Sao không về hả lúa

SAO KHÔNG VỀ HẢ LÚA

(Vui buồn văn nghệ địa phương)

LÊ KHÁNH MAI

Anh là thi sĩ nông dân, tồn tại nhờ lúa và sống bằng thơ. Hàng ngày anh cặm cụi cày cuốc trên cánh đồng, đêm về đợi trăng lên, phiêu diêu với gió, say đắm cùng thơ. Thơ anh trong trẻo, hiền lành, ẩn giấu nỗi niềm khát vọng nhân sinh và thi ca. Ví dụ như những câu thơ dưới đây:
Mùa thu vắt gió xao lòng
Lặng lờ theo khói hương đồng bay bay
(chiều)
Tôi thường ngóng gió đợi mùa
Tóc mai đợi lược, chiếu thưa đợi tình
Lá vàng đợi nụ hồi sinh
Đèn chao đợi lửa, trăng chênh đợi tàn
Trái tim đợi gõ nhịp đàn
Suối khô đợi nước, chim ngàn đợi bay
(Đợi)
Sau một thời gian dài lặng lẽ sáng tác, anh dự định sẽ “xin” vợ ít lúa bán lấy tiền xuất bản tập thơ đầu tay. Nhờ trời anh trúng mùa lúa năm ấy, hạt nào hạt nấy mẩy chắc, vàng ươm. Mải mê thu hoạch, màn đêm đổ xuống anh không kịp chuyển lúa về nhà. Vợ anh giao nhiệm vụ cho anh phải thức đêm ở ngoài ruộng canh chừng, sáng hôm sau kêu xe đến chở. Anh cảm thấy rất vui với công việc này, vì anh sẽ có một đêm trắng rất thi vị, được tự do thả hồn vào thiên nhiên bát ngát, tận hưởng cái thành quả lao động ngào ngạt hương đồng và mơ về một tập thơ sắp ra mắt bạn đọc. Anh sẽ tổ chức một bữa rượu tại nhà dưới ánh trăng, sẽ được nghe những lời khen tặng của những tấm lòng tri âm, tri kỷ. Đêm ấy anh thức đến 4 giờ sáng mà vẫn khỏe re. Khi màn trời ngả dần sang màu trắng, đôi mắt anh díu lại, nặng trĩu. Anh bước lên đường đi về phía cái quán nhỏ ở ngã ba kiếm ly café. Anh không nhớ đã đi trong bao lâu nhưng cảm nhận được những bước chân mộng du của mình. Khi anh trở lại cánh đồng thì cả một đống lúa lù lù như quả đồi đã biến mất tựa hồ có phép lạ. Anh Ngơ ngẩn như đang ở trong mơ. Bọn trộm đã rình đợi anh đi khỏi chúng hốt lúa lên xe chạy mất, không để lại dấu vết. Anh buồn vì tan vỡ giấc mơ xuất bản thơ. Nghe nói sau vụ này anh bị vợ giận…treo anh không cho đến gần…hihi..
Anh là nhà thơ Cao Nhật Quyên, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. May quá, sau đó Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã vận động được Qũy Hỗ trợ sáng tạo và phân bổ cho các Hội địa phương. Hội VHNT Khánh Hòa đã hỗ trợ cho anh số tiền đủ in tập thơ mang tên “Gọi chiều”, với số lượng khiêm tốn 300 bản. Từ đó anh viết say sưa hơn và thơ anh càng ngày càng hay hơn.
Câu chuyện cười ra nước mắt của anh đã được nhà văn Vân Hạ viết thành một truyện ngắn có tên là LÚA ƠI, rất hay, đăng báo Văn nghệ Hội Nhà văn.
Còn tôi thì tặng anh mấy câu thơ này:
Tao vừa mới đi ra
Mà mày vội biến mất
Cả đêm tao ôm chặt
Sểnh chút mày đi rồi
Vì sao thế lúa ơi
Tao suốt mùa làm lụng
Đổ bao nhiêu mồ hôi
Giờ mày theo thằng trộm

Sao không về hả lúa
Tao nhớ mày lắm đó
Lúa ơi là lúa ơi
(Mượn bài thơ “Sao không về Vàng ơi” của Trần Đăng Khoa)

Nhà thơ Cao Nhật Quyên (bên phải) cùng với kiến trúc sư Dương Tấn Long