HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI
CHƯƠNG XII
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
(Tiếp theo kỷ trước)
Mũi Hương lại nghẹt nước. Cô buông tay khỏi Cường quay đi hờn tủi, Cường nắm tay Hương:
-Đừng buồn. Anh tin là em sẽ gặp một người yêu xứng đáng. Bây giờ, ta về thôi Hương. Lợi đang chờ anh. Anh không muốn bạn anh hiểu lầm. Bọn anh đã từng sống chết có nhau.
Hương nấn ná như còn ấm ức điều gì. Bỗng cả khu vườn như bị vây bọc trong bầu không khí oi ả, bức bối. Không một cơn gió, không một tiếng rì rào. Cây lá chết lặng. Rồi một cơn mưa lớn trút nước ào ào. Cơn mưa rào đầu hè táo tợn, cuồng nộ như muốn xoá dập mặt đất tơi bời. Nước như đã âm thầm tích tụ từ muôn đời để bây giờ đổ xuống. Cường và Hương bỗng trở nên nhỏ bé trước cái bạo liệt của thiên nhiên. Hai con người bơ vơ, không nơi trú ngụ.
Cường cởi phăng chiếc áo bộ đội trên người, hai tay giăng ra làm dù che cho Hương.
-Anh xích lại gần em cho đỡ ướt.- Hương nói, hơi thở của cô phả vào anh nóng ran.
Dáng vóc cao lồng lộng và bộ ngực vạm vỡ của Cường toả ra một sức mạnh vừa khiêu khích vừa mời gọi. Hương muốn ôm lấy anh, hoà vào trong anh để được bảo vệ, che chở, để tâm hồn yếu đuối của cô được nương tựa.
Thế là cô đã tiên đoán đúng. Từ năm mười bốn tuổi cô đã nghĩ, lớn lên cô sẽ có một mối tình giống như Jênerơ và Rôchextơ. Cô sẽ được sống bên người yêu giữa cơn mưa giông, trong một khu vườn. Vậy thì đêm nay, ngẫu nhiên hay là định mệnh? Giá cứ được ở bên Cường mãi mãi, trong gió mưa gào thét, cho đến chết.
-Mưa bong bóng lâu tạnh. Ta đội mưa về kẻo em cảm lạnh.- Cường nói.
Không đợi Hương trả lời, anh kéo tay cô chạy ra khỏi khu vườn. Mưa rạch mặt người. Mưa chém vào thân. Đau buốt. Tê dại.
Cường đưa Hương về đến tận nhà A1, đẩy cô vào mái hiên.
-Vào nhà ngay đi. Anh về nhé.
Cường quay đầu chạy một mạch. Về phòng trong tình trạng quần áo ướt sũng, đầu tóc bết bát, nước mưa chảy ròng ròng trên mặt, anh rất ái ngại.
Lợi nằm trên giường, quay vào vách, dáng phiền hà, chắc anh chưa ngủ. Cường lẳng lặng lau người thay quần áo, rồi đi nằm. Không ngủ được. Không lý giải nổi những gì vừa xảy ra. Một giấc mơ lạ lùng, kỳ bí, một nỗi ám ảnh đối với anh. Nó làm lương tâm anh cắn rứt, sám hối. Anh nhớ đến quay quắt Hà Trang và bé Lan Chi. Tội nghiệp vợ anh. Người phụ nữ ấy đã yêu anh, một tình yêu cần mẫn, tận tuỵ, hy sinh và dâng hiến. Tình yêu ấy không ồn ĩ, nhiều lời, mà như mạch ngầm lặng lẽ cuộn chảy, đắp bồi, bền vững. Kỷ niệm hiện về quay cuồng trong ký ức.
Phải, anh và Hà Trang đã yêu nhau hết mình. Đã đi đến tận cùng cơn bão.
Anh nhớ, dạo đóng quân cách Hà Nội 60 cây số, một hôm đang ngồi thừ trong lều bạt, trung đoàn trưởng Phúc ghé tai anh:
-Buồn thế. Nhớ người yêu hả? Cho về. Bảy giờ sáng mai có mặt ở đơn vị.
Mừng quýnh, không kịp cám ơn thủ trưởng, mượn dược chiếc xe đạp cọc cạch, Cường phóng về Hà Nội. Hôm ấy hai đứa lang thang khắp phố phường trắng đêm. Hồ Tây, tấm gương khổng lồ, không phủ bụi thời gian, lấp loá trong ánh đèn. Thả hồn vào những giây phút êm đềm, anh và Trang không hề hay biết cơn bão cấp 12 đang đến gần. Chưa bao giờ Hà Nội bị áp đảo bởi cơn thịnh nộ của trời đất ghê gớm đến vậy. Bão xoáy tít trên không trung, phạt vào mái phố, ập xuống lòng đường. Bão vặn thân cây răng rắc, nhổ bật gốc cổ thụ, quật đổ trụ bê tông. Chớp liếm vào đêm đen. Sấm sét rạch xé bầu trời. Bão vẫn từng trận nối tiếp, gào rú dai dẳng, man dại. Hai đứa bấm chân trên đường, dìu đỡ, giằng giữ nhau để không bị cuốn đi như chiếc lá, dò dẫm từng bước vượt qua những thân cây đổ chắn ngang đường, những hàng dây điện sóng xoài nghẽn lối.
Kìa, một mái hiên chìa ra như bàn tay vẫy gọi, mời mọc, bao dung. Anh và Trang tạt vào đó. Hai tấm thân ướt đẫm, tả tơi, lạnh cóng quyện riết vào nhau, sưởi ấm nhau bằng những nụ hôn dài cho đến khi tạnh bão.
Anh nhớ, Trang đa theo anh đi khắp mọi miền đất nước, vùng đồng bằng cát trắng, nơi trung du đất đỏ, chốn núi rừng heo hút. Trang đã cùng anh ăn suất cơm của lính, băng bó vết thương đồng đội, khiêng tải thi hài tử sĩ. Trang đã trao anh cả cuộc đời trinh trắng trước giờ phút anh lao vào trận đánh ác liệt hơn.
Và, anh nhớ, mùa hè năm trước ở Nha Trang, sau những ngày xa cách, bằn bặt tin nhau, Trang đón nhận anh với tình yêu đằm thắm. Anh còn giữ mãi cảm giác hạnh phúc khi Trang âu yếm anh nồng nhiệt bằng cả tấm thân mọng chín.
Có một điều hơn hết mọi điều, đó là, Trang đã vì anh mà mang nặng, đẻ đau. Vì anh mà mang tiếng, chịu lời, khổ sở, nhục nhã. Vì anh mà vò võ một mình nuôi con, gánh vác gia đình, tạo lập cuộc sống từ hai bàn tay trắng…
Suốt đêm ấy anh chập chờn mê tỉnh.
Kỷ niệm, đó là những gì không bao giờ lặp lại, kho báu thiêng liêng của mỗi người, sợi dây êm ái buộc ta với quá khứ, thức dậy lương tri, cứu rỗi con người trước hiểm hoạ và cạm bẫy. Ai không biết trân trọng kỷ niệm, kẻ đó bất hạnh.
Nửa đêm, Cường lịm đi trong giấc ngủ nặng nhọc. Anh mơ thấy Hà Trang và bé Lan Chi. Con gái anh lẫm chẫm tập đi, đôi mắt mở to tự tin, cái mũi cao, kiêu hãnh. Nhưng sao gương mặt vợ anh khác lạ. Không phải Hà Trang mà là Minh Hương. Anh giật mình tỉnh dậy. Giấc mơ làm anh đau nhói. Anh bỗng nhớ Trang cồn cào.
*
Nếu chiêm nghiệm cuộc sống một cách nghiêm túc, con người sẽ phải thừa nhận sự linh ứng của thần giao cách cảm.
Cái đêm Cường trăn trở nhớ vợ con cũng chính là đêm Trang thao thức hướng về anh với nỗi lòng yêu thương, ngờ vực. Gần chục năm trời qua, kể từ khi Cường có mặt trong đời Trang, chị hầu như chỉ sống với một tình yêu mộng ảo, gặp gỡ, chia phôi, khắc khoải nhớ nhung, đau đáu đợi chờ, thắc thỏm lo âu. Giữa hai người là cả một thời gian, không gian rộng dài, cách ngăn, bằn bặt, khiến cho tình yêu dù đã được thử thách, đã chín muồi, cũng không tránh khỏi hoang mang.
Cường trẻ trung, đẹp trai, khoẻ mạnh, tài năng, lại từng trải, sẽ là niềm ao ước của bao nhiêu cô gái mới lớn lên, khát yêu, nông nổi, chưa được học bài học vỡ lòng về tình yêu, hôn nhân, chỉ tò mò qua sách vở.
Các nhà tâm lý học đánh giá thiếu chính xác về phái mày râu, cho rằng họ có nghị lực lớn, ý chí cao, làm được những việc động trời và không uỷ ựy sướt mướt. Thực chất, giấu trong lớp vỏ ngạo nghễ của đàn ông là một trái tim yếu đuối. Chả thế, xưa nay có những anh hùng không ngã trên chiến trận mà chết thảm thương trong tay đàn bà.
Đàn ông không chịu nổi sự cô đơn. Họ luôn tìm cách thoát ra khỏi khuôn khổ chật hẹp, tù túng, nhàm chán. Và, trong quá trình “hướng ngoại”, họ được giao tiếp rộng rãi, thể hiện thực lực, khẳng định nhân cách. Họ có thể thành đạt hoặc lầm lạc.
Cường yêu vợ, thương con, nhân hậu với mọi người, có cá tính mạnh mẽ nhưng về cơ bản anh vẫn là một con người đa cảm. Liệu anh có giữ được mình trong những lúc cô đơn?
Tình yêu từng phút, từng giây vuột khỏi tầm tay của Trang không để lại dư âm. Và, hạnh phúc bấy lâu ngỡ vững chãi như lâu đài thì nay Trang tìm mọi lý lẽ để chứng minh nó quá mong manh, nó đang âm thầm tan vỡ.
Nhưng không có nỗi đau đớn nào lớn hơn nỗi đau của một trái tim bị dối lừa. Có phải niềm tin của Trang đã trao lầm chỗ? Có phải anh đã thay lòng đổi dạ, lãng quên kỷ niệm bội phản tình yêu?
Ôi, nếu như tất cả mọi sự thật trên đời dù phũ phàng đến mấy, cũng đều sáng rõ như ban ngày, thì con người không phải gánh cái gánh nặng của chính tâm hồn mình. Tiếc thay, sự thật vốn câm điếc. Sự thật mang những chiếc mặt nạ muôn hình, vạn dạng. Sự thật đội chiếc mũ tàng hình ranh mãnh. Sự thật hoá thành chiếc kim nhỏ, trốn trong bọc vải, lâu ngày mới trồi ra.
Hồi nhỏ Trang tình cờ nghe được câu chuyện như sau: Có một người đàn bà rất thoả mãn với hạnh phúc của mình. Bởi chồng bà là người có địa vị cao trong xã hội, hết lòng yêu thương vợ con, đứng đắn, thuỷ chung. Điều đó không phải riêng bà nhận thấy mà người đời cũng thừa nhận, ngợi khen. Bà lấy làm kiêu hãnh về người chồng của mình. Vậy mà sau một nửa thế kỷ chung sống, người đàn bà ấy mới hay biết mình bị chồng lừa dối. Đó là lúc ông đã nằm trong chiếc quan tài, quàn tại nhà riêng, có một người đàn bà lạ, dẫn một đàn con đến xưng là vợ con của người đã chết, xin được để tang, thắp nhang khấn vái, nguyện cầu cho linh hồn ông siêu thoát trước khi về thế giới bên kia.
Người đàn bà bị bội phản cay đắng, uất hận kêu gào thảm thiết, không chỉ vì cái chết của người chồng đã từng cùng bà trao xương, gửi thịt, mà chính là vì cái chết tức tưởi của một niềm tin.
Niềm tin, đôi cánh kỳ diệu, giúp con người vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình, hoá ra lại là mầm mống của sự bất hạnh.
Cho dẫu thế, kẻ khôn ngoan vẫn không bao giờ đánh mất niềm tin. Tính chủ động trong cuộc sống sẽ hạn chế bi kịch của số phận. Cụ Nguyễn Du bảo: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều đấy thôi.
Và Trang tuân theo nguyên tắc đó. Chủ động tìm hiểu bản chất cuộc sống. Chủ động ứng xử với mọi hoàn cảnh. Ở đời có cái gì tuyệt đối, vĩnh hằng? Tình yêu dù đắm say, dù chân thật cũng có thể nhạt phai, tan vỡ.
Đêm ấy, sau những giấc mơ ám ảnh nặng nề, Trang viết những dòng thơ, tự nhủ với lòng mình. Trang bỗng thấy mình sống trong một trạng thái tâm lý hết sức kỳ lạ: Kẻ đói được ăn. Người khát được uống. Thiếu nữ được yêu. Tù nhân được phóng thích. Những khúc mắc được tháo gỡ. Nỗi u uất trầm tích được giải toả.
Trang nghiệm ra điều này: Người nghệ sĩ trước khi đem đến hạnh phúc cho đồng loại, anh ta đã đem đến hạnh phúc cho chính mình.
*
Cường tránh gặp Hương từ sau cái đêm mưa bất chợt, bàng hoàng ấy. Nhưng cuộc chạy trốn của anh chẳng dễ dàng. Hương không buông tha anh. Cô tìm mọi cách gặp anh, để thể hiện vai trò người “bạn”, người “em gái” của một người đàn ông có vợ. Hương đem đến phòng anh những bông hồng đỏ thắm còn đọng sương mai, thu vén quần áo, chăn màn của anh về giặt là, sắm cho anh chiếc khăn len, đôi dép nhựa. Cô làm tất cả những việc ấy một cách tự nhiên, không giấu giếm, đôi khi pha lẫn chút tự hào, thách thức.
Cường rất lo ngại. Anh bảo:
-Có lẽ Hương đừng săn sóc anh như thế. Anh không muốn phiền Hương.
-Phiền Hương hay là phiền anh?- Hương hất hai túm tóc vỏng vảnh đôi nơ trắng, nhìn thẳng vào Cường.- Nếu phiền anh, thì xin lỗi, Hương sẽ rất lui có trật tự. Còn Hương ấy à Hương tự nguyện. Người tự nguyện không bao giờ tính toán hơn thiệt. Hay anh sợ phiền thiên hạ? Cái thiên hạ tò mò, ác tâm, chõ mũi vào đời tư của người khác thật chẳng đáng bận lòng chút nào.
Hương lý sự cùn thôi, chứ trong thâm tâm, cô cũng thấy mình vô lý. Cô dịu giọng:
-Em có sợ làm phiền một người. Đó là chị Trang. Chắc chị buồn. Nếu chị ấy oán trách em, nguyền rủa em, em xin cúi đầu nhận lỗi. Nghĩ cho cùng, em có sung sướng gì đâu. Em cũng đau khổ lắm.- Mũi Hương lại nghẹt nước.- Mà sao anh cứ im lặng thế? Anh có chấp nhận tình cảm của em không?
Mãi sau này Cường không hiểu nổi vì sao hồi ấy anh lại nhu nhược thế. Anh không có can đảm từ chối tình cảm của Hương, mặc dù, thực lòng anh chỉ yêu Trang và không muốn đèo bòng thêm một mối quan hệ phức tạp, khi cuộc sống của anh vốn chẳng êm ả gì.
Vì chuyện đó, Lợi trách Cường. Anh nói xa xôi: “Cường sẽ chẳng bao giờ tìm được một người phụ nữ thứ hai như Hà Trang đâu”. Cường thừa nhận điều ấy. Và anh lại chạy trốn Hương. Có lúc anh tưởng đã rũ bỏ được tất cả. Nào ngờ, trời đất sui khiến thế nào, anh lại “sa lầy”.
Hôm ấy anh bị cảm nặng. Người sốt hừng hực. Môi bỏng rẫy. Miệng đắng nghét. Sức lực của một cơ thể nặng 70 kilôgam, không mang nỗi cái đầu như tảng đá lớn. Anh phải nghỉ học, nằm bẹp một mình trong phòng. Buồn kinh khủng. Nỗi cô đơn như loài gặm nhấm, đẽo gọt từng mảng tâm hồn. Nhớ vợ con da diết và mơ hồ. Đã lâu anh không nhận được thư của Hà Trang. Phải vì Trang giận anh? Không còn yêu anh? Gần đây anh được đọc khá nhiều thơ của Trang đăng trên báo. Thế là Trang đã vào cuộc. Còn anh, số phận sao nghiệt ngã. Gần ba mươi tuổi rồi anh vẫn còn long đong vì cái mảnh bằng đại học. Cuộc đời anh đầy rẫy sự hẩm hiu, thua thiệt, thiếu hụt. Cả tình yêu, tình vợ chồng giữa anh và Trang có phải là đích thực? Anh hoang mang, rối bời như người kiệt sức lê lết trên hoang mạc mênh mông.
Chính lúc ấy Hương đến, như nàng tiên hiện ra trong giấc mơ trẻ nhỏ. Hai túm tóc cài nơ trắng vỏng vảnh, giọng nói sôi nổi của Hương đã làm mất đi cái lạnh lẽo của căn phòng.
-Biết ngay mà,- Hương nói – thấy anh Lợi đi học một mình em đoán là anh bị ốm. Em cũng trốn học luôn.
Hương đưa tay sờ trán, vuốt má anh, rồi kêu lên:
-Trời ơi, anh sốt cao lắm. Có lẽ đến bốn mươi độ. Sao vậy anh?
-À, tối qua, tắm xong anh thấy người gai gai. Nửa đêm thì sốt li bì đến giờ.
-Vậy là anh bị nhiễm lạnh. Để em xem. Anh chịu khó nằm xấp xuống. Thế.
Hương lấy dầu cao xoa khắp lưng Cường. Bàn tay múp míp của cô nắn bóp, mân mê bả vai anh. Thân hình anh đẹp, lực lưỡng, săn chắc. Người đàn bà nào chiếm được anh sẽ hạnh phúc trong đời sống vợ chồng, Hương nghĩ. Và cô đau xót vì đã ao ước, đã hoài công tìm kiếm anh, mà anh lại thuộc về người khác mất rồi.
-Bây giờ anh nằm ngửa nhé. – Hương dỗ dành. Anh chỉ còn biết ngoan ngoãn vâng lời.
Cô lại xoa dầu cao lên bộ ngực chàng hec-quyn. Vòm ngực anh nhô cao, kiêu hãnh. Mỗi lần bàn tay Hương chạm vào đôi núm vú trồi lên như chiếc gai nhỏ êm ái, cô lại khẽ rùng mình xao xuyến.
Cường thấy dễ chịu hơn. Những khớp xương đông cứng được thư giãn, những mạch máu ngưng tụ, lại tan chảy và cơ bắp tê bại đã hồi sinh.
Hương chuyển sang xoa bóp vùng mặt anh. Hai ngón tay trỏ mập mạp của cô day điểm huyệt bên thái dương, miết lên trán anh. Má Hương là bác sĩ, đã chỉ cho cô cái phương pháp chữa bệnh đơn giản mà hữu hiệu ấy.
Cường ngạc nhiên, thán phục:
-Tốt lắm. Anh cảm thấy tảng đá đã được nhấc đi.
Cô gái trước đó còn xa lạ với anh giờ đã trở nên gần gũi vô cùng. Mặt Hương sát mặt anh. Hơi thở của cô phả vào anh nồng nàn, thân thiết. Bỗng trái ngực căng nặng của Hương đè lên ngực anh và cô hôn anh một cách bất ngờ. Cái hôn bỏng rát, vội vã ngấu nghiến của kẻ háu đói. Trong hoàn cảnh ấy anh khó lòng từ chối.
Hương đã thắng. Cô gái luỵ tình chối bỏ vị trí nạn nhân của mình, trong khoảnh khắc, biến người đàn ông có vợ thành nạn nhân.
-Anh với chị Trang có hạnh phúc không? Hương hỏi.
-Có. Nhưng bọn anh ít được sống bên nhau. Có thể anh chủ quan. Nếu anh và Trang không hạnh phúc, có lẽ vì anh.
-Còn nếu anh không được hạnh phúc vì một người nào đó, em sẽ đền bù cho anh tất cả. Anh… Anh có dám từ bỏ tất cả để đến với em không? Em chấp nhận mọi điều kiện, miễn là được sống với anh. Em sẽ nuôi bé Lan Chi, coi nó như đứa con của mình dứt ruột đẻ ra. Em không thể tiếp tục đợi chờ vô vọng – Mũi Hương lại nghẹt nước – Em khổ lắm rồi.
-Đừng Hương. Bình tĩnh lại em. Anh cũng có sung sướng gì đâu.
*
Một mùa hè nữa lại đến. Cường bận rộn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp ra trường. Gửi bé Lan Chi cho bà nội, Hà Trang ra Hà Nội thăm chồng. Chị đem theo mực khô, cá biển và một số thức ăn đặc sản Nha Trang, chăm sóc anh trong những ngày anh vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời sinh viên.
Lòng Trang chộn rộn bao niềm cảm xúc khi tàu đến ga Hang Cỏ. Hà Nội đây. Nơi Trang đã để lại tuổi thơ cùng biết bao kỷ niệm. Lát nữa Trang sẽ được gặp Cường, người mà suốt những năm ròng, Trang hướng về anh với những kỷ niệm tốt đẹp.
Tàu dừng lại. Mặc cho hành khách lục tục, chen lấn xuống tàu, Trang ngồi bên cửa sổ, dõi tìm một bóng hình thân thuộc dưới sân ga. Trang đã đánh điện tín, nhắn Cường ra đón. Sau những phút giây hy vọng, ngóng trông, mòn mỏi, Trang thở dài thất vọng. Cường không ra ga đón vợ.
Anh không nhận được điện tín? Anh đang ngồi trong phòng thi? Anh gặp chuyện không may, đau ốm, hay một tai nạn trên đường ra ga? Anh không muốn gặp Trang nữa? Trang đến với anh quá muộn mằn? Sự có mặt của Trang đối với anh có lẽ đã trở nên thừa thãi? Những câu hỏi nặng nề khiến Trang rã rời.
Cuối cùng, Trang đành lủi thủi một mình với năm ba chiếc túi xách lỉnh kỉnh, tìm đến nơi anh ở. Vài ngày sau, tình cờ Trang thấy bức điện tín trong túi áo của Cường.
Đêm ấy nằm bên chồng, Trang chơi vơi trong nỗi buồn vô biên. Những mong ước khát khao cái giây phút thầm kín vợ chồng tan biến. Chồng của Trang đây: Thân thể anh cường tráng. Hơi thở anh quyện trong hơi thở Trang nôn nao. Mùi da thịt đàn ông khơi gợi nỗi đam mê. Anh ôm Trang. Bàn tay thân thiết của anh vuốt lên thân thể vợ. Vẫn là anh. Chẳng có gì đổi khác, mà sao Trang cảm thấy cách ngăn xa lạ.
-Em gầy đi nhiều quá – Anh nói – Anh có lỗi với em Trang ạ. Đời anh đầy rẫy sai lầm. Anh lang thang trong ảo tưởng, theo đuổi những chuyện viển vông. Anh đánh mất tự chủ. Anh làm khổ em.
Giọng anh não nề, sám hối. Lúc ấy Trang không thể hiểu được lòng anh. Nó ngổn ngang, tơi bời. Anh chỉ muốn quên phứt hết mọi chuyện, rũ bỏ tất cả, để thực sự sống với Trang trong hạnh phúc ái ân, yêu thương, trao gửi, đền bù cho người vợ tội nghiệp của anh.
Nhưng Trang đã lãnh đạm. Nỗi đau trong Trang như con mãnh thú bị thương nặng, không còn đủ sức để điên cuồng.
Rồi Trang cũng phải lên tiếng:
-Em biết, anh đã không còn như xưa. Điều đó chưa hẳn lỗi tại anh. Em chỉ mong anh nói thật hết với em. Em đã chịu đựng được ngần ấy năm xa cách, ngần ấy nỗi khổ sở vì chiến tranh, nghèo nàn, nhục nhã. Giờ đây, nếu phải thêm một nỗi bất hạnh, em cũng không gục ngã. Nhưng đừng bao giờ lừa dối em. Đừng che đậy thật. Đừng cố gắng vớt vát những gì anh đã vứt bỏ, dày xéo. Đừng thương hại. Điều đó xúc phạm đến em ghê gớm lắm. Em đã từng là vợ anh. Đã sinh con cho anh. Đã hy sinh cả thời con gái vì anh. Em không kể công. Không đòi hỏi sự đền bù. Chẳng lẽ anh lại tàn nhẫn đến mức em biến thành nạn nhân của chính tình yêu và niềm hy vọng mà em giành cho anh. Chẳng lẽ những kỷ niệm vất vả và thiêng liêng giữa chúng ta đã trở nên vô nghĩa. Và, bé Lan Chi, bằng chứng sống về một mối tình, cũng chẳng còn mảy may dính líu với anh?
Trong đau đớn Trang tỉnh táo một cách lạ lùng. Những lời nói rành rẽ, sắc lạnh, đầy quyền uy của Trang như những nhát dao bén ngọt cứa sâu vào tim anh, ứa máu.
-Trang, em đừng bắt anh phải nói gì thêm nữa, ngoài một điều duy nhất này thôi: anh yêu em và con. Lòng anh chưa một phút giây nào phản bội em. Mặc dù, đúng là anh có lỗi. Có những lúc anh không phải là anh. Cả hai chúng ta đều đã cố gắng vượt qua chặng đường dài khổ ải. Anh không muốn sự tan vỡ lại xảy ra đúng vào lúc ta đặt chân đến đích. Sẽ còn nhiều thời gian để em kiểm nghiệm những điều anh nói. Thôi ngủ đi em. Chắc em mệt lắm rồi. Còn anh ngày mai phải thi môn cuối cùng.
Sáng hôm sau Minh Hương chặn anh tại cổng trường. Nhìn vẻ mặt chình chịch và hai túm tóc vỏng vảnh của Hương, Cường bỗng thấy khó chịu. Cô ta giống con quỉ xảo quyệt trong truyện cổ Anđecxen, đã găm mảnh gương kỳ lạ vào mắt anh, khiến anh nhìn cuộc sống một cách méo mó, dị dạng.
Hương sấn lại gần anh, nói:
-Anh Cường, hôm nay em sẽ đến gặp chị Trang. Anh thấy thế nào?
-Không nên thế. Trang sẽ đau khổ thêm.
-Đó là một biện pháp “lịch sự” và “nhân đạo” – Hương lắc hai túm tóc một cách bướng bỉnh – được biết 100 phần trăm sự thật, dù cay đắng, còn hơn là phải day dứt vì một sự thật nửa vời.
-Trách nhiệm đó thuộc về tôi, Hương ạ – Cường suýt nổi nóng.
-Chứ không phải là anh đang chạy trốn trách nhiệm à? – Hương nhếch mép cười chua chát.
-Không.- Cường buông một tiếng rồi bỏ đi.
Hương vẫn quyết định đến gặp Trang, vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, vì thói tò mò thông thường của phụ nữ. Thử xem vợ Cường, kẻ tình địch của cô là người như thế nào? Ngoại hình? Nhân cách? Nghe đâu vợ chàng là thi sĩ. Thi sĩ mà làm gì ở cái thời buổi này cơ chứ. Thơ chẳng ăn được. Vả lại, có vợ “thơ thẩn”, chắc đức lang quân sẽ cảm thấy hạnh phúc thật chông chênh. Người vợ ấy hẳn phải có hàng trăm mối tình ngoài hôn nhân thì mới “thai nghén” và “đẻ” ra thơ được chứ. Thật tội nghiệp cho ông Cường.
Thứ hai (lý do này là căn bản): Hương sẽ đánh một đòn tâm lý “điểm huyệt” nữ thi sĩ. Hương sẽ nói toạc móng heo tất cả. Sẽ kể lể, thêm thắt những tình tiết lâm ly, chứng minh hùng hồn rằng Cường đã yêu Hương say đắm và không còn chung thuỷ với Trang. Chị ta sẽ tự ái, (máu nghệ sĩ mà). Trong cơn xốc nổi, chị ta sẽ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Cường. Lúc ấy Hương chỉ cần nở nụ cười tình tứ với anh thế là xong. Cô và Cường sẽ khoác vai nhau lên xe hoa, bước vào phòng cưới. Làm người phải biết giành lấy thời cơ mà chiến thắng.
Hương lấy làm sung sướng và tự mãn với âm mưu của mình.
Tuy nhiên, phải đề phòng trường hợp vợ Cường là sử tử Hà Đông. Chị ta có thể nổi cơn tam bành đập phá, túm tóc Hương giộng vào tường. Dĩ nhiên lúc ấy Hương phải vận dụng cơ bắp. Nhưng tốt nhất là “đối thoại” chứ không “đối đầu”.
Trang đang lúi húi sửa soạn bữa ăn thì Hương đến.
-Chào chị. Chị có phải là chị Trang?
-Vâng. Có việc gì thế chị?
-Em là Hương, bạn anh Cường.
-À biết rồi. Mời vào nhà.
-Chị cứ nấu nướng cho xong, rồi chị em mình nói chuyện.
-Xong rồi đây. Hương ngồi chơi đi.
Hai người nhìn nhau.
Hương nghĩ: Chị ta không đẹp. Đó là một điểm yếu không thể khắc phục. Đã thế, thân thể lại gầy guộc, mắt thâm quầng, biểu hiện của sự khổ hạnh về vật chất và tình cảm. Được cái giọng nói trong trẻo, từ tốn. Nhìn chung là buồn và nội tâm. Người như thế chắc chẳng hại ai bao giờ.
Trang nghĩ: Cô ta mập mạp, phốp pháp. Nói to, ưa ồn ào. Mắt hơi xếch. Cái nhìn lộ liễu, táo tợn, bất cần và liều lĩnh. Nếu nông cạn về tri thức, nghèo nàn về kinh nghiệm thì có thể dễ thất bại vì tự dẫn thân vào hang cọp. Nhìn chung, cô ta có vẻ ngoài tươi mát và giống như một trang sách, có thể đọc lên vanh vách.
Thu dọn bếp núc xong, Trang lặng lẽ ngồi vào mép cuối của chiếc giường cá nhân. Hương vội sán tới ngồi sát vào Trang, khiến vai cô chạm vào vai Trang. Cử chỉ khiếm nhã ấy khiến Trang hơi khó chịu. Hương không để ý. Cô ta hấp tấp vào đề:
-Chị Trang, em đã suy nghĩ kỹ mới quyết định gặp chị. Vì em muốn mọi chuyện được giải quyết rạch ròi. Vì em tin chị là một người nhân hậu. Hai năm qua em đã quen anh Cường. Ban đầu chỉ là tình cảm bạn bè, anh em. Em rất quí anh ấy, nên thường gần gũi, giúp đỡ anh trong những lúc cô đơn, ốm đau, thiếu thốn. Không ngờ em và anh ấy yêu nhau, chuyện này ngoài ý muốn của em, vì em biết anh ấy đã có vợ con. Chị là người từng trải chắc chị hiểu, khi yêu người ta thường mù quáng. Lý trí bảo: như thế là sai, là tội lỗi, nhưng tình cảm thì không dứt được, mà ngày càng buộc chặt thêm. Giữa em và anh ấy có vô vàn kỷ niệm. Những cuộc hẹn hò. Những lần du lịch dã ngoại đến những miền thiên nhiên kỳ thú. Những chiếc hôn độc đáo của anh ấy…
Rồi Hương như thể quên phắt người đang ngồi cạnh mình là ai. Cô ta say sưa kể, mắt lim dim, mơ màng như thể đang sống lại một lần nữa những kỷ niệm đã qua.
Trang lắng nghe. Kỳ thực chị không cố gắng nhớ những điều cô ta nói. Chị đang ở trong một trạng thái tâm hồn hết sức kỳ lạ: Bình thản. Không đau đớn, ghen tuông. Không nuối tiếc, thù hận. Con mãnh thú bị thương trong chị không khuất phục. Nhưng nó biết cam chịu, nhẫn nhục để tỉnh táo và mạnh mẽ hơn.
Hương vẫn kể lể như cái máy:
-Đấy, em đã nói với chị tất cả. Không giấu giếm, che đậy. Chị cứ chửi rủa, trách móc, hành hạ em cho hả giận. Nhưng xin chị hãy giúp em. Từ lâu, em tâm niệm em đã là vợ của anh ấy, dù chưa được luật pháp công nhận.
-Tôi nghĩ,- Trang nói – Sự việc trên có thể giải thích được. Tôi, anh Cường và Hương chúng ta đều là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Vợ chồng tôi vì xa cách mà chưa hiểu hết nhau, chưa làm tròn trách nhiệm với nhau. Hương vì gần gũi anh Cường mà nảy sinh tình cảm. Chuyện như thế, trong thực tế đã xảy ra nhiều. Nếu mỗi chúng ta đều cố gắng vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng hoàn cảnh thì đã chẳng phải đối diện với những sự việc đáng buồn thế này. Dù sao, tôi cũng cám ơn em, vì em đã thay tôi chăm sóc anh Cường trong thời gian anh ấy học ở đây. Những điều còn lại, có lẽ tôi và em phải suy nghĩ thêm.
Em cho rằng em và Cường đã yêu nhau, không dứt bỏ được nhau. Em có nhầm lẫn không? Một tình yêu đích thực không dễ dàng đến thế. Nếu có, chỉ có thể là thứ tình yêu lửa rơm nhanh bén, mau tàn. Một cô gái tự trọng và có ý thức về hạnh phúc sẽ không bao giờ lao vào mối tình ngang trái một cách dại dột. Những chiếc hôn, những cử chỉ vuốt ve, âu yếm và cả cái việc quan hệ xác thịt nữa, cũng chỉ là biểu hiện tình cảm ở cấp độ thấp nhất giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông không cần tình yêu họ cũng có thể làm được việc ấy. Tình yêu thật sự đòi hỏi một cái gì cao hơn thế nữa. Em hãy tự xét mình.
Em kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi biết là em nâng niu nó lắm. Tôi cũng trân trọng sự thành thật của em. Nhưng em có hiểu rằng những kỷ niệm đó không phải là duy nhất đối với anh ấy? Tôi và anh Cường trở thành vợ chồng không phải do mai mối, ép gả hoặc tảo hôn. Chúng tôi từ tình yêu đi đến hôn nhận. Tình yêu nào mà chẳng đầy kỷ niệm. Với tôi, kỷ niệm là thiêng liêng, vô giá. Tôi không bao giờ đem ra khoe khoang hay so sánh. Dù tất cả đã lùi vào quá khứ, nhưng không có quá khứ nào dị biệt với hiện tại. Nếu anh Cường đã quên kỷ niệm giữa chúng tôi, thì chắc chắn anh ấy sẽ không nhớ kỷ niệm với Hương đâu. Nếu anh ấy đã phụ bạc một người vợ tử tế, thì lấy gì bảo đảm anh ấy sẽ chung thuỷ với Hương suốt đời?
Đấy là tôi đặt giả thiết thôi. Cho đến giờ phút này tôi vẫn không mất niềm tin ở chồng mình.
Em bảo tôi giúp em ư? Một tên cướp xông vào nhà tôi, cướp đi tất cả bạc vàng, châu báu, biến tôi thành kẻ nghèo hèn. Rồi tên cướp năn nỉ tôi giúp hắn. Nếu ở hoàn cảnh tôi, em sẽ xử sự thế nào?
Em tin một cách chắc chắn rằng Cường yêu em. Thì đây chính là thử thách của hai người.
Còn tôi, nếu quả thật hạnh phúc đã tan vỡ, tôi không mót nhặt mảnh vụn. Nếu tình yêu đã mất tôi không hoài công tìm lại. Và, nếu tôi trở thành kẻ nghèo nhất thế gian này, tôi cũng không bao giờ ngửa tay ăn mày kẻ bố thí.
Thôi, có lẽ tôi không nên nói nhiều nữa. Chỉ khi nào em thực sự làm vợ, làm mẹ, và gặp những chuyện buồn phiền, bất hạnh em mới hiểu hết những điều tôi nói hôm nay.
Hương nhìn Trang, cái nhìn của chú nai nhỏ bị trúng tên bất ngờ, ngơ ngác và sợ hãi. Mặt tái mét, môi rung lên, cô đánh mất sự tự chủ ban đầu, chấp nhận tình thế bị động và thất bại của mình. Nước mắt đọng đầy trong đôi mắt xếch. Không kìm giữ được, cô bật khóc.
Cường về. Anh thản nhiên như đã biết rõ những gì vừa xảy ra giữa hai người đàn bà. Đôi mắt nhoè ướt của Hương nhìn cường cầu cứu. Nhưng cô đã không tìm thấy ở anh một sự cảm thông, một ý thức liên minh, một nơi nương tựa. Phải đến lúc ấy cô mới thấm nỗi đau của một thân phận bị ruồng bỏ. Trang chủ động phá tan bầu không khí nặng nề. Chị nói:
-Để em dọn cơm. Chắc anh đói bụng rồi. Hương ở đây dùng bữa với vợ chồng tôi nhé.
-Dạ thôi. Cám ơn chị. Em về.
Hương biết, chần chừ thêm một giây phút là kéo dài sự nhục nhã, ê chề. Hương là người thứ ba hết sức thừa thãi và lạc lõng trước một đôi vợ chồng. Cô lủi thủi bước ra khỏi nhà Trang, bên tai còn vang lên dõng dạc lưòi kết án của người đàn bà sâu sắc và đầy bản lĩnh. Phải, Hương là một tên cướp, nhưng tên cướp quá vụng về, ngây ngô, đã bị đánh phủ đầu khi chưa kịp lấy một hạt bụi vàng. Hương là kẻ hành khất mang bộ mặt nhơ nhuốc, hèn hạ bị người đời khinh khi, xua đuổi.
Còn lại hai người trong căn phòng lưu giữ những hình ảnh, những đồ vật từ thời hai má con Trang sống ở đây. Bữa cơm gia đình được bày ra. Canh cá lóc nấu chua. Thịt kho rim. Dĩa rau sống. Chén mắm ớt. Cơn chấn động tinh thần làm Cường chưa yên ổn. Bữa cơm gợi cảnh êm đềm hạnh phúc vợ chồng, khiến anh tạm quên đi mọi chuyện, nhiệt thành đón nhận sự săn sóc của người vợ, đã vượt gần hai ngàn cây số đến với anh.
Trang gắp thức ăn cho chồng, lòng cuộn lên những đợt sóng thương yêu và ân hận. Kỳ lạ thay, chị không thấy giận anh mà cứ thương mãi những ngày đã qua của vợ chồng mình. Anh, chàng trai xốc nổi và đa cảm. Trong nhiều năm đời lính gian nan, trái tim yêu của anh chưa thoả. Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, anh đã phải bước vào cuộc hôn nhân đầy bỡ ngỡ. Trang cũng như anh. Ngoài hai mươi tuổi đời đã làm mẹ, Trang vẫn mang trong mình một trái tim thiếu nữ. Trang không dám tự thú nhận rằng, có lúc chị cũng xao lòng trước cái nhìn thăm thẳm của một người đàn ông là đồng nghiệp của chị.
Vậy thì có gì khó hiểu khi Cường rơi vào mối tình vụng lén với Hương. Một cô gái liều lĩnh, lấy phiêu lưu tìm ái làm niềm thích thú. Bản tính hiếu thắng khiến Hương ngộ nhận, nhầm lẫn giữa tình yêu nghiêm túc với tình yêu giải trí. Và anh, người lính dày dạn với đạn bom, cũng có lúc không tránh khỏi là một chàng thiếu niên lơ đễnh, vì mải dõi theo quả bong bóng màu hồng.
-Ăn thêm nữa đi anh.- Trang nói.
-Anh no rồi. Em nấu ngon quá. Sao em ăn ít thế?
-Em cảm thấy đầy đủ lắm. Anh làm bài thi tốt chứ?
-Có thể yên tâm được. Em ở đây với anh, chờ khoảng 10 ngày sẽ có kết quả thi tốt nghiệp. Trong thời gian đó, anh dự định chúng mình sẽ đến thăm bạn bè, đi chơi một số nơi có cảnh đẹp. Về Nha Trang, biết có khi nào trở lại Hà Nội.
-Phải đấy. Em bỗng thấy nhớ những kỷ niệm ngày xưa của chúng mình. Hồ Tây lộng gió. Mái hiên phố Huế ta trú ngụ trong đêm mưa bão. Đường Láng lỗ đỗ ánh trăng. Gánh hàng bún riêu vỉa hè Cầu Giấy lúc tinh mơ. Bệnh viện Xanh-pôn, nơi đứa con đầu lòng của em và anh cất tiếng khóc chào đời. Hà Nội là một mảnh đời em. Sau này, khi bé Lan Chi lớn, chúng mình sẽ đưa con ra thăm nơi chôn nhau, cắt rốn của nó. Rồi Trang lại kể không ngớt về Lan Chi, khiến Cường càng nôn nao nhớ. Anh làm sao dứt bỏ được vợ con. Vợ anh đảm đang, nghị lực. Con anh xinh xắn, thông minh. Hai con người ấy từ lâu đã trở thành sự sống của anh rồi.
Trang bảo:
-Anh nên gặp Hương nói chuyện tử tế với cô ấy. Dù sao, cái phần thiệt thòi cuối cùng cũng thuộc về phụ nữ.
-Em không phải bận tâm về chuyện ấy nữa. Anh không đến nỗi đểu và hèn. Anh tin, một ngày nào đó Hương trưởng thành hơn, cô ấy sẽ nghĩ lại, sẽ ân hận, sẽ tự trách mình.
Sau đó, chẳng hiểu Cường nói gì với Hương, mà một hôm cô ta đùng đùng đem đến nhà trang một cái hộp giấy to. Cường đi vắng. Hương nói với Trang:
-Nhờ chị trao lại anh Cường thư từ, kỷ vật anh ấy gửi cho em. Đối với em tất cả đã vô nghĩa.
-Tuỳ Hương.- Trang nói – Em cứ để lên bàn. Tôi sẽ nói lại với anh ấy.
-À, chị nhắn Cường cho em xin lại chiếc khăn len. Chiếc khăn ấy má tặng em. Em đưa anh dùng trong mùa đông. Tội nghiệp má em. Bà đã bao lần khuyên can em đừng quan hệ với Cường. Thế mà em không nghe lời.
-Ồ, anh ấy thật sơ suất. Xin lỗi Hương. Tôi sẽ không quên nhắc anh ấy đem trả tận tay em.
Trang thấy buồn cho cả hai người. Mỉa mai thay cái mà Hương gọi là tình yêu. Cô ta đòi lại chiếc khăn quàng đã trót tặng người tình. Hỏi họ còn lại gì trong nhau?
Khó khăn lắm Trang mới nói lại được với Cường lời đề nghị của Hương. Anh ngớ người một lúc, rồi lục tung va li tìm kiếm. Anh gói chiếc khăn len và chiếc áo maiô Hương mua cho anh mà anh chưa mặc, vội vã đem trả lại Hương.
Cường đậu tốt nghiệp với kết quả khá. Anh nhận quyết định về dạy ở một trường đại học ở Nha Trang.
Trong bữa cơm liên hoan chia tay bạn bè. Lợi đã đến với vợ chồng Cường. Anh cùng đi với Thuỷ, người yêu của anh. Đó là một cô gái học cùng lớp, có vẻ đẹp tươi giòn của chị Dậu. Trang rất vui vì họ đẹp đôi.
Nhân lúc vui vẻ, Lợi nói:
-Nâng ly lên Cường, nâng ly lên các vị. Chúc mừng tất cả những gì ta đạt được, ta giữ được. Ông Cường, tôi là nhân chứng cho mối tình của ông với Hà Trang, tôi xin nói, ông là người hạnh phúc nhất thế gian này. Lúc ông khổ, ông có Trang. Lúc ông sướng, ông cũng có Trang. Làm người, còn mong gì hơn thế nữa. Nâng ly lên Hà Trang. Hôm nay em phải uống, không được từ chối như cái dạo em đến khẩu đội pháo của bọn anh ở Nghệ An. Và, nghe anh nói câu này: Trên đời, người phụ nữ mà anh cảm phục nhất là em.
Trang nhìn Lợi rồi nhìn Thuỷ, cười hiền lành:
-Và, có một người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời, đó là Thuỷ của anh – Trang nói – Em và anh Cường sẽ có lỗi lớn nếu không có mặt trong ngày đám cưới của anh với Thuỷ.
-À, bọn mình tính, nhận nhiệm sở xong, ổn định nơi ăn ở, công tác, sẽ tổ chức. Mình đang mong có một “tí nhau” như các bạn.
Thuỷ ngượng ngùng. Đôi mắt ngọt sắc long lanh. Đôi má bồ quân ửng đỏ.
Một buổi sáng trên sân ga những người bạn lưu luyến chia tay nhau. Thuỷ và Lợi ngược Lạng Sơn. Trang và Cường xuôi về Nam.
Tàu Thống Nhất đã nối liền Hà Nội – Nha Trang. Con tàu xé không gian, lao đi quyết liệt, vượt qua bao đèo, bao núi, trên chặng đường dằng dặc. Không còn phải tăng bo. Trang yên lòng tựa vào vai chồng với niềm tin được ở bên anh suốt đời.
*
Mới đó mà đã mấy mươi năm. Thời gian cho vàng thêm tuổi, luyện cây dó thành trầm kỳ. Hạnh phúc chín dần. Chuyện cũ không dễ dàng quên được, nhưng nó chỉ như đám mây buồn chợt hiện, chợt qua. Vì con người luôn luôn phải đối diện với thực tế nghiệt ngã.
Càng thương yêu vợ con, Cường càng xót xa cho cảnh sống gia đình mình. Nghèo quá. Không hơn gì anh giáo Thứ. Các con anh đã lớn. Chúng sẽ nghĩ gì về cha mẹ nó. Anh và Trang đều là những nhà giáo tâm huyết với nghề. Anh say mê nghiên cứu văn hoá dân gian, đã chiếm lĩnh được chiếc chìa khoá để mở kho tàng Folklore. Nhất định anh sẽ làm được cái gì đó thật ra trò, không phải để tô điểm cho tên tuổi của anh, mà chính là vì những đứa con.
(Còn nữa)