Ở Nha Trang tôi có một người bạn


Ở NHA TRANG TÔI CÓ MỘT NGƯỜI BẠN

 

TRẦN KỲ TRUNG

 

         Tôi biết Trần Việt Kỉnh từ hồi cùng học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội I. Kỉnh học khoa Văn, còn tôi học khoa Sử. Hồi ấy, những năm 1976, ai là bộ đội phục viên, về học lại trường sư phạm này, rất dễ thân nhau, dẫu khác khoa. Tôi và Kỉnh là như vậy, cùng là sinh viên, cùng lên đường nhập ngũ, rồi cùng về lại trường khi ra quân. Cứ chiều chiều, khi ăn cơm xong, tôi lại thấy Kỉnh khua guốc gỗ lộp cộp đi từ nhà A7 ( khu ký túc xá sinh viên khoa Văn) sang khu A6, ký túc xá của chúng tôi chơi. Kỉnh thường ăn vận giản dị, mà quả thật hồi đó, lũ bộ đội phục viên của chúng tôi cũng toàn nhất bộ màu xanh, quân phục mang về từ thời quân ngũ, khác chăng, mỗi thằng thêm đôi “ guốc gỗ”, đi cho nó là lạ một chút. Mới tiếp xúc với Kỉnh, hơi e ngại, khuôn mặt đôi chút ngầu, ít nói, nói hay nhìn thẳng vào người đối diện, nhưng rồi đến lúc thân lại rất thích bởi Kỉnh là người hiểu đời, sống không để bụng, thật giả dễ phân biệt. Kỉnh chơi thân với Huy (sau này Huy dạy môn Giáo học pháp ở trường Đại học sư phạm Hồ Chí Minh, đã mất), Huy nằm cạnh tôi, nên Kỉnh đến không có Huy, lại bắt chuyện với tôi. Tôi thân với Kỉnh từ đó. Tôi quý Kỉnh, một phần những suy nghĩ có vẻ chín chắn hơn ( Kỉnh hơn tôi hai tuổi), phần nữa, những dự định khi tốt nghiệp mà Kỉnh tâm sự, tôi nghe rất phục, như sáng tác, rồi cả nghiên cứu văn học dân gian… Hồi ấy nghe Kỉnh nói dự định của mình, tôi suy nghĩ: “ Không biết bố này vẽ ra như thế liệu có thực hiện được không”.Có ai ngờ, những dự định khi còn là sinh viên, đến lúc tốt nghiệp ra trường công tác tại Nha Trang, Kỉnh làm được rất nhiều. Tôi quý Kỉnh, nhất là sự chân tình với bạn. Khi tôi dạy ở Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, Kỉnh liên tục hỏi thăm, rất mong tôi về Nha Trang để Kỉnh đón. Những năm 1978 đến năm 1982, tình hình đất nước ta thậm khổ, ăn uống thiếu thốn, đi lại khó khăn, từ Quy Nhơn về Nha Trang đâu có cách xa, ấy vậy mà tôi không có điều kiện đến thăm Kỉnh. Đã vậy, công việc giảng dạy rất bận, Kỉnh hỏi thăm, viết thư động viên, chia sẻ kinh nghiệm… tôi cũng ít khi hồi âm. Giờ nghĩ lại, mới thấy ân hận, mà ân hận thì mọi chuyện đã muộn. Qua bạn bè, tôi biết thời gian này Kỉnh lập gia đình, vẫn làm công tác giảng dạy ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang rồi hay tin Kỉnh không làm công tác giảng dạy nữa mà trở thành một chuyên viên của Sở Văn Hóa làm công tác nghiên cứu về văn học dân gian, đúng sở trường và mơ ước từ thủa sinh viên. Tôi mừng cho bạn.

              Khi tôi không còn làm công tác giảng dạy ở trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, chuyển về NXB Đà Nẵng, đi lại có phần dễ dàng hơn, đến lúc này tôi mới có điều kiện gặp Kỉnh, sau bao năm xa cách.

             Gặp Trần Việt Kỉnh, vẫn tình cảm nồng hậu như hồi còn học ở Hà Nội. Kỉnh làm cơm rồi vồn vã mời tôi về nhà. Về nhà của Kỉnh, tôi mới biết thêm một “ chi tiết” đặc biệt, bà xã của Kỉnh là nhà thơ Lê Khánh Mai, một trong những hoa khôi khoa văn hồi đó, giờ chị là một nhà thơ có tên tuổi trên văn đàn.Vì thế cuộc gặp gỡ của chúng tôi càng dễ nói chuyện. Thăm Kỉnh, tôi được biết, đam mê thực hiện bằng được những dự định từ hồi còn sinh viên vẫn không dứt và Kỉnh làm được nhiều việc. Kỉnh là đồng tác giả và là tác giả của mấy cuốn sách “ Thơ ca dân gian Phú Khánh” ( 1982), “ Truyện cổ dân gian Phú Khánh” (1989), “ Đất nước con người Khánh Hòa” và đặc biệt cuốn “ Nữ thần Pô Na Ga ”(1989) được dịch giả Honđa Mamoru dịch ra tiếng Nhật… Thời điểm này, Kỉnh ra sách liên tục thì tôi, vẫn là một anh biên tập viên của Nhà Xuất Bản chưa ra được một cuốn sách nào. Tôi nhìn Kỉnh với ánh mắt thán phục, những dự định thời sinh viên của Kỉnh, thì nay đã thành hiện thực. Nhìn những công trình văn hóa của Kỉnh, mới thấy sức làm việc của Bạn thật đáng nể, nhưng có điều lạ, Kỉnh không hề “ khoe” những chuyện này với tôi, coi những chuyện đó là bình thường, chỉ là sự khởi đầu, như một một vận động viên tập khởi động để có sức khỏe, kinh nghiệm … đến với những cuộc đua đường trường“ văn học” không có đích.

          Một lần tôi về Nha Trang giúp Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang ra cuốn sách “ Nha Trang Xưa và Nay”, một việc khó, tôi nhờ Kỉnh. Kỉnh giúp tôi tận tình. Nhờ sự giúp đỡ của Kỉnh, công việc ra sách trở nên suông sẻ, đúng kế hoạch và đặc biêt, cuốn sách đạt được nội dung, thẩm mỹ. Kỉnh không chịu nhận những món quà của NXB Đà Nẵng tặng, mà nói với tôi: “ Thấy ông vào Nha Trang là tôi mừng, quà cáp làm gì. Tình bạn tốt sẽ còn nhớ và sẽ còn đến với nhau”. Tôi với Kỉnh nhiều lần tâm sự, lúc ở bãi biển, lúc trong quá trà, khi bên bàn nhậu. Kỉnh uống rất ít, mà ngồi nói chuyện với bạn là nhiều. Những nhân tình thế thái, nỗi vui buồn, hai anh em kể nhau nghe. Qua những lần tâm sự, tôi hiểu, cuộc đời của Kỉnh không phải thuận buồm xuôi gió mà cũng có nhiều trắc trở, có điều, bình tĩnh, ít nói, suy nghĩ thật chín chắn, tin ở mình. Kỉnh nói nhiều về chuyện gia đình, tự hào có người vợ thương chồng, chia sẻ niềm vui, san bớt nỗi buồn, cùng chồng xây dựng sự nghiệp. Kỉnh kể về những người con, vui với thành tích học tập và sẽ hạnh phúc trong tình yêu mà các cháu đã chọn.

         Ngoài công việc, Kỉnh còn làm thơ, với tôi Kỉnh là một nhà thơ Chính Hiệu viết hoa. Nhiều bài thơ Kỉnh chép tay tặng tôi khi ở bàn trà, trong quán nhậu đọc thấy vui, ấp áp nhất là tình bạn, hãy sống vì nhau, lúc khổ đã nhớ, lúc vui phải càng nhớ hơn. Tôi được Kỉnh tặng tập thơ “ Lửa và Đất” – đọc nhiều bài thơ của Kỉnh viết, có thể đó là lúc ngẫu hứng, hoặc như ngồi một mình, bất chợt một câu thơ vụt hiện lên… Đấy là điều tôi suy diễn, ấy vậy vẫn cứ tưởng như Kỉnh viết tặng riêng cho tôi:

 

          …Nắng chiều xiên khoai xế bóng

             Ta ngồi, ta nhớ bạn hiền

             Rượu rót, chờ mong – ruột nóng

             Giờ này sao bạn chưa lên?

 

             Trời đã cho ta cuộc sống

             Làm sao thiếu nổi bạn bè

             Rượu thường khơi nguồn thi hứng

             Vắng bạn – Thơ đọc ai nghe?

 

         Trong thơ của Kỉnh rất ít khi nỗi buồn hiển hiện, nhưng đọc lâu, mới thấm nỗi buồn đó, nó đẫm lên khóe mắt, cái nhìn, suy tư, đậm đặc đến độ gần như bình thường, mình cam chịu. Tôi nghĩ không dễ nhà thơ nào, có thể viết được điều đó. Nhưng bạn của tôi, Trần Việt Kỉnh, đã viết được. Ví dụ, khi Kỉnh gặp lại người đồng đội cũ, giờ làm người chữa xe đạp ngồi một chỗ ở ngã tư, bụi mù mịt, chẳng ai để ý, trừ những người hỏng xe. Song, dưới con mắt của Kỉnh, người bạn ấy là một hình ảnh đẹp, khó có thể quên:

 

        Sống như thế này vẫn hãnh diện đời trai

        Cái gì hiến dâng, bạn đã trao cạn kiệt

        Chiếc áo lính mòn vai mùa chiến dịch

        Vẫn mặc để ngồi sửa xe ngã tư

 

         Cái gì nên thì dùng, sửa không được là hư

         Tính rành ròi, tác phong người lính

         Sửa xe lề đường, nhưng giữ trọn chữ tín

         Sống ở ngã tư mà lòng không ngã tư.

 

            Đọc kỹ đoạn thơ trên, tôi thấy một nỗi buồn thật thấm. Những con người như người lính kia, bạn của Trần Việt Kỉnh, nhân cách đẹp như thế, sống vô tư, trọn vẹn: “ Sống ở ngã tư mà lòng không ngã tư” sao không ai nhìn thấy!!! trừ bạn tôi, Trần Việt Kỉnh.

           Tôi cũng đã từng đi bộ đội, cũng vượt dãy Trường Sơn, vai chai sạn vì chiếc ba lô nặng vít xuống. Đã có lần quá mệt khi trèo qua một dốc cao, tôi ước ao: “ Giá như chiếc ba lô trên vai của mình ai đó vác hộ hoặc lấy đi, tốt bao nhiêu!”. Với tôi, kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp, nhiều lúc không muốn nhớ! Đó là những năm tháng khủng khiếp. Nhưng với Trần Việt Kỉnh, ngược lại, những năm tháng đó là những năm tháng như những bao cát chất ngày một cao cho con đê tình yêu ngày càng vững chắc, bất chấp sóng to, bão dữ. Chỉ chiếc ba lô cũ bị mấy mảnh bom Mỹ cào rách, đối với Kỉnh, đó những kỷ vật nói hộ mình một ước mơ cháy bỏng:

 

             Chiếc ba lô cũ của tôi

        Quai đeo còn dấu mồ hôi thấm vào

             Mấy lỗ rách, bom Mỹ cào

        Ba lô xanh lại vá màu chỉ đen

              ( Làm sao gửi được cho em

        Những năm tháng ấy để em khâu dùm)

 

           Rõ ràng, nghĩ về quá khứ, để mình sống tốt cho hiện tại và tương lai, khi nghĩ lại những năm tháng mình đã sống, không ân hận, Kỉnh hơn tôi rất nhiều.

             Với Mẹ, Kỉnh cũng có những câu thơ cháy ruột. Tất nhiên ai viết về Mẹ mà không thế, nhưng Kỉnh viết về Mẹ có những điểm riêng, đọc như đóng dấu chặt vào suy nghĩ. Viết về Mẹ đối với Kỉnh, đó là một câu chuyện kể tình yêu chung thủy vợ chồng, là niềm thương đau đáu khi chồng đi xa. Là nỗi khắc khoải, dày vò nửa đêm giật mình thức giấc khi không thấy người thương bên cạnh và…dồn dào kỷ niệm mỗi buổi chiều ùa về khi người chồng đã khuất bóng:

    …Nhớ buổi ấy những năm đầu kháng chiến

       Cha con về làng nửa đêm thăm nhà

       Để rồi lên chiến khu biền biệt

       Đêm giáp ranh, mẹ không dám nấu một nồi cơm nhỏ

       Cả tiếng kẹt cửa cũng nhỏ hơn ngày thường

       Cuộc chia tay chỉ có ánh mắt nhìn quyến luyến…

 

             Kỉnh ghi lại hình ảnh Mẹ khi chia tay với Cha, mà phát hiện tiếng kẹt cửa cũng nhỏ hơn ngày thường, tôi cho đó là một chi tiết rất đắt, rất đẹp của tình cảm. Chỉ có người con rất thương mẹ, kính trọng mẹ thật sự mới để ý đến chi tiết đó.

           Thơ của Kỉnh nhiều chi tiết, nhưng không ngồn ngộn, không lặp lại, không ngoa ngôn… tôi cho đấy là một thành công, nếu Kỉnh đi tiếp chắc chắn sẽ có nhiều bài thơ được nhiều bạn đọc nhớ.

          Trong thơ của Kỉnh, như muôn thủa, đề tài tình yêu bao giờ Kỉnh cũng nâng niu, chăm chút như mỗi sáng mở cửa giơ tay đón ánh bình minh. Viết về tình yêu, tôi có cảm tưởng, bài thơ nào của Kỉnh cũng mới. Kỉnh đã qua năm tháng ác liệt, kề cận sống chết, được toàn vẹn trở về, được yêu, hơn bao đồng đội, tuổi đẹp nhất, đã nằm lại giữa chiến trường hoặc trên rừng đại ngàn…Nên thế, với Kỉnh, tình yêu rất thiêng liêng, không thể là một sự đùa bỡn:

 

     Có những lúc lòng không thể lãng quên

     Là nỗi niềm day dứt nhớ về em

     Như chim kia nhớ về nơi tổ ấm

     Suốt mùa đông hoảng hốt bay tìm

 

     Em ở nơi xa khuất bao núi khó tìm

     Cho lòng anh trở thành ngọn gió

     Cho lòng anh sẽ là cơn bão tố

     Bay điên cuồng, đến yên ngủ bên em

 

                    …

     Đêm khuya rồi, trái tim chưa ngủ yên

     Gọi tên em như tiếng lòng nhắc mãi

     Như quả chín đến kỳ, không kịp hái

     Tình yêu anh rụng kín gốc cây đời

          

         Quan niệm của Kỉnh về tình yêu, đọc nhiều bài thơ Kỉnh viết, hình như là sự “ trả nợ” của những người đàn ông, vì vướng bụi của kiếp phong trần, mà làm cho nhiều người phụ nữ đau khổ. Nên khi đã nên vợ, nên chồng, cái ơn của người vợ vì chồng, vì con, người đàn ông có trả đến hết đời vẫn còn nợ hay nói rõ hơn, những ngày hạnh phúc bên vợ con, bao giờ cũng là ngày hợp hôn đầu tiên, không có ngày cuối:

 

       Em đã sống cùng anh

       Qua một thời chiến tranh

       Vẫn tình yêu sâu đằm, bền chắc

       Như nhịp đi của ngày

       Như nhịp thở của đêm

       Em nhường nhịn cho anh và con

       Niềm vui nhỏ nhất của ngày thường

 

 

       Ôi bữa cơm có vợ có chồng

       Hạt gạo ta ăn không bao giờ cũ

       Tình yêu vẫn cháy sáng hàng ngày như ngọn lửa

       Ở trong căn bếp mỗi nhà

 

          Với Kỉnh, trong tình yêu, tình vợ chồng sợ nhất là sự trống vắng. Căn nhà ra vào bóng hình người thương đã trở nên quá quen thuộc, hiện hữu. Có những điều hàng ngày vẫn thấy bình thường vì nó là không khí, là ánh sáng, là một thực thể mình vẫn bám vào đó để sống, không để ý. Nhưng nếu vắng những hình ảnh đó, dù chỉ là tạm thời, cũng làm cho mình chới với, nhớ thắt ruột, cồn cào, khao khát. Bài thơ “ Đèn khuya sân ga” của Trần Việt Kỉnh, theo tôi là một bài thơ hay, nói đúng tâm trạng này:

 

        Ga Nha Trang

        Đêm ấy tiễn em đi

        Một mình tôi

                        Bóng đổ

        Một mình tôi

                         Cháy đỏ

        Như ngọn đèn khuya

                                 Sân ga

        Tiếng còi tàu

                               Rời xa

        Nha Trang

                           thành điểm hẹn

        Trăng hạ tuần quyến luyến

        Mắt đỏ

                   Khóc ai

 

 

         Nha Trang đêm nay

        Tôi nhớ một người

        Trái tim tôi chia nửa

        Một mình tôi

                          cháy đỏ

       Như ngọn đèn khuya

                                      Sân ga

 

           Làm thơ, mọi đề tài, mọi số phận con người, các cung bậc nổi chìm của tình yêu… Kỉnh đều đắm đuối, đều lo mình không thể đi đến tận cùng của cảm xúc:

 

          Bài thơ tôi dở dang

          Tưởng viết tận cùng không có đích

          Tôi chạy đua với thời gian, chạy đua cùng trang sách

          Và dường như bất lực trước những ngọn núi thơ…

 

            Và thực sự Kỉnh đã cố gắng viết, trải hết tình cảm của mình lên những trang giấy trắng. Gắng đến tận cùng.

              Hôm tôi dự trại sáng tác ở Đại Lãi, cùng với nhà thơ Pờ Sảo Mìn – Nhà thơ dân tộc Pa zí. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn lấy trong túi ra một số tấm ảnh chụp ở Nha Trang nói với tôi trong một tâm trạng buồn không thể tả:

                  – Trung thấy mấy bức ảnh này có đẹp không?

           Tôi gật đầu, nhà thơ nói tiếp, điều ấy khiến cho tôi sững sờ:

                  – Người chụp là Trần Việt Kỉnh đấy, người bạn rất thân của tôi. Anh ấy mất rồi…

           Một điều tôi không thể tin là sự thật? Sao lại đường đột thế? Mà vì sao tôi không biết tin?

           Sau này tôi mới biết, Kỉnh có tiền sử bệnh nặng, nhưng với bạn bè, gần như Kỉnh không cho ai biết, trừ người thân trong gia đình.Tính cách của bạn tôi là như thế, khi còn sống, có thành quả trong công việc, Kỉnh cũng không muốn nói, muốn khoe. Và khi mất, Kỉnh cũng lặng lẽ, cố thật nhẹ nhàng,  không muốn làm phiền ai.

            Sau này, khi tôi từ Hội An vào dự đám tang của nhà văn Phan Cao Toại, nhà thơ Lê Khánh Mai có dẫn tôi đến chỗ Trần Việt Kỉnh nằm, nhà thơ Lê khánh Mai nức nở nói với chồng:

                – Anh Kỉnh ơi! Anh Trung đến thăm anh, sao anh không ngồi dậy đón anh ấy?

            Tôi nhìn tấm ảnh của Trần Việt Kỉnh trên tấm bia, ánh mắt của Kỉnh như nhìn tôi mà lời của Bạn cứ văng vẳng bên tai:“…Thấy ông vào Nha Trang là tôi mừng, quà cáp làm gì. Tình bạn tốt sẽ còn nhớ và sẽ còn đến với nhau”.

 

                                               Hội An đầu hạ 2010