- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
NHỮNG TÂM SỰ NGHỀ ĐỘC ĐÁO
CỦA MỘT SỐ NHÀ VĂN
Nhà thơ PHẠM KHẢI
Nhân dịp Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, NXB Hội Nhà văn đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”. Sách dày 1.296 trang, khổ 16x24cm, giới thiệu ảnh, tiểu sử, danh mục tác phẩm cùng tâm sự về nghề của trên 900 nhà văn là hội viên (và một số tuy chưa phải hội viên nhưng đều là những tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại từ 1945 tới nay).
Cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” là một tập sách quý, rất hữu ích với bạn đọc trong việc tra cứu, tìm hiểu những tác giả, tác phẩm mà mình quan tâm, yêu thích. Bản thân tôi, qua lời tâm sự về nghề của các nhà văn, cũng tìm thấy ở đây những câu chuyện vui vui và cả những… kỷ lục.
Người đánh giá cao sứ mệnh và thiên chức nhà văn nhất chính là nhà văn Đào Thắng, tân Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Với ông, nhà văn phải “mang tầm vóc thượng đế”. Trong mục “Suy nghĩ về nghề văn”, ông thổ lộ: “Một số nhà văn ví mình với chúa hay thượng đế, còn tôi, tôi nghĩ nhà văn phải mang phẩm chất Người nhất và mang tầm vóc thượng đế”.
Với nhà thơ trẻ người dân tộc Mường Bùi Thị Tuyết Mai thì nghề văn đã đem lại cho chị một sức mạnh vô song. Trong “Suy nghĩ về nghề văn”, chị bộc lộ cảm xúc: “Nghề văn làm cho mình trẻ đẹp và sống lâu muôn tuổi”.
Người thất vọng nhất về năng lực văn chương của mình (hoặc giả chỉ là một cách nói nhún nhường?) là nhà văn Cao Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ở trang 66 của cuốn sách, anh tâm sự: “Trước lúc làm văn tôi làm rất nhiều nghề. Những nghề đó càng làm tôi càng thấy mình có tài, riêng nghề văn càng làm tôi càng thấy mình vô tài”.
Nói về nhà văn, nghề văn, nữ văn sĩ Hà Khánh Linh có một so sánh rất… kỳ, ấy là so sánh nó với “kẻ nghiện”, với “chất gây nghiện”. Tất nhiên, so sánh để mà cho thấy sự khác biệt. Trong “Suy nghĩ về nghề văn”, chị nhận xét: “Khi đau khổ, tuyệt vọng – một số người tìm tới chất gây nghiện, cuộc đỏ đen… Còn nhà văn thì tìm tới cây bút và trang viết. Sự hưng phấn của kẻ nghiện khác với sự thăng hoa trong tâm hồn nhà văn khi sáng tác ở chỗ này. Một bên là tự tàn phá cuộc đời, hủy hoại nhân cách và làm khổ cho rất nhiều người, còn bên kia thì ngược lại”.
Nhà thơ Duy Phi, trước khi “cảm ơn thơ đã cho tôi hơn tôi nhiều lắm” đã ví việc làm thơ như “đi theo vết con lừa”, và mình “già lừa ưa nặng” khi “chọn nghiệp văn chương”.
Ít nhất có hai nhà văn khẳng định nếu mình không viết thì coi như… không sống. Nhà văn Mạc Can, trong “Suy nghĩ về nghề văn” đã khẳng định: “Nếu không viết tôi sẽ chết”. Còn nữ nhà văn Anh Đào thì cho hay: “Khi tôi còn sáng tác là tôi còn muốn sống”.
Là hội viên Hội Nhà văn nhưng “chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ, nhà văn” – đó là tâm sự rất thật của nhà thơ Lê Điệp và nhà văn Ngọc Tự. Nhà thơ Lê Điệp sáng tác không nhiều và sự khiêm tốn sau đây của ông thật đáng nể trọng: “Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Với tôi, những danh xưng ấy thiêng liêng lắm”. Nhà văn Ngọc Tự cũng giãi bày một cách thật giản dị: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà văn, chỉ nghĩ là bộ đội, chính trị cần gì thì mình viết cái đó, viết để phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân góp phần chiến thắng”.
Nhận xét khe khắt nhất về mình có lẽ vẫn là nhà văn Lê Lựu. Trong “Suy nghĩ về nghề văn”, ông tâm sự: “Tôi là người ít học, ít đọc, vì lười nghĩ ngợi… Tôi không thể viết được nếu không bám vào sự thật”. Ở góc độ khác, nhà văn Nguyên Bình cũng có “kiểm điểm” nghiêm khắc: “Tôi không có duyên nghiệp văn chương. Tôi là một trong số những nhà văn luôn tự kiểm duyệt theo các tiêu chí, khái niệm, quy ước không thành văn. Tôi luôn hổ thẹn với độc giả, nhân dân mình”. Nhà văn Nguyễn Văn Toại, trong “Suy nghĩ về nghề văn” cũng nhận thấy: “Văn chương là một trong những đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Sau gần nửa thế kỷ cầm bút, tôi thấy mình vẫn còn đang ngoi ngóp ở dưới đáy”. Nhà văn Phan Cao Toại thì khẳng định: “Tôi không thuộc lớp người tài năng vì thế tôi sẽ cố gắng lao động để có những tác phẩm có giá trị, phục vụ bạn đọc”. Nhà văn Tô Đức Chiêu, cũng giống như Phan Cao Toại, khẳng định thẳng tưng là mình “không có tài năng”, thậm chí ông còn tiết lộ: “Giá năm nay chừng mới bốn mươi tuổi tôi nhất định sẽ chuyển sang nghề khác”. Nhà thơ người Thái Lò Văn Cậy thành thật: “Mấy chục năm gắn bó với thơ nhưng dường như chưa thực sự biết làm thơ”.
Nhiều nhà văn nhắc đến sự hy sinh, thậm chí là sự “trả giá” khi chọn nghiệp văn chương, nhưng có lẽ không ai đặt vấn đề “trả giá” nghiêm trọng đến như nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn. Ấy là khi ông cho hay: “Nghề văn là một nghề nhọc nhằn, cay đắng và sang trọng. Muốn có được sự thành đạt đều phải trả giá. Bằng chính thân phận và cuộc đời mình. Thậm chí cả gia tộc mình”. Cứ cảm tưởng như Nguyễn Anh Thuấn muốn nhắc nhở mỗi nhà thơ nhớ đến thân phận của… Ức Trai tiên sinh.
Cũng tương tự trường hợp Nguyễn Anh Thuấn, nhà văn Sỹ Tiến cũng thể hiện tình yêu tột cùng của mình với văn chương nghệ thuật qua lời nhắn nhủ: “Nếu tôi chết, đừng chôn tôi. Hãy căng da tôi lên mặt trống, để tôi luôn được gần sân khấu, sống không khí nghệ thuật mỗi ngày”. Nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh thì lại cho rằng: “Đôi khi phải mài nhan sắc để được những câu thơ đến với người đọc và ở lại trong lòng họ”. Nữ thi sĩ Đoàn Thị Lam Luyến cũng chung một quyết tâm như vậy khi quả quyết: “Đã đi vào nghiệp văn chương phải dấn thân và hy sinh nữa. Để có “nhan sắc” cho thơ, người viết dám mất đi nhan sắc của chính bản thân mình”.
Nhà văn Lê Thuần Thảo thì nhận thấy nghề văn nguy hiểm như nghề lái máy bay: “Nghề văn như nghề lái máy bay, nó ẩn chứa rất nhiều rủi ro”. Nhà văn Nguyễn Minh Hồng, với tư chất của một bác sĩ, cũng đã cho rằng: “Nghề văn là một nghề không phải ai muốn có cũng có được” và người viết phải nhập vai đến mức “có khi phải chảy cả nước mắt hoặc tức giận tưởng chừng vỡ tung trái tim mình khi cầm bút”.
Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu lại thể hiện một nỗi “sợ” khác khi nghĩ tới nghề văn. Ấy là khi ông đã giác ngộ được cái khó của nó: “Càng đọc càng sống nhiều, càng chới với, hẫng hụt. Cho nên, tuổi càng lớn, tôi càng viết ít đi, và cố gắng viết thật ngắn. Tôi sợ phải đăng thơ mình trên sách báo” .
Nhà văn Nguyễn Thế Tường coi nghề văn là một nghề “khó khăn và bất hạnh”. Tuy nhiên “Biết khốn khổ và bất hạnh, tôi cũng hướng các con mình vào nghề văn, dù rẻ rúng cũng đủ tiền mua gạo, khoai, củi đốt và áo quần…”. Có lẽ, đây là định nghĩa về nghề vừa bi quan vừa lạc quan?
Nhiều nhà văn than phiền rằng văn chương là một nghề thậm khó, không ai học được ai. Có khi càng khôn ngoan, hiểu biết lại cáng khó viết. Trong khi ấy, qua tâm sự của nhà văn Nguyễn Đình Lâm, ta thấy anh thật là người chịu học, có lẽ là chịu học nhất trong các nhà văn Việt Nam khi anh cho biết, anh “vẫn đọc và tự học kinh nghiệm viết văn của các nhà văn Việt Nam và các nước bạn”. Thật hiếm ai làm được như ông nhà văn hiện là Chủ tịch Hội Võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga này.
Nhà văn Nguyên Hùng, trong “Suy nghĩ về nghề văn” yêu cầu: “Nhà văn phải có sinh ngữ, ít nhất là hai, mới tự nâng nghiệp vụ ngang với chức năng “Kỹ sư tâm hồn” được”. Nếu Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VIII áp dụng quy định này thì hẳn sẽ hạn chế được phần nào cảnh tượng người người đổ xô làm đơn xếp hàng xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa, sau khi khẳng định: “Thơ là cõi thiêng, cõi thờ. Người viết phải ký gửi vào đó không chỉ tâm hồn mà còn cả số phận mình” đã cho rằng “Văn đức là việc trọng”, và việc trau dồi nó phải được thực hiện “cả khi thức lẫn khi ngủ”.
Người ta vẫn nói, điều quan trọng nhất của nhà văn là tác phẩm. Nhà văn khác với mọi công dân khác là để lại tác phẩm, song với nhà văn Đỗ Bảo Châu, quan điểm của ông hơi khác. Theo ông: “Đối với nhà văn – theo tôi nghĩ – để lại nhân cách cũng là tác phẩm”.
Định nghĩa về thơ “kêu” nhất, “trang hoàng” nhất, “đậm đặc” nhất có lẽ là cách định nghĩa của nhà thơ Lê Khánh Mai: “Thơ là nước mắt, tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi, nỗi ẩn ức tiền kiếp, niềm ký thác với muôn sau; là vẻ đẹp của tình yêu, ánh sáng trí tuệ và thế giới tâm linh, được biểu đạt bằng thứ ngôn ngữ giàu tín hiệu thẩm mỹ, giàu hình tượng, nhiều dư vang, lạ lùng, mới mẻ, đôi khi nhòe mờ, quái đản, đầy ma lực làm đắm say và bừng ngộ con người”.
Có hai định nghĩa về nghề được xem là ngắn nhất là định nghĩa: “Khó, rất khó” của nhà thơ Nguyễn Duy và “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” của nhà thơ Lê Quang Sinh. Một đằng được xem là… khiêm tốn và một đằng được xem là chưa được khiêm tốn cho lắm (bởi rất ít người dám nói như thế).
Như vậy, chỉ sơ qua tâm sự của một số nhà văn, ta đã thấy có những “kỷ lục” phát ngôn đáng nhớ
Nguồn: Báo Văn nghệ Công an