Mong cho lễ trao giải mau chóng qua thật nhanh

LÊ THANH KỲ: “MONG CHO LỄ TRAO GIẢI MAU CHÓNG QUA THẬT NHANH”

(Toquoc)- Lê Thanh Kỳ- tác giả ở Hà Nam, một cái tên khá mới- đoạt giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011 – 2013. Anh đã dành cho báo điện tử Tổ Quốc cuộc phỏng vấn trước khi nhận giải thưởng.

PV: Ẵm giải thưởng cao nhất của cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011 – 2013 với chùm 3 truyện ngắn: Bạn khách, Sợi dây, Mồng chín tháng Tám, dường như có nhiều người nghĩ Lê Thanh Kỳ khá thuyết phục cả về số lượng và chất lượng. Vậy xin hỏi anh, những tác phẩm anh tham dự cuộc thi đều là những sáng tác mới hay đã được viết từ lâu rồi và cuộc thi chỉ là cái cớ để anh gửi tác phẩm đến? 

Lê Thanh Kỳ: Những tác phẩm dự thi đều là những tác phẩm tôi mới viết. Dự thi không phải cái cớ mà thật cần thiết vì bao giờ cuộc thi cũng mời các nhà văn hàng đầu cả nước chấm. Dự thi trước là giới thiệu tác phẩm của mình, buộc họ phải đọc. Thế là bằng một cách gián tiếp đã đưa mình đến với Giám khảo. Nếu tác phẩm không được đăng, mình phải biết tự đánh giá lại tác phẩm của mình. Hoặc là thay đổi hay vẫn cứ thế.

PV: Đây có phải là giải thưởng văn chương lớn nhất của anh từ trước đến giờ không?
Lê Thanh Kỳ: Đây là giải thưởng văn chương lớn nhất của tôi từ trước đến nay.
PV: Giải thưởng này có ý nghĩa với anh như thế nào?
Lê Thanh Kỳ: Giải thưởng này làm cho tôi vô cùng sung sướng, ngoài sức tưởng tượng. Giải thưởng vừa là động lực song cũng là áp lực rất lớn.
PV: Được biết anh làm một nghề không liên quan đến chữ nghĩa và văn chương, lý do nào khiến anh dan díu như một duyên nợ với văn chương vậy?
Lê Thanh Kỳ: Tôi làm thợ hàn nhưng không có nghĩa là tôi không dính líu đến chữ nghĩa và văn chương. Văn chương tôi thích. Tôi đang làm cái việc tôi thích, không ai bắt tôi cả. Cái gọi là “dan díu” ấy thực chất là cái tôi muốn. Tôi viết văn hơi muộn nhưng quá trình chuẩn bị cho nó thì thật dài và cẩn thận, bởi văn chương khác với nghề hàn. Nghề hàn đôi lúc dễ dãi nhưng văn chương không được làm thế.
PV: Ở truyện “Bạn khách”, “Mồng chín tháng tám” nhiều vấn đề nổi cộm được đề cập đến, trong đó có cả những vấn đề khá thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp. Anh có nghĩ tính thời sự khi được sử dụng trong văn chương phải chịu sự sàng lọc rất khắt khe của thời gian không?
Lê Thanh Kỳ: Tính thời sự trong văn chương tôi vẫn thấy nhiều nhà văn lựa chọn. Quan trọng là thấy nó hợp với tạng của mình. Tôi nghĩ dù khắt khe đến mấy thì tính thời sự giữa con người với con người, giữa các dân tộc với nhau không bao giờ cũ cả.
PV: Lâu nay, chúng ta luôn tự đặt câu hỏi, làm thế nào để xuất khẩu văn chương, rồi cao hơn là khi nào nhà văn Việt Nam được giải Nobel… Giả sử chúng ta có một dự án lớn xuất khẩu văn học sang một số nước châu Á, và có thể một số truyện đoạt giải của anh bị từ chối vì đề cập khá trực tiếp đến nước họ, anh có tiếc không và tại sao anh không sử dụng cách viết ẩn dụ hơn, kín đáo hơn?
Lê Thanh Kỳ: Câu hỏi này thật khó, chắc dành cho các nhà quản lý. Nhưng thú thực nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ đi học tiếng Anh, tiếng Pháp… và biết sử dụng máy tính thuần thục như tôi cầm cái kìm hàn. Tôi sẽ sáng tác thẳng ra tiếng nước ngoài. Sao không? Tôi thấy thế giới đã được ăn cơm của Việt Nam, đã được ăn cá do ta nuôi. Tại sao lại không được đọc các tác phẩm do người Việt sáng tác? Chắc chắn các bạn trẻ sẽ làm được điều này. Còn các tác phẩm của tôi bị từ chối xuất khẩu có lẽ không phải do tôi. Điều này nếu có xảy ra thì tôi không tiếc cho mình mà chỉ tiếc cho văn chương thôi. Khi tôi viết các truyện ngắn vì tính thời sự câu thúc mạnh mẽ. Nếu ai có vợ, có em gái, có con gái mình đang làm công nhân trong các khu công nghiệp thì sẽ thấy hết đời sống của công nhân ra sao, nhất là với các công nhân nữ. Thử hỏi, tất cả những lao động, kể cả những lao động tự do trên toàn lãnh thổ đều làm đơn ra nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam thì sao? Con cái họ ăn học thế nào? Việc tái đầu tư lao động sẽ ra sao?
Bạn khách là hư cấu từ đầu đến cuối bởi trước đó tình hình giữa mình với Trung Quốc, mình là nước nhỏ ở cạnh nước lớn thì bất hạnh lắm. Tôi muốn viết một cái truyện gì đó để đề cao tính dân tộc, trách nhiệm công dân, thế thôi. Viết báo thì dễ mà nghĩ mãi mới được truyện ngắn này vì tôi thấy văn chương chả thấy ai đả động gì cả.
Nêu vấn đề nho nhỏ như thế thôi. Nếu chọn cách viết ẩn dụ, kín đáo như bạn nói chắc vừa an toàn lại sống lâu. Nhưng tôi đã làm thế rồi. Không tiếc đâu.
PV: Sau giải thưởng, anh sẽ tiếp tục con đường văn chương của mình như thế nào?
Lê Thanh Kỳ: Hiện tại tôi chỉ mong cho lễ trao giải mau chóng qua thật nhanh. Sợ nhất là nhận giải xong chả còn gì để mà viết nữa. Rất sợ. Có một điều chắc chắn là tôi sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn để làm cái việc mình thích
* Cảm ơn anh! Chúc anh trở về sau cuộc thi sẽ có nhiều đóng góp cho văn chương nước nhà.

Hiền Nguyễn thực hiện