HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
CHƯƠNG KẾT
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Vào những năm đầu thập kỷ 90, xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc. Sự phân biệt giàu nghèo rõ rệt là hệ quả của nền kinh tê thị trường. Sự phân biệt ấy bộc lộ ngay trong hàng ngũ cán bộ viên chức ăn lương Nhà nước, do thu nhập quá chênh lệch giữa các ngành, các đơn vị. Điều đó lợi hại ra sao, xin nhường cho các nhà kinh tế phân tích.
Chỉ biết rằng đời sống giáo viên ngày càng cơ cực. Họ đã nhanh chóng trở thành lớp người nghèo nhất xã hội.
Cuộc cải cách giáo dục đã tiến hành đến lớp 12, lớp cuối cùng của bậc phổ thông trung học. Nhưng thực chất đó là cuộc cải cách còn phiến diện, vì mới chỉ đơn thuần là cải cách chương trình học. Những vấn đề về quan điểm giáo dục, ngân sách… người ta còn đang bàn cãi trong các hội nghị. Mặc dù ai cũng lấy làm thông hiểu một chân lý: hiệu quả của một nền kinh tế phải từ giáo dục mà ra.
Nhà trường, đó là một thế giới tách biệt với xã hội. Nhà trường ra rả giảng về phong trào hợp tác hoá, về tinh thần làm chủ tập thể và những mớ lý thuyết cũ rích, lỗi thời.
Ngoài xã hội lại diễn ra một cuộc chạy đua kinh tế, tìm kiếm những mô hình sản xuất kinh doanh mới, ca ngợi những ông chủ cá thể.
Nhà trường ra sức giữ gìn trật tự kỷ cương, giáo dục đạo đức cách mạng và đạo lý truyền thống dân tộc cho học sinh.
Xã hội lại nhan nhản tội phạm. Báo chí đầy lên những vụ án giết người, cướp của, hiếp dâm.
Nhà trường đã bị lãng quên. Thầy giáo đã bấp bênh về đời sống vật chất lại còn bị đe doạ thất nghiệp.
Cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch thành công, trẻ con ít dần đi, số người đi học cũng giảm dần mỗi năm. Con cái nhà nghèo bỏ học, đi làm thuê kiếm miếng ăn. Thế là thầy giáo thừa ra.
Rồi những cuộc bình bầu, chọn những giáo viên “hạt gạo trên sàng” tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Số giáo viên lọt xuống sàng phải đi xoá mù, dạy a,b,c cho trẻ em thất học, ông già bà cả sắp về thiên cổ, hoặc giảm biên chế.
Bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra. Có nơi hiệu trưởng tổ chức cho học sinh bỏ phiếu giảm biên chế thầy. Học trò thích chí tuyên bố ông thầy nọ kẹo điểm, cho “de” luôn. Có cô giáo trong Nam bộ thắt cổ tự tử vì bị giảm biên chế một cách oan ức.
Còn những giáo viên trường Đông Hải, những nhân vật của cuốn tiểu thuyết này thì sao?
Huệ đã ly dị chồng, một mình nuôi hai đứa con học đại học, chuyện quan hệ “ê kíp” giữa Huệ và ông Thanh đến tai lãnh đạo Sở Giáo dục. Lãnh đạo căn cứ vào dư luận quần chúng, chuyển Huệ đi trường khác, để điều một giáo viên về trường Đông Hải làm hiệu phó thay Huệ.
Nhưng Huệ tuyên bố thẳng thừng:
-Tôi không bị kỷ luật, không đi đâu hết. Nếu vì cá nhân, lãnh đạo buộc tôi phải nhường ghế hiệu phó cho một người nào đó, thì tôi nhường cho dấy. Tôi làm giáo viên bình thường cũng chẳng sao. Nhưng phải là giáo viên trường Đông Hải, chứ không phải là một trtường nào khác.
Và, Huệ làm giáo viên bình thường thật. Từ đó, người ta thấy Huệ hiền lành, tốt bụng hơn xưa.
Mai Hồng thì vẫn say mê “phấn đấu”. Đã từ lâu Hồng âm thầm nuôi ý đồ lật đổ Huệ, leo lên hiệu phó. Nay một giáo viên khác đã về thay Huệ, thế là cô ta lỡ một dịp cất nhắc.
Từ sau lần va chạm với Hà Trang trong tổ chuyên môn, Mai Hồng đã lộ tẩy bản chất thật. Cô ta khinh khỉnh, không nói chuyện, không trao đổi công việc, không chào hỏi Trang lấy một lời. Hà Trang coi Mai Hồng là hậu quả của sự ngộ nhận trong giáo dục. Cái sản phẩm con người mà lúc đầu nhiều giáo viên ngỡ là điển hình tốt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ấy, thực chát là một kẻ què quặt về tâm hồn.
Còn Hà Trang vẫn đối tượng Đảng, thâm niên gần 20 năm. Chị mệt mỏi, giống như người leo dốc, lắm lúc ngỡ lên đến đỉnh, thì hoá ra cái đích vẫn còn xa. Trang lặng lẽ rút lui vào cuộc sống riêng tư. Hết giờ dạy ở trường lại về nhà dạy của luyện thi đại học, đổi trí tuệ, sức lực của mình lấy bát cơm rau.
Cường vẫn mải mê trong thế giới Folklore. Anh được đăng bài viết này, xuất bản cuốn sách kia, mà nhuận bút vẫn không sắm nổi chiếc tivi cho thằng con trai.
Một hôm, dạy xong bốn tiết văn, Hà Trang bỗng thấy nôn nao, cơ thể chơi vơi mất thăng bằng, lồng ngực như bị chèn chặt bằng vật cứng, ngợp nghẹt, đau tức. Chị ngã vật xuống cửa lớp.
Học trò xúm đến.
-Ơ, cô làm sao thế?
-Cô ơi… Cô ơi…-Có đứa hoảng sợ, oà khóc.
Chúng đưa Trang vào phòng Hội đồng. Vừa ngồi lên ghế, Trang đã bật ho rũ rượi và nôn ra một bãi máu tươi.
Học trò thất kinh, vội vã đưa cô giáo vào bệnh viện. Hà Trang trở thành bệnh nhân của khoa lao. Căn bệnh hiểm nghèo đã đến bất ngờ, khi chị mới bước vào tuổi bốn mươi.
Thế là hết. Trang sẽ vĩnh viễn rời xa mái trường, từ biệt bục giảng, chia tay với học trò thân yêu. Chị sẽ sống những ngày cuối cùng trong nỗi đau đớn quằn quại bệnh tật rồi tàn lụi. Đời người sao ngắn ngủi. Người ta thường chưa kịp thực hiện những dự định, đời đã ngả sang chiều.
Ở bệnh viện Trang được bác sĩ Sáng, vốn là học trò của chị, tận tình chăm sóc. Sáng hầu như thường xuyên có mặt bên giường bệnh, khám tim phổi, đo huyết áp, dìu Trang đến phòng siêu âm, chỉ dẫn chị dùng thuốc men. Mỗi ngày Sáng đem đến cho cô giáo một ít trái cây tươi.
Sáng nói:
-Cô đừng lo lắng nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh của cô mới ở giai đoạn đầu. Em sẽ chữa khỏi.
-Cám ơn em nhiều lắm. Có em, cô thật sự yên tâm Sáng ạ.
Một tuần sau Trang được biết Huệ cũng đã vào bệnh viện cấp cứu với bệnh tình nguy ngập: khối u ác tính ở phổi.
Học trò đến thăm Trang, kể:
-Chúng em mới ở chỗ cô Huệ. Cô bị ung thư. Có lẽ khó qua được. Mấy ngày qua cô mê man. Hôm nay tỉnh được một chút. Hình như bác sĩ giấu, không cho cô biết bệnh nan y, cô vẫn lạc quan lắm. Cô bảo “vài hôm nữa bác sĩ mổ cho cô là cô khỏi. Cô lại về dạy các em”. Chúng em chất đầy quà lên bàn. Cô xua tay bảo “các em đem hết lên cho cô Hà Trang ở khoa lao. Cô Trang bệnh nặng hơn cô”.
Nghe học trò nói, Trang ứa nước mắt thương Huệ. Nghĩ cho cùng chị ấy khổ. Hạnh phúc tan vỡ. Khi đau ốm bệnh tật chỉ có một mình. Sau đó ít ngày Huệ có đỡ hơn, chị lên phòng Trang, đem theo một giỏ xách đựng cam, chuối, đu đủ, sữa hộp.
-Trang cố gắng ăn uống bồi dưỡng, thuốc men đầy đủ cho mau lành bệnh. Mấy bữa nay còn ho nhiều nữa không?
-Dạ, em đỡ nhiều – Trang đáp- Chị để đồ ăn đằng ấy mà dùng. Đấy, chị xem, học trò đem quà cho em nhiều lắm.
Trang chỉ vào cái tủ đầy ắp thức ăn.
-Ừ, mình cũng thế. Nghề dạy học hoá ra lại là một nghề có hậu đấy. Những lúc như thế này mới hiểu tình thầy trò không mất. Còn đấy. Quí lắm.
-Nếu không có tình cảm của học trò chắc em quỵ mất.- Trang nói.
-Ừ. Giá như nghề dạy học đủ sống. Chỉ cần đủ sống thôi, tụi mình sẽ là những người hạnh phúc nhất. Ngày ở đây dài quá. Nhớ cái bục giảng vô cùng. – Huệ nói, đôi mắt đen sậm của chị bỗng long lanh. -Trang à, hình như có lúc nào đó tụi mình không phải với nhau.
Rồi Huệ trầm ngâm.
Trang mủi lòng. Phải đến lúc này, khi hai người cùng cảnh ngộ, Trang mới thấy thật sự thương Huệ. Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”. Nghề dạy học cần hai lá phổi mạnh lành lặn, mà phổi của Huệ và Trang đều hỏng mất rồi. Cái chết sẽ đến, bắt đầu từ lá phổi.
Trang an ủi Huệ:
Đừng buồn vì những gì đã qua chị Huệ. Em cám ơn thời gian đã giúp chị em mình hiểu nhau.
Huệ khẽ gật đầu. Không ngờ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Huệ và Trang. Đêm ấy Huệ vật vã đau đớn, đến 4 giờ sáng thì mất.
Một buổi chiều chớm đông, da trời xám ngoét, nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh sơ mi trắng cùng các thầy cô giáo trường Đông Hải tiễn đưa Huệ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chiếc xe tang màu đen chở quan tài từ nhà vĩnh biệt chậm chạp, nghiêm trang đi qua phố. Dòng người áo trắng lặng lẽ theo sau.
Huệ đã ra đi trong hoàng hôn trắng.
Từ cửa sổ khoa lao, Trang kiễng chân, dõi theo cái màu trắng thanh sạch, tang tóc, nối dài đến rợn người.
Bỗng Trang ôm ngực ho rũ rượi, ho ngằn ngặt, ho như đứng tim, như ngưng thở, như khạc ra từng miếng phổi đã bị vi trùng lao đục rỗng.
Sau khi lo cho Huệ mồ yên, mả đẹp, giáo viên học sinh trường Đông Hải giành tất cả sự quan tâm đến Trang. Chị Châu Linh, Việt Ánh túc trực bên giường Trang, bóc từng múi cam, bón cho Trang từng thìa sữa, như chăm sóc trẻ chưa đầy tuổi. Duy chỉ có Mai Hồng là không đến với Trang bao giờ.
Ông Thanh vào thăm Trang, mặt buồn rười rượi, héo hon. Cái chết của Huệ khiến ông choáng váng và tỉnh ngộ.
Ông nói:
-Trang yên tâm điều trị, mau hết bệnh về dạy. Các em nó mong cô lắm.
Giọng ông kéo dài, đượm buồn và tình nghĩa. Có lẽ ông đã nhận ra rằng, con người ta không tránh khỏi hoạn nạn, rủi ro. Sống phải cưu mang nhau. Đời ông cũng đã xế chiều, đã thấm thía cái sự “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Thôi thì còn sống ngày nào thì còn chú tâm lập đức.
-Có lẽ em không thể tiếp tục đứng lớp. Trường đang thừa giáo viên. Chỗ đứng của em trên bục giảng, xin nhường lại cho giáo viên nào có sức khoẻ, có tài năng. Anh Thanh, em có một nguyện vọng muốn trình bày với anh.
-Trang cứ nói.
-Em có một đứa học trò tên là Đỗ Quyên, vốn là học sinh giỏi văn, đạt giải nhì toàn quốc, được tuyển thẳng vào khoa Văn Đại học Sư phạm. Đỗ Quyên tốt nghiệp ra trường đã ba năm nay, mà vẫn chưa dược Sở Giáo dục phân công công tác. Hoàn cảnh nó rất tội. Nhà nghèo. Cha chết. Mẹ già. Nó phải đi bán vé số kiếm tiền sống. Nó tha thiết được đi dạy. Anh xem có thể nhận Đỗ Quyên về trường dạy văn, thay em được không. Nếu được, dù phải từ giã nghề này em cũng thanh thản.
Ông Thanh lấy giấy bút ghi vắn tắt hồ sơ của Đỗ Quyên và hứa:
-Tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nguyện vọng chính đáng của Trang.
-Cám ơn anh.
Còn lại một mình trong phòng bệnh, Trang lại nghĩ ngợi mung lung, sau những cơn ho kéo dài ngằn ngặt.
Cường, chồng chị đang thực hiện một chuyến điền dã xa và dài ngày, để chuẩn bị hoàn thành một công trình nghiên cứu. Hai đứa con, Lan Chi và Minh Dũng thì bận rộn với kỳ thi cuối năm. Tuy vậy, Trang cũng thấy mình rất đầy đủ về tình cảm, bởi sự quan tâm chu đáo của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và các bậc phu huynh.
Nhưng chắc không ai ngờ được rằng, Trang đang rất lúng túng vì không có tiền. Số tiền ít ỏi giành dụm được suốt 20 năm qua đã bay vèo. Một ngày nằm viện, với căn bệnh nguy hiểm này, chị phải chi số tiền bằng cả tháng lương nhà giáo. Lấy đâu ra tiền mà tiếp tục chữa bệnh bây giờ. Thế là buổi hoàng hôn cuộc đời, Trang bỗng trắng tay. Lan Chi con gái chị sẽ không có tiền để học đại học. Minh Dũng 14 tuổi vẫn phải đi xem nhờ ti vi nhà khác. Thế thì Trang sống làm gì? Một gánh nặng cho chồng con. Và Trang từ chối thuốc men, nhịn ăn, chờ chết.
Vào cái ngày mà bệnh tình Trang nguy kịch, có một Việt kiều đến tìm chị. Đó là một phụ nữ ngoài ba mươi, mập mạp, phúc hậu, sang trọng, khuôn mặt tròn, hiền lành.
-Cô! Em đã về. Cô có nhận ra em không? – Người phụ nữ ấy nói, môi rung lên vì xúc động, khi nhìn thấy thân hình khô xác của Trang trên chiếc giường trải drap trắng
-Thảo Ly!- Trang kêu lên yếu ớt.
-Cô ơi, em không ngờ. Nếu biết cô bệnh, em đã về sớm hơn. Sáng nay em mới ghé qua nhà cô, Lan Chi cho biết cô điều trị ở đây.
-Lâu nay em sống thế nào?
-Cũng tạm cô ạ. Em vừa rửa chén bát thuê cho một hiệu ăn lớn ở California, vừa học nghề. Sau đó làm việc cho một hãng sản xuất đồ điện. Nay dành dụm được ít tiền về thăm quê.
-Em lập gia đình chưa?
-Dạ rồi. Anh ấy người Sài Gòn cùng làm hãng với em. Chúng em đã có một bé gái 3 tuổi.
-Cô mừng cho các em. Về nước, đi thăm được nhiều nơi chưa?
-Dạ, vợ chồng em mới về được một tuần lễ, nên mới đi được vài nơi. Thành phố quê hương khác xưa nhiều. Những con đường mở rộng thêm. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Phố xá tấp nập. Nhất là đường biển, đẹp quá. Những hàng phi lao được chăm sóc, xén tỉa, tạo hình, công phu. Biển như rộng hơn, xanh hơn. Ở bên Mỹ nhiều lúc nhớ nhà muốn khóc. Cô gầy đi nhiều quá. Bao nhiêu năm rồi cô vẫn ở trong căn nhà cũ kỹ, với những đồ vật sơ sài. Em nghĩ, những nhà giáo như cô xứng đáng được xã hội đãi ngộ. Cô ạ, trước khi đến đây, em đã tìm gặp bác sĩ phụ trách khoa lao. Hoá ra là Sáng, học sinh trường Đông Hải, bạn cũ của em. Em hỏi về bệnh tình của cô. Sáng cho biết, nếu cô dùng thuốc tốt, cô sẽ khỏi, nhưng thuốc tốt quá đắt. Em đã gửi tiền nhờ Sáng mua dùm loại thuốc tốt nhất. Bây giờ cô cầm lấy ít tiền để bồi dưỡng.
Thảo Ly lấy trong ví một xấp tiền, đến chục tờ 100 đôla màu xanh xám, đặt bên cạnh chiếc gối, rồi tiếp:
-Sau này cô khoẻ hẳn, em sẽ giúp cô một số vốn để buôn bán, hoặc mở một cơ sở sản xuất nhở . Em biết, bỏ nghề dạy học cô rất tiếc. Nhưng những con vi trùng lao ẩn trong bụi phấn. Vả lại cô cống hiến cho thế hệ trẻ như vậy là đủ rồi.
-Thảo Ly. Em đến với cô thế này là quí lắm rồi. Đừng bắt cô phải nhận tiền – Trang nghẹn ngào.
-Sao vậy cô? Cô giận em? Hay em đã vụng về, vô tình xúc phạm đến cô?
-Kìa Thảo Ly. Không… Không phải thế đâu.
-Những đồng tiền này em đã đổ mồ hôi, sức lực của mình. Ở Mỹ kiếm tiền không phải dễ. Em chỉ dám gửi đến cô những đồng tiền chân chính. Xin cô đừng từ chối. Em mang ơn cô. Ngày ấy ba em là sĩ quan ngụy, đi học tập cải tạo. Gia đình em túng quẫn, em lại cô độc trong tập thể lớp. Cô đã nâng đỡ em. Em nhớ, một lần em bị cảm nặng, nghỉ học, cô đem thuốc và cam đến tận nhà cho em. Má em bảo: “Cô giáo bộ đội mà tốt thế”. Hồi ấy, bất cứ ai ở miền Bắc vào, dân miền Nam đều gọi là “bộ đội”. Cô đã xếp em ở vị trí số 1 trong danh sách khen thưởng. Cô là một nhà giáo tài năng, công bằng và giàu tình thương. Em không bao giờ quên…
Đôi mắt mệt mỏi, héo khô của Trang đọng đầy nước mắt. Chị bỗng nhớ đến lời đe doạ của Mai Hồng: “Có người nói cô có quan hệ kinh tế với một số học sinh vượt biên ra nước ngoài. Em khuyên cô không nên tiếp tục. Vì từ quan hệ kinh tế dẫn đến quan hệ chính trị rất gần”.
Mai Hồng là một đứa học trò phản thầy, dối trá, nhưng lại được ngụy trang bằng cái gọi là phẩm chất chính trị. Một thời gian dài người ta ngộ nhận, và tin một cách ngây thơ rằng, hễ có phẩm chất chính trị tức là người tốt, người có đức và người đó có thể làm được tất cả mọi việc trên đời.
-Cô đừng nghĩ ngợi gì. Em dến với cô xuất phát từ lòng biết ơn, kính trọng, ngoài ra không còn mục đích nào.- Ly nói.
-Cô hiểu Thảo Ly ạ. Cô biết ơn em, người học trò đã khiến cô tự hào về nghề nghiệp của mình.
-Thôi, em xin phép cô, chúc cô mau bình phục. Em sẽ còn đến thăm cô nhiều nữa. Vợ chồng em dự tính, về Mỹ lần này, lo làm ăn, dành dụm vốn liếng, vài năm nữa sẽ hồi hương. Không đâu bằng đất nước mình cô ạ.
Hôm ấy, Thảo Ly còn ghé thăm các khu điều trị của dân. Ly biếu mỗi bệnh nhân một chút tiền.
Không. Thảo Ly không phải là người phản bội Tổ quốc, không phải là kẻ dùng tiền bạc mua chuộc, thao túng cô giáo mình. Đây là tấm lòng của người học trò ân nghĩa, có thuỷ, có chung.
Cuộc đấu tranh tư tưởng, nỗi lo ngại vu vơ khiến Trang mệt rã rời, chị ôm ngực ho ngằn ngặt, tím tái mặt mày, nhói buốt lồng ngực, quặn thắt từng khúc ruột. Trang phải vịn vào khung cửa sổ để khỏi rũ xuống như cái xác. Chị khạc ra một cục máu đỏ bầm, như cánh phượng tả tơi bị bước chân ái xéo nhàu nát.
Bác sĩ Sáng bước vào, đặt trên bàn một hộp giấy đựng rất nhiều ống thuốc, rồi chạy lại đỡ cô giáo, nói trong niềm phấn chấn:
-Thưa cô, em và Thảo Ly đã tìm dược thuốc quí. Dùng xong chỗ thuốc này, cô sẽ hoàn toàn khỏi bệnh.
Trang nhìn người học trò bằng ánh mắt biết ơn, xúc động. Bỗng chị thấy hiện ra hình ảnh ngôi trường với bục giảng, bảng đen và những gương mặt học trò quen thuộc.
Duyên hải miền Trung, tháng 10, năm 1990