ĐỌC DỊ-NGHỊ-LUẬN [ĐỒNG-CHÂN-DUNG] NGHĨ VỀ MỘT HƯỚNG MỞ CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC
- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
VĂN CHINH
Tiền nhân khi bàn về văn chương đều nghiêm cẩn, giản dị ít lời, tạo cho văn bản chỉ vài trăm chữ một sức nén file đủ để đọc nhiều năm không hết nghĩa. Chúng ta biết Trần Khánh Dư là người thoáng hoạt, từng buôn than, khi đã làm quan to rồi nghĩ ra mẹo tích (đầu cơ) mũ vào kho rồi bất ngờ ra lệnh buộc dân phải đội mũ kiểu của mình mà hốt bạc. Lại rất tếu là ngài làm việc này nhân danh đạo lý người Việt dùng hàng Việt. Nhưng khi viết Tựa cho quyển Vạn kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn thì rất khăn đóng áo dài: “Từng nghe, biết cầm quân thì không phải bầy trận, biết bầy trận thì không phải đánh, biết đánh thì không thua,biết thua thì không chết. Những năm xưa, do biết thua trước để không thua về sau hay như tướng Thát Đát dầu phải nằm chạy mà về được nước thì cũng có thể bảo rằng biết thua vậy.” Lạ là viết tựa cho sách binh thư mà không đi vào kế mưu cụ thẻ nào, chỉ như nhân dư ba cảm hứng khi đọc sách mà nghĩ tiếp, nghĩ khác về trận mạc, nghĩ về cách để không cần bầy trận. Như thế thì không khen mà khen, không chê mà như chê. Một kiểu phê bình thâm hậu, phẩm nhã cao ngạo nhưng vẫn khiêm nhường. Tôi đặc biệt sợ hãi khi đọc mấy trăm chữ của ông tướng công huân lẫy lừng trong các cuộc chiến thắng lẫy lừng lịch sử mà không thấy một chữ thắng nào. Lối phê bình không đi vào tác phẩm của Trần Khánh Dư còn được tiếp nối đến hiện đại, nhà thơ Nobel Octavio Paz nói, với nhà phê bình, tác phẩm là văn bản bắt đầu để ông ta đi đến một văn bản khác.
Tôi không biết Đặng Thân học ai, nhưng gã thuần thục cả cổ kim lẫn Đông Tây. Như cái cách gã vẽ siêu thực các chân dung Bùi Giáng, Đặng Đình Hưng, Einstein, Márquez, Cao Hành Kiện… thì có thể bảo gã không mấy thẹn với người xưa. Mỗi chân dung chỉ vài trăm chữ, không dài hơn đại tượng một quẻ Dịch mấy nỗi nhưng thần thái họ hiện cứ như là họ bị một thầy bói cự phách gọi ra bản mệnh, hiện rõ nhất là cái gót chân Achilles của họ (phần này đặt chung ở phần “Dị-chân-dung” là bởi vậy chăng?) Đặt Einstein & Khổng Minh cạnh nhau để bật lên nét tương phản đầy bi kịch của vĩ nhân, ghê gớm là gã cứ đay vào chỗ ngặt nhất của mỗi người mà hỏi xoáy (đáp xoay?), rằng đã như biết tuốt,đã có thể với lên tận các vì sao mà lại cứ loay hoay tới sáu lần mang quân ra Kỳ Sơn để chuốc lấy thất bại cay đắng, mà sao lại để hẳn 30 năm cuối đời ăn năn trong buồn bực bất mãn; hỏi thế thì ai mà chịu nổi? Vẽ chân dung Bùi Giáng,Đặng Đình Hưng, gã lại dùng phép bút mỡ nó rán nó, mỗi bài là một bài thơ y hệt giọng điệu của họ mà đủ cả thần thái xúc cảm bùi ngùi. Phục nhất bài chân dung Hoàng Ngọc Hiến Nỗi đau [đáu] của trực giác (hay là tiếng gầm của sư tử), với quá nửa số chữ là nói về con sư tử đực, về tiếng gầm khẳng định vừa chủ quyền (bờ cõi) vừa quyền uy chứ nó không săn mồi, không nuôi con và thế là chân dung Hoàng Ngọc Hiến hiện ra thật sống động với chỉ một tiếng gầm trực giác. Vâng, quả thực,ông không đóng góp bằng công trình nghiên cứu cụ thể nào cho văn đàn; nhưng tiếng nói của ông đánh thức sự trì trệ khiến các nhà văn giật mình mà viết khác, viết hay. Đặng Thân không (dại mà) khẳng định những lời ông Hiến nói đều đúng cả, trực giác thì cũng có thể sai, nhưng liệu có ai nói về sai đúng của tiếng gầm sư tử, điều quan trọng là sự lay thức của nó đến đâu. Một chân dung khác, “Hình như” Từ Chi cũng chỉ được vẽ chấm phá không phải bằng tác phẩm cụ thể, dù GS Từ Chi có các công trình văn hóa họcvề làng xã Việt Nam, văn hóa Mường nổi tiếng để trở thành tiên đề gốc cho nhiều nhánh khoa học khác, ví dụ ông Trần tếu táo nói 60% các công trình ‘vĩ đại’ của mình là có công của cụ hoặc từ cụ (Từ Chi) mà ra. Chỉ một chân dung của một Từ Chi hết sức linh động giữa một “chuồng người” (chữ của Nietzsche) phần lớn chai cứng bê tông, mà làm hiển hiện lên toàn bộ giới trí thức Bắc Hà trong một giai đoạn khác thường, thậm chí là cả một thời (đại). Một chân dung nữa ở liền sau,nhà thơ Dư Thị Hoàn Hình như có người“cởi áo” trên Cửa Cấm là các ví dụ đẹp của lối phê bình ấn tượng mà Đặng Thân sở đắc. Bài này, theo tôi, không thể hay bằng hai bài trên, thậm chí có chỗ còn dông dài, nói chung khi Đặng Thân không quách tỉnh với sự u mê của mình, văn ông sa vào dông dài là điều khiến người đọc không thích. Nhưng hãy nói về cái hay. Thơ Dư Thị Hoàn:
Tấtcả sẽ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em
Người ta viết ý tứ thế mà gã cởi toạc áo của người ta, đặt vào đó cái điểm nhãn của đổi mới văn học; liên hệ với gần thì chỉ dụ “cởi trói” cho văn nghệ sỹ xa ra đến tận nước Mỹ trong lần đầu có nụ hôn“công khai” trên màn ảnh mà chính quyền cấm chiếu. Hỡi ôi, có thế, quả có thế,cái khăn đóng áo the của đạo đức giả còn đeo đuổi đến tận thế kỷ XX mà thắt ngặt con người. Nhưng gã hiểu rất đúng, cực đúng luôn về tinh thần đổi mới văn học. Đây là điều sẽ cắt nghĩa vì sao Đặng Thân không nhảy xổ ra viết về vết thương quá khứ như mấy chục năm qua các nhà văn ta và nhà văn Tàu nhiều người đã [GS La Khắc Hòa đã ngậm ngùi chia sẻ nhưng cổ vũ đích đáng: Đặng Thân là một chủ thể khác; vượt lên trên những chủ thể chấn thương]. Và làm một cách say sưa, một cách không tự biết rằng tô hồng hay bôi đen quá khứ thực ra vẫn chỉ là âm dương bản của một cái cũ có tên là trào lưu. Đằng khác, bài “cởi áo” này cũng góp một phần metol hay natri sunfit làm hiện hình chân dung tác giả. ĐặngThân là nhà văn viết khủng về bản thể Người, rất khủng luôn (và đó cũng lại là điều không hay nếu căn chỉnh với lối văn mấy trăm chữ của ông cha mình. Xin lưu ý, câu ca dao “bắc cầu giải yếm” và “hình như” chính cụ Từ Chi có nói về tính gợi cảm của cái yếm và ngay cả với áo dài để tạo thành so sánh bản thể luận giữa tiền nhân và áo quần hai mảnh thời nay.)
Vâng, tên cuốn sách này là Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung. Đồng chân dung thì như đã nói. Còn dị-nghị-luận thì sao? Hai cái vạch nối khiến không thể ngắt thành dị nghị mà thành lời đồn (không hay) về ai nhưng lại hàm ý thế, cũng không thể ngắt riêng dị để hiểu là dị dạng hay khác biệt nhưng mà vẫn hàm ý ấy. Cái tên sách như có chứng chỉ rằng người viết hay chữ, thạo cổ văn (dị trên đối với đồng dưới) nhưng cũng tố lên rằng gã có bệnh kỳ khu trú ở động mạch chủ. Ở một bài nào đó gã kịch liệt phê đấu lối viết nhị nguyên (thị – phi, trắng – đen rõ ràng) đưa văn học vào ngõ cộc của sự đơn nghĩa vì tối đa chỉ có hai nghĩa. Mà văn chương với lý thuyết tam vị nhất thể (tác giả, văn bản, bạn đọc), anh chỉ khư khư nhị nguyên tức là anh không thừa nhận sự sáng tạo của người đọc thứ ba,người đọc thế kỷ thứ XXII chẳng hạn. Xét riêng về bệnh kỳ khu, lại có nước quỳ để hiện hình một gã Đặng Thân học cho lắm vào lối văn Âu Mỹ có tên là Gúc-gờ. Trong bài viết về tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], tôi có nói về vẻ đẹp trí tuệ do các trữ tình ngoại đề mang lại, nó cũng làm ga chờ tránh tàu cho mạch cảm xúc bạn đọc tạm nghỉ trước khi đồng hành trên con tàu lao về ga đích tư tưởng nghệ thuật. Nhưng ở những chỗ lạm dụng (thấy bở đào mãi) văn gã rơi vào loằng ngoằng ngồi dai khoai bà nát. Văn Việt kiệm chữ, bởi nghèo nên ít giấy, giống như anh trai đa tình Nguyễn Công Hoan sợ tốn tiền tem thư nên luyện viết (thư tình) ngắn.
Cái ấn tượng Đoàn tàu Thống nhất chạy khư khư trên hai thanh ray là của Đặng Thân hình dung về văn nghiệp Đỗ Lai Thúy. Thật vậy. Ấn tượng cho thấy sức nghĩ, sức viết, sức dịch của Đỗ kinh khủng. Cũng chỉ ra cái hạn hẹp của không gian mà văn bản lan tỏa. Nhưng ngay cả cái phụ đề dành sẵn cho biện minh “Quân tử dĩ hậu đức tải vật” (đại tượng quẻ Khôn trong Kinh Dịch, nói về người – vật có mệnh chuyên làm việc lớn) cũng không cứu nổi sự đại ngôn, sự nhiều nhời đến kêu giời vì nó gần14.000 chữ. Nó tương đương với lượng chữMột thời đại trong thi ca của Hoài Thanh. Hiệu quả ở Hoài Thanh thì nhất thành bất biến của vô số giá trị, ở Đoàn tàu… lại chỉ chở có nhẹ tênh các trích dẫn lý thuyết, nhận định? Những bài Quite connects (về Thơ đến từ đâu – Nguyễn Đức Tùng) Trường-ca ca (về Lòng hải lý – Đỗ Quyên)… cũng chung một bệnh. Chúng gợi hình dung một chuyến tham quan du lịch đầy hứa hẹn hấp dẫn, với hướng dẫn viên vui / biết lắm chuyện, vớicảnh trí dọc đường đẹp nhưng chính điểm tham quan lại khiến khách thốt lên, ối giời ơi, tưởng thế nào chứ! (Hay là tác giả có ý gì đây?)
Tiếc nhất là bài Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm (về thơ Nguyễn Quang Thiều.) Có thể nói, Đặng Thân là một trong không nhiều người đọc ra, đọc một cách đầy sướng khoái thơ của Nguyễn Quang Thiều, mà theo gã, là “người có công lớn trong sự nghiệp nới rộng không gian cho thơ Việt, đào xới sâu tâm thức Việt.” Sở đắc một lối viết dễ khiến bị cho ra cao ngạo, nhưng khi đọc những câu sau đây gã thật vồn vã:
Vẫn chiếc ghế ấy trong bóng tối chàng đau đớn nghĩ tới người đàn bà đau ốm với nỗi đau buồn lớn hơn toàn bộ đời sống của nàng
[…] Hay chàng là ví dụ của lạc đà chất trên lưng không phải vàng bạc châu báu hay những túi nước ngọt mà là những bao tải cát để đi qua sa mạc cát
Và gã viết như [lên] đồng sáng tạo: “Độc thoại nội tâm” (internanl monogue/ innervoice) là style quán xuyến trong “Cây ánh sáng”, cũng là “tổng phổ” cho nhạc tính mênh mông tràn thảo nguyên thơ Nguyễn Quang Thiều. Ở đây xuất hiện một nghịch lý: Thân biết rõ có người, nhiều người không thích thơ Thiều, nhưng gã cứ viết cái điều gã cảm thấy cần viết, bất chấp cái cách bài viết được chờ đón và đánh giá ra sao. Đó cũng là cơ sự khi gã viết về Hoàng Ngọc Hiến trong hoàn cảnh nhiều người cho rằng ông Hiến không có công trình nào. Nhưng đó là bài rất thuyết phục còn bài về Nguyễn Quang Thiều thì phải chăng là chưa? Vì một đằng thì nói về điều đã chung cục, điều còn lại thì đang sinh hóa; điều này đã chúng khẩu đồng từ, điều kia lại siêu thực nó như tặng người khiếm thị hoa hải đường,người khiếm khứu hoa ly. Vâng, mọi cuộc đổi mới canh tân đều cần nhiều người,rất nhiều người dấn thân, phải không Thân?
Dị -nghị-luận|Đồng-chân-dung ngoài những bài hay đã dẫn, còn bài bàn về thơ Mai Văn Phấn, về thơ Dương Kiều Minh,về tiểu thuyết Thần thánh & bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn hay dã man luôn. Xin hãy đọc thử:
Thơ DươngKiều Minh:
Ở mãi âm thanh ngày nao nức
Con chạy trên đồng lúa rộ vàng
Mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại
Mặt trời lung linh khu vườn mẹ
Bức tường ánh sáng…
Điều gì dào lên trong những hạt li ti
Đặng Thân bình luận:
Đoạn thơ ấyl àm tôi nghĩ đến những người đã trải qua “kinh nghiệm cận tử” (…) họ thường thấy linh hồn mình bay lên trong những đường ống đầy ánh sáng diệu kỳ, rồi họ được gặp linh hồn của những người thân đã khuất, nhất là cha mẹ mình trong những khu vườn tuyệt đẹp… Ý thơ “dào lên trong những hạt li ti” càng làm rõ nét cái cảnh giới ấy. Đây là một ý thơ khủng khiếp, nó phản ánh được cả thế giới hạt lẫn thế giới sóng của vật chất. Cái tên (bài thơ) “Hy vọng” càng làm nên một cuộc “cận tử” trác tuyệt…
Tiếp theo Đặng Thân chỉ ra đến 6 cái gạch đầu dòng về công năng của thơ, trong đó có công năng (thơ) đưa ta đi khắp 3.000 thế giới,khiếp thế. Nhưng mà chịu được. Đến đoạn gã viết sau khi nghe tin Minh tạ thế thì đúng như gã tự thú, gã bị “nghẹn” với rất ít lời bình mà lại tạo nên hiệu ứng nghệ thuật không hết. Đó là đoạn dẫn nửa trang thơ Dương Kiều Minh (mà gã gọi là thơ dòng tâm thức) với Cha ơi,ngày tháng này làm con phiền lòng ba lần điệp lại. Ngoại diên càng hẹp nội hàm càng sâu, người xưa đã nói thì cấm có sai câu nào!
Bài Mai Văn Phấn & công nghệ cách tân thơ thì xin mượn chính phép bút của gã để nói, tôi cũng có viết về Mai thi sỹ, viết xong tưởng là đã viết hết về nhà thơ này,nhưng hóa ra đã trắng còn phải trắng như Tide, bài của tôi nó thua bài của Đặng Thân ở tính thuyết phục do sự kỳ khu mang lại. Phục nhất chỗ gã dùng phản đề thơ rô bốt để nói về loại thơ tưởng là rô bốt làm mà lại chỉ thuộc về thi nhân;còn loại thơ véo von quen thuộc thì làm bới những người thành danh hẳn hoi nhưng computer, với một lập trình viên cỡ sinh viên Bách khoa có thể viết được!Chính chỗ này gã gây ra xung lực cho hai luồng chịu hoặc phản đối tranh cãi (cả hai bên đều kịch liệt, hãi!) Với riêng tôi, tôi nghe thấy một tiếng gầm của con sư tử đực từ châu Phi của thế giới sáng tạo vọng về.
Nhưng còn khủng hơn là bài về Đỗ Minh Tuấn mà cái tên dẫu có bịt tên tác giả thì người đọc vẫn biết là của Đặng Thân: Những góc nhìn luễnh loãng Đông & Tây khi đọc Đỗ Minh Tuấn bên Nabokov & Trang Tử & Muhammad & v.v… nghĩa là khụng khiệng khủng. Trước hết nói về cái đường viền khung treo chân dung tinh thần của tiểu thuyết. Có lẽ chả cần nói về liên hệ giữa tiểu thuyết này với Trang Tử vì câu cách ngôn nổi tiếng Chu hóa bướm hay bướm hóa Chu, bạn đọc ai cũng biết rồi. Chỉ xin thêm, theo nhà phê bình khụng khiệng này, Nabokov là nhà văn Nga, giáo sư và là nhà nghiên cứu bướm ở khía cạnh sinh học (mà có lẽ không chỉ có vậy). Ngay với Đỗ Minh Tuấn,gã cũng đá mở biên đến độ gây tranh cãi, là nhắc nhớ đến cả bài thơ Bướm thôi miên của tác giả này và cũng như Nabokov, Tuấn cũng là nhà thơ đa tài và đa sự. Kỳ khu vẽ đường viền hóa ra có ích cho chân dung. Bướm trở thành lưỡng thê, vừa là cái Đẹp lộng lẫy vừa là cái Mơ hão (như chuyện Bướm & Chu ở trên). Tôi là người đọc sớm nhất bản thảo này (để đưa toàn văn lênvanvn.net vào tháng Tư năm 2009) nhưng có nhẽ đọc trên mạng và chỉ chăm chú vào nó, nên chưa thấy trong cái Mơ hão thấm đậm tính thê thảm của người nông dân trước /quá trình hội nhập đô thị hóa còn có tính lãng mạn lộng lẫy của quá trình này,như Đặng Thân. Cho nên có thể nói, Đặng Thân đọc hết văn bản hơn. Tuy vậy, ở bài này tôi có chỗ không chịu gã. Đỗ Minh Tuấn viết rất hay về nhân vật Tây lai(đen) vì khỏe quá nên vợ sợ mà bỏ, gã đực rựa này luôn đói khát thèm thuồng. Gã thú nhận khi thèm quá định giao cấu với trâu, may mà nhịn được do không muốn thành súc vật; về chỗ ni sư định bố thí lại cho thí chủ cái mà thí chủ thèm khát… Nhưng Đặng Thân lại dẫn nhà Tiên tri Muhammad trong kinh Qur’an cho phép.Than ôi, xin chịu tội báng bổ thần lính và chịu tiếng thủ cựu thôi, không có vé toàn cầu hóa cũng đành ở nhà với cà thâm dưa khú, chứ văn học không cùng đường với súc vật hóa con người.
Trong văn phong quyến rũ Đặng Thân có cả những chỗ gây tưng tức, như chỗ gã nói về Henry Miller(Nhớ Phạm Công Thiện I Quên Henry Miller). Gã bảo gã chưa bao giờ đọc hết bất cứ cuốn sách nào của nhà văn mà theo gã, số 1 thế giới thế kỷ XX; mà lại khen khủng khiếp luôn về ông ta cứ như thể đã thấu hiểu ngay cả khi không đọc. Mà sách của cái ông numberone Henry Miller chưa dịch ra tiếng Việt nên nhiều người không thể kiểm chứng, thế mới dị ứng. Nhưng qua việc này, bèn hiểu thêm: Gây tức khí cũng lại tạo ra xung lực nơi người đọc, và bằng ấn tượng chấm phá, phê bình cũng tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ. Nó tương phản/ tích cực hơn với đọc kỹ rồi viết một văn bản rỗng.
Nhưng cái yếu tố quan trọng nằm ở chỗ gã yêu và thuần thục tiếng Việt ở đẳng cấp cao bác học lẫn bình dân vỉa hè. Có hai yếu tố làm nên phẩm tính: Gã có ngoại ngữ, người có ngoại ngữ coi một ngữ là bạn, khác với cánh tôi chỉ coi nó là công cụ; gã, sau mấy năm dạy ở đại học ngoại ngữ, đã về làm gia sư tại… gia, những tiếng lóng, trò chơi chữ vốn là đặc hữu (bí quyết) của dân dạy / học ngoại ngữ. Là bạn thì hiểu kỹ bạn, có thể vừa dùng (nhờ) bạn vừa đùa bỡn với bạn lại có sứ mệnh làm giầu có bạn lên. Lý của gã xem ra khá vững, người ta hay nói tiếng mẹ đẻ, mẹ thì rất đỗi yêu mến (thiêng kính) nhưng gần gũi và có thể là bạn theo một nghĩa nào đó và ở nghĩa này, càng phải có bổn phận phụng dưỡng để mẹ trẻ khỏe mãi. Cái mà Đỗ Lai Thúy nói chưa hẳn đúng là “viết về cái viết” khi bàn về tiểu thuyết 3.3.3.9[những mành hồn trần]; nói như La Khắc Hòa có lẽ đúng hơn, không gian nghệ thuật của Đặng Thân giống như sân khấu, nơi các nhân vật (ở đây là chân dung nhà văn, tác phẩm văn học và bạn đọc{citizen}) thoải mái diễn trò, cứ lý ấy mà hình dung tiếp, ta thấy đến các chữ trong tay gã, chúng cũng trêu ghẹo bấu chí nhau, tạo cho văn bản phê bình một giọng văn sinh động, cho phép làm chùng, làm phong phú cảm giác mỗi câu văn,đặc biệt dễ chịu khi viết về các bậc maitre hay nhân vật lịch sử. Xin hãy đọcthử:
Họ đã được giao vai “anh hùng” thì phải gặp trở ngại lớn thôi. Thế mới ôi! (Vai diễn &Số phận)
Để giễu cợt thói đạo đức giả trong ái tình, sau mộthồi gã đả phá hết những Khổng giáo đến các nhà triết học Âu Mỹ nhằm hóa trang cho thói ô trọc bỉ lậu trong xã hội thượng lưu của phong kiến hay tiền-tư bản,gã viết:
…tụt được quần chun của nó ra rồi, tưởng ăn ngay được thì thấy từ trong dàn hàng ngang chui ra một lô các ông“ít”-“op”-“ep”-“ác”-“ky”… Khô như ngói. Chàng muốn ói…
Những dòng trên trích từ Bài học tiếng Việt mới, nhại tên truyện ngắn Bài học tiếng Việt của Nguyễn Huy Thiệp. Ở bài này, Đặng Thân lại thêm một lần phá rào “hệ hình” phê bình: viết hẳn một truyện ngắn để phê bình một truyện ngắn, không phải viết để cãi lại một xu hướng một thói tật của văn học Nga đương thời như Pushkin đã từng,mà là để dựng chân dung tác giả của nó và, thực ra điều nó hướng đến là tham vọng phê bình toàn bộ văn nghiệp của ông ta nói chung.
Đến đây thì xin thú nhận rằng, những câu sau đây là tôi học gã:
“Chính chỗ này gã gây ra xung lực cho hai luồng chịu hoặc phản đối tranh cãi (cả hai bên đều kịch liệt, hãi).
Những chữ khủng, kinh khủng luôn…cũng của gã. Nói chung, Đặng Thân có tình yêu thật lạ với tiếng lóng, cả hai như là chỗ thân quen bạn bè. Rồi ra thế nào cũng có người soạn Từ điển tiếng lóng tiếng Việt, tôi chắc thế như chắc rằng, ở đó soạn giả phải sử dụng đến non nửa câu văn Đặng Thân làm ví dụ cho các mục từ.
Đặng Thân cũng cho in ở đây nhiều tạp văn, tùy bút và tùy bút luận; thậm chí còn khảo cứu về thơ phụ âm và có các đóng góp thú vị. Cuốn sách nhiều ngổn ngang, bề bộn, nó tương phản với ối phê bình quen thuộc như là người ta miêu tả khu đô thị mới văn học, còn sách này như là đưa bạn đọc trở về với quá trình xây dựng với thật nhiều bụi bặm của nó. Nó vừa làm ngợp vừa kích thích bạn viết vì tự nó như một ví dụ sinh động rằng, có nhiều con đường để đi đến La Mã nhưng đã thế thì cũng có nhiều con đường để từ La Mã đến với mỗi con người Bản Thể. A men!