Đặt vòng hoa…đặt vòng

ĐẶT VÒNG HOA…ĐẶT VÒNG

VĂN CÔNG HÙNG

Lê Khánh Mai. lời mở: Bạn đọc có thấy cái tít ” ĐẶT VÒNG HOA ….ĐẶT VÒNG”  này “giật gân” không? Đó là phong cách viết Blog của nhà thơ Văn Công Hùng. Ông hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, Tổng biên tập Tạp Chí Văn nghệ Gia Lai. Là nhà thơ nổi danh, với 5 tập thơ và 2 trường ca đã xuất bản, Văn Công Hùng còn là một nhà báo, chăm chỉ cày xới trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là vùng đất Tây Nguyên, nơi ông sống và gắn bó đã in đậm trong tập văn xuôi “Mắt Cao nguyên” của ông. Văn Công Hùng được đồng nghiệp đánh  giá cao về năng lực viết chân dung văn nghệ sĩ. Giọng văn của ông sắc sảo mà hóm hình, rất ấn tượng. Cũng như con người ông, ai đã gặp ngoài đời thì không thể quên được. Có lẽ ông là nhà thơ  yêu phái đẹp cho nên sắp đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 ông đã  nhắc nhở “Đặt vòng hoa …đặt vòng..”  he he…

Bài viết dưới đây của nhà thơ Văn Công Hùng viết về Lê Khánh Mai, đặc biệt lại có cả  phóng sự ảnh do ông thực hiện.

Lê Khánh Mai cop bài này bên  http://vanconghung.blogspot.com/2012/02/at-vong-hoa-at-vong-hoa-at-vong.html về trưng bày trong  ngôi nhà của mình như một lời cảm ơn tấm thịnh tình của nhà thơ Văn Công Hùng.

Trân trọng chia sẻ với bạn đọc nhân ngày chị em phụ nữ “đi ra đi vào”..he he…

alt

Nhà thơ Văn Công Hùng
Một lần lâu lâu rồi, hội Văn Nghệ Khánh Hòa tổ chức đại hội, gửi giấy mời cho các hội bạn. Một vị ở hội nọ nhận được giấy mời, sát ngày quá, tiện tay phê vào góc giấy mời: Nha Trang đại hội vì xa, đặt vòng hoa, đặt vòng hoa, đặt vòng… Rồi chuyển xuống cho văn phòng. Cán bộ văn phòng đọc hiểu ý là ông này bảo đặt lẵng hoa chúc mừng nhưng trót máu thi sĩ nên phê ra thế, thêm nữa, chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa khi ấy là một nữ, nhà thơ Lê Khánh Mai. Cái ý đặt vòng có vẻ… hợp.
————


NHA TRANG CÓ NHÀ THƠ LÊ KHÁNH MAI

          Ở Nha Trang có một nơi có thể gọi là địa chỉ văn hóa ẩm thực, đấy chính là… sân trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật. Ngày xưa là ở 6 Lý Tự Trọng, giờ là ở 34 Yersin. Trụ sở hội đương nhiên là địa chỉ tụ tập rồi, nhưng sân trụ sở thì không phải nơi nào cũng có thể. Thế mà ở Nha Trang, muốn gặp các văn nghệ sĩ nổi tiếng, không nơi đâu tiện lợi bằng mỗi sáng cứ đến sân trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa. Trước cổng, trên vỉa hè là một gánh bún, có một thứ bún mà tôi (và nhiều người nữa) rất mê là bún sứa. Nhiều nơi ở miền Trung có bún sứa, nhưng ăn sứa ở đây nó mới ra… sứa, nó mới lên hết cái vị cái hương cái âm cái sắc của sứa. Trong sân, cái sân bé tẹo, ngổn ngang ghế và dày kín dáng ngồi dưới một cái bạt lom khom căng tạm. Có thể gặp ở đây nhà thơ Giang Nam, nhà văn Cao Duy Thảo, nhà văn Cao Linh Quân, họa sĩ Thanh Hồ, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng… các văn nghệ sĩ đã về hưu, đến các quan chức ngành văn hóa như anh em nhạc sĩ Hình Phước Long, Hình Phước Liên, công chức Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh nhà thơ Trần Vạn Giã, các nhà báo Hà Bình, Khuê Việt Trường, Lê Bá Dương, Đặng Minh Châu, Nguyễn Chính… đông lắm, cứ đến kéo ghế ngồi, kêu một ly cà phê, ngoảnh sau lưng bắt chuyện, với đằng trước bắt tay, nghiêng sang trái gửi bài, xoay phải hỏi thông tin… xong tự giác rút tiền bỏ dưới đít ly cà phê, rồi hoặc ồn ào hoặc lặng lẽ rút, chừng 9 giờ sáng thì sân vắng, còn vài ông chưa nghĩ ra sẽ làm gì tiếp mà về nhà thì phí thì… ngồi đánh cờ… Đến Nha Trang tôi rất khoái đến đây ngồi, vừa sướng vì được ăn bún sứa, vừa vui vì gặp được hết văn nhân tài tử của xứ Trầm Hương, ngồi lọt thỏm giữa họ như người nhà và cũng tán như khướu. 

          Trong các cuộc ấy thường có bóng một người đàn bà, mỏng mày hay hạt, và hay móc tiền… bao cà phê những người xung quanh. Một người rất nổi tiếng ở Khánh Hòa vì cái mác Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và là đại biểu HĐND, và không chỉ ở Nha Trang Khánh Hòa bởi vì chị là một nhà thơ, và tên chị là Lê Khánh Mai. 

Nhà thơ nữ và …voi con


LKM và nhà thơ Phạm Doanh


Nhà văn Ngôn Vĩnh tặng hoa nhà thơ LKM trong buổi giao lưu thơ trại Sáng tác văn học Vì An ninh Tổ quốc

Tôi quen Lê Khánh Mai lâu lắm rồi, chơi với cả anh Trần Việt Kỉnh, chồng chị. Chơi loanh quanh thì phát hiện anh Kỉnh là đồng hương Thừa Thiên Huế với tôi, cùng là dân F1, tức chân nam chân bắc, ông ở Quảng Điền, tôi Phong Điền. Ông Kỉnh là một người nghiên cứu văn hóa dân gian tâm huyết và đã có một vài thành công, cao to lực lưỡng, da ngăm đen rất khỏe, và hiền lành, thế mà một đêm cách đây 2 năm, nằm xem bóng đá, ông đi luôn. Đi trong sững sờ và ngơ ngác của vợ con và bạn bè. Riêng tôi, tôi cứ thấy ông vẫn… cười, cứ thấy như thi thoảng tôi và ông vẫn hay nhắn tin cho nhau, có khi bằng những câu thơ tếu. Có thể đây là những vần thơ Lê Khánh Mai dành cho ông: Thời thiếu nữ qua nhanh như chưa từng thiếu nữ/ giấu mơn mởn thịt da trong tấm áo xuềnh xoàng/ nhớ điên cuồng người tình đầu đời khung ngực rộng/ bàn tay đầy cá tính miền Trung/ mười ngón tự tin như xương rồng vượt lên đất khát/ In dấu quê hương bật máu đường cày/ viết những câu thơ sinh viên lửa cháy/ gieo đầm đìa cung đàn âm thanh… Mà cái thời ấy nó khủng khiếp như thế này: Hà Nội trong tiền kiếp của tôi/ ám ảnh đêm dài cơn mơ chăn nệm/ căn nhà tập thể chín mét vuông/ tôi chen nhau với sách vở, bếp dầu, chai lọ/ Mẹ tôi gương mặt mùa đông góa bụa/ thức dậy bốn giờ sáng, ra đi hun hút gió/ đón chuyến xe bus đầu ngày/ cà mèn cơm rau muống, đậu phụ bữa trưa công sở..

          Nguyên là giáo viên rồi làm biên tập viên xuất bản, trước đấy viết rải rác cho đến khi dự một cái trại của quân đội chị viết cái truyện “Ngọn lửa dương thế” khá bề thế khi in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi ấy cái truyện này nổi đình đám lắm, nó bắt đầu khẳng định một cái tên Lê Khánh Mai trong văn giới. Đến nỗi dân viết miền Trung đồn Nha Trang có “mả” truyện ngắn. Trước đó ông Cao Duy Thảo có “Thời gian”, giờ Lê Khánh Mai có “Ngọn lửa dương thế”. Có một dạo người ta thấy chỉ trong vài năm chị in đến mấy đầu sách, như là bỗng nhiên được trời cho chữ. Bây giờ thì chị chuyên hẳn sang thơ. Người ta phần lớn là làm thơ, sau chuyển sang văn (có một lão nhà thơ nghe tôi nói thế cười đắc ý: Thì thơ khó quá không kham nổi sang viết văn cho… dễ. Xin chớ có ai nổi nóng về điều này vì lão nhà thơ kia nói đùa, và lại nói trong lúc đang uống rượu? Tôi tin là lão sẽ ân hận ngay khi tôi đưa điều lão nói vào đây và không bị báo cắt), đằng này Lê Khánh Mai lại từ thơ sang văn, có thành tựu hẳn hoi, rồi giờ lại quay về đắm đuối với thơ, chắc là mãi mãi. Theo thống kê trong trang web nhavanvietnam.com thì Lê Khánh Mai đã có 7 đầu sách, trong đấy 5 tập thơ, một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn. 

          Ở Khánh Hòa, điểm mạnh là có một đội ngũ cầm bút rất đông và có tính kế tục. Nguyên hội viên hội Nhà Văn Việt Nam ở đây đã hơn hai chục, mà toàn những tên tuổi lẫy lừng. Có lần tôi ở cái Nhà sáng tác của bộ Văn hóa bên bờ biển, một buổi sáng ngồi bên cửa sổ lẩn mẩn đếm thì thấy giữa trên hai ngàn người ken dày uỳnh uỵch đi bộ buổi sáng trên bờ biển có đến sáu ông bà… nhà văn là Lê Khánh Mai, Hoàng Nhật Tuyên, Nguyễn Gia Nùng, Đặng Minh Châu, Cao Linh Quân và Vân Hạ (Có thể là tôi đếm chưa hết), chứng tỏ mật độ nhà văn ở Nha Trang rất dày (Nghe nói các đại lão Giang Nam, Nguyên Hồ và trước đấy là Đào Xuân Quý lại có sân Yoga khác). Thế mà song song đấy, Khánh Hòa còn một đội ngũ những người viết trẻ rất đông đảo, mà trong năm 2008 này họ sẽ tổ chức hội nghị những người viết trẻ lần thứ 3, trong số tác giả trẻ ấy, có khoảng chục cái tên đang trở nên quen thuộc với bạn đọc như Quốc Sinh, Quỳnh Hoa, Thanh Tuyền, Mai Trâm, Lam Hạnh, Trần Khánh Linh… Nói thêm một chút về Trần Khánh Linh, cô bé này chính là con gái của Lê Khánh Mai, viết văn, mới được Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mời dự trại sáng tác nhưng mà rất hiện đại, có xe con tự lái, là giám đốc doanh nghiệp. Có lần tôi là trại viên còn Lê Khánh Mai là khách mời của trại sáng tác công an được đi tham quan Buôn Đôn. Chúng tôi đi xe tập thể hai bốn chỗ, Trần Khánh Linh một mình một ô tô 4 chỗ… áp tải, thi thoảng lại véo von điện thoại nói chuyện với mẹ. Tối ấy khi các bác nhà văn mệt nghỉ thì Linh tụ tập với Lê Vĩnh Tài, Nie Thanh Mai, Đinh Thị Như Thúy… Hôm sau lại chạy xe một mình áp tải mẹ về… Nhưng chưa hết, Khánh Hòa còn có một câu lạc bộ sáng tác nữ rất mạnh cũng do Lê Khánh Mai làm chủ, nhà thơ Phạm Dạ Thủy làm phó, ngoài ra còn nhà văn Vân Hạ trợ lý. Cái câu lạc bộ này đã từng rồng rắn bìu díu nhau đi tham quan, giao lưu khắp nơi, và đi đến đâu thì không chỉ có tác phẩm mà có cả thương, cả nhớ… để lại.

LKM và nhà văn Vân Hạ bên gốc Hoa sữa Cổ thụ tại Hồ LAK, tóc gió thôi bay lắm, tất nhiên vẫn ảnh do Văn Công Hùng chụp


LKM và con gái Trần Khánh Linh, cây bút văn xuôi trẻ


Lê Khánh Mai và con gái- Trần Khánh Linh tại phòng nhà văn Dương Duy Ngữ, trại sáng tác Nha Trang, có thêm nhà thơ Phan Quế, nhà văn Vân Hạ và Phan Đình Minh lấp ló phía sau.

Có lần Lê Khánh Mai dẫn đầu một đoàn tác giả câu lạc bộ sáng tác văn học nữ đi giao lưu kết bạn ở Huế. Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế có một dãy nhà cấp 4 bỏ không trên con đường đẹp nhất thành phố Huế là đường Lê Lợi. Ông nhà thơ chủ tịch hội khi ấy là Võ Quê cho dọn dẹp lại, mua chiếu chăn, ấm nấu nước nóng (vì đang mùa đông xứ Huế), xô chậu và các thứ vật dụng khác cho chị em ở. Chị em đi thăm Huế, chơi Huế, ngắm Huế, lòng vòng Huế đã đời rồi cũng phải chia tay. Bịn rịn đưa nhau ra ga Huế, các văn nhân xứ Huế và nữ sĩ Trầm hương cứ nhìn nhau rưng rưng. Rồi bỗng nhiên một người bật khóc, kéo theo mấy người nữa. Thế là nước mắt hòa nước mưa, nước mưa kéo dài nước mắt. Mà mưa Huế thì… vĩ đại lắm, tê buốt lắm, nhức nhối lắm, đau thương lắm. Trời ạ, chuyến này về mà thơ phú không hay mới là lạ, mới là… phí cái sự lặn lội giao lưu phối hợp ấy. Sau đấy tôi thấy hình như ông nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, tổng biên tập Sông Hương dành nguyên một số cho tác phẩm của cuộc giao lưu này. Cái câu lạc bộ văn học nữ Khánh Hòa do Lê Khánh Mai lãnh đạo ấy còn tổ chức được rất nhiều chuyến đi như thế. Nói tếu táo cho vui chứ thời buổi này mà tổ chức được các chuyến đi nào có dễ dàng gì. Bứt ra được dăm bảy ngày để đi đã là rất khó, huống gì tổ chức cho cả chục, vài chục người, mà lại toàn đàn bà với hàng núi việc nhà, mà trong ấy tôi biết có nhiều bà là chủ doanh nghiệp. Ngay ở cái hội mà tôi đang tòng sự, mỗi năm tổ chức một hai cái trại sáng tác mà phải đi “bắt” người như bắt… phu, như thời ông Nguyễn Công Hoan bắt đi xem bóng đá. Đơn giản vì ai cũng có công việc của mình nên cứ được người này thì mất người kia.

Lê Khánh Mai và nhà thơ Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc sở VHTT Thừa Thiên Huế, nguyên chủ tịch Hội VHLNT Thừa Thiên Huế

Nha Trang có một cái Nhà sáng tác của bộ văn hóa nên hầu như không tháng nào là hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa không có khách, ấy là các đoàn văn nghệ sĩ đi dự trại sáng tác rồi ghé thăm. Nó có cái lợi là không cần đi trại mà cũng vẫn như đi trại, tự nhiên không khí sáng tác cứ tràn ngập quanh mình, tự nhiên văn nhân tài tử bốn phương cứ tụ tập về với mình, tự nhiên bài vở cứ về với Tạp chí mình, và địa phương mình luôn luôn có cái oai là không dưng mà người ta viết về mình. Thế nên cái sự mệt mỏi nếu có khi bị… quấy rầy, khi bị mất thời gian tiếp khách cũng coi như là sự… hy sinh cho văn chương thôi. Hầu hết các trại đến thì đều… giao lưu. Và người cầm chịch giao lưu tất nhiên chủ yếu vẫn là Lê Khánh Mai. Người biết rồi không nói làm gì, người chưa biết, nghe nói ở nơi ấy có một nhà thơ nữ làm chủ tịch hội mà cái tên lại trẻ trung thế thì đều háo hức muốn gặp mặt, muốn nghé qua cho thỏa nỗi tò mò tưởng tượng và cả ngưỡng mộ. Mà tôi thấy các bà chủ tịch có nhà sáng tác đặt trên đất mình đều hiếu khách như bà Tạ Thu Yên ở Vĩnh Phúc và bà Lê Khánh Mai ở Nha Trang. Chả biết sau lưng thì có nhăn nhó vì bị hao hụt thời gian và cả tiền bạc không chứ trước mặt thì niềm nở hân hoan lắm. 

          Tất nhiên là khổ rồi. Đàn ông làm văn chương còn rên như sấm huống gì đàn bà. Nhưng như Lê Khánh Mai thì có thể coi như là… sướng, ít nhất là lúc này. Con cái phương trưởng, có gien của bố mẹ nhưng vẫn để dành một nửa kinh doanh. Của nả thì 7 đầu sách (và đang còn nữa) với mấy giải thưởng cả địa phương lẫn trung ương làm vốn thì cũng không phải là “bèo” lắm. Nỗi buồn rồi sẽ qua đi, phía trước là đang bộn bề bao việc mà trước mắt là lo ngày 8/3 cho chị em…

Bài đã đăng Văn nghệ Trẻ