Lê Khánh Mai- người mang nỗi buồn đẹp và trong suốt như sương

Nhà phê bình VH Chu Thị Thơm viết về Lê Khánh Mai

LÊ KHÁNH MAI- NGƯỜI MANG NỖI BUỒN ĐẸP VÀ TRONG SUỐT NHƯ SƯƠNG

Nhà phê bình Văn học CHU THỊ THƠM

Lê Khánh Mai hay ám ảnh đến kiếp sau và cõi tâm linh của con người.Trong chị là trái tim của người đàn bà có lửa. Lửa được thắp lên trong những trang thơ, trong sự ngậm ngùi và luôn là ranh giới cho nỗi buồn chỉ được phép trú ngụ thoáng qua. Thời gian trong thơ chị là thời gian của nhận biết và linh cảm chứ không phải là thời gian trật tự tuyến tính. Đây là một trong những bài thơ ám ảnh của Lê Khánh Mai về thời gian qua bức màn tâm linh:

“…Tôi xương thịt hôm nay/ ngày sau cát bụi/ Cát bụi nhỏ nhoi khiêng vác linh hồn/ vẫn khao khát đươc chỏ che, cứu rỗi/ và trên phiến ngực trần của đá/ tôi ước ao là môt mảnh xương sườn/ tôi xương thịt hôm nay ngày sau cát bụi/ vẫn day dứt không nguôi câu hỏi/ có bao giờ đá bùng cháy vì tôi? (Ngày sau)

Khoảnh khắc đợi mùa của Lê Khánh Mai cũng rất lạ. Nó là khúc ru thân, ru đời với một nỗi buồn thoáng qua nhưng cũng ngùn ngụt chất lửa:

Lửa gần bén rạ rơm khô

gió xa ru mãi hoang vu hồn mình

người còn giữ lửa chung tình

để ta ươm bão ủ xanh đợi mùa”

(Đợi mùa)

Con người luôn khao khát ấy cũng là con người sẵn sàng đón nhận những rủi ro số phận. Với chị, mọi chuyện không quan trọng bằng việc sống cho nỗi nhớ, khát vọng và tình yêu đích thực. Nếu có nỗi đau, thì nỗi đau ấy cũng không được giả tạo. Những khái niệm mơ hồ tuyệt nhiên không có trong thơ Lê Khánh Mai. Đây là một trong những cảm giác ấy của thơ chị:

Vẫn biết biển tình nông nổi

ghìm sao ngọn sóng bạc đầu

vỗ lên mặt trời chói lọi

để vùi tận đáy đêm sâu

mang thân đàn bà phận lá

nào ai lường hết nẻo tình

đã đau đến thành sỏi đá

thì thôi mình thương lấy mình

(Bạn gái)

Thơ Lê Khánh Mai còn là bức tranh hiện thực của cuộc sống với những vất vả, bon chen, với những thân phận người chưa kịp nhận cho mình hạnh phúc.” Đoản ca về nỗi cam phận, ” Người đàn bà bán rau”, “Chợ nổi Cái Răng”, “Bạn gái”, “Trầm cảm Sông Hương”, “Người đàn bà lặng im như cát”…chính là những bức tranh hiện thực, được nhìn qua cảm xúc tâm linh, chia sẻ, rất nhân văn và có sự khái quát cao. Cuộc đời có thể thăng trầm, sống chết theo qui luât sinh tử, nhưng theo chị:”Dù đã chết bao lần không nhớ nữa/ những ngọn nến hình hài của lửa/ đầu thai về thắp nỗi khát hồn sông” (Trầm cảm Sông Hương)

Lê Khánh Mai sẽ qua được miền cảm xúc tâm linh và đón nhận được ngọn lửa thiêng của trái tim mà cuộc đời đã và sẽ giành cho chị

Nguồn: BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI, Chủ nhật, số 40, ngày 01 tháng 10 năm 2006