Tự cho chữ của mình “hay hơn Nguyễn Du” để lấy lý do đó “sửa” hàng ngàn từ Truyện Kiều như Đỗ Minh Xuân đã làm là xúc phạm tiền nhân.
Trong cuộc hội thảo về Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới tổ chức vào ngày 15.12.2012 tại khu di tích Nguyễn Du, Hà Tĩnh, mỗi đại biểu tham dự được tặng một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân khảo dịch – nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in năm 2012. Cuốn sách này có lời đề tựa rất trang trọng của GS. Vũ Khiêu:
“Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.
Thúy Kiều và Kim Trọng – tranh khắc gỗ của Nguyễn Tư Nghiêm
Mắt tôi không tin nổi, vì lần đầu nghe tên ông Đỗ Minh Xuân. Còn GS. Vũ Khiêu thì tôi và nhiều người đã được “chiêm ngưỡng” nhiều bài văn bia kiểu bia về Quang Trung dán đè lên thơ Hồ Chí Minh ở Núi Quyết, hay chuyện mới đây ông này lại “giáng bút” (?) ở Bình Đà…
Trong mối nghi ngờ khó gỡ ấy, tôi đã điện gặp ông Hồ Bách Khoa, Giám đốc khu di tích Nguyễn Du, chỉ để hỏi một câu: “Có thật trong cuộc hội thảo ấy ông Đỗ Minh Xuân tặng mỗi vị đại biểu một cuốn “Truyện Kiều Nguyễn Du với…” của nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin hay không?”. Ông Khoa xác định là có bản photo và hiện nay ông còn giữ một bản!
Thế là sự thật dù khó tin đến đâu thì cũng là sự thật. Theo ông Thế Anh, viết trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam thì ông Đỗ Minh Xuân đã chữa hơn 1.000 đơn vị từ của Truyện Kiều, với tinh thần “phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng” như “lời vàng ngọc” của ông Vũ Khiêu!
Tôi xin phép ông Thế Anh dẫn ra một số chỗ Đỗ Minh Xuân đã xúc phạm Truyện Kiều mà bài của ông đã kê ra:
Câu Lạ lùng nàng vẫn tìm đường nói quanh được chữa lại là Lạ lùng Kiều tạm tìm đường nói quanh” rồi tự khen chữ “tạm” của mình hay hơn chữ “vẫn” của Nguyễn Du (!).
Câu Kiều hay nổi tiếng ai cũng biết “Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” được ông này chữa lại: “Nửa in gối lẻ nửa soi dặm trường”.
Ngay câu thứ ba, Trải qua một cuộc bể dâu đã bị ông này bắt bẻ: Trong đời người, đâu chỉ có một cuộc bể dâu? Phải dùng “mỗi” mới hợp. Và ngang nhiên chữa: “Trải qua mỗi cuộc bể dâu”…
Tất nhiên sau khi chữa hàng trăm câu Kiều kiểu như thế, ông này luôn có một câu “chém gió”: hay hơn Nguyễn Du!
Cũng với tinh thần ông Vũ Khiêu mớm cho “đưa Truyện Kiều tới quảng đại quần chúng”, Đỗ Minh Xuân đã chữa hầu hết những câu Nguyễn Du dùng kinh điển. Ví như: “Một đền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” thành “Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai Kiều” hay câu thần bút:“Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang” đã được chữa thành “Xăm xăm đè nẻo đánh liều lần sang!”.
Hàng trăm câu bị chữa kiểu đó, hết biết và hết nói!
Theo tác giả Thế Anh, với sự cổ vũ của GS. Vũ Khiêu, ông này đã chữa tới 1.000 đơn vị từ của Truyện Kiều chứ đâu có ít!
Truyện Kiều là di sản văn hóa của dân tộc. Đã đến lúc Nhà nước phải công nhận một bản Truyện Kiều được pháp luật bảo vệ để không ai có quyền sửa chữa tùy tiện, như không được phép đắp thêm chân cho con rồng đời Lý ở chùa Dạm hay chùa Phật tích.
Người thời nay và mai sau có thể thêm bớt một hai chữ khi đưa ra được lý do chính đáng và được một hội đồng có thẩm quyền thẩm định. Tự cho chữ của mình “hay hơn Nguyễn Du” để lấy lý do đó “sửa” cả ngàn từ Truyện Kiều như Đỗ Minh Xuân là xúc phạm tiền nhân.
Người ta có thể “lẩy Kiều”, bình luận chữ nghĩa Truyện Kiều, chê chỗ này khen chỗ kia trong những buổi trà dư tửu hậu cho vui. Đó cũng là cách tỏ tình yêu với Truyện Kiều và tiếng Việt. Nhưng viết cả một cuốn sách để phổ biến sửa chữa Truyện Kiều tức là viết lại và công bố “một Truyện Kiều gần với đại chúng” khác quá xa với bản đang được công nhận, là xâm phạm di sản.
Tôi có thể không ngạc nhiên mấy về hành động của ông Đỗ Minh Xuân hay ông Vũ Khiêu, nhưng tôi vẫn nghi ngờ, không tin nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin lại xuất bản một cuốn sách như thế. Biết đâu đây là một hành động “mạo danh”, in chui dưới cái tên của nhà xuất bản này.
Xin được biết ý kiến của quý vị nhà xuất bản.
Nguyễn Quang Thân