các nhà phê bình viết về Lê Khánh Mai (I)

CÁC NHÀ THƠ, NHÀ VĂN, NHÀ PHÊ BÌNH VIẾT VỀ LÊ KHÁNH MAI
Lê Khánh Mai, lời ngỏ: Bắt đầu sáng tác văn học khi đang là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội (1971 – 1975) nhưng phải đến cuối năm 1975, khi trở về quê hương Khánh Hòa làm giáo viên dạy văn PTTH tại Nha Trang và tham gia là hội viên sáng lập Hội VHNT tỉnh Phú Khánh cũ (sau tách làm 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), Lê Khánh Mai mới chính thức bước vào làng văn.

Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng với gần 40 năm cầm bút, Lê Khánh Mai đã công bố 9 tác phẩm in riêng, gồm 6 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 tập tiểu luận phê bình văn học; có tác phẩm được tuyển chọn trong hơn 50 tuyển tập văn học trong nước và có thơ in, giới thiệu tại Nhật Bản.

Tháng 11 năm 2008, Lê Khánh Mai được Hội Nhà văn Việt Nam cử tham gia đoàn nhà văn tham dự Hội chợ sách Quốc tế tổ chức tại Caracas, thủ đô Venezuela, Nam Mỹ. Tại đây Lê Khánh Mai đã tham luận về văn học Việt Nam và giới thiệu thơ mình với bạn bè Quốc tế.

Đến nay đã có trên 40 bài viết của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, như: Nguyên An, Phạm Đình Ân, Hồ Thế Hà, Trần Thanh Hà, Văn Công Hùng, Inrasara, Nguyễn Thế Khoa, Đào Khải, Hà Khánh Linh, Vân Long, Đỗ Bạch Mai, Vũ Nho, Nguyễn Minh Ngọc, Duy Phi, Ngô Văn Phú, Nguyễn Khắc Phước, Minh Quân, Tạ Văn Sỹ, Trần Thị Thắng, Chu Thị Thơm, Trần Thị Giao Thủy, Vương Trọng, Hoàng Quảng Uyên, Lý Hoài Xuân…  viết về Lê Khánh Mai, đăng tải trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành văn học.

          Mong muốn chia sẻ với bạn đọc trong cộng đồng mạng internet, lưu giữ tư liệu và nhìn lại một chặng đường đến với nghề văn của mình, Lê Khánh Mai trích đăng những ý kiến phê bình, đánh giá của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình về chân dung và tác phẩm Lê Khánh Mai. Bài viết sẽ đưa lên blog làm nhiều kỳ.

          Sẽ là niềm hạnh phúc vô giá khi Lê Khánh Mai được bạn đọc quan tâm lắng nghe, đồng cảm và khích lệ. Xin trân trọng cám ơn.

Nha Trang đầu tháng 7 năm 2012

alt

Tác phẩm của Lê Khánh Mai


 CÁC NHÀ VĂN, NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH VIẾT VỀ LÊ KHÁNH MAI (KỲ I)

 

 NHÀ THƠ, NHÀ PHÊ BÌNH  PHẠM ĐÌNH ÂN:

…Một giọng biển riêng táo bạo: Viết về biển Lê Khánh Mai đến sau nhiều tác giả, nhưng chị đã biết “đi tắt đón đầu”, thuyết phục người đọc, có vẻ như là “hơn cả tuyệt vời” ở một số trường hợp. Như những câu này: con sóng rơi đầu, con sóng lại chồm lên/ chai lỳ những vết thương, chai lỳ muôn khát vọng (…). Giữa biển thầm mặt đất/ ta con sóng buồn luôn tự mình vỡ ra (Biển thầm)… Là người con của quê hương Khánh Hòa sống ở thành phố biển Nha Trang, Lê Khánh Mai viết nhiều về biển, chị có bài, có đoạn, có câu thơ xuất sắc về biển. Hơn thế, Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển. Biển là hiện thực trực giác, biển còn là bối cảnh, là hình tượng ẩn dụ giàu mỹ cảm về thế giới khách quan trong thơ chị.

…Chủ thể mang nội cảm cực đoan được trao cho khách thể kỳ vĩ: Lời đề tập thơ Đẹp, buồn… được tác giả xem như tuyên ngôn sáng tạo của mình:

Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời

Tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi

Tác giả nói như thế và đã làm đúng như thế. Nội cảm trong thơ Lê Khánh Mai là nội cảm hướng ngoại, bằng chứng là thơ chị có nhiều không gian, hầu hết là không gian kỳ vĩ ( vũ trụ, trái đất, đỉnh trời, mái trời, cõi vô biên, ngàn khơi v.v…) Và chủ thể đã trao nội cảm của mình cho khách thể ấy, một nội cảm cực đoan, đi tới tận cùng giới hạn.

…Khi sáng tạo, Lê Khánh Mai đã vắt kiệt mình: Tôi đã vắt kiệt mình để nuôi một giấc mơ, (Giấc mơ tôi hái). Chị hiểu sâu sắc rằng không sống khác không thể nào viết được (Nhà thơ nữ bứt phá). Chị từng nói: “Tính cách miền Trung chắt chiu mà rộng mở, đằm sâu mà mạnh mẽ, bộc trực mà ân tình, đam mê mà tỉnh táo, ẩn nhẫn mà vượt thoát (Tạp chí Thơ, số 23, tháng 5-2005)…Thơ Lê Khánh Mai là như thế, cũng còn khác thế, hơn thế. Như bạn đọc đã biết, không chỉ là giọng biển tài hoa, có nghề, Lê Khánh Mai còn vượt thoát ra khỏi thành phố biển Nha Trang quê hương chị, nhằm tiếp tục hiện đại hoá thơ mình hơn nữa. Hiện đại hoá đến mức quyết liệt, táo bạo không chỉ về mặt hình thức – kỹ thuật, mà chính là về mặt tâm thức sáng tạo.

Bài: Lê Khánh Mai không chỉ là giọng biển – Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 21 (26-5-2007)

NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG:

…Qua thơ tôi hiểu được nỗi niềm của chị và một điều tôi trân trọng là chị chỉ viết ra những điều chị đã trăn trở lâu ngày, nghĩa là chị không ngồi vào bàn viết khi chưa có những điều cần viết thôi thúc. Chị quan niệm rằng, thơ có chức năng vực được người ra khỏi hố thẳm khổ đau. Chị khá nhất quán quan niệm này trong sáng tác. Đọc thơ chị một lần, dù có thể lời chưa kịp thuộc nhưng ý bài thơ thì bạn đọc khó quên. Chị có khả năng diễn đạt những điều quen nhưng không cũ, mới mẻ nhưng không hề xa lạ, trữ tình mà câu thơ khoẻ khoắn…Thơ chị khá đa dạng, phóng túng, mỗi bài một vẻ thể hiện các góc độ khác nhau của con người chị trong cảm xúc và suy tư.

Bài: Cổ tích xanh của Lê Khánh Mai – Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tháng 8 năm 2001

 

PGS.TS, NHÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH HỒ THẾ HÀ:

…Thơ Lê Khánh Mai về sau, ngày càng bứt phá hơn về tư duy và ngôn từ. Từ miêu tả, tự thể hiện mình và thế giới chung quanh, Lê Khánh Mai đã vươn lên khái quát, triết lý về những điều vi diệu qua từng đối tượng cụ thể. Đó không phải là sự làm dáng cho cao sang mà thực tế là sự chín lại của cảm xúc và suy nghĩ, của những tứ thơ từ lâu bị quên lãng và câm nín: “Ta cũng chán điệu thơ đều chằn chặn, hiền lành, ướt đẫm / vang tự hồn sâu phải sống khác thôi / không sống khác không thể nào viết được”. Đó còn là ý thức nghệ thuật của một nhà thơ không muốn tự lặp lại mình: “Bao đền đài thơ sừng sững / ta gieo xác chữ ích gì” (Nhà thơ nữ bứt phá).

…Nằm trong mạch cảm xúc triết luận và tự nhận thức, Lê Khánh Mai đã sáng tạo những hình tượng thơ hay, giàu phẩm chất thi sĩ, làm hiện lên cái tôi trữ tình đời tư – thế sự đầy ám ảnh, tin yêu và ảo diệu.

…Lê Khánh Mai ít bộc lộ trực tiếp về mình, về thi ca bằng lý luận. Nhưng qua thơ, ta cũng rút ra được quan niệm của nhà thơ về nghệ thuật. Thường chị chú trọng đến tứ thơ, xem tứ thơ là cú hích quyền năng để huy động hình ảnh, câu chữ, nhằm xây dựng nên chỉnh thể bài thơ. Khi ấy, thể thơ, vần điệu, giọng điệu được tự do hơn, linh hoạt hơn. Nhưng càng về sau, khi tư duy sáng  tạo đã chín, chị thường ưu tiên cho thơ tự do. Tứ thơ thường phục vụ cho sự mở rộng câu thơ theo trục kết hợp. Tính triết lý, giọng điệu suy tưởng trở thành yếu tố chủ đạo, làm tăng sức nặng của biểu cảm nghệ thuật. Tôi nghĩ, đó là hướng thể hiện thành công của Lê Khánh Mai

Bài: Lê Khánh Mai – định mệnh thi ca – Tạp chí Nhà văn, Hội Nhà văn VN, số 10 năm 2011

 

NHÀ NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT NGUYỄN THẾ KHOA:

…Khát khao vươn đến một cái đẹp hoàn thiện, một cách sống hết mình, bất chấp mọi rào cản, mọi tấm biển cấm, bất chấp mọi khổ đau, bất hạnh, Lê Khánh Mai phản ứng quyết liệt với mọi sự nửa vời, nhàm chán, tẻ nhạt, vô cảm, không cam chịu đi theo những lối mòn, mong muốn xoá hết những dị bản nhạt nhoà. Thơ chị luôn khắc khoải nhắc tới những “chân  trời màu lam”, những chốn “cao xanh” hay “ngàn khơi” nào đấy mà con người cần vươn tới.

…Thơ chị là một chuỗi không ngừng những mộng mị và bừng tỉnh, những kết thúc và bắt đầu như thế. Theo đuổi đến kiệt sức một cái đẹp hoàn thiện ở chốn cao xanh để rồi nhận thấy cái đẹp trong sự chưa hoàn thiện của cuộc đời mới chính là cái đẹp cần theo đuổi. Tìm kiếm miệt mài một thứ “hạnh phúc thiêng liêng xa vời bí ẩn”,

…Có lẽ điều tâm đắc nhất Lê Khánh Mai muốn nhắn nhủ với chúng ta là, cái cứu rỗi con người không phải là cái gì khác hơn một “mảnh lòng thành”. Thánh đường, thánh ca, thánh giá mà Lê Khánh Mai thường nói đến tưởng rằng rất đạo hoá ra rất đời, tưởng như quá cao xa nhưng rốt cuộc lại vô cùng gần gũi. Đó chính là tấm lòng thành trước cuộc đời, trước tình yêu và trước thơ. Giữ được nguyên vẹn tấm lòng thành ấy giữa bao, bất trắc, cạm bẫy, thăng trầm của phận người hôm nay, dù không dễ dàng, dù rất khó nhọc nhưng sẽ rất hạnh phúc. 

Bài: Lê Khánh Mai và thánh giá của riêng mình – Tạp chí Văn hiến Việt Nam,  số 10 (54) năm 2005

 

 (Còn nữa)