- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh
QUÊ HƯƠNG NINH HOÀ NHỚ MÃI
TÊN ANH – TRẦN VIỆT KỈNH
Nhà nghiên cứu VNDG ĐỖ CÔNG QUÝ
Chuyện bắt đầu vào những năm 2000. Tôi (Đỗ Công Quý) là người bản địa Ninh Hoà cùng anh Trần Việt Kỉnh đồng hành ngược xuôi về quá khứ, đi về nơi phát tích những làng nghề hiện còn đang nuôi dân, những phế tích, những công trình xây dựng để tôn nghiêm phụng thờ đang đậm nhạt dấu rêu phong và thần tích, từ miền biển lộng khơi đến miền đồng bằng trĩu hạt phù sa bên bờ những nhánh nguồn Sông Dinh.
Là nhà nghiên cứu dân gian đầy ắp tố chất một nhà thơ, Trần Việt Kỉnh đã từng thuê một đoàn hát tuồng cổ (đoàn bầu Cụt ở xã Ninh Thượng để làm thính giả nghiên cứu những vở tuồng có nguy cơ bị thất truyền, đã vượt qua nắng gió vùng biển và đường sá gập ghềnh gần 20km từ thị trần về Lệ Cam, xã Ninh Phú để nghe giai điệu một số bài bản, bài chòi cổ và thời kháng chiến. Anh ở lại đêm ở Ninh Hoà để nghe nghệ nhân Phạm Minh Cầu ca ngâm Hò Giã Gạo, anh đã thức suốt đêm thấu sáng cùng khoá lễ cúng Xuân Kỳ ở làng Điềm Tịnh xã Ninh Phụng, lên tận lòng hồ Đá Bàn, Hang Dơi chùa Hang trong vùng núi Hòn Hèo để nghiên cứu khu chiến khu xưa, có lần theo dấu câu ca dao “Vịt lội Ninh Hoà” để bị lạc về nơi khởi nguồn câu “Vịt Phú Hoà” thuộc xã Ninh Quang tình cờ trong lần đi lạc này anh gặp lại người chị bà con ở Huế đã về làm dâu đất Ninh Hoà, cho đến ngày tôi gặp lại chị tại nhà anh Trần Việt Kỉnh chị rưng rưng mắt như in hồi ức lại. (Không ngờ lần gặp nhau hạnh ngộ bên trời ấy thành định mệnh), anh không quản mệt trong trời mưa nắng lửa để leo lên đỉnh Hòn Núi đất để chiêm bái tổ Đạo Minh (1684 – 1803)- vị sư Phật giáo ở nhiều thế kỷ trước đã ngồi kiết già đắc đạo và hoá thân, tương truyền xá lợi xác thân của Ngài còn trong bảo tháp trên đỉnh núi và mường tượng lại cảnh bom thực dân Pháp đánh sập ngôi chùa Thiên Lộc năm 1946, ngôi chùa này do ngài Thích Quảng Đức (1989 – 1963) khai sơn, hiện còn móng nền cạnh bửu tháp v..v..
Kết quả những năm tháng miệt mài ở vùng đất Ninh Hoà, những tập sách đồng tác giả (Trần Việt Kỉnh và Đỗ Công Quý) do anh làm chủ biên đã được hoàn thành.
Các quyển sách có nhan đề:
* Nghề muối truyền thống ở Hòn Khói Ninh Hoà, Khánh Hoà (Giải Ba B Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2003).
* Nghề dệt chiếu Mỹ Trạch xã Ninh Hà, huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà. (Tặng thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam 2004).
* Các nghề ẩm thực nổi tiếng đất Ninh Hoà (bản thảo, năm 2006)
* Đình làng Điềm Tịnh Ninh Phụng, Ninh Hoà, Khánh Hoà (bản thảo, năm 2006).
Và quyển sách được anh thúc hối nhất để kịp giờ vượt lên nước rút đến đích cuối năm 2005 vì mạch nguồn tìm hiểu cạn vơi dần như nước sông mùa Hạ và người để nghiên cứu trẻ nhất cũng đã ngoài 70 tuổi. Đó là tập tổng hợp “Ca dao và dân ca Ninh Hoà) với đề tài chính là Hò Giã Gạo, quyển sách này viết bởi đồng tác 5 người: Trần Việt Kỉnh, Đỗ Công Quý, Cao Nhật Quyên, Đỗ Độ, Võ Triều Dương, sách có nhan đề:
* Ca dao dân ca Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà (dày 500 trang – Giải Ba A Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2005).
Chuyến đi thực tế sáng tác sau cùng do anh chỉ đạo đầu tháng 5 –2006 về Đầm Môn, huyện Vạn ninh (gồm Trần Việt Kỉnh, Trần Khánh Linh, Đỗ Công Quý, Cao Nhật Quyên) trên đường đi khi qua thôn Tuần Lễ, anh hưng phấn chuyện với tôi về tộc người Đàng Hạ và Mẫu Mẹ Thiên Y A Na, hai đề tài này nhiều năm trước anh đã viết 2 quyển sách khá hay, mỗi cuốn một đề tài (Người Đàng Hạ trên đất Khánh Hoà, Nữ thần Pônaga).
Anh lên tận đồi cao nhấp nhô bóng phi lao để ngắm vịnh Vân Phong. Tôi thấy dáng anh, bóng in lên nền biển như cánh buồm no căng gió đăng trình về hướng biển bao la. Đây là chuyến đi về nguồn trong linh cảm…?
Ngày 16 – 6 –2006 lúc 1giờ sáng anh Trần Việt Kỉnh đột ngột qua đời ở tuổi 57.
Anh ra đi mãi mãi để lại trong trái tim và tâm hồn những người bạn vong niên đất Ninh Hoà niềm tiếc thương vô hạn, niềm mất mát vô bờ. Vì như anh đã từng tâm nguyện sẽ chủ biên cùng chúng tôi để viết Tập Đại Thành Về Dân Gian Huyện Ninh Hoà.
Cho đến hôm nay và mãi về sau tôi vẫn chờ anh ra Ninh Hòa, để cùng sáng tác dù biết rằng điều đó chỉ còn là hoài niệm. để phải nghìn thu ngậm ngùi, chờ mãi không thôi
Ninh Hoà, ngày 30 tháng 6 năm 2006