HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
CHƯƠNG III
(Tiếp theo kỳ trước)
Hối ấy Hà Trang là một nữ sinh trung học, yêu văn thơ như một tín đồ yêu Chúa. Ngoài giờ học, cô nằm bẹp trong căn phòng 12 mét vuông của khu tập thể đọc thơ và tiểu thuyết.
Thầy Bảo dạy văn, người Hà Nội, trẻ, đẹp trai, có đôi mắt ươn ướt, mơ màng sau cặp kính cận. Thầy là giáo viên giỏi có tiếng trong trường và trong ngành. Hà Trang mê nhất là giọng đọc thơ của thầy. Chất trữ tình và chất anh hùng ca hoà quyện trong cái giọng trầm ấm rất hiếm có ở con trai Hà Nội, đã mê hoặc Hà Trang suốt một năm cuối cùng ở phổ thông trung học. Hà Trang không đủ sức chế ngự con tim vô kỷ luật của mình trong các giờ học văn. Cô gái 17 tuổi khát tình yêu như cánh buồm khát gió đã đợi chờ, đã buồn, đã khóc, đã mệt mỏi suốt năm ròng.
Là học sinh giỏi văn nhất lớp, Hà Trang nhiều lần được thầy Bảo khen. Những bài văn của cô bao giờ cũng được xem là bài mẫu mà thầy giáo chọn đọc trước lớp, kèm theo những lời phê đẹp đẽ “Hiểu đề. Trình bày sâu sắc. Diễn dạt giàu hình ảnh. Có khả năng tiến xa”. Thậm chí ở một bài văn thầy Bảo còn “chua” thêm lời khuyên: “Nếu chọn nghề văn, thầy tin em sẽ gặt hái nhiều thành quả”.
Người học trò nào cũng hiểu rằng lời khuyên của ông thầy đôi khi có tác dụng quyết định số phận của mình trong tương lai. Lời khuyên có thể là lời tiên tri. Nhưng Hà Trang không thích thú gì những lời ngợi khen ấy. Cô đâu còn là đứa trẻ mẫu giáo mừng rỡ khi nhận “phiếu bé ngoan”. Cô chờ đợi cái khác kia. Chờ đợi âm thầm và nhẫn nại săn đuổi ánh nhìn chứa đựng tình yêu say đắm, chứ không phải cái nhìn quyền lực của ông thầy đứng trên bục cao, chiếu xuống lũ học trò ngây ngô, đáng thương. Hà Trang đã trượt dài trong sự vô vọng. Khi giảng bài, thầy Bảo nhìn lướt qua mọi gương mặt học sinh và dừng lại rất lâu ở góc cuối lớp. Thầy nhìn Thuý Liên – hoa khôi của trường bằng ánh mắt kỳ lạ. Những lúc như thế, Hà Trang thường cúi gầm xuống bàn, ghìm một cơn co thắt trong lòng ngực.
Hà Trang không có lợi thế về hình thức. Nét mặt cô chẳng thể gọi là xấu nhưng cũng không đẹp. Cô có một chiếc lúm đồng tiền rất sâu bên má, nhưng nó lại khiêm tốn lẩn vào những chi tiết bình thường khác nên không gợi sự lưu ý của mọi người.
Thực ra Hà Trang có một thân hình đẹp, tròn lẳn, cân đối, bộ ngực gọn gàng, đầy đặn, hơi đưa về phiứa trước, tạo một đường cong mềm mại nơi eo bụng thon thả. Tiếc thay cái vẻ đẹp về “chất” ấy, Hà Trang chưa đủ kinh nghiệm để tự biết. Hơn nữa nó lại ẩn giấu trong bộ quần áo xoàng xĩnh của cô con gái “nhà lành”, cha mất sớm, mẹ làm nhân viên nhà nước, lương chỉ đủ mua gạo, thực phẩm tem phiếu và rau muống. Những điều “hẩm hiu” ấy khiến cho Hà Trang bị lu mờ trước bao nhiêu cô gái hồng hào, tươi tắn tuổi dậy thì.
Kỳ ôn thi tốt nghiệp phổ thông trung học, Hà Trang bị một “cú xốc” tê tái cả một thời thơ dại. Hôm ấy cô đem sách vở ra công viên học. Cô ngồi dưới gốc cây to, rợp bóng. Giữa đô thành náo nhiệt ai ngờ có một nơi yên tĩnh thế này. Thảm cỏ xanh toả dày các lối đi. Những con cóc đá trong hồ nghển cổ phun những tia nước hình cầu vồng. Lác đác đây đó vài đôi trai gái bên nhau tình tự. Hà Trang lẩm nhẩm đọc bài thơ của Xuân Diệu. Một đôi tình nhân đi qua, cô giật mình đánh rơi cuốn sách, bàng hoàng bất ngờ như bị một cái tát trời giáng: Thầy Bảo và Thuý Liên. Họ nép sát vào nhau, thản nhiên cười đùa, thản nhiên trò chuyện, dừng lại hôn nhau, rồi lại thản nhiên bước tiếp. Họ làm như công viên này là của riêng họ, trái đất này chỉ có hai người. Hà Trang định chạy trốn nhưng ý chí rả rời không sao bước nổi. Cô đành ngồi sụp xuống, úp mặt vào trang sách, lặng lẽ khóc. Không biết cô khóc bao nhiêu lâu. Khi nỗi đau dịu đi dôi chút cô mới hay trang thơ Xuân Diệu đã ướt nhão, mủn ra vì nước mắt. Hà Trang bỗng thấy căm ghét Bảo – con người vô tình xuất hiện trong đời cô, vô tình gây cho cô nỗi thương tổn. Cô cố chôn vùi hình ảnh Bảo, nhưng những lời thầy giảng đã theo cô suốt cả cuộc đời.
Vào đại học, Hà Trang mang nỗi mặc cảm của một kẻ thất bại trong “trường đời” nên đôi mắt loang loáng buồn. Và khi nỗi buồn thấm sâu vào tận gan ruột, nó sẽ trở thành thi ca. Hà Trang viết những bài thơ đầu tiên thầm thĩ buồn. Không ngờ những bài thơ ấy lại được sinh viên truyền miệng, hoặc chép vào sổ tay. Hà Trang được nâng lên một địa vị mới. Từ một cô gái bị lãng quên trở thành một nhân vật được thiên hạ “để mắt” tới.
“Đêm thơ khoa Văn” được tổ chức giữa những ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt. Các thế hệ sinh viên, nhiều người nay đã trở thành nhà thơ có tên tuổi cũng về dự. Hà Trang đọc chùm thơ mới sáng tác. Giọng đọc của cô toát ra một sức mạnh tâm hồn, giàu khả năng chinh phục. Cả hội trường hàng ngàn con người im phắc. Chỉ một mình Hà Trang biết cô đã học cách đọc thơ ấy của Bảo – “người tình trong mộng” của cô một thời.
Hà Trang may mắn được một nhà thơ “tầm cỡ” khen. Trong bầu không khí long trọng, trước đông đảo những người có học thức, lời khen ấy không phải để gửi cho mây gió, mà cắm một cái mốc đầu tiên trên bước đường đi tới của cô.
Chính trong đêm thơ ấy Hà Trang đã gặp Mạnh Cường. Tình yêu giáng xuống đời cô đột ngột như tiếng sét, làm vỡ oà cả bầu trời tĩnh lặng. Mạnh Cường có vóc dáng của một vận động viên thể thao: cao và chắc lẳn, bước chân sải dài, tự tin. Giọng nói mang âm hưởng ngọt ngào, trầm vọng của cố đô Huế và đôi mắt ẩm ướt, đượm màu lãng mạn của xứ sở mưa dầm, xứ sở thi ca, đã tạo nên ở anh một chất nghệ sĩ đầy quyến rũ.
Mạnh Cường đĩnh đạc bước lên bục cao. Anh đọc hai bài thơ. Một bài viết về những người ra trận và một bài thơ tình. Bằng sự nhạy cảm “trời cho” Hà Trang đã phát hiện ra Mạnh Cường không thuộc số những chàng trai tập tễnh làm thơ, ghép vần rất chuẩn những câu chữ sáo mòn. Thơ anh có cái chững chạc từng trải. Anh vừa dứt lời, cả hội trường ào lên một trang vỗ tay dài. Được cổ vũ anh càng phấn chấn. Anh ra hiệu cho một người bạn đưa anh cây đàn guitare. Tiếng đàn vừa ngân lên, không khí trang nghiêm vụt trở lại. Anh cất giọng hát một bài ca quen thuộc mang hào khí của những năm đánh Mỹ. Những ngón tay anh mềm mại lướt trên phím đàn điêu luyện, đầy cá tính.
Hà Trang ngơ ngẩn ngắm chàng trai và tự hỏi “sao lại có người tài đến thế?”.
Phút chốc Cường trở thành một hình ảnh sống động mà mờ ảo, gần gụi mà xa vời. Lời thơ, giọng hát, tiếng đàn của người thanh niên trai tráng kết nên một thứ ánh sáng lung linh. Trái tim cô gái cuộn lên những nhịp đập dịu kỳ chưa từng có. Không tự chủ được mình, Hà Trang hốt hoảng như sắp bị cuốn vào dòng sông cuồng bạo mùa nước lũ. Cô mơ hồ dự cảm chàng trai đang đứng trên cao kia có một sức mạnh vô hình sẽ khuynh đảo đời cô. Và Bảo – thầy giáo dạy văn – cái hình ảnh lì lợm tưởng có thể ăn mòn tâm hồn nông nỗi của cô, giờ đây bỗng dưng nhỏ bé đến thảm hại. Nó mờ đi và tan biến như bong bóng xà phòng, dưới ánh mặt trời chói chang nó hiện ra bảy sắc cầu vồng rực rỡ nhưng mỏng manh, hư ảo.
Đêm thơ kết thúc. Ánh mắt Hà Trang len lỏi trong đám người lố nhố, dưới ánh điện nhập nhoà, tìm kiếm chàng trai mà cô tin rằng không thể lẫn vào số đông. Hà Trang đâu ngờ chính lúc ấy Cường cũng đang nôn nả tìm cô. Và khi đôi trai gái cố tình tìm nhau thì dù họ có ở hai đầu trái đất, sớm muộn gì họ cũng sẽ gặp nhau.
-Hà Trang, chờ anh đi cùng với.
Cái giọng Huế pha Hà Nội ấy thốt ra dưới bóng lá nhãn, lọc những đốm trăng vàng rợi. Hà Trang nhận ra ngay người mà cô đang tìm kiếm. Tim cô đập loạn xạ. Phải cố gắng lắm cô mới lấy lại được sự bình tĩnh gượng gạo:
-Anh Cường chưa về ạ?
-Chưa. Anh chờ Hà Trang.
Tự nhiên họ sánh vai nhau. Hai người không đi trên con dường mòn quen thuộc dẫn về ký túc xá mà rẽ sang con đường khác xa hơn, vắng vẻ hơn, nhưng có hai hàng cây yên ả. Trăng mười bảy là vầng trăng viên mãn nhất.
Dưới ánh vàng lãng đãng khung cảnh quen thuộc hàng ngày trở nên lạ lẫm. Hai người im lặng rất lâu. Rồi chàng trai lên tiếng:
-Có lẽ Hà Trang không bằng lòng về “cái sự” làm quen đường đột thế này. Thông cảm cho anh. Anh muốn xin em chùm thơ em vừa đọc trong đêm thơ.
-Em không cho, chỉ đổi thôi – Cô gái mỉm cười trả lời.
-Anh sẵn sàng chấp nhận với mọi điều kiện – Giọng chàng trai trở nên tự tin hơn.
-Đổi bằng chùm thơ của anh, thế là hoà nhé – Cô gái nói và nhìn chàng trai.
-Đồng ý. Nhưng nếu thế anh sẽ được rất nhiều, còn em thì thiệt đấy.- Chàng trai nói và nhìn cô gái. Bốn mắt gặp nhau.
-Không. Em được nhiều đấy chứ – Cô gái quả quyết.
-Chà! Hơi căng đây! – Chàng trai dịu giọng – Thôi cứ tạm cho là “một đều”. Nhưng để đi đến tận cùng lẽ phải, chúng mình hãy trao đổi với nhau toàn bộ sáng tác hiện có. Chịu không?
-Dạ, em chịu.
-Thơ của Hà Trang dịu ngọt mà dữ dội lắm. Thơ là người. Anh tin rằng anh đã hiểu em.
-Anh không sợ lầm sao? Em thật chưa xứng đáng để được anh khen. Uýt-man nói: “Để tạo nên thơ, anh hãy tạo nên mình. Khi hoàn thiện con người trí tuệ mình chính là ta đang hoàn thiện phong cách thơ”. Em giống như đứa trẻ mới chập chững, tập đi thôi.
Mạnh Cường giấu một nụ cười độ lượng trước sự ngây thơ và lý lẽ “sách vở” của Hà Trang. Song sự chân thành sẽ khởi đầu cho những sự chân thành khác. Anh thầm thì bên tai cô gái:
-Anh cũng nghĩ như em. Phải sống rồi mới viết. Chúng mình hãy giúp nhau sống cho có ý nghĩa, nghen em!
Chàng trai nói xong, nắm chặt tay cô gái. Họ xích lại gần nhau hơn. Im lặng hồi lâu. Rồi cô gái ngập ngừng:
-Lúc nãy anh chờ em có lâu không?
-Lâu. Lâu lắm. Hình như anh đã chờ từ khi chưa gặp em.
-Chắc anh chờ một cô gái lý tưởng?
-Em là cô gái lý tưởng mà anh mơ ước. Bây giờ anh đã có em. Và anh sẽ có em mãi mãi. Anh tin điều đó. – Chàng trai nâng bàn tay cô gái lên vuốt nhẹ.
-Em cho rằng anh sẽ thất vọng.
-Thời gian sẽ chứng minh anh có thất vọng hay không. Chỉ mong em đừng xa lánh anh. Chịu không?
Cô gái im lặng.
Đếm ấy Hà Trang và mạnh Cường nói với nhau nhiều chuyện lắm. Chuyện gia đình, cha mẹ, anh em. Chuyện bạn bè ra trận. Chuyện thơ ca. Họ tìm thấy ở nhau sự thống nhất quan điểm, sự đồng điệu tâm hồn, làm nảy sinh trong nhau niềm ao ước gắn bó với nhau.
Đến chỗ con đường rẽ hai ngả, dẫn về khu nhà ở của nam sinh viên và nữ sinh viên, họ dừng lại.
-Lúc em đọc thơ, em thật tuyệt vời – Chàng trai nói và vuốt nhẹ mái tóc cô gái.
-Thế còn lúc em không đọc thơ?
-Em càng tuyệt vời hơn, Hà Trang ạ. Cho anh xin chiếc lúm đồng tiền kia nhé!
Cô gái im lặng.
-Em sợ à – chàng trai nhỏ nhẹ – Anh… Anh yêu em.
Chàng trai run rẩy kéo cô gái lại gần, bất ngờ đặt lên môi cô một nụ hôn say đắm. Cô gái thảng thốt giây lát, nhưng không thể cưỡng lại nỗi thèm khát được yêu. Hai người mê mải trong cảm giác dịu ngọt của nụ hôn đầu ngây ngất. Hai vồng ngực áp sát vao nhau. Hai quả tim bập bùng muốn vỡ là minh chứng xác thực về một tình yêu trong trắng, chân thành. Quả tim giả dối, trơ lỳ không biết đập như thế.
Có tiếng người bước phía sau. Cô gái vội quay đi. Sau nụ hôn là sự im lặng kéo dài đến ngột ngạt. Chàng trai nghĩ mãi mới tìm được lời an ủi cô gái:
-Sao em buồn thế Hà Trang? Hay em đang tưởng tượng anh là một tay Sở Khanh?
-Không. Đừng nói thế. Em tin anh… Nhưng em sợ… Hạnh phúc đến bất ngờ rồi trôi tuột mất. Sự dễ dãi bao giờ cũng nuôi mầm tan vỡ.
Cô gái nói run run như sắp khóc. Chàng trai hơi bối rối. Chợt hiểu mình cần phải tỏ ra là một đáng mày râu thực sự. Anh quàng cánh tay ngang eo cô gái, thủ thỉ:
-Thận trọng trong tình yêu là cần thiết. Điều đó khiến anh cảm phục và yêu em hơn. Nhưng đâu phải dễ dàng có được một cuộc gặp gỡ thần tiên thế này. Anh đã tìm em từ rất lâu. Nếu quả thật có sự luân hồi thì chắc là anh tìm em từ kiếp trước. Đấy, em thấy chưa, anh vất vả biết chừng nào. Có tin không. Đừng buồn nữa. Cười đi nào thi sĩ của anh. Cho anh xin chiếc lúm đồng tiền kia nhé.
Hai người lại nép sát vào nhau. Phía tây trăng đã gần xuống núi.
(còn nữa)