Không “run tay” với chi tiết “sốc”

Nhà văn Lê Minh Khuê: Không “run tay” với chi tiết “sốc”

(Thethaovanhoa.vn) – Ra mắt tập truyện ngắn mới nhất Nhiệt đới gió mùa, nhà văn Lê Minh Khuê rất nhẹ nhàng trong cách nói và vẫn dữ dội trong cách viết, như thường thấy. Khó có thể tượng tượng được bà lại có những trang viết gây ám ảnh về bạo lực và cái chết.

Buổi ra mắt tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa của nhà văn Lê Minh Khuê diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội vào tối 19/12 mưa phùn. Bên cạnh tác giả trên bàn tọa đàm là những người bạn của bà: nhà văn Tạ Duy Anh, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS Nguyễn Thị Minh Thái.

Nhiệt đới gió mùa gồm 12 truyện ngắn mới nhất của nhà văn Lê Minh Khuê, đều với khuôn khổ “nhỏ xinh” nhưng lại phản ánh được những sự thật “dữ dội và tàn khốc” trong chiến tranh, hoặc những lát cắt “sắc lẻm và tinh tế” (chữ dùng trong giới thiệu sách) trong cuộc sống.

Cái tên Nhiệt đới gió mùa chính là để chỉ Việt Nam, “dải đất mong manh hình chữ S, khí hậu quá khắc nghiệt nên đời người nhiều bi kịch” như lời Lê Minh Khuê nói.

Viết về bạo lực không đắn đo

“Thù hận làm cuộc đời ta ngắn lại”, bà viết như vậy trong truyện ngắn chủ đề. “Tôi viết về chính cái đang làm chúng ta giận dữ. Cuộc sống hiện tại rất nhiều bạo lực. Người ta sử dụng bạo lực với nhau không hề đắn đo, không hề có một rào cản nào về đạo đức. Đó là vấn đề đáng báo động. Trong tác phẩm của mình, tôi cũng không hề đắn đo sử dụng nhiều yếu tố bạo lực”, nữ nhà văn chia sẻ nhân một câu hỏi về truyện ngắn Rap Việt. “Bạn đọc hãy tha thứ cho tôi vì điều đó. Nhưng, có những thứ chúng ta không nên để cho tiếp diễn”.

Bìa tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa
Rap Việt kể về một chàng trai dụ một cô gái vào nhà nghỉ rồi giết chết. Câu chuyện được tác giả mô tả quyết liệt và không run tay trước những chi tiết có thể gây sốc. Chẳng hạn, chi tiết xác cô gái giấu dưới gầm giường bị giòi bọ bâu vào. Nhà văn Tạ Duy Anh khẳng định đây là một trong những tác phẩm gây ám ảnh nhất trong tập truyện.
“Tôi thấy chị Khuê không phải xin lỗi ai cả. Có lẽ chúng ta nên để cuộc sống xin lỗi mình”, PGS Minh Thái tiếp lời, “Các bạn thấy đấy, hơi một tí là giết nhau. Ở Mỹ, người ta giết hai mươi mấy đứa trẻ con, từ 5 đến 7 tuổi, không vì lý do gì hết.

Chị Khuê đã đụng đến một vấn đề mà chúng ta gặp hàng ngày. Các bạn cứ mở báo mạng ra mà xem, người ta giết nhau không vì một lý do nào và cũng không gì có thể ngăn cản. Máu bây giờ vẫn chảy. Rap Việt là một truyện ngắn cực kỳ kinh khủng, khó có thể tưởng tượng một người đàn bà hiền lành đến thế này lại viết như thế”.
“Nhiều người nói văn Lê Minh Khuê giống văn Nguyễn Huy Thiệp, lạnh lùng”, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nói, “Nhưng tôi đoán rằng khi viết những câu chuyện này, chị đã lén lau những giọt nước mắt”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có chung nhận định: “Lê Minh Khuê không lạnh, nhiều khi văn chị nóng bừng tràn ra cả chữ”.

Nhà văn Lê Minh Khuê (phải) ký tặng Nhiệt đới gió mùa tối 19/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Bên cạnh bà là người bạn, PGS Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh: Mi Ly
Và những nỗi đau

Chiến tranh là đề tài không bao giờ vắng mặt trong văn Lê Minh Khuê ở bất kỳ giai đoạn sáng tác nào. Trong suy nghĩ của nhà văn Tạ Duy Anh, có cảm giác như mọi ký ức quan trọng nhất trong cuộc đời vẫn còn lại trong trí nhớ của Lê Minh Khuê, chỉ đợi được bà viết ra trang giấy. “Các truyện ngắn về chiến tranh của Lê Minh Khuê được viết với một tâm thế rõ ràng là khép lại những nỗi đau không nên nhắc đến quá nhiều”.

Tạ Duy Anh là biên tập viên kỳ cựu của NXB Hội Nhà văn và là người đầu tiên được nữ nhà văn tin tưởng nhờ đọc bản thảo, thậm chí “Khi viết Nhiệt đới gió mùa, tôi nghĩ đến Tạ Duy Anh, nghĩ rằng đó là người có thể hiểu những điều tôi muốn nói” – nhắn nhủ của Lê Minh Khuê.
Với bà PGS Nguyễn Thị Minh Thái, qua truyện chủ đề Nhiệt đới gió mùa, Lê Minh Khuê đã đưa ra một cách giải thích chiến tranh khiến người đọc rơi nước mắt. “Lê Minh Khuê là một trong số rất ít những nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh với một tấm lòng bao dung và nhìn thấu bản chất của nó”, bà nói thêm.

Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Bà là một trong những cây bút truyện ngắn hàng đầu Việt Nam và “chưa hề xuống tay trong vòng 20, 30 năm nay” (lời nhà văn Tạ Duy Anh). Lê Minh Khuê tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965, về sau làm phóng viên chiến trường và biên tập viên NXB Hội Nhà văn. Cả chiến tranh lẫn hiện thực đương đại đều là những đề tài được bà thể hiện xuất sắc.
Một số tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê: Những ngôi sao xa xôi; Lê Minh Khuê truyện ngắn; Trong làn gió heo may; Những dòng sông, buổi chiều, cơn mưa; Một mình qua đường; Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông…

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa