TẠP CHÍ THƠ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM, SỐ 3 – 2013 ĐĂNG BÀI BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC THIỆN, BÌNH BÀI THƠ TÔI SINH RA TỪ BÙN CỦA LÊ KHÁNH MAI
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
LÊ KHÁNH MAI
TÔI SINH RA TỪ BÙN
Không kịp trở về nhà, sau buổi cấy
Mẹ sinh tôi trên cánh đồng chiêm
Bùn đón tôi bằng bàn tay bà đỡ dịu hiền
Bùn tắm gội tôi sóng sánh
Trong tiếng khóc đầu tiên
Tôi đã nếm vị bùn chát mặn
Như nhánh mạ non
Mẹ gieo xuống ruộng lầy
Chắt chiu từng hạt bùn màu mỡ
Nuôi tôi thành cây lúa trĩu bông
Tôi lớn lên từ bầu sữa thơm ngon
Ủ trong vạt áo nâu của mẹ
Cái vạt áo giấu hương bùn oi ả
Ám ảnh suốt đời một nỗi thương yêu.
Tôi có niềm vui trẻ thơ đầy ắp trên lưng trâu
Con trâu mộng đằm ao bùn lim dim mắt ướt
Phe phẩy chiếc đuôi tinh nghịch
Những vệt bùn tung toé cả trong mơ
Tôi lớn lên không ngờ
Bên những cánh đồng hoai hoai cày vỡ
Líu ríu bước chân đường làng rơm rạ
Cơm mới thơm nức nở ngày mùa
Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà
Những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất
Và nụ hôn đầu đời trắng trong, ngây ngất
Đẫm hương đồng đã tái sinh tôi.
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC THIỆN
BÀI THƠ VỀ LỚP LỚP CON NGƯỜI
Ai cũng có một nơi xuất thân. Mà nơi xuất thân của người Việt Nam mình phần đông là ở những vùng thôn dã. Ở đấy có luỹ tre, gốc lúa, bờ ao, con cò, con vạc… Hình ảnh con người Việt Nam từ ngàn đời nay luôn luôn gắn liền với những vùng quê yên ả nhưng vất vả lo toan. Bởi thế khi đọc bài thơ “ Tôi sinh ra từ bùn” của Lê Khánh Mai, tôi ngẫm ra được nhiều điều, về ý thơ, tứ thơ và sự lan trải của bài thơ.
Bắt đầu từ câu:
“ Không kịp trở về nhà, sau buổi cấy
mẹ sinh tôi trên cánh đồng chiêm”
Hoàn cảnh ấy chỉ có thể xảy ra đối với một người đàn bà lo toan chăm chỉ với gia đình. Siêng năng đến mức đến ngày ở cữ vẫn chưa muốn ngưng nghỉ công việc. Mà lại là công việc vất vả cực nhọc “Cấy lúa trên đồng”. Vì thế mà đứa trẻ đã được sinh ra ngay trên rãnh lúa của mẹ. May mắn cho đứa trẻ và cũng là may mắn cho người mẹ. Bùn đất quê nhà đã đón đỡ và ngay từ giờ phút đầu tiên làm người, đứa trẻ đã được ấp iu từ những hạt bùn mát và mịn của đồng quê:
“bùn đón tôi bằng bàn tay bà đỡ dịu hiền
bùn tắm gội tôi sóng sánh
trong tiếng khóc đầu tiên
tôi đã nếm vị bùn chát mặn”
Mở đầu cuộc hành trình làm người của đứa trẻ là như vậy. Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa đen của bài thơ thì đây là một trương hợp đẻ rơi. Mà đã đẻ rơi thì sinh mạng đứa trẻ kia thật mong manh. Nhưng chính từ giây phút mỏng manh đó mà ý tưởng lớn lao của bài thơ đã xuất hiện, đó là sự mang ơn sâu sắc với bùn đất quê nhà. Bùn ấy hôm nay đã nâng đỡ cho đứa trẻ ra đời, nhưng trước đó, có bùn mà nên đồng đất quê nhà, có hoa thơm, có lúa chín và có cái no, cái ấm cho con người. Rồi sau đó nữa cũng chính từ bùn mà người mẹ tiếp tục công việc gieo hái. Lo nuôi con mình khôn lớn nên người. Lẽ tồn tại của bùn càng thuyết phục hơn:
“ Tình yêu tôi ngát hương cỏ mật, cỏ gà
Những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất
Và nụ hôn đầu đời trắng trong, ngây ngất
Đẫm hương đồng đã tái sinh tôi.”
Bắt đầu từ đây, Lê Khánh Mai đã khắc hoạ rõ nét hơn số phận của con người, mà số phận ấy gắn liền với bùn đất quê hương. Đó là giọt sữa mẹ chắt ra từ những hạt lúa lớn lên từ bùn. Là sự vất vả của mẹ trên đồng ruộng và giữ lại cái mùi mô hôi quen thuộc trên tấm áo chắn gió, chắn rét cho con. Cũng không thiếu kỷ niệm ngày thơ ấu cùa đời người trên cánh đồng quanh năm lóng lánh những hạt bùn sóng sánh… Tất cả đã tạo nên vóc dáng của một con người, mà ở đó có nhân cách của con người sinh ra từ bùn, lớn lên từ bùn:
“ Tôi lớn lên không ngờ
Bên những cánh đồng hoai hoai cày vỡ
Líu ríu bước chân đường làng rơm rạ
Cơm mới thơm nức nở ngày mùa.”
Lê Khánh Mai đã tận dụng cái thế rất mạnh của thơ để lột tả sự lớn lên mạnh mẽ của con người. Trong sự lớn lên ấy không tách rời với những gì mà quê hương ta có. Đó là hương lúa, cơm thơm, có cả những cọng cỏ sinh tồn mãi cùng với bùn quê, và cuối cùng là bắt đầu một vòng luân chuyển mới khi nụ hôn đầu đời “ Trắng trong, ngây ngất” xuất hiện.
“ Bùn” được Lê Khánh Mai chọn làm chủ thể để biểu đạt cảm xúc giàu có của mình. Vì thế có lúc bùn được nhân cách hoá để làm hết việc nhân nghĩa của mình. Để đón, để tắm cho đứa trẻ lúc mới sinh, rồi đi vào giấc mơ trẻ thơ đến tung toé để đứa trẻ thật ngây thơ thật tinh nghịch. Có lúc là thành nét điểm xuyết cho những hình ảnh thân thương. Hương bùn giấu trong vạt áo mẹ, màu mỡ được chắt chiu nuôi cây lúa, là nơi để con trâu mộng quen thuộc đằm mình trong nắng hè và thoả mãn lim dim mắt ướt. Và cuối cùng bùn bỗng sáng lên : Những cọng cỏ xanh, tái sinh từ bùn đất. Một hình ảnh thật đẹp và sinh động mà nhiều người thấy được nhưng ít người nói ra được. Câu thơ ấy trở thành điểm sáng cho toàn bài thơ. Vì thế mà bùn trong thơ Lê Khánh Mai có đủ sắc màu, âm thanh và mùi vị.
Trongg tiếng khóc đầu tiên
Tôi đã nếm vị bùn chát mặn
Điều mà Lê Khánh Mai tâm đắc nhất được khắc họa trong câu cuối cùng của bài thơ: “Đẫm hương đồng đã tái sinh tôi”. Tái sinh đây không phải là sự chết đi sống lại, mà nó lại là sự bắt đầu cho một nhịp sống mới. Nhịp sống ấy sẽ lại hối hả từ trên nền của sự sống hôm nay, ở đó có gian lao vất vả và tình thương của mẹ. Có lớp lớp con người lớn lên từ hạt lúa củ khoai của bùn đất quê nhà. Ngẫm đến cùng, đất nước chúng ta từ ngàn xưa đã là một nước nông nghiệp. Nền văn minh lúa nước chi phối mọi ngóc ngách đời sống con người Việt Nam chúng ta. Một bộ phận quan trọng của dân cư gắn liền với đồng ruộng. Đó chính là cái nền làm bài thơ TÔI SINH RA TỪ BÙN có chỗ đứng vững vàng trong thơ ca Việt Nam, nó không chỉ mang yếu tố nghệ thuật mà nó còn mang cả một triết lý sống của con người Việt Nam nữa. Đó là triết lý về sự gắn bó con người Việt Nam với nền văn minh lúa nước Việt Nam có từ bao đời nay.
TÔI SINH RA TỪ BÙN là một bài thơ về lớp lớp con người trên mảnh đất Việt Nam ta.
NGUYỄN ĐỨC THIỆN