- ÁM ẢNH NGƯỜI ĐÀN BÀ…
- khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính
- NHÂN DÂN – Hoàng Đình Quang
- Thơ Lê Khánh Mai trên Báo Văn nghệ
Ba cách hiểu về hậu hiện đại
Ngô Tự Lập
Trong những năm gần đây, trên báo chí và các diễn đàn học thuật, thuật ngữ “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại” được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận về hậu hiện đại thường dẫn đến những bất đồng sâu sắc. Điều này, theo tôi, có lý do là sự khác biệt về cách tiếp cận. Thực tế là trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã có những thay đổi rất lớn diễn ra trên thế giới khiến thời đại của chúng ta khác hẳn những thời đại trước đó. Một số nhà tư tưởng gọi đó là thời hậu hiện đại, còn trào lưu tư tưởng gắn liền với nó được gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng thuật ngữ này đang được tiếp cận theo ít nhất ba cách khác nhau.
Trước hết, nó có thể được dùng để gọi một giai đoạn lịch sử nhân loại, trong đó thời hậu hiện đại là giai đoạn tiếp theo của thời hiện đại, cũng như thời hiện đại là giai đoạn tiếp theo của thời tiền hiện đại. Cách phân chia lịch sử này, cũng như bất cứ cách phân chia nào khác, có những điểm mạnh và yếu riêng mà chúng ta sẽ không đi sâu nghiên cứu ở đây. Những đặc điểm chính của các giai đoạn tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại không xuất hiện đồng thời và cũng không triệt tiêu nhau tuyệt đối. Bảng liệt kê dưới đây cho ta thấy một bức tranh giản lược.
|
Tiền hiện đại |
Hiện đại |
Hậu hiện đại |
Trung tâm đời sống tinh thần |
Thần linh (thời đại thần quyền) |
Con người (chủ nghĩa nhân văn) |
Hàng hóa (xã hội tiêu thụ) |
Hình thái kinh tế |
Nông nghiệp |
Công nghiệp |
Hậu công nghiệp |
Công cụ sản xuất |
Thủ công |
Cơ giới |
Tri thức |
Tiền tệ |
Kim loại quý |
Tiền giấy |
Tiền ảo |
Tính chất văn hóa |
Truyền miệng |
In ấn |
Số hóa |
Phương tiện truyền thông |
Truyền miệng |
Thông tin đại chúng |
Thông tiên tiểu chúng |
Trong bảng này có một thuật ngữ còn xa lạ với nhiều người, đó là “phương tiện thông tin tiểu chúng”. Thật ra, nghĩa của nó có thể dễ dàng suy ra từ thuật ngữ “phương tiện thông tin đại chúng”. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng (như báo chí, đài phát thanh và truyền hình truyền thống) truyền thông tin như nhau từ một nguồn tới mọi độc giả, thính giả hoặc khán giả, thì những phương tiện truyền thông tiểu chúng chỉ truyền thông tin đến một nhóm những người tiếp nhận. Số lượng các nguồn thông tin cũng tăng đột biến. Những phương tiện thông tin tiểu chúng điển hình là truyền hình cáp và internet. Internet giúp bất kỳ ai cũng có thể trở thành tổng biên tập, và nếu có tài, “tờ báo” hoặc “kênh truyền hình” của anh/chị ta có thể có hàng triệu độc giả, vượt xa những tờ báo truyền thống.
Một cách nhìn thú vị khác của triết gia Hoa Kỳ Frederic Jameson là gắn chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại với các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Giai đoạn đầu tiên là chủ nghĩa tư bản thị trường (market capitalism), kéo dài suốt thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX ở Tây Âu và Hoa Kỳ, gắn liền với động cơ hơi nước, máy dệt và chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật. Giai đoạn thứ hai là chủ nghĩa tư bản độc quyền (monopoly capitalism) kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến Chiến tranh thế giới thứ hai, gắn liền với điện năng, động cơ đốt trong và chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật. Giai đoạn thứ ba là chủ nghĩa tư bản tiêu thụ (consumer capitalism) hoặc chủ nghĩa tư bản đa quốc gia (multinational capitalism), trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất đã chuyển sang việc thúc đẩy tiếp thị (marketing) bán và tiêu thụ hàng hóa. Giai đoạn này gắn liền với năng lượng hạt nhân, công nghệ điện tử và chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật.
Thứ hai, hậu hiện đại có thể được hiểu như là một trào lưu nghệ thuật, như khi ta nói hội họa hậu hiện đại, hay văn chương hậu hiện đại. Theo nghĩa này, hậu hiện đại chỉ đơn thuần là một cái tên riêng, như New Criticism (Phê bình Mới) ở Mỹ, Thơ mới ở Việt Nam, hayModernismo (Chủ nghĩa hiện đại) ở châu Mỹ Latinh… Điều này có nghĩa là sau hậu hiện đại không nhất thiết phải có hậu hậu hiện đại, cũng như sau Thơ Mới không nhất thiết phải là Thơ Mới Mới. Điều này cũng có nghĩa là trên lý thuyết, người ta hoàn toàn có thể đưa vào danh sách tác giả hậu hiện đại những nghệ sĩ của thế kỷ XIX, hay thậm chí những nghệ sĩ thời cổ đại, mặc dù trên thực tế, chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật không chỉ ra đời sau mà còn là sự phản ứng lại chủ nghĩa hiện đại (mà đến lượt nó lại là sự phản ứng lại những chuẩn mực của nghệ thuật thời Victoria). Trong văn học, chủ nghĩa hiện đại nở rộng vào giai đoạn 1910 – 1930 ở phương Tây, với những tên tuổi như: Woolf, Joyce, Eliot, Pound, Stevens, Proust, Mallarme, Kafka, Rilke… Chủ nghĩa hiện đại đề cao ấn tượng và cá tính nghệ sĩ, nhấn mạnh vào cách nhìn sự vật chứ không phải chính bản thân sự vật. Thay vì làm tấm gương phản ánh thực tại, nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa có xu hướng tự quy chiếu. Các nhà văn hiện đại từ chối cách viết khách quan với người kể chuyện ở ngôi thứ ba, xóa nhòa ranh giới các thể loại, chối bỏ sự tuyến tính và thay vào đó bằng những đoạn đứt gãy và chắp nối đầy ngẫu nhiên.
Nghệ thuật hậu hiện đại cũng nhấn mạnh tính tự quy chiếu của tác phẩm, tính đứt gãy và hỗn loạn của thực tại, cũng phủ nhận ranh giới các thể loại và thế giới khách quan đơn nhất, tuy đi xa hơn thế. Nó chống lại sự phân chia nghệ thuật cao cấp với bình dân, đề cao tính giễu nhại, lắp ghép, hài hước, đa nghĩa của sự vật và tác phẩm. Cái khác cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại so với chủ nghĩa hiện đại là thái độ của nó đối với thực tại. Trái với cách nhìn nhuốm màu bi thảm của chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại nhìn sự đổ vỡ, đứt đoạn và vô nghĩa của thực tại như là một cái gì đó đương nhiên. Nói cách khác, nếu nghệ thuật hiện đại là sự thương tiếc những ước mơ của thời Khai sáng thì trong nghệ thuật hậu hiện đại, những ước mơ ấy đã hoàn toàn bị lãng quên, thậm chí không hề có.
Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng có thể được coi như một cách nói gián tiếp về thực tại thông qua những ký ức đã được tích tụ nhờ chủ nghĩa hiện đại và những gì tồn tại trước đó, kiểu như chúng ta dùng điển tích. Đó chính là cách giải thích của Umberto Eco. Ông viết: “… sẽ đến lúc tính tiền phong (tính hiện đại) không thể đi xa hơn, bởi vì từ lúc này nó sản xuất ra một ngôn ngữ sau – ngôn ngữ nói về những văn bản không thể thực hiện được của nó (nghệ thuật ý niệm)… Tôi nghĩ về thái độ hậu hiện đại như về câu chuyện của ai đó yêu một người đàn bà, rất có học thực, và biết rằng không thể với tới cô ta: “Anh yêu em đến thẫn thờ”, bởi vì chàng biết là nàng biết (và nàng biết là chàng biết) rằng câu này Liala đã từng viết rồi. Tuy nhiên, có một cách giải quyết. Chàng có thể nói: “Như thể Liala nói, anh yêu em một cách tuyệt vọng”[i].
Cuối cùng, hậu hiện đại có thể được hiểu như một trào lưu tư tưởng như khi ta nói “giáo dục Pháp hậu hiện đại”, hoặc “chủ nghĩa hậu hiện đại” nói chung… Thật ra, chủ nghĩa hậu hiện đại là cái tên chung của nhiều dòng tư tưởng khác nhau nổi lên từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt là sau sự kiện cách mạng sinh viên 1968. Theo nghĩa này, như chúng ta đã nói ở phần trên, mặc dù chưa có sự nhất trí hoàn toàn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bản chất của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự từ bỏ những ý tưởng trung tâm của thời Khai sáng, đó là lý trí, chủ thể, chân lý và tiến bộ.
Một trong những lý thuyết gia đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại là Jean Francois Lyotard, với tác phẩm The Postmodern Condition (1979). Dựa trên những luận giải của Hegel về sự kết thúc của lịch sử, Lyotard phủ nhận những tham vọng của thời Khai sáng trong sự nghiệp giải phóng con người và cho rằng những “Đại tự sự” đã dẫn nhân loại đến cái mà ông gọi là “sự khủng bố tư biện” (la terreur speculative): “Cần phải thấy rõ rằng chúng ta không cung cấp thực tại, mà sáng chế ra những điển tích dẫn chiến đến những gì có thể quan niệm nhưng không thể thể hiện. Và không nên mong chờ rằng nhiệm vụ này sẽ tác động đến sự hòa giải cuối cùng giữa các trò chơi ngôn ngữ, rằng chỉ cái ảo ảnh phổ quát (thứ ảo ảnh của Hegel) có thể hy vọng tổng hợp chúng vào một tổng thế có thực. Nhưng Kant cũng đã biết rằng cái giá phải trả cho ảo ảnh này là sự khủng bố. Thế kỷ XIX và thế kỷ XX đã ban cho chúng ta nhiều khủng bố đến mức lớn nhất mà chúng ta có thể nhận”[ii]
Lyotard, cũng như nhiều tác giả khác như Michel Foucalt, Jacques Derrida, Jean Baudrillard, phê phán niềm tin ngây thơ vào sức mạnh của lý trí và khoa học. Họ cho rằng, ở thời hậu hiện đại, kiến thức, cái mà các nhà Khai sáng tin là phổ quát, đã trở thành hàng hóa. Theo Thomas Kuhn, trong Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, tri thức khoa học của con người hoàn toàn không phải là khách quan mà thật ra chỉ là tập hợp những cách nhìn phù hợp với một kiểu tư duy mà ông gọi là paradigm. Vì thế, theo họ, sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta đi tìm một chân lý phổ quát, điều vẫn được coi là mục đích tối thượng của khoa học. Richard Rorty, nhà triết học hàng đầu của Hoa Kỳ, lập luận rằng một khi không thể tìm được chân lý phổ quát thì điều nên làm là tổ chức tốt cuộc sống của con người theo quan điểm “thực dụng luận”.
Các nhà tư tưởng hậu hiện đại cũng cho rằng, những ranh giới văn hóa chẳng qua là sản phẩm của quan hệ quyền lực. Điều này có thể thấy rất rõ trong sự áp đặt các chuẩn mực văn hóa. Ernesto Laclau tóm tắt chủ nghĩa hậu hiện đại như là sự tỉnh ngộ trên ba khía cạnh: nhận thức luận, đạo đức và ý thức chính trị. Tương tự như vậy, Henry Giroux đưa ra ba luận điểm mà ông gọi là ba sự “phủ định”: 1) phủ định tính phổ quát, lý trí và cơ sở của nhận thức; 2) Phủ định các ranh giới của văn hóa; 3) Phủ định tính chủ thể.
Những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại không phải là không có vấn đề và chủ nghĩa hiện đại cũng không phải không có những người bảo vệ. Jurgen Habermas chẳng hạn, cho rằng chủ nghĩa hiện đại là một dự án bị bỏ dở mà đáng lẽ phải thể hiện lý tính tiến bộ (progressive rationality) của năng lực giao tiếp (communicative competence) cũng như cơ sở của chủ thể độc lập. Giroux thì cho rằng sự công kích của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tính phổ quát cũng như cơ sở của nhận thức có nguy cơ xóa nhòa ranh giới giữa các đại diễn ngôn nhất nguyên (monocausal discourse) với những diễn ngôn tạo sinh đóng vai trò nền tảng cho sự kết hợp các nhóm diễn ngôn khác nhau trong khuôn khổ lịch sử tương đối của một dự án chung. Nói cách khác, nó không phân biệt các đại diễn ngôn mang tính quyết định luận, giáo điều và áp đặt, với những diễn ngôn lịch sử, cụ thể và biện chứng, có thể biến đổi và kết hợp với các diễn ngôn khác trong những bối cảnh lịch sử và xã hội nhất định.
[i] Eco, Umberto: Tản mạn: Tiền phong, hiện đại, hậu hiện đại, Vũ Ngọc Thăng dịch, http/www.talawas.org
[ii] Lyotard Jean Francois: The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, Trans, Geoff Bennington and Brian Massumi. Minneapolis: U of Minnesota P, 1979 (81)