Tọa đàm ….thơ Nguyễn Quang Thiều

Gửi thư    Bản in

Tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu – 28-06-2012 11:50:10 AM

VanVN.Net – Sáng 28/6/2012, tại Viện văn học Việt Nam (số 20 Lý Thái Tổ – Hà Nội), cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” được tổ chức. Tới dự tọa đàm có các đại biểu: PSG. TS Đinh Xuân Dũng, PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, TBT Báo Văn nghệ; nhà phê bình Lê Thành Nghị, nhà thơ Đỗ Hàn – Chánh văn phòng Hội NVVN; nhà phê bình Nguyễn Hòa, PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện văn học; PGS. TS Trương Đăng Dung… cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện văn học; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, bạn bè của nhà thơ và những người quan tâm đến thơ Nguyễn Quang Thiều.

PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp phát biểu khai mạc tọa đàm: Trong buổi tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi  mở, chúng tôi chấp nhận các ý kiến khác nhau trên cơ sở khách quan, có luận chứng khoa học chắc chắn. Chúng ta tôn trọng tất cả các ý kiến về thơ hiện đại VN, về lịch sử thơ ca dân tộc, về riêng thơ NQT trong tiến trình đổi mới để có được những ý kiến thảo luận, những nhận định, phát hiện mới về những vấn đề còn đang tranh luận trong suốt thời gian qua. Trong bản đề dẫn của mình, Viện trưởng Viện văn học Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh 3 vấn đề:

– Diễn trình đổi mới của thơ VN hiện đại. Trong đó thơ Nguyễn Quang Thiều là trường hợp cụ thể để luận giải những vấn đề của thơ Đổi mới.

– Trực diện bàn về thơ Nguyễn Quang Thiều qua sự lựa chọn của tác giả này.

– Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xử lí bài toán dân tộc và hiện đại như thế nào?

Tiếp theo là phần thảo luận và phát biểu ý kiến – phần trọng tâm của tọa đàm này.

1. Nhà thơ, nhà phê bình, PGS. TS Hồ Thế Hà (ĐH Khoa học Huế) mở đầu với  tham luận “Thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn từ mẫu gốc” làm rõ nhận định thơ Nguyễn Quang Thiều có ám ảnh rất lớn từ Làng Chùa quê hương mình. Những cổ mẫu phái sinh từ Làng Chùa: dòng sông, những người đàn bà (bà nội, mẹ, những người đàn bà khác…), nước, lửa, không khí, cánh đồng… Bài viết từ góc nhìn phân tâm học. (Bài viết sẽ được đăng toàn văn trên VanVN.Net)

2. Nhà thơ Mai Văn Phấn: “Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều và lộ trình cách tân”. So sánh sự khác biệt cấu trúc hình tượng của 2 tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” và “Ngôi nhà 17 tuổi”. (Bài viết sẽ được đăng toàn văn trên VanVN.Net)

3. Nhà phê bình Đông La: “Sự mất ngủ của lửa hay sự thao thức” nói về sự cách tân và nỗ lực để cảm nhận thơ Nguyễn Quang Thiều.

Sau ba ý kiến ban đầu, tọ đàm chuyển sang phần thảo luận:

1. Nhà văn Nguyễn Đình Chính: thích 3 nhà thơ: Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều – đây là 3 nhà thơ mới, những nhà thơ khiến người đọc “tốn nhiều giấy bút”. Là người viết văn, tôi không biết cách phân tích thơ như các nhà phê bình, mà chỉ cảm nhận bằng rung cảm của một người yêu thơ. NQT đã thấm được phù sa văn hóa của dòng sông dân tộc để viết thành những vần thơ hiện đại.

2. Nhà phê bình Nguyễn Hòa (Trưởng ban LLPB báo Nhân dân) bày tỏ: “Tôi đã đọc NQT từ thời anh viết “Sự mất ngủ của lửa” và cảm nhận thơ NQT ngay từ khi xuất hiện đã đi theo xu hướng mới, có thể thành công hoặc chịu nhiều thử thách. Người đọc khi tiếp nhận buộc phải suy nghĩ cùng văn bản, cùng thời đại. Chúng ta cần đẩy tư duy của mình lên tầm mức mới của thời đại mới thì mới có thể tiếp nhận và để lại “tài sản” gì đó cho thơ ca.”

3. Nhà văn Đặng Thân nêu ý kiến: “Thơ Nguyễn Quang Thiều có phải là thơ dịch?”, anh đưa ra những dẫn chứng khá rộng và thuyết phục về những đổi mới trong thơ Nguyễn Quang Thiều.

4. Nhà văn Văn Chinh trình bày quan điểm của mình về thơ Nguyễn Quang Thiều rất cô đọng và thú vị: “Với thơ, Nguyễn Quang Thiều đã tìm và “trục vớt” những báu vật dưới đáy dòng sông quê hương. Nhưng anh hãy tựa vào tiếng nói từ trái tim mình để thơ sống, vận động và phát triển về phía ánh sáng của tương lai.”

5. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với cuộc tọa đàm với tư cách một người bạn văn của Nguyễn Quang Thiều. Ông nói về ý nghĩa quan trọng của văn chương trong trời – đất và lòng người. Nhà văn là người đứng gần mặt đất, văn chương có những giá trị mà chính trị cần phải tôn trọng… Ông nêu lên tầm quan trọng của những cuộc hội thảo nghiêm túc về văn chương, đặc biệt là phải tổ chức ngay khi tác giả còn sống. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đánh giá những giá trị của thời kỳ văn chương Đổi mới sau năm 1986: văn học có những biến chuyển cùng với cuộc sống hiện thực, nhà văn cần biết chọn lựa những hình thức phù hợp với chính mình.

6. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày tham luận “Thơ Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy thi ca cách tân sau 1975”, có 3 điểm chính đáng chú ý: Thử phác họa chân dung thế hệ thơ hậu chiến; Những đám-mây-thơ thắp trên Cây ánh sáng; Người đi qua cơn khác của sa-mạc-thơ. (Bài viết sẽ được đăng toàn văn trên VanVN.Net)

7. Đạo diễn, nhà thơ, nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn đánh giá Nguyễn Quang Thiều với tư cách là một “người canh giữ ngôi làng”, nhưng đó là sự “bảo vệ ngược”: Nguyễn Quang Thiều chạy trốn những thực tại cuộc sống đang phát triển, xâm hại văn hóa làng quê; anh sớm cảm nhận được sự tan rã, nên sớm “đưa tang” những giá trị cũ đang dần mất đi. Nguyễn Quang Thiều nhập hồn Việt vào tiếng nói bên trong, vào sự dẫn dụ của Phật giáo tạo nên trị của thơ anh. Nhà thơ NQT là người “chơi kính vạn hoa”, anh điều khiển trò chơi của bóng tối và ánh sáng để tạo nên những hình tượng đẹp, thánh thiện, đó chính là mẫu gốc Thiện – và khi đó, “cuộc chơi” kết thúc. Hồn vía dân tộc tìm được lối thể hiện trong chính mình về mặt hình thức, vì vậy những nghi lễ trong thơ NQT vừa là tôn giáo vừa là sự phát triển của sức sống tuổi trẻ. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chia sẻ ý tưởng làm phim trên nguồn tư liệu là những bài thơ của NQT, một bộ phim về “Cây đời”.

8. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét về hình thức thể hiện và nội dung thơ NQT: bằng tài năng của mình, NQT đã biến Làng Chùa thành miền đất thơ, linh địa thơ, Làng Chùa đã trở thành một vùng đất thực và ảo trong cảm thức của người đọc. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt ra vấn đề hiện tượng và vấn đề tác giả NQT sau hơn 20 năm Đổi mới với những điều còn đang được mở ngỏ và gọi mời tiếp tục tranh luận.

9. Nghệ sỹ, nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành: Nói về con người đa tài mà cũng đầy mâu thuẫn NQT trong đời và trong nghệ thuật. Và thơ chính là tinh hoa của con người NQT.

Buổi làm việc thứ nhất kết thúc vào lúc 11h30. Chiều nay, phần cuối của tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” sẽ tiếp tục vào lúc 14h00. VanVN.Net sẽ cập nhật đầy đủ đến bạn đọc

Tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” (tiếp theo)

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu – 28-06-2012 06:58:22 PM

VanVN.Net – Chiều 28/6/2012, tại Viện văn học Việt Nam (số 20 Lý Thái Tổ – Hà Nội), cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” tiếp tục với những ý kiến nhiều chiều của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ và những người quan tâm. Trong buổi làm việc thứ hai, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Vũ Quần Phương; nhà phê bình Phan Trọng Thưởng đã đến tham dự.

10. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức mở đầu bằng bài viết khá công phu về những đặc điểm thơ Nguyễn Quang Thiều.

11. Nhà phê bình Khánh Phương trình bày tóm tắt tham luận “NQT và hành trình tới một quan điểm thẩm mỹ mới”, chị kết luận: “Thơ NQT hầu như mỗi bài đều bộc lộ một ý tưởng hoàn chỉnh, sáng rõ về mặt đạo đức hay suy tưởng, triết lí. Điều này tạo nên sự vững chãi, sự đồng thuận về mặt “thông điệp”, nhưng cũng có phần làm giảm bớt sức lan tỏa của những trạng thái thơ huyền hoặc, lạ thường mà bằng thi liệu riêng biệt, lối cấu tứ táo bạo, nhà thơ đã đưa ra…”

12. Đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức: Thơ NQT rơi vào tình trạng lan man của sự lập thuyết nên bị coi là khó hiểu, trong khi thơ anh thật gần gũi, thân thuộc. NQT đã đem vẻ đẹp của cuộc sống ở thời điểm khởi sinh và phục sinh, thời khắc đó NQT đã “đầu tư” một sự lo âu, hoảng sợ, tiên liệu về cái Đẹp sắp bị hủy diệt được giữ gìn bằng ngôn từ giản dị, hình ảnh gần gũi ngay từ cuộc sống xung quanh.

13. Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan với tham luận “Cú pháp tạo dựng cổ tích trong thơ Nguyễn Quang Thiều”, thẳng thắn bày tỏ ý kiến: “…tôi đã đề nghị một cách đọc thơ NQT bằng trí tưởng tượng hơn là một quá trình đọc hiểu diễn nghĩa theo cung cách ngữ văn bình giảng… ” Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận định: cơ cấu ngôn ngữ trong thơ NQT đã vượt qua, vươn ra khỏi sự dung tục, thông thường để tạo nên những giá trị riêng cho tác phẩm của mình.

14. PGS. TS Văn Giá bày tỏ sự đồng tình với những luận điểm của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài viết về thơ Việt Nam hiện đại trên Tạp chí Thơ số tháng 6/2012. Sau khi đọc bài viết của nhà thơ Hữu Thỉnh, trong đó có nhận định rằng thơ Việt Nam đã dứt khoát đổi mới sau hai thời điểm có tính quyết định: thời điểm của Thơ Mới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà phê bình Văn Giá muốn trao đổi lại với nhà thơ Hữu Thỉnh về quan điểm cho rằng lớp nhà thơ chống Mỹ vẫn đang là trụ cột cho nền thơ ca Đổi mới, điều này có lẽ cần phải có sự trao đổi rộng rãi hơn. Bởi lẽ còn có những “trụ cột” khác thời hậu chiến cũng đang làm nên diện  mạo thơ ca đương đại Việt Nam, như NQT, Mai Văn Phấn…

15. Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét: “Đọc thơ NQT như lạc vào bãi tha ma, luôn bị lạc vào những mê cung” trước khi anh tóm tắt bài viết “Dấu ấn thơ Nguyễn Quang Thiều” bằng câu kết: “Thi sỹ NQT đã cố gắng mang đến cho mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của mình một đời sống, một số phận… để hút độc giả vào trường thơ do chính ông tạo ra.”

16. Nhà thơ Trần Quang Quý đọc bài viết “Có một dòng sông Đáy trong thơ Nguyễn Quang Thiều”, trong không gian đó có “Khởi nguồn; Sông Đáy của những khát vọng giải phóng; Sự soi chiếu của tinh thần ánh sáng; Thức động những linh hồn và cuối cùng là Hợp lưu”. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, đọc thơ phải biết hóa thân vào tác phẩm chứ không chỉ nhìn vào văn bản để kết luận là thơ vô lối…

17. Nhà thơ Phan Hoàng: Viện văn học tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” là một cử chỉ quan tâm đến thế hệ sáng tác sau năm 1975. Thơ NQT đã tạo ra một từ trường cho những người cùng thế hệ, cho cả thế hệ làm thơ tiếp theo. Trong cuộc tọa đàm này, có vấn đề chưa được các cử tọa đề cập: đó là những điều còn khuyết thiếu, những điểm chưa thành công của thơ NQT. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề về thơ ca Đổi mới mà tọa đàm này gợi mở ra…

18. Nhà thơ Hữu Thỉnh: “…Tôi rất hoan nghênh không khí đối thoại của cuộc tọa đàm này, nó làm thay đổi phương thức, cách tổ chức hội thảo của chúng ta, chân lý chỉ xuất hiện khi có tranh luận. Tôi cảm ơn ý kiến của nhà phê bình Văn Giá. Đặc điểm thời đại hiện nay là đa cực cả trong chính trị và văn hóa. Văn học đang có nhiều trung tâm, không thể nói thế hệ nào là trụ cột. Sự phi tập trung hóa tạo ra sự đa diện. Tôi sẽ suy nghĩ và điều chỉnh sau khi nghe ý kiến của Văn Giá”. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục đưa ra những nhận định về thơ NQT qua bài viết: “Tôi thay đổi thói quen để tiếp nhận NQT như thế nào?”. Trong bài viết sâu sắc của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh nêu lên những vấn đề chính:

– Nguyễn Quang Thiều – con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi. Bắt đầu từ 1983, khi Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi thơ, Ban chung khảo vào phút cuối “bắt” được bài thơ của NQT (được giải 3) có hai câu thơ mang sức khái quát cả lịch sử của một dân tộc: “Biên giới giờ này giặc vẫn bắn vào đêm/ nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt”. NQT đã có những câu thơ mở ra những vô tận của liên tưởng… Cuộc tranh cãi thứ hai vào năm 1993 khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Năm 1995, cuộc thi thơ của báo Phụ nữ Việt Nam, NQT đã giành giải Nhất nhưng đến giờ này chưa có người nhận vì NQT đã lấy một bút danh khác: Nguyễn Thị Hoàng Lê, như một sự thách thức đối với sự thẩm định thơ của Ban giám khảo.

– NQT đã từ chối một công nghệ làm ra những câu thơ hay để hoàn toàn đổi mới. Theo tôi, NQT là truyền thống. Truyền thống của văn hóa, thơ ca, hiểu theo nghĩa mỹ học, đó là truyền thống của cách tân. Những giá trị mới cứ xuất hiện, khẳng định và gây tranh cãi. Thơ NQT luôn đổi mới vì nó xác lập những giá trị mới.

– NQT với những đóng góp vào tiến trình đổi mới:

+ Tạo ra trường thẩm mỹ mới, khước từ mọi sự véo von nhễ nhại, du dương tội nghiệp, NQT huy động tối đa những ngẫu nhiên. NQT là người cộng hưởng được cả thông tin, cảm xúc, tranh luận, bình luận… Chính vì vậy thơ NQT phồn thực, đa chiều, “xôm tụ”…

+ NQT không bị sa vào “bẫy chữ”, anh dành nhiều tâm sức cho giọng điệu, nó cuốn hút, tạo ra từ trường và vực xoáy của con chữ. NQT chẻ nhỏ mọi cảm xúc của mình. Tôi đã đọc NQT một cách tử tế, nghiêm túc để nhận ra điều đó.

+ NQT thực sự là 1 “phù thủy” về liên tưởng, anh luôn biết nuôi dưỡng các liên tưởng, người đọc luôn bất ngờ bởi những dẫn dụ của nhà thơ. Thủ pháp NQT là vừa chẻ nhỏ cảm hứng vừa biết phát hiện không ngừng. Đọc NQT là cuộc phát hiện không ngừng, như một trận pháo hoa ngoạn mục về các hình tượng. Xu hướng mỹ lệ hóa đời sống của NQT rất mạnh. Anh biết nuôi dưỡng sự thích thú của người đọc. Điều cuối cùng là anh đã tạo ra được sự ám ảnh – đó mới là cao diệu.

+ NQT biết “dán tem” cho những góc nhìn mới, tạo cơ hội tối đa cho sự tham gia của những cấu trúc khác nhau, “ban bố” sự bình đẳng của những chi tiết. Chưa có ai gia công đặt tên những bài thơ nhiều như NQT. Bài thơ hay nhất của NQT là bài mở đầu trong tập “Châu thổ”. NQT đã có một bài thơ văn xuôi đắng xót, lộng lẫy, có thể coi là hay nhất của NQT.

+ Thơ NQT là thơ ít bị “khấu hao” khi chuyển dịch sang các nền thơ khác, bởi lẽ mạch thơ của NQT gần nhất với mạch thơ hiện nay, thơ tiêu biểu cho giai đoạn hội nhập, điều này cắt nghĩa tại sao thơ NQT được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hôm nay tôi ngả mũ cúi chào một thế hệ mới đã xuất hiện. Những nhà thơ như NQT, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Phạm Đương… đại diện cho một thế hệ mới đang xuất hiện.

Bên cạnh đó nhà thơ Hữu THỉnh cũng thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn:

– NQT đang đi từ những câu thơ hay không giải thích được đến những câu thơ hay có thể giải thích được.

– NQT hơi lạm dụng sự kể lể. Những câu thơ kể lể đã nhiều lên. Chúng ta cần tận dụng khả năng tinh túy của ngôn ngữ để diễn đạt cái tối đa.

– NQT đang “đi thang máy” lên các lâu đài thơ, quy luật của cầu thang chính là những chiếu nghỉ, NQT cần tạo ra những khoảng trống, sự im lặng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh kết thúc: “Xin chúc mừng NQT, chúc mừng sự thành công của hội thảo.”

PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp: “Những nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh là lời tổng kết hoàn hảo nhất cho cuộc tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”. Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh và tất cả các quý vị đã dành thời gian đến dự tọa đàm này.”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với những lời tâm sự thành thật: “…Hãy cho phép tôi được sống thêm, trải nghiệm, được tận hưởng và chịu đựng thêm những hệ lụy, những nguyền rủa của cuộc đời này, để cơ số sống còn thiếu hụt, sai lầm, rời bỏ sẽ không còn trọn vẹn được nữa. Tôi vẫn quan niệm mỗi khi viết một bài thơ là khi mình đang sống, mỗi điều tuyệt vời hay thiếu sót trong bài thơ nào đó chính là phần sống của tôi trong khoảnh khắc đó… Hoàn thiện một bài thơ là hoàn thiện một phần đời sống của chính mình. Tôi xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến của tất cả mọi người.”

Cuộc tọa đàm kết thúc lúc 16h30.