Nhà văn Y Ban: “Vợ chồng “điên” lệch pha”
Ngôi nhà chật hẹp bên cạnh sân Vận động hàng Đẫy không chỉ bị “chấn thương” bởi những cổ động viên quá khích, mà còn bởi hai thành viên “quá khích” trong gia đình: nhà văn Y Ban và nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ. Ngôi nhà đó đã luôn trong tình trạng “lưỡng hổ tranh hùng” gần 20 năm nay.
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Tự dưng “tao” với “mày” lại yêu nhau…
Lần đầu tiên chị gặp anh nhà như thế nào?
Chúng tôi gặp nhau rất sớm trong buổi đầu tinh khôi. Năm 1978 tôi từ Nam Định lên Hà Nội học đại học, cùng với bà dì út nhà Cơ. Lúc đấy bé tí, buộc cái nơ trên đầu. 17 tuổi cao 1m52, nặng 40 cân là chuẩn lắm. Bà dì út nhà Cơ với tôi chơi rất thân với nhau. Bà mẹ chồng Cơ là chị cả. Cứ đến thứ 7, CN hai chị em cùng nhau đi chơi, một trong những địa chỉ là nhà Cơ. Nhà 3 anh em trai, Cơ là thứ hai. Họ biết tôi từ lúc đấy.
Anh Cơ hồi thanh niên hẳn đẹp trai, tóc dài, đẹp lãng tử và lạnh lùng?
Không hề. Chỉ thư sinh thôi. Trông Cơ bình thường như những người khác. Khuôn mặt gầy gò. Cho đến giờ thi thoảng tôi trêu bọn trẻ con nhà tôi: mặt bố là mặt “kẽ nách”!. Hắn ta bộp luôn: Mày nói gì? À, tao bảo mặt mày là mặt “chính khách”. Các cụ ngày xưa dùng từ mặt “kẽ nách” để chỉ những người đàn ông mặt không phương phi, gầy gò, con gái.
Tôi thấy vợ chồng chị xưng hô với nhau rất buồn cười, toàn mày tao chí tớ. Còn tình cảm lắm là Ban ơi, Cơ ơi. Hỏi thật, đương thời tán tỉnh nhau chắc cũng phải anh anh em em chứ?
Nhà tôi trong trạng thái chưa phút nào là anh em cả. Bởi tôi đến nhà Cơ còn gọi bố mẹ Cơ là anh, chị theo cách gọi của cô bạn (là dì út của Cơ). Chú út nhà đấy còn gọi tôi bằng cô. Đúng hôm cưới mới chuyển gam.
Thậm chí cả lúc tình tứ nhất cũng vẫn là mày, tao?
Nhà văn Y Ban, Ảnh TTVH |
Đúng vậy. Kể từ hồi yêu đến giờ chưa. Từ năm 1985 đến giờ, gần 25 năm rồi, lời yêu thốt ra vô cùng khó khăn, hình như 1, 2 lần gì đấy.
Thế tự dưng tỏ tình kiểu gì?
Chẳng đứa nào nói cả. Có lẽ hấp dẫn nhau bằng linh cảm. Mình đến đấy, bẽn lẽn xấu hổ, không dám ngồi xuống ăn, con gái nhà quê mà! Cơ cầm tay kéo phắt xuống mâm cơm, nói: Úi dời ơi, cứ ngại làm gì!
Hồi đó biết là bằng tuổi nên gọi là mày, tao, nhưng vẫn tránh gặp nhau. Chúng tôi gặp nhau nhiều nhất là sau năm 1984, sau khi Cơ đi bộ đội về, còn tôi đã là cô giáo dạy trường y. “Hắn” lúc đó chắc cũng đã chín chắn để nói chuyện yêu đương. Việc đầu tiên “hắn” lấy sự chú ý của tôi bằng cách bảo tôi ngồi làm mẫu vẽ. Cơ vẽ nhiều bức to lắm, rất nhiều bức phác họa. Nhưng sau đó gia đình nhà tôi như “thiên tai” ấy, tất cả những “di sản” đã bị xé đi (cười).
“Mỗi lần điên lên là Cơ xé tranh vẽ tôi…”
Hai người đều là nghệ sĩ mà sao nhẫn tâm với đứa con tinh thần của mình thế?
Tôi kể chuyện này nhé: Cái ngày dự lễ liên hoan tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, tôi cho phép mình mặc áo dài và đến tận trưa trật mới về. Khi đó con gái vẫn còn đang bú mẹ. Đến nhà thấy bản thảo bị xé toạc. Tôi gào rú lên khóc, xong lấy một cây gậy dài đập tới tấp vào tượng của Cơ. Nhưng “hắn” cũng chẳng dám đánh tôi. Bà mẹ chồng liền xông vào: Sao chị dám đập tượng của chồng? Cơ kéo mẹ chồng tôi lại: Đấy là tượng của nó. Không phải của mẹ!
Đó là một cuộc cách mạng văn hóa đầu tiên. Sau vụ đấy chúng tôi không bao giờ “phá hoại” của nhau nữa. Còn ngày trước, có những cuộc cãi vã to nhỏ là Cơ xé tranh vẽ về tôi hết. Cơ tự phá của Cơ thôi. Còn Cơ phá của tôi duy nhất là tập bản thảo đã viết tới 15 chương, nhưng tôi không muốn phục hồi lại.
Anh chị có bao giờ xô xát bằng vũ lực không?
Bây giờ nhà tôi chỉ dùng đấu tranh phi vũ trang thôi. Nhưng hồi đầu yêu nhau cũng có. Khi tôi còn học viết văn Nguyễn Du, đương ngồi với cả bạn nữ cả bạn nam thì xông vào tát bốp một cái rồi bỏ chạy. Tôi ớ người ra. Thế là tôi vào tận ổ nhà Cơ đánh lại, rồi đi về.
Một bữa tôi đang học trong lớp, hắn ở ngoài lấy chân đá đá vào cửa. Thầy đang giảng bài bèn ngó ra. Thế là hắn vào, đứng ngay giữa lớp, vẫy tôi: Ban ơi đi về. Tôi ngại quá, phải ra khỏi lớp.
Con trai lớp tôi bắt đầu lên cơn, định đánh Cơ một trận rồi vứt xuống hồ (hồi đấy trước trường Nguyễn Du còn hồ rau muống). Mấy hôm sau tôi đang ngồi trong phòng ký túc xá với Cơ, tự dưng thấy con trai hùng hùng hổ hổ đi qua cửa. Nhưng chỉ đi vụt qua, nhìn vào phòng tôi rồi chạy. Lúc sau tôi hỏi: Ơ hay hôm nay chúng mày diễu binh gì vậy?Chúng tao họp nhau để đánh thằng Cơ nhà mày. Nhưng cãi nhau mãi không đứa nào dám đánh quả đầu tiên, mà chỉ dám đánh quả thứ hai. Có thằng yêng hùng nhất đòi đi tiên phong, nhưng sợ quá lại nhẩy ụp qua. Tôi cười phá lên: Thế mà đ….gọi tao! Tao sẽ đấm quả đầu tiên. Chúng mày dại. Thua “nó” là phải! (cười to).
Nói thế thôi chứ hôm cưới lớp tôi đến đông cực kỳ, rất vui vẻ.
Trong tiểu thuyết mới nhất, Xuân Từ Chiều, Y Ban có đưa một nhân vật khá giống anh Cơ ngoài đời…
Không giống đâu. Chồng tôi buồn cười lắm, thích ngáng chân vào vợ và con khi đi ngang nhà. Nghéo một cái ngã lăn đùng, thế là cấu chí nhau, rồi phả hơi vào mặt nhau. Đến lúc này thì chịu, chạy trận. Mồm ông ấy hôi kinh khủng. Mỗi lần Cơ đánh răng là thằng bé lại ré ầm lên trêu: Ối mẹ ơi hôm nay bố đánh răng! Còn hôm nào hắn tự thấy mình hôi quá, sẽ tự tuyên bố: Hôm nay “ông” sẽ đánh răng cho thiên hạ chết hết. Một là lụt. Hai là bão (cười lớn!).
Chồng chị và chị ai điên hơn ai?
Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ, Ảnh Đất Việt |
Bằng nhau. Tôi ăn miếng trả miếng. Nhưng cái điên nhà tôi lệch pha. Khi tôi điên thì Cơ tỉnh, Cơ điên thì tôi tỉnh. Còn khi hai kẻ cùng điên thì tôi không biết thế nào. Nó như hai quả cầu lửa va đập tạo nên sức hủy diệt khó lường.
Với mối quan hệ gia đình, anh Cơ cực đoan tới mức nào?
“Hắn” ghét kinh khủng sự ngoại tình.
Ghét ra sao?
Cơ không cho tôi chơi với những người bỏ chồng. Nếu ai đến nhà, bao giờ cũng hỏi con bé này chồng con thế nào. Nếu chồng con đuề huề thì rất quý, nhưng chỉ cần bỏ chồng là lần sau đến lườm, đuổi ngay ra khỏi nhà. Hắn nói: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Có những người bạn nhiều tuổi tự có con một mình. Ban đầu quý lắm nhưng khi có con thì ghét. Nhà tôi lại nuôi một con mèo cái, tên Bờm. Tôi đùa Cơ: Con này hình như nó gào đực rồi. Thế là Cơ ghét nó lắm. Mấy mẹ con cười to, rất khoái chí.
“Chúng tôi không bao giờ hiểu được ẩn ức của nhau”
Chị và anh Cơ đều sở hữu những tính cách nóng như lửa. Tuy nhiên, không phải lửa nào cũng thiêu đốt nhau. Tôi biết có những gia đình cần sự xung đột như một chất xúc tác để duy trì tình yêu gia đình. Nhiều người đánh nhau, chửi nhau như người ngoài đường chợ, nhưng chỉ sau một đêm ái ân là lại xoắn xuýt như lũ mèo. Phải chăng một đôi vợ chồng nghệ sĩ cần nhiều hơn những xung đột của cuộc sống hôn nhân bình thường, như thế họ mới thăng hoa?
Hôm trước có một tạp chí hỏi Cơ về làm chồng nhà văn thế nào, “đồng chí” hỏi ngay: Em định hỏi anh về nghệ thuật đích thực hay manơcanh hiện đại.
Tôi muốn nhắc lại vì nếu nói làm chồng của bà nhà văn, hay vợ một ông nghệ sĩ điêu khắc thì việc đầu tiên họ phải là người đã. Nhiều đôi vợ vợ chồng không nghệ sĩ mà sống với nhau cực kỳ nghệ sĩ.
Cho nên ở đây, chúng ta phải định nghĩa và lượng giá trước với nhau, thế nào là một gia đình nghệ sĩ? Quan sát, tôi thấy nếu lấy thước đo mày tao chi tớ, suốt ngày cãi chửi nhau thì 30% gia đình Việt Nam đều như vậy. Còn lấy thước đo những kẻ lãng mạn, bốc đồng thì phải tới 50% gia đình Việt Nam như thế. Tôi nghĩ chẳng có định nghĩa nào về vợ chồng nghệ sĩ hay không nghệ sĩ cả. Tất cả do cá tính mỗi người quyết định.
Chuyện kể một lần Cơ dạy con: Cơ điên nhưng dậy con cái rất tỉnh. Sau khi nhận trách nhiệm dạy dỗ con thay cho tôi, Cơ không đánh mắng bọn trẻ. Có lần, đứa con gái tôi không biết mắc tội gì mà tôi điên quá, cầm roi xông lên định hỏi tội. Cơ chặn ngay đầu cầu thang, bảo: Mày mày đi chợ đi để tao ở nhà tao đánh nó cho. Nhưng tôi chưa hả giận. Tôi ngồi ở dưới nghe ngóng xem đánh thế nào. Người phụ nữ rất buồn cười. Tự tay đánh con thì không sao, còn người khác đánh con, cho dù là chồng, thấy con gào rú là xông vào đánh chồng ngay. Tôi ngồi ở cầu thang, thấy roi vụt đen đét. Nhưng lại nghe thấy tiếng con bé cười nhanh nhách. Tôi xông lên. Hóa ra con kia cứ nhí nháu, còn chồng chỉ vụt roi dưới đất thôi. Thế là tôi tức quá, xông vào, đấm, đá con. Cơ như thằng điên, ôm lấy tôi, kéo tôi ra khỏi nhà, cài chặt cửa vào. Con bé ở nhà ngồi khóc. Tôi đi chợ một lúc thì nguôi ngoai. Tối khuya, Cơ xuống phòng tôi bảo: Mày biết sao không? Từ tối giờ tao phải xoa vết đánh của mày để con gái khỏi tủi thân đấy. Mày đánh nó như thế khác gì đánh vào da vào thịt mày không? |
Chồng chị, nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là một trong những nhà điêu khắc gây ấn tượng nhất thế hệ của mình. Dù về mặt thương hiệu cá nhân tại Việt Nam, anh không nổi tiếng nhưng lại được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Một họa sĩ trong nghề nói rằng, anh Cơ cực đoan tới mức đóng toàn bộ cánh cửa của xã hội, tự nhốt mình và chửi rủa. Thậm chí trong triển lãm có người chìa tay ra làm quen, thì Cơ lại rụt vội tay vào túi, hất hàm: Ông nghĩ ông có những tác phẩm nào mà dám bắt tay tôi? Chồng chị là một người rất điên, rất cực đoan. Chị có thực sự hiểu được những ẩn ức của chồng?
Cái đó tôi không thể hiểu nổi. Cơ dứt khoát không đi làm ở cơ quan nào, từ nhà nước tới tư nhân. 18 tuổi Cơ bắt đầu đi làm công nhân ở xí nghiệp do bố làm giám đốc, sau đó đi bộ đội. Từ khi học Yết Kiêu năm 1990 cho đến giờ toàn làm việc ở nhà. Có lẽ đồng chí ấy ghét sự ê a của cơ quan Nhà nước.
Tôi đánh giá Cơ rất cao ở sự chăm chỉ, miệt mài. Cơ ngồi ở nhà lọ mọ làm một mình, có quyền chơi lúc nào thì chơi, hứng lúc nào thì làm. Nhưng hầu như Cơ làm hết thời gian, say mê công việc kinh khủng. Cơ một mình lọ mọ sắm tất cả đồ nghề. Có những khối đá to kinh khủng, 5, 6 người mới khiêng nổi mà vẫn tự làm.
Lần bị tai nạn, cưa cắt đứt cả 5 đầu ngón tay, Cơ lấy giẻ quấn, chạy sang hàng xóm nhờ. Hàng xóm chẳng có vải, bèn lấy quần áo mềm của mấy đứa trẻ quấn cho Cơ. Lúc đấy đến bệnh viện, bác sĩ bảo nếu không khéo phải cắt hết 5 đầu ngón tay. Nhưng may là da Cơ lành, cuối cùng cũng khỏi, phải mất hàng tháng trời. Sau đó khỏi, Cơ lục tất cả quần áo cũ của con cái đem cho ông hàng xóm, chỉ vì sống ngay cạnh mà không biết người ta nghèo thế nào, đến lúc cấp cứu mới thấy không còn gì để xé ngoài cái quần của con họ.
Anh Cơ có đọc tác phẩm của chị không?
Có nhưng không đọc nhiều. Hắn hiểu, nhưng cứ câng câng: Viết thế thì đeo mo vào mặt.
Làm văn chương thì cần nhiều tưởng tượng. Mà tưởng tượng lắm thì dễ bị “say nắng”. Anh Cơ có bao giờ nghĩ trong tưởng tượng của vợ mình có người đàn ông không?
Có chứ. Cơ nói: Mắt không thấy là tim không đau. Còn ông mà bắt được thì chúng mày chết. Sau đó chuyện này chuyển thành câu chuyện hài hước trong gia đình. Vợ chồng tôi chưa bao giờ cãi vã nhau vì người thứ ba.
Cái lõi của bánh xe hạnh phúc
Lời người viết: Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, tác giả cuốn “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ”, khi biết nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là chồng của Y Ban, lặng lẽ ngồi một góc khách sạn Sofitel. Đến gần 12 giờ đêm xin được điện thoại Y Ban, chỉ gọi điện nói một câu: Chào Y Ban, mình là Minh Ngọc đây. Sao Y Ban được nhiều thứ thế?
Có thật Y Ban được nhiều thứ thế? Cá nhân tôi không nghĩ vậy. Chẳng phải bỗng dưng người đàn bà luôn nghĩ “mình xấu thì không có quà” này lại có quá nhiều món quà trong cuộc sống. Y Ban không bao giờ có được sự tự do tuyệt đối trong sáng tác. Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ cũng vậy.
Y Ban chỉ biết tới khái niệm điêu khắc động mà không biết tới quan điểm mỹ học của chồng, cũng như anh Cơ không bao giờ hiểu được tính đàn bà trong văn chương Y Ban. Thế giới nghệ thuật của hai con người này không bao giờ gặp nhau, nhưng chính vì lẽ đó mà họ không có những cuộc cãi vã vô nghĩa vì nghệ thuật. Điều này thật may mắn!
Hơn nữa, mọi thứ có thể xoay chuyển, nhưng cái lõi của bánh xe hạnh phúc – hai đứa con là hằng số không bao giờ thay đổi. Cho dù nhà điêu khắc trong khi say ngất có quay đầu vào tường mà khóc với Y Ban rằng “Bố mày lấy mày đời khổ quá!”, thì họ vẫn chẳng thể bỏ nhau để bớt khổ. Số phận đã trói buộc hai kẻ thét ra lửa dưới gầm trời này, âu cũng là minh chứng hiếm hoi cho sự bền vững của một đôi vợ chồng nghệ sĩ.
—
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại