Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, một người vào Hội NV…

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

MỘT NGƯỜI VÀO HỘI NHÀ VĂN

NHANH CHÓNG

 

Bài viết của Nhà văn HOÀNG ĐÌNH QUANG


Các nhà thơ (trái qua): Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Lê Khánh Mai, Phạm Dạ Thủy, Phương Nhâm, Nguyễn Lập Em, Ngọc Bái, Song Hảo – Tại Đại hội Nhà văn VN VIII, tháng 8/2010

Từ sau khi HNV VN công bố danh sách hội niên mới được kết nạp năm 2007, dư luận trong và ngoài giới rộ lên, chủ yếu là xung quanh vấn đề “xứng đáng” của những hội viên (mới và đã vào rồi) Hội nhà văn Việt Nam. Phần nổi rõ nhất trong dư luận (chủ yếu là trên mạng, các forum và blog) là: sự không công minh, thậm chí nhập nhèm trong việc xét kết nạp hội viên.

Tôi không có ý kiến gì về chuyện đó vì nó có nhiều phần đúng. Một lần, một ông trong Hội đồng văn xuôi hỏi tôi: Có gửi gắm gì không? Tôi bảo không. Ông ta cho biết: trong danh sách ông giới thiệu với Hội đồng (để Hội đồng giới thiệu lên BCH) là 25 người, trong đó chỉ có… 01 (không một) người là do ông giới thiệu, còn lại đều do gửi gắm.

Tôi xin kể về một hội viên mới, mà tôi chứng kiến từ trước khi chị viết đơn vào hội, cho đến khi chị được kết nạp. Đó là chị Nguyễn Thị Ánh Huỳnh., một hội viên vừa được kết nạp cuối năm 2007.

1-Khoảng gần cuối năm 2005, tôi nhận được một tập bản thảo  thơ. Không biết tập bản thảo này đã ở đâu, đi những đâu, nhưng đến tôi nó đã ngả màu vàng. Tập bản thảo không có tên, mà chỉ có tên tác giả và số điện thoại. Tôi đọc xong, thấy khá hay, có nhiều bài, nhiều ý rất hay. Mấy ngày sau tôi gọi điện cho tác giả. Chị tên là Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, ở quận 8, TP Hồ Chí Minh. Tôi nói với chị là tập thơ in được, nhưng cần phải đặt cho nó một cái tên. Chị hỏi tôi có phải là người làm thơ hoặc sáng tác không? Tôi bảo: tôi làm xuất bản. Mời chị cho một cái tên.

Hoá ra Ánh Huỳnh là hội viên Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi không biết nhau. Chị băn khoăn đưa ra một cái tên: Nốt trầm không ký âm. Tôi bảo không được. Và đề nghị với chị là: trong này có một bài thơ có câu Không dám tắt đèn, ta lấy câu đó để làm tên bài thơ và lấy bài thơ đó làm tên cho tập thơ. Vì tôi thấy, toàn bộ tư tưởng tình cảm của tập thơ rất hợp với cái tên mới này. Chị đồng ý. Và sau đó tập Không dám tắt đèn được in ra.

Tết năm Bính Tuất (2005-2006) tôi ra Hà Nội và đem theo 10 cuốn KDTĐ, mà chị Ánh Huỳnh nhờ tôi tặng các bạn ngoài đó. Tôi gặp ông Hữu Thỉnh, khi ông tặng tôi cuốn Thương lượng với thời gian, tôi mới nhớ ra là mình không đem theo tập thơ của Ánh Huỳnh. Tôi đến Hội nhà văn và để nguyên 1 gói 10 cuốn nhờ anh Đào Thắng gặp ai thì tặng dùm.

Năm sau, ông Lê Văn Thảo gửi giấy cho tôi đề nghị giới thiệu những tác phẩm in trong năm 2005 để Hộ NV TP HCM xét giải. Tôi giới thiệu KDTĐ. Năm đó tập thơ này được tặng thưởng (hạng 2) của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Cũng lúc đó, Ánh Huỳnh hỏi những ai nữa tôi không biết, nhưng chị hỏi tôi: Có nên làm đơn vào Hội nhà văn Việt Nam chưa? Theo tiêu chuẩn vào Hội là phải in 2 tác phẩm, trước đó chị đã in một tập (Giọt mưa bất chợt – NXB Văn Học). Tôi không chắc lắm, nhưng với tài thơ của chị, tôi bảo: cứ làm đi. Làm đơn lại phải nhờ người giới thiệu. Tôi không biết ai giới thiệu chị, nhưng có chuyện là một trong hai nhà thơ vốn bất đồng ý kiến với nhau đã khước từ lời nhờ vả của Ánh Huỳnh.

Đơn gửi đi và chị được vào Hội. Có lẽ là một kỷ lục ở miền Nam, chỉ thua Nguyễn Ngọc Tư.

2- Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh vốn là một cô giáo dạy văn cấp 2, cư trú tại quận 8. Những năm 80, đời sống khó khăn, một nách 3 con nhỏ, chị đã nghỉ dạy để ra bán muối ở chợ Hoà Hưng. Năng khiếu và lóng đam mê thơ ca của chị đã bị cuộc sống khốn khó phong toả. Chỉ những lúc về khuya, những cảm nhận đời sống qua sự nhạy cảm của sợi dây đàn tình cảm thi ca mới lại được trỗi dậy. Chị âm thầm làm thơ, bên cạnh công việc bươn bả nuôi dạy con. Hai con trai chị học xong đại học, chị in tập thơ đầu tay. Đó là lúc chị trở thành hội viên Hội NV TPHCM.

Không dễ gì tin nổi, một người đàn bà bán bánh mì mà có nhiều nhạc sĩ đến để… đặt hàng lời bài hát. Chị đã phải giấu chồng con, đem những tờ giấy có lời bài hát (như những lời thư tình) ra ngoài đầu đường để trao cho các nhạc sĩ nhận về 300, 500 ngàn đồng, nuôi con, trả nợ… Thơ chị in trên các báo, trong Nam, ngoài Bắc, Trung ương, địa phương… không chỉ nhằm để giới thiệu mình, mà còn vì nhuận bút. Chị có 3 người con, 1 dạy ở trường Đại học, một đã đi làm, còn cô gái út đang học đại học kiến trúc. Và không biết từ đâu, chị được mời làm giám khảo phần văn thơ cho cuộc thi “Sống khoẻ, sống đẹp, sống có ích” một chươnhg trình dành cho người cao tuỏi cuả Đài truyền hình VTV3.

3-Tôi kể những điều trên đây, chỉ để nói rằng: Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chỉ biết làm thơ, mà chưa hề biết làm nhà thơ. Từ việc đặt tên cho cuốn sách, giao tiếp với các “thi sĩ” đến việc làm đơn, nhờ người giới thiệu… chị đều rất lúng túng. Một người đàn bà hầu như chưa ra khỏi Sài Gòn, ngoài quê chị ở Cần Giuộc, Long An. Một lần duy nhất cuối năm 2005 được đi dự trại viết Vũng Tầu, thì 3 ngày sau đã phải về, vì… nợ tiền mua nhà. Nói đúng ra, chị cũng có quen biết một vài nhà văn, nhà thơ, (trong đó có cả tôi) nhưng trong mắt họ, chị chỉ là… kẻ ngoại đạo, đến sau.

Vậy mà chị làm đơn là được vào hội liền. Sao thế? Tôi cho rằng: chị có tài, thơ chị rất thơ.

Tôi nghi ngờ rằng: nhiều phần trăm số hội viên được kết nạp (năm nào cũng có) là gượng ép, chiếu cố, du di và… lop-bi hành lang. Nhưng tôi cũng biết, có những phần trăm thật sự có tài. Có tài thì đương nhiên, không phải e dè gì cả, dù anh chẳng hề thành thạo cửa nẻo các ông hội đồng, bà chấp hành.

H.Đ.Q.

 

Dưới đây xin giới thiệu 2 bài thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh rút từ tập Không dám tắt đèn

 

Không dám tắt đèn

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

 

Không dám tắt đèn

Không dám khép cửa

Sợ trong chấp chới hơi men

Loằng ngoằng lối quen

Anh đi lạc

 

Em bỗng thành kẻ lưu dân

Tá túc vào đời mình

Những lần anh đổi khác

 

Thế giới chúng mình đây

Nỗi chờ đêm làm thức dậy ban ngày

Tiếng gió tiếng chó

Dựng một hàng rào đen

Em – người nữ tu không tìm thấy thánh đường

Cầu kinh đọc lầm thầm trước ngõ

Nguyện cầu cho – tiếng – xe – say

 

Những người đàn bà làm như không biết khóc chỉ quen cười

Giữ đất cho bằng để người đàn ông nhớ

Mà quay về

Còn người đàn bà phải bám vào gì

Để đi qua

Miệng vực ?

 —————————————————————–

KỂ ĐI EM

NỖI NHỚ SAO KHUYA

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

Ngày lên đường gởi bến sông
Giấc mơ mười tám chị trông giữ dùm

 

Đạn bom dài mấy đời người
Mà thôi vắn tắt một lời cũng xong
Ngày lên đường gởi bến sông
Giấc mơ mười tám chị trông giữ dùm


Mười năm nắng sóc gió phum
Cột biên giới đếm từng lùm lá cây
Quê nhà phía khói thuốc bay
Sợi tan theo sợi còn cay mắt mình

 

Thương thằng bạn phút hy sinh
Nắm tay: “Gởi giúp gia đình ba lô !”
Từ đây trọng lượng vai thồ
Nặng thêm bóng những nấm mồ không bia


Chẳng mưa trời cũng đầm đìa
Rót từ nỗi nhớ sao khuya rót về
Đắp chung cái lạnh sơn khê
Đêm vơi vơi giấc mộng quê lại đầy

 

Phố giờ chim đậu sum bầy
Còn ai sinh tử nằm ngoài họ tên?
Lật tìm màu áo xanh quên
Thấy từ thớ vải mọc lên cánh rừng …