Nghề văn không sang trọng
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Trần Đình Sử
Cách đây không lâu có người cao hứng tung ra một ý kiến ngộ nhận: “Nghề văn là nghề sang trọng.” Bao nhiêu người nói theo. Thế rồi ảo tưởng, hiếu danh, thế rồi số người viết văn, làm thơ tăng vọt, thế rồi số hội viên hội nhà văn ngày một tăng. Người sắp hàng chờ vào hội cũng rất đông.
Tôi không có ý phản đối ai làm nghề văn, tôi cũng không nghĩ rằng mọi người vào hội đều háo danh. Tôi chỉ muốn nói nghề văn không phải là nghề sang trọng, nhất là vào thời hiện đại.
Ngộ nhận đó có thể bắt đầu từ một thời văn chương là thú vui nhàn hạ của tầng lớp quan lại, áo mũ xênh xang, là nghề làm đẹp các sinh hoạt của giai tầng quý tộc, được tài trợ hậu hĩnh, là nghề may ra có thể có tác phẩm để đời (để khoe khoang cùng người sang trong họ, ngoài làng, thỏa mãn tâm lí hiếu danh). Người ấy có thể không biết, từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng.
Bước vào thời xã hội tư sản, kinh tế thị trường phát triển, Walter Benjamin trong sách Nhà thơ trữ tình trong thời đại tư bản phát triển (1973), chuyên nghiên cứu thơ Baudelaire, phát hiện ra bài thơ Rượu của những người nhặt rác (nhà thơ Vũ Đình Liên dịch là “người nhặt giẻ”) có những câu sau:
Một ông lão nhặt rác bước qua, ngật ngưỡng cái đầu,
Chân vấp hè, trán húc tường như một chàng thi sĩ,
Chẳng thèm nhìn cả bầy cớm như đầy tớ theo sau,
Dốc cả tâm hồn vào những mưu đồ hùng vĩ.
Thét to những lời thề, ban bố những luật thiêng,
Quật ngã kẻ bạo tàn, nâng dậy gười oan ức,
Dưới cái tán mênh mông của bầu trời đêm,
Lặng lẽ say sưa của mình những hào quang đạo đức.
Phải những con người hàng ngày cuộc sống giày vò,
Sớm tối mệt nhừ, trĩu vai tuổi tác,
Đầu ngập, lưng còng dưới cái đống rác khổng lồ,
Mà Paris mênh mông, ngày đêm khạc mửa.[1]
Khác với các nhà văn lãng mạn ở Việt Nam, mỗi khi nói đến Baudelaire thì chỉ nhớ đến nguyên tắc tương giao giác quan, Benjamen[2] đã qua nhà thơ Pháp mà vẽ ra thân phận nhà văn trong xã hội tư sản. Ông ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa. Xã hội công nghiệp, thị trường đã làm đổi thay bậc thang giá trị, biết bao cái có giá trị đã bị vứt ra đường như là rác rưởi. Họ giống đám du thủ du thực, đi lang thang qua đầu đường xó chợ như người Bohemiên, bao gồm cả đĩ điếm, sống như những người vô gia cư, vô sản, nhưng trong cuộc lang thang họ biết tự ý thức và phát hiện ra cái mà xã hội bỏ qua. Họ đồng tình với những ai làm lung lay nền tảng của xã hội tư sản. Ví von của Benjamin còn cho thấy, Họ ít nhiều đều sống cuộc đời bữa no bữa đói, đứng ở địa vị thấp kém mà phản kháng xã hội. Đã làm nghề nhặt rác thì chẳng có gì sang trọng, nhưng không thiếu sự dũng cảm và kiêu hãnh cũng như thách thức. Là người nhặt rác, Baudelaire đã sáng tạo ra Hoa ác, các nhà văn hiện đại tạo ra văn học phi lí, những thứ mới đầu nhiều người cứ tưởng là rác.
Ở Việt Nam, khi chuyển vào kinh tế thị trường đầu thế kỉ XX, cậu ấm Hiếu tài hoa, một “anh hồn” làm chủ soái văn đàn, sinh thời suốt ngày chỉ lo văn ế. Xuân Diệu thấy cơm áo không đùa với khách thơ. Các nhà văn chỉ là kiếp viết mướn nghèo nàn, tội nghiệp. Vũ Trọng Phụng đã nhặt được bao nhiêu rác qua Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố và các phóng sự bất hủ của ông. Nhưng họ chính là những người đầu tiên dựng xây nền văn học hiện đại đích thực của một dân tộc bằng chữ quốc ngữ, cái văn học phần lớn đã từng bị vứt vào sọt rác mấy chục năm trời.
Bước vào thời đại cách mạng, nhà văn trở thành chiến sĩ, tay cầm kiếm, cầm dao, thơ văn là tạc đạn, bom mìn, lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, tự nguyện làm lỗ tai, con mắt của giai cấp, làm người lính gác ngăn chặn diễn biến hòa bình. Như thế thì thân phận công cụ cũng chẳng lấy gì làm sang trọng. Tuy đã làm chiến sĩ, nhưng thân phận trí thức, nghệ sĩ lại luôn luôn ở vào địa vị bị cảnh giác như những kẻ có thể gây rắc rối cho trật tự xã hội và tư tưởng thì từ trong bản chất lại càng chẳng có gì sang trọng cả. Những năm chiến tranh, nhà thơ Xuân Diệu đã hàng trăm lần đi nói chuyện thơ cho các tầng lớp cán bộ công nhân viên nghe. Đi đâu ông cũng yêu cầu bố trí phông màn cho sáng đẹp và dặn dò quan tâm bữa ăn cho có đủ calo. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến khi còn dạy học ở Đại học sư phạm Vinh, có lần cùng chúng tôi đến thăm nhà một học trò, được gia chủ làm gà tiếp đãi. Khi mâm được dọn ra, ông dơ hai tay làm điệu bộ ôm trọn cả mâm và nói đùa: Các cậu có dám thách đố một mình tớ ăn hết cả mâm này không? Mọi người đều cười vui, không ai chấp nhận thách đố cả. Tất nhiên nhà văn cách mạng không làm cái việc nhặt rác. Họ bị cấm nhặt rác, như trường hợp Nguyễn Công Hoan trong Đống rác cũ và nhiều người khác. Họ có trọng trách nhặt các tấm gương, những nhân tố tiên tiến trong xã hội để làm ra những hình tượng sáng ngời, có tác dụng giáo dục nhân dân quần chúng tiến lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù thân phận họ vẫn thấp kém. Xin được nói thêm, văn chương ở đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, ngoài những tấm gương người tử tế, không thể quên số phận của những con người giữ nước .
Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.
Nghề văn có gì sang trọng đâu. Nếu có được tâm hồn trong sáng, có tài năng thật sự, sáng tác được ít nhiều tác phẩm có giá trị, không cơ hội, vụ lợi, họ có thể được coi là nhà văn cao quý. Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng.
Hà Nội, 3 – 8 – 2013
1] Thơ Baudelaire, Vũ Đình Liên dịch, nxb. Văn học, Hà nội, 1995, tr. 157.
[2] Walter Benjamin ( 1892 – 1940), nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đức, gốc Do Thái, sinh ở Berlin trong một gia đình giàu có, từng tham gia phong trào văn học cấp tiến, tham gia nhóm xã hội học Frankfurt. Sau khi viết luận văn Cội nguồn bi kịch Đức, không được trường phái này chấp nhận, ông chuyển sang Pháp, sống ở Paris. Năm 1940, Đức quốc xã chiếm Pháp, ông bỏ trốn mà không thoát, đã tự sát. Toàn bộ tác phẩm của ông đều được in sau khi chết