Từ chối tặng thưởng và bằng khen của Hội Nhà văn…

NGUYỄN VĂN DÂN: CHỈ CÓ NHÀ THƠ HỮU THỈNH TỪ CHỐI GIẢI THƯỞNG VÌ LÝ DO CÁ NHÂN, CÒN TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÁC ĐỀU LÀ TỪ CHỐI “TẶNG THƯỞNG VÀ BẰNG KHEN”

Các báo mạng còn đưa tin trước đây đã có nhiều người từ chối giải thưởng Hội nhà văn VN. Nhưng trong những ví dụ họ nêu ra thì chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng vì lý do cá nhân, còn tất cả các trường hợp khác thì đều là từ chối “tặng thưởng” chứ không phải là từ chối giải thưởng. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi mà các báo đã không nhận ra mà chỉ đưa ra một nhận định chung chung dễ dãi là có sự “từ chối giải thưởng”, làm như thể việc trao giải thưởng của Hội NVVN luôn có vấn đề.


Ý KIẾN NGẮN VỀ CHUYỆN GIẢI THƯỞNG

Mấy ngày nay, rất nhiều trang mạng đưa tin với cái tít rất giật gân: “Hai nhà văn từ chối giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”. Tôi ngạc nhiên vì thấy các tác phẩm dự giải năm nay đều đã được các tác giả có tác phẩm dự giải đồng ý gửi tác phẩm của mình để xét giải. Vậy tại sao khi được chấm giải họ lại từ chối? Đọc lại thông báo thì hoá ra họ từ chối bằng khen chứ không phải là “từ chối giải thưởng”.
Các báo mạng còn đưa tin trước đây đã có nhiều người từ chối giải thưởng Hội nhà văn VN. Nhưng trong những ví dụ họ nêu ra thì chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng vì lý do cá nhân, còn tất cả các trường hợp khác thì đều là từ chối “tặng thưởng” chứ không phải là từ chối giải thưởng. Đây mới chính là vấn đề cốt lõi mà các báo đã không nhận ra mà chỉ đưa ra một nhận định chung chung dễ dãi là có sự “từ chối giải thưởng”, làm như thể việc trao giải thưởng của Hội NVVN luôn có vấn đề. Và người ta cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao các tác giả đã đồng ý gửi tác phẩm dự giải mà lại từ chối giải? Có lẽ vấn đề chính là ở cái chuyện “tặng thưởng” và “bằng khen” này. (Ngày 20/1/2013, báo mạng Vietnamnet đưa tin: “Hai nhà văn từ chối giải thưởng, Hội nói gì?” Chỉ ít phút sau khi được một comment góp ý, Vietnamnet đã âm thầm sửa lại chữ “giải thưởng” thành chữ “bằng khen” nhưng không cho hiển thị comment đó. Đó cũng là một sự tiếp thu nhưng chưa dũng cảm công khai nhận lỗi.)
Trên thế giới, hầu hết các giải thưởng đều chỉ có một hạng hoặc hai – ba hạng chứ không có “tặng thưởng” hoặc “bằng khen”. Sau khi trao giải, nếu có ý kiến thì chỉ có ý kiến về việc tác phẩm được trao giải có xứng đáng hay không xứng đáng. Và cũng có những người từ chối giải thưởng vì những lý do cá nhân. Nhưng không vì thế mà họ được coi là có nhân cách cao hơn các nhà văn không từ chối giải thưởng.
Đối với Hội Nhà văn VN, trước đây Hội có lập ra giải thưởng và tặng thưởng. Nhưng vì có một số nhà văn được “tặng thưởng” khi khai lý lịch cứ ghi đại khái là “được giải thưởng”, cho nên gần đây Hội quyết định bỏ hình thức “tặng thưởng” và bỏ cả việc phân hạng giải thưởng A, B, C, chỉ còn lại duy nhất một giải thưởng đồng hạng là “giải thưởng Hội Nhà văn VN”.
Đến mùa xét giải năm 2010 (là năm tôi được tham gia Hội đồng chung khảo), khi thấy có một số tác phẩm sít soát quá bán, Hội đồng chung khảo cảm thấy tiếc nên đã xét thêm bằng khen cho những tác phẩm sít soát quá bán đó. Thế là lại xuất hiện một hình thức khen thưởng mới là “bằng khen” mà thực chất chẳng khác gì “tặng thưởng”. Về điều này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có nhận xét: Bằng khen thường chỉ trao cho người chứ không trao cho vật. Ý kiến này theo tôi cũng có lý.
Tôi cho rằng Hội nhà văn cần chấn chỉnh lại việc xét giải; phải có một quy chế xét giải chặt chẽ và khoa học hơn nữa. Nếu quy chế đã quy định chỉ có giải thưởng thì chỉ xét giải thưởng, đừng vì cảm tính mà thêm bằng khen vào để lại gây rắc rối như với hình thức tặng thưởng. Nếu chỉ có giải thưởng thì chắc chắn chuyện “từ chối” sẽ chấm dứt. Vì khi có người từ chối thì người ta hay nghĩ đến cách làm việc của Hội có vấn đề. Và nếu chỉ có giải thưởng thì sẽ không có chuyện các tác giả bị nghi ngờ oan là tại sao đã đồng ý gửi tác phẩm dự giải mà lại từ chối!
NGUYỄN VĂN DÂN