng đã không dựng xây được gì. Cùng với những trí tuệ ưu tú của nhân loại tôi đã đi đến kết luận rằng 0 = 0 và đã rất ngạc nhiên là đã ra một đáp số như thế, trong khi ấy thì kỳ thực không thể ra một cái gì khác.

Tôi đã làm gì, khi tìm kiếm giải đáp trong những tri thức thực nghiệm? Tôi muốn được biết, tôi sống để làm gì và để biết được cái đó tôi đã nghiên cứu tất cả những gì ở bên ngoài tôi. Rõ ràng, tôi đã biết được nhiều điều, nhưng không có gì về những điều mà tôi cần biết.

Tôi đã làm gì, khi tìm giải đáp trong những tri thức triết học? Tôi nghiên cứu tư tưởng của những con người sống trong cùng một cảnh ngộ như tôi và, cũng như tôi, không có lời đáp cho câu hỏi: tôi sống để làm gì? Thật rõ là tôi đã không thể biết được một cái gì khác, ngoài cái tự tôi đã biết – tức là không thể biết một cái gì.

Tôi là gì? – Một phần của cái vô tận. Trong chỉ mấy chữ ấy ẩn chứa toàn bộ bài toán. Lẽ nào chỉ hôm qua nhân loại mới đặt ra câu hỏi ấy cho mình? Và lẽ nào trước tôi chưa ai đặt ra cho mình câu hỏi ấy – một câu hỏi giản đơn đến thế, tưởng chừng phải được phát ra từ miệng từng đứa trẻ thông minh?

Thực ra câu hỏi ấy đã được đặt ra từ khi có con người; và từ khi có con người đã được thấu hiểu rằng để giải đáp thỏa đáng câu hỏi ấy sự đặt dấu bằng giữa cái hữu hạn với cái vô hạn hoặc giữa cái vô hạn với cái hữu hạn đều là không đủ như nhau, và từ khi có con người đã được tìm ra và được diễn đạt những tương quan giữa cái hữu hạn và cái vô hạn.

Tất cả những khái niệm mà với chúng cái hữu hạn được làm cân bằng với cái vô hạn và có được ý nghĩa của cuộc sống, những khái niệm về Thượng Đế, về tự do, về cái thiện – tất cả đều được chúng ta đem ra phân tích logic. Và những khái niệm ấy đều không chịu được sự phê phán của lý trí.

Nếu không đáng sợ đến thế thì sẽ là nực cười cái chuyện là chúng ta, với niềm kiêu hãnh và tự mãn của trẻ thơ, cứ tháo mãi chiếc đồng hồ, lấy ra lò so, biến nó thành đồ chơi, sau đó lại ngạc nhiên rằng đồng hồ không chạy nữa.

Thật cần thiết và quý giá giải quyết mối mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và cái vô hạn và thật cần thiết và quý giá giải đáp câu hỏi của cuộc sống thế nào để cho con người có thể sống. Và giải pháp duy nhất ấy, mà chúng ta tìm thấy ở mọi nơi, trong mọi thời và ở tất cả các dân tộc – giải pháp vượt lên trên thời gian, mà trong đó cuộc sống của con người biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta, giải pháp khó tìm đến nỗi chúng ta không có thể nghĩ được ra một cái gì tương tự – đấy, chính giải pháp ấy chúng ta cứ nhẹ dạ phá tan để rồi lại đặt ra cũng vẫn câu hỏi ấy, nó nằm trong bản chất con người, và không tìm ra giải đáp.

Những khái niệm về Thượng Đế vô cùng vô tận, về tính thần thánh của linh hồn, về mối liên quan giữa những việc làm của con người với Thượng Đế, những khái niệm về cái thiện và cái ác đức lý vốn là những khái niệm được hun đúc nên trong không gian lịch sử xa xăm của đời sống nhân loại mà mắt ta không nhìn thấy được, là những khái niệm mà không có chúng thì sẽ không có cuộc sống và không có chính tôi, thế mà tôi lại gạt phăng đi tất cả công lao của cả loài người và rắp tâm một mình làm lại tất cả một cách mới và theo ý mình.

Hồi ấy tôi chưa nghĩ được như thế, nhưng mầm mống của những tư tưởng ấy thì đã có trong tôi. Tôi đã hiểu ra rằng 1) Tình thế của tôi cùng Schopenhauer và Salomon, bất chấp tất cả sự khôn ngoan của chúng tôi là rất éo le: chúng tôi biết cuộc sống là ác độc, nhưng vẫn sống. Rõ là một điều ngu xuẩn, bởi vì nếu cuộc sống là ngu xuẩn – mà tôi thì yêu đến thế mọi thứ hữu lý và hữu trí – thế thì phải tiêu diệt cuộc sống đi, và sẽ không ai phải phủ định nó nữa. 2) Tôi đã hiểu ra rằng tất cả những suy luận của chúng tôi chỉ xoay đi xoay lại trong vòng luẩn quẩn như là bánh xe không được nối với bánh răng cưa. Cho dù chúng tôi có suy luận tốt đến đâu và lâu đến đâu, chúng tôi vẫn không thể có được giải đáp cho câu hỏi, và sẽ mãi mãi là 0 = 0, và vì thế hình như chúng tôi đã lầm đường. 3) Tôi bắt đầu ngộ ra rằng trong những giải đáp mà tín ngưỡng đưa ra ẩn chứa trí anh minh lớn nhất của loài người và tôi không có quyền phủ nhận những giải đáp ấy trên cơ sở của lý trí và điều quan trọng hơn cả, chỉ những giải đáp ấy mới trả lời trúng câu hỏi của cuộc sống.

X

Tôi đã hiểu ra điều ấy, nhưng không vì thế mà thấy bớt được gánh nặng.

Bây giờ tôi đã sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ tín ngưỡng nào, miễn là nó không đòi hỏi tôi phải trực tiếp phủ định lý trí, bởi vì đó sẽ là điều phi nghĩa. Và tôi bước vào nghiên cứu cả đạo Phật, cả đạo Hồi theo kinh sách và nhiều nhất là đạo Kitô cả theo kinh sách lẫn bằng cách quan sát nhân quần xung quanh tôi.

Theo lẽ tự nhiên, tôi trước hết tìm đến với những người tin đạo trong giới của mình, những nhà thông thái, những nhà thần học chính giáo, những tu sĩ trưởng lão, những nhà thần học mới và thậm chí cả những người được gọi là những tín đồ Kitô giáo mới, tuyên tín sự cứu rỗi bằng niềm tin vào công cuộc cứu chuộc. Và tôi đã vồ lấy những người có tín ngưỡng ấy và lục vấn họ về việc họ tin như thế nào và nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống ở đâu.

Mặc dù tôi đã nhượng bộ đủ cách, đã né tránh mọi tranh luận, tôi vẫn không thể tiếp nhận tín ngưỡng của những người ấy – tôi nhận thấy rằng cái mà họ gọi là tín ngưỡng không làm sáng tỏ mà chỉ làm mờ tối đi ý nghĩa của cuộc sống, và rằng bản thân họ khẳng định tín ngưỡng của mình không phải để trả lời cái câu hỏi của cuộc sống đã dắt tôi đến với tôn giáo, mà vì những mục đích khác, xa lạ với tôi.

Tôi nhớ cảm giác bàng hoàng và đau đớn vì phải trở về với nỗi tuyệt vọng cũ sau những hy vọng mà tôi đã nhiều lần nếm trải trong giao tiếp với những người ấy. Họ càng trình bày nhiều hơn, cặn kẽ hơn cho tôi giáo thuyết của mình, thì tôi càng thấy rõ hơn sự lầm lạc của họ và càng mất đi hy vọng tìm thấy trong tôn giáo ấy sự giải thích ý nghĩa của cuộc sống.

Chẳng phải bởi vì khi họ trình bày giáo thuyết của mình họ đã pha trộn những chân lý Kitô giáo mà tôi vẫn luôn thấy gần gũi với nhiều điều không cần thiết và phi lý – chẳng phải cái đó đã khiến tôi tránh xa họ. Cái đã khiến tôi tránh xa, đó là cuộc sống của những người ấy, nó giống hệt như cuộc sống của tôi, chỉ với một khác biệt là nó không ăn khớp tí nào với những nguyên lý mà họ đã phô diễn trong giáo thuyết của họ. Tôi cảm thấy rõ họ đang lừa dối chính mình và ở họ cũng như ở tôi không có một ý nghĩa nào khác cho cuộc sống ngoài hãy sống chừng nào còn sống và hãy cầm lấy tất cả những gì mà cánh tay với tới. Tôi nhận ra điều ấy căn cứ vào việc là giả sử ở họ có cái ý nghĩa mà với nó mọi nỗi sợ khổ, sợ đau, sợ chết tiêu tan thì họ đã không sợ chúng đến thế. Nhưng họ, những người có tín ngưỡng thuộc giới của chúng tôi, cũng hệt như tôi luôn sống trong dư dật, luôn cố gắng gia tăng hoặc ít nhất giữ được mức dư dật ấy, họ cũng sợ khổ, sợ đau, sợ chết như tôi và tất cả chúng tôi, những người không tin đạo, họ cũng sống và nuông chiều những dục vọng của mình, cũng sống tồi tệ như nếu không tồi tệ hơn những người không tin đạo.

Không lập luận nào có thể thuyết phục tôi tin rằng niềm tin ở họ là chân thành. Chỉ những hành động cho thấy ở họ có cái lẽ sống mà với nó cái nghèo, cái đau ốm, cái chết đáng sợ đến thế với tôi lại không đáng sợ với họ – chỉ cái đó mới thuyết phục được tôi. Nhưng tôi không hề thấy những hành động như thế ở những người tin đạo khác nhau thuộc giới của chúng tôi. Những hành động như thế, ngược lại, tôi từng thấy ở một số người thiếu tín ngưỡng nhất trong giới chúng tôi, nhưng không bao giờ ở những người gọi là có đạo.

Và tôi ngộ ra rằng tín ngưỡng của những người ấy không phải là tín ngưỡng mà tôi kiếm tìm, nó không phải là tín ngưỡng, mà chỉ là một trong những niềm an ủi trong cuộc sống hưởng lạc của họ. Tôi hiểu ra rằng tín ngưỡng ấy có thể dùng không phải để an ủi, mà để giải sầu chút đỉnh cho một Salomon sám hối trong giờ phút lâm chung, nhưng nó không thể đắc dụng cho đại đa phần nhân loại mà sứ mệnh không phải là tiêu khiển, không phải là hưởng công sức của người khác, mà là sáng tạo cuộc sống. Để cho cả loài người có thể sống, để cho nó tiếp tục sống và tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống, ở họ, ở hàng tỉ người ấy phải có sự hiểu biết khác về tín ngưỡng. Bởi vì cái đã thuyết phục tôi về sự tồn tại của niềm tin không phải là việc tôi cùng Salomon và Schopenhauer đã không giết chết mình, mà là việc hàng tỉ người ấy đã sống và đang sống và đã nuôi dưỡng chúng tôi trên làn sóng của sự sống.

Và tôi bắt đầu tiếp cận gần hơn với những người tin đạo trong số những người nghèo, thường dân, không có học, với những người hành hương, những tu sĩ, những người theo các giáo phái ly khai, những người mugic. Giáo thuyết của những người thường dân ấy cũng là Kitô giáo, không khác gì giáo thuyết của những ngụy tín đồ trong giới của chúng tôi. Những chân lý Kitô giáo ở đây cũng bị pha tạp với rất nhiều điều mê tín dị đoan, nhưng nét khác nhau là những mê tín dị đoan của những người tin đạo thuộc giới chúng tôi hoàn toàn không cần gì cho họ, không ăn khớp tí nào với đời sống của họ và chỉ là một hình thức chơi vui hưởng lạc; còn những mê tín dị đoan của dân chúng cần lao thì gắn chặt với cuộc sống của họ đến nỗi không thể hình dung được cuộc sống ấy mà không có chúng – chúng là điều kiện thiết yếu của đời sống ấy. Toàn bộ đời sống của những người tin đạo thuộc giới chúng tôi mâu thuẫn với tín ngưỡng của họ, còn toàn bộ đời sống của những người tin đạo cần lao thì xác nhận cái ý nghĩa cuộc sống mà tín ngưỡng đem lại. Và tôi bắt đầu để mắt tới đời sống và tín ngưỡng của những người ấy, và càng để mắt, thì càng nhận ra rằng họ có tín ngưỡng đích thực, rằng tín ngưỡng của họ cần thiết cho họ và chỉ nó đem lại cho họ cả lẽ sống lẫn khả năng sống. Trái ngược với những gì mà tôi quan sát trong giới chúng tôi, nơi mà có thể có cuộc sống mà không có tín ngưỡng và trong một nghìn chưa chắc có một người thừa nhận mình tin đạo, trong giới của họ, giữa hàng ngàn chưa chắc tìm được một người không tin đạo. Trái ngược với những gì mà tôi thấy trong giới của mình, nơi mà cả cuộc đời trôi qua trong sự nhàn tản, chơi bời, và bất mãn với đời, tôi thấy cả cuộc đời của những người ấy diễn ra trong lao động nặng nhọc, song họ bất mãn với đời ít hơn nhiều so với những người giàu. Nếu những người thuộc giới chúng tôi nào chống đối, nào phẫn nộ trước số phận vì phải chịu thiếu thốn này, khổ đau kia, thì những người ấy tiếp nhận bệnh tật và khổ đau không một chút thắc mắc, chống đối, mà với một niềm tin bình thản và vững vàng tất cả cái đó phải là thế và không thể là khác được, rằng tất cả cái đó là thiện hảo. Nếu chúng ta càng thông minh hơn thì lại càng ít hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống và chúng ta nhìn thấy một trò nhạo báng độc ác nào đó ở cái thực tại là chúng ta phải đau khổ và phải chết, thì những người ấy sống, đau khổ và đến gần với cái chết với tâm thế bình thản và, điều hay thấy hơn cả, với niềm vui. Nếu cái chết trong tĩnh tâm, không sợ hãi và tuyệt vọng là ngoại lệ hiếm hoi vô cùng trong giới chúng ta, thì cái chết không tĩnh tâm, không quy phục và không mừng vui là ngoại lệ cũng hiếm hoi như thế trong nhân dân. Và những người như thế, những người không có tất cả những gì mà đối với chúng tôi, với Salomon là hạnh phúc duy nhất trong đời nhưng lại hưởng thụ một hạnh phúc lớn nhất – là hằng hà sa số. Tôi ngoảnh nhìn rộng hơn quanh mình. Tôi nhìn thật chăm chú vào cuộc sống của những khối người khổng lồ trong quá khứ và hiện tại. Và tôi đã nhìn thấy không phải hai, ba, mười, mà hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu những con người như thế – những con người hiểu biết ý nghĩa của cuộc sống, biết sống và biết chết. Và tất cả họ, khác nhau vô cùng về tính nết, trí năng, học thức, địa vị, đều như nhau và trái ngược hoàn toàn với sự vô tri nơi tôi nắm vững ý nghĩa của cuộc sống và cái chết, yên tâm lao động, chịu đựng những thiếu thốn và khổ đau, sống và chết và nhìn thấy ở đó không phải sự hư phù vô ích, mà cái thiện phúc.

Và tôi đã đem lòng yêu những con người ấy. Tôi càng đào sâu vào cuộc sống của những người đang sống cũng như những người đã sống như thế, mà về họ tôi được đọc và nghe, tôi càng yêu mến họ hơn thì càng thấy chính mình dễ sống hơn. Tôi sống như thế độ hai năm và với tôi đã xảy ra một bước ngoặt từ lâu đã được chuẩn bị trong tôi, mà những tố chất cho nó vẫn luôn có nơi tôi. Cái đã xảy ra với tôi – đó là cuộc sống của giới chúng tôi, của những người giàu có, thông thái, không chỉ trở nên đáng ghét đối với tôi, mà đã mất đi mọi ý nghĩa. Tất cả những việc làm của chúng tôi, những suy luận, khoa học, nghệ thuật – tất cả đều hiện ra trước tôi như những trò đùa bỡn. Tôi hiểu ra rằng không thể tìm ý nghĩa ở đấy. Còn những việc làm của dân chúng cần lao sáng tạo cuộc sống thì hiện ra trước tôi như một việc làm chân chính duy nhất. Và tôi đã nhận ra rằng ý nghĩa được mang vào cuộc sống ấy là chân lý và tôi đã tiếp nhận chân lý ấy.

XI

Và khi nhớ lại cũng những tín điều ấy đã khiến tôi tránh xa như thế nào và bị tôi coi là vô nghĩa thế nào, khi mà chúng được tuyên tín bởi những người sống trái ngược với chúng, rồi cũng những tín điều ấy đã thu hút tôi thế nào và được tôi xem là đầy nghĩa lý thế nào, khi tôi thấy người ta sống bằng chúng – thì tôi hiểu, vì sao trước kia tôi đã gạt bỏ những tín điều ấy và thấy chúng là vô nghĩa, còn bây giờ thì lại tiếp nhận và xem chúng là đầy ý nghĩa. Tôi hiểu rằng tôi đã lầm đường lạc lối và vì sao tôi lại lầm đường lạc lối. Tôi đã lầm lạc không hẳn vì tôi tư duy không đúng, mà nhiều phần hơn vì tôi sống dở. Tôi hiểu ra rằng không chỉ sự sai lạc của tư duy nơi tôi đã che khuất khỏi tôi cái chân, mà nhiều phần hơn là chính cuộc sống của tôi trong những điều kiện đặc biệt của sự hưởng lạc, của sự nuông chiều dục vọng mà tôi đã quen sống. Tôi hiểu ra rằng câu hỏi: cuộc sống của tôi là gì? và lời đáp: là điều ác – hoàn toàn đúng đắn. Cái không đúng là lời đáp chỉ liên quan đến tôi, tôi lại đem gán cho cuộc sống nói chung. Tôi tự hỏi: cuộc sống của tôi là gì? Và nhận được lời đáp: là cái ác và cái vô nghĩa. Và đúng thế, cuộc sống của tôi – cuộc sống của sự nuông chiều mọi dục vọng – là độc ác và vô nghĩa, vì thế câu trả lời “cuộc sống là độc ác và vô nghĩa” chỉ liên quan đến tôi, chứ không phải đến cuộc sống con người nói chung. Tôi ngộ ra cái chân lý mà sau này tôi đã tìm thấy trong kinh Phúc Âm, rằng người ta đã yêu thích bóng tối hơn ánh sáng bởi vì những việc làm của họ độc ác. Bởi lẽ bất kỳ ai làm những việc độc ác cũng đều căm ghét ánh sáng và không đến với ánh sáng để cho những việc làm của nó không bị phơi trần. Tôi nhận ra rằng để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trước hết cần phải làm sao cho cuộc sống không là vô nghĩa và độc ác, rồi sau đó mới cần đến trí khôn để hiểu nó. Tôi hiểu ra vì sao tôi lại đi vòng vèo lâu như thế bên cạnh một chân lý hiển nhiên đến thế, hiểu ra rằng nếu nghĩ và nói về cuộc sống của loài người thì phải nói và nghĩ về cuộc sống của loài người chứ không phải về cuộc sống của mấy kẻ ăn bám cuộc sống. Chân lý vẫn luôn luôn là chân lý, như 2 x 2 = 4, nhưng tôi đã không thừa nhận nó bởi vì khi đã thừa nhận 2 x 2 = 4 thì tôi sẽ phải thừa nhận rằng tôi không tốt. Nhưng cảm thấy mình là tốt đối với tôi xưa kia quan trọng hơn và cần thiết hơn 2 x 2 = 4. Giờ đây tôi đã đem lòng yêu mến những người tốt, đã thấy ghét chính mình, và tôi đã thừa nhận chân lý. Bây giờ tất cả đã trở nên sáng rõ đối với tôi.

Sẽ có cái gì, nếu mà một đao phủ, suốt đời chỉ biết tra tấn và chặt đầu người, hay một kẻ nát rượu ngày ngày bất tỉnh, hay một kẻ điên cố thủ một buồng tối, đã làm bẩn căn buồng ấy nhưng lại nghĩ rằng hắn sẽ chết nếu ra khỏi buồng – sẽ có cái gì, nếu mà họ tự hỏi: cuộc sống là gì? Hiển nhiên, họ sẽ không thể nhận được cho câu hỏi ấy một câu trả lời nào khác ngoài cuộc sống là cái ác lớn nhất, và một lời đáp như vậy của một anh điên sẽ là đúng hoàn toàn, nhưng chỉ cho anh ấy. Có thể, tôi cũng là một tên điên như thế? Có thể, tất cả chúng ta, những người giàu có, thông thái, cũng là những kẻ điên như thế?

Và tôi nhận ra rằng chúng tôi quả thật là những kẻ điên như thế! Tôi thì chắc chắn đã là một tên điên như thế. Và quả thật, con chim tồn tại được, vì nó phải bay, phải kiếm ăn, phải làm tổ, và khi tôi trông thấy con chim làm những việc ấy, tôi vui với niềm vui của nó. Con dê, con thỏ, con sói tồn tại được, vì chúng phải kiếm ăn, sinh sản, nuôi sống gia đình mình, và khi chúng làm những việc ấy, tôi có một ý thức vững chắc, rằng chúng hạnh phúc và cuộc sống của chúng có nghĩa. Thế thì con người phải làm gì? Nó cũng phải kiếm sống y như những loài vật khác, chỉ với một nét khác biệt, ấy là nó sẽ chết nếu kiếm sống một mình – nó phải kiếm sống không phải cho mình, mà cho mọi người. Và khi nó làm điều ấy, tôi có một ý thức vững chắc rằng nó hạnh phúc và cuộc sống của nó có nghĩa. Nhưng tôi thì đã làm gì trong suốt cuộc đời hữu thức ba mươi năm của mình? Tôi không những không kiếm sống cho mọi người, tôi đã không kiếm sống cả cho tôi. Tôi đã sống như kẻ ăn bám, và khi tự hỏi, tôi sống để làm gì, tôi nhận được lời đáp: chẳng để làm gì. Nếu ý nghĩa của cuộc sống con người là kiếm sống, thế thì làm sao tôi, một kẻ ba mươi năm chỉ làm cái việc là không kiếm sống, mà phương hại cuộc sống trong chính mình và trong những người khác, lại có thể nhận được một lời đáp khác cái lời nói rằng cuộc sống của tôi là vô nghĩa và độc ác. Và nó quả là vô nghĩa và độc ác.

Cuộc sống của thế giới diễn ra theo ý chí của một ai đó – một ai đó bằng cuộc sống ấy của cả thế giới và bằng những cuộc sống của chúng ta thực hiện một cơ đồ nào đó. Để có hy vọng hiểu được ý chí ấy, trước hết phải thi hành nó – phải làm cái mà “ai đó” muốn ta làm. Còn nếu tôi sẽ không làm cái mà “ai đó” muốn tôi làm thì tôi sẽ không bao giờ hiểu được cả cái mà “ai đó” muốn ở tôi và lại càng không hiểu nổi “ai đó” muốn cái gì ở tất cả chúng ta và ở toàn thể thế giới.

Nếu một người ăn mày thân trần và đói khát được nhận nuôi ở ngã tư đường, được đưa tới một chỗ có mái của một cơ sở sản xuất tuyệt vời, được cho ăn, cho uống no nê rồi người ta sai y đưa lên đưa xuống một cái cần, thì hiển nhiên là trước khi xét đoán, vì sao người ta nhận nuôi anh ta, vì sao lại phải đưa lên đưa xuống cái cần và cả cơ sở sản xuất này có được tổ chức hợp lý hay không, thì người ăn mày ấy trước hết cứ phải đưa lên đưa xuống cái cần đã. Nếu anh ta sẽ đưa lên đưa xuống cái cần, thì anh ta sẽ hiểu ra rằng cái cần ấy làm cho cái bơm hoạt động, cái bơm ấy bơm nước lên và nước chảy xuống tưới cho những hàng cây; thế rồi người ta sẽ dẫn anh ta từ cái giếng có mái ra chỗ khác để làm việc khác, anh ta sẽ thu hoạch trái cây và thấu hiểu niềm vui của chủ mình, và cứ thế, chuyển từ việc thấp hơn sang việc cao hơn, và càng ngày càng thông tỏ tổ chức của toàn bộ cơ sở sản xuất, anh ta sẽ không khi nào hỏi vì sao anh lại ở đây và chắc chắn sẽ không trách cứ chủ mình.

Cũng như thế, không khi nào trách cứ chủ mình tất cả những ai thực hiện ý chí của chủ, những người thường dân lam lũ, không có học mà chúng ta thường xem như loài vật; còn chúng ta đây, những hiền giả, ăn thì ăn mọi thứ của chủ, nhưng lại không làm cái gì mà chủ muốn chúng ta làm, thay vì làm việc chúng ta ngồi thành vòng và luận thuyết: “Đưa lên đưa xuống cái cần để làm gì? Thật ngu xuẩn!”. Đấy, chúng ta nghĩ đến tận điều ấy. Nghĩ đến tận điều là chủ của chúng ta ngu xuẩn hoặc không có ông chủ ấy, còn chúng ta thì thật thông minh, có điều ta cảm thấy rằng ta vô tích sự hoàn toàn và bằng một cách nào đó ta cần phải giải phóng mình khỏi chính mình.

XII

Nhận thức về tính sai lạc của tri thức thuần lý đã giúp tôi thoát khỏi lực cám dỗ của những trò lý sự nhàn tản. Xác tín nói rằng chỉ có thể nhận biết chân lý bằng cuộc sống đã khiến tôi hoài nghi tính đúng đắn của đời mình; nhưng điều độc nhất đã cứu tôi – ấy là tôi đã kịp thoát ra ngoài hoàn cảnh đặc biệt của mình và nhìn thấy đời sống thực thụ của dân chúng lao động chất phác và hiểu được rằng chỉ cái đó mới là cuộc sống chính thực. Tôi hiểu ra rằng nếu tôi muốn hiểu được cuộc sống và ý nghĩa của nó, thì tôi phải sống cuộc sống không phải của kẻ ăn bám, mà một cuộc sống chính thực và tiếp nhận cái nghĩa mà loài người chân chính đưa vào cuộc sống ấy và, hòa mình vào nó, kiểm nghiệm ý nghĩa ấy.

Trong thời gian này với tôi đã xảy ra một điều sau đây. Trong suốt năm ấy, khi mà hầu như phút nào cũng tự hỏi: có nên kết liễu hay không tất cả bằng một cái tròng hay một viên đạn – trong suốt thời gian ấy, song song với diễn trình của những suy nghĩ và quan sát mà tôi đã nói đến, tim tôi bị dày vò bởi một nỗi khắc khoải. Nỗi khắc khoải ấy tôi không thể gọi một cách nào khác ngoài sự tìm kiếm Thượng Đế.

Sự tìm kiếm Thượng Đế ấy không phải là suy luận mà là cảm giác, bởi vì nó không phát sinh từ diễn trình suy nghĩ nơi tôi – nó thậm chí đối nghịch trực tiếp với những suy nghĩ ấy – nhưng nó phát sinh từ trái tim. Đó là cảm giác khiếp đảm, đơn côi, cô liêu giữa mọi thứ xa lạ và kỳ vọng được ai đó cứu giúp.

Mặc dù tôi luôn đinh ninh rằng không thể chứng minh được sự tồn tại của Thượng Đế (Kant đã chứng minh cho tôi và tôi đã hoàn toàn hiểu ông, hiểu rằng cái đó không chứng minh được), tôi vẫn cứ tìm kiếm Thượng Đế và hy vọng sẽ tìm thấy Người và theo thói quen cũ vẫn nguyện cầu cái mà tôi kiếm tìm và chưa tìm ra. Lúc thì tôi rà soát lại trong óc những lập luận của Kant và Schopenhauer về việc không thể chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế, lúc thì tôi bắt đầu phản bác chúng. Nhân quả, tôi tự nhủ, không phải là một phạm trù tư duy giống như không gian và thời gian. Nếu tôi tồn tại, thì có nguyên nhân cho cái đó và có nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Và cái nguyên nhân của tất cả ấy chính là cái người ta gọi là Thượng Đế; và tôi dừng lại ở tư tưởng ấy và cố gắng bằng toàn bộ con người mình nhận thức sự có mặt của nguyên nhân ấy. Và chỉ cần nhận thức được rằng có cái sức mạnh có thẩm quyền đối với tôi, thì tôi tức khắc cảm thấy khả năng có được cuộc sống. Nhưng tôi tự hỏi: “Song cái nguyên nhân ấy, cái sức mạnh ấy là cái gì? Tôi phải nghĩ về nó thế nào, phải có thái độ ra sao với cái mà tôi gọi là Thượng Đế?”. Và chỉ những câu hỏi quen thuộc nhất lọt vào đầu tôi: “Ngài là đấng sáng tạo, là thiên cơ”. Những câu trả lời ấy không thỏa mãn tôi và tôi cảm thấy trong mình lại biến mất cái mình thấy là không thể thiếu cho cuộc sống. Tôi phát hoảng và bắt đầu cầu nguyện đấng mà tôi tìm kiếm, cầu xin ngài cứu giúp tôi. Nhưng tôi càng cầu nguyện thì càng cảm thấy hiển nhiên hơn rằng ngài không nghe thấy tôi và, hơn nữa, không có ai để nguyện cầu. Và với trái tim tuyệt vọng bởi lẽ không có và không có Thượng Đế, tôi lẩm bẩm: “Lạy Chúa, hãy rủ lòng thương, hãy cứu con! Lạy Chúa, Chúa của con, hãy dạy bảo con!”. Nhưng không ai rủ lòng thương tôi, và tôi cảm thấy cuộc sống của tôi dừng lại.

Và lại một lần nữa, thêm một lần nữa, từ khắp phía tôi đi đến cũng một nhận thức rõ ràng rằng tôi không thể sinh ra trên đời này mà không có nguyên cớ và ý nghĩa nào, rằng tôi không thể là con chim non rơi khỏi tổ như tôi cảm nhận mình. Nếu tôi, con chim non rơi khỏi tổ, cứ nằm ngửa trong cỏ cao và kêu ti tỉ thì chỉ vì tôi biết rằng mẹ tôi đã mang tôi trong bụng, đã ấp ủ tôi, sưởi ấm cho tôi, cho tôi ăn, yêu tôi. Mẹ tôi đâu? Nếu tôi bị bỏ mặc thì ai đã bỏ mặc tôi? Tôi không thể che giấu mãi khỏi chính mình, rằng một ai đó đã yêu thương sinh tôi ra đời. Thế thì một ai đó là ai? – Lại Thượng Đế.

“Ngài biết và nhìn thấy những tìm kiếm, nỗi tuyệt vọng, sự tranh đấu của tôi” – tôi tự nhủ. Và chỉ cần tôi thừa nhận điều đó trong phút giây, tức thì sự sống lại dâng lên trong tôi và tôi lại cảm thấy khả năng và niềm vui của sinh tồn. Nhưng từ sự thừa nhận có Thượng Đế tôi lại chuyển sang tìm kiếm quan hệ giữa mình với Thượng Đế và trước tôi lại hiện ra Thượng Đế của chúng ta, Thiên Chúa ba ngôi đã phái con mình xuống trần chuộc tội. Và một lần nữa Thiên Chúa cách biệt thế giới, cách biệt tôi ấy lại tan ra, tan ra như băng trước mắt tôi, và lại không còn cái gì, và nguồn sống lại khô kiệt, tôi lại sa vào tuyệt vọng và cảm thấy không còn cái gì khác để làm ngoài giết chết mình. Và tệ nhất là đồng thời tôi cảm thấy rằng ngay việc ấy tôi cũng không làm được.

Không phải hai, ba mà hàng chục, hàng trăm lần tôi đã lâm vào trạng thái ấy – lúc thì hân hoan và hứng khởi, lúc thì lại tuyệt vọng, lại nhận thấy không thể có cuộc sống.

Tôi nhớ một hôm vào đầu xuân, tôi ở trong rừng và lắng nghe những âm thanh của rừng. Tôi vừa lắng nghe vừa mải miết nghĩ về một điều, như tôi vẫn mải mê nghĩ đã ba năm nay. Tôi lại tìm kiếm Thượng Đế.

“Được rồi, không có Thượng Đế nào cả, – tôi tự nhủ – không có Thượng Đế nào mà lại không phải là hình dung của tôi, mà lại là thực tại, như toàn bộ cuộc sống của tôi; không có Thượng Đế nào như thế. Và không một cái gì, không phép mầu nào có thể chứng minh có một Thượng Đế như thế, bởi vì mọi phép mầu sẽ đều là hình dung của tôi, mà hình dung phi lý”.

“Nhưng còn khái niệm của tôi về Thượng Đế mà tôi đang kiếm tìm? – tôi tự hỏi. – Từ đâu có khái niệm ấy?”. Và cùng với ý nghĩ ấy những làn sóng hân hoan của sự sống lại trào dâng trong tôi. Tất cả xung quanh tôi đều trở nên linh hoạt, thâu thái được ý nghĩa. Nhưng niềm hân hoan của tôi tiếp tục không lâu. Trí não vẫn tiếp tục công việc của mình. “Khái niệm Thượng Đế không phải là Thượng Đế – tôi nói với mình. – Khái niệm là cái ở trong tôi, khái niệm về Thượng Đế là cái tôi có thể kích thích hoặc không kích thích trong mình. Đó không phải là cái tôi tìm. Tôi tìm cái mà không có nó sẽ không thể có cuộc sống”. Và một lần nữa tất cả lại chết đi xung quanh tôi và trong tôi, và một lần nữa tôi lại muốn giết chết mình.

Nhưng đến đây thì tôi ngoái cổ nhìn chính mình, nhìn những gì đang diễn ra trong tôi; và tôi nhớ lại hàng trăm lần, nhớ lại tất cả các lần chết đi sống lại như thế trong tôi. Tôi nhớ lại rằng tôi đã chỉ sống mỗi khi tin vào Thượng Đế. Và giờ đây, cũng như trước kia, tôi tự nhủ: chỉ cần tôi biết về Thượng Đế, tức thì tôi sống; chỉ cần tôi quên đi về Thượng Đế, tức thì tôi chết. Thế thì những cuộc sống lại và chết đi ấy là cái gì? Rõ ràng tôi không sống khi tôi mất niềm tin vào sự tồn tại của Thượng Đế, rõ ràng tôi đã tự sát từ lâu, nếu mà ở tôi không có một hy vọng dù mơ hồ tìm thấy Ngài. Rõ ràng tôi chỉ sống đích thực khi nào cảm thấy Ngài và tìm Ngài. Thế thì tôi còn tìm cái gì nữa? – một tiếng nói thét lên trong tôi. – Ngài đây rồi. Ngài là cái mà không có thì không thể sống được. Biết Thượng Đế và sống là một. Thượng Đế là sự sống”.

“Hãy sống, tìm kiếm Thượng Đế và sẽ không có cuộc sống mà không có Thượng Đế”. Và mạnh mẽ hơn bất cứ bao giờ, tất cả bừng sáng trong tôi và xung quanh tôi, và ánh sáng ấy đã không rời tôi.

Và tôi đã thoát khỏi tự sát. Bước ngoặt ấy đã diễn ra trong tôi bao giờ và như thế nào, tôi chưa thể nói. Giống như trước kia sức sống đã từ từ, một cách không thấy được, tiêu tan trong tôi, bây giờ sức sống ấy từ từ, một cách không thấy được trở lại với tôi. Và lạ thay, cái sức sống đã trở lại với tôi ấy không phải là một lực mới nào đó, mà là cái lực cũ nhất – chính nó đã hấp dẫn tôi vào những thời kỳ đầu tiên của đời tôi. Trong mọi thứ, tôi đã trở về với cái xa xưa nhất, với cái ấu thơ và hoa niên. Tôi trở về với niềm tin vào cái ý chí đã đưa tôi vào đời và mong muốn một cái gì đó ở tôi; tôi trở về với quan niệm rằng mục đích chính và duy nhất của đời tôi là trở nên tốt hơn, tức là sống phù hợp hơn với ý chí ấy; tôi trở về với nhận thức rằng tôi có thể tìm thấy biểu hiện của ý chí ấy trong cái mà, vượt tầm nhìn của tôi, cả loài người đã hun đúc nên làm kim chỉ nam cho mình, tức là tôi trở về với niềm tin vào Thượng Đế, tin vào sự hoàn thiện đạo đức và tin vào truyền thống lưu giữ ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ có một nét khác nhau, đó là hồi trước tất cả cái đó được tiếp nhận một cách vô thức, còn bây giờ thì tôi biết không có cái đó tôi không sống được.

Với tôi tuồng như đã diễn ra một điều như sau: tôi không nhớ lúc nào người ta đưa tôi xuống thuyền, đẩy khỏi bờ không quen biết, chỉ hướng sang bờ bên kia, đặt vào đôi tay thiếu kinh nghiệm của tôi hai mái chèo và để tôi ở lại một mình. Tôi chèo, như có thể chèo, và bơi đi; nhưng càng bơi đến gần giữa sông thì dòng chảy càng xiết hơn, đánh bạt tôi khỏi đích và tôi càng bắt gặp nhiều hơn những người cũng bơi như tôi và cũng bị dòng chảy cuốn đi. Có những tay chèo đơn độc vẫn tiếp tục chèo; có những người đã buông mái chèo; có những thuyền lớn, những con tầu khổng lồ đầy người; người thì vật lộn với dòng chảy, người thì phó thác mình cho nó. Và tôi càng bơi đi xa hơn, nhìn theo dòng tất cả những người bơi xuôi thì càng quên đi cái hướng đã được chỉ cho tôi. Đến chính giữa dòng chảy, trong cảnh thuyền tàu chật chội bị cuốn đi tôi đã mất hướng hoàn toàn và buông mái chèo. Từ khắp phía xung quanh tôi những người lái thuyền buồm và thuyền chèo nhộn nhịp, hoan hỉ trôi xuôi dòng, quả quyết với tôi và với nhau rằng không thể có hướng nào khác. Và tôi tin họ và bơi đi cùng với họ. Và dòng chảy đã cuốn tôi đi xa, xa đến nỗi bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng reo của đá ngầm mà tôi suýt nữa thì mắc phải và nhìn thấy những người đã mắc phải đá ngầm. Và tôi tỉnh ngộ. Khá lâu tôi không hiểu được cái gì đã xảy ra với tôi. Tôi nhìn thấy trước mặt mình chỉ một thần chết, mà tôi đang đến với nó và khiếp sợ nó, nhưng không trông thấy sự cứu thoát ở đâu và không biết phải làm gì. Nhưng ngoảnh cổ lại, tôi nhìn thấy vô số những con thuyền đang chèo không ngớt, cố sức khắc phục dòng chảy. Tôi nhớ đến bờ bên kia, đến mái chèo và hướng chèo và bắt đầu xoay thuyền lại, chèo ngược dòng sang bờ bên kia.

Bờ – đó là Thượng Đế, hướng – là truyền thống, còn mái chèo – đó là tự do, sự tự do chèo đến bến bờ và hội nhập với Thượng Đế. Như vậy, sức sống đã hồi tỉnh trong tôi và tôi lại bắt đầu sống.

XIII

Tôi đã từ bỏ lối sống của giới chúng tôi, đã thú nhận rằng đó không phải là cuộc sống mà chỉ là cái giông giống cuộc sống, rằng những điều kiện dư dật mà trong đó chúng tôi sống tước đi của chúng tôi khả năng hiểu biết cuộc sống, và rằng để hiểu được cuộc sống, tôi phải hiểu không phải cuộc sống của những ngoại lệ, của những kẻ ăn bám cuộc sống như chúng tôi, mà phải hiểu cuộc sống của nhân dân lao động chất phác, cái nhân dân làm ra cuộc sống, và ý nghĩa mà họ đưa vào cuộc sống ấy. Nhân dân lao động chất phác bao quanh tôi là nhân dân Nga, và tôi đã tìm đến với họ và với cái ý nghĩa mà họ đã đưa vào cuộc sống. Ý nghĩa ấy, nếu có thể diễn đạt nó, là như sau. Mọi người đều bước vào thế gian này theo ý chí của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã tạo ra con người như một sinh linh mà có thể sát hại linh hồn mình hoặc cứu sống nó. Nhiệm vụ của con người trong cuộc đời là cứu sống linh hồn mình; để cứu sống linh hồn mình, phải sống theo ý Chúa; để sống theo ý Chúa, cần phải chối từ mọi lạc thú của cuộc sống, phải lao động, phải quy phục, phải kiên nhẫn chịu đựng và phải nhân từ. Ý nghĩa ấy được nhân dân rút ra từ toàn bộ học thuyết, đã và đang được truyền thụ cho họ bởi các mục sư và bởi những truyền thống hằng sống trong nhân dân và được diễn đạt qua những truyền thuyết, tục ngữ, truyện kể. Ý nghĩa ấy rõ ràng với tôi và gần gũi với trái tim tôi. Nhưng gắn bó không rời với ý nghĩa của tín ngưỡng dân gian ấy, trong dân chúng không theo các giáo phái ly khai, mà tôi lại sống giữa dân chúng ấy, có nhiều cái tôi thấy xa lạ và không thể giải thích: nào những bí lễ, những thánh lễ ở nhà thờ, nào những tuần chay, nào sự sùng bái các thánh tích và tranh thờ. Tách bạch cái này khỏi cái kia thì nhân dân không có khả năng, mà tôi cũng không có khả năng. Cho nên, dẫu tôi có lấy làm lạ đến đâu nhiều thứ trong những gì hợp thành tôn giáo dân gian, tôi đã tiếp nhận tất cả, tôi đi lễ nhà thờ, sáng và chiều cầu nguyện, ăn chay, nhịn ăn, trong thời gian đầu lý trí của tôi không phản đối bất cứ cái gì. Cái mà trước đây tôi cho là bất khả, giờ đây không khơi dậy trong tôi sự chống đối.

Thái độ của tôi đối với tôn giáo trước kia và giờ đây khác nhau hoàn toàn. Trước kia tôi cho bản thân cuộc sống là đầy ý nghĩa, còn tôn giáo thì lại là sự khẳng định võ đoán những điều nào đó hoàn toàn không cần thiết cho tôi, vô lý và không liên quan đến đời sống. Trước kia tôi tự hỏi những điều ấy có ý nghĩa gì và sau khi nhận thấy chúng không có ý nghĩa nào cả, đã gạt phăng chúng. Bây giờ thì ngược lại, tôi biết chắc chắn rằng cuộc sống của tôi không có và không thể có một ý nghĩa nào cả, còn những tín điều thì tôi không chỉ không thấy là vô lý, mà bằng toàn bộ kinh nghiệm không thể hồ nghi tôi đã được dẫn tới niềm tin sắt đá rằng chỉ những tín điều ấy mới đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Trước kia tôi xem chúng như thể một thứ văn tự mọi rợ nào đó hoàn toàn không cần thiết, bây giờ nếu không hiểu được thì tôi vẫn ý thức được rằng chúng có ý nghĩa và tự nhủ phải học để thông hiểu ý nghĩa ấy.

Tôi làm một suy luận thế này. Tôi tự nhủ: sự thông hiểu tín ngưỡng bắt nguồn từ một khởi nguyên bí ẩn, cũng như toàn thể loài người cùng với trí tuệ của nó khởi nguyên ấy là Thượng Đế, Thượng Đế là khởi nguyên của cả thân thể lẫn trí tuệ của con người. Giống như thân thể của tôi đã được thừa kế từ Thượng Đế và lưu truyền đến tôi, trí tuệ của tôi và sự nhận thức cuộc sống nơi tôi cũng được lưu truyền đến tôi như thế, và vì thế tất cả những bậc phát triển của sự nhận thức cuộc sống ấy không thể là sai lầm. Tất cả những gì được loài người chân thành tin tưởng, đều là chân lý; nó có thể được diễn đạt khác nhau, nhưng nó không thể sai, và nếu tôi thấy nó là sai, thì cái đó chỉ có nghĩa là tôi không hiểu nó. Ngoài ra, tôi còn nói với mình, bản chất của mọi tín ngưỡng là nó mang đến cho cuộc sống một ý nghĩa mà cái chết không tiêu diệt được. Tất nhiên, để cho tín ngưỡng có thể giải đáp câu hỏi của một ông vua đang lìa đời trong cảnh xa hoa,của một người nô lệ già kiệt sức vì lao khổ, của một đứa trẻ chưa biết suy nghĩ, của một phụ lão hiền minh, của một bà già nửa điên nửa dại, của một phụ nữ trẻ hạnh phúc, của một thanh niên đang bị những đam mê lôi cuốn, của tất cả mọi người với tất cả những điều kiện sống và học hành đa dạng nhất – tất nhiên nếu đối với một câu hỏi vĩnh cửu của cuộc sống: “tôi sống để làm gì, cái gì sẽ có từ cuộc sống của tôi?” – có câu trả lời, thì câu trả lời ấy, mặc dù thống nhất về thực chất, phải đa dạng vô cùng trong những biểu hiện của mình; và câu trả lời ấy càng thống nhất, càng chính thực, càng sâu sắc thì đương nhiên nó lại càng có vẻ kỳ lạ và quái gở do được cố diễn đạt cho thích hợp với vị trí và học vấn của từng người. Có điều những suy luận như thế, biện minh cho tôi tính kỳ dị của phương diện nghi lễ của tôn giáo, dẫu sao vẫn không đủ để có thể cho phép mình, trong việc quan trọng nhất của đời mình, làm theo những gì mà tôi còn hồ nghi. Bằng tất cả tâm lực, tôi ao ước hòa mình với nhân dân, tham gia đầy đủ phương diện nghi lễ của tôn giáo của họ, nhưng tôi đã không thể làm được điều đó. Tôi cảm thấy tôi sẽ dối lòng, sẽ nhạo báng cái thiêng liêng đối với tôi, nếu tôi làm điều đó. Nhưng một nguồn cứu giúp đã đến với tôi – đó là những tác phẩm thần học mới của chúng ta, của người Nga.

Theo giải thích của các nhà thần học ấy thì tín điều chính của tôn giáo là tính không thể sai lầm của giáo hội. Từ sự thừa nhận tín điều ấy phát sinh hệ quả tất yếu – tính chân lý của tất cả những gì giáo hội tuyên tín. Giáo hội như là một hợp quần của những tín đồ, được liên kết bởi tình yêu và vì vậy nắm vững tri thức chân chính, trở thành cơ sở của niềm tin nơi tôi. Tôi tự nhủ rằng chân lý của Chúa là bất khả tri đối với một người, nó chỉ mở ra cho toàn bộ hợp quần của những linh hồn được liên kết bởi tình yêu. Để thấu thị chân lý, không được chia rẽ; để không chia rẽ, phải yêu thương và giàn hòa với cái mình không tán thành. Chân lý mở ra cho tình yêu, vì thế nếu ngươi không tuân phục các nghi lễ của giáo hội, ngươi sẽ phương hại tình yêu; mà phương hại tình yêu, ngươi sẽ mất đi khả năng nhận thức chân lý. Khi ấy, tôi còn chưa nhận ra một ngụy biện nằm trong lập luận này. Tôi còn chưa thấy rằng sự hòa hợp trong tình yêu có thể mang lại một tình yêu lớn nhất, chứ tuyệt không phải một chân lý thần học như nó được diễn đạt bằng những lời xác định trong định thức Nicée; chưa thấy rằng tình yêu không thể nào biến một cách diễn đạt cụ thể của chân lý thành cái bắt buộc để có được sự hòa hợp. Tôi chưa nhận ra cái sai trong lập luận ấy và do đó đã có thể tiếp nhận và thực hành tất cả các nghi lễ của đạo chính thống mà phần lớn tôi không hiểu. Bằng toàn bộ tâm lực tôi cố gắng tránh mọi suy luận, mọi mâu thuẫn, cố gắng cắt nghĩa cho thật hợp lý, trong khả năng của mình, những tín điều của giáo hội mà tôi va chạm.

Thực hành những nghi lễ của nhà thờ, tôi giáng hạ lý trí của mình, đặt mình xuống dưới sự chỉ huy của yếu tố truyền thống trong đời sống nhân loại. Tôi hội nhập với tổ tiên và những người quá cố mến yêu – với cha, mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại. Tất cả họ với các tiền bối đều tin đạo, đều đã sống và đã sản sinh ra tôi. Tôi hội nhập với hàng triệu người trong nhân dân mà tôi kính trọng. Vả lại, bản thân những nghi lễ ấy không mang trong mình một cái gì xấu (tôi xem là xấu sự nuông chiều sở thích). Mỗi khi dậy sớm để đi lễ nhà thờ, tôi biết rằng tôi làm điều tốt chỉ bởi vì chịu hy sinh sự yên tĩnh của thân thể mình để chế ngự niềm kiêu ngạo của trí tuệ, để nhích lại gần với tổ tiên và với những người cùng thời, để kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống. Cũng thế những khi tôi nhịn ăn, ngày ngày đọc kinh cầu nguyện và vái lạy, tuân thủ tất cả các tuần chay trong năm. Dù những hy sinh ấy có nhỏ nhoi đến đâu, đó vẫn là những hy sinh cho cái thiện hảo. Tôi nhịn ăn, ăn chay, thực hiện đúng lúc những lễ cầu nguyện tại nhà và trong nhà thờ. Những khi nghe đọc kinh ở nhà thờ tôi cố đào sâu vào từng lời kinh để tìm ra ý nghĩa của chúng, nếu có khả năng. Trong lễ mixa những lời quan trọng nhất với tôi là: “hãy yêu thương nhau và tâm đầu ý hợp…”. Còn những lời tiếp theo: “chúng tôi tuyên tín Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” thì tôi bỏ qua, vì không hiểu được.

XIV

Thời ấy tôi cần phải tin để sống đến nỗi tôi đã vô thức che giấu khỏi mình những mâu thuẫn và những điểm mập mờ trong giáo thuyết. Song sự cố giải minh cho các nghi lễ ấy đã có giới hạn. Nếu lễ thỉnh cầu (ektenia) ngày càng trở nên rõ ràng hơn với tôi trong những lời cầu chính, nếu tôi một cách nào đó đã có thể cắt nghĩa cho mình những câu như: “tưởng nhớ thánh mẫu, nữ hoàng chí thánh của chúng con cùng tất cả các vị thánh, chúng con nguyện giao mình, mỗi người và tất cả, cùng toàn bộ sinh mạng của chúng con cho Đức Kitô – Thiên Chúa”, – nếu để giải thích việc người ta hay cầu nguyện đi cầu nguyện lại cho Nga hoàng và hoàng gia, suy ra rằng những nhân vật ấy bị cám dỗ nhiều hơn những người khác và vì thế đặc biệt cần đến những lời cầu nguyện cho mình, thì những lời cầu Chúa giúp chúng con quật ngã xuống dưới chân mình mọi kẻ thù và mọi địch thủ (tôi chỉ có thể hiểu rằng kẻ thù và địch thủ ở đây là những thế lực ác) – những lời cầu kinh ấy và những lời khác, như thể lời cầu của các thiên thần thượng đẳng và toàn bộ bí lễ chuẩn bị thánh thể (proskomidia), hoặc bài cầu “vị tướng soái đặc tuyển” v.v…; gần hai phần ba các lễ thức hoặc không thể giải thích, hoặc tôi cảm thấy rằng nếu cứ cố giải thích thì tôi sẽ nói dối và sẽ xóa đi hoàn toàn quan hệ giữa mình với Thượng Đế, sẽ đánh mất mọi khả năng có niềm tin.

Tôi cũng có cảm giác ấy khi tham gia những ngày lễ chính. Nhớ ngày thứ bảy (sabbat), tức là dành một ngày trong tuần để cầu nguyện Chúa – cái đó tôi hiểu được. Nhưng ngày lễ chính là tưởng nhớ về sự kiện phục sinh, mà tính hữu thực của nó tôi không hình dung nổi và không hiểu nổi. Và cái tên “phục sinh” ấy lại được đem để gọi ngày nghỉ hàng tuần. Và trong những ngày ấy được cử hành bí lễ ban thánh thể mà tôi hoàn toàn không thể hiểu. Tất cả mười hai ngày lễ còn lại, ngoài lễ giáng sinh, là những tưởng niệm về những phép lạ, về cái mà tôi cố gắng không nghĩ đến để khỏi phủ định: lễ thăng thiên, lễ hạ trần, lễ thần hiện, lễ phù trợ, v.v… Tham gia những ngày lễ ấy và cảm thấy rằng tầm quan trọng ở đây được gán định cho cái mà theo tôi là ít quan trọng nhất, tôi hoặc cố nghĩ ra cách giải thích trấn an bản thân, hoặc nhắm mắt làm lơ để không trông thấy cái cám dỗ tôi.

Cảm giác này trỗi dậy trong tôi mãnh liệt hơn cả khi tôi tham dự những bí lễ thông thường nhất, được xem là quan trọng nhất: lễ rửa tội và lễ ban thánh thể. Ở đây tôi phải va chạm với những nghi thức không phải khó hiểu, mà hoàn toàn dễ hiểu, nhưng những nghi thức ấy lại là cái cám dỗ tôi và tôi lâm vào tình huống khó xử: hoặc nói dối, hoặc gạt bỏ.

Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác khổ sở mà tôi đã phải trải nghiệm trong cái ngày, khi mà sau bao nhiêu năm tôi thụ lễ ban thánh thể. Cử hành khóa lễ, xưng tội, đọc những phép tắc – tất cả đều hiểu được đối với tôi và đều gợi lên trong tôi nhận thức mừng vui về ý nghĩa cuộc sống đang mở ra cho tôi. Bản thân lễ ban thánh thể được tôi cắt nghĩa cho mình như là một nghi thức được cử hành để tưởng niệm đức Kitô và biểu thị sự rửa sạch tội lỗi và tiếp thụ trọn vẹn những lời dạy của Người. Nếu sự giải thích này là giả tạo, thì tôi không nhận thấy sự giả tạo ấy. Tôi cảm thấy niềm sung sướng trong việc tự hạ thấp mình, trong việc quy phục cha nghe xưng tội, một linh mục chất phác và rụt rè, trong việc phơi trần mọi sự xấu xa nhơ bẩn trong tâm hồn mình, sám hối về những tội lỗi của mình; tôi thấy sung sướng được hội nhập với tâm tưởng và chí nguyện của các đức cha đã soạn ra kinh phép tắc, sung sướng được hòa mình với tất cả các tín hữu đã sống và đang sống đến nỗi tôi không cảm thấy sự giả tạo trong cách giải thích của tôi. Nhưng khi tôi bước đến gần cửa điện thờ và vị linh mục bắt tôi nói lại rằng tôi tin cái mà tôi sắp nuốt đích thực là thịt và máu (của Chúa – N.D) thì một cái gì đó đã chọc vào trái tim tôi; bảo đây là một nốt nhạc lạc điệu thì còn ít, đây là một yêu sách tàn nhẫn của một ai đó chưa bao giờ biết niềm tin là cái gì.

Nhưng bây giờ tôi mới dám nói đó là một yêu sách tàn nhẫn, chứ lúc ấy thì tôi không dám nghĩ như thế, tôi chỉ thấy đau lòng khôn tả. Tình thế của tôi đã không còn như trong thời trẻ, khi tôi nghĩ rằng mọi thứ trong cuộc đời đều rõ ràng; tôi đã đến với tín ngưỡng bởi vì ngoại trừ tín ngưỡng đã không thể tìm ra cái gì, ngoài sự tuyệt diệt, cho nên không thể vứt bỏ tín ngưỡng ấy, và tôi đã khuất phục. Tôi đã tìm ra trong lòng mình một cảm xúc giúp tôi chịu đựng sự khuất phục này. Đó là cảm xúc về sự tự hạ mình và sự quy phục. Tôi đã quy phục, đã nuốt chửng ngụm máu ấy và miếng thịt ấy mà không có cảm giác phạm thánh, với ước vọng tin tưởng, nhưng cú đánh đã được thực hành. Và biết trước cái gì chờ đợi tôi, lần sau tôi đã không thể đi nữa.

Tôi vẫn tiếp tục thực hành như trước tất cả các nghi lễ của nhà thờ và vẫn còn tin rằng có chân lý trong cái giáo thuyết mà tôi tuân thủ, song với tôi đã diễn ra cái mà bây giờ thì tôi hiểu, nhưng hồi ấy thì cho là kỳ lạ.

Khi tôi nghe một người mugic hành hương không biết chữ nói về Thiên Chúa, về đức tin, về sự sống, sự cứu rỗi – thì sự thông hiểu tôn giáo mở ra cho tôi. Tôi gần gũi những người bình dân, nghe những lời phán xét của họ về cuộc sống, về tín ngưỡng – và càng hiểu hơn chân lý. Cũng cái đó tôi cảm nhận được khi đọc những Chetji-Mineja và Prolog – chúng đã trở thành những sách yêu thích của tôi. Loại trừ những phép mầu, xem chúng như là cốt truyện thể hiện tư tưởng, những sách ấy mở ra cho tôi ý nghĩa của cuộc sống. Trong đó có truyện về Macarius Đại Thánh, truyện về hoàng tử Iosaaf (Đức Phật), có những châm ngôn của Ioann – Người-nhả-ngọc-phun-châu, có truyện về lữ khách trong giếng, về một tu sĩ tìm thấy vàng, về Petrus – người thu thuế, có sự tích các vị tử vì đạo, tất cả đều khẳng định rằng cái chết không loại trừ sự sống; có truyện về những người thất học, ngu ngốc, không biết gì về những học thuyết của giáo hội nhưng lại được cứu rỗi.

Nhưng chỉ cần tôi tiếp xúc với những tín hữu thông thái hoặc cầm lấy những sách họ viết, thì một mối tự nghi hoặc nào đó, một sự không bằng lòng, một ý muốn tranh cãi kịch liệt lại nổi lên trong tôi và tôi cảm thấy càng để tâm đến những gì họ nói thì càng rời xa chân lý và đến với vực thẳm.

XV

Bao lần tôi đã phải ganh tị với những người mugic vì sự dốt nát và sự thiếu học của họ. Từ những tín điều mà tôi thấy rõ ràng là vô nghĩa, với họ lại không nảy sinh một cái gì sai lạc; họ có thể chấp nhận chúng và có thể tin vào chân lý, vào cái chân lý mà cả tôi cũng tin. Chỉ có điều tôi, một kẻ bất hạnh, nhìn thấy rõ rằng chân lý bằng những sợi chỉ vi tế nhất được đan bện với giả dối và tôi không thể tiếp nhận nó ở dạng thức như thế.

Tôi đã sống như thế khoảng ba năm và trong thời kỳ đầu, khi với tư cách kẻ tân tòng tôi mới chỉ từng bước một tiếp cận với chân lý và theo linh tính lần mò đến chỗ nào tôi thấy sáng sủa hơn, thì những đụng độ ấy ít làm tôi tổn thương hơn. Khi tôi không hiểu được một cái gì đó, tôi tự nhủ: “Tôi có lỗi, tôi xấu xa”. Nhưng tôi càng thấm nhuần những chân lý mà tôi học hỏi và chúng càng trở thành nền móng cho cuộc sống của tôi thì những đụng độ ấy càng trở nên nặng nề hơn, khắc sâu vào tâm khảm hơn, và càng trở nên sắc nét hơn cái ranh giới hiện ra giữa những gì mà tôi không hiểu vì không thể hiểu và những gì mà tôi không thể hiểu một cách nào khác, ngoài lừa dối chính mình.

Bất chấp những hoài nghi và đau khổ ấy, tôi vẫn còn tuân thủ đạo chính thống. Nhưng rồi xuất hiện những vấn đề của đời sống cần được giải quyết, và đến đây thì cách giải quyết những vấn đề ấy nơi giáo hội – cách giải quyết trái ngược với ngay những cơ sở của cái tôn giáo đã mang lại cuộc sống cho tôi – đã buộc tôi phải chối bỏ hoàn toàn khả năng giao tiếp với chính thống giáo. Những vấn đề ấy là, thứ nhất, thái độ của giáo hội chính thống đối với những giáo hội khác – công giáo và cái gọi là những phái ly khai. Thời ấy, do mối quan tâm tới tôn giáo, tôi nhích lại gần với các tín đồ của những giáo phái khác nhau (trong đạo Kitô – N.D): người công giáo, người tin lành, người theo nghi lễ cổ (staroobriadsty), người theo đạo sữa tinh thần (molokan), v.v… Và giữa họ tôi bắt gặp nhiều người có đạo đức cao và đức tin chân chính. Tôi muốn được làm anh em của những người ấy. Nhưng cái gì đã diễn ra? Cái giáo hội đã hứa với tôi liên kết tất cả bằng một tín ngưỡng thống nhất, chính giáo hội ấy thông qua những đại diện ưu tú của mình lại phủ dụ tôi rằng tất cả những người nói trên chỉ là những kẻ lầm đường lạc lối, rằng cái mang sức sống đến cho họ chỉ là cám dỗ của quỷ dữ, và chỉ một mình chúng ta sở hữu chân lý duy nhất có thể có. Và tôi nhận ra rằng những người chính giáo coi tất cả những ai không cùng một tín ngưỡng với họ là những kẻ dị giáo, hệt như công giáo và những giáo phái khác coi chính giáo là dị giáo; tôi nhận ra rằng đối với tất cả những ai không tuyên tín bằng những biểu hiện và lời nói bên ngoài cũng một tín ngưỡng như chính giáo thì chính giáo, mặc dù cố che giấu, luôn luôn giữ thái độ thù địch, và điều này thực ra là hợp lẽ, bởi vì thứ nhất, sự khẳng định rằng anh sống trong lầm lạc còn tôi trong chân lý là lời tàn nhẫn nhất mà một người có thể nói với người khác và, thứ hai, một người thương yêu con cái và anh chị em của mình không thể không có thái độ thù địch với những ai dụ dỗ con cái, anh chị em của y đi theo một tín ngưỡng khác sai trái. Và sự thù địch gia tăng theo mức độ hiểu biết giáo thuyết. Và tôi, một kẻ xưa nay quan niệm rằng chân lý ở sự thống nhất bằng tình yêu, vô tình, y như bị choáng váng bởi cái đập vào mắt, nhận ra rằng chính giáo thuyết ấy phá hủy cái mà nó phải kiến tạo.

Sự cám dỗ ấy là hiển nhiên, đặc biệt với chúng ta, những người có học và từng sống ở nhiều nước có nhiều tôn giáo và từng chứng kiến thái độ phủ định khinh thị, tự tin quá thái, cố chấp của người công giáo đối với người chính giáo và người tin lành, của người chính giáo đối với người công giáo và người tin lành và của người tin lành đối với cả hai người kia, và cũng thái độ như thế ở người theo nghi lễ cổ, người thuộc phái Pashkov, phái Sheker và tất cả các giáo phái khác, đến nỗi ban đầu ngay tính hiển nhiên ấy làm bạn ngỡ ngàng. Bạn tự nhủ: sự việc không thể giản đơn đến thế, chẳng lẽ mọi người lại không thấy rằng nếu hai điều khẳng định phủ định lẫn nhau, thì không ở bên này và cũng không ở bên kia có chân lý thống hợp, mà chân lý tôn giáo phải là như thế. Ở đây ắt phải có một cái gì đó. Có một cách giải thích nào đó – và tôi nghĩ là có và cố tìm ra cách giải thích ấy, và đọc tất cả những gì có thể đọc về vấn đề này, tham kiến tất cả những ai có thể tham kiến. Song đã không nhận được một giải thích nào, trừ cái giải thích quen thuộc theo lối những kỵ binh người tỉnh Sumy coi trung đoàn kỵ binh Sumy là trung đoàn số một trên đời, còn những người uhlan vàng thì lại cho trung đoàn uhlan vàng là số một. Các bậc tăng sĩ của mọi giáo phái khác nhau, những đại diện ưu tú nhất trong số họ, đã chẳng nói được gì cho tôi, ngoài chuyện họ tin rằng họ ở trong chân lý, còn những người kia thì trong lầm lạc, và tất cả những gì mà họ có thể làm là cầu nguyện cho những người ấy. Tôi đã viếng thăm các vị chủ trì những tu viện lớn, các giáo chủ, các cha trưởng lão, các tu sĩ ở ẩn và gạn hỏi, nhưng không một ai cố gắng hóa giải cho tôi điều cám dỗ ấy. Chỉ một người trong họ đã giải thích cho tôi tất cả, có điều sau đó tôi không còn muốn hỏi han một ai nữa.

Tôi nói với người ấy rằng đối với bất kỳ ai chưa tin đạo nhưng đang hướng về đạo (mà cần phải làm sao cho toàn bộ thế hệ trẻ hướng về đạo) câu hỏi này xuất hiện trước hết: vì sao chân lý không ở đạo của Lüther, không ở đạo công giáo mà ở đạo chính thống? Y được dạy ở trường trung học và y không thể không biết, như một anh mugic có thể không biết, rằng người tin lành, người công giáo cũng khẳng định hệt như thế tính chân lý của giáo phái mình. Những chứng cứ lịch sử, bị mỗi giáo phái uốn nắn về phía mình, đều không xác thực. Có được phép hay không – tôi hỏi – nhận thức giáo thuyết từ tầm cao hơn, để từ tầm cao ấy của giáo thuyết tiêu tan đi mọi dị biệt, như chúng tiêu tan trước người có tín ngưỡng chân chính? Có thể đi xa hơn hay không trên con đường chúng ta đang đi cùng những người theo nghi lễ cổ? Họ trước đây khẳng định rằng phép làm dấu thánh giá, cung cách tụng ca và đi quanh bàn thờ của chúng ta khác của họ. Chúng ta nói: các bạn tin vào định thức Nicée, vào bảy bí lễ, chúng tôi cũng tin. Thế thì hãy cùng nhau dương cao cái chung ấy, còn trong phần còn lại thì các bạn cứ làm cái gì các bạn muốn. Chúng ta đã hòa hợp với họ bằng cách đặt cái cơ bản trong tín ngưỡng lên trên cái không cơ bản. Thế thì bây giờ có thể nói hay không với những người công giáo: các bạn cũng tin vào điều này và điều này, tin vào cái chính yếu, còn trong quan hệ với filioque và với giáo hoàng thì hãy xử sự như các bạn muốn. Có thể nói cũng như thế với những người tin lành, hòa hợp với họ ở cái chính yếu? Người đàm đạo với tôi tán thành tư tưởng của tôi, nhưng lại nói với tôi rằng những nhượng bộ như thế sẽ làm cho nhà chức trách chính giáo bị chỉ trích vì đã thoái nhượng tín ngưỡng của tổ tiên, mà sứ mệnh của họ là gìn giữ toàn bộ sự trong sáng của cái tín ngưỡng chính thống Hy Lạp – Nga được tổ tiên chuyển giao.

Và tôi đã hiểu tất cả. Tôi tìm niềm tin, tìm sức sống, còn họ thì tìm phương tiện thích hợp nhất để thực hiện trước công chúng một số nhiệm vụ xác định do con người đặt ra. Và thực hiện những công việc nhân định ấy, họ hành xử như những con người. Cho dù họ có nói bao nhiêu về niềm thương tiếc những người anh em lầm lạc, về những lời nguyện cầu cho những người anh em ấy được dâng lên bên bàn thờ Đấng Tối Cao – để thực hiện những công việc nhân định cần sử dụng bạo lực, và nó đã luôn luôn được, đang được và sẽ được sử dụng. Nếu hai giáo phái cho là chỉ mình ở trong chân lý, còn phái khác thì ở trong lầm lạc, thì để lôi kéo những người anh em tới chân lý, cả hai sẽ rao giảng giáo thuyết của mình. Và nếu giáo thuyết sai trái được rao giảng cho những con chiên chưa có kinh nghiệm của giáo hội ở trong chân lý, thì giáo hội ấy không thể không đốt sách, không thể không phát vãng người cám dỗ những con chiên của nó. Thế thì cần phải xử lý thế nào với một kẻ kéo bè kéo phái, cuồng say một tín ngưỡng sai trái (theo quan niệm chính thống), một kẻ mà trong công việc quan trọng nhất đời, trong tín ngưỡng, đang cám dỗ những con chiên của giáo hội? Có thể xử sự với nó thế nào nữa, nếu không chặt đầu hay tống giam nó? Dưới triều vua Alexei Mikhailovich người ta đã thiêu người trên dàn lửa, tức là áp dụng mức trừng phạt cao nhất thời ấy; thời nay người ta cũng áp dụng mức cao nhất – biệt giam. Và tôi đã không thể không lưu ý tới những gì được làm nhân danh tín ngưỡng, và không thể không kinh hãi. Thái độ hệ trọng thứ hai của giáo hội đối với những vấn đề của đời sống là thái độ đối với chiến tranh và các hình phạt.

Đúng vào thời ấy chiến tranh nổ ra ở Nga. Và những người Nga bắt đầu nhân danh tình yêu Kitô giáo sát hại những người anh em của mình. Không suy nghĩ về điều đó là không được. Không thấy rằng sự giết người là cái ác đi ngược lại ngay những cơ sở nguyên khởi của mọi tôn giáo cũng không được. Nhưng trong khi ấy thì trong các thánh đường, người ta cầu nguyện cho chiến thắng của vũ khí Nga và những sư phụ của tín ngưỡng xem sự giết người ấy là công việc bắt nguồn từ chính tín ngưỡng. Và không chỉ những cuộc giết người ấy trên chiến trường, mà cả sau này, khi những cuộc hỗn loạn xảy ra sau chiến tranh, tôi đã thấy nhiều thành viên và sư phụ của giáo hội, nhiều tu sĩ, trong đó có cả những người tu hành khổ hạnh, tán thành việc hành quyết những thanh niên lầm lạc và bất lực. Và tôi đã không thể không để tâm tới những gì được làm bởi những người tuyên tín đạo Kitô, và không thể không kinh hãi.

XVI

Và tôi không còn nghi hoặc nữa, mà đã đi tới một nhận thức rắn chắc, nó nói rằng trong cái tri thức về tôn giáo mà tôi đã dự phần, không phải tất cả là chân lý. Ngày xưa tôi nói: toàn bộ những gì tôn giáo dạy là không đúng, nhưng bây giờ đã không thể nói như thế. Toàn thể nhân dân rõ ràng hiểu biết chân lý, điều này không thể hồ nghi bởi vì trong trường hợp ngược lại thì họ đã không sống. Ngoài ra, chân lý ấy cũng đã là khả tri với tôi, tôi đã sống bằng nó và cảm nhận toàn bộ tính chính thực của nó; nhưng trong nhận thức về chân lý ấy có cả những sai lầm. Cả về điều này tôi cũng đã không thể hồ nghi. Và tất cả những gì trước kia đã khiến tôi tránh xa giờ đây lại hiện ra sống động trước tôi. Mặc dù tôi biết rằng cái tạp chất giả hiệu đã khiến tôi tránh xa ấy trong dân gian có ít hơn là trong giới những đại diện của giáo hội – nhưng dẫu sao tôi vẫn thấy cả trong những tín ngưỡng của nhân dân chân lý cũng bị pha tạp với lầm lạc và giả dối.

Nhưng từ đâu đã có những lầm lạc và từ đâu đã có chân lý? Cả lầm lạc lẫn chân lý đều được truyền thụ bởi cái gọi là giáo hội. Cả lầm lạc lẫn chân lý đều chứa đựng trong truyền thống, trong cái được gọi là truyền thống linh thiêng và kinh sách linh thiêng.

Và dù muốn hay không tôi bị dẫn dắt tới việc nghiên cứu, khảo sát kinh sách và truyền thống ấy – sự khảo sát mà cho đến giờ tôi vẫn e ngại đến thế.

Và tôi bắt tay vào nghiên cứu chính nền thần học mà ngày xưa tôi đã khinh thị gạt bỏ như là cái vô ích. Ngày xưa tôi chỉ thấy nó là một loạt những điều vô nghĩa và vô dụng, bởi vì thời ấy mọi hiện tượng cuộc sống bao quanh đều hiện ra trước mắt tôi sáng rõ và chứa chan ý nghĩa; bây giờ thì tôi sẽ mừng rơn nếu có thể gạt đi những gì không lọt vào được cái đầu lành mạnh, nhưng chẳng trốn đi đâu được. Cái tri thức độc nhất vô nhị về ý nghĩa của cuộc sống mà tôi đã được khai tâm – tri thức ấy được đặt trên, hoặc ít nhất, liên quan không rời với giáo thuyết ấy. Dù trí não đã già nua và cứng nhắc của tôi có thấy nó kỳ quặc đến đâu – kỳ vọng cứu rỗi chỉ ở nó. Cần phải cẩn trọng, chăm chú xem xét nó, ngõ hầu hiểu được nó, thậm chí không phải để hiểu như tôi hiểu những tri thức khoa học. Tôi không và không thể tìm kiếm cái đó, vì biết đặc điểm của tri thức tôn giáo. Tôi sẽ không tìm giải thích cho tất cả. Tôi biết cái giải thích cho tất cả ấy, cũng như khởi nguyên của tất cả, phải ẩn khuất trong cái vô cùng vô tận. Nhưng tôi muốn hiểu biết thế nào để tất yếu được dẫn tới cái không thể biết; tôi muốn cho tất cả những gì không thể biết đều là như vậy, đều không phải vì những yêu cầu của trí tuệ nơi tôi không đúng (chúng đúng, và không có chúng thì tôi không thể hiểu được bất cứ cái gì), mà bởi vì tôi nhận thấy những giới hạn của trí tuệ nơi tôi. Tôi muốn hiểu biết thế nào để cho mọi điều bất khả tri xuất hiện trước tôi như là tất yếu của trí tuệ, chứ không phải như là một cam kết tin tưởng.

Trong giáo thuyết ấy có chân lý, về điều này tôi không còn hồ nghi; nhưng cũng không hồ nghi rằng ở đấy có cả những sai lầm, và tôi cần phải tìm ra cả chân lý lẫn những sai lầm và tách bạch cái này khỏi cái kia. Và tôi đã bắt tay vào làm việc ấy. Tôi đã tìm thấy trong giáo thuyết ấy cái gì là sai lầm và cái gì là chân lý và đã đi đến những kết luận gì – đó là nội dung những phần sau của tác phẩm này; nếu nó xứng đáng và cần cho ai đó, thì có thể đến lúc đó và ở nơi nào đó nó sẽ được công bố.

Phần này được tôi viết ba năm về trước.

Bây giờ, đọc lại phần đưa in này và trở lại với những tư tưởng và tình cảm hiện ra trong tôi khi tôi viết nó, cách đây mấy hôm tôi mơ thấy một giấc mơ. Giấc mơ ấy đã diễn đạt cho tôi bằng một hình ảnh cô đúc tất cả những gì mà tôi đã trải nghiệm và mô tả, vì vậy tôi nghĩ, nếu được tả lại, giấc mơ ấy sẽ làm mới, làm sáng tỏ và tập hợp vào một điểm tất cả những gì được kể dài dòng đến thế trên những trang viết này. Đây, giấc mơ ấy: tôi mơ thấy tôi nằm trên giường. Tôi không thấy dễ chịu mà cũng không thấy khó chịu, tôi nằm ngửa. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ nằm thế này có thuận tiện hay không; tôi thấy hình như chân không được thoải mái: ngắn ư, không bằng phẳng ư, nhưng không thoải mái thế nào ấy; tôi cựa hai chân và bắt đầu tự hỏi tôi nằm thế nào và nằm trên cái gì – điều mà cho đến giờ tôi chưa nghĩ tới. Và ngoái cổ nhìn cái giường của tôi, tôi nhận ra rằng đang nằm trên những quai được bện bằng dây thừng và buộc vào hai thành giường. Hai bàn chân tôi nằm trên một quai như thế, cẳng chân trên một quai khác, cả hai chân không được thoải mái. Không hiểu vì sao tôi lại biết có thể xê dịch những quai ấy. Và tôi dùng hai chân đẩy quai cuối ra xa. Tôi tưởng như thế sẽ ổn hơn. Nhưng tôi đã đẩy nó ra quá xa, muốn lấy chân kéo nó lại, nhưng cùng với động tác ấy cả quai khác cũng trượt khỏi cẳng chân, và hai chân tôi tụt xuống dưới. Tôi cử động toàn thân để chỉnh lại tư thế, tin chắc rằng tôi sẽ thu xếp ổn thỏa ngay tức khắc; nhưng cùng với động tác ấy những quai khác cũng xê dịch dưới tôi và trượt đi, và tôi thấy hỏng thật rồi: toàn bộ phần dưới của thân tôi tụt xuống dưới và treo lơ lửng, hai chân không với tới đất. Tôi chỉ giữ được thân mình bằng phần trên của lưng và tôi bắt đầu cảm thấy không chỉ không thuận tiện mà còn sợ hãi. Chỉ đến đây tôi mới tự hỏi cái điều mà trước đó chưa hề nghĩ đến. Tôi tự hỏi: tôi đang ở đâu và đang nằm trên cái gì? Tôi bắt đầu nhìn quanh và trước hết nhìn xuống dưới, xuống chỗ nửa người tôi treo lơ lửng, và xuống chỗ mà tôi cảm thấy sẽ phải rơi xuống ngay tức thì. Tôi nhìn xuống dưới và không tin vào mắt mình. Tôi đang ở trên tầm cao tương đương tầm cao của không phải cái tháp cao nhất hay một ngọn núi, mà ở một tầm cao mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra.

Tôi thậm chí không thể nhận ra – tôi có nhìn thấy gì không ở nơi kia, phía dưới, trong cái vực không đáy mà tôi đang treo lơ lửng bên trên và đang bị hút xuống dưới. Tim tôi thắt lại, tôi kinh hãi. Nhìn xuống dưới thì thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy nếu tôi cứ nhìn xuống đấy, thì tôi sẽ tuột khỏi những quai cuối cùng và sẽ chết. Tôi không nhìn nữa, nhưng không nhìn còn tồi tệ hơn, bởi vì tôi nghĩ cái gì sẽ đến với tôi khi thân tôi tuột khỏi những quai cuối cùng. Và tôi cảm thấy do sợ hãi tôi đã buông mất điểm tựa cuối cùng và chầm chầm trượt bằng lưng xuống dưới, xuống dưới. Một khoảnh khắc nữa thì tôi sẽ rơi. Lúc ấy một ý nghĩ đến với tôi: đây không thể là thật. Đây là mơ. Tỉnh dậy đi. Tôi cố tỉnh dậy nhưng không được. Làm gì bây giờ, làm gì bây giờ? – tôi tự hỏi và ngước mắt nhìn lên trên. Phía trên cũng là vực không đáy. Tôi nhìn lên cái vực không đáy ấy của trời và cố quên đi về cái vực ở phía dưới và quả thật tôi bắt đầu quên. Cái vô tận ở phía dưới khiến tôi kinh ghét và khiếp sợ; cái vô tận ở phía trên cuốn hút và khẳng định tôi. Tôi vẫn lơ lửng trên những quai cuối cùng chưa tuột khỏi thân tôi bên trên vực thẳm; tôi biết mình đang lơ lửng trong không trung, nhưng tôi chỉ nhìn lên trên, và nỗi sợ của tôi qua đi. Như thường xảy ra trong mơ, một tiếng nói nào đó nói với tôi: “Hãy nhận ra, nó đấy!” – và tôi cứ nhìn, nhìn mãi vào không gian vô tận ở phía trên và thấy mình bình tĩnh lại, tôi nhớ tất cả những gì đã qua và nhớ lại tất cả đã xảy ra thế nào: tôi cựa chân thế nào, tôi treo mình thế nào, tôi đã khiếp sợ thế nào và đã thoát khỏi nỗi khiếp sợ thế nào bằng cách nhìn lên trên. Và tôi tự hỏi: bây giờ thì ra sao, tôi vẫn tiếp tục lơ lửng trên không à? Và tôi không hẳn ngoảnh nhìn mà nhiều phần hơn bằng toàn thân muốn thử cái điểm tựa dưới tôi. Và tôi nhận ra tôi đã không lơ lửng và không rơi nữa, mà được giữ vững chắc. Tôi tự hỏi tôi được giữ như thế nào, tôi sờ khắp người mình, nhìn quanh và sờ thấy dưới mình, giữa thân mình, chỉ một cái quai nhưng tôi vẫn nằm trên cái quai ấy trong thế cân bằng vững chãi nhất, và chỉ một quai ấy đã giữ vững tôi từ trước đến giờ, chừng nào tôi còn nhìn lên trên. Đến đây thì, như vẫn xảy ra trong mơ, tôi hình dung ra được cái cơ chế đang giữ vững tôi một cách rất tự nhiên, dễ hiểu, không chút nghi hoặc, mặc dù trong đời thực thì cơ chế ấy không có một tác dụng nào cả. Trong mơ thậm chí tôi còn ngạc nhiên, vì sao trước đây không hiểu cái đó. Hóa ra bên cạnh đầu tôi được dựng một cái trụ, và sự rắn chắc của cái trụ ấy là tuyệt đối không thể hồ nghi, mặc dù cái trụ mảnh mai ấy không dựa vào cái gì cả. Rồi từ cái trụ ấy một cái tròng được dẫn ra vừa rất khéo lại vừa đơn giản, và nếu bạn nằm trên cái tròng ấy đặt đúng giữa người và nhìn lên trên, thì thậm chí không thể có câu hỏi về sự rơi đổ. Tất cả đều rõ ràng, và tôi cảm thấy mừng vui và tĩnh tâm. Rồi tựa hồ một ai đó nói với tôi: hãy nhìn và nhớ lấy. Và tôi tỉnh giấc.

[1879 – 1892]

Nguồn: Tạp chí Văn học nước ngoài

(1) Không có gì giáo dưỡng tốt một thanh niên như là quan hệ luyến ái với một phụ nữ tử tế (tiếng Pháp) – N.D.