HOÀNG HÔN TRẮNG (Chương V )

HOÀNG HÔN TRĂNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI

CHƯƠNG V

(Tiếp theo kỳ trước)

Chiếc đồng hồ cũ kỹ chỉ 10 giờ đêm. Hà Trang cặm cụi chấm bài. Những nét chữa đủ kiểu: to và nhỏ, thưa thoáng và ken dày, thẳng đứng và nghiêng ngả, chập chờn như trăm nghìn con mắt tinh nghịch. Trang thấy vui vui khi bắt gặp đoạn văn hóm hỉnh, có duyên lộ ra trên trang viết của học trò. Suýt nữa Trang bật cười thành tiếng vì câu văn vụng về, sai  kiến thức cơ bản của cậu Hưng Sứt: “Ông Nguyễn Trãi, một đảng viên cộng sản đã mười năm nếm mật, nằm gai”.

          Bỗng “rầm” một cái. Trang giật nảy mình. Bé lan Chi thức giấc khóc váng lên. Vừa kịp hoàn hồn, Trang nhận ra cái giá sách “quá tải”, đổ sập xuống, vẹo gãy. Những cuốn sách dày, mỏng, cũ, mới tung toé khắp sàn nhà. Trang vội chạy đến với bé Lan Chi. Thôi chết! Sao con bé nóng ran thế này? Trang cặp nhiệt độ vào nách nó. 40 độ. Không xong rồi. Trang vơ quàng vài bộ quần áo của con, bỏ vào giỏ xách, khoá cửa lại, bế con đi bệnh viện.

          Chuông nhà thờ đổ mười hai tiếng. Phố xá vắng teo. Ánh điện đêm ảo não. Trang đứng bên đường chờ một xích lô nhưng không có. Cô đành bế con đi như chạy đến phòng cấp cứu.

          Ông bác sĩ bệ vệ trong chiếc áo bờ lu trắng, dáng điệu ngái ngủ, đến bên giường bệnh. Ông dùng ống nghe, khám tim, phổi. Vừa sờ da, ấn bụng đứa bé, ông vừa hỏi:

          -Cháu bị sao?

          -Dạ, sốt cao.

          -Lâu chưa?

          -Mới hồi hôm ạ.

          -Chị đã cho cháu dùng thuốc gì?

          -Em chưa cho cháu uống thuốc. Thưa bác sĩ, cháu bệnh gì ạ?

          -Chưa rõ. Để theo dõi.- Nói xong bác sĩ gỡ ống nghe trên tai xuống và quay đi.

          Trang lo lắng, định hỏi bác sĩ, bệnh trạng của con mình, nhưng thấy vẻ ngái ngủ của ông, lại thôi.

          Lát sau, cô y tá đem đến một bình xirom, treo lên giá sắt. Cô dùng kim truyền, chích vào tĩnh mạch ở cổ tay bé Lan Chi. Con bé rùng mình một cái rồi nằm yên. Trang nhói đau như chính da thịt mình vừa bị châm chích. Vậy mà cô y tá tỉnh khô, như thể cô đang cầm kim may, dũi vào mảnh vải. Xong, cô nói:

          -Chị không được ngủ. Phải theo dõi cháu. Nếu có biểu hiện khác thường, gọi chúng tôi ngay.

          -Dạ. À chị ơi! Chị làm ơn cho tôi biết cháu bệnh gì?

          -Nghi sốt xuất huyết. Nhưng mà… để xem đã. Mới vừa vào viện, làm sao mà biết ngay bệnh gì.

          Cô y tá cau có, rồi bỏ đi, để mặc Trang với nỗi đau khổ.

          “Sốt xuất huyết”, căn bệnh khá nguy hiểm đấy.

          Nhưng sao bé Lan Chi lại sốt xuất huyết được nhỉ? Mình  chăm sóc con chu đáo cơ mà. Trang băn khoăn mãi. Cô ngồi như bị đóng đinh ở góc giường, bên cạnh cái thân thể nhỏ bé, thoi thóp. Mắt Trang trân trân nhìn vào bình xirom. Mỗi giọt nước rơi xuống lại làm sủi lên một cái bọt tăm, chậm chạp, căng thẳng.

          Bé Lan Chi chừng như đã ngủ. Mắt nó nhắm nghiền. Đôi môi  nhợt nhạt. Mới sốt có vài tiếng đồng hồ mà con bé suy sụp kinh khủng. Những tình cảm thương yêu, ân hận ngổn ngang trong lòng Trang. Cô nhớ lại trường hợp ra đời của đứa con. Tất cả những kỷ niệm còn tươi nguyên như vừa mới hôm qua…

                                                          *

          Từ sau đêm gặp gỡ đầu tiên với Cường, Hà Trang trở thành một con người khác: dịu dàng, nghiêm túc hơn. Khi yêu người ta mới ý thức được mình một cách đầy đủ. Mối tình của Hà Trang và mạnh Cường, cùng với thời gian càng thêm sâu nặng.

          Một buổi tối thứ bảy, hai người sánh vai nhau như lệ thường.

          – Sao hôm nay em buồn thế? – Cường hỏi.

          – Em linh cảm thấy những chuyện chẳng lành.

          – Anh lại nghĩ rằng có một thử thách đang đón đợi chúng ta.

          – Thời gian qua chưa đủ để thử thách sao?

          – Chiến tranh, đó là thử thách lớn nhất của tình yêu.

          – Điều đó có gì lạ. Chúng ta cũng như tất cả mọi người đang sống trong một đất nước có chiến tranh.

          – Anh phải xa em, Hà Trang ạ.- Giọng nói của Cường chùng hẳn xuống. Anh phải đi thôi, anh không thể tiếp tục ngồi ở giảng đường đại học, khi mà những thằng bạn chí cốt của anh đã lần lượt ngã xuống ngoài mặt trận.

          – Nhưng anh là học sinh miền Nam tập kết, chưa phải diện điều động?

          – Bom đạn giặc đâu kể gì Nam Bắc.

          – Em hiểu. Thôi anh đừng nói gở.

          Hà Trang gục đầu vào ngực Cường, lặng đi giây lát. Cô chưa hình dung được những gì sẽ xảy ra. Nếu phải xa Cường cô sẽ sống ra sao? Trang ôm chặt lấy tấm lưng rắn chắc của Cường, ngỡ như anh sắp tuột khỏi tay cô, biến vào một cõi xa xăm.

          Cường vuốt lên bờ vai Trang, thầm thì:

          – Yêu anh, em sẽ khổ.

          – Sao vậy?

          – Vì anh là người lính. Ngoài tình yêu đối với em, anh có gì nữa đâu.

          – Em còn cần gì hơn thế nữa?

          – Em cần được hạnh phúc. Anh sẽ trở nên tàn nhẫn nếu vì anh mà em phải héo hon chờ đợi.

          – Tình yêu của anh đủ cho em hạnh phúc suốt đời. Em chỉ đau khổ khi…

          – Khi nào?

          – Khi anh phản bội em.

          – Điều đó không bao giờ xảy ra.

          Cường vòng cánh tay, ghì riết lấy thân hình Trang. Anh hôn cuồng nhiệt lên mắt, lên môi, lên cổ, lên tóc cô. Hà Trang sung sướng đến trào nước mắt.

          Thời gian quá gấp. Trang chỉ kịp mua sắm vài thứ cần thiết, cất vào ba lô con cóc, tiễn Cường lên đường.

Sân  ga ngập tràn màu xanh quân phục. Toàn là lính sinh viên. Họ sẽ lên tàu, rời xa thủ đô lúc 11 giờ đêm. Gia đình, bè bạn, người yêu tiễn đưa những người đi chiến đấu, bịn rịn và náo nhiệt. Người lạc quan thì hình dung đây là cuộc chia ly đầy khí thế. “Đánh Mỹ là ngày hội lớn” mà. Nhưng những cô gái như Hà Trang, phải dở dang mối tình đầu, lẽ nào lại xem cuộc chia ly là ngày hội? Con tàu hú một hồi còi dài, dõng dạc như mệnh lệnh ra quân. Cường nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của Trang, cố giữ chút hơi ấm của người yêu.

          – Thôi về đi em. Anh đi nhé – Cường nói.

          – Anh đi nhé… Anh ơi….- Trang đáp, giọng đứt quãng.   

Tàu chuyển bánh. Trang bước theo hướng con tàu, mở to đôi mắt, thu lại hình ảnh cao lồng lộng của Cường trong bộ quân phục màu xanh cây lá. Những giọt nước mắt  lặng lẽ lăn qua gò má, đậu xuống môi Trang mặn đắng.

          Trang đi ra phố. Những vì sao chao đảo trên vòm trời xanh đen. Hà Nội trong đêm buồn như tiếng lá rơi. Hương hoa sữa lan toả trong bờ cây ẩm ướt sương khuya. Cái duyên ngầm của hương hoa sữa khiến người ta ngất ngây mà tỉnh thức.

Có tiếng cười lanh lảnh. Một  đôi trai gái chở nhau trên chiếc xe đạp, lướt qua mặt Trang. Cô gái đấm thùm thụp vào lưng chàng trai, nũng nịu:

– Ghét anh lắm. Ghét anh lắm.

Cái  kính cận loang loáng trên gương mặt chàng trai giúp Trang nhận ra Bảo, thầy giáo dạy văn. Nhưng cô gái ngồi trên xe không phải là Thuý Liên. Cô gái này chắc là học trò thầy Bảo. Hai túm tóc lắc lư trên đầu, giọng cười lanh lảnh vô tư, chứng tỏ cô ta vẫn còn trẻ con.

Trang càng căm ghét Bảo, con người ích kỷ, cạn cợt. Tình yêu đối với Bảo chỉ là trò giải trí, nên anh ta thay người tình như thay áo.

Số phận trớ trêu sao cứ bắt Trang phải nhìn thấy con người mà cô đã vùi quên. Trang xót xa, hối tiếc một thời mình thầm yêu, trộm nhớ. Quỷ tha ma bắt anh ta. Cầu trời đừng bao giờ Trang phải thêm một lần nhìn thấy Bảo.

Những ngày đầu xa Cường, tâm tư Trang đầy xáo trộn. Cô bần thần hàng giờ trước một trang sách. Sự trống trải không gì khoả lấp được. Ký túc xá sinh viên như chiếc tổ ong khổng lồ, náo nức trong những sáng mai xanh, những chiều mưa ngâu, những đêm trăng ngọc. Giờ đây khu nhà cao trầm mặc, mỗi ô cửa sổ như một nốt nhạc buồn. Xa người yêu, cuộc sống  vô vị biết chừng nào.

Một hôm Trang đang ngồi đọc lại những bức thư của Cường (Trang thường “hưởng thụ” tình yêu bằng cách đó), Bỗng mấy đứa bạn cùng phòng reo lên:

-A, anh Cường! Anh Cường về Trang ơi!

-Khiếp! Ông này cứ như Tề Thiên Đại Thánh. Coi Hà Trang nhớ ông anh, khóc sưng cả mắt rồi kìa – Việt Ánh, cô bạn lém lỉnh pha trò.

Trang sững sờ, ngỡ mình mơ. Cường về thật. Trong bộ quân phục mới,  trông anh cao to vững chãi và đẹp hẳn ra. Da dẻ đen thêm chút ít nhưng thân hình nở nang, rắn chắc. Trang chạy ào tới. Suýt nữa cô ôm chầm lấy anh trước mặt bạn bè, khiến chúng cười rộ lên:

– Đề nghị cứ tự nhiên. Mọi người nhắm mắt lại nào.

Trang ngượng chín cả mặt. Việt Ánh vẫn không tha.

– Thấy chưa. Đói góp, no dồn. Hết khóc nhè nhé.

– Anh có quà đây – Vừa nói Cường vừa lôi từ chiếc ba lô dúm dó, một bọc ni lông đựng những quả sim chín mọng.

Cả phòng nhao nhao.

-Có quà chúng mày ơi!

Mấy đứa từ giường tầng hai cũng leo xuống giành quyền phân phát những trái sim tím rịm.

Việt Ánh nhanh nhảu:

-Hai người no say rồi. Để bọn này giải quyết món sim cho.

Cường cười hiền lành:

-Quà của lính tráng chỉ giản dị vậy thôi.

Trong lúc mọi người vừa ăn sim vừa cười đùa, Cường nói với Trang.

-Anh được điều về binh chủng Phòng Không bảo vệ thủ đô. Anh là pháo thủ số 1. Đơn vị mới đóng quân cách đây 60 cây số. Tranh thủ được vài giờ, anh ghé thăm em.

– Sao anh không viết thư báo trước cho em.

– Anh muốn cho em niềm vui bất ngờ.- Anh nhìn Trang không chớp – Trời ơi, anh nhớ em quá thể.

– Bộ em không nhớ anh sao?

Ngồi bên Trang được một lúc, Cường lại phải về đơn vị. Tiễn anh đến cổng trường, Trang nói:

– Thời gian eo hẹp, anh đạp xe đi về đường xa vất vả quá. Lần sau để em tới chỗ anh.

– Em đòi anh “nhường” vất vả cho em chứ gì. Không được đâu. Đường xa. B52 quần dữ lắm.

-Em đi được mà.

Ngày chủ nhật Trang đạp  xe đi thăm Cường. “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo”, nhưng quả là vất vả. Đạp xe được 20 cây số Trang bải hoải cả chân tay. Nghĩ đến Cường, cô lại thêm sức mạnh.

Trận địa kia rồi. Những ụ pháo lô nhô chen lẫn những căn lều bạt. Những nòng pháo khoác lá nguỵ trang, lạnh lùng chĩa thẳng lên trời.

Thấy một anh lính, tay xách bi đông nước đi vào trận địa, Trang gọi:

– Anh ơi! Cho em hỏi thăm anh Cường có ở đây không ạ.

– Cường nào?

– Cường pháo thủ số 1.

-À… à biết rồi. Nhưng cô là … là gì của anh Cường?

– Là bạn ạ.

– Kỷ luật quân đội không cho phép bạn của lính đến trận địa nhé. –Anh lính làm bộ nghiêm mặt.

– Anh thông cảm. Em ở xa đến. Làm ơn gọi anh Cường ra, em gặp chút xíu thôi.

– Thôi được, tôi đành vi phạm điều lệnh. Cô ở đây chờ, tôi gọi dùm cho. Anh Cường đang trực pháo.

Anh lính đi rồi. Trang hồi hộp  đợi chờ. Cường đi như chạy từ trận địa ra. Anh mừng quýnh lên:

– Hà Trang. Em tới lâu chưa. Em có mệt không?

Cường vén mái tóc xoà trước trán Trang và nhìn vào mắt cô hồi lâu, như  tìm kiếm điều gì. Anh ái ngại nói:

– Vì anh mà em phải khổ. Anh thương em nhưng chẳng biết làm gì cho em đỡ khổ. Anh buồn lắm Trang ạ.

– Em không sợ khổ. Đơn vị anh đi đến đâu em cũng theo đến đó, chỉ sợ phiền anh.

– Anh đưa em vào làng nghỉ ở nhà dân. Anh sẽ ở bên em suốt ngày hôm nay. Vũ tự nguyện trực thay anh. Người hồi nãy em gặp là Vũ đấy. Cùng dân Đại học Sư phạm nên Vũ rất thương anh.

– Hèn chi. Em có cảm giác anh ấy trêu em. À anh, thôi mình đừng vào làng nữa. Em chỉ mong nhìn thấy anh một chút cho đỡ nhớ.

Hai người ngồi bên vệ đường. Những bụi cây lúp xúp vây quanh, tạo nên một khung cảnh vắng vẻ, kín đáo.

Trống ngực Trang đập thình thình, dự cảm những giây phút nồng nàn của tình yêu sẽ đến. Tay cô run run bứt từng ngọn cỏ dưới chân.

– Em làm cỏ đau  đấy – Cường nói và ôm gọn Trang vào lòng.

Trang nhận thấy mùi mồ hôi hoi nồng toả ra từ chiếc áo lính. Cái mùi gian khổ, rất đàn ông, gợi lên bao nỗi thương yêu và gắn bó. Mỗi lần gặp Cường, Trang lại vùi đầu vào ngực anh mà khóc cho thoả đi nỗi nhớ nhung, để có thêm nghị lực mà sống, mà đợi chờ, hy vọng trong những ngày xa cách.

Hai người hôn nhau. Nụ hôn huyền diệu và thánh thiện. Trái tim chỉ  còn biết thương yêu, không có chỗ cho sự thù ghét, nhỏ nhen, xoá đi những vướng bận đời thường. Nụ hôn khích lệ sự hy sinh và dâng hiến, khơi gợi bao nhiêu kỳ vọng về cuộc sống.

Khó có thể tưởng tượng được rằng: Chỉ cách nhau một con đường đất nhỏ, bên kia là trận địa pháo, đạn bom, sống chết diễn ra từng giờ, từng phút, bên này là những lùm cây bao dung, che chở cho những nụ hôn. Xin thời gian dừng lại để Hà Trang níu giữ mãi phút giây bình yên bên Cường.

Bỗng một hồi còi hú lên u….ủ…u…ủ…

– Báo động!

Cường kêu lên, bật dậy,  xốc Hà Trang đến một chiếc hầm trú ẩn gần đó. Máy bay địch đã ràn rạt trên đầu, tiếng rú của nó đã xé toạc bầu trời. Cường nói như thét lên:

– Em nấp ở đây. Theo dõi bom rơi để tránh. Anh phải lên mâm pháo.

Cường chạy vụt đi. Đất trời rung lên những tiếng nổ dữ đội. Tiếng bom, tiếng đạn tên lửa, cao xạ, súng trường, tiếng B52 gầm rít, ầm ào, ùng oàng, veo véo, đinh tai, nhức óc. Cứ mỗi loạt bom, Trang ngồi sụp xuống tránh, lại nhổm lên nhìn trời. Cường đã nhiều lần bày cho cô cách tránh bom. Nếu quả bom rơi có hình dài thì cứ yên trí ngồi yên chỗ cũ. Nếu bom có hình tròn như đít nồi, lập tức phải di chuyển nơi ẩn nấp. Bom nổ gần quá. Khói bốc lên mù mịt, mùi thuốc đạn hăng hắc. Trận địa pháo đã bị oanh tạc, ý nghĩ đó khiến Trang nhói đau! Hai chiếc máy bay B52 bốc cháy, hai khối lửa lao vùn vụt từ trên trời xuống. Trận chiến diễn ra chưa đầy 30 phút. Tiếng súng , tiếng bom đã im bặt. Một sức mạnh vô hình thôi thúc Trang. Cô leo lên khỏi chiếc hầm cá nhân, bổ nhào vào trận địa. Vượt qua những hố bom, đất đá  ngổn ngang, cô lọt vào giữa những ụ pháo bị hất tung. Các anh bộ đội đang khẩn trương thu dọn trận địa.

Có tiếng người nháo nhác:

– Khí tài hư hỏng nặng nề!

– Đem thuốc cứu thương lại đây.

Rồi những tiếng gọi nhau, tiếng cuốc xẻng đào bới. Bỗng Trang nghe thấy giọng nói của Cường:

– Tao van mày Vũ ơi,  đừng giãy giụa nữa. Mày hãy thương tao. Nghe lời tao đi, Vũ ơi!

Trang chạy tới, chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: Cường đang cố sức ghì chặt tay  Vũ. Vũ quằn quại, vết thương ở bụng ruột lòi ra, đùn lên thành cuộn.

– Nhanh lên, Hà Trang, giúp anh một tay. Lấy cái mũ cối trên đầu anh, úp vào bụng Vũ, cởi áo anh ra, buộc vết thương lại.

          Trang hiểu, không được chậm trễ một giây. Vừa xong thì xe cứu thương đến. Những thương binh nhanh chóng được chuyển lên xe, đưa về quân y viện 108. Cường ôm chặt Vũ. Mỗi lần xe chạy vào ổ gà, Vũ lại rên lên đau đớn. Máu từ vết thương của Vũ ướt đẫm trên đùi Cường. Gần tới bệnh viện, Vũ kiệt sức, không rên được nữa. Anh đã chết trên tay Cường.

– Vũ ơi! Vũ ơi! Mày đi thật à, Vũ ơi! – Cường bật khóc như một đứa trẻ bị đòn oan uổng.

Sau này kể lại chuyện cho Hà Trang, Cường nói: “Suốt đời anh đau cái chết của Vũ ”.

Hôm ấy Hà Trang cùng với nhân dân giúp các anh bộ đội sửa sang lại trận địa. Sẫm tối cô mới sực nhớ mình phải về trường. Cô mải mốt đạp xe một mình trên con đường vắng, vừa buồn, vừa sợ. Khi thì Trang tưởng như ai đó đang đuổi theo phía sau. Lúc thì lại như có bóng đen rập rình phía trước. Vẫn con đường hồi sáng, mà trong đêm khác lạ. Trang ngỡ mình đi lạc. Thành phố đã hiện ra trước mặt, Trang sung sướng như từ cõi chết trở về. Vừa nhìn thấy Trang, Việt Ánh kêu lên:

– Khiếp! Mày làm tao lo phát điên lên. Sao về khuya thế. Có gặp chàng không?

– Suỵt – Trang ra hiệu cho Việt Ánh nói khẽ, để mọi người trong phòng yên giấc, rồi ghé tai vào Ánh – Có. Tao có gặp. Xe đạp hỏng dọc đường nên tao về muộn.

– Lúc báo động mày ở đâu? – Việt Ánh hỏi.

– Ở gần trận dịa pháo.

– Mày liều quá, Trang ơi!

Hà Trang thầm nghĩ: Việt Ánh tốt thật. Nó vẫn thức đợi mình. Nhưng mình không thể kể hết cho nó những gì xảy ra trong ngày chủ nhật đáng ghi nhớ này. Chế độ phong kiến đã  sụp đổ một phần ba thế kỷ rồi, nhưng người ta vẫn quan niệm: Phận gái, dù “xấu ma chê, quỉ hờn” cũng phải kiên nhẫn đợi chàng trai tìm đến mình. Vả lại, Việt Ánh may mắn trong tình yêu hơn Trang, nên có thể nó sẽ thương hại…

Thôi, hơi sức đâu mà nghĩ ngợi. Trang nằm xuống giường ngủ một mạch, không còn biết trời đất gì nữa cả. Sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân đưa tin: quân và dân thủ đô anh hùng, bắn rơi hai máy bay địch, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc lên 2000 chiếc. Trang hiểu chiến công ấy có phần đóng góp của Cường, Vũ  và đồng đội.

 (Còn nữa)