Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại

Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung – ứng khẩu tại hội trường và bế mạc

PV – 09-10-2011 11:38:59 AM

VanVN.Net – Sáng nay, 9 – 10 – 2011, BTC Hội thảo dành nhiều thì giờ cho trao đổi, tranh luận lại những ý kiến trong các tham luận được đọc hôm qua. Rất nhiều ý kiến, phát biểu rất sôi nổi và rất hay mặc dầu là ý kiến trái chiều.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhà văn Nguyễn Thế Tường: Hôm qua có ý kiến phàn nàn thơ đang bị vè hóa, tôi không nghĩ vậy. Thơ có thể biến thành cái gì đó, cứ miễn hay là được; Mẹ Suốt là vè đấy chứ? Không nên bài xích thi ca vè dân gian, họ cứ viết triệu bài vè để có câu thơ: “Bậu về quê bậu biết khi mô mà tìm?” là hay rồi. Chúng ta đã tốn khá nhiều giấy mực bàn về một chữ điền của Hàn Mặc Tử. Chữ phúc có chữ khẩu, chữ lễ và chữ điền; phải chăng Hàn tiền nhân đã chiết tự hóa một gương mặt đàn ông phúc hậu trong câu: Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền?

 

Nhà thơ Lê Duy Phương: Báo Văn nghệ cần chọn mỗi tuần một vài bài thơ hay là trách nhiệm với thơ. Cứ để cho thơ phát triển rầm rộ, có làng cả làng làm thơ nhưng nhà thơ thì chỉ có một vài, Câu lạc bộ của tôi đã in 70 tập thơ, mỗi tập cố tìm lấy một bài hay, một câu hay.

 

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hòa: Thơ vẫn sinh tồn cùng đời sống chúng ta. Ông chủ quán ăn trên Sơn La khi gặp Khuất Quang Thụy vội bỏ bếp ra ôm chầm lấy bạn chiến đấu cũ và đọc thuộc lòng một bài thơ anh Thụy viết năm còn ở chiến trường. Tôi từng có sổ tay thơ, trang trí đẹp và chép những bài thơ hay. Vấn đề của lý thuyết hiện có vẻ phức tạp nhưng chẳng nên hoang mang, nếu lấy giễu nhại làm đặc trưng của hậu hiện đại thì Rabela giễu nhại gần mười thế kỷ rồi. Tôi chia sẻ với anh Nguyễn Trọng Tạo, nó làm các anh có ý kiến nói lại nhưng ý anh Tạo là cần tách bạch nó ra. Đã gọi là thơ, trang thơ trên báo thì phải là thơ đích thực, không thể in vè lên đó. Hãy trân trọng mọi sáng tạo nhưng cần có những tiêu chí.

 

Nhà thơ Phạm Đương: Có anh nói tham luận sao lại đơn giản thế, biết thế viết một bài để kiếm năm trăm. Tôi muốn nghe các nhà thơ 8x nói về thơ của họ, không nên chỉ gồm những nhà thơ lớn tuổi nói cho nhau nghe.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức: Tôi không bàn về việc đổi mới nữa, rắn không lột xác rắn chết, ngày không bình minh lên hoàng hôn xuống ngày chết. Tôi không đồng ý với chị Lệ Thu về chủ nghĩa vô ơn, vì nước ta nghèo nên mới hay nói về quá khứ để an ủi hiện tại; cần khắc phục nét nhược tiểu để hướng về tương lai hiện đại. Tôi cũng không tán thành anh Vương Trọng, thơ hay cần đơn giản, nó chỉ đúng một phần; từ chối thơ khó hiểu là từ chối thơ bay lên trời.

 

Nhà thơ Phạm Đức: Nói A cách tân, B bảo thủ là cách nói lừa trẻ con; thơ mỗi bài là một đổi mới, bài sau khác bài trước. Tôi thấy cư xử với quá khứ đúng mới có tương lai vững bền. Mỗi nhà thơ cần quảng bá thơ mình. Thơ Võ Quảng: “Nếu là thỏ/ cho xem tai/ Nếu là nai/ cho xem gạc.” Nếu anh là nhà thơ, xin đọc thơ của anh, bất biết anh viết nó bằng cách nào, nó chỉ cần vào tôi là được.

 

Nhà thơ Đông Trình: Mười năm nay im lặng để chiêm nghiệm, tôi không dám in thơ, không dám nói gì. Hôm nay xin mang nỗi đau của thơ để chia sẻ cùng đồng nghiệp. Chúng tôi đã từng dẫm lên cái chợ trời văn hóa trước 1975 ở miền Nam để tìm thơ, đã từng lâu rồi, liệu có cần bàn đến hiện đại với hậu hiện đại nữa không? Vì sao thơ chống Pháp hay thế? Có lẽ là tài năng? Người ta để Tâm trên Tài, tôi thì tôi nghĩ ngược lại. Thơ hay, thơ phát triển là nhờ các tài năng.

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cái khó mà thơ lâm phải hiện nay là thời kỳ giáp hạt tư tưởng, sự khủng hoảng của nó cũng do đó mà ra. Nhiều người muốn lôi kéo văn học ra khỏi chính trị, nhưng thoát khỏi chính trị theo nghĩa lý tưởng thì sao có tác phẩm lớn được. Vì vậy chăng mà các tham luận chỉ tập trung vào nghề, chưa tiện bàn về cái cốt lõi?

 

TS Đào Duy Hiệp: Đổi mới thường bị nhầm với thế sự, trong văn học, đổi mới là hằng ngày, tự thân. Vấn đề ở trời cho, ai làm thơ cũng muốn mình thiên tài và bị lưu đầy trong chính khát vọng ấy; có ai nuôi mình làm thơ đâu, bán thơ cũng chả được là bao. Nhà thơ nào trong cuộc đời cũng đau đáu trên trang chữ cho cái hay.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kết luận Hội thảo:

Cách đây gần hai thế kỷ, Gớt đã than phiền sao người ta đổ quá nhiều nước lã vào lọ mực của các nhà thơ. Thơ đúng là đang có vấn đề. Nhưng lâu lắm rồi Chế Lan Viên cũng nói thơ đang bế tắc, nhưng chính ông lại đang viết những bài thơ mới, rất hay sau này in vào tập Di cảo. Thơ là vấn đề thời sự của mọi nền văn học và ở mọi thời điểm. Có 5 vấn đề nổi lên trong các tham luận:

– Miền Trung nhiều tác giả đóng góp lẫy lừng vào thi ca Việt Nam

– Thơ đang có vấn đề và cần đổi mới nó, không ai phản đối đổi mới. Phạm Đức nói rất hay, từ bài thơ này sang bài thơ khác là phải mới; rất đúng, từ bài thơ này sang bài thơ khác là từ bỏ một kinh nghiệm để đi tìm một kinh nghiệm mới.

– Nhưng vấn đề ở chỗ cần tăng cường phê bình lý luận về thơ.

– Thơ muốn bay lên là phải bay bằng đôi cánh truyền thống và hiện đại.

– Thơ cần có công chúng. Không có công chúng thì thơ sinh ra làm gì.

Tôi có hỏi các nhà thơ, anh Tô Nhuận Vĩ nói tôi viết văn xuôi nhưng đến đây tôi chăm chú lắng nghe và học được rất nhiều điều. Vậy là Hội thảo thành công.

Khát vọng lý tưởng và khát vọng nghề nghiệp cũng là tinh thần của Hội thảo, nó luôn luôn là lẽ cân bằng của sáng tạo thơ. Đến cái tầu ngầm ở sâu dưới biển cũng cần có đôi cánh, đó là hài hòa của thẩm mỹ. Đánh mất sự hài hòa thì gây đổ vỡ cái đẹp.

Không thể nói đổi mới thơ chỉ là nhóm Sáng tạo, nhóm Mở miệng hay Ngựa trời; Lý Đợi làm chính trị hơn là làm thơ, không thấy mấy hậu hiện đại ở đó. Vấn đề là đổi mới sao cho thay nước tắm nhưng không hất cả đứa trẻ.

Nhà thơ Mỹ Posmit nói, cái nguy hiểm nhất của nhà thơ là chất thơ. Mới nghe tưởng vô lý, ngẫm lâu mới thấy là chân lý: “Bổn phận của nhà thơ là đi tìm chất thơ chứ không phải dựa trên chất thơ có sẵn”; bây giờ chúng ta có quá nhiều thơ về Chí Phèo, Thị Nở, Thị Mầu, ngâm vịnh là cũ.

Sự kể lể dài dòng mệt mỏi, nó cũ rồi. Chế Lan Viên nói thơ các anh súng nổ quá nhiều nhưng không thành một trận đánh. Hãy nhanh chóng thoát khỏi vũng bùn của sự kể lể, bay vút lên bầu trời của khái quát.

Hiện đại là thúc đẩy sự kết tinh của chất thơ nhanh đến hoàn kết. Hiện đại không phụ thuộc vào thời gian, nó phụ thuộc vào khí chất, Nguyễn Du là thép không rỉ của nền thơ Việt Nam. Là tinh chất thì vượt thắng được thời gian. Ấy là điều tôi học được ở Tagor. Câu thơ của Lê Chí viết về Chim Trắng rất hay: Cả đời lầm lũi mịt mùng/ Căng lồng ngực đón hòa bình gai góc. Nguyễn Trọng Tạo cũng ghê gớm: Nhớ những ngày kháng chiến/ Con đường trên tay em. Chúng ta cần tổng kết từng nhóm đổi mới, ví như nhóm lục bát Lê Đình Cánh, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn xem học đóng góp gì cho thơ lục bát; ví dụ nhóm thơ dân tộc Lò Ngân Sủn, Y Phương, Đỗ Thị Tấc có đổi mới thơ dân tộc như thế nào… để thấy thơ chúng ta đang đổi mới toàn tuyến.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhắc các cơ quan cấp 2 của Hội như nhà xuất bản, báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ phải cải tiến để hỗ trợ và cổ vũ cho thơ phát triển và thông báo Đảng và Nhà nước đã đồng ý để Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan Thơ châu Á vào Ngày Thơ Việt Nam năm 2012; cảm ơn Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh Thanh Hóa, cám ơn Chi hội Nhà văn Thanh Hóa đứng đầu là nhà văn Kiều Vượng đã đóng góp công sức và hỗ trợ để Hội thảo thành công tốt đẹp. Cám ơn các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình đã về tham dự Hội thảo, đặc biệt là đến cuối giờ mà hội trường vẫn đông chật.

———————-

Ảnh: Đỗ Văn Hiếu – Hữu Đố