LỘNG LẪY CARACAS
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Bút ký của LÊ KHÁNH MAI
Venezuela khi tôi chưa đến
Tháng 6 năm 2008 tại Diamond Bay Nha Trang, Khánh Hoà, Hoa hậu Venezuela – Dayana Mendoza đã đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008. Cô gái 22 tuổi đôi mắt biếc xanh màu biển, nụ cười rực rỡ, thân thiện như thể xoá nhoà mọi ranh giới lãnh thổ, sắc tộc, sinh ra ở Caracas, thủ đô Venezuela. Hình ảnh Dayana Mendoza gợi bao niềm cảm mến về một đất nước ở phía bắc Nam Mỹ, cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, bởi nền văn hoá hoa hậu, một cường quốc về sắc đẹp không quốc gia nào sánh kịp, với kỷ lục 5 lần đạt Hoa hậu Hoàn vũ, 5 lần đạt Hoa hậu Quốc tế và 5 lần đạt Hoa hậu thế giới.
Với nhiều người , có thể sự kiện ấy chỉ rộn lên trong thời khắc ngắn ngủi rồi lùi vào quên lãng. Với tôi có lẽ cũng vậy nếu không có một kỷ niệm đáng ghi nhớ trong đời: Tháng 11 năm 2008 tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi dự Hội chợ Sách Quốc tế lần thứ IV FILVEN 2008 của Venezuela.
Người Venezuela đầu tiên mà tôi được tiếp xúc là ngài Rorge Rondon Uzcategui – nhà thơ, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam trong ngôi nhà của ông ở Hà Nội. Người đàn ông Nam Mỹ cao to, rắn rỏi, da nâu sậm, đôi mắt đen ngời sáng, cử chỉ tự tin và nồng nhiệt. Aán tượng khó quên ở ông là giọng nói Tây Ban Nha trầm vang như hoà âm của sóng gió Đại Tây Dương. Tôi bày tỏ với ông cảm nhận ấy, ông cười nói hồi nhỏ đi học ông được thầy giáo khen là có giọng đọc thơ hay. Rồi ông vui vẻ kể, năm 15 tuổi ông đã viết bài thơ đầu tiên. Một đêm chợt thức, mở cửa sổ, bắt gặp vầng trăng trong xanh giữa bầu trời, ánh sáng dìu dịu ùa vào căn phòng khiến ông vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền ảo của đêm. Bài thơ ông viết đại ý nói rằng con người đã vô tình bỏ qua những giây phút kỳ diệu của thiên nhiên. Tôi cho rằng ông có sự rung động rất thi sĩ. Ông nói dân tộc Venezuela rất yêu thơ ca và Tổng thống Hugo Chavez là một người có tâm hồn lãng mạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cởi mở, thân tình ông nhắc lại sự kiện cách đây hơn 40 năm: Nguyễn Văn Trỗi chiến sĩ biệt động Sài Gòn dùng mìn để ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Anh bị bắt và bị kết án tử hình. Du kích quân Caracas đã bắt sống một đđại tá quân đội Mỹ nhằm đánh đổi mạng sống cho anh. Tuy nhiên, sau khi viên đđại tá Mỹ được trả tự do thì anh Trỗi bị đưa đi xử bắn.
Câu chuyện làm sống dậy quá khứ cảm động về tấm lòng của người dân venezuela đối với Việt Nam.
Hình ảnh ngài Đại sứ Rorge Rondon Uzcategui, hoa hậu Dayana Mendoza và những người du kích Caracas đã thắp trong tôi một niềm tin, nỗi háo hức khám phá một thế giới mới và sức mạnh để thực hiện hành trình vượt Đại Tây Dương.
Caracas lộng lẫy và nên thơ
Đoàn chỉ có 2 người, tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Gần 30 giờ bay, từ Nội Bài quá cảnh sân bay Suvarnabhumi Thái Lan và Charles De Gaulle- Pháp trên chiếc phi cơ hiện đại nhất hiện nay, tôi quá hồi hộp. Chiếc máy bay 2 tầng như cái nhà lầu đầy đủ tiện nghi với sức chứa trên 700 hành khách gồm 7 khoang, mỗi khoang rộng và sang trọng như một cái hội trường. Tôi vẩn vơ nghĩ làm sao mà “toà nhà” này có thể bay lên vượt qua bao nhiêu vùng trời, vùng đất, vùng biển. Tôi đã bay trong giấc mơ, trong niềm kính cẩn sự vĩ đại của con người. Bình yên đeo headphone nghe nhạc, xem vô tuyến, nhìn qua cửa sổ ngắm những đụn mây muôn hình khối hay bất chợt khoảng trời màu ngọc bích dưới cánh bay, đi lại tự nhiên như ở nhà, dùng bữa và… lơ mơ ngủ. Chỉ đến khi những chiếc bánh lốp chạm mặt đất, máy bay vun vút trên dường băng rồi từ từ hạ cánh ở sân bay Simon Bolivar của Venezuela, tiếng vỗ tay của hành khách vang lên giòn giã tôi mới sực tỉnh cơn mơ, nhận ra khoa học kỹ thuật đã chinh phục những đỉnh cao, nhưng con người không thể đặt niềm tin tuyệt đối vào máy móc. Tiếng vỗ tay chúc mừng thành công của chuyến bay còn có nghĩa rằng, để có giấc mơ đẹp con người phải đối mặt với những hiểm nguy khôn lường.
Chúng tôi vui mừng reo lên khi nhìn thấy tên mình trên tấm biển giơ cao giữa dòng người chen chúc trong nhà ga. Katiuska Rodriguez phụ trách Châu Á Vụ Quan hệ Quốc tế Bộ văn hoá Venezuela cùng một số bạn trẻ và em Quỳnh sinh viên Việt Nam đón chúng tôi.
Xe hơi lướt nhẹ như tấm thảm bay. Nó đang chứng tỏ sự hiện đại của công nghệ ô – tô hay nói về chất lượng hoàn hảo của con đường. Ý nghĩ vừa loé lên trong tôi đã vụt tắt khi âm nhạc nổi lên những giai điệu rộn ràng phấn khích của trống và Tây Ban cầm. Thứ âm thanh mê hoặc và bừng thức, dứt con người ra khỏi lo âu, muộn phiền để hoà nhập vào thế giới sống động mà siêu thoát. Đó là tín hiệu đầu tiên cho biết tôi đã thật sự đặt chân đến Venezuela, không chỉ về mặt địa lý mà như đã chạm vào hồn vía Nam Mỹ.
Ngoài cửa kính xe núi đồi uốn lượn nhấp nhô, thung lũng trải rộng xanh một màu hoang dã. Thành phố hiện ra, trước tiên là sắc đỏ của những khu nhà tường gạch không tô trát, lúp xúp chen nhau từ dưới chân lên đỉnh đồi. Em Quỳnh nói đó là những khu nhà Tổng thống Hugo Chavez xây cho thổ dân. Ông đặc biệt quan tâm đến người nghèo. Dưới sự lãnh đạo của ông tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể, từ mức 49% năm 1998 xuống 12,3% năm 2007.
Xen lẫn những khu nhà thổ dân là những toà nhà cao tầng, san sát vươn thẳng lên trời như đua cùng với núi. Hệ thống đường giao thông, cầu vượt, công viên, các công trình công cộng, phố xá đã được hoàn chỉnh từ lâu. Venezuela là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hoá cao nhất Mỹ La Tinh.
Khách sạn Quốc tế 5 sao Alba, nơi đón tiếp Đại biểu 15 nước thành viên và Việt Nam, nước châu Á duy nhất là thành viên chính thức thứ 16 của FILVEN 2008. Tại đây chúng tôi gặp gỡ làm quen với các nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội đến từ Ecuador, Cuba, Argentina, El. Salvador, Uruguay, Clombia, Espana, Suiza… và nước chủ nhà Venezuela.
Khi chúng tôi tự giới thiệu là người Việt Nam, nhiều người bắt chéo hai tay lên ngực, đầu cúi xuống với cử chỉ trân trọng nói “Việt Nam, Hồ Chí Minh”. (Việt Nam – Hồ Chí Minh trong trái tim tôi).
Phong cách người Nam Mỹ tự nhiên và nồng nhiệt khi gặp người quen, dù da trắng, da đen hay da màu họ đều biểu lộ tình cảm bằng cách áp vào má nhau, hôn gió thật kêu và mắt cười rực sáng.
Như một lẽ tự nhiên khi đến xứ sở hoa hậu, tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Mai rất hay ngắm nhìn phụ nữ. Tất nhiên không phải ai cũng đẹp như hoa hậu, nhưng vòng 1 và vòng 3 quả là rất ưu thế. Trang phục của họ chủ yếu là quần jean bó chặt phô hết mọi đường cong, với chiếc áo cổ rộng để trần cả khuôn ngực màu mỡ. Đặc biệt là dáng đi mạnh mẽ, dứt khoát, tự tin và uyển chuyển, mang dáng dấp của những điệu nhảy Nam Mỹ. Hình ảnh này cũng xuất hiện khá nhiều trong tranh ảnh, văn hoá phẩm và bìa sách như một nét đặc trưng Mỹ La tinh.
Hôm mới đến đây, chúng tôi được ông Trần Thanh Huân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Venezuela đãi cơm tại Đại sứ quán. Ông cho biết ở Venezuela phụ nữ được tôn trọng, bình đẳng với nam giới. Có 6 Bộ trưởng là nữ, đó là Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Thông tin, Bộ Du lịch, Bộ Thổ dân, Bộ Phụ nữ và Bộ Xã hội. Từ khi Tổng thống Hugo Chaver nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với phụ nữ. Ví dụ như mỗi người phụ nữ không phân biệt tầng lớp nào, cứ đến 50 tuổi đều được nhà nước hỗ trợ 200 USD/tháng.
Những ngày ở Caracas tôi luôn sống trong trạng thái bâng lâng, đôi khi mộng mị không xác định được thời gian. Múi giờ Venezuela và Việt Nam chênh lệch nhau 11giờ 30 phút, gần một nửa vòng quay quả đất. Nơi đây hầu như không có mùa. Mặc dù nằm ở vùng nhiệt đới nhưng khí hậu mát mẻ, chỉ hơi se lạnh như Đà Lạt.
Đêm không ngủ, mở cửa sổ, từ tầng 13 nhìn toàn cảnh Caracas tôi ngỡ mình lạc vào hành tinh lạ, choáng ngợp trước muôn vàn tinh tú. Thành phố trong đêm mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác, tráng lệ, kiêu sa. Aùnh điện muôn màu lấp lánh toả ra, dày đặc, bao trùm khắp đường phố, nhà cửa, trải từ thung lũng lên đỉnh núi, như muôn ngàn con mắt của đêm mở ra vô tận, như những chuỗi ngọc khổng lồ trên bộ ngực phì nhiêu của đất đai. Đã nhiều người gọi Caracas là thành phố ngàn sao. Tôi gọi Caracas là thành phố nạm ngọc.
Caracas cũng như tôi không ngủ, xe hơi chạy thâu đêm, suốt sáng. Đất nước với ngành công nghiệp dầu mỏ đóng góp 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước, đảm bảo cho những dòng xe không bao giờ ngưng nghỉ. Một tuần ở Caracas tôi không nhìn thấy xe Honda hay một phương tiện giao thông nào khác ngoài xe hơi. Lòng tôi nao nao thương nhớ thủ đô Hà Nội giờ tan tầm nêm chặt các chủng loại xe, nhích từng chút lo âu căng thẳng.
Chuyến du lịch dã ngoại đi cáp treo Warairarepano cùng những người bạn ở Bộ Văn hoá Venezuela để lại trong tôi những cảm xúc trong trẻo thật khó phai mờ. Tôi đã từng đi cáp treo bắc trên những đỉnh núi qua thung lũng mênh mông ở Đà Lạt, cáp treo vượt biển ở Nha Trang. Nhưng nếu chưa đi cáp treo Warairarepano thì như chưa từng được sống đến tận cùng cảm giác mạo hiểm. Dưới chân núi nhìn lên thấy sợi dây cáp giống như con sào dựng đứng đầy thách thức. Từ trên cáp treo nhìn xuống hun hút vực sâu bí hiểm, cây lá phủ dày, xanh đến rợn người. Mơ hồ ý nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu rơi xuống cái vực xanh ngòm kia. Bất chợt những thảm hoa vàng như những ánh lửa dưới đáy thung xua tan nỗi sợ hãi gieo vào tôi niềm tin cậy ở thiên nhiên, ở sự thiêng liêng của hồn núi, hồn cây. Và khi lên đến đỉnh núi thì giống như bước chân lên một tầng trời. Làn sương tím mờ bao phủ trên ngọn cây, phảng phất những bóng người như thực, như ảo. Nhiệt độ 130C. Cái lạnh ngấm sâu, len lỏi dịu ngọt mà da diết. Nó vừa lay thức lại vừa khiến ta mê say trong niềm hân hoan giao hoà cùng sương gió, đất trời, hoa cỏ mà biết ơn thiên nhiên đã dâng hiến hết mình.
Lộng lẫy và nên thơ, Caracas khắc trong tôi một kỷ niệm, một nỗi nhớ và hơn thế – một tình yêu.
FILVEN 2008 – Một thế giới cho những người yêu sách.
Diễn ra từ ngày 7 đến 16 tháng 11 năm 2008 tại công viên Caobos Luis Mariano Rivera thủ đô Caracas, Hội chợ Sách Quốc tế FILVEN 2008 là một sự kiện văn hoá đặc sắc của khu vực Mỹ La tinh. Chủ đề chính của Hội chợ sách lần này là “Vai trò của sách trong việc xây dựng một Boliva Xã hội chủ nghĩa”. Cầm Catalogue do Ban Tổ chức đưa mà tôi thấy ngợp, vì nó được in nhiều màu sặc sỡ bằng chữ Tây Ban Nha nhỏ li ti, gồm 259 chương trình hội thảo, đề cập đến các vấn đề triết học, chính trị, khoa học, kinh tế xã hội, văn học nghệ thuật, âm nhạc, thiếu nhi… với nhiều hình thức trình bày: Thuyết trình, toạ đàm, giới thiệu tác phẩm, diễn kịch, chiếu phim, ca nhạc, múa…
Công viên Caobos Luis Mariano Rivera vốn được xem là một bảo tàng thiên nhiên bởi có một rừng cây lâu năm xanh tốt chạy dài đến dãy núi phía tây thành phố, giờ đây bỗng trở nên rộn rịp, sôi động. Hàng loạt gian hàng sách, văn hoá phẩm nhiều thể loại của các nước nối tiếp nhau. Người đi dự hội chợ tấp nập. Hàng chục hội trường được dựng lên để tổ chức Hội thảo. Có cả những khu vui chơi giải trí và nơi các em học sinh biểu diễn những điệu múa của thổ dân da đỏ.
Tôi và Nguyễn Thị Mai bảo nhau cố gắng, tận dụng hết mọi khả năng và thời gian để tham dự được nhiều chương trình cho bõ công vượt hàng vạn cây số đến đây, mặc dù không phải lúc nào cũng có người phiên dịch và công viên thì quá rộng đi mỏi cả chân.
Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là ngôn ngữ bất đồng. Trước khi tôi đi Venezuela, một nhà thơ nữ từng đi nước ngoài khuyên tôi phải học tiếng Anh cấp tốc. Tôi có chút vốn liếng tiếng Anh nho nhỏ nhưng đã rơi rụng vì ít khi sử dụng. Sang đây mới biết các nước Mỹ La tinh chỉ nói tiếng Tây Ban Nha, còn tiếng Anh họ cũng ngọng nghịu như chúng tôi. Mỗi khi giao tiếp chúng tôi phải huy động cả cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt để diễn đạt. Có lẽ do tình cảm chân thật và thân thiện nên cũng hiểu được nhau, rồi tặng sách, gửi danh thiếp, ghi địa chỉ Web, Blog, Email… Những tập thơ bạn tặng cho tôi cũng giống hệt những tập thơ xuất bản ở Việt Nam, độ dày trên dưới 100 trang, với 50-60 bài thơ, số lượng in 1000 bản. Tôi nâng niu cuốn sách của bạn mà tiếc vì mình không đọc được chữ Tây Ban Nha. Khi tôi tặng bạn tập thơ của tôi, bạn ấp nó vào ngực ra chiều cảm động lắm.
Theo chương trình đoàn Việt Nam sẽ tham luận vào tối 13/11. Chúng tôi bận rộn chuẩn bị: sách để trưng bày; trao đổi với em Quỳnh về phần dịch, đọc lại bài viết, ủi áo dài, và hồi hộp lo lắng, lo trời bất ngờ đổ mưa không ai đến dự. Khi tôi và Nguyễn Thị Mai cùng với em Quỳnh trong chiếc áo dài rực rỡ đến hội trường, chúng tôi nhận được những cái nhìn thiện cảm và những lời khen “Việt Nam beautiful”. Chúng tôi vui mừng khi thấy các nhà văn, nhà thơ Cuba, Ecuador, và nhiều nước khác đã đến ngồi sẵn ở hội trường và không nén nổi xúc động vì ngài Đại sứ Rorge Rondon Uzcategui cùng với một số người đại diện Bộ Văn hoá Venezuela cũng đến dự buổi tham luận của chúng tôi. Ông cho biết ông vừa từ Việt Nam về Caracas để cùng với Chính phủ đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm và làm việc tại Venezuela.
Ngài Đại sứ đã mở đầu chương trình bằng lời phát biểu giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, về việc 2 nhà thơ nữ Việt Nam tham dự Hội chợ sách Quốc tế lần thứ IV như là khách mời đặc biệt.
Thực hiện chỉ đạo của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tôi trình bày tham luận về “Quá trình phát triển của văn học Việt Nam và hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Thị Mai tham luận vấn đề: “Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội và trong sáng tạo thi ca”. sau đó mỗi chúng tôi đọc bài thơ của mình.
Qua thái độ chăm chú lắng nghe, ánh mắt nụ cười đồng cảm của mọi người, chúng tôi hiểu rằng mình đã thể hiện được ý nghĩa nào đó về hình ảnh của Việt Nam và đã được chia sẻ. Điều ấy khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc, tự hào; lòng nhẹ nhỏm thanh thản vì đã hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh dự mà Hội Nhà văn đã giao cho.
Tạm biệt Caracas Venezuela, xứ sở của thiên nhiên tươi đẹp, con người mạnh mẽ và nồng hậu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Katiusaka Rodriguez cùng các bạn ở Bộ Văn hoá tiễn tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Mai ra sân bay. Chúng tôi áp má vào nhau thật lâu, hôn gió thật kêu, mắt thăm thẳm buồn. “Chao! Chao!…” – tiếng Tây Ban Nha đó là lời chào tạm biệt.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Air France đưa chúng tôi đến Caracas giờ lại đón chúng tôi về. Hà Nội Việt Nam vang lên như một tiếng gọi thầm. Chưa bao giờ tôi thấy yêu đất nước mình như lúc này.
Nha Trang 05 tháng 12 năm 2008
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Số 1, ngày 3-1-2009