HOÀNG HÔN TRẮNG – TIỂU THUYẾT CỦA LÊ KHÁNH MAI
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
(Tiếp theo kỳ trước)
CHƯƠNG II
Đứa trẻ bỗng thét lên, hai chân giãy đạp liên hồi trên giường. Hà Trang choàng dậy. Dưới ánh điện sáng loá, cô ngơ ngác một lúc mới hiểu ra mình vừa ngủ rất say bên đứa con gái bảy tháng. Hà Trang bế con lên, hai tay rung rung làm võng đưa, miệng hối hả thốt ra những tiếng à ơi, dỗ dành bất lực. Cô đưa đầu vú căng đầy vào cái miệng bé xíu của nó, hy vọng lấp đi tiếng khóc. Nhưng nó từ chối, lấy lưỡi đẩy ra, cong người lên và càng hét to hơn. Không hiểu điều gì bí ẩn ngự trị trong cái cơ thể bé bỏng, yếu đuối kia, lòng Hà Trang se thắt. Cô bế con đi đi, lại lại trong căn phòng chật chội, đầy ắp tiếng khóc trẻ thơ và khe khẽ hát ru:
À… ơi…ơi, Em như cây quế trong rừng. Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay. À ơi…
Một cái gì chẹn ngang cổ họng khiến lời ru tức tưởi, xót xa, nước mắt Hà Trang tràn trụa. Đứa trẻ gần như kiệt sức sau một hồi giãy giụa. Tiếng khóc nhỏ dần, ảo não như tiếng rên của chú mèo con lạc mẹ, rồi bặt hẳn. Hà Trang rón rén đặt con xuống giường, phủ nhẹ tấm chăn ngang bụng nó, lặng lẽ nằm bên con.
Nửa đêm. Ngoài kia yên tĩnh một cách ngột ngạt. Đất trời nén lại, đặc quánh. Vài con tắc kè chậm rãi đếm tuổi, ném vào đêm những tiếng kêu buồn thảm, làm vỡ từng mảng không gian.
Hơi lạnh len lỏi qua khe cửa. Hà Trang quàng cánh tay ru cho con. Nhìn đôi má hồng hào, mềm mại, thơ non, cô không ngăn nỗi thèm khát được hôn con thật thoả thuê. Nỗi ân hận nhói lên. Nếu hồi ấy Hà Trang không chạy trốn khỏi cái bệnh viện sản ngoại ô, thì đời cô giờ sẽ ra sao?
Cảm nhận được tình máu mủ thiêng liêng, đứa bé ngọ ngoạy tìm vú mẹ. Hà Trang nghiêng người cho con bú. Từ núm vú săn cứng, nơi cái miệng bé xinh đang nôn nả mút sửa, toả ra một cảm giác rạo rực. Thân thể cô nóng bừng, tràn trề sức lực của người đàn bà sau kỳ sinh nở đầu tiên.
Hà Trang gửi bé Lan Chi ở nhà trẻ. Tiếng khóc của nó đuổi theo cô đến tận cổng trường. Bây giờ trước mắt cô là năm mươi đứa học trò đứng ngồi lố nhố, chạy nhảy lăng xăng, ồn ĩ cả gian phòng. Chúng reo lên:
-Cô đến! Cô đến!
-Các bạn ổn định trật tự, vào học.
Cái giọng dõng dạc ấy là của Mai Hồng, lớp trưởng 12A. Tiếng bàn ghế lục xục, tiếng người lao xao một lúc rồi nhỏ dần.
Dừng lại giây lát ngoài hành lang, vuốt mái tóc, kéo tà áo dài cho ngay ngắn, Hà Trang thong thả bước lên bục giảng. Cả lớp đồng loạt đứng nghiêm, chào. Cô giáo hơi cúi xuống đáp lại bằng nụ cười hài lòng.
-Các em giở vở ra nào. Hôm nay chúng ta học tiếp bài “Thơ ca hiện đại”. Các em hãy cùng cô đi tìm bản chất của thơ ca. Nhà thơ Raxun Gamzatôp nói: Thơ ca – nếu không có người tôi đã mồ côi. Đúng thế! Không có thơ ca, trái đất này sẽ cằn khô, buồn tẻ biết chừng nào…
Hà Trang say sưa giảng bài. Giọng nói ấm áp, trong trẻo, chuẩn xác, dáng điệu khoan thai, động tác nhịp nhàng, nét phấn hài hoà, uyển chuyển, chính cô đã trở thành một hình tượng nghệ thuật, đầy hấp dẫn.
-Nhà thơ Sóng Hồng nhận xét: Thơ là nhạc, là hoạ, đồng thời là chạm khắc. Ý kiến đó phần nào đã khái quát được những đặc điểm cơ bản của thơ ca. Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu từng vấn đề… Ai có thể chứng minh thơ là nhạc nào.
Có đến mười cánh tay giơ lên.
-Mời em Chánh – Hà Trang chỉ định cậu học trò lém lỉnh nhất lớp.
Chánh đứng bật dậy.
-Thưa cô! Một nhà thơ nước ngoài (em quên mất tên ông ta rồi ạ) – cậu ta gãi gáy – có nói thơ và nhạc là chị em sinh đôi. Nghĩa là thơ và nhạc có quan hệ máu mủ, ruột rà. Trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ.
Có tiếng bàn tán xì xầm, tiếng cười khúc khích. Chánh đỏ tai, ngắc ngứ. Cô giáo động viên:
-Khá lắm! Em nói tiếp đi.
-Thưa cô! Ví dụ đoạn thơ sau đây của Dương Hương Ly: Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào. Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích… Lời thơ bay bổng như âm nhạc. Đọc lên là muốn hát.
-Hát đi! Hát đi!- Cậu Hưng sứt nói leo.
Hà Trang vội tiếp lời, hướng học sinh tập trung vào bài.
-Chánh trả lời đúng rồi. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này. Bây giờ một em hãy chứng minh “thơ là họa”. Cô mời em Hưng.
Hưng cười. Cái răng cửa bị sứt một nửa, lộ một chấm đen ngộ nghĩnh.
-Thưa cô! Thưa… cô – Cậu ta lắp bắp – Thơ là hoạ. Nói một cách khác thơ là vẽ ạ – Cả lớp cười rộ lên – Chờ cho lớp trật tự, Hưng tiếp.
-Thưa cô, trong thơ có những bức tranh về thiên nhiên và con người. Đại thi hào Nguyễn Du đã vẽ nên cảnh mùa thu, mùa hạ, mùa xuân, cảnh non xa, trăng gần, cửa bể, rừng phong, vân vân. Câu thơ “Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” là một bức tranh tuyệt mỹ về mùa xuân.
-Tốt lắm. Em tỏ ra hiểu vấn đề. Dẫn chứng rất tiêu biểu. Em ngồi xuống. Một em khác, hãy chứng mình “thơ là chạm khắc”.
Hà Trang đưa mắt nhìn khắp lượt. Câu hỏi này “hóc búa” đây. Chỉ có một cánh tay giơ lên. Đó là Mai Hồng, cô học trò duy nhất trong đám nữ sinh còn để lại đôi bím tóc vắt vẻo trước ngực. Cô có cái tên gợi một bình minh đỏ, đầy lạc quan. Nét mặt nghiêm nghị, tác phong chững chạc và trang phục theo kiểu thiếu sinh quân, khiến người ta hình dung Mai Hồng là phiên bản của một mẫu thanh niên cộng sản, trong tác phẩm văn học cách mạng thời quá khứ.
Mai Hồng học giỏi và đặc biệt trội hơn hẳn các bạn trong lớp về môn văn. Tạo hoá đã thiên vị khi cho phép cô bé đạt được những thành công nhất định ở nhiều lĩnh vực. Cô là “tổng biên tập” tờ báo tường của lớp, là tác giả của những bài thơ, bài “xã luận”, là hoạ sĩ trình bày mỹ thuật, là ca sĩ xuất hiện trên sân khấu những đêm hội diễn, là vận động viên điền kinh từng đạt giải trong thi đấu, là cán bộ đoàn thanh niên năng nổ, nhiệt tình. Mai Hồng là một học sinh nổi bật được thầy cô quí mến. Bạn học vừa khâm phục, vừa ganh tỵ. Có đứa không ưa Mai Hồng ra mặt. Chúng bĩu môi xầm xĩ với nhau “Con ông “Cốp” gì mà chẳng giỏi, chẳng hay”. Thực ra Mai Hồng có ý chí tự lực cao, mặc dù cô là con của một vị lãnh đạo tỉnh.
Hà Trang có cảm tình đặc biệt với Mai Hồng, bởi một lý do dễ hiểu, cô học trò này thường tỏ ra “tri âm” với cô giáo trong các giờ giảng văn.
-Mai Hồng, em hãy trình bày vấn đề này cho cả lớp cùng nghe.
-Thưa cô! Thơ là âm thanh, màu sắc, đường nét, thơ còn là hình khối. Thơ không chỉ khiến ta rung động bởi nhạc điệu với những cung bậc trầm lắng, âm vang, không chỉ gợi lên trong ta cảm xúc thẩm mỹ trước những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người, thơ còn khiến ta kinh ngạc bởi những hình khối đa dạng. Trong thơ có những bức phù điêu, chạm trổ tinh vi, những pho tượng được tạc nên bởi thứ ngôn ngữ huyền diệu, kỳ vĩ. Đoạn thơ sau đây của nhà thơ Lê Xuân Anh đã phần nào chứng minh điều đó: “Anh tên gì hỡi anh yêu quí! Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ. Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường. Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…”. Đó là bài ca bất hủ về anh giải phóng quân, biểu tượng rực rỡ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại đánh Mỹ. Đó cũng là tác phẩm điêu khắc được tạo bằng chất liệu thi ca.
Mai Hồng nói một mạch, rành rẽ, trôi chảy. Cô đã dứt lời rồi mà cả lớp vẫn im phắc. Mai Hồng lặng lẽ ngồi xuống, cố nén lại những cảm xúc dâng lên nghẹt ở cổ họng.
-Cám ơn em. Ý kiến của em đã cho cô niềm vui bất ngờ, lý thú. Bởi vì em hiểu một cách sâu sắc về thơ. Cô mong rằng tất cả các em đều có những suy nghĩ như Mai Hồng.
Và, chính cô giáo cũng bị cuốn vào dòng cảm xúc. Giọng nói của Hà Trang vừa đủ cho 50 học sinh cùng nghe, nhưng âm vang của nó có sức bay xa, hoà quyện vào mây gió, đất trời, lắng sâu, kết đọng vào tâm hồn tuổi trẻ những tinh tuý của văn chương. Dường như ý tưởng từ lâu đã chín trong trí não, cảm xúc đã phục sẵn trong trái tim, chỉ chờ cơ hội để trào lên, tuôn chảy. Một luồn điện mạnh chạy trong cơ thể, khi bất ngờ Hà Trang phát hiện ra một ý hay, chưa kịp ghi vào giáo án. Chính cô cũng ngạc nhiên sao mình lại giảng hay đến thế. Lời lẽ cao siêu ở đâu ập đến, xếp hàng từng dãy trong đầu và cứ thế, lần lượt thốt ra mê mải. Hà Trang như đang sống ở một thế giới khác, thế giới của ngôn ngữ kim cương, của tâm hồn thanh cao. Đó là những giây phút thiêng liêng, niềm hạnh phúc âm thầm của nghề dạy học. Những ai chưa từng làm thầy sẽ không hiểu được rằng chính niềm hạnh phúc ấy đã níu kéo người thầy gắn bó, thuỷ chung với bục giảng, như những con chiên sẵn lòng tử vì đạo. Giữa đời thường những nhà giáo chân chính dường như bị lãng quên, nhưng tượng đài của họ sẽ được dựng lên trong tâm hồn bao thế hệ, Những tượng đài mà thời gian không thể nào mờ xoá.
Tùng! Tùng ! Tùng! Trống tan trường vang lên gióng giả. Cả lớp ngẩn ngơ tiếc rẻ. Một buồi học sinh động bao giờ cũng trôi nhanh như giấc mơ đẹp. Hà Trang ghi nhật ký lớp, chào học trò bằng một lời dặn dò, rồi đi về phía cầu thang. Ánh mắt cô dừng lại nơi tán phượng xum xuê, e ấp những nụ hoa, báo hiệu thầy trò sắp vào mùa gặt hái.
Bỗng có tiếng gọi phía sau:
-Thưa cô… Em… Em gửi cô cái này ạ.
Mai Hồng chạy đến, bẽn lẽn trao cho cô chiếc phong bì trắng có những đường viền hoa văn sắc sảo.
-Gì thế em?
-Thưa cô! Bài thơ em viết tặng cô.
Hà Trang đón lấy phong thư, trân trọng như người ta nhận một phần thưởng cao quí.
-Cám ơn em.
Chọn một góc ở cuối phòng Hội đồng giáo viên, Hà Trang ngồi đọc thơ của Mai Hồng. Tên bài thơ Cô giáo em được viết bằng một kiểu chữ công phu, ở dưới ghi “Kính tặng cô Hà Trang”. Sáng tác của Mai Hồng thiếu kỹ xảo của người làm thơ, nhưng lại thừa sự chân thành, ngợi ca tà áo, ánh nhìn, dáng điệu, giọng nói của cô giáo. Nó làm trỗi dậy một cái gì tiềm ẩn trong tâm hồn cô giáo mà cốt cách thi sĩ lẩn vào phía trong của hình vóc mô phạm.
Hà Trang là một nhà thơ chưa có “tiếng tăm”. Chừng ấy năm dạy học, làm thơ, cô chưa khẳng định được mình. Ở cái “thời đại” có quá nhiều người làm thơ, nhiều giọng thơ tân kỳ, lớn tiếng, thơ của Hà Trang mới chỉ thập thững đâu đó, như có, như không trên thi đàn tấp nập. Cái thứ thơ hiền lành, thật thà chỉ làm rung nhẹ phần hồn của một số bình dân yêu thơ, chứ nó chưa thể chinh phục con người bằng triết lý cao siêu, bằng những câu chữ lạ lẫm. Tuy vậy, thơ Hà Trang vẫn được tầng lớp bạn đọc học trò hâm mộ. Chúng thuộc làu những bài thơ đăng báo và lấy làm hãnh diện được làm học trò của cô giáo – nhà thơ.
Có một vài bài viết ca ngợi thơ Hà Trang hơi quá, khiến cô ngường ngượng. Nhưng không sao. Cố sẽ cố gắng tìm lấy cho mình một con đường riêng để đi tới đích. Con đường ấy bắt đầu từ đâu nhỉ?
Hà Trang nhấm nháp quá khứ, như người ta dùng mãi một món ăn quen thuộc mà không bao giờ chán.
Còn nữa *