Nguyễn Hoàng Đức ….cái gì cũng nhất

Phần 2. 
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC – DÂNG HIẾN VĂN CHƯƠNG –
NGHỆ THUẬT… CÁI GÌ CŨNG NHẤT
Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH
S.N.M:
Nhiều người đọc phần 1, kêu mình post tiếp phần 2, bận quá nay mới tiếp tục đưa gã dị nhân Nguyễn Hoàng Đức lên “thớt”. Mời các bạn đọc tiếp:

Nguyễn Hoàng Đức coi thường ra mặt và chê ỏng chê eo nền thơ Việt Nam: “Thơ Việt có thể nói có đến 80% là giành cho các cụ già, tổ hưu, hay giám đốc đã làm xong công việc kiếm quyền kiếm tiền, giờ quay sang kiếm tí danh thơ”. Ông bảo: Thơ Việt là lời hát ru à ơi của những hàm răng móm.” Ông mắng các nhà thơ: “Họ không có lý tưởng tự do, bình đẳng bác ái lại chui ra từ tem phiếu. Hơn 90% là vô thần! Tri thức công nông binh về tráng men văn hóa ở trạm cấp cứu Nguyễn Du, còn lại là các cụ tổ hưu đã hết sắc hương!” Ông không coi thơ Đường là hay, toàn là những bài tả cảnh tả tình, khá hơn thì nói được cái chí của người quân tử, và đặc biệt toàn những bài lẻ tẻ, ngắn tũn; không thể gọi là những binh đoàn chữ mà tác giả là thống tướng cầm cây gậy chỉ huy. Thơ với ông phải là trường ca Illiad, và Odyssey của Homer, hay Thần khúc của Dante dài 100 khổ, gồm 14 226 câu thơ. Và ông đã đạt được những điều đó bằng tinh thần sục sôi, không mệt mỏi của mình. Nói có sách mách có chứng, Nguyễn Hoàng Đức nhễ nhại khuân ra xếp cả đống thơ, và chứng minh quyển nào cũng dạt dào tư tưởng: Kẻ hành hương từ đời đến thơ là trường ca mỹ học dài nhất thế giới. Trường ca Đợi… chuyến đò đã lỡ tất nhiên cũng là một bài thơ tình dài nhất thế giới. Điệu kèn cô đơn là tập thơ mang thông điệp tự do tư tưởng… dài nhất thế giới. Thế giới cũng chưa có Trường ca Thần học nào dài hơn Trường ca Thần học “Ngước lên cao” của ông. 
Thơ mới cũng chẳng là cái đinh trong mắt ông: “chỉ là một cảm xúc vừa phải” và ông gạt sang một bên. Còn đại thi hào Nguyễn Du thì ông cho là đạo văn của Thanh Tâm Tài Nhân. “Không có “Đoạn trường tân thanh” thì có Truyện kiều không?” Ông hỏi tôi và ông truy bức tôi phải trả lời ngay: có hay không? và không được kèm theo chữ… nhưng. Vì theo ông câu trả lời rất dễ, cái cần thiết không chỉ trình độ mà còn phải có bản lĩnh to lớn nhất. Theo ông, nhà thơ là phải có nhiều bài, nhiều câu nhiều tập và phải biết viết Trường ca. Không biết viết trường ca coi như chỉ là nhà thơ hạng hai, cũng như nhà văn như Sương Nguyệt Minh chưa in tiểu thuyết thì trong mắt ông cũng chỉ đáng là nhà văn hạng hai hạng ba. Ông bảo: Một câu thơ hay, một bài thơ hay cũng chỉ là túp lều xinh xắn. Trường ca mới là lâu đài đá xanh uy nghi, hùng dũng. 
Nguyễn Hoàng Đức chê văn xuôi Việt không có tư tưởng. Ông bảo: “Tắt đèn, Số đỏ, Chí Phèo, đều là những tác phẩm có chuyện gay cấn.” Ông đọc Nguyễn Huy Thiệp gần hết, nhưng Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu thì chưa. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì ông mới đọc mấy chục trang. Còn tôi, ông hạ mình “ban phước lành” đọc cho một truyện ngắn Dị Hương đã là quá may mắn; tất nhiên đó là việc làm bất bình thường đối với ông. Tôi bảo: Ông là “nhà lý luận phê bình hàng đầu thế giới” không đọc tác phẩm mà dám cả gan định giá nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông nói tỉnh bơ, chân thành, không có ý cao ngạo: “Nhìn cánh én là biết cả mùa xuân”. 
Nguyễn Hoàng Đức viết một chuyên luận về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, và theo ông: Sau khi in chuyên luận ấy thì Nguyễn Huy Thiệp xệp như con dán, ông coi như làm xong nhiệm vụ vinh quang thay thời gian là lấp đất chôn xong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Ông Thiệp không còn lý do gì tồn tại trong tư duy của “nhà lý luận văn học hàng đầu thế giới” mang tên Nguyễn Hoàng Đức. Theo Nguyễn Hoàng Đức, ông đã giải huyền thoại Nguyễn Huy Thiệp và ông cũng quả quyết: “Sau bài của tôi, bữa tiệc của Nguyễn Huy Thiệp chỉ còn là bữa ăn tươi”. Tôi bảo: “Truyện ngắn ông Thiệp vẫn in đều đều, còn cái tiểu luận của ông đòi xóa sổ hộ khẩu văn chương ông Thiệp, thì chẳng ai nhớ và chẳng ai in”. Nguyễn Hoàng Đức bảo: “Không phải bây giờ mà sau này lịch sử văn học phải ghi công tôi đã xóa sạch văn chương Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa và cả nền văn học mậu dịch tem phiếu”. 
Nguyễn Hoàng Đức luôn bảo người tranh luận đề xuất một nhà lý luận giỏi nhất Việt Nam để ông thách đấu. Đưa ra người nào ông cũng bác thẳng thừng, coi họ là lọ mọ, lìu tìu. Ông bảo: “Gọi là có máu mặt như Trần Mạnh Hảo và Đông La hùng hổ ở đâu, chứ gặp tôi, tôi lừ mắt một cái là cóm róm ngay. Tung hoành ngang dọc gì cũng chỉ từ vĩ tuyến 17 trở vào, chớ dại có vượt sông bến Hải ra bắc”. Lúc nào ông cũng ngong ngóng mong Trần Mạnh Hảo, Đông La chạm đến ông là ông vác trùy ra xới. Ở lĩnh vực triết học, đến như Trần Đức Thảo còn dưới cơ ông thì không còn ai đáng để ông đối thoại. Trong “Ký ức lộn xộn về nhà Triết học số 1 châu Á”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Một lần gặp Trần Mạnh Hảo, nhà phê bình mà theo Nguyễn Hoàng Đức là nhà phê bình “cả vú lấp miệng em” nhất Việt Nam, Nguyễn Hoàng Đức chỉ tay vào mặt Trần Mạnh Hảo, tuyên bố: “Nếu ông bước vào sới triết học thì tôi chỉ đập một nhát là nát bét đầu ngay”. Tôi đem chuyện này hỏi Nguyễn Hoàng Đức, ông gật đầu xác nhận với tinh thần bừng bừng thách đấu.
Nguyễn Hoàng Đức chê Mạc Ngôn không xứng đáng đoạt Giải thưởng Nobel và ông viết hẳn một bài dù chưa hề đọc Mạc Ngôn. Theo ông, Mạc Ngôn được Giải thưởng là do Trung Quốc chạy giải. Cả quốc gia chạy giải thưởng Nobel cho Mạc Ngôn. Vì Trung Quốc chưa hề có triết học, chưa hề có tư tưởng, văn chương thiếu hai điều đó thì văn chương không lớn. Nhìn hạt cát biết sa mạc, mùa xuân văn học Trung Quốc đã đì đẹt như thế thì cánh én Mạc Ngôn cũng không bay qua Vạn lý Trường Thành đến với tư tưởng nhân văn nhân loại. 
Trong tư duy của Nguyễn Hoàng Đức, thước đo giá trị văn chương nghệ thuật trước hết là phải dầy dặn, đồ sộ. Sách in là phải có gáy dầy, sách đóng ghim mỏng tang dù hay, ông cũng không thèm để mắt. Hấp dẫn dở hay thế nào tính sau, cứ phải dầy, cứ phải dài, cứ phải đồ sộ đã. Sau đó là tư tưởng, không có tư tưởng chỉ là thứ bèo bọt mua vui ở chốn hề chèo. Gia tài văn học của Nguyễn Hoàng Đức khá đồ sộ, chỉ tính cuốn tiểu thuyết Xứ lưu đầy hơn 2000 trang, tiểu thuyết Ngưỡng cửa làm người 4000 trang chưa in, và sẽ rất khó in; nhưng ông đã nhận phần tiểu thuyết dầy nhất, dài nhất Việt Nam. 
Có thể nói: Sang nhất, dầy nhất, dài nhất…, cái gì cũng nhất… cũng là nét đặc sắc mang tên dị nhân Nguyễn Hoàng Đức. 
(Còn nữa)

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (trái) và dị nhân Nguyễn Hoàng Đức