Người rót biển vào chai…

NGƯỜI RÓT BIỂN VÀO CHAI

VỚI NỖI CÔ ĐƠN TUYỆT ĐỈNH

Lê Khánh Mai

BIỂN VẮNG

Rơi chiều vàng, ngơ ngác sóng

xin đừng dối chi chân trời

Anh ngồi im lìm chiếc bóng

chén này mình với biển thôi

Một cộng với một thành đôiAnh  cộng cô đơn thành biển

Nắng tắt mà người không đến

Anh ngồi rót biển vào chai

                   Trịnh Thanh Sơn

(Rút từ “Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX – NXB Giáo dục 2005)

“Biển vắng” là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Đó là một bài thơ tình đích thực. Mang tựa đề “Biển vắng” nhưng biển chỉ là phương tiện biểu đạt, một cái “cớ” để nhà thơ “vin vào” nhằm chuyển tải tâm trạng ngổn ngang đau khổ của một chàng trai/ người đàn ông đang yêu và đợi chờ người yêu trong nỗi thất vọng cô đơn. Với cảm quan nghệ thuật như thế, Trịnh Thanh Sơn đã tự đặt ra cho mình một thách thức, bởi các thi sĩ đàn anh, đàn chị  từng mượn “nhân vật” biển để chia sẻ nỗi niềm, và điều đáng nói là họ đã rất thành công: Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh… là những ví dụ.

Với “Biển vắng” Trịnh Thanh Sơn chân thành như trút hồn mình. Bài thơ tình của ông không hề là thứ tình thương vay khóc mướn hay tưởng tượng vu vơ. Mỗi hình ảnh, ngôn từ ngầm chứa nỗi cô đơn tuyệt đỉnh.

Bài thơ “nhỏ nhắn”, với 2 khổ thơ, gồm 8 câu lục ngôn – một thể thơ quen thuộc từ vần điệu đến cách sắp xếp các âm tiết đều chuẩn mực, không mảy may dấu hiệu cách tân, nhưng mang tầm vóc bài thơ của muôn đời.

Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng

Xin đừng dối chi chân trời

Anh ngồi im lìm chiếc bóng

Chén này mình với biển thôi.

Toàn bộ bài thơ chỉ duy nhất câu thơ mở đầu miêu tả ngoại cảnh. Bảy câu thơ còn lại tập trung thể hiện nội tâm của nhân vật trữ tình: Anh – người trong “vai” đợi một người mình yêu.

Ngoại cảnh “Rơi chiều vàng ngơ ngác sóng với hai “nét vẽ”  bằng “chất liệu” nắng và sóng mà làm nên cả buổi chiều vàng. Nắng chưa tắt. Nắng hình như kết lại, dệt thành những tia sáng rơi xuống chiều, nắng như còn lưu luyến và đang vàng hết mình để nhuộm thắm không gian những giây phút cuối ngày. Còn sóng thì “ngơ ngác”; có lẽ chỉ có Trịnh Thanh Sơn mới cảm nhận được cái vẻ non dại, thơ ngây, đáng thương đến tội nghiệp của sóng. Ngay câu thơ ngoại cảnh này đã hé mở tâm trạng. Vả chăng tình yêu muôn thuở vốn ngơ ngác, dại khờ như sóng kia? Nhưng biển tình vẫn đôi khi huyễn hoặc chân trời. Nỗi lo âu mơ hồ về niềm tin đổ vỡ khiến người trong cuộc thốt lên/ hoặc thầm mong: xin đừng dối chi chân trời”. Đó là nỗi lo âu thường trực của người đang yêu: xáo trộn những cảm xúc khát khao, mơ mộng với những dự cảm tỉnh táo, trải nghiệm, dao động giữa hai bờ hư và thực, tin yêu và ngờ vực. Đó cũng là lý do của nỗi cô đơn: “Anh ngồi im lìm chiếc bóng”. Đến cái bóng cũng “không chịu” tách ra thành một người thứ hai để làm bạn với anh, nó nhập vào anh làm một, hay chính anh cũng biến thành cái bóng buồn tênh, lặng lẽ. Không có ai, anh đành uống rượu với biển: “Chén này mình với biển thôi”.

Thi nhân cổ điển đối ẩm với trăng, hoa, tùng, cúc, mai đã nhiều, nhưng nâng chén cùng biển có lẽ  chỉ  riêng Trịnh Thanh Sơn. Khi cô  đơn con người ta tìm đến thiên nhiên như một niềm cứu rỗi.

Biển giờ đây bình đẳng trong tư cách là “bạn  rượu” của nhà thơ. Nhưng biển lớn lao kỳ vĩ, đầy bí ẩn dường như không thể vợi được nỗi cô đơn đang đè nặng lên trái tim mỏng mềm, dễ tổn thương của một người đang yêu.

“Một cộng với một thành đôi

Anh cộng cô đơn thành biển

Nắng tắt mà người  không đến

Anh ngồi rót biển vào chai”

Phép cộng thứ nhất “một cộng với một thành đôi” phép  cộng toán học giản  đơn, diễn tả trạng thái nguyên sinh của tình  yêu ngây thơ, ao ước hy vọng thiên về mộng tưởng. Đến phép cộng thứ hai Anh cộng cô đơn thành biển” thì mộng tưởng đã tan vỡ. Ý thức  đã xác nhận một thực tại cay đắng: “Nắng tắt mà người không đến”. Không có ai để cộng thành đôi. Anh chỉ có thể  cộng với chính nỗi cô đơn của mình. Phép cộng ấy đã nâng nỗi cô  đơn lớn lên tầm vũ trụ, anh cô đơn như biển, anh hoá thành biển cả. Khổ đau, thất vọng lên đến  đỉnh điểm đã đưa nhà thơ đến trạng thái xuất thần kỳ diệu làm nên câu thơ tuyệt vời thi sĩ : Anh ngồi rót biển vào chai”. Câu thơ lạ, thông minh và độc sáng. Nó phi lý xét về thực tế nhưng nó là chân lý của tình yêu. Khi tình yêu tuyệt vọng, chủ thể của nỗi cô đơn phải tự mình mang vác lấy nỗi cô đơn, không thể vứt bỏ, chia sớt cho ai được. Nhà thơ đem cả một biển cô đơn đầy ắp trong hồn rót vào chai. Nhưng cái chai nhỏ bé kia làm sao mang chứa nổi. Vẫn còn đó nỗi cô đơn. Còn đó bi kịch muôn đời của tình yêu đơn phương.

Antoine Hubert – nhà thơ Canada viết: “Tình yêu/ là bộ sưu tập những trạng thái cô đơn” (Không đề). Bài thơ “Biển vắng” của Trịnh Thanh Sơn đã đóng góp vào bộ sưu tập đó nỗi cô đơn tuyệt đỉnh của tình yêu.

Nguồn Báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN số 21, ngày 24 tháng 5 năm 2008

Bài đã đăng trong tập VỌNG ÂM CỦA MẠCH NGẦM – Tiểu luận, phê bình của Lê Khánh Mai, NXB Hội nhà văn 2008.