Kỷ niệm nhỏ với nhà thơ Mạnh Lê

KỶ NIỆM NHỎ VỚI NHÀ THƠ MẠNH LÊ

Lê Khánh Mai

Trong suốt hơn 30 năm cầm bút sáng tác và hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi may mắn được tiếp xúc và trở nên thân thiết với nhiều nhà văn, nhà thơ. Họ là những người đã nổi tiếng trên văn đàn, hoặc đang là cây bút lặng lẽ vượt mình ở địa phương nào đó. Có người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc, mà tác phẩm của họ ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình sáng tác văn học của tôi, cũng có người tôi chỉ gặp đôi lần thoáng qua do một cơ duyên nào đó, như khoảnh khắc đẹp không thể quên. Ở trường hợp thứ hai này tôi muốn nhắc đến nhà thơ Mạnh Lê.

          Nhà thơ Mạnh Lê tên thật là Lê Văn Mạnh, sinh ngày 04/04/1953, quê Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh, sau đó học thạc sĩ và giảng dạy tại Trạm Đại học Sư Phạm Thanh Hóa. Đến năm 1987 anh chuyển về công tác tại Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa, rồi giữ chức vụ Phó tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh. Anh đã xuất bản 6 tập thơ và 2 tập trường ca. Mạnh Lê qua đời ngày 15/04/2008, hưởng dương 55 năm, 11 ngày.

          Tôi viết mấy dòng này vì chợt nhớ rằng đã tròn 3 năm Mạnh Lê ra đi mãi mãi. Một kỷ niệm nhỏ với Mạnh Lê đã thức dậy trong tôi. Tháng 03 năm 2005 Hội Nhà văn Việt Nam giao cho Chi hội nhà văn VN tại Khánh Hòa đăng cai tổ chức Đại hội nhà văn khu vực miền Trung, tiến tới Đại hội nhà văn VN khóa VII. Khi ấy tôi đương nhiệm là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa nên rất bận rộn với vai trò Phó Ban Tổ chức Đại hội: lo đón tiếp, bố trí nơi ăn chốn nghỉ cho hơn 100 nhà văn VN đến từ 13 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận; tham gia Chủ tịch đoàn điều hành chương trình nghị sự, và tổ chức tham quan, gặp gỡ giao lưu… Do phải tập trung lo công việc chung, tôi ít có thời gian thăm hỏi, chia sẻ và học hỏi các đồng nghiệp. Tôi cho rằng đây là một thiệt thòi. Mà tôi lại rất hay bị thiệt thòi kiểu này. Lại nhớ hồi tháng 10/2006, Hội Nhà văn VN tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần II tại Đồ Sơn, Hải Phòng, tôi và nhà thơ Chu Thị Thơm bị “dính” vào chân thư ký Hội nghị. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch trêu: “Lê Khánh Mai có số làm quan nên tránh trời không khỏi nắng. Đi dự Hội nghị mà cũng được ngồi ghế trên. Oai!”. Rồi cứ như có “số” thật, những lần hội nghị, hội thảo văn học khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên tôi lại bị đóng đinh vào cái ghế Chủ tịch đoàn. Thú thật là tôi không thích, bởi vì trong lúc mọi người tranh thủ tâm sự, tặng sách cho nhau, chụp hình kỷ niệm, nghe những ý kiến bên lề, những thông tin trái chiều… thì tôi đang cố giữ vẻ nghiêm chỉnh trên cái ghế “oai”, thật mệt.

 Đại hội Nhà văn miền Trung, sau một ngày căng thẳng nghe các báo cáo, tham luận và bầu đại biểu đi dự Đại hội Nhà văn VN khóa VII mọi người được đi tham quan Đảo Khỉ, một điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng, sau đó là buổi liên hoan chia tay thật hoành tráng tại lầu Bảo Đại cũng là một điểm du lịch non nước hữu tình trên bờ biển Nha Trang. Các nhà văn rất vui vẻ hào hứng. Nhìn thấy nhà thơ Mạnh Lê, dáng cao ráo, khỏe mạnh đang chăm chú quan sát bầy khỉ tôi đến gần, anh nói: “Chào Khánh Mai, mấy lần muốn gặp, nói chuyện mà thấy em bận rộn quá, ngại”. Chúng tôi đi bên nhau trên đảo và những câu chuyện về gia đình, bè bạn, công việc cứ nối nhau không dứt. Tôi và Mạnh Lê có những điểm giống nhau như cùng học khoa Ngữ văn Đại học Sư Phạm, cùng có một thời dạy học, bây giờ cùng làm công tác hội VHNT. Loanh quanh rồi cũng quay sang chuyện thơ. Mạnh Lê bảo: Anh rất thích những câu thơ này của Khánh Mai:

Thuyền đã neo bờ sao sóng còn xô mãi”;

Gầy rạc tiếng ve / cứa vào trưa hè cơn đau lột xác”;

“Điều huyễn hoặc vốn là điều tàn nhẫn / nhưng đôi khi cứu vớt được linh hồn”;

“dường như trái đất mang thai / sắp sinh nở một bình minh bé bỏng”…

Tôi rất xúc động vì đây là lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện với Mạnh Lê mà anh lại tâm đắc với thơ tôi đến thế. Tôi lục trong trí nhớ và bắt gặp đoạn thơ tôi đã thuộc khi đọc tập thơ “Tôi và ai nữa” của Mạnh Lê mà anh gửi cho tôi qua bưu điện. Tôi đọc một cách trôi chảy, đồng cảm thực sự:

“Bạn đã sống nơi tôi chưa được sống

Tôi đã qua nơi bạn chưa qua

Thuyền quây kín bao la biển rộng

Bạn bè ơi! Bốn biển là nhà

Tôi hát tiếp lời tôi và ai nữa

Nguồn sông quê tôi gặp biển ngày nào

Thế kỷ tới trời xanh là bến đợi

Muôn lời yêu bay tới các vì sao”

          ( Tôi và ai nữa – Mạnh Lê)

Chúng tôi trở nên thân thiết hơn sau những trao đổi về thơ. Tôi nhận thấy anh không chỉ tâm huyết với thơ mà còn hiểu về thơ ở tầm hàn lâm. Đây là điểm gặp gỡ về tâm thức sáng tạo giữ tôi với anh.

          Cuối năm 2005 tôi xuất bản tập thơ “ Đẹp, buồn và trong suốt như sương” và gửi tặng Mạnh Lê. Anh viết thư khen tập thơ và gửi kèm bài thơ anh viết tặng tôi:

ANH THẤY

MẠNH LÊ

(Tặng Lê Khánh Mai)

Em gửi cho anh giọt sương đẹp, buồn và trong suốt

Anh soi vào sương và thấy em

Nha Trang đang vào thu em đứng bên bờ biển

Nắng gió rối bời bao nỗi niềm riêng

Từ buổi có giọt sương anh cứ soi vào lá

Ước mong mình là điểm cách xa vời

Cái khoảng cách nối mình với mông lung trời đất

Giọt nước mắt tình yêu đã thành giọt sương rơi

Anh trồng cây hoa hồng và mỗi sớm

Được nhìn thấy giọt sương trong suốt, đẹp và buồn

Anh lại thấy em bước ra từ trang sách

Đẹp, buồn và trong suốt như sương

                   Thanh Hóa, thu 2007

(Bài đã đăng Tạp chí Nha Trang, số tháng 8/2007)

Bây giờ, khi đang viết những dòng này, tôi càng thấm thía nỗi buồn đau khi Mạnh Lê, người thơ đồng điệu mà tôi quý mến đã là người muôn kiếp. Tôi vấn vương tự hỏi tại sao người bạn thơ tâm đầu ý hợp của tôi lại ra đi khi còn đang trẻ?

 Trả lời tôi là câu thơ định mệnh của anh:

Thế kỷ tới trời xanh là bến đợi

Muôn lời yêu bay tới các vì sao

Câu thơ được viết năm 2000 như điềm báo trước “ trời xanh là bến đợi”. Mạnh Lê đã về trời. Bao nhiêu lời yêu, vẻ đẹp của anh vẫn dịu dàng, ngời sáng trên “các vì sao”

                   Nha Trang, 12 tháng 04 năm 2011