Hồng Thị Vinh hành trình tìm…

HỒNG THỊ VINH, HÀNH TRÌNH TÌM “CHỐN THẲM CÙNG” 

LÊ KHÁNH MAI 

Sau nhiều năm cầm bút ,nhà thơ Hồng Thị Vinh đã ra mắt bạn đọc các tập thơ :” Ngàn năm mây bay ”, ” Mưa đầu nguồn” ,và“ Đời vạn dặm”. “ Qúi hồ tinh, bất quí hồ đa “, câu nói của cổ nhân luôn là lời nhắc nhở, đặc biệt đối với sáng tạo thơ, một công việc đòi hỏi sự tinh lọc khắc khe. Thực tế cho thấy có nhiều tác giả trong vòng 5,7 năm đã xuất bản 5 , 7 tập thơ.Chạy theo số lượng nên họ không đủ thời gian cần thiết để lắng đọng, Khám phá , chiêm nghiệm cuộc sống và tìm tòi hình thức diễn đạt mới.Vì vậy không tránh khỏi lặp lại, nghèo nàn và giả tạo May thay HồngVinh không rơi vào trường hợp đó.Chị điềm tĩnh, kiên nhẫn gom nhặt và chắc lọc những vẻ đẹp từ cát bụi;” Bao nhiêu năm / bụi hạt rơi đầy / Bỗng một ngày / bụi cát rền vang / Lẫn trong tiếng bi than / có lời bất tử ” (Một ngày cát bụi ).Câu thơ mang đầy âm thanh lạ lùng này đã phần nào nói lên quan niệm về thơ và công việc làm thơ. Phải tìm cho ra những ” lời bất tử “ trong vô vàn cát bụi, đó là mục đích cao đẹp của nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ. Qua tên ba tập thơ và hình ảnh chủ đạo trong thơ , ta thấy Hồng Vinh ẩn dụ nhiều đến mây, mưa , sông, suối , núi non , mùa và thiên nhiên vạn vật với sự vần xoay của trời đất , rồi từ đó suy ngẫm về thời gian và kiếp người . Lối tư duy này xuyên suốt các tập thơ của chị . Đây cũng là lối tư duy cổ điển phương đông,nhưng ở thơ Hồng Vinh nó mang sắc thái riêng của một hồn thơ phụ nữ với những giằng xé, trải nghiệm về luân hồi, thân phận: 

“Trăm năm một cõi phong trần Đi cho hết kiếp phù vân lại về 

Dừng chân từ tạ sơn khê Rừng xưa đã khép còn mê cõi người” 

(Hạt phù vân) Câu thơ nhuốm màu “sắc sắc không không” của nhà Phật,nhưng nó không nhằm chứng nghiệm cho triết lý ấy, mà thể hiện khát vọng vùng thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của kiếp phù vân.Vũ trụ bao la muôn cõi,nhưng nhà thơ chỉ “mê cõi người”,chấp nhận cõi người như chấp nhận khổ đau :”Tôi không phải tín đồ/nên từ chối giáo điều/chỉ muốn mang trái tim hy vọng/lên đường đi đến hố thẳm/của riêng tôi “(Trái tim sa mạc).Biết cuộc đời là hố thẳm nhưng nhà thơ vẫn yêu,vẫn mê, vẫn đi đến cùng,vì sao vậy? 

Khát vọng sống, khát vọng tình yêu, khát vọng cháy hết mình,đó là câu trả lời của thơ Hồng Vinh.Nhưng cuộc đời nghiệt ngã luôn sắp đặt khổ đau và cô đơn đi cùng khát vọng. Nhà thơ không khỏi thốt lên:”Lửa một đời không cháy hết trái tim”(Cuộc lãng du vào hạ).Không mệt mỏi,chị vẫn bền bỉ trong cuộc kiếm tìm vô định:”Tôi đi hết một nhánh sông lầm lạc/Qua nắng,qua sương tưởng mình lột xác”(Nhánh sông tôi).Và trong cuộc hành trình ấy,đôi khi tự hỏi “Ngàn năm mây không bay/Ngàn năm mây vẫn bay/Đâu là chốn thẳm cùng”(Ngàn năm mây bay).Thì ra,cuộc đời này tưởng như hữu hạn,lại chẳng có bến bờ,không có chốn thẳm cùng.  Đó phải chăng là trò chơi của tạo hóa hay là sự thách đố của số phận.Vì thế nỗi buồn và sự cô đơn luôn là bạn đồng hành.Thơ Hồng Vinh có nỗi buồn của sự vắt kiệt kiếp sống cho khổ hạnh và tình yêu: 

“ Mùa thu về rộng quá Bình dược thủy thay màu 

Qủa tim không còn nữa Giọt cuối cùng tan mau 

Loài chim về đổi giọng Khao khát cuộc diễm tình 

Trên hàng cây lạnh cóng Rồi xếp cánh quyên sinh” 

(Vì sao trong ký ức) Những câu thơ chân thật và tuyệt đẹp gieo vào lòng người một nỗi buồn thăm thẳm.Nó khẳng định phẩm chất của tình yêu là dâng hiến và hy sinh,là được trao cho người mình yêu giọt sống cuối cùng của trái tim.Hình ảnh loài chim “xếp cánh quyên sinh” là cái kết cục bi thương đối với những ai “khao khát cuộc diễm tình”.Bi thương mà không bi lụy.Bởi nó không hề có dấu hiệu của sự than khóc,van xin.Nó chứa đựng niềm hạnh phúc của sự tự nguyện,khiến ta nhớ đến hình ảnh của những con chim lao vào bụi mận gai bị thương,đau đớn vẫn ngửa cổ lên bầu trời xanh hót lên bản tình ca cho đến chết. 

Nỗi cô đơn là hệ quả tất yếu của tình yêu tuyệt vọng.Thơ Hồng Vinh đã diễn tả tâm trạng này bằng những thủ pháp khác nhau.Có khi bằng ẩn dụ,so sánh,mượn hình ảnh thiên nhiên nói hộ:”Sóng cũng hát những lời rất lạ / Xô dạt hoài chẳng hết bơ vơ”(Biển bao dung ).Hay:”Dù mặt trời không bao giờ lạnh/Dù ánh trăng không bao giờ nóng/Và dù tình yêu bát ngát nhưng không bao la bằng nỗi cô đơn”(Thời gian trăn trở).Con người- cái tiểu vũ trụ mong manh ấy. Phải mang vác nỗi cô đơn mà đến mặt trời ,mặt trăng, biển cả cũng không sánh nổi.Cũng có khi nhà thơ trực tiếp bày tỏ thái độ của mình trước cô đơn: “Không còn ai 

Tôi yêu tình yêu tôi Yêu bóng tối tôi 

Và ánh sáng tôi “ ( Nhánh sông tôi) 

Đó là sự trở về với chính mình sau những va đập cuộc đời.Nó khác xa với thói tự kiêu của mình, của cái “ tôi” kênh kiệu.Trở về với chính mình là để nhận thức lại mình,nhận thức cái tiểu vũ trụ,để yêu cả phần ánh sáng và bóng tói của riêng mình.Đó cũng là sự ngộ ra sau cuộc hành trình tìm kiếm.Phải chăng chốn thẳm cùng không ở nơi cuối trời tận đất mà ở trong chính con người mình. Thơ Hồng Vinh trải tình với thiên nhiên.Chị ví thiên nhiên như”bức tranh không trưng bày”, như” thiên đường có thật”.Diễn tả hình ảnh thiên nhiên,chị chọn” tông”nhẹ nhàng,tịnh lặng,màu sắc hiền hòa:”Hoa cải vàng mấy độ”;”Hoa lau buồn phơ phất”;”Cánh anh đào mỏng mảnh ngát hương đêm”;”Đồi cỏ mượt bốn mùa xanh êm ả”…Cả những âm thanh của sóng,của gió,của thác và của suối đều êm dịu:”Điệu suối nao nao như phiến nhạc mơ màng”;”Sóng xô đùa / hôn những gót trần/ in dấu chân qua”…Một thiên nhiên dịu lành,thân thiện và rất bình an: 

“ Nhẹ lay ngoài hiên động Ngọn gió đà thinh không 

Vừa hừng đông một thoáng Búp sen chợt nở hồng” 

(Sen nở trước thiền trang) Đó là thơ thiên nhiên của một người tĩnh tâm.Không vội vàng,gấp gáp,nhà thơ thong thả đợi chờ,lặng lẽ cảm nhận sự biến đổi của thời gian,không gian,để đón bắt được cái giây phút đẹp nhất khi búp sen nở hồng.Đây cũng là cách cảm nhận thiên nhiên phổ biến và đã rất thành công trong thơ cổ phương Đông.Với Hồng Vinh,thiên nhiên là đối tượng để giãi bày,chia sẻ,và luôn ở tâm thế đồng cảm : 

“Đâu trong lá có đôi chim về sớm Tiếng gọi hiền và ríu rít cỏ may 

Vô tình quá để rơi nhiều chiếc lá Tôi chợt buồn theo một chiếc trong tay” 

(Sóng lênh đênh) Những câu thơ thiên nhiên thật đẹp,thật nhẹ nhàng nhưng người đọc cảm thấy quen quen,bởi nó mang âm điệu của thơ cao trào lưu lãng mạn giai đoạn 1930-1945. 

Tuy nhiên có thể nói rằng thơ Hồng Vinh đã có nhiều tìm tòi hình thức diễn đạt mới.Trong số những bài thơ của các tập thơ trên thì có trên hai phần ba bài viết theo thể thơ tự do và thơ văn xuôi.Tỷ lệ này khiến thơ chị không rơi vào tình trạng đều đều nhàm chán,gây mỏi mệt cho người đọc như nhiều tập thơ của tác giả khác hiện nay.Mặc dù những bài thơ tự do của chị đôi khi còn tản mạn nhưng đã lóe lên những ý tưởng mới lạ và bất ngờ.Chẳng hạn,nói về lao động ngôn từ và sự dấn thân cho nghệ thuật,chị viết:”Tôi đi thong dong trên cánh đồng chữ nghĩa/Yêu người thợ vườn cần mẫn / Nâng niu từng hạt mầm trí tuệ/ Khi những cánh hoa ngôn ngữ nở bừng/ Người nghệ sĩ chết/ Trong ngất ngây” (Nét bút dòng suy).Hoặc suy ngẫmvề sự nhỏ nhoi,bơ vơ của con người giữa bao la vô tận giữa thiên nhiên và cuộc sống:”Tôi con thuyền nhỏ giữa nước trời / Tôi chuyến xe lăn trên bờ đá cuội/ Mãi mãi là những cuộc dấn thân/ Có khi phố thị có khi rừng/ Có khi chuông giáo đường đổ giục /Khi rời rạc chuông chùa” (Bức tranh không trưng bày). Và đây nữa,một tâm trạng cay đắng,trải nghiệm:”Những cơn say đầu tiên /Và những cơn tỉnh cuối cùng/ Nghe ra/ Rượu đắng lắm”(Dấu lặng).Những câu thơ như thế không thể dễ dàng viết ra,vì đó là kết quả của sự trăn trở và nỗi đau có thực.Nó tạo niềm tin và chinh phục người đọc bởi tính chân thật,không chút màu mè,làm điệu,làm dáng. 

Thơ Hồng Vinh là hành trình tìm kiếm không mệt mỏi ý nghĩa đích thực của cuộc sống, vươn tới phẩm chất đích thực của thi ca. Tinh thần ấy thật đáng trân trọng. Tuy thỉnh thoảng còn rớt lại trong thơ chị một số hình ảnh, từ ngữ đã cũ,không còn phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của thời hiện đại, như: hàng mi sầu mộng, nắng tà huy, cành sương nguyệt mãn, vô tình viễn ảnh, mưa nắng uyên nguyên…nhưng nhìn chung, thơ Hồng Vinh không trơn tuột đi mà có sức neo giữ bền lâu trong lòng người . 


Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Nha trang