- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
CLB SÁNG TÁC THƠ CHUI, BÀI XÌ CUỐI CÙNG CỦA NHÂN CÁCH NỀN THƠ
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị lòi ra”, mà lần này là lòi tóe tòe loe, lòi không cách gì có thể dùng miệng lưỡi giảo hoạt khôn ranh mà biện hộ được. Một bài học bi kịch đã hiển minh rằng: không thể có niềm kiêu hãnh lớn dựa trên những việc làm bé, mà đã bé thì chớ lại còn tháu cáy vui chơi tí tởn. Đó là vụ Câu lạc bộ sáng tác văn học nghệ thuật “quốc gia” bị vỡ lở vừa qua với Đăng Hạ là nhà thơ, nhà báo – 29 tuổi, là chủ tịch đã dựng lên hơn 30 CLB sáng tác VHNT Việt Nam có chi nhánh ở nhiều tỉnh và thành phố, kết nạp hơn 4 nghìn hội viên, thu tiền vô tội vạ. Ông Lê Hồng Thiện, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, phó trưởng Ban Thơ Hội VHNT tỉnh Hưng Yên đã phải thốt lên “nhà thơ nhiều như mưa”, khi tại tỉnh này rầm rộ mọc lên các CLB sáng tác VHNT Việt Nam, kết nạp và phong cho gần 100 người thành nhà thơ. Các “nhà thơ” ở đây chủ yếu là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi.
Đây là sự kiện nổi cộm không hề nhỏ tí nào, mà nó còn thể hiện một sự thật ngang trái cay đắng nào đó cho tầm vóc của quốc gia cũng như cách sống của dân tộc. Tại sao nhà thơ nhiều lại gây tai họa đến vậy? Nếu nông dân trồng được nhiều rau thì rất tốt, vì người ta không ăn hết thì để chăn nuôi. Nếu nuôi nhiều đầu bò cũng tốt vì vắt sữa nhiều ăn không hết thì cô đặc để giành hoặc dùng cho chăn nuôi. Một làng có nhiều trí thức thì càng tốt. Nhiều kỹ sư cũng tốt.
Nhưng tại sao nhiều thơ, nhiều nhà thơ lại không tốt? Vì thơ không phải là lao động, cũng không phải sản phẩm của lao động, mà chủ yếu là du hí vui vẻ. Vậy con người du hí vui vẻ nhiều lại không tốt sao? Theo triết gia Aristote, thì du hí vui vẻ còn là mục đích chính của cuộc đời. Nhưng đó là du hí vui vẻ sau khi người ta đã lao động làm ra sản phẩm cho cuộc sống rồi mới nghỉ ngơi. Còn không lao động chỉ đòi vui chơi đó là cách lười biếng, lãn công, trốn việc. Khi con người lười nhác trốn việc thì còn gì để nói. Đó là cách nhân gian vẫn gọi là đám vô tích sự, ăn hại, làm khổ người khác.
Việc người già về hưu, rỗi việc, buồn thì làm thơ, đó là việc làm rất tự nhiên lành mạnh, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi các cụ đã làm thơ rồi thì bắt đầu hám danh vọng, tham gia các câu lạc bộ xuyên quốc gia, muốn có bằng khen và giải thưởng. Tức là các cụ háo danh vô bờ bến. Đó mới là cái đáng buồn khôn xiết kể. Tại sao? Tuổi già tức người ta đã bước qua tuổi tri thiên mệnh, tuổi càng nhiều nhân đức càng cao, đằng này lại đi hám danh ở mức i tờ, bỏ cả tiền ra để mua bằng, mua giải, chẳng đáng buồn sao? Nếu cái bằng hay cái giải là thứ để khao khát và phấn đấu thì người ta phải cố công ngay từ lúc trẻ chứ, đằng này vào lúc sức tàn lực kiệt mới mong gặt hái, có phải chính họ đã coi thường thơ chỉ là thứ vui chơi đầu ra. Trời ơi, con người vui chơi tí tởn đến mãn đời thì có tài sản gì để người ta kính trọng. Có phải chính vì không được kính trọng mới rủ rê nhau bệ tí thơ có ấn giải về để trộ bà con làng xóm?!
Nhiều chuyên gia viết: tuổi già là tương lai đã ở phía sau. Người già không còn nghĩ đến tương lai nữa mà họ sống lúc nào hay lúc đó, ăn chạc, ăn gỡ được lúc nào tốt lúc đó. Người già càng không bao giờ nghĩ đến lý tưởng, vì thế người ta không thể nào hướng tới cái đẹp hay nhưng gì cao quí được. Một người cả tương lai lẫn lý tưởng đã ở phía sau, sống theo tinh thần chộp giật lâm thời kiểu ma cà chớp thì làm sao còn cao đẹp cho được. Thi hào Goethe có nói đại loại rằng: Một dân tộc muốn có tác phẩm lớn thì phải có ba thứ: trước hết là lịch sử hào hùng, thứ hai là phải có người tài, thứ ba người đó phải sáng tác vào lúc đang sung sức.
Dân tộc ta đã có lịch sử hào hùng. Nhưng chưa có đủ một con người mang tầm vóc lớn. Có vài người sau: Nguyễn Du dù rất tầm vóc nhưng vẫn là người chủ yếu chuyển dịch tác phẩm hạng hai “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc sang thơ lục bát. Trần Đăng Khoa là thần đồng thơ ngay từ lúc nhỏ nhưng lại không tăng tiến nhanh dần đều để trở thành đại thụ. Có một nhà thơ kha khá một chút như Xuân Diệu thì lại tuyên ngôn một câu bất lực tuyệt đối, cũng là lảng tránh mặc cảm bé nhỏ tuyệt đối về thơ là “ca ca cứt cứt”, đám hậu sinh đa số còn nhỏ hơn đã dùng câu này như một phương ngôn lẩn trốn việc phải làm thơ đồ sộ. Còn triết gia Trần Đức Thảo, trong một hội thảo mới đây giành trọn vẹn cho ông đã có những tuyên bố chính thức, “ông chỉ là thần đồng triết học”. Có nghĩa là trong triết học ông cũng chỉ là một Trần Đăng Khoa trông có vẻ uyên bác trên cánh đồng nhí nhảnh, còn bước vào kinh viện uyên bác thật sự thì vẫn chỉ là làm vui tí chút. Kỳ thực các nhà văn, nhà thơ của chúng ta còn thiếu rất nhiều hành trang, cụ thể như: mấy ai chiêm nghiệm và sống tôn giáo? Mấy ai ưu tư về triết học và mỹ học? mấy ai rèn luyện âm nhạc có bản nhạc hay chỉ có người đánh đàn thổi sáo truyền khẩu? Mấy ai leo lên đài quan sát chính trị và xã hội đến mức làm bạn của các lãnh tụ? Hay là bị “Đảng khinh bỉ sâu sắc” lừ mắt nhìn như mấy gã trồng chậu hoa cây cảnh đòi vào sân khấu chính trị ngâm thơ để mua vui? Mấy ai lăn lộn với những phi lý bất công ở đời hay là chỉ lê la quanh quầy tem phiếu kiếm tí đường sữa ưu tiên? Ở Nga, nhà văn Macxim Gorki, cho dù chỉ là nhà văn vô sản hạng hai nhưng đã coi Stalin không bằng nửa con mắt. Ông chê Staslin là thô bạo, kém văn hóa… Thử hỏi mấy nhà thơ nước Việt có thể đứng ở tầm vóc đó? Than ôi, anh ham chơi đến già, mới lôi ra mấy câu vần vèo đòi khoe mẽ lăng nhăng làm sao có thể vươn tới tầm cao đó được?
Họa sĩ Michenlangelo cho rằng: Nghệ thuật cao hay thấp phụ thuộc vào độ khó của nguyên liệu. Theo đó điêu khắc đắp tuyết sớm thành tối hủy không thể nào vĩ đại bằng điêu khắc cầm búa đục đá nảy ra chan chát, khi đã hoàn thành đứng ngoài sương gió cả ngàn năm. Vậy thì mấy anh chàng chơi thơ có mấy câu vần vèo kia là nghệ thuật khó hay dễ? Trời ơi không thể khó vì nhà thơ nhiều như mưa, tuổi già rệu rã bỏm bẻm vẫn nặn bóp được mấy chục bài thơ đóng thành tập là thường!
Cái gì nhiều không thể được bảo tồn như động vật quí hiếm. Việc đông như mưa rơi hay ruồi nhặng làm thơ ở ta chứng tỏ hào hùng một điều: người Việt rất lười nhác, thích làm việc dễ, thích ham vui, rồi háo danh nhanh chóng nhẹ nhàng. Lương tri của con người xuất phát từ tri thức. Nếu tri thức thấp thì không cách gì lương tri cao. Có phương ngôn “Diện bất sầu, tâm bất quảng”, một người nếu không có diện mạo suy tư, thì tâm hồn họ nông choèn và nhỏ bé. Thử hỏi, cả triệu nhà thơ kia dễ dàng làm thơ và đòi leo lên đỉnh cao danh vọng với bằng khen và giải thưởng, liệu có phải một công việc có ưu tư và khó khăn? Hay với việc tí tởn đó lương tri của họ chỉ là thứ “tâm bất quảng”?
Phải nói lương tâm và nhân cách của nhà thơ trên bình diện phổ quát rất đáng báo động. Đấy cái câu lạc bộ sáng tác kia đã trao giải thưởng cho các hội viên theo lối “ăn bánh trả tiền” – là ai nộp tiền nhiều thì được giải cao, không cần xét đến chất lượng thơ. Không hiểu cái cách vui chơi lĩnh giải này có khác gì mấy chị em buôn son phấn? Có nhiều người nói: cách nhập nhòe đồng thau lẫn lộn này sẽ trộn thơ là lúa với rác. Không hẳn! Việc nhập nhòe tháu cáy kẻ sáng tác, người yêu thơ là cách cố tình của nhiều nhà thơ đã có danh. Tại sao? Vì họ muốn tạo ra ảo tưởng ở Việt Nam còn có nhiều người yêu thơ lắm, đó chính là mảnh đất “cầu” cho họ “cung” thơ.
Việc vỡ trận của CLB sáng tác thơ này làm cho mọi người liên tưởng đến sự “đồng dạng phối cảnh” của các cấp thơ ở Việt Nam: nào trắng trợn ra giá, móc ngoặc, đánh vào lòng hám danh nông nổi, tầm vóc ẻo lả thiếu trí tuệ và lương tâm, ham vui cấu kết bầy đàn để chiếm diễn đàn, rồi leo lên đỉnh cao của giải bằng cầu thang tiền nhiều giải cao, tiền ít giải thấp…
Những điều tôi nói đây không hiểu có chỗ nào quá không, hay tôi chưa nói được một phần trăm sự thật về số lượng nhà thơ đông như mưa rơi ở Việt Nam? Đã là mưa, thì hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa, đằng này các hạt mưa thơ Việt cứ nhằm chỗ xôi thịt, ghế cao, giải lớn mà mưa xuống. Than ôi một khi xôi, thịt, ghế và giải thắng thế thì làm gì còn có chỗ cho nghệ thuật muốn hát dù chỉ một câu hò trong vắt?!
NHĐ 13/08/201