ÔNG TẤC

ÔNG TẤC

Lê Khánh Mai

Tên khai sinh của ông là Đỗ Thị Tấc, nhà thơ, Chủ tịch Hội VHNT Lai Châu, một tỉnh biên giới phía bắc, khi con gà cất tiếng gáy thì cả ba nước Việt, Trung, Lào đều nghe.
Tôi quen ông Tấc từ năm 2001 khi cùng dự trại sáng tác văn học do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mở tại Hà Nội. Tôi và ông được bố trí ở chung phòng suốt một tháng liền. Ông mạnh mẽ, bộc trực, nói năng “văng mạng” (ông tự nhận thế), nhưng mộc mạc, hài hước, có tục, có thanh, khiến không ai bắt bẻ, chê bai mà chỉ thấy vui vẻ, nhẹ nhõm, thực lòng qúy mến ông.
Ông Tấc hút thuốc lá như ống khói, mỗi ngày 2 gói, nếu chẳng may hết thuốc lá mà chưa kịp mua thì ông chơi luôn thuốc lào. Ông có cái điếu cày giấu ở chân cầu thang tòa nhà của trại. Lúc “lên cơn” thèm ông lao xuống vớ vội cái điếu lọc sọc một hồi, mơ màng nhả khói, rồi ông lao lên phòng ngồi vào bàn viết say sưa như vừa được nạp năng lượng. Ông có thể viết miệt mài từ sáng đến tối mịt mà không cần ăn gì. Ông tự đặt cho mình một kỷ luật lao động khắc nghiệt, mỗi sáng thức dậy ông dựng cái giường cá nhân của ông lên, nói cho nó thoáng, với lại để tập trung viết, khỏi lăn tăn nghĩ đến chuyện ngả lưng.
Ngoài ba mươi tuổi ông ly hôn. Ông bảo, làm phóng viên Đài truyền hình phải đi nhiều, giờ giấc bất thường, chồng ghen, mệt. Rồi ông một mình nuôi con và chăm sóc mẹ già mắc chứng hoang tưởng. Vất vả, thiếu thốn vậy mà ông thấy vẫn “chưa đã” ông còn “đèo bòng” nuôi ba đứa con nuôi, gồm 1 đứa người Kinh, 1 đứa người Qủi Chu, một đứa người Thái. Ông bán ngôi nhà ở thành phố mua cái nhà khác trong bản xa, để có tiền chữa bệnh cho mẹ và nuôi 4 đứa con ăn học, lo việc làm đàng hoàng rồi dựng vợ gả chồng cho chúng.
Trước khi đến với văn chương ông Tấc là nhà báo, từng tốt nghiệp Đại học báo chí. Rồi ông trúng cử chức chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Ông là nhà thơ, với 2 tập thơ “Sữa đá” và “Những người mẹ núi”. Thơ ông lạ mà hồn nhiên như cái cách suy cảm của người miền núi: “Ra suối/ Cởi thắt lưng/ Bung hàng cúc bướm/ Vắt lên đầu/ Lội ra dòng sâu/ Trốn vào nước/ Trăng vỡ loăng ngoăng/ Buồn cả ngực…” (Nói rằng). Ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian với hàng chục công trình văn hóa các dân tộc thiểu số đã và đang xuất bản. Ông lại bất ngờ trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, săn lùng những vẻ đẹp đa dạng và độc đáo của đất và người nơi địa đầu Tổ quốc. Ông từng đạt Huy chương vàng tại liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc.
Vừa qua ông Tấc đưa đoàn văn nghệ sĩ Lai Châu về dự trại tại Nhà sáng tác Nha Trang. Chúng tôi lại có dịp hàn huyên về những kỷ niệm cách đây 13 năm, khi chúng tôi còn khá trẻ. Vẫn phì phèo thuốc lá ông Tấc khoe: Em bây giờ sướng rồi, các con trưởng thành có gia đình yên ổn cả, có cháu nội cháu ngoại đầy đủ. Giờ em mong nghỉ hưu để có thời gian hoàn thành một số công trình văn hóa dân gian và viết tiểu thuyết.
Chúng tôi uống café, chuyện trò không dứt và tranh thủ chụp vài kiểu ảnh. Ông Tấc nói coi chừng em ôm chị chụp hình là có anh ghen đó. Tôi không hiểu ý Tấc nên hỏi sao lại ghen? Tấc bảo trông em giống đàn ông, chị chụp hình với em lỡ anh nào đang iu chị xem ảnh lại phát điên lên vì ghen ấy chứ. Em bị các ông đánh ghen nhầm mấy lần rồi đấy. Hai chúng tôi cười phá lên. Ôi ông Tấc của tôi đáng yêu làm sao