NGẪM…CÁI SỰ VĂN CHƯƠNG
LÊ KHÁNH MAI
1- Nhà văn thực tài và có bản lĩnh thường không dao động trước những tác động ngoài văn chương. Tự do ở chính mình, trong mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả bị tù đày vẫn tự tìm cho mình một lối thoát, một con đường sáng tạo. Cường quyền không bao giờ nắm bắt hết được tư tưởng của nhà văn. Nhiều tác phẩm vĩ đại trong quá khứ đã ra đời trong lòng chế độ suy tàn.
2. Thách thức lớn nhất của nhà văn là tài năng, tất nhiên là như vậy, nhưng còn thêm một thách thức nữa cũng không kém phần nghiệt ngã là tuổi tác. Nhiều khi trước trang giấy trắng (trước bàn phím), nhà văn phải chấp nhận là người thua cuộc, nhận ra mình đã cạn kiệt năng lượng sáng tạo. Thứ năng lượng tinh túy trời cho, tuy không ban phát đều cho tất cả mọi người cầm bút nhưng cũng không có nghĩa là vô tận. Tinh hoa chỉ phát tiết trong những khoảng thời gian nhất định, thậm chí một thời điểm đột sáng nào đó rồi thôi. Còn lại thì ai cũng phải lao động cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa, có hoa mừng hoa, có quả mừng quả.
3. Đỉnh cao văn chương bao gồm những tác phẩm xuất chúng chứa đựng tư tưởng nghệ thuật đặc sắc với tình thương yêu nhân loại bao la và đề xuất được thi pháp sáng tạo mới, riêng biệt, độc đáo. Nền văn học của dân tộc nào cũng vậy, những đỉnh cao thật hiếm hoi. Được làm nghệ sĩ ngôn từ, góp 1 viên đá nhỏ tôn lên cho ngọn núi thêm cao đã là vinh dự lắm rồi.
4. Im lặng là đỉnh cao của sáng tạo.