Khoảnh khắc người thơ – khoảnh khắc thơ…

KHOẢNH KHẮC NGƯỜI THƠ – KHOẢNH KHẮC THƠ…

Y NGUYÊN

Lê Khánh Mai: Lời mở: Bạn đang là người làm thơ hay đã là nhà thơ thành danh, chắc hằn đôi lúc hoặc nhiều hơn thế, bạn từng băn khoăn thơ là gì? Người thơ là người như thế nào?  Bạn từng bắt gặp câu trả lời trong nhiều bài viết theo kiểu lý luận kinh điển, hàn lâm, hoặc theo kiểu mơ hồ nghệ sĩ nhưng thuyết phục bởi sự tinh tế, vi diệu.
Bài viết dưới đây của nhà văn Y Nguyên nêu ra lời giải đáp bất ngờ, xác đáng và sâu sắc, rằng thơ và người thơ chỉ là khoảnh khắc. Điều ngỡ như đơn giản ấy chỉ có thể được thấu cảm bởi những ai đã chạm đến miền tâm thức sâu thẳm của thơ.

Trân trọng giới thiệu bài viết KHOẢNH KHẮC NGƯỜI THƠ – KHOẢNH KHĂC THƠ của nhà văn Y Nguyên

    I/-THƠ VÀ NGƯỜI THƠ

          Tôi là một người viết. Cầm bút viết văn, nhưng tôi không yêu văn bằng yêu thơ. Viết văn mà yêu… thơ? Quả là chuyện ngược đời. Nhưng chuyện ngược đời ấy không dành riêng tôi; cũng chẳng dành riêng bạn. Chuyện ngược đời ấy có thể xảy ra cho tất cả mọi người. Sống bằng vọng tưởng, khát khao cái mình thiếu, cái mình không có – đó là bi kịch – và cũng có thể, có khi là cứu cánh của con người. Bằng lòng, thỏa mãn đồng nghĩa với chuyện… dừng. Dừng là hết chuyện, là… chết; cái chết hiểu trên bình diện rộng. Có thể là cái chết sinh học; cũng có thể là cái chết của tinh thần, của nghệ thuật, của thơ…. Nhưng thôi, đừng lan man, tôi đang nói chuyện… tôi. Tôi yêu thơ. Tôi “say” thơ. Tôi hì hục làm thơ; những bài thơ “tầm tầm”, không dở, không hay. Những bài thơ đã ngốn mất của tôi hàng đống thời gian; cái đống thời gian – lí ra – tôi có thể đem dùng vào bao nhiêu việc có ích cho đời. Còn may, tôi không phải hoàn toàn “vô tích sự”. Tôi cũng có chút tài; và chút tài năng ấy biểu hiện ở chỗ tôi biết thơ mình không hay…

          Tại sao tôi biết thơ mình không hay? Dễ òm. Khi tôi đọc thơ người khác, tôi thấy thơ người… hay hơn thơ tôi. “Văn mình, vợ người”, đáng ra tôi phải thấy thơ mình… hay nhất. Đằng này, đã vận dụng hết cỡ cái “quy luật muôn đời” kia, tôi vẫn cay đắng nhận ra rằng: thơ tôi chưa… nhất. Dưới mắt tôi, nó còn chưa “nhất”, thử hỏi dưới mắt người? Hỡi ôi…

          Hình như tôi vừa dùng phép biện chứng để lí giải tại sao thơ tôi không hay. Đưa biện chứng vào chuyện thi ca? Điều này có nguy cơ khiến những Người Thơ đích thực bực mình. Thực tình, tôi cũng không hào hứng mấy chuyện đem “khuôn” vấn đề thi ca vào một qui tắc… sặc mùi toán học. Chỉ là vạn bất đắc dĩ. Tôi muốn đơn giản hóa vấn đề. Tôi muốn trấn an những – người – bạn – đồng – hành rằng: tôi không hề khiêm tốn, không hề cố ý tự hạ mình để… làm cao. Đừng nghĩ ngợi nhiều. Tốt nhất, bạn nên tin phăng điều ấy – cái điều xét về ấy – trước khi tôi rủ bạn đi xa hơn. Tôi muốn truy tìm nguyên nhân sự thất bại của tôi. Ừ, thì thơ tôi không hay; nhưng nguyên nhân – cái nguyên nhân sâu thẳm đích thực – nằm ở đâu? Từ ngữ chăng? Hình như không; vốn từ của tôi không đến nỗi quá nghèo. Niêm luật chăng? Lại càng không; kiến thức niêm luật của tôi đủ giúp tôi làm được Đường thi (dù không hay ho mấy!). Nhạc tính – Thơ? Họa tính – Thơ? Hình như thơ tôi… có cả; ấy vậy mà đọc lên vẫn cứ thấy có gì thiêu thiếu; nếu không muốn nói… chán phèo! “Tổ con chuồn chuồn” ở đâu? Câu hỏi ấy hành hạ tôi, ám ảnh tôi, thôi thúc tôi đi tìm. Tôi đi tìm, và cuối cùng, tôi bỗng kinh hoàng nhận ra; hỡi ơi, bạn có tin không; căn nguyên vấn đề chính là chỗ… tôi hiểu thơ tôi quá rõ!!!

          Tôi hiểu thơ tôi quá rõ; ấy là bi kịch của tôi, là tai ương của thơ tôi. Một nhà thơ, tôi không nhớ tên, có nói rằng: Bạn than bạn không hiểu thơ tôi? Này, bạn thân mến ơi, chính tôi còn hiểu nó… ít hơn cả bạn nữa! Đùa chăng? Không, không phải đùa. Đó là một sự thật; một sự thật… như đùa. Ai không tin, riêng tôi thì tôi tin. Tôi tin rằng quan hệ giữa Thơ và Người Thơ là một quan hệ bình đẳng… không! Không phải bình đẳng; đó là mối quan hệ chủ – tớ thì đúng hơn. Chủ là ai? Là Thơ. Còn đầy tớ? Là… Người Thơ.

          Người Thơ phải là tên đầy tớ trung thành, tận tụy cho Thơ; ấy mới Người Thơ và Thơ đích thực. Người thơ mà “khôn” hơn thơ, đứng cao hơn thơ, hiểu tường tận về thơ – tóm lại, thành “ông chủ” của thơ – là điều… đại hỏng. Có thể hình dung Người Thơ như cô Maria, còn Thơ là… Đức Chúa Trời. Cô Maria sinh Đức Chúa Trời cũng giống Người Thơ “đẻ” ra Thơ. Vĩ đại là Chúa Trời, không phải Maria…. Nguyễn Du vĩ đại chăng? Không, thực ra Nguyễn Du không vĩ đại. Cái vĩ đại chính là Truyện Kiều. Không có Truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn là… Nguyễn Du; nhưng chắc chỉ 30 năm sau là chẳng ai thèm nhớ đến ông quan ăn lộc nhà Nguyễn vọng tưởng nhà Lê; có đâu tính dài đến “tam bách dư niên” – ba trăm năm lẻ? Còn Truyện Kiều? Dù bị khuyết danh, dù phải làm “đứa con côi” không đội trên đầu cái tên Nguyễn Du, Kiều vẫn sống, ngang nhiên sống; vẫn lớn vụt lên, ngạo nghễ trường tồn bất tử với thời gian. Hình như không phải Nguyễn Du đưa Truyện Kiều vào kho tàng văn chương; chính Kiều mới đưa tên Nguyễn Du vào Thi Ca Sử…

          Tại sao lại thế? Tại sao lại khổ sở sinh “con” để rồi phải lạy lục “con”, làm đầy tớ cho “con”? Nếu thế thì quá nghiệt ngã, quá vô lí, quá ngu – thà đừng “sinh” còn hơn! Đúng, nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng là một sân chơi nghiệt ngã. Sân chơi ấy không có chỗ cho người khôn. Ngu mới chơi, mới có thể chơi. Đương nhiên, cái giá phải trả cho “cuộc chơi” không phải nhẹ nhàng…

          Để lặn được vào Hố Thẳm Thơ, Người Thơ dứt khoát không thể là một bậc Đại Trí, một Anh Hùng, một Siêu Nhân. Người Thơ to lớn quá, vĩ đại quá có khi sẽ làm Thơ kinh hoàng mà… chạy mất. Người Thơ phải là một sinh linh nhỏ bé tội nghiệp. Càng nhỏ bé, càng tội nghiệp càng có cơ may đến được gần Thơ. Cái Hố Thẳm chật hẹp kia vốn không có chỗ cho những kích thước khổng lồ. Nói cách khác, Thơ không thích chơi với những ông già. Nếu lỡ già, Người Thơ sẽ buộc phải hóa thân làm đứa trẻ. Đứa trẻ ấy phải quên rằng tóc mình đã bạc phơ, quên chuyện vợ đòi tiền, con réo gạo. Nói thế, hình như cũng không còn Người Thơ; nhưng đó lại thuộc một phạm trù khác; một phạm trù tôi muốn chia sẻ cùng các bạn trong phần 2 bài tản mạn này. Ở đây, tôi đang muốn tiếp tục dông dài về chuyện Người Thơ đứng thấp hơn Thơ. Phải, Người Thơ thấp hơn Thơ. Người Thơ là đứa trẻ. Đứa trẻ nhìn con chuồn chuồn bay có cái chấm nhỏ xíu trên lưng, tin chắc rằng đó là thằng Tí Hon. Đứa trẻ nhìn vũng nước có con thuyền giấy trôi trôi và thấy cả một đại dương bao la cùng tàu chiến bập bềnh…. Tự đánh lừa chăng? Không, chỉ có người lớn mới biết đánh lừa. Trẻ con không biết đánh lừa. Trẻ con tin thế và thấy đúng như thế. Tại sao lại nhìn vũng nước thành… đại dương? Vô lí quá! Ừ, đúng là vô lí; vô lí theo cái của người lớn. Chúng ta đang áp đặt cái lí của người lớn cho trẻ con; không biết rằng trẻ con có cái của chúng. Đứa trẻ nhìn vũng nước thành đại dương – đơn giản – chỉ vì chúng biết thu nhỏ mình lại. Chúng thu nhỏ, thu nhỏ đến khi tương quan kích thước giữa chúng và vũng nước đúng bằng tương quan kích thước giữa con người và đại dương. Người Thơ cũng thế. Người Thơ không biết thu nhỏ mình lại sẽ không còn là Người Thơ; sẽ không bao giờ thấy được cái bao la muôn trùng, bí ẩn của Vũ Trụ Thơ. Vũ Trụ Thơ – ấy là một chiều khác của không gian; là một thế giới tồn tại với cái riêng. Cái ấy không giống với cái của thế giới thường nhật; đó là cái lí của sự vô lí. Trong vũ trụ Thơ, chủ tể không phải là con người. Chủ tể là Thơ. Người Thơ chỉ là thần dân, là đầy tớ, là nô lệ. Những “tên nô lệ” tự nguyện chờ được Thơ lựa chọn làm một vị Moise; được mặc khải những điều huyền nhiệm của Thơ. Tên nô lệ ấy vừa hạnh phúc vừa bất hạnh. Hạnh phúc vì được lựa chọn – điều ấy chứng tỏ rằng hắn có khả năng, hắn được tin cẩn. Còn bất hạnh? Hắn sẽ không còn, sẽ phải vong thân trước khi những điều huyền nhiệm kia bắt đầu tỏa sáng. Lựa chọn người được mặc khải những điều huyền nhiệm của Thơ? Đó thực sự là cuộc lựa chọn những kẻ tuẫn đạo. Moise không được vào đất Hứa. Moise đã chết, phải chết trước khi dân Do Thái đặt chân vào đất Hứa. Đó là số phận của Người Thơ. Nói thế có nghĩa rằng: điều huyền nhiệm của Thơ cũng sẽ huyền nhiệm với cả Người Thơ. Nói thế có nghĩa rằng: kẻ được mặc khải cũng sẽ cứ phải ngạc nhiên, phải khổ công kiếm tìm, phải vật vã đớn đau chính với những gì mình vừa được mặc khải. “Đứa con” Thơ đã làm lễ đăng quang, đã bước lên ngai vàng, đã thành Hoàng Đế. Và với Hoàng Đế, “cha” nó cũng sẽ phải quì lạy, tung hô như mọi thần dân – không khu biệt, loại trừ…

    II/-KHOẢNH KHẮC THƠ – KHOẢNH KHẮC NGƯỜI THƠ

        1-KHOẢNH KHẮC THƠ       

Tôi thường nghe chuyện những người viết, những nhà văn đặt ra cho mình những kế hoạch, những chỉ tiêu. Ngày nắng như ngày mưa, mỗi ngày họ nhất định phải ngồi vào bàn, viết đủ 3 trang, 5 trang, 10 trang…. Tuyệt thật! Phải công nhận họ… quá tài. Riêng tôi thì… chịu! Tôi có thể viết một ngày 3 trang, 2 trang, nửa trang – hoặc có khi hàng 5, 7 ngày không có trang nào. Cái đầu bất trị của tôi luôn hằm hè “tuyên chiến” với tôi mỗi khi tôi mưu toan đặt cho nó chỉ tiêu, lùa nó vào kế hoạch!

Ấy là nói chuyện văn. Trở lại chuyện thơ; nhiều khi, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: không biết liệu có nhà thơ, người làm thơ nào tự đặt cho mình một… chỉ tiêu thơ, một kế hoạch làm thơ? Hình như tôi chưa nghe. Nhưng nghe hay chưa nghe không có gì quan trọng. “Nghe” là chuyện của người khác. Ở đây, tôi chỉ muốn tâm tình với bạn về chuyện của tôi, của riêng tôi. Tôi không tin, không thể nào tin người ta có thể làm thơ theo kế hoạch, chỉ tiêu. Và nếu có, hẳn nó chỉ là… “thơ chỉ tiêu” – nghĩa là một cái gì na ná như thơ – không hơn không kém…

Thơ không thể là “kết quả” của chỉ tiêu; vậy, là “kết quả” của cái gì???

Thơ là kết quả của… khoảnh khắc!!!

Cuộc phiêu lưu của chúng ta chưa dừng; và chặng thứ 2 tôi muốn cùng bạn đến – chính là mê cung của những Khoảnh Khắc Thơ. Một khoảnh khắc tâm linh; khi cánh cửa vô thức chợt mở, phơi bày trong chớp mắt cái Vũ Trụ Thơ huyền ảo. Hồn Thơ từ đó vụt ra, nhập vào Người Thơ. Bài thơ từ ấy đã có “hồn vía”, đã thành hình. Có thể nó chưa được “hạ sinh” bằng mực đen, giấy trắng; nhưng nó đã hoài thai, đã thành hình trong tâm thức Người Thơ. Đủ tháng đủ ngày nó sẽ “lọt lòng”, sẽ thành một sinh thể độc lập, tự tại thung dung giữa trời đất, thành biểu tượng cho cái Đẹp – cái Đẹp muôn đời bí ẩn, quyến rũ, mê hoặc khiến con người luôn đau đáu, khát khao uống lấy, ôm chầm…. Nhưng thôi, đụng vào cái Đẹp hình như tôi cảm thấy tôi đang mắc bệnh… chơi liều. Cái Đẹp là một phạm trù vô ngôn; là phạm trù để cảm, không phải để diễn. “Kính nhi viễn chi”, tốt nhất nên cẩn trọng lùi lại, rẽ qua lối khác. Trước khi rẽ qua lối khác, bạn và tôi, chúng ta hãy ghé mắt trộm nhìn một chút cái quá trình “thai nghén” của Người Thơ. Hồn Thơ nhập vào Người Thơ, và sẽ được” thai nghén” trong bao lâu? 3 năm, 5 năm, hay 10 năm? Có thể một chớp mắt; cũng có thể một đời người nếu nhìn theo ý niệm thời gian tương đối. Còn tuyệt đối? Đó chỉ là một khoảnh khắc! Cái Sinh Thể Thơ chỉ có thể lớn lên trong từng khoảnh khắc vô ngã của người nghệ sĩ. Đó cũng là những khoảnh khắc Thơ (hay sát na Thơ); những khoảnh khắc không chiều dài, chiều rộng – nghĩa là một triệu, một tỉ khoảnh khắc cũng chỉ là một khoảnh khắc! Nguy rồi! Hình như tôi đang phủ nhận khái niệm Thơ. Nếu những điều tôi thấy có chút gì đáng tin thì rõ ràng không tồn tại Thơ; chỉ tồn tại những khoảnh khắc Thơ. Hình như tôi đang đi lạc, đang dò dẫm trong cái mê cung rộng lớn đến kinh hoàng của những Khoảnh Khắc Thơ. Tôi quay ngược, quay xuôi, cố tìm xem tôi đã đánh rơi lí trí chỗ nào, lúc nào trong cuộc hành trình đầy khoái lạc nhưng cũng tràn khốn khổ này. Tôi không tìm ra lí trí của tôi; và bằng con mắt còn lại của bản năng, tôi cứ thấy Thơ sáng bừng trong những Khoảnh Khắc Thơ. Rời khỏi khoảnh khắc ấy, thơ chỉ còn là những tử thi, những giả tướng ảm đạm mà con người đôi khi cứ khổ công đem mổ xẻ tanh banh, moi từ ruột một thứ vớ vẩn gì đó, chỉ và bảo rằng: đó là Thơ…

Người bạn thơ bắt bẻ tôi: “Nếu bảo chỉ tồn tại những Khoảnh khắc Thơ; vậy, những “đứa con” Thơ đã nên hình dạng, đã đăng quang Thi Đàn, đã bước chân vào Thi Ca Sử thì…”. Vâng, hình như tôi đã lỡ… sa đà, đã lỡ đánh rơi lí trí, chỉ còn lại con mắt bản năng. Và con mắt bản năng của tôi cứ nhất định thấy rằng những “đứa con” Thơ kia – dù đã làm Hoàng Đế, đã ngự ngai vàng – vẫn chỉ là những Khoảnh Khắc Thơ. Truyện Kiều của Nguyễn Du là Khoảnh KhắcThơ. Gitanjali (Lời Dâng) của Tagore là Khoảnh Khắc Thơ. Tôi… nói liều chăng? Không, tôi không nói liều. Con mắt bản năng tôi nhìn đúng thế. Ai gọi những “đứa con” ấy là Thơ? Là con người – tức nghệ sĩ và độc giả. Chúng ta vừa lang thang cùng nghệ sĩ và những khoảnh khắc sáng tạo. Bây giờ, chúng ta thử lang thang cùng độc giả xem xem. Với độc giả, liệu những thi phẩm (tôi tạm gọi là thi phẩm) vừa nêu có phải trọn vẹn, đủ đầy với nghĩa là Thơ? Thử hỏi, có lẽ 99% độc giả đều trả lời rằng: đó là thơ. Họ trả lời “là thơ”; nhưng thực sự họ có cảm nhận “là Thơ” hay không – hãy còn phải… xem chừng. Ở đây, tôi loại trừ số độc giả không có ‘duyên nợ” với Thơ (xin đừng đánh đồng “duyên nợ” với sáng tạo. Muốn cảm nhận được Thơ cũng cần có “duyên nợ”!). Họ bảo “là thơ” vì họ được giáo dục thế; hoặc đơn giản vì họ… bắt chước người khác. Đối tượng đáng bàn, đáng quan tâm là những độc giả có “duyên nợ” với Thơ. Họ thấy “là Thơ”, đúng, nhưng vấn đề ở chỗ họ thấy khi nào? Có phải mọi lúc, mọi nơi họ đều thấy “là Thơ”? Hình như không phải. họ cũng chỉ thấy Thơ khi cánh cửa vô thức bật mở; khi họ quên mình, từ bỏ thế giới hữu thức để đi vào Thế Giới Thơ; nghĩa là giống như nghệ sĩ, độc giả cũng chỉ có thể thấy thơ “là Thơ” trong một khoảnh khắc vô ngã. Điều khác nhau giữa khoảnh khắc vô ngã của nghệ sĩ và độc giả là: với nghệ sĩ, đó là khoảnh khắc sáng tạo; còn với độc giả? Là khoảnh khắc cảm thụ! Rời khỏi khoảnh khắc cảm thụ ấy, độc giả sẽ không còn thấy thơ “là Thơ” . Truyện Kiều của Nguyễn Du, Gitanjali của Tagore chỉ “là Thơ” trong những khoảnh khắc cảm thụ – có nghĩa chúng chỉ là những Khoảnh Khắc Thơ. Rời khỏi Khoảnh Khắc Thơ, chúng sẽ không còn là Thơ. Chúng chẳng hơn gì một nắm giấy loại đối với người nghèo giữa mùa đông không áo che thân; hoặc với kẻ ăn mày đã 3 hôm nhịn đói…

      2-KHOẢNH KHẮC NGƯỜI THƠ

          Tôi thích gọi “Người Thơ”. Tôi không thích dùng từ “Nhà Thơ”. “Nhà” là một cái gì… to tát quá; mà – như tôi đã thấy – Thơ vốn không thích, không ưa những Người Thơ to tát. Ừ, thì hãy tạm gọi: Người Thơ. Nhưng… liệu có Người Thơ hay không?

          Hình như tôi đã láng cháng, suýt đâm sầm vào câu hỏi “đau đầu” này trên bước đường dông dài “Thơ và Người Thơ”. Lỡ “ném lao phải theo lao”, tôi đành tiếp tục cuộc phiêu lưu đi tìm xem… liệu có Người Thơ? Và, vui thật, tôi chợt phát hiện ra: tôi đang… tự mâu thuẫn với chính mình!

          Tôi mâu thuẫn với chính mình khi tôi quá lạm dụng từ “Người Thơ” trong suốt hành trình lang thang. Nếu bảo rằng: “Người Thơ phải hóa thân làm đứa trẻ. Quên tóc mình đã bạc phơ. Quên chuyện vợ đòi tiền, con réo gạo…” thì rõ ràng không có Người Thơ. Cái quên ấy chỉ có thể là những khoảnh khắc. Khoảnh khắc ấy qua đi, Người Thơ lại phải làm… người, phải lo chuyện áo cơm, mua thuốc cho con, làm tình với vợ…. Đã trở lại làm người, tức thị người thơ không còn là… Người Thơ. Xem ra, người thơ chỉ là Người Thơ trong những… Khoảnh Khắc. Đã vậy, làm gì có Người Thơ? Đúng, hình như không có Người Thơ; chỉ có những Khoảnh Khắc người Thơ; cái khoảnh khắc diệu kì mà con người bỗng hóa Người Thơ. Người – Thơ – trong – khoảnh – khắc ấy sẽ được mặc khải, làm tròn xong sứ – mạng – Thơ trước khi trở lại làm người. Tôi đã lạm dụng từ “Người Thơ” quá nhiều. Ấy là mâu thuẫn của tôi, sai lầm của tôi; cái sai lầm của kẻ cố tình dùng hữu ngôn để diễn tả chuyện vô ngôn, cố tình đi vào vô thức bằng con đường ý thức

    III/-TIỂU KẾT

          Cuối cùng, tôi cũng thoát được ra khỏi cái Mê Cung Thơ rối rắm, mịt mù. Hú vía! Cứ tưởng mình sẽ “chết chìm” trong mớ bòng bong, nghẹt thở trong cái thòng lọng “oan gia” mình tự thắt cho mình. May, tôi đã tìm lại, nhặt lại được ý thức khốn khổ của tôi. Ý thức đã cứu thoát tôi. Tôi phải thành tâm tri ân nó – mặc dù nó vừa sa sả mắng tôi như tát nước: Đồ ngu! Đồ gàn dở! Đồ…

          Những người bạn đồng hành của tôi, tôi dại mà bạn cũng dại. Tự dưng, chúng ta rủ nhau đâm đầu vào cái chuyện cực kì dại dột, cực kì vô ích: phiêu lưu vào Vũ Trụ Thơ! Chuyện này, đáng ra phải “truy cứu trách nhiệm… hình sự” từ nhà thơ (ấy, tôi vừa trở lại con đường ý thức; và tôi có quyền gọi: nhà thơ) Nguyễn Duy. Ai bảo ông ta dụ tôi bằng hai câu thơ sặc mùi… trái cấm:

Xin em đừng ngán cuộc chơi

Phiêu lưu đã nhất cuộc đời là Thơ…

          Ừ, kể ra cũng đã, quá đã – mặc dù phải trả giá bằng đọa đày, khốn khổ, bầm dập, tang thương!

          Còn về chuyện ý thức tôi đang sa sả mắng tôi; hẳn nó cũng chẳng tha gì mà không mắng bạn – những thằng điên” đang rủ nhau đi làm chuyện vô ích! Nhưng thôi, nhân loại ngày ngày, đêm đêm đang đua nhau làm chuyện hữu ích; biết đâu số phận chúng ta chẳng phải sinh ra để làm chuyện vô ích. Vậy thì, chúng ta cứ thử… đánh liều làm chuyện vô ích xem sao…

Xứ Nẫu – tàn đông Quí  
Y.N