Rượu – Thơ và Trăng – Thơ

RƯỢU – THƠ VÀ TRĂNG – THƠ…

Y NGUYÊN

các nhà văn (trái qua): Nguyễn Mỹ Nữ, Anh  Vũ, Lê Khánh Mai, Nguyễn Minh Cường và  Y Nguyên. – Trại sáng tác văn học Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tại Resort Sao Việt, Phú Yên,  tháng 4 năm 2012

  
I- RƯỢU VÀ THƠ

Trời đất sinh ra rượu với thơ

Không thơ, không rượu sống như thừa…

            Hai câu thơ đầy “võ đoán” kia của ai? Xin thưa: của chàng Thi – Tửu – Sĩ Tản Đà. Ngàn lần xin lỗi Người Thơ khi tôi – kẻ hậu sinh thò lò mũi xanh – dám “cả gan” gọi bậc tiền bối bằng “chàng”. Nhưng trời sinh tôi vốn cứng đầu. Ấy là ý riêng của tôi; và tôi cứ muốn khăng khăng giữ cái “ý riêng” kia, mặc kệ nguy cơ có thể bị… ăn đòn. Với tôi, Thơ không có tuổi, Người Thơ không có tuổi. Người Thơ mãi là “chàng” – cho dù đó là Lí Bạch, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Rimbaud, Lermontov, Đinh Hùng…. Trong những giấc mơ của mình, tôi lang thang dưới bầu trời Thơ; cái bầu trời không có chỗ cho qui luật tương đối của Einstein; và tôi thấy – không từ một ai – rành rành từng khuôn mặt Người Thơ từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây. Chẳng còn quá khứ, chẳng còn vị lai; vẻ như nghìn triệu năm xưa họ đã cùng hiện hữu, cùng nắm tay nhau ca hát dưới bầu trời Thơ và nghìn triệu năm sau cũng vậy. Không còn ranh giới địa lí; không còn ranh giới giống nòi; không còn Anh ngữ, Pháp ngữ, Việt ngữ, Nga ngữ…. Đúng hơn, vẫn còn một ngôn ngữ. Duy nhất một ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ không còn sợ bất đồng ngôn ngữ: ngôn ngữ Thơ. Nguyễn Du tâm tình cùng Tagore. Vương Bột cãi vã cùng Pouchkine. Apollinaire nghiêng nghiêng mái đầu đẹp như tượng thần Appollon, duyên dáng đọc thơ tình tán tỉnh Xuân Hương nữ sĩ. Cái Tháp Babel Nghệ Thuật cứ ngang nhiên hình thành – uy nghiêm, cao vọi – bất kể nỗ lực cản ngăn từ Đức Chúa Trời…

            Hình như tôi đã để bạn thắc mắc hơi lâu với cái tiêu đề: Rượu và Thơ. Vâng, Trời đất sinh ra rượu với thơ; cái duyên nợ “oan gia” kia đã được Người Thơ khái quát bằng cách “nói ngang”, không lí giải dài dòng. Với chàng Thi Nhân núi Tản sông Đà, Rượu và Thơ là một. Thơ say người như rượu. Rượu ám ảnh như Thơ. Rượu – Thơ là của “trời đất sinh”; là những thực thể mang đầy Thiên tính, ẩn hiện chập chờn bộ mặt cười cợt của con Sphinx lang thang trong thế giới hữu hạn của kiếp người. Là Thơ, cần phải say. Là Người Thơ, cũng cần phải say. Người Thơ không say làm sao Thơ say. Thơ không say còn gì là Thơ; còn gì là nghệ thuật! Rượu ám vào Thơ, ám vào Người Thơ khiến Người Thơ say và khiến Thơ say. Cực cùng những khoảnh khắc Người Thơ, những khoảnh khắc Thơ cũng là những khoảnh khắc say. Bầu trời Thơ tôi từng lang thang trong những giấc mơ cũng là một bầu trời say, một thế giới say. Những Ngưòi Thơ say lang thang trong thế giới say như một hành trình định mệnh; cuộc hành trình oan – nghiệt – ngọt – ngào – và – say – sưa tìm về Thánh địa Canaan; Thánh địa “sữa và mật chảy tràn” như cái đích Tuyệt Đối của cuộc – hành – hương đi – tìm – tuyệt – đối. Chắc bạn đang sắp sửa nhảy lồng lên mà quát vào mặt tôi: làm gì có tuyệt đối? Không phải chỉ mình bạn muốn quát tôi đâu; lí trí tôi cũng đang sừng sộ cùng tôi những lời lẽ chẳng hay ho…. Than ôi! Con người luôn biến thành hung dữ mỗi khi cuốn “kinh Coran” nhật tụng của mình bị nói khác đi. Lí trí tôi cũng không vừa; nó đánh hơi thấy nguy cơ; và nó đang nhăm nhe tiến hành một cuộc “Thập Tự Chinh” với đầy đủ gươm đao, súng đạn!!! Thực tình, tôi không sợ bạn bằng sợ lí trí của tôi. Nội chiến bao giờ cũng là cuộc chiến gian nan. Chẳng hay ho chi cái chuyện huynh đệ tương tàn. Và để tránh nguy cơ huynh đệ tương tàn, tôi đành xuống nước, chịu thua: Vâng, thì tao sai; không có tuyệt đối…. Mà đúng. Tôi sai. Làm gì có tuyệt đối trong thế giới tương đối? Trong cái thế giới tương đối loài người đang hiện hữu, rõ ràng là tôi sai, sai bét nhè. Mà không phải riêng tôi sai; cả… Einstein cũng sai đứt đuôi con nòng nọc! Còn gì không sai khi ông khẳng định rằng: Cái chi cũng tương đối…. Mọi cái đều “tương đối” thì rõ ràng lí thuyết của ông cũng chỉ đúng trong phạm trù… tương đối! Còn nữa, cái công thức bất hủ E = MC2 khẳng định khả năng bất tử của con người rành rành là “phạm huý”, đáng bị nền văn minh duy lí qui cho “tư tưởng tà đạo”; hay nghiêm khắc hơn thì có thể nhận lãnh tội danh “chống lại loài người”!!! Ấy vậy, nhưng dù sao Einstein cũng đã là người nổi tiếng. Người nổi tiếng thì đáng tin – đáng tin ngay cả những chuyện… không hề đáng tin; và con người duy lí, con người tỉnh táo của tôi cứ cố tình lờ đi chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” kia để khư khư bảo vệ cái tín điều xác lập trật tự tư duy duy lí – thứ “phao cứu sinh” mang tính sống còn mà lí trí không dám buông ra; sợ bị… chết chìm!

            Chỉ trong những giấc mơ của mình – khi lí trí tỉnh táo, dữ dằn đã ngủ yên – tôi mới dám lang thang vào thế giới của những điều sai, thế giới không có bóng dáng của Einstein cùng niềm tin tương đối hiện ra cản đường cuộc hành hương đi tìm tuyệt đối. Người Thơ tin cái tuyệt đối, đi tìm cái tuyệt đối bởi Người Thơ say. Mọi Người Thơ đều say – kể cả Người Thơ biết uống rượu say và không biết uống say! Biết uống hay không biết uống; uống nhiều hay uống ít có gì quan trọng đâu. Miễn là biết say; thấm thía cái cảm giác say sưa – cái cảm giác nâng bổng hồn người lên, đưa con người vượt thoát khỏi những trì trệ của xác thân bị buộc trói bởi những giáo điều, tín lí, định chế thước khuôn – cái trật tự duy lí cứu vớt con người ra khỏi u mê để chuẩn bị áp đặt lên con người một hình thái u mê kiểu khác! Cái thế giới tỉnh đang bập bênh trước nguy cơ bị chết chìm kia phải cần một đối trọng để tồn tại. Đối trọng ấy chính là thế giới say. Rượu saythơ say. Chẳng trách tự kiếp nào, rượu bước vào thơ, tồn tại trong thơ, song hành cùng thơ như một ám ảnh khôn nguôi Trăm năm thơ túi rượu bầu/ Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai…. Là ai? Là một Lí Bạch Tam bôi thông đại đạo/ Nhất đấu hạp tự nhiên…; là một Tản Đà Say sưa nghĩ cũng hư đời/ Hư thời hư vậy, say thời cứ say…. Còn nữa; còn Nguyễn Bính Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay…; còn Đỗ Huy Nhiệm Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng/ Vét chút hương còn ép sát môi…;  hay “bợm” hơn, “liều” hơn thì có Trương Nam Hương Rót rượu tràn li mừng bạn đến/ Ngày xưa Nguyễn Bính cỡ đô mình/ Nâng li bạn dốc trời xanh cạn/ Quơ đũa khà say gắp tiếng chim…. Ơi, cái say muôn thuở của Người Thơ – sao mà… dễ thương đến vậy. Mà không phải chỉ dễ thương thôi đâu; cái say của Người Thơ hình như là cái… say tỉnh. Đúng. Cùng cực của saytỉnh. Người Thơ cần say, phải say để tỉnh; để thấy được ánh sáng bằng đôi mắt ; nghe được thanh âm bằng đôi tai điếc, sờ mó được vạn vật bằng đôi tay không còn xúc giác…. Tóm lại, lìa bỏ giả tướng để đi vào thực tướng, liều băng qua cái hữu hạn của chân trời ý thức đánh đổi lấy cơ may một khoảnh khắc bừng sáng niết bàn vô thức – như ngọn bút thần kì điểm nhãn con rồng thi ca khiến Thơ vụt bay lên, hoá thành linh vật thiêng liêng phá tung cái khuôn chật hẹp hữu hạn của ngôn từ…

            Tôi đã lang thang quá lâu cùng những giấc mơ của mình – và hình như tôi cũng bắt đầu say. Mà không! Vẻ như tôi đã say từ lúc bắt đầu mơ. Người ta không thể không say khi bước chân vào một thế giới say. Con người tỉnh lỡ lạc chân vào thế giới say là một tai ương – tai ương cho con người tỉnh và tai ương cho cả… thế giới say. Thảm trạng ấy cũng không từ trường hợp người say lạc chân vào thế giới tỉnh!  Người say gây không ít tai hoạ cho người tỉnh; nhưng người tỉnh đôi khi vẫn phải cần một cơn say. Càng lún sâu vào những cơn say, người ta càng phải trả giá đắt khi ra khỏi cơn say. Ấy vậy; nhưng rồi con người vẫn… không thể không say! Tỉnh – say như hai mặt của cuộc đời: chống báng, huỷ diệt nhau; nhưng lại cần nhau, tồn tại song hành không thể thiếu nhau – Ấy là điều kì – diệu – bi – hài của đời sống! Tôi đã trốn chạy con người duy lí của mình bằng những giấc mơ vô định; và giấc mơ tôi chỉ mở cho tôi cánh cửa thế giới say khi tôi bắt đầu say. Vậy thì, những người bạn đồng hành của tôi, muốn cùng tôi , bạn hãy cùng tôi say. Chỉ có cùng say, say “tít cung thang” – cho mắt mù, tai điếc – chúng ta mới có cơ may thấy hồn Rượu – Thơ bay lượn; mới có cơ may nghe tiếng vọng mặc khải vô ngôn âm thầm từ ngôn ngữ Rượu – Thơ…

II- TRĂNG VÀ THƠ

            Tôi muốn bắt đầu chuyện Trăng – Thơ từ tên của một Người Thơ rất thơ. Vẻ như Người Thơ ấy vừa mở mắt chào đời đã biết làm thơ; và tiếng thơ đã lập tức vang lên ngay từ những nguyên âm, phụ âm bập bẹ đầu tiên của lớp vỡ lòng…      Người Thơ kì dị ấy là ai?

             Trần Đăng Khoa!

            Cái tên “Đăng Khoa” tiền định vừa giúp anh vừa hại anh. Giúp Người mà hại Thơ. Phải, anh đã “đăng khoa”; đã trở thành một nhân vật tiếng tăm, khoa bảng; và cái tiếng tăm, khoa bảng kia khiến Thơ… kinh hoàng, không dám ở lâu trong cái đền đài khoa bảng. Nó đành xách gói lang thang đến những con người nhỏ bé hơn, tội nghiệp hơn để tìm chỗ nương nhờ…

            Ấy thế, nhưng ngày còn đầu trần, chân đất lang thang nơi Góc sân và khoảng trời, Chú Tiên Đồng Thơ Trần Đăng Khoa chưa có “mùi” khoa bảng. Chưa có mùi khoa bảng – nghĩa là anh còn trọn vẹn là một Người Thơ; và những vần thơ bập – bẹ – thành – thơ kia đã kịp thời đóng một dấu son lên vòm trời Thơ đất Việt. Dấu son ấy không rừng rực. Nó sáng lung linh, chập chờn, bàng bạc – thứ quang năng của những con người mang mệnh Thái Âm bị ám ảnh suốt đời bởi nhan sắc của… Hằng Nga! Trăng ơi từ đâu đến/ Hay từ cánh rừng xa…/ Trăng ơi từ đâu đến/ hay biển xanh diệu kì…/ Trăng ơi từ đâu đến/ Hay từ lời mẹ ru…. Cái hồn Thơ tuổi còn rất thơ kia đã bị ám ảnh bởi vầng trăng trong một khoảnh khắc sững sờ, chết lặng cảm giác thôi miên: Con chim quên không kêu/ Con sâu quên không kêu/ Chỉ có trăng sáng tỏ…. Thế giới đầy trăng, toàn trăng, rợn ngợp trăng không phải của riêng Người Thơ Trần Đăng Khoa; nhưng vừa mở mắt làm thơ đã lập tức bị hút hồn bởi trăng thì chỉ có Khoa là một! Cái vệ tinh kích thước bằng một phần sáu địa cầu kia có duyên nợ thế nào với Thơ – hãy còn là ẩn số muôn đời đánh đố nhân gian; chỉ biết rằng Người Thơ không thể sống không trăng; Thơ không thể sống không trăng. Nếu rượu là bạn của Thơ thì Trăng là mẹ của Thơ; hay nói như chàng thi sĩ “Xuân không mùa” họ Ngô: Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ! Cái “vú” ấy tuôn ra dòng sữa linh diệu, vĩnh cửu đời đời nuôi lớn những hồn Thơ; và “đứa con Thơ” – dẫu có trưởng thành, bay cao, bay xa – vẫn không thể nào dứt ra khỏi “bầu sữa mẹ”! Con người không thể quên, không có quyền quên mẹ. Đứa con quên mẹ là đứa con đang bắt đầu cuộc hành trình vong bản, đang tiến dần đến thảm họa diệt vong. Còn Thơ, thơ cũng không quên, không thể quên bà mẹ trăng dịu dàng, bí ẩn, lung linh. Người thơ sinh trên mặt đất nhưng Hồn Thơ lại ngụ trong trăng. Cái nhan sắc đầy cảm tính của trăng đang dội vầng hào quang cảm tính lên Thơ; và cảm tính đích thực là cái thần của thơ – cái thần mà nếu đánh mất đi, thơ sẽ chỉ còn là một đống tạp nham, lổn nhổn những ngôn từ…

            Trong những giấc mơ của mình, những Người Thơ tôi được diện kiến thảy đều lung linh trên trán một vầng trăng. Cả bầu trời Thơ bàng bạc trong ánh sáng lạnh lùng, ma thuật của trăng. Tôi đã gặp ở đâu rồi – cái không gian ám ảnh đầy trăng đến độ trở thành ma quái trong Thơ? À, phải, gặp nơi… Bến My Lăng!!! Cái Bến My Lăng hư thực của Người Thơ đất Tây Sơn khiến con người cực kì dũng cảm trong cuộc hành trình đầy bất trắc vào cõi Thơ như Hoài Thanh cũng phải “cơ hồ ngạt thở”! Còn tôi, nhút nhát hơn nên không chỉ ngạt thở; tôi còn suýt… đứng tim! Tôi không quá lời đâu. Tôi đang nói thật – ít ra là thật với chính tôi. Vừng trăng ma quái kia không chỉ dành riêng cho một Yến Lan. Trăng dành cho tất cả mọi Người Thơ. Ấy là bà mẹ chung; nhưng bà mẹ ấy lại không thích những đứa con của mình giống nhau. Người giống nhau thì cũng hay hay; nhưng Thơ giống nhau thì là… đại họa! Tôi chợt giật mình khi nhớ đến hai câu thơ tưng tửng như đùa của Người Thơ non côi sông Vị: Năm châu cũng một ông mà/ Kể riêng thì lại mỗi nhà một ông…. Phải, mỗi nhà một ông. Vừng trăng trên trán mỗi Người Thơ đều là tặng vật của Mẹ Trăng, đều chung toả chiếu lung linh; nhưng cái quyền lực ma quái mẹ ban cho mỗi đứa con Thơ lại riêng, rất riêng, không hề trùng lặp! Trăng Hàn Mặc Tử trần truồng, nôn nao, đầy nhục cảm. Trăng Xuân Diệu hừng hực, rạo rực men say tình ái bốn mùa. Trăng Lí Bạch bàng hoàng, da diết nỗi hoài hương. Trăng Hoàng Hữu lại tha thiết van lơn như tiếng lòng biệt li đang hướng về nhau tự hai đầu nỗi nhớ…. Còn Trăng trên Bến My Lăng? Chỉ là một bến Trăng –  đầy Trăng, toàn Trăng, ngập lụt là Trăng! Vẻ như nơi ấy Trăng đang hoàn toàn chủ tể, đang vô hình đến vĩ đại, vô tướng đến bao la. Trăng mềm như nước mà tuôn tràn khắp không gian. Trăng ảo như sương mà vương vất đến vô cùng…. Bến My Lăng thực sự là một cõi riêng. Cõi ấy vừa thực vừa hư. Đúng ra, nó thực với Người Thơ; thực đến mức trở thành phi thực với thực tại! Cõi ấy mơ màng và tĩnh tại – tĩnh tại với một uy lực gần như tuyệt đối; mà, lạ lùng thay, cái uy lực kia lại chẳng có vẻ gì là uy lực! Trăng trên Bến My Lăng không còn nôn nao, không còn rạo rực, không còn da diết, không còn van lơn…. Chỉ là Trăng, thuần Trăng, đứng bên lề dòng chảy thời gian, vượt lên trên thất tình, lục dục của cõi người! Cái uy lực chẳng có vẻ gì là uy lực kia hoá ra lại là uy lực tuyệt đối; nó khiến “con chim, con sâu” của Trần Đăng Khoa “quên không kêu”; nó khiến Xuân Diệu phải cùng người yêu “đi nhẹ nhẹ/ Im lìm không dám nói năng chi”; và khiến Hoài Thanh “cơ hồ ngạt thở”! Cái uy lực tĩnh tại tuyệt đối khiến Người Thơ rợn ngợp, kinh hoàng nhận ra thân phận mong manh, bé nhỏ của mình – và thanh âm gọi đò trên Bến My Lăng cứ vọng vang như tiếng kêu bất lực của con người trong nỗ lực tuyệt vọng sau cùng muốn với tới cái vô biên. Tuyệt vọng và bất lực – bởi làm sao đi vào tĩnh tại bằng con đường động vọng; cũng như nỗ lực tìm không bằng có, tìm vô biên bằng hữu hạn – hoá ra – chỉ là… công việc dã tràng!

            Nói chuyện Thơ-Rượu, Thơ-Trăng, tự dưng tôi nảy ý… “sang đàng”, muốn lang thang một chút cùng Thi Nhân Lí Bạch. Phải, Thi Nhân Lí Bạch, nỗi ám ảnh thi ca của mọi thời đại, nỗi ám ảnh của một đời người, một đời Thơ. Sống Thơchết Thơ. Lạ lùng – vẻ như Người Thơ không phải là người; càng không phải thần thánh. Đúng hơn, Lí Bạch chỉ là Thơ. Có người bạn từng hỏi tôi: đâu là bài thơ hay nhất của Người Thơ? Trường can hành chăng? Tương tiến tửu chăng? Vọng Lư sơn bộc bố chăng? Hay… Thanh bình điệu??? Xem ra, thơ Lí Bạch tất cả đều hay. Tất cả đều hay – nghĩa là chưa tìm thấy tuyệt hay; vậy, biết bài nào là… nhất? Ấy vậy mà, cuối cùng, tôi cũng tình cờ tìm ra bài thơ hay nhất. Tiếc rằng, cái nhất của tôi không hợp ý bạn tôi. Dễ hiểu, bởi ấy là cái nhất của chủ quan tôi… mà không! Không phải chủ quan; cái nhất ấy tôi nhìn thấy trong những giấc mơ; và cái thấy được trong mơ chỉ có thể đem chia sẻ cùng người đang mơ – tức những người bạn đồng hành

            Tôi đang cố chấm dứt cái tật dông dài để không “chọc giận” thêm những người bạn đồng hành của tôi. Ngàn lần xin các bạn tha cho; tạng tôi vốn thích dông dài. Bởi thích dông dài nên tôi mới viết tản văn; và tản văn thì không thể thiếu chuyện dông dài. Cuộc dạo chơi hư – thực này cũng sung sướng ngang ngang với chuyện… sa đà của trẻ thơ. Người mơ thì cũng giống trẻ thơ. Chỉ trẻ thơ mới dư thừa, hào phóng mộng mơ; và cái-thằng-tôi-trẻ-thơ (hay cái-thằng-tôi-mộng-mơ) đang muốn kể hầu các bạn câu chuyện trong mơ. Chuyện kể rằng: giấc mơ tôi đã tình cờ đọc ra… bài thơ hay nhất của Người Thơ. Bài thơ ấy không tên; hay nếu phải miễn cưỡng đặt tên – thì có thể gọi là…

            …Bài thơ Lí Bạch!

            Phải, bài thơ ấy được viết nên bằng cuộc đời Lí Bạch. Cuộc đời hư thực – sống Thơchết Thơ. Bằng giọng điệu tỉnh-say, cái thằng-tôi-mộng-mơ cứ khăng khăng không thừa nhận Lí Bạch là người. Nó nhất quyết rằng: Lí Bạch là Thơ. Tại sao Thơ? Bạn Lí Bạch là ai? Đỗ Phủ chăng? Thôi Hiệu chăng? Đường Minh Hoàng chăng? Không – cái thằng tôi bất trị gào lên –  đó chỉ là những người quen, không phải bạn. Người bạn thuỷ chung, tương đắc suốt đời Lí Tiên Sinh là… rượu. À, ra thế. Có lẽ…. Vẻ như, Người Thơ suốt đời cắp theo be rượu; suốt đời hiện diện nơi thế giới say; ngập chìm, lãng đãng trong say. Là người của thế giới say, tất nhiên những danh vọng phù hoa của thế giới tỉnh mà vị hoàng đế Đại Đường nhã ý ban cho – với Thi Nhân – quả tình là hư không; quả tình chẳng hơn gì… đôi giày rách Thi Nhân “cả gan” xìa vào mặt viên hoạn quan Cao Lực Sĩ!!!

            Tôi đang đọc cùng bạn, đọc đến mệt nhoài bài thơ hay nhất của Người Thơ viết về chuyện sống Thơ…. Nhưng chưa! Bài thơ hay nhất ấy chưa dừng ngang đây. Còn nữa. Còn một đoản khúc. Cái đoản khúc ghê gớm, dữ dằn và cũng lãng mạn bậc nhất viết bằng ngôn-ngữ-lặng-im về cái chết Thơ.Lí Bạch… chết rồi chăng? Không, Lí Bạch không chết. Lí Bạch là Thơ; mà Thơ thì không chết. Thơ chết là… hết chuyện. Đằng này, chúng ta còn thừa chuyện để dông dài thâu đêm suốt sáng– nghĩa là Thơ chưa chết. Thơ chỉ trở về. Về với ai? Với Mẹ. Mẹ nào? Mẹ Trăng!!!

            Đúng, sau cuộc hành trình rong chơi thấm mệt, Thơ lại về với Mẹ Trăng. Lí Bạch đã về với Mẹ Trăng. Lí Bạch không “gieo mình” vì trăng – cái vầng trăng không-là-Mẹ-Thơ. Cái vầng trăng “sù sì và khô cằn” mà Dư thị Hoàn ngộ nhận kia chỉ là vệ-tinh-trăng. Vệ-tinh-trăng không thể là Trăng; cũng như cái hành tinh thứ 9 trong hệ mặt trời chẳng thể nào là Đất – cái “Đất” mà Người Thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi ta đi, Đất bỗng hoá tâm hồn…

            … Không riêng Dư Thị Hoàn, cả tôi cũng bị ngộ nhận khi dùng cụm từ “cái chết Thơ”. Đúng, Thơ không thể chết, không bao giờ chết. Cái chết chỉ hiện diện trong thế giới hữu hạn, trong cái nhìn ý thức. Vệ-tinh-trăng có thể bị bào mòn, tiêu biến hoặc nổ tung một ngày nào đó. Còn Trăng – Bà Mẹ Trăng vô hình, vô tướng của thi ca – luôn tồn tại vĩnh cửu cùng những “Đứa Con Thơ”; không bị chi phối bởi qui luật tồn-vong, sinh-tử của kiếp người…

    III- TẢN MẠN CÙNG… TẢN MẠN

            Không biết tự bao giờ, tôi đã trở thành nạn nhân của những giấc mơ.Tôi không đi tìm giấc mơ. Tự những giấc mơ kéo đến tìm tôi. Và những giấc mơ tôi bao giờ cũng lạ lẫm… như mơ; nghĩa là nó cứ nhăm nhe đòi “cãi nhau” cùng thực tại! Nói thế để thanh minh rằng không phải tôi… cố ý. Như tôi đã kể từ đầu, những giấc mơ luôn rủ rê tôi lạc vào một thế giới say. Thế giới ấy không có chỗ dành cho những kẻ không say. Và để tự cứu mình, tôi cũng… hoá say, say ngay từ lúc bắt đầu mơ! Những ý tưởng mập mờ, lộn xộn trong bài viết của tôi được viết ngay trên bước đường lang thang vô định vào những giấc mơ Thơ, những giấc mơ say. Nói trắng ra, người viết là một… thằng say! Tư tưởng nhân văn mách bảo chúng ta: những thằng say bao giờ cũng đáng thương hơn đáng giận! Vậy nên, những người bạn đồng hành của tôi, nếu bạn có bực dọc hay “đau đầu” vì chuyện mập mờ, lộn xộn – xin bạn hãy thử cùng tôi say. Nhược bằng không thích say, bạn có thể phẩy tay: Ối, thằng say; chấp làm gì…

                                                       Đất Phú – Thu Giáp Thân

                                                                  Y.N