Lạm bàn về thơ Việt hôm nay

LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

alt

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm


Xin dùng chữ “lạm bàn” vì đã mượn hội thảo thơ miền Trung để nói về thơ Việt. Thêm một lẽ nữa, nói đến thơ Việt thì rất rộng lớn mà bài viết chỉ muốn đề cập một vài khía cạnh được cho là quan trọng.

1.
Trước hết là lịch sử. Các nhà sử học hiện đại thường coi lịch sử dân tộc là lịch sử của lòng yêu nước và xem đó là “sợi chỉ đỏ” của hành trình dân tộc. Trong chừng mực nhất định, quan niệm đó không khỏi đơn giản hóa lịch sử, đã và sẽ đẻ ra nhiều hậu quả chưa lường được.

Đành rằng chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc có ý nghĩa to lớn trong dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên trong hàng ngàn, hàng vạn năm không có chiến tranh, trận mạc, lúc đó lòng yêu nước trở thành “viên ngọc quý, được cất giữ trong rương trong hòm”, thì cái mà người Việt vẫn dựa vào để tồn tại vững vàng qua mỗi ngày lại là nhân cách Việt. Đó là tất cả những giá trị giúp con người tồn tại như một nhân cách xứng đáng, trong khuôn khổ cộng đồng Việt, tạm gọi là nhân cách Việt. Theo tôi, nghĩa vụ của sử học, văn hóa học, văn học là làm sáng tỏ nhân cách Việt qua hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến nước nhà, như chúng ta từng giải mã chủ nghĩa yêu nước dân tộc. Theo nghĩa đó, có thể xem truyện Trạng Quỳnh là biểu tượng về nhân cách Việt, hơn là tinh thần phản phong và chống ngoại xâm như ta thường giải thích. Và “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo là lời nhắc nhở, cỗ vũ cho nhân cách Việt của một nhà quân sự đồng thời là một nhà chính trị tài ba đã làm bật lên sức mạnh người Việt. Chính sự kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước và nhân cách Việt ở đời Trần đã đem lại cho quân dân ta sĩ khí có một không hai, đầy dũng mãnh mà mưu lược, gan góc mà lạc quan, lúc hiểm nguy vẫn ung dung bền chí. Không có thời nào nhiều tấm gương đẹp về nhân cách như thời đó.

Nhớ lại những năm 30 của thế kỷ trước, ta mất tự do độc lập, đó là nỗi đau lớn của mỗi người Việt. Tuy nhiên lật lại hàng chục tờ báo ngày đó chúng ta không thấy người Việt có vấn đề nhân cách, đạo đức, lối sống gay gắt như bây giờ hoặc nếu có thì cũng bị phê phán không thương tiếc. Phải chăng với nhân cách cứng mạnh đó cộng thêm lòng yêu nước được phát động mà dân ta quật khởi đập tan ách thực dân và bộ máy phong kiến vào năm 1945? Ngày đó, có biết bao bậc sĩ phu, những nhà nho yêu nước, những người cộng sản, những trí thức lỗi lạc, những nhà văn, những nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo đã làm việc hết mình vì phẩm chất và nhân cách Việt để có một dân tộc đầy súc mạnh, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ? Tôi nghĩ đời nào cũng vậy, giáo dục lòng yêu nước và xây dựng nhân cách Việt là vấn đề có ý nghĩa sống còn của dân tộc ta.
alt

Lê Khánh Mai (Khi đương nhiệm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa) tặng Hoa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đêm thơ nguyên tiêu tại Nha Trang


2.
Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. Do thuận lợi của thời thế, một người bây giờ có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể không đủ nhân cách để làm điều tốt đẹp, nhiều khi còn làm điều xấu. Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách. Cái đập mắt mỗi người Việt Nam khi ra đường hôm nay là những vấn đề nhân cách. Nỗi lo âu của mỗi bà mẹ là sợ con hư. Nỗi sợ của người già là không tìm được sự cảm thông giữa các thế hệ. Nỗi sợ của nhà giáo dục là sợ học trò nói hỗn. Những cơ sở chăm lo cho nhân cách con người đều suy yếu, xuống cấp: trường học, sách báo, nhà hát, vườn trẻ, các hội đoàn… Nỗi lo đè lên mọi người. Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt Nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách. Quả thật, những con người mạnh, một dân tộc mạnh chính là tư tưởng sâu rễ bền gốc của Đức Trần Hưng Đạo.

3.
Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách. Thơ Đường lớn không phải vì nó là đứa con của một thời đại thịnh trị, mà chính vì ở những đại diện lớn nhất của nó đã dám viết: “Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chếtrét” (Đỗ Phủ). Đó là nền thi ca của những nhân cách và tài năng lớn. Đó là nền thi ca giàu phẩm hạnh.
Tôi tin thơ hiện đại Việt Nam nhất định sẽ vươn tới một sự kết tinh mới, bền vững trong sứ mệnh phát huy nhân cách Việt. 

                                                   Huế, tháng 9.2011