Lê Khánh Mai, hồn thơ giàu khát vọng bứt phá

Lời thưa: Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ Văn hóa, đời sống và Khoa giáo VOV2. Chương trình Thơ và cuộc sống, vào lúc 22 giờ ngày 26/11/2012 đã giành trọn vẹn 30 phút của chương trình với chủ đề Lê Khánh Mai – hồn thơ giàu khát vọng bứt phá. Nhà thơ Xuân Tuynh ở Khánh Hòa đã thu âm toàn bộ chương trình này và Lê Khánh Mai ghi lại theo băng thu âm. 

Lê Khánh Mai xin Trân trọng cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam, biên tập viên Minh Phú, nhà thơ Phạm Đình Ân, nhà phê bình Chu Thị Thơm, nghệ sĩ Minh Phúc, nghệ sĩ Thanh Tâm những người thực hiện chương trình. Trân trọng cám ơn thính giả và bạn đọc đã giành cho Lê Khánh Mai những tình cảm và sự quan tâm quý báu.

LÊ KHÁNH MAI – HỒN THƠ GIÀU KHÁT VỌNG BỨT PHÁ

Bài phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ Văn hóa và đời sống và Khoa giáo VOV2. Chương trình Thơ và cuộc sống, lúc 22 giờ ngày 26/11/2012

 

Phát Thanh viên: Thưa các bạn! Nhà thơ Lê Khánh Mai là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chị đã nhiều năm là giáo viên dạy Văn  THPT tại TP Nha Trang, biên tập viên Nhà Xuất bản Khánh Hòa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Nha Trang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Chị  bắt đầu sáng tác văn học khi đang là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Lê khánh Mai đã xuất bản các tập thơ: Dòng sông khoảng đời, Trái chín, Nước mắt chảy về đâu, Cổ tích xanh, Cát mặn, Đẹp buồn và trong suốt như sương, Giấc mơ hái từ cơn giông. Nhà thơ Lê Khánh Mai đã được tặng Giải thưởng 25 năm Văn học Khánh Hòa (1975 – 2000) và giải thưởng của UBTQ Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 2005.

          Trong chương trình Thơ và cuộc sống của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay, mời các bạn đến với chủ đề: Lê Khánh Mai – hồn thơ giàu khát vọng bứt phá qua cuộc trao đổi giữa Biên tập viên Chương trình với nhà thơ Phạm Đình Ân

          Biên Tập viên Minh Phú: Trước tiên xin cảm ơn nhà thơ Phạm Đình Ân đã tham gia chương trình Thơ và cuộc sống của Đài TNVN.

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng, thưa nhà báo Phạm Minh Phú, thưa các bạn nghe đài. Hôm nay tôi rất hân hạnh được nói chuyện về thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai. Từ lâu tôi đã theo dõi sáng tác của nhà thơ Lê Khánh Mai, tôi thấy đây là một nhà thơ nữ ở miền Trung có sức bứt phá rất đáng để ý. Thơ của chị lưu lại trong lòng người đọc rất lâu. Hôm nay tôi sẽ có một số ý kiến trao đổi về thơ của nhà thơ nữ Lê Khánh Mai.

          BTV Minh Phú: Thưa nhà thơ Phạm Đình Ân, với Chủ đề Lê Khánh Mai – hồn thơ giàu khát vọng bứt phá chúng ta có dịp nhìn lại chặng đường sáng tác của một cây bút nữ ở miền Trung là nhà thơ Lê Khánh Mai. Nhà thơ Lê Khánh Mai hiện sinh sống tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong mấy chục năm qua chị là một cây bút nữ sung sức, có nhiều tác phẩm được chú ý. Chị đã có 6 tập thơ in riêng. Điều đầu tiên mà chúng ta có thể cảm nhận đó phải chăng là sự đa dạng, tâm hồn đa cảm của nhà thơ Lê Khánh Mai qua các sáng tác thơ của chị?

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Tôi rất nhất trí với ý kiến đó. Nhà thơ Lê Khánh Mai là một nhà thơ có những sáng tác nhiều màu vẻ, bứt phá nhưng đa dạng. Thơ chị có thể bao quát nhiều mặt của đời sống xã hội, đời sống nội tâm.

          BTV Minh Phú: Trong đó, theo ông thì nổi bật nhất  là những mảng như thế nào?

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Theo tôi, thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai nổi bật nhất là thơ chị viết về biển và thân phận con người, về bứt phá trong cuộc sống, bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật.

          BTV Minh Phú: Trước tiên chúng ta nói về thơ viết về biển của nhà thơ Lê Khánh Mai. Rải rác trong các tập thơ của chị có nhiều bài viết về biển. Biển của chị có một tầm rộng hơn những tác giả khác khi viết về đề tài này. Phải chăng nhà thơ Lê Khánh Mai đã có một giọng biển riêng trong sáng tạo thơ của mình?

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng. Theo chỗ tôi biết và tôi đánh giá thơ Lê Khánh Mai có giọng riêng về biển. Lê Khánh Mai trở lại quê hương Khánh Hòa đã mấy chục năm. Trong những năm gần đây chị càng gắn bó với biển và thơ chị có giọng biển đặc biệt. Biển đây không chỉ là sóng gió, là sắc xanh hay đơn thuần là bãi bờ, thuyền đi thuyền lại mà đây là biển chứa chất nội tâm, thân phận. Và biển là một chi tiết đáng nói cho vệt đi của thơ chị về vũ trụ, về thiên nhiên, về tầm cao xa của con người.

          BTV Minh Phú: Vậy nhà thơ Phạm Đình Ân có thể đi cụ thể hơn. Khi chúng ta nói về cái giọng biển riêng đặc trưng ở trong thơ Lê Khánh Mai, những bài thơ như: Trước biển, Biển thầm, Đêm ở biển, Con thuyền nhỏ và nhiều bài khác nữa cũng nói về cái ý mà nhà thơ đang đề cập.

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Biển của thơ Lê Khánh Mai có nét dữ dội riêng và nét dữ dội nó lồng vào sự bứt phá, những tâm sự cực đoan, những điều sôi trào trong tâm hồn tác giả, thể hiện tâm thức xã hội. Chứ cái thời viết về biển mà bằng lặng, hay viết về tình yêu, về cánh buồm, những điều đơn giản nó đã qua rồi. Và chị đã thuyết phục người đọc bằng cách là đi tắt đón đầu. Bởi vì vthực ra Lê Khánh Mai đến với thơ mấy chục năm nay nhưng so với những người viết về biển trước đây thì chị vẫn là người đi sau. Theo tôi nghĩ đó là một giọng thơ cồn cào dữ dội và nó chứa chất thân phận trong từng câu từng chữ và trong từng bài thơ ngắn. Chẳng hạn chúng ta có thể tham khảo bài thơ Đêm ở biển.

          BTV Minh Phú: Vâng, nhà thơ có thể đọc cho thính giả nghe bài thơ Đêm ở biển.

          Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng bài thơ Đêm ở biển chỉ có bốn câu mà đọng lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Phải nói đây là bài thơ tứ tuyệt khá chuẩn, khá thành công.

          Đêm ở biển

          Sóng dồn từ đâu muôn kiếp trước

          Chất lên từng trận đổ ầm ào

          Đêm ở biển nghe đất trời vỡ nát

          Nghiêng phía nào cũng cuồn cuộn lo âu

Chỉ bốn câu thôi nhưng chưa chất trong đó cuộc đời, thân phận và cả biển nữa. Nhưng đằng sau biển là cái gì đó cao xa hơn. Cách nói ở đây: con sóng dồn, chất lên, đổ ầm ào, dất trời vỡ nát, nghiêng, cuồn cuộn… Súc tích và cô đặc những suy nghĩ về thân phận, những hình ảnh về biển trong những năm tháng đã phản ánh cuọc đời đầy những băn khoăn, lo toan và cần đổi mới.

          BTV Minh Phú: Nhà thơ Lê Khánh Mai viết về biển. Biển cũng là quê hương của chị – Nha Trang, và cũng có rất nhiều bài thơ chị viết về nơi mình sinh ra và trưởng thành.

          Sau đây xin mời các bạn nghe nghệ sĩ Minh Phúc trình bày bài thơ Xứ Trầm hương của nhà thơ Lê Khánh Mai.

Xứ Trầm Hương 

 “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông”*

lời xưa mắc míu, nẫu lòng quê ơi

gió tuôn sập đổ mái trời

mưa nghiêng trút cả ngàn khơi nước về

ruộng vườn bầm dập ủ ê

mù giăng trắng loá, tứ bề chớp vây

thương con chim nhạn liều bay

bếp nghèo ướt ngọn lửa gầy mẹ hong

cháo rau như có như không

nỗi buồn vịn gió mà mong qua mùa

trắng đêm biển động sóng khua

sũng ngày trời đất muối dưa men dầm

Quê mình xứ sở quế trầm

lặng vào giông bão âm thầm toả hương

BTV Minh Phú: Cũng như nhiều cây bút nữ khác, nhà thơ Lê Khánh Mai xoáy sâu vào thân phận con người. Đặc biệt là người phụ nữ trơng thơ chị được thể hiện rất đa dạng, như sự nhẫn nhịn, hy sinh, cam chịu… Qua thẩm thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai thì nhà thơ Phạm Đình Ân có góc nhìn như thế nào?

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Có lần tôi đã hỏi nhà thơ Lê Khánh Mai và chị cho biết: “Nhà thơ nữ khi cầm bút luôn sống trong tâm trạng phân thân giữa thơ và bổn phận, vì thế khát vọng bứt phá là khát vọng mãnh liệt của nhiều thế hệ nhà thơ nữ từ xưa đến nay”. Và tôi cũng thấy thơ chị đã thể hiện những điều chị nói. Tôi rất thú vị với những câu thơ của chị sau đây:

Những câu thơ

Như chú ngựa bất kham trong lồng ngực

Mơ một ngày tung vó thảo nguyên

Tôi nghĩ chị viết về con ngựa nhưng cũng là viết về cuộc đời thân phận con người, về sự tung ra bứt phá, chạy tới, tốc độ, muốn vượt khỏi những gì xưa cũ, không hợp thời. Tôi nghĩ là, khi nói về thân phận con người, thân phận của nhà thơ, đối với Lê Khánh Mai chúng ta sẽ thấy những điều đó được thể hiện vào thơ của chị, lồng vào trong thiên nhiên và trong từng chi tiết thơ.

BTV Minh Phú: Tiếp theo lời nhà thơ Phạm Đình Ân chứng tôi cũng thấy là cái thân phận này đan xen trong nhiều bài thơ khác. Một mảng thơ của Lê Khánh Mai rất dễ nhận ra, hầu như ai cũng biết là mảng thơ tình. Trong thơ Lê Khánh Mai mảng thơ tình rất đậm đà, và nét dễ nhận thấy là sự bao dung, tấm lòng độ lượng…

Nhà thơ Phạm Đình Ân:  Về thơ Lê Khánh Mai viết về tình yêu thì chị cũng khác với một số nhà thơ khác là chị không cấu tạo một loạt bài thơ tình trọn vẹn, mà thơ tình của chị thường gắn vào cảnh ngộ đời sống, gắn với thân phận và được lồng vào những tứ thơ rộng hơn về biển về đất nước, quê hương. Tách bạch ra thành những bài thơ tình riêng lẻ, nói quá riêng tư thì không phải dễ dàng.

BTV Ninh Phú: Nhưng dù sao thì ta vẫn có thể nhìn nhận ở góc độ nào đó?

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng thơ Lê Khánh Mai giàu tình cảm và tình yêu trong thơ chị bên cạnh cái dữ dội vẫn có cái đằm thắm, vẫn có cái nhẹ nhàng, vẫn có cái mờ ảo trong tấm lòng của con người nhạy cảm. Đọc thơ chị ta thấy sóng cồn cào ở biển, nhưng lắng lại ta thấy bâng khuâng, thấy đây là người phụ nữ giàu xúc cảm yêu đương, tâm hồn đa dạng, giàu lòng nhân ái. Trong đáy Sâu tâm hồn thơ người ta vẫn cảm nhận đó là tâm hồn bao dung, dễ được chia sẻ.

BTV Minh Phú: Vâng, và thậm chí là nhiều khi trong sáng tác của nhà thơ Lê Khánh Mai chúng tôi nhận thấy một tâm hồn đa cảm, sẵn sàng nhận những thiệt thòi, thua thiệt của mình trong tình yêu, đúng không a.

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Tôi nghĩ điều đó là rất đúng. Chị cũng là người trải đời nhiều, những năm bao cấp khó khăn ở ngoài Băc, sống ở Hà Nội rồi chị về Khánh Hòa quê hương, sống bên cạnh bãi biển dài và đẹp. Tôi nghĩ là thấp thoáng trong thơ Lê Khánh Mai có những câu, bài thơ chất chứa nỗi niềm sâu nặng, nặng tình, nặng nghĩa đối với tình yêu, gia đình. Nhất là khi đọc lại bài thơ chị viết về Hà Nội năm xưa, tôi nghĩ tình yêu không còn đơn thuần là tình yêu nam nữ nữa, mà bên cạnh tình yêu của tuổi mộng mơ xen lẫn tình yêu đất nước những năm tháng khó khăn, và chị muốn san sẻ, không chỉ san sẻ cho người mình yêu mà san sẻ cái tình đó rộng hơn cho tất cả mọi người.

BTV Minh Phú: Vâng, đúng là những nét riêng trong thơ Lê Khánh Mai khi viết về mảng tình yêu không chỉ bao gồm tình yêu đôi lứa mà cả tình yêu đối với đất nước quê hương, với mảnh đất mà nhà thơ đã gắn bó.

Một nét mà chúng tôi cho là nổi bật trong thơ Lê Khánh Mai là tiếng nói phản biện. Điều này thì không phải nhà thơ nàp cũng tập trung vào. Nhưng trong thơ Lê Khánh Mai thì tiếng nói phản biện mình, phản biện các sự vật hiện tượng đã được diễn tả thể hiện moật cách khá sâu sắc. Có những bài mang hơi hướng triết học phải không ạ, thưa nhà thơ Phạm Đình ân?

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng. Tôi nghĩ ý kiến này là ý kiến thú vị. Có lẽ độc giả cũng khó tìm ra những bài phản biện theo nghĩa thông thường, theo nghĩa trực tiếp. Nhưng theo tôi, hầu như các tập thơ, bài thơ, câu thơ nào đó về biển thì ẩn sau đó là sự phản biện. Bởi vì những năm gần đây, bất kỳ lúc nào, bài thơ nào Lê Khánh Mai cũng ẩn trong đó nỗi niềm khát vọng bứt phá, không chịu bằng lòng với cái hiện tại, không chịu giẫm chân tại chỗ, thì tôi nghĩ đó chính là phản biện đấy.

BTV Minh Phú: Vâng đúng ạ. Và chị có phần rất quyết liệt.

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Quyết liệt. Tôi nghĩ là có phần cực đoan. Quyết liệt đó chính là phản biện. Thơ Lê Khánh Mai nhiều bài dữ dội. Yêu thương thì hết lòng, thiết tha, rung cảm, thầm lắng nhưng dữ dội. Cái dữ dội mang tầm cao về vũ trụ nhân sinh, chứ không phải dữ dội của việc riêng tư, gia đình hay của thân phận cá nhân.

BTV Minh Phú: Thưa nhà thơ Phạm Đình Ân. Mỗi nhà thơ đều có quan niệm sáng tác, trăn trở nỗi niềm thi ca. Trong thơ Lê Khánh Mai có nỗi niềm thi ca bày tỏ, chính là như Lê Khánh Mai có lần bộc bạch: “Thơ cũng như con người có thân phận và bổn phận. Bổn phận thơ là đồng cảm, chia sẻ, yêu thương, bênh vực và dự báo”. Chị có những câu thơ nói lên  nỗi niềm thi ca của mình, như:

Câu thơ nước chảy bèo trôi

Vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau

(Trích trong bài Hương cỏ)

Nhà thơ Phạm Đình Ân: có lần tôi gặp nhà thơ Lê Khánh Mai và hỏi quan niệm về thơ của chị. Chị nói: “Thơ tôi đã cố gắng thoát ra khỏi giọng điệu giãi bày, than vãn, rên rẩm hoặc cao đạo vốn là giọng điệu quen thuộc của thơ lâu nay. Tôi bắt đầu hai phá một lối đi riêng cho mình để chiếm lĩnh thực tại, không chỉ để “ngộ ra” mà nhằm “chứng nghiệm nó” thì tôi thấy ý nkiến của nhà thơ Lê Khánh Mai rất đáng quan tâm. Và khi soi vào sáng tác của chị tôi thấy rất ăn khớp. Và quan niệm về thơ của chị cũng thể hiện không chỉ trong việc lập tứ thơ, không chỉ là chọn đối tượng thể hiện mà ngay cả trong câu chữ, từ ngữ nữa.

BTV Minh Phú: Vâng. Tôi cũng chú ý có một bài thơ chị viết như thế này:

Tôi đói

thơ không thể là  cơm ăn

Tôi khát

thơ không biến thành nước uống

Tôi nợ nần

thơ không đem cho tiền bạc

Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau

thơ vực tôi đứng dậy.

          Đọc bài thơ này cùa nhà thơ Lê Khánh Mai, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Phùng Quán: “Có những phút ngã lòng/ tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai thể hiện sự bứt phá rất rõ ràng. Hay như chính bài thơ Nhà thơ nữ bứt phá, Lê Khánh Mai bày tỏ sự bứt phá mãnh liệt, sự không bằng lòng, không đứng lại để tiếp tục hành trình sáng tạo thi ca.

          Bây giờ mời các bạn nghe bài thơ Nhà thơ nữ bứt phá của nhà thơ Lê Khánh Mai, do nghệ sĩ Thanh Tâm trình bày.

NHÀ THƠ NỮ BỨT PHÁ

Người khuyên thơ nên bám vào đời sống
bạn chê thơ ta cũ rồi
ta cũng chán điệu thơ đều chằn chặn, hiền lành, ướt đẫm
vang tự hồn sâu phải sống khác thôi
không sống khác không thể nào viết được

Mơ hồ tiếng gọi phía chân trời
nhưng tiếng gọi từ máu là rất thực

Gom từng đồng còm nhuận bút ta đi hoang
vừa khỏi nhà đã thân gái dặm trường
đi đâu, về đâu?
chợt nhận ra mình chưa bao giờ định trước
bạn gái làm thơ đôi người thân thiết
điện thoại, thư từ chẳng vợi khát khao
bạn có giống ta – đời trôi chảy
mái nhà yên – vợ chồng, con cái
một việc làm – số phận đóng đinh
vài gương mặt thân sơ ngày nào cũng gặp
thuộc từng nếp hằn mi mắt
nhàm quen cử chỉ, dáng hình

Gặp bạn ta suýt khóc
bạn ở nhà thuê hết cả lương
ngày ngày cày trên trang báo
câu thơ yểu mệnh đêm trường
một kiếp tình chỉ toàn mây với gió

Bạn cùng ta “bứt phá”
lang thang quên mình là đàn bà
sông đấy – như ta lững lờ
cây kia – giống mình tù hãm
bao đền đài thơ sừng sững
ta gieo xác chữ, ích gì?

Về nhà
con vui thoát việc bếp núc
mắt ai ngun ngún buồn

Ta ru bình yên ngày thường
oan nghiệt phận thơ tiếng kêu máu vỡ

BTV Minh Phú: Thưa nhà thơ Phạm Đình Ân. Chúng ta để ý giọng thơ của Lê Khánh Mai là giọng thơ bộc trực khỏe khoắn với cách diễn đạt hiện đại và chị cũng nghiêng nhiều về thơ tự do hơn so với các nhà thơ nữ khác, phải không ạ?

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Theo tôi quan sát thơ Lê Khánh Mai là thơ của nội cảm cực đoan được trao cho khách thể kỳ vỹ. Nội cảm của chị rất cực đoan và chị trao cái nội cảm cực đoan ấy cho khách thể kỳ vỹ, tức là vũ trụ, biển và những gì bao la, con thuyền dạt vào bờ hay biển mênh mông bão tố. Trong lòng chị là nội cảm cực đoan chị trao cho đối tượng kỳ vỹ chứ không phải trao cho đối tượng tầm thường, cho nên hai cái đó gặp nhau và đó là một hướng đi nghệ thuật của thơ chị, mà nghệ thuật này nằm ở tầm trung của thơ. Ví dụ: vỡ òa, vỡ tan, vặn mình, tả tơi, đất say cuồng, xối mặt người, vắt kiệt mình, tiếng kêu máu vỡ, gieo đầm đìa, tê dại, chất ngất, sóng cuồng bỏng rát…Nếu mà nhà thơ khác non tay hoặc cố tình thì những từ này sẽ gây cho người ta cảm giác lên gân hoặc to tiếng, nhưng thực ra trong thơ chị thì ngôn từ nó chìm trong bài thơ và nó bật lên, khiến cho người đọc không cảm thấy gợn, và không thể dùng từ khác thay thế được. Nó ẩn trong bài thơ ấy một cách có ý thức, có dụng ý và nó nâng bài thơ lên một cách trọn vẹn.

BTV Minh Phú: Thơ cùa nhà thơ Lê Khánh Mai rất đa dạng, phong phú về chủ đề, đề tài, quan tâm đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội, nhiều thân phận con người, với tâm hồn phụ nữ rất nhạy cảm. Nhà thơ Phạm Đình Ân có thể chọn 1 tác phẩm của nhà thơ Lê Khánh Mai để phân tích làm rõ hơn điều mà chúng ta đang bàn.

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Từ nãy đến giờ tôi nói hơi nhiều và nhấn mạnh vào sự bứt phá và nội tâm cảm xúc cực đoan của nhà thơ Lê Khánh Mai. Tất nhiên tôi cũng có nhắc qua đây là một tâm hồn thơ đa dạng và có những rung cảm thầm lắng về tình yêu về đất nước chứ không đơn thuần là lúc nào cũng làm cho mình căng lên. Tôi sẽ dẫn chứng một thơ tên là Chiếc lá để thấy chị có nhiều giây phút lắng lại với mình, run rẩy với cảm xúc thiên nhiên, con người chứ không đơn thuần lúc nào cũng xã hội hóa cảm xúc, không phải lúc nào cũng vũ trụ hóa mà đây vẫn là một nhà thơ nữ. Chính điều đó làm cho thơ chị đứng được chứ không lệch một bên mà có nhiều bên vững chãi, và thơ chị không đơn thuần chỉ một phía mạnh mẽ cồn cào, mà nếu chỉ có thế thôi nó sẽ đơn điệu người đọc sẽ mệt. Cho nên xen kẽ, Lê Khánh Mai vẫn có những bài thơ tình, những bài thơ quê hương đất nước, những bài thơ nói lên tâm trạng bâng khuâng về một điều gì đó của thiên nhiên, con người. Bài Chiếc lá là bài thơ tiêu biểu. Tôi nghĩ, bài này cũng bổ sung cho gương mặt thơ Lê Khánh Mai, một sự bổ sung cần thiết.

BTV Minh Phú: Vâng. Trước khi phân tích, mời nhà thơ Phạm Đình Ân đọc bài thơ Chiếc lá của nhà thơ Lê Khánh Mai cho thính giả thưởng thức ạ.

Nhà thơ Phạm Đình Ân:

Chiếc lá

Có ban mai tôi như người ốm dậy

ngập lụt nỗi buồn, gầy guộc niềm vui

hồn vắng thênh như nhà hoang trống trải

mây ngang qua gom gió về trời

tôi tập tễnh ra ngoài hiên nắng

tiếng chim kêu lạ lẫm, tả tơi

bên giậu thưa bướm vật vờ cánh mỏng

sẽ sàng – một chiếc lá xanh rơi

Đây là một bài thơ cảm xúc tinh tế của một tâm hồn nữ mà nhiều khi phải lắng lại trước những xao động ồn ào của cuộc đời. Đó là sự bổ sung cần thiết cho thơ.

BTV Minh Phúc: Thưa nhà thơ Phạm Đình Ân. Là người đã từng quan sát, gặp gỡ, theo dõi về chặng đường thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai, thì theo ông, sức sáng tạo, khát vọng bứt phá, sự bền bỉ của chị mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy chục năm qua sẽ được hướng tới trong tương lai như thế nào?

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Tôi nghĩ sự bứt phá của nhà thơ Lê Khánh Mai đã gần như tiến đến đỉnh cao. Và qua theo dõi, qua những tập thơ của chị mới đây, tôi thấy Lê Khánh Mai vẫn tiếp tục cái mạch này, nhưng chị cũng đã lắng lại và muốn tiến xa hơn theo một hướng khác. Và tôi nghĩ là dù hướng nào thì quan niệm thơ và những bứt phá của chị những năm trước đây vẫn là cái đà để chị đi tới. Với tuổi đời, tuổi nghề, với thành quả đã có và sự sáng tạo có ý thức, tôi nghĩ Lê Khánh Mai vẫn còn tiến xa.

BTV Minh Phú: Vâng. Bây giờ thì mời nhà thơ Phạm Đình Ân và quý vị thính giả cùng nghe ý kiến phát biểu của nhà phê bình Chu Thị Thơm về những sáng tác cúng như chặng đường thơ của nhà thơ Lê Khánh Mai. Băng chúng tôi thu qua điện thoại ghi âm.

Nhà phê bình Chu Thị Thơm: Lê Khánh Mai là một trong những nhà thơ nữ mà tôi được đọc từ rất sớm. Thơ chị có giọng điệu rất riêng. Hòa chung vào tất cả dàn thơ nữ hiện nay thì Lê Khánh Mai vẫn có một giọng điệu mà độc giả yêu thơ Lê Khánh Mai vẫn dễ dàng nhận ra chị.

Lê Khánh Mai có giọng thơ rất ám ảnh đến kiếp sau và cõi tâm linh của con người. Có cả trái tim của người đàn bà có lửa. Lửa được thắp lên trong những trang thơ và trong sự ngậm ngùi luôn là ranh giới cho nỗi buồn chỉ được phép trú ngụ thoáng qua chứ không được ẩn lâu trong thơ chị. Đọc thơ chị tôi thấy thời gian trong thơ chị là thời gian của nhận biết và linh cảm với những câu thơ mà tôi cho rằng rất hay và tôi rất thích. Ví dụ như:

Tôi xương thịt hôm nay ngày sau cát bụi

Cát bụi nhỏ nhoi khiêng vác linh hồn

Vẫn khao khát được chở che cứu rỗi

Và trên phiến ngực trần của đá

Tôi ước ao là một mảnh xương sườn

Tôi xương thịt hôm nay ngày sau cát bụi

Vẫn day dứt không nguôi câu hỏi

Có bao giờ đá bùng cháy vì tôi?

Và, nếu như có nỗi đau thì tôi nghĩ rằng nỗi đau ấy không bao giờ giả tạo trong thơ Lê Khánh Mai. Và những khái niệm mơ hồ tuyệt nhiên không có trong thơ Lê Khánh Mai. Chị không sáo rống trong cảm xúc thật của mình. Không sáo rỗng trong cả câu thơ. Đấy là những cái rất được của thơ Lê Khánh Mai.

Với cảm thức của riêng tôi, tôi cho rằmg, thơ của chị sẽ qua được miền cảm xúc tâm linh và sẽ được đón nhận những ngọn lửa thiêng của trái tim mà cuộc đời đã và sẽ giành mãi cho chị.

BTV Minh Phú: Các bạn vừa nghe ý kiến phát biểu của nhà phê bình Chu Thị Thơm về sáng tác cũng như con đường sáng tạo thi ca của nhà thơ Lê Khánh Mai. Vâng. Qua thời lượng của chương trình Thơ và cuộc sống, chúng tôi và nhà thơ Phạm Đình Ân đã trao đổi về chặng đường thơ Lê Khánh Mai, hồn thơ giàu khát vọng bứt phá, luôn không dừng lại, luôn kiếm tìm khao khát cách tân, đổi mới hướng thơ đến những giá trị chân thiện mỹ. Và chúng tôi nghĩ những thành quả mà nhà thơ Lê Khánh Mai gặt hái được chính là công sưc, sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc bề bỉ và có ý thức rõ ràng về lao động thơ.

Chương trình thơ cà cuộc sống hôm nay xin dừng ở đây. Cảm ơn nhà thơ Phạm Đình Ân đã tham gia chương trình thơ và cuộc sống với chủ đề Lê Khánh Mai hồn thơ giàu khát vọng bứt phá.

Nhà thơ Phạm Đình Ân: Vâng. Tôi xin cảm ơn quý Đài, cảm ơn chương trình Thơ và cuộc sống, cảm ơn thính giả đã lắng nghe buổi trò chuyện bổ ích này.