NHÀ VĂN LÀ GIỐNG…GÌ?
NGUYỄN XUÂN HƯNG
Nhà văn là giống… gì?
Mấy hôm nay ồn ã lên chuyện nhà văn, Hội Nhà văn… Đến nỗi mình đi đâu cũng bị hỏi: Anh đã ra khỏi hội chưa? Như thế là thế nào? Chán chả buồn nói. Cho đến hôm nay, leo lên tacxi, anh tacxi buông một câu: Nhà văn là… là giống như gì, cháu không hiểu, chú giải thích cho cháu nghe.
Tôi bèn ưỡn ngực bảo: Giống như tôi đây.
Lái xe: Chú cứ đùa.
Tôi lại bảo: Giống như cậu
Lái xe cười ầm lên.
Về nhà bèn viết bài sau đây.
1. Tại sao có 20 nhà văn đang xin ra khỏi hội? Hai chục thì ầm ĩ, mà một nghìn thì cứ lặng như không? Những nhà văn ra tuyên bố thì rất ngắn gọn, còn các người chầu rìa thì tán tụng người ra, phỉ báng người ở, nói dài dòng ghê gớm lắm? Ai bức xúc thì cứ, còn tôi thì ok. Không phải ok vì các bác ra hay ở, mà là xã hội nước ta đã chập chững dân chủ đến mức có thể ăn nói tự do đến thế là cùng. Hoặc nói thật sát thực tế là: Nhờ có Internet mà chúng ta đang thực hành các quyền dân chủ.
Nói nghiêm túc, về các nhà văn đã tuyên bố ra khỏi Hội, cho đến nay, tôi cho rằng họ chỉ… dỗi thôi. Chắc chắn cho đến hôm nay các nhà văn ấy vẫn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhé. Bởi vì Điều lệ Hội có quy định như vậy. Khi các bác vào Hội, không nhiều thủ tục, nhưng cũng không đơn giản là bác “ra tuyên bố” là thành hội viên. Phải có đơn từ, có xét kết nạp (trừ mấy bác hội viên sáng lập từ 1957). Trong đơn thì bác cam kết tuân theo nội quy quy định của Điều lệ Hội cơ mà. Lễ thường, cơ quan nào xét vào, thì cơ quan ấy chính thức phê cho bác ra. Bác nên nộp đơn vào chỗ Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Hoa, rồi Ban chấp hành ra một cái nghị quyết cho bác… thôi. Thế mới đàng hoàng, đúng pháp lý. Nay các bác có tuyên bố gì thì “cơ quan có thẩm quyền” cũng không biết (hoặc coi như không biết). Ai quy định các lãnh đạo phải tham gia hoặc biết đến mạng xã hội?. Dĩ nhiên tôi tin rằng sẽ đến thời mà người vào cũng như người ra không còn chặt chẽ nhiêu khê như trước nữa, có phải công chức viên chức gì đâu, Hội mà.
2. Nói thế là để… nói. Chứ còn các bác đã có ý ra tuyên bố rồi, thì còn pháp lý với pháp lẽ gì nữa. Không thích thì thôi. Hội mà. Nhưng có lẽ chính các bác lại không thích đơn giản, nên mới gây sóng trên một chén nước trà, khuấy động dư luận. Ở đây có 2 câu chuyện, một là pháp lý, hai là đạo lý. Các bác tham gia Văn đoàn độc lập, các bác đã tính rất kỹ. Việc vận động Văn đoàn độc lập mới chỉ là vận động. Tức là các bác chỉ nhân chuyện xin Bộ Nội vụ lập Văn đoàn, mà bày tỏ sự bất đồng với lãnh đạo Hội mà thôi, về lý mà nói, các bác không bỏ Hội Nhà văn và bởi vì ai cũng biết, Bộ Nội vụ không bao giờ cho phép các bác ra đời cái tổ chức ấy. Về pháp lý, lãnh đạo Hội cũng không có động tác gì chính thức phê phán các bác được, và thực tế đã xảy ra như thế. Nhưng cả các bác và ai cũng biết, lãnh đạo Hội sẽ có thủ thuật để nói cái chính kiến của họ, và không bao giờ họ thích việc vận động Văn đoàn của các bác.
Vừa qua, tại Hội nghị khu vực TPHCM, chỉ có ông Lê Quang Trang nói với các hội viên rằng, không nên bầu 9 hội viên đã tham gia Văn đoàn độc lập đi dự Đại hội toàn quốc. Trong một hội nghị, ai cũng có quyền nói, và nói bất cứ điều gì. Về mặt xã hội, tôi lại cho rằng ông Trang thế là đàng hoàng, nói công khai chính kiến của mình. Ơ hay, các bác còn có quyền vận động một Văn đoàn khác, thì ai cũng có quyền phát biểu vận động không bầu cho các bác. Tôi thường tự hỏi: Sao các bác không đứng lên hô hào mọi người hãy bầu cho mình và không bầu cho ông Trang? Nếu các bác làm thế, thì các bác đã chọn một phương pháp bầy tỏ chính kiến đàng hoàng, nghiêm túc, thực hành trò chơi dân chủ. Bởi vì dù ông Trang hay ông Thỉnh cũng chỉ là ý kiến cá nhân ở một diễn đàn, cuối cùng thì chỉ có lá phiếu hội viên là quyết định chứ. Nhưng các bác (vận động) Văn đoàn độc lâp lại lấy ý kiến ông Trang làm lý do để tuyên bố ra khỏi hội, như vậy các bác lấy một lý do về đạo lý để hành động, chứ không phải lý do về pháp lý. Tôi quan sát và thấy hơi buồn. Tôi vốn kính trọng các bác dũng cảm vận động Văn đoàn độc lập, nhưng cuối cùng thì các bác hóa ra cũng không hiểu hay không chấp nhận trò chơi dân chủ, điều mà các bác vốn cổ vũ để tiến đến tự do. (Ghi chú: Tôi không nghĩ đến các trò chơi chính trị)
Cho nên tôi càng có lý do nhận định, các bác tuyên bố ra khỏi hội không có mầu sắc nghiêm trang, nó chỉ là vấn đề chấp nhặt về tình cảm mà thôi. Cho nên tôi bảo các bác tuyên bố gì đó ra khỏi Hội Nhà văn chỉ là… dỗi mà thôi.
3. Trong số các bác tuyên bố ra khỏi Hội, có nhiều bác tôi rất kính trọng, có một vài bác là bạn thắm thiết của tôi. Nói ngay, không vì chuyện các bác tuyên bố ra hội, không vì chuyện tôi phân tích lạnh lùng như trên mà tôi thôi kính trọng và yêu mến một số bác như trước. Dư luận có trò chơi của dư luận, họ không thể biết, trong số các bác vận động văn đoàn, có bao nhiêu bác đã hưởng lợi từ việc là Hội viên, đã đi nước ngoài, đã nhận trợ cấp sáng tác? Còn trong số hội viên hiện nay, bao nhiêu người không hề được một chút lợi ích gì như các bác, không một đồng nào, mà chăm chỉ làm lụng và sáng tác. Nhưng đó lại là một câu chuyện nghiêm túc khác không nói ở đây. Dư luận không cần nghiêm túc, ví như những kẻ chầu rìa mấy hôm nay đã thóa mạ vơ đũa cả nắm hơn 1000 hội viên nhân việc 20 hội viên tuyên bố bỏ Hội Nhà văn.
4. Chúng ta đều là nhà văn, ai cũng muốn như các bác cứu vãn nền văn học. Nhà văn là… giống gì? Theo tôi, đại khái cũng chỉ như cánh lái xe tham gia Hội Tài xế, ai cũng muốn lái xe mượt. Các nhà văn thì có sự nghiệp khác nhau, như các tài xế lái các loại xe khác nhau, trên những con đường khác nhau. Nhà văn cũng có nỗi buồn, như tôi, chỉ buồn dạng vừa vừa như nỗi buồn của tài xế, sao hội mình lại có nhiều ông chỉ có bằng lái xe đút trong túi, chứ khi bảo lái xe thì đố dám lái, hệt như chuyện có nhà văn nổ to tướng, dư luận ai cũng bảo nổi tiếng, mà chả viết gì lâu rồi hoặc thậm chí cũng chả biết họ viết gì, đến nói cũng chả hiểu nói gì. Thôi thì mình cứ cặm cụi viết, như là anh tài xế Hội viên Hội lái xe hì hục lái xe ở một cung đường quạnh hiu nào đó, không nên có cái bằng lái xe đút túi rồi chả lái xe gì. Thật là một nỗi buồn tầm thường, dạng… vừa thôi. Nếu là dạng không phải vừa đâu thì đã chả là nhà văn làm gì cho mệt.