HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
CHƯƠNG IV
(Tiếp theo kỳ trước)
Một mình một mâm, Trang đã quen với những món ăn giản tiện. Vài con cá nục kho đi kho lại đã khô xác và chén nước mắm. Sức thanh niên cho phép cô thích ứng một cách hồn nhiên với sự đạm bạc thường xuyên.
Hôm nay, mới bưng bát cơm lên Trang đã thấy no. Một cảm giác thoả mãn dâng đầy, như người vừa dự đại tiệc. Những ánh mắt đồng cảm và thán phục của học trò trong giờ giảng văn, là bữa tiệc linh đình đãi cô giáo trẻ.
Vừa cất dọn mâm bát, Trang vừa khe khẽ hát. Xong, cô ngồi vào bàn soạn giáo án. Ngày mai, trong giờ thao giảng của Trang sẽ có nhiều cán bộ Sở Giáo dục và giáo viên dự.
Là một trí thức giàu lòng tự trọng, Trang luôn luôn làm việc nghiêm túc. Cô tự biết mình ít nhiều đã đạt được thành công thầm lặng. Nhưng khẳng định mình trước một tập thể, không bao giờ là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với nghề làm thầy.
Kinh nghiệm cho thấy, dù cho chuẩn bị bài kỹ đến mấy, người thầy giáo vẫn phải đối phó với nhiều tình huống bất ngờ: Những phát hiện mới, những thắc mắc của những học trò thành thực cầu thị tiến bộ. Có cả những câu hỏi ngầm ý thách đố của những học trò thông minh, tinh nghịch nữa. Không vững vàng về kiến thức, thiếu nghệ thuật sư phạm, người thầy giáo có thể lúng túng, hoặc bộc lộ những khiếm khuyết, phương hại đến uy tín của mình.
Nhiều khi Hà Trang phải cố nhịn cười trước “những nhà thông thái”:
Thưa cô! Trong bài Hịch tướng sĩ có đoạn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”, vậy cái “gối” mà Hưng Đạo Đại Vương vỗ là gối gỗ mà các cụ ngày xưa dùng để gối đầu, hay là cái đầu gối ở thân thể con người ạ?”.
“Thưa cô! Ở bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, có câu: “Bầy chim non bơi lội trên sông”, Theo em, đây là một hình ảnh thiếu thực tế. Chim già còn không bơi được, huống hồ chim non…”.
“Thưa cô! Một nhà thơ khi diễn tả tình đoàn kết dân tộc đã viết: “Thịt với xương, tim, óc dính liền”, đọc lên nghe rùng rợn như một tai nạn ô tô vậy”.
Các nhà phê bình văn học đôi khi rất chủ quan. Họ đánh giá quá cao những câu thơ, bài văn mà thực chất nó chưa đạt được giá trị như vậy.
Mỗi thầy giáo dạy văn đồng thời là một nhà phê bình văn học chân chính, và phải chịu trách nhiệm về những lời mình giảng. Bởi vì mỗi lời thầy giảng là một vết khắc vào tâm hồn lớp trẻ. Người thầy thiếu trách nhiệm sẽ làm hỏng tâm hồn các em. Nhà trường thiếu trách nhiềm sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Hỏng một cổ máy có thể sửa chữa được hoặc bỏ hẳn đi, làm cái mới. Hỏng một thế hệ con người, không có cách gì sửa chữa được, thậm chí dẫn đến những hậu quả khôn lường cho lịch sử.
Nhưng sao mình cứ hay suy nghĩ, triết lý thế. Trang mỉm cười tự giễu mình. Hãy lo cho bài giảng ngày mai.
Trang lấy bút đỏ gạch chân những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm cần phân tích. Hàng loạt câu hỏi phát huy trí lực học sinh được ghi bên lề giáo án. Cô biết rất rõ những đứa học trò nào sẽ trả lời tốt những câu hỏi ấy. Lao động trên trang giáo án thật khó nhọc và cô độc, đòi hỏi ở người thầy phẩm chất thông minh và nghị lực.
Trang kiểm tra lại phích tư liệu, đồ dùng dạy học… Tất cả đều nghiêm chỉnh. Nhưng tất cả mới chỉ là một nửa công việc. Người quyết định thành công cho giờ dạy của cô chính là học trò. Trân trọng, tin cậy các em là thái độ cần thiết khi người thầy đứng trên bục giảng.
-Hà Trang ơi! – Có tiếng gọi ngoài cổng.
-Dạ!- Hà Trang nhìn ra – A, chị Huệ, chị vào đi.
Loáng một cái, Huệ đã đứng ở giữa nhà, nói oang oang:
-Soạn giáo án đấy à? Siêng nhỉ. Mình trực trường. Tranh thủ ghé thăm hai mẹ con. Nhân thể nhắc Trang chuẩn bị bài kỹ, ngày mai thao giảng. Bé Lan Chi đâu?
-Dạ, ở nhà trẻ.
-Tội nghiệp con nhỏ. Soạn giáo án xong chưa?
-Dạ, xong về cơ bản. Để em đưa chị xem, góp ý thêm. Chị ngồi xuống đây đã.
Huệ kéo ghế ngồi cạnh Trang. Cầm quyển giáo án lên, nhưng mắt Huệ còn mãi quan sát căn phòng. Chiếc giường gỗ tạp, hai chân đã mục phải kê bằng gạch. Cái bàn gỗ dán cũ kỹ bị bóc từng mảng lởm chởm. Một giá sách đóng tạm bợ, yếu ớt, bị “quá tải” nên trông càng ọp ẹp; chủ nhân phải dùng dây thừng chằng vào khung cửa sổ để nó khỏi đổ sụp xuống. Bức tường loang lổ những vệt vàng ố nước mưa vì nhà dột. Ở một góc kín đáo nhất, treo vài bộ quần áo đã phai màu. “Vắng bàn tay đàn ông và nghèo nàn đến thảm hại!”, Huệ nhận xét trong óc. Dù cố làm ra vẻ vô tình, Huệ cũng không giấu được ánh mắt cảm thương.
Huệ nhớ lại thời trẻ, mới ra trường, dạy học ở một huyện trung du. Trường lớp đơn sơ: mái lá cọ, vách đất. Gió mùa đông bắc cắt da, cắt thịt. Học trò đứa nào đứa nấy môi tím ngắt, tay run lật bật, không ghi bài được. Khu tập thể giáo viên là một dãy nhà xiêu vẹo. Các căn hộ ngăn cách nhau bằng bức phên nứa mỏng manh, thủng lỗ chỗ, như những con mắt tò mò, ranh mãnh. Chẳng ai giấu được những chuyện riêng tư, những lục đục, eo sèo của đời thường. Khi người ta hiểu nhau quá rõ thì hoặc là thương nhau vô cùng, hoặc sẽ ghét nhau vô tận. Nhưng thói đời vẫn thế: ghét dễ hơn thương.
Nghề dạy học từ nghìn xưa vốn là một nghề trong sạch nhất mà nghèo nhất. Nhưng học trò ngày xưa, không hiểu do ai dạy mà chúng biết kính trọng những bậc hàn nho, những thầy đồ nghèo nhưng giàu tâm huyết. Còn bây giờ, thầy đôi khi “nhột” cả người trước ánh mắt giễu cợt của học trò: “Thầy ơi! Thầy nói những điều cao siêu làm gì. Bụng thầy toàn rau muống”.
Nghiệt ngã thay, cai nghề nghèo nhất ấy lại dễ khiến cho người ta say mê, như say mê tình ái.
Vợ chồng chị Châu Linh là một ví dụ. Hai người cộng lại có đến sáu mươi năm đứng lớp. Học trò của họ có người là bộ trưởng, sĩ quan cao cấp trong quân đội, kỹ sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ. Họ vẫn chưa chịu rời bục giảng và vẫn nghèo như thuở mới vào nghề. Đã vậy, cái “gien” sư phạm lại “di truyền”. Con cái, đứa nào cũng nối nghiệp cha mẹ. Ai đi xe cub, ai ở nhà lầu, ai “chạy xô”, “chạy mánh”, mặc. Sáng sáng, cả gia đình, lọc cọc mỗi người một xe đạp đến trường dạy học.
Biết giải thích thế nào về trường hợp này. Đã là chim sơn ca thì phải cất lên tiếng hót tươi vui, khi bình minh hé rạng.
Và Hà Trang, cô sẽ là một nhà giáo chân chính. Nhưng rồi Trang sẽ khổ, sẽ dẫm lên vết mòn của những người đi trước, sẽ lặp lại chính ta. Gần hai mươi năm trong nghề, ta có gì đâu, ngoài danh hiệu cao quí “Người giáo viên nhân dân”.
Huệ nén một tiếng thở dài, quay lại nhìn Trang. Đôi mắt Hà Trang trong sáng quá. Nó lấp lánh ngọn lửa nồng nhiệt yêu nghề, yêu người. Ta là đồng nghiệp, là tổ trưởng chuyên môn, ta không nên dập tắt ngọn lửa ấy. Rồi thực tế phũ phàng sẽ chỉ ra cái giá mà cô phải trả cho sự đam mê của mình.
Huệ lật giở trang giáo án, chăm chú đọc. Một lát sau Huệ nói:
-Bài văn này có nhiều vấn đề khai thác. Nhiều chi tiết lý thú. Xem bài soạn, biết ngay là Trang tâm đắc lắm. Trước đây mình đã dạy mẫu bài này. Theo mình nên bổ sung vài điểm.
Rồi, không còn giữ ý tứ gì cả, Huệ oang oang giảng giải, hệt như đang đứng trước học trò. Nên thế này. Phải thế kia. Ông Hoài Thanh có phần cực đoan khi đánh giá vấn đề. Ý kiến của cụ Đặng Thai Mai có lẽ tiêu biểu hơn. Vân vân và vân vân.
Đôi mắt vốn nhỏ, sâu và đen sậm của Huệ cứ sáng quắc lên. Hàm răng đều, sin sít đưa đẩy trong cái miệng nhỏ, làn môi cong, khiến cho giọng nói của Huệ rin rít. Tất cả tạo nên sự dữ dằn, sắc sảo và đầy quyền lực ở người đàn bà tuổi ngoại bốn mươi.
Hà Trang chỉ còn biết im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng mới đệm tiếng “dạ”, điểm nhịp sau mỗi chỗ ngắt đoạn, lấy hơi của Huệ.
Thao thao bất tuyệt một hồi, chừng như đã cạn ý và hơi ngượng về cái sự “lên lớp” của mình. Huệ đứng dậy, đến bên giá sách buông một lời khen:
-Giá sách của Hà Trang tuyệt lắm có nhiều cuốn rất quí. Theo mình, muốn hiểu ông thầy là người thế nào, hãy nhìn vào giá sách của ông ta. Chưa có vài trăm cuốn sách, chưa đáng gọi là thầy. Trang làm sao mà tích luỹ được nhiều sách thế?
-Hồi còn học phổ thông, em thường nhịn ăn quà để mua sách. Từ ngày đi dạy, mỗi kỳ lương em mua hai cuốn – Hà Trang ghé vào tai Huệ vẻ bí mật – Em có một kinh nghiệm “làm giàu” sách. Chị đừng cười nhé.
-Kinh nghiệm gì thế?
-Tuyên bố một câu “xanh rờn” với học trò. “Cô từ chối tất cả những quà tặng của các em. Chỉ có một món quà duy nhất cô không bao giờ từ chối. Đó là sách”. Những ngày lễ, tết em thường nhận được món quà vô giá ấy. Học trò nghèo, năm sáu đứa góp tiền, mua chung một cuốn sách tặng cô. Có đứa ra trường, công tác ở xa, mỗi lần về thăm, không quên biếu cô một cuốn sách hay. Chị hãy giở vài cuốn ra xem. Ở trang đầu có ghi dòng lưu niệm và tên học sinh các niên khoá.
-Đúng là “tích luỹ tư bản chủ nghĩa” – Huệ cười vang – Một sáng kiến tuyệt đấy, đề nghị báo cáo trước Hội đồng giáo viên.
-Chị mà tiết lộ chuyện này, em bị mang tiếng “lợi dụng” học sinh thì chết – Trang nghiêm mặt.
-Không sao. Lợi dụng để làm giàu tri thức thì cũng nên lợi dụng lắm. Tri thức của người thầy sẽ làm lợi cho học sinh. Tóm lại, sáng kiến của cô giáo Hà Trang đáng được xếp loại A.
Huệ lại cười vang, và cầm bộ sách Đaghextan của tôi của Raxun Gamzatôp, giơ lên:
-Mình cho rằng, đây là “cẩm nang” của giáo viên dạy văn .
-Em cũng nghĩ thế. Một cuốn sách lý luận văn học đầy chất thơ – Trang ghi nhận.
Huệ nhìn đồng hồ:
-Ấy chết. Ba giờ chiều rồi. Mình phải sang trường kiểm tra lớp 11B làm vườn sinh vật. Ngày mai Trang cố gắng dạy tốt nhé. Đại diện của tổ chuyên môn đấy.
-Dạ, không dám. Em chỉ đại diện cho chính mình. Trong tổ, có nhiều anh chị giỏi hơn.
-Lại khiêm tốn – Huệ cười, rồi xăm xăm bước đi.
Chợt Huệ dừng lại bên ngoài cánh cổng:
-À quên. Giảng về đề tài Tổ quốc, Trang nhớ liên hệ thực tế để giáo dục. Hiện nay giáo viên và học sinh vượt biên nhiều quá. Văn học và cuộc đời, Nhà trường và xã hội càng ngày càng có nhiều mâu thuẫn. Giáo dục một cách cứng nhắc, sống sượng, chúng ta sẽ giống như những kẻ nói dối.
-Lời nói từ trái tim sẽ đến với trái tim. Nếu học trò trách ông thầy nói dối, tức là ta có lỗi. Bản lĩnh của ông thầy là dám nói lên sự thật. Cho dù đó là một sự thật đau lòng – Trang từ tốn nói.
-Nhưng bọn trẻ sẽ mất niềm tin.
-Bởi ta quen nói với chúng những điều tốt đẹp, và chúng tin những điều tốt đẹp vốn sẵn có trong đời! Đất nước ta giàu đẹp. Nhân dân ta cần cù dũng cảm. Đảng ta vĩ đại. Xã hội ta ưu việt…. Ta cần nói với bọn trẻ rằng: Bằng bàn tay, trí tuệ, tâm hồn, các em có trách nhiệm làm cho thế giới này hạnh phúc.
Trang nói. Nhiệt huyết trong người cô bốc lên, như thể chính cô là một trong số “bọn trẻ” ấy. Huệ chỉ còn biết tán đồng.
-Đúng thế!
Ngôi trường cổ kính được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nép mình dưới những bóng cây cao, mặt quay ra biển đông. Những hôm trời động, có thể nghe rất rõ tiếng sóng dội ầm ào từng đợt, trầm đều. Dư âm của sóng cứ vang vọng giữa trời nước bao la, cả trong những ngày biển lặng.
Buổi sáng thật yên lành. Hà Trang đến trường trong chiếc áo dài màu xanh nước biển, ôm khít lấy thân hình tròn trịa. Mái tóc buông xoã vỗ nhịp trên tấm lưng mềm mại. Mấy đứa học trò gái thân tình của Trang reo lên: “Dễ thương quá cô ơi!”.
Lớp học đã chật ních người. Học trò phải dồn lên phía trước, nhường hai dãy bàn ghế sau cho các thầy cô giáo và quan khách. Hà Trang bước vào lớp với nụ cười làm sáng cả gian phòng. Cô cất giọng giảng bài. Thời gian ngưng đọng lại. Vòm lá xanh bên khung cửa đã thôi xào xạc. Chỉ còn tiếng giảng bài ngọt ngào, tha thiết. Cử chỉ của Hà Trang dịu dàng, hài hoà với lời nói. Tất cả đều trôi chảy, kín cạnh, giống như một diễn viên đã nhập vai. Cô đâu còn là Hà Trang của đời thường với bữa cơm đạm bạc, với căn nhà dột nát, nghèo nàn. Cô đang sống với tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm, đang đau nỗi đau nhân tình, đang làm chiếc cầu nối giữa nghệ sĩ với độc giả trẻ tuổi.
Học trò, đứa nào đứa nấy hau háu nhìn Hà Trang. Chúng đứng về “phe” cô, lo lắng cho cô, sẵn sàng bênh vực cô. Nhiều cánh tay giơ lên xung phong phát biểu xây dựng bài. Trang sung sướng và thầm cám ơn các em.
Những người đến dự giờ chăm chú lắng nghe và ghi chép. Hai vị cán bộ Sở trao đổi ngắn gọn với nhau, gật gật đầu rồi ngẩng lên theo dõi bài giảng. Hà Trang cảm thấy rất rõ đôi mắt nhỏ, sâu, đen sậm của Huệ đang nhìn mình. Cái màu đen bí hiểm ấy xăm soi ở ngực, ở eo bụng và ở bông hoa thêu trên tà áo dài của Trang. Huệ không ghi chép gì cả. Quyển vở trên mặt bàn, gài cây bút, gấp lại. Huệ cười thầm bằng cử chỉ nhếch mép rất lâu, như muốn nói rằng: “Ta thừa biết cô giảng bài như thế nào, cô giáo trẻ ạ”.
Chỉ còn năm phút nữa là hết giờ, Hà Trang đang giảng những lời cuối:
“Các em ạ! Nhà văn, nhà giáo dục học Xukhômlinxki nói: Tổ quốc, đó là ngôi nhà của em, chiếc nôi của em. Trong ngôi nhà thân yêu, không phải bao giờ mọi chuyện cũng êm đẹp. Cũng có lúc chúng ta gặp tai hoạ và đau đớn. Khi nói đến những cái đó, hãy nhớ rằng, em nói về tai họa và nỗi đau của nhà mình…”. Theo cô, đó là một lời dạy thấm thía. Không thể sống thiếu Tổ quốc, cũng như không thể thiếu ngôi nhà. Nhưng lẽ nào khi nhà ta đớn đau và tai họa, ta lại từ bỏ để ra đi”.
Điều Trang vừa nói thực ra không có gì mới mẻ. Học trò có thể đọc trên sách báo. Vậy mà nét mặt các em chùng hẳn xuống. Chúng nhận ra giọng cô giáo rưng rưng. Chúng uống lời cô và chợt thấy đó không phải là vị ngọt đánh lừa cảm giác, mà là vị cay nồng thức tỉnh.
Trống điểm hết giờ. Không khí lớp bỗng sôi lên. Học trò đứng dậy, chào các thầy cô và quan khách. Mọi người đổ ra hành lang.
-Khiếp! Giảng gì mà hay thế. Sởn cả da gà – Việt Ánh, cô bạn cùng học với Trang ở Đại học, nay là đồng nghiệp, vừa khen, vừa vỗ vào vai Trang một cái đau điếng.
-Trời ơi, đến con kiến trong lỗ cũng phải chui ra – Chị Minh Thuỳ nhỏ nhẹ bên tai Trang.
Anh Đăng, giáo viên Toán, đi ở phía sau cũng vượt lên góp lời:
-Đúng là văn chương. Nghe sướng cả tai, chứ đâu có khô khan như môn toán. Hèn chi, tôi nghe học trò ca ngợi cô Hà Trang hoài.
Hà Trang không kịp nghĩ ra câu gì để đáp lại tấm lòng của mọi người. Cô mỉm cười ngượng nghịu.
Trong lúc đó, Huệ và anh Khanh cán bộ Sở Giáo dục trao đổi với nhau về giờ dạy của Trang.
Huệ nói:
-Anh thấy Hà Trang dạy thế nào?
-Cô ấy có nhiều mặt mạnh. Khanh đáp – Giọng nói có âm lượng dồi dào, ngôn ngữ giàu hình tượng, tác phong chững chạc, khai thác bài khá sâu. Chỉ tiếc là hơi tham. Có lẽ cô ấy quá tâm đắc với bài văn, nên không kềm chế được. Song, tôi nghĩ, đó là nhược điểm chung của giáo viên trẻ.
Huệ chột dạ. Bởi chính Huệ, giáo viên “già”, mà vẫn chưa khắc phục được “bệnh” tham lam khi giảng bài. Cái gì cũng muốn nói hết, nghĩ dùm hết cho học trò. Bọn trẻ lúc nào cũng phải tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, do giáo viên áp đặt. Nhưng, nếu Khanh cho đó là nhược điểm chỉ có ở giáo viên trẻ, thì dại gì mà Huệ không tán đồng.
-Đúng thế – Huệ khẳng định – Hầu hết các giờ dạy, cô Trang đều nói quá nhiều, không còn thời gian để phát huy trí lực học sinh.
Ngừng giây lát, để thăm dò thái độ của Khanh, Huệ tiếp:
-Theo anh, nên đánh giá giờ dạy của Trang thế nào?
Khanh suy nghĩ hồi lâu, mới chậm rãi nói:
-Lâu nay, cách đánh giá giờ dạy của giáo viên hơi nặng nề. Nhất là đối với giáo viên văn. Ta đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn khắt khe: Năm bước lên lớp. Bám sách giáo khoa. Phân bố thời gian hợp lý. Giáo dục đạo đức cho học sinh qua bài giảng, vân vân… làm nên sợi dây ràng buộc, không cho giáo viên tự do phát huy sáng tạo. Ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một giờ dạy văn. Theo tôi, giáo viên nào gây được hứng thú cho học sinh, giáo viên đó thành công.
-Vậy giờ dạy của Hà Trang hôm nay có thành công không? – Huệ vội vã cướp lời Khanh.
-Tôi thấy học sinh nghe giảng nghiêm túc. Phải thừa nhận, cô Trang đã gây xúc động cho người nghe. Nhìn chung cô ấy có nhiều triển vọng. Tất nhiên là ý kiến cá nhân tôi thôi. Còn việc đánh giá, xếp loại giờ dạy không phải thông qua tổ chuyên môn.
Nói xong, Khanh vội đi tìm một anh cán bộ Sở. Huệ lùi lại phía sau đoàn người. Đôi mắt đen sậm của Huệ phảng phất một nỗi buồn xa xôi.
Lâu nay Huệ vốn được coi là “cây đa cây đề” của tổ văn. Chính Huệ cũng tự xếp mình ở vị trí thứ nhất, trong số hai mươi giáo viên văn của trường. Giờ đây, Hà Trang, cái “con bé” mới vào nghề ấy, hình như muốn “qua mặt”. Nếu “con bé” nổi lên, thì có nghĩa là ta sẽ bị lu mờ. Huệ xót xa, như thể đang bị ai cướp đi một cái gì đó rất mơ hồ.
Huệ thầm nghĩ: Con người từ lúc sinh ra cho đến khi vùi xuống đất đen, nếu không được tất cả, thì chí ít phải được một trong ba thứ: Tình yêu, tiền tài, danh vọng. Ta đã sống trên cõi đời này hơn bốn mươi năm, thử hỏi ta có được những gì?
Tình yêu ư? Dường như điều đó, đối với ta mãi mãi chỉ là khát vọng. Ta đã trải qua một mối tình ngây thơ vội vàng, và lấy chồng. Dẫu đã có hai mặt con với nhau, người ấy vẫn chỉ biết yêu ta bằng “tình yêu” của một chú gà trống. Tiền tài ư? Ta đã quá mệt mỏi vì cảnh sống mòn của nhà giáo. Nuôi heo một năm hai lứa, gánh nước tưới vườn dập nát đôi vai, cũng chỉ sắm thêm vài bộ quần áo và chiếc xe đạp. Gần hết thế kỷ 20 rồi, mà các con ta vẫn phải xem nhờ tivi hàng xóm. Danh vọng ư? Có đấy chứ. Nào là “giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sĩ thi đua”, “tổ trưởng chuyên môn”, có triển vọng được cất nhắc lên phó hiệu trưởng. Hão tất. Ta thừa hiểu điều đó. Nhưng khi ta không còn gì để bấu víu thì chút danh vọng bèo bọt cũng trở thành một lý do để mà hy vọng. Ta cần giữ lấy niềm hy vọng ấy, nhân nó lên, để tự an ủi rằng: đời ta không đến nỗi hẩm hiu.
Lẽ nào Hà Trang lại là “vật cản” của ta?
(Còn nữa)