HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC VỀ BIỂN ĐẢO KHÁNH HÒA
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Ngày15/6/2011 tại TP Nha Trang đã diễn ra Hội thảo khoa học Toàn quốc về Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa do Viện Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn Hóa Thể thao & Du lịch và Sở VHTT&DL – UBND tỉnh Khánh Hòa phối hơp tổ chức. Có 50 báo cáo của các nhà khoa học trong toàn quốc gửi về tham dự Hội Thảo, trong đó 21 báo cáo thuộc thể tài văn hóa biển đảo; 16 báo cáo về du lịch biển đảo Khánh Hòa và 13 báo cáo về Quần đảo Trường Sa ở Khánh Hòa. 24/50 báo cáo được chọn tham lụân tại Hội thảo. Sau đây là bài tham luận của Thạc sĩ Lê Khánh Mai tại Hội thảo này.
BIỂN TRONG TRUYỀN THUYẾT
VÀ THƠ CA DÂN GIAN KHÁNH HÒA
(Tham luận tại Hội thảo Khoa học Văn hóa biển, đảo
và Quần đảo Trường Sa ở Khánh Hòa – Nha Trang 15/6/2011)
Thạc sĩ LÊ KHÁNH MAI
Lê Khánh Mai tham luận tại hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa
Trong khu vực duyên hải nam Trung Bộ, Khánh Hòa có lẽ là một vùng đất mà tính chất biển, văn hóa biển được thể hiện một cách tập trung và đậm đặc nhất. Với 385 km bờ biển, hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ xen giữa các đầm vịnh …thiên nhiên đã ban tặng cho Khánh Hòa một không gian non nước hữu tình, một tiềm năng kinh tế phong phú, một nền văn hóa biển dồi dào, đa dạng không ở đâu có được. Cùng với những biến thiên lịch sử, những cuộc di dân mở đất về phương Nam, Khánh Hòa trở thành nơi giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền trong khu vực và cả nước làm nên tính phong phú đa dạng và những sắc thái riêng độc đáo.
Tự lâu đời cư dân nam Trung bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã nương tựa vào biển để làm ăn sinh sống, tạo dựng làng mạc quê hương, đắp bồi truyền thống, trao gửi những tình cảm, quan niệm nhân sinh và thế giới tinh thần tâm linh. Ngược lại Biển cũng là một lực lượng thiên nhiên kỳ vỹ và bí ẩn chi phối mạnh mẽ đời sống của con người. Nhận thức về biển, khám phá biển luôn là ý chí và khát vọng của nhiều thế hệ. Bài viết này không có tham vọng trình bày đầy đủ đặc trưng văn hóa biển Khánh Hòa, chỉ xin nêu một số điểm cơ bản về biển trong truyền thuyết và thơ ca dân gian được lưu truyền trên vùng đất Khánh Hòa, nhằm góp phần đánh giá tiềm năng văn hóa phi vật thể về biển Khánh Hòa, đề xuất những phương hướng khai thác và phát huy vốn quý đó.
1 – Biển trong truyền thuyết dân gian Khánh Hòa
Như nhiều vùng đất khác, Khánh Hòa cũng có một kho tàng tuyện cổ dân gian phản ánh nhiều mặt đời sống của ngư dân. Một bộ phận truyền thuyết dân gian Khánh Hòa có liên quan đến biển, coi biển như một đối tượng phản ánh, qua đó bày tỏ khát vọng khám phá và chinh phục biển khơi, nhất là khi Khoa học và hiểu biết hạn chế của con người chưa thể trả lời hết đựoc những câu hỏi đặt ra trong thực tiễn khắc nghiệt của sự sinh tồn.
Hòn Vọng Phu ở Ninh Hòa trước đây thuộc tỉnh Đăk Lăk, sau đó chính quyền cũ lập huyện Khánh Dương thuộc tỉnh Khánh Hòa, núi thuộc tỉnh Khánh Hòa, ngày nay lại thuộc về Đăk Lăk, nhưng người dân Ninh Hòa vẫn lưu truyền câu chuyện về Hòn Vọng Phu. Sự tích Hòn Vọng Phu, hay chuyện nàng Tô Thị có ở nhiều nơi trên dải đất Việt Nam , nhưng cách kể mỗi nơi có những chi tiết khác gắn với từng địa phương. Có một sự thật là Hòn vọng phu nào cũng hướng ra biển. Có thể nói chi tiết này rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu kho tàng văn hóa biển của người Việt. Cùng với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển, truyền thuyết Hòn Vọng Phu đã minh chứng ý thức chiếm lĩnh biển khơi của con người từ thuở sơ khai. Câu chuyện người đàn bà vọng chồng đến hóa đá được lưu truyền và ăn sâu vào tâm thức người dân Ninh Hòa nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Ở Ninh Hòa, mỗi khi người dân giê lúa cần có gió mạnh, thì thường đọc câu ca dao: “Gió lên bớ bà Vọng Phu / Chồng bà nhờ gió thuyền mau trở về”.
Sự xuất hiện của đảo đá Hòn Chồng trên vịnh Nha Trang được giải thích bởi chuyến ngao du của ông Khổng Lồ. Đến Suối Tiên ông dẫm phải hòn đá phủ đầy rêu, trượt chân, với tay bấu vào sườn núi làm đá văng về phía Vịnh Nha Trang, chồng lên nhau tạo nên Hòn Chồng. Những dấu vết ở Hòn Chồng cũng được cho là do ông Khổng Lồ đang câu cá thì một con cá kình rất to nuốt chửng luỡi câu rồi quẫy đuôi bơi ra ngoài biển khơi. Ông Khổng Lồ phải cố ghìm lại, một tay bíu vào tảng đá lớn, tay kia cầm chắc cần câu. Vết tay của ông in lên mặt đá và sợi dây câu cứa vào tảng đá Hòn Chồng còn dấu tích đến ngày nay.
Truyền thuyết về ông Lía kể rằng ông đã gánh rất nhiều ngọn núi, khi thì sắp đặt ngoài biển khơi, khi thì đặt trên đất liền. Một lần do đôi gióng đứt, gánh đất của ông đổ xuống Vịnh Vân Phong tạo thành hai hòn đảo nhỏ là Hòn Lao và Hòn Một.
Núi Cô Tiên sở dĩ nằm trên vịnh Nha Trang vì nơi đây xưa có phong cảnh đẹp, bãi cát mịn màng, các cô Tiên thường xuống tắm. Có một cô Tiên ngủ quên không kịp bay về trời nên Ngọc Hoàng gận dữ, nguyền nếu cô không từ bỏ hạ giới thì phải hóa thành đá. Và cô Tiên đang ngủ đã hóa thành ngọn núi thơ mộng giữa trời mây, non nước Nha Trang như bây giờ.
Truyền thuyết miếu Lỗ Lường tại Hòn Đỏ Ninh Hòa được kể: do những ngư dân làm nghề lưới đăng lập nên để thờ một vị Nữ Thần trên đảo. Trong miếu để Ông Lõ, một khúc gỗ sơn đỏ, tạc hình dương vật. Đến mùa đánh cá ngư dân mang lễ vật đến cúng rồi lấy ông Lõ chọc vào khe đá giống như bộ phận sinh dục phụ nữ. Và ngư dân tin rằng sẽ được Nữ Thần phù hộ cho đánh bắt được nhiều tôm cá, tránh được những tai nạn ngoài biển khơi. Truyền thuyết này là một trong hệ thống truyền thuyết về tín ngưỡng ngư nghiệp ở Khánh Hòa.
Còn rất nhiều truyền thuyết kể về đời sống của các loài sinh vật biển như chuyện về chim yến và loài sam sống có đôi, chuyện vì sao biển mặn. chuyện đặt tên vùng đất, tên các loài cá…Truyền thuyết về việc đặt tên cho loài cá cơm kể rằng: Vào thời Gia Long tẩu quốc bị quân Tây Sơn đuổi đánh, chạy trốn bằng đường biển, ghé vào thôn Xuân Đừng trong vịnh Vân Phong Khánh Hòa, quan quân mệt mỏi đói khát mà xóm nhỏ Xuân Đừng không đủ lương thực và nước uống. Nguyễn Ánh bèn thắp hương khấn vái trời đất phù hộ và lời cầu khấn đã linh nghiệm. Khi quân sĩ đào những hố nhỏ cách mép chân sóng vài gang tay nếm thử thì thấy nước ngọt như nước mưa, cùng lúc đó từng đàn cá nhỏ từ ngoài khơi bơi thẳng vào bờ cho quân lính vớt lên nấu ăn. Nhà vua mừng quá liền đặt tên cho loài cá đó là cá cơm… Còn có truyền thuyết khác giải thích cái tên vùng đất Cam Ranh do Gia Long và quan quân đi trên biển khơi, khát nước ghé qua vùng đất này đào những hố nhỏ ven bờ thấy nước ngọt, đặt tên vùng đất này là Cam Linh (nước ngọt linh thiêng), sau Cam Linh được nói trại đi thành Cam Ranh như ngày nay…
Đặc biệt Khánh Hòa có một kho truyền thuyết về nữ thần Thiên Y A Na, gắn liền với một quần thể kiến trúc Tháp, hệ thống đình, chùa, miếu thờ vị thần xứ sở mang đậm bản sắc riêng văn hóa biển Khánh Hòa. Truyền thuyết về Thiên Y A Na – Ponagar có nhiều cách kể, Nhưng cách kể nào thì sự ra đời và công đức của vị Nữ Thần này đều gắn liền với yếu tố biển.
Theo cách kể của người Việt thì sau khi bà Thiên Y A Na giáng trần tại vườn dưa trên núi Đại An, nay thuộc huyện Diên Khánh, được đôi vợ chồng già không con nuôi nấng một thời gian, bà đã nhập vào cây gỗ trầm trôi về biển Bắc. Thái tử Biển Bắc đem lòng yêu và cưới bà. Được vài năm bà thấy nhớ vườn dưa chốn cũ nên lại nhập vào cây gỗ trầm trôi về cửa biển Cù Huân, trở về Đại An lập miếu thờ cha mẹ nuôi, tạo lập vùng đất, dạy dân làm nông nghiệp và chữa bệnh. Bà được dân yêu kính tôn là Mẹ xứ sở. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện về bà Thiên y A Na hiển Linh, cứu giúp dân lành, che chở cho con người trước thiên tai và trừng trị những thế lực xấu xa, gian ác. Dân biết ơn Bà, nhiều người lập bàn thờ Mẫu tại tư gia, nhắc đến Bà bằng một danh từ vô cùng gần gũi, thương yêu: MẸ.
Theo cách kể của người Chăm: nữ thần Ponagar được sinh ra ở tận ngoài biển khơi do áng mây và bọt biển tạo thành. Nước biển dâng cao đã đưa Bà vào bến Yjatran (Nha Trang). Muôn loài vui mừng hân hoan chào đón Nữ Thần giáng trần. Bà có phép lạ hóa ra cung điện nguy nga, trầm kỳ, gỗ quý, lúa bắp, chế ngự thiên nhiên hung dữ, mang lại cuộc sống no đủ bình yên cho dân chúng.
Truyền thuyết dân gian là sản phẩm tinh thần của nhân dân lao động, được sáng tạo và lưu truyền trong suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù chứa đựng những yếu tố tưởng tượng, hoang đường, nhưng truyền thuyết luôn gắn bó với hiện thực cuộc sống. Qua những dẫn chứng trên đây ta thấy truyền thuyết Khánh Hòa mang đặc trưng chung là giải thích, khám phá thế giới tự nhiên, huyền thoại hóa những nhân vật có công với con người và xứ sở, nhưng đã địa phương hóa một cách rõ nét, làm nên sắc thái riêng của văn hóa biển Khánh Hòa.
2 – Biển trong thơ ca dân gian Khánh Hòa
Nhiều câu thành ngữ vận dụng trong sinh hoạt, giao tiếp liên quan đến biển, khái quát được đặc tính, bản chất của sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội nào đó, như:
– Lớn thuyền lớn sóng – diễn tả một thực tế làm ăn lớn thì khó khăn càng lớn.
– Ăn sóng nói gió – chỉ những người có tính cách mạnh mẽ, cử chỉ lời nói bạo dạn, lấn lướt.
– Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo – một lời khuyên, lời động viên con người nên vững vàng trước những hoàn cảnh khó khăn thử thách.
Nhiều câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm lao động, như:
– Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông – Nhận biết thời gian đi ăn của luồng tôm cá, phục vụ cho việc đánh bắt.
– Nồm nam, bấc chướng sóng lượn ba đào/ anh đi câu biết chừng nào anh vô – xác định các loại gió, hướng gió liên quan đến việc có thuận lợi hay nguy hiểm khi ra khơi.
– Bao giờ Hòn Đỏ mang tơi / Hòn Hèo đội mũ thì trời có mưa – Nêu lên một kinh nghiệm nhận biết những biến đổi của thời tiết để ứng phó kịp thời trong lao động nghề biển.
– Một lần mà tởn đến già / không đi nước mặn nữa hà ăn chân – Hà là loài sinh vật sống ký sinh trong nước mặn, bám chắc vào khe đá, cọc gỗ,
vỏ hà sần sùi sắc nhọn như dao có thể sẻ rách tay chân ngưòi đi cạy bắt. Hà có thể ăn mòn cả gỗ, đá nên những người đi bắt hà thường bị hà ăn chân. Câu tục ngữ nêu lên những khó hhăn vất vả của nghề khai thác hà trên biển.
– Ông tha mà bà không tha / liền cho cây lụt hăm ba tháng mười – giải thích hiện tượng lũ lụt diễn ra vào tháng mười hàng năm ở Khánh Hòa, do nước trên nguồn đổ ra biển quá lớn. Theo dân gian câu tục ngữ này bắt nguồn từ truyền thuyết Thiên Y A Na, khi trên đường trở về Đại An, chồng Bà là Thái Tử Bắc Hải cho thuyền của quân lính đuổi theo. Bà đã dâng nước lên ngăn cản, gây ra nạn lụt trên.
Ca dao Khánh Hòa xưa cũng đã phản ánh hình thái lao động: nghề biển được coi là nghề chính, phải huy động toàn bộ sức lực của các thành viên trong gia đình: Chồng chài vợ lưới con câu / thằng rể đi tát, con dâu đi mò. Biển là nguồn sống của con nguời, nuôi giữ những tình cảm gia đình truyền thống của các thế hệ: Cầm cần câu cá liệt xuôi / nấu canh rau hẹ mà nuôi mẹ già. Nhưng nghề biển là một nghề gian nan, khó nhọc, hiểm nguy. Kiếm miếng ăn từ biển cũng không dễ dàng, đòi hỏi một tinh thần lao động bền bỉ, liên tục, nên dân gian có khi so sánh với nghề làm ruộng: Khó như nghề ruộng em theo / giàu như nghề biển hết chèo hết ăn. Nỗi lo sóng to gió lớn, bất trắc rủi ro là nỗi lo thường trực của cư dân biển. Nhất là những người đàn bà xứ biển, họ hiểu sâu sắc nỗi gian khổ của chồng, con, người thân giữa biển cả mênh mông. Họ hướng về khơi xa với tâm trạng thắc thỏm, hồi hộp lo âu, đau đáu xót thương: Thuyền xuôi ra cửa Khánh Hòa / Buồm giăng hai cánh dạ em đà héo hon; Ngó ra Hòn Yến ba lần / thấy anh nằm trần trong dạ xót xa. Và họ chỉ còn biết cầu xin những thế lực siêu nhiên phù hộ cho chồng được thuận buồm, xuôi gió, bình an trở về: Lạy Bà cho nổi gió nồm / chồng tôi còn ở ngoài khơi chưa về.
Với người lao động, biển là người bạn lớn để họ chia sẻ, gửi gắm những nỗi niềm. Trai gái yêu nhau thường mượn hình ảnh các loài cá để ví von về tình cảm lứa đôi gắn bó: Đôi ta như cặp cá bè / lênh đênh trên biển ai dè gặp nhau; Đôi ta như cặp cá sơn / ăn trên mặt nước đợi cơn mưa rào. Những công cụ đánh bắt quen thuộc như đó, đăng cũng được sử dụng trong ngôn ngữ tình yêu: Anh đừng ham đó bỏ đăng / Ham lê quên lựu ham trăng quên đèn. Trong ca dao Khánh Hòa, hình ảnh hòn được nhắc đến rất nhiều. Hòn bao gồm các đảo, gò đất, tảng đá nổi trên biển. Không chỉ làm cho thiên nhiên biển Khánh Hòa thêm phong phú hữu tình, hòn còn là biểu tượng của sự vững bền, không xê dịch đổi dời trước biến thiên và thời gian. Và do đó hòn hiện thân cho tình yêu, tình vợ chồng thủy chung sâu nặng: Bao giờ Hòn Chữ bể tư / Biển Nha Trang có cạn anh mới từ nghĩa em; Biết chừng nào cho sóng bỏ gành / Cù lao kia bỏ biển anh đành bỏ em. Không chỉ là lời thề thốt, vợ chồng nghĩa nặng tình thâm được thể hiện ở những việc làm cụ thể như lao động chăm chỉ, chung lo cuộc sống gia đình, dành cho nhau miếng ngon, miếng ngọt: Anh đi câu cá quét mành / Cá lang tiêu bạc má anh để dành cho em. Trong gian khổ người dân biển mong ước vợ chồng có nhau khi lên thác xuống ghềnh: Ngó lên trời mây giăng tư hướng / Ngó xuống bể đá dựng tứ bề / Em làm sao cho đẹp chữ hiền thê / Chồng đâu vợ đó đi về có đôi.
Mặc dù nghề biển vất vả gian nan, hiểm nguy luôn rình rập nhưng người dân yêu biển, sống chết với biển, biết ơn trời và các vị thần đã cho những mùa cá bội thu, và sung sướng hạnh phúc trước thành quả lao động của mình: Ra đi sóng biển mịt mù / Trời cho lưới nặng dô hò ta kéo lên.
Người Khánh Hòa có tình yêu sâu đậm với quê hương. Câu ca dao: Đi đâu cũng nhớ Khánh Hòa / Nhớ biển Nha Trang gió mát, nhớ Ninh Hòa nhiều nem là một trong những câu ca dao nằm lòng của người dân xứ biển này từ xưa đến nay, như một thứ tình cảm tự nhiên trong máu thịt, để mỗi khi đi xa ai cũng mong trở về. Tình yêu ấy gắn liền với niềm tự hào về sự giàu có, phong phú về sản vật biển và những nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Khánh Hòa: Yến sào Hòn Nội / Vịt lội Ninh Hòa / Tôm hùm Bình Ba / Nai khô Diên Khánh / Cá trầu Võ Cạnh / Sò huyết Thủy Triều / Đời anh cay đắng đã nhiều / Về đây ngọt sớm ngon chiều với em. Câu ca dao liệt kê những sản vật ngon ở Khánh Hòa trong đó đặc biệt là các sản vật quý mang đặc trưng của biển, như yến sào, tôm hùm, sò huyết gắn với những địa danh Hòn Nội, Bình Ba, Thủy Triều…Khẳng định sự trù phú của quê hương, vun đắp tình yêu, hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn và tình cảm gắn bó thủy chung, tạo dựng cuộc sống ổn định và bền vững trên vùng đất này.
Ngoài những thể loại thành ngữ, tục ngữ, ca dao, ở Khánh Hòa còn lưu truyền các bài hò, vè, câu đố chứa đựng nội dung về biển. Các loài sinh vật biển nhiều vô kể không phải ai cũng biết hết được, vì thế người dân thường nêu ra những câu đố như là một cách nhắc nhở nhau tìm tòi hiểu biết về thế giới sinh vật biển: Đầu khóm trúc, lưng khúc rồng / sinh bạch tử hồng / Xuân hạ thu đông bốn mùa có cả ( con tôm); Trên mâm trơn dưới sù sụ / bốn trụ dựng ngay hàng / trước gió bạt nghinh ngang / Sau lá cờ đen phất phới (cá Voi); Tiếc công mẹ đẻ ra anh / nuôi cho anh khôn lớn anh theo cha quên mẹ mình (Con cá bạc má)…
Những bài vè như vè tôm cá, vè thời tiết được sử dụng như một kinh nghiệm cho việc tổ chức lao động sản xuất, đặc biệt là nghề đi biển: Tháng giêng động dài / tháng hai động tố / tháng ba nồm rộ / tháng tư nam non / tháng năm nam tròn / tháng sáu giã bãi / tháng bảy mưa rải / tháng tám mưa dồn / tháng chín mưa tuôn / tháng mười lụt lớn / tháng một sông cạn / tháng chạp lập đông… Vè các lái hay còn gọi là vè hải trình do các thương thuyền đi trên biển miền Trung đặt ra nhằm ghi dấu lộ trình đến các địa danh, tên đảo, tên vịnh, đặc điểm tự nhiên của từng vùng biển, qua đó ta thấy được một phương thức hoạt động kinh tế biển của các thương nhân ở những thế kỷ trước. Tên những vùng biển, cửa biển, bến cảng của Khánh Hòa như: Hòn Nưa, Bãi Võ (Đại Lãnh); Mũi Cỏ, Mũi Cây Sung (ở chân núi Hòn Hèo, Ninh Hòa); Nha Lỗ (nay là Nha Phu, Ninh Hòa); Cù Huân, Cửa Lớn, Cửa Bé, Chụt, Nha Trang; Hòn Miếu, Hòn Nội , Hòn Ngoại (trên vịnh Cam Ranh)…được đánh dấu trên “bản đồ hải trình”. Một bài vè các lái sau đây đã mô tả thương cảng Nha Trang xưa, nơi diễn ra cảnh mua bán nhộn nhịp, cũng là nơi thương nhân, các lái ghé lại nghỉ ngơi, vui chơi hưởng thụ sau những ngày dài trên biển:
Nha Trang đất Chụt không xa
Nơi này các lái kẻ ra người vào
Gặp nhau mừng hỏi lao xao
Kẻ hỏi thăm vào, người hỏi thăm ra
Lên bờ trà nước hỉ hà
Kẻ vô mua nệm, người ra mua chằng.
Trên đây là phác thảo về biển qua một thể tài văn nghệ dân gian, cụ thể là qua truyền thuyết và thơ ca dân gian được lưu truyền lâu đời trên vùng đất Khánh Hòa. Có thể thấy biển trong tâm thức văn hóa của người Khánh Hòa biểu hiện ở các mặt sau đây:
– Giải thích sự hình thành, tồn tại của các sự vật, loài vật, hiện tượng có liên quan đến biển, các vùng vịnh, đảo, bán đảo, đảo đá, hòn, cù lao trên biển, những vùng đất ven biển với tên gọi, địa danh cụ thể thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhằm nhận thức, khám phá và chinh phục biển khơi.
– Đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về thời tiết, thời gian, thời vụ, nhận biết đặc điểm, đặc tính các loài sinh vật biển, ứng dụng trong việc đánh bắt, khai thác sản vật biển, nhằm nâng cao năng suất lao động và hạn chế những nguy hiểm, rủi ro trên biển.
– Phản ánh hiện thực cuộc sống của ngư dân về phương thức lao động, tâm tư tình cảm, khát vọng, các mối quan hệ gia đình, xã hội và thái độ ứng xử của con người trước biển, một lực lượng thiên nhiên hùng vĩ và kỳ bí.
– Đánh giá, tôn vinh, ghi ơn những nhân vật. Đó là Các vị thần, hoặc những người gần dân, có công với dân, với xứ sở; Gắn truyền thuyết với nghi lễ và lễ hội, làm nên tính thiêng. Qua đó gửi gắm những tâm tư tình cảm, những mong ước thầm kín, niềm tin, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân. Tất cả làm nên mạch nguồn văn hóa chảy âm thầm, tiềm tàng và mạnh mẽ trong tâm thức của người Khánh Hòa
3 – Vài ý kiến kết luận
Cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, tư duy về biển đã được nâng lên một tầm cao mới. Thế kỷ XXI, được thế giới xem là thế kỷ của đại dương. Nghị quyết số 09 – NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ “Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, góp phần quan trọng cho đất nước mạnh giàu”.
Mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển trước hết phải bắt đầu từ những yếu tố nội sinh tức là từ văn hóa, vốn là nền tảng và động lực của sự phát triển. Nhiều năm qua ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch của tỉnh. Tuy nhiên một bộ phận văn hóa phi vật thể của Khánh Hòa chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có thể tài văn nghệ dân gian, gồm truyện cổ dân gian, tục ngữ ca dao, dân ca, hò vè…chưa có kế hoạch khai thác. Trong những năm qua, mặc dù các nhà nghiên cứu VNDG ở địa phương đã có nhiều cố gắng sưu tầm, tập hợp và có những đánh giá ban đầu. nhưng phần lớn tài sản văn hóa phi vật thể quý giá này đang còn nằm trong trí nhớ của người dân và đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Chúng tôi đề nghị ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học Công nghệ và các cơ quan chức năng có kế hoạch triển khai công tác quy hoạch, đánh giá trữ lượng văn hóa phi vật thể Biển Khánh Hòa, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội , bảo đảm anh ninh quốc gia và thực hiện chiến lược biển Viêt Nam như Nghị quyết TW Đảng đã vạch ra.
Nha Trang, tháng 6, năm 2011