Nobel thơ 2011, nghĩ về thơ Việt!

Nobel thơ 2011, nghĩ về thơ Việt!
PHAN NHIÊN HẠO
  “Bất chấp những trò tung khói mù, đánh lận con đen, vẫn có những thứ không phải thơ, và vẫn có những bài thơ hay bên cạnh rất nhiều thơ dở. Việc trao giải Nobel cho một nhà thơ hay như Tomas Transtromer là khích lệ có ý nghĩa cho tất cả những nhà thơ trung thực trên trái đất.”
 
Tomas Transtromer, nhà thơ người Thụy Điển, vừa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2011. Tôi quan tâm đến giải Nobel, như một người nuôi ngựa quan tâm đến giống ngựa chạy nhanh nhất, như một người ít tiền cảm thấy kích động khi bắt tay một tỉ phú đô la. Làm một người viết văn mà nói mình không quan tâm đến giải Nobel văn chương cũng giống như làm một anh bán mì gõ mà nói mình không mơ ước mở được nhà hàng trên đại lộ Nguyễn Huệ. Hãy nhìn những người hay nói “Em chả” xem họ đã làm gì để tâng bốc chính họ, để đánh bóng cái ghế tre của họ trong văn chương: họ không từ bất cứ một trò lố bịch hay cải lương nào. Những người này, chỉ cần ai đó vờ gọi điện thoại đến thì thào rằng tên của họ vừa được đề cử vào giải “Mít Vàng” là lập tức họ sẽ lăn đùng ra bất tỉnh vì quá kích động.
Một nhà thơ được trao giải Nobel là cách tốt nhất để nói rằng thơ vẫn đang sống. Thật ra thơ chưa bao giờ ngắc ngoải. Nó chỉ luôn sống cái đời sống của riêng nó, theo cái cách hơi ẩn dật nhưng tự tin của nó. Đời sống của nhà thơ khác với đời sống của minh tinh màn bạc hay ca sĩ. Thơ luôn bị dè biểu và coi thường, đôi khi từ chính cửa miệng những nhà thơ. Nhưng sau cùng nó vẫn là thứ mà cái đám đông dễ dãi không với tới được, những lãnh tụ quyền lực trên cao khom người hết cỡ vẫn không thể chạm tay. Công nghệ phát triển, đời sống bận rộn và nhanh hơn, những điều này đẩy thơ ra xa trung tâm sự chú ý, như sự trương nở của đô thị đẩy những vườn rau ngày càng xa phố phường. Nhưng rồi những trang trại rau vẫn tồn tại. Ngày thơ chết là ngày mà con người không còn ăn rau; con người chỉ uống thuốc mà sống.
Thơ là bữa ăn ngoài trời có phần đạm bạc trong một ngày mùa xuân giữa những người bạn hiểu biết, ung dung. Khi tôi còn ở Việt Nam cuối những năm 80 đói kém, tôi hay ngồi với vài người bạn họa sĩ hay nhà thơ trong những bữa rượu sơ sài nhưng hào hứng như vậy. Đôi khi những cuộc tụ tập có thêm một hai người không ở trong giới văn nghệ nhưng rủng rỉnh tiền. Họ mang đến một chai rượu ngoại và ít thuốc lá thơm, và với những thứ đó họ nghĩ họ có thể huyênh hoang về những điều mà họ không biết, không làm, không sống như chúng tôi. Đó là những bữa rượu gượng gạo và thậm chí mang lại cảm giác xấu hổ.
Thơ ca hôm nay cũng có dăm kẻ ngoại đạo huyênh hoang như vậy. Họ mang đến những thứ lý thuyết cóp nhặt đó đây vào bàn tiệc, rồi sau vài ly ngà ngà thấy mình có vẻ được chấp nhận, bắt đầu lên giọng chỉ dạy những nhà thơ. Họ quên rằng làm thơ và nói về thơ là hai điều rất khác nhau. Người ta có thể nhờ vào học hành mà trở thành nhà phê bình nhưng không thể chỉ nhờ vào kiến thức mà trở thành nhà thơ. Hãy nhìn những nhà phê bình làm thơ như thế nào: phần lớn dưới mức trung bình, giọng điệu cũ kỹ và đặc biệt rất sến. Điều đáng nói là cái thái độ khiếp nhược và thậm chí a dua của những nhà thơ thứ thiệt trước loại phê bình rượu ngoại và thuốc lá thơm này. Các nhà thơ hiện nay vẫn còn đói kém như thời những năm 80 đến nỗi phải ngồi chịu trận để được… kéo một hơi thuốc thơm hay sao?
Nhà thơ cần tự do sáng tạo như cần không khí. Bên cạnh đó, nhà thơ cần tự giải phóng mình ra khỏi hai ràng buộc sau đây:
Thứ nhất, ràng buộc vào thị hiếu của đám đông. Tôi không chủ trương văn chương tháp ngà. Thơ ca đáng đọc là thơ ca lấy cảm hứng trực tiếp từ đời sống. Thị hiếu đám đông tôi muốn nói đây là thị hiếu của thứ công nghệ giải trí, của các cuộc thi hoa hậu và trình diễn thời trang. Nhà thơ không thể và không nên cố gắng bằng mọi cách để được nổi tiếng như ca sĩ hay người mẫu. Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông đại chúng như blog và facebook khiến một số nhà thơ ảo tưởng rằng họ cũng có thể được công chúng biết đến như một ngôi sao giải trí. Và để đạt được điều đó họ viết những bài thơ chỉ với mục đích nhận được những lời khen lập tức trên blog hay những phản hồi lụn vụn trên các diễn đàn văn chương. Có bao nhiêu người Mỹ từng nghe tên Tomas Transtromer trước hôm 7.11.2011 vừa qua, dù thơ ông được dịch ra tiếng Anh mấy chục năm nay bởi một trong những nhà thơ Mỹ hàng đầu? Sự thật là nhà thơ lớn nhất hôm nay cũng không thể nổi tiếng bằng Paris Hilton, một cô gái mà không ai có thể trả lời rõ ràng rằng có tài cán gì. Nhà thơ cần giải thoát mình khỏi nhu cầu làm hài lòng đám đông, kể cả đám đông văn nghệ. Khao khát được ngồi vào những bàn tiệc đông người biến nhà thơ thành kẻ thoả hiệp và thậm chí khúm núm.
Thứ hai, nhà thơ cần tự mình giải phóng ra khỏi ràng buộc với giới phê bình. Đừng trông đợi vào bất cứ sự hướng dẫn nào từ họ. Thoát được hai ràng buộc trên: ám ảnh làm vui lòng đám đông và thái độ e dè đối với nhà phê bình, nhà thơ sẽ trở nên tự do và can đảm hơn.
…Cũng như mọi thứ trên đời, từ nghề thợ may cho đến chế tạo điện thoại di động, thơ có nhu cầu làm mới. Nhưng điều này phải diễn ra một cách tự nhiên theo sự trải nghiệm đời sống và kiến thức văn chương mà nhà thơ tích lũy được qua thời gian. Cái mới trong thơ là quá trình kết tủa, không phải chụp bắt. Việc chọn một lý thuyết hay kiểu thơ nào đó bên ngoài rồi thực hành y chang không phải là làm mới. Nó chỉ là hành động sao-chép-lại-những-thứ-đã-từng-mới, nhưng nay đã cũ. Một món đã cũ trong văn chương thì dù ở đâu cũng cũ, như chiếc áo cũ dù được bán trong tiệm đồ cũ Salvation Army ở Mỹ hay trên đường 3 Tháng 2 ở Sài Gòn vẫn là áo cũ. Hãy nhìn những nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ hiện nay, có bao nhiêu người tự tuyên bố mình đang làm thơ “cách tân” hay thực hành một chủ thuyết? Đọc những nhà thơ như Tomas Transtromer ta có cảm giác mới không phải vì họ lật đổ và dựng lên một cái gì chưa từng có, mà vì nét độc đáo trong suy tư và sâu sắc trong tâm cảm của tác giả, kỹ năng phối trí một cách tài tình những hình ảnh có vẻ ít ăn nhập trong đời thực nhưng rất đẹp khi đứng cạnh nhau trong bài thơ, và vì vậy tạo nên hiệu ứng ngạc nhiên, mới lạ. Cái mới của nhà thơ lớn đến từ việc vun trồng cần mẫn rồi thu hái những trái cây tươi. ám ảnh cách tân trong một nền thơ là có thể hiểu được, và trong chừng mực nào đó có tính cấp thiết, nhưng đừng tạo thêm ngộ nhận.
…Tomas Transtromer là một nhà thơ hình ảnh. Octavio Paz cũng là một nhà thơ hình ảnh. Trừ khi quý vị viết bằng một ngôn ngữ có tính quốc tế như tiếng Anh, việc làm kiểu thơ ngôn ngữ sẽ gây khó khăn cho dịch thuật. Mặc dù người ta làm thơ trước hết để dân tộc mình đọc, đây là một chi tiết kỹ thuật nên được lưu ý đối với những nhà thơ Việt có tham vọng đưa tác phẩm của mình ra khỏi biên giới quốc gia.
Bất chấp những la lối về cái chết của thơ phát ra từ miệng những kẻ luôn ác cảm với thơ hay chính những nhà thơ ủy mị, thơ vẫn đang sống. Bất chấp sự lan tràn của các phương tiện truyền thông xã hội khiến cái đám đông trong quá khứ vốn e dè trước thơ bỗng trở nên véo von, thơ vẫn không phải là trò hát karaoke, và nhất định phải khá hơn karaoke. Bất chấp những trò tung khói mù, đánh lận con đen, vẫn có những thứ không phải thơ, và vẫn có những bài thơ hay bên cạnh rất nhiều thơ dở. Việc trao giải Nobel cho một nhà thơ hay như Tomas Transtromer là khích lệ có ý nghĩa cho tất cả những nhà thơ trung thực trên trái đất. Và quan trọng hơn, nó nhắc nhở rằng thơ có khả năng trở nên lớn lao, nhà thơ không nên phí thời gian vào những trò ruồi.
7 tháng Mười, 2011
nguồn: Nhavan tphcm